Nhìn nhận công nghiệp Việt Nam giai đoạn 1976-1980 Trong giai đoạn này, Việt Nam thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ II (1976-1980) triển khai xây dựng chủ nghĩa xã hội và công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước. 1. Khái quát tình hình chung: Bước vào giai đoạn 1976 - 1980, nước ta hướng vào việc giải quyết những hậu quả nặng nề của các cuộc chiến tranh, thực hiện thống nhất kinh tế trong phạm vi cả nước và từng bước thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa theo mô hình kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp trước đây đã tiến hành ở miền Bắc. Do vậy, giai đoạn này vẫn phát triển theo hướng "ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ". Đại hội Đại biểu Toàn quốc của Đảng Lao động Việt Nam được tổ chức vào tháng 12 năm 1976, khẳng định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Một trong những nội dung chính của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội là: "Công nghiệp nặng được lựa chọn làm ngành động lực chính của tăng trưởng và phát triển kinh tế." Thực tế thời kỳ này nước ta đã bỏ qua giai đoạn khôi phục kinh tế, tiến hành ngay việc phát triển kinh tế quy mô lớn và tốc độ nhanh. 2. Nội dung kế hoạch đối với công nghiệp: + Nhiệm vụ của công nghiệp: Tiếp tục thực hiện đường lối công nghiệp hóa và xây dựng một bước cơ sở vật chất kỹ thuật cho nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế mới công - nông nghiệp; khôi phục và phát triển sản xuất công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu trang thiết bị và các hàng hóa tiêu dùng cho nhân dân; thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công nghiệp miền Nam, thống nhất quản lý và tổ chức công nghiệp trong cả nước. + Mục tiêu: Đến năm 1980 phải đạt: 1 triệu tấn cá biển, 10 triệu tấn than sạch, 5 tỷ kWh điện, 2 triệu tấn xi măng, 1, 3 triệu tấn phân hóa học, 250 - 300 nghìn tấn thép, 3, 5 triệu m3 gỗ, 450 triệu mét vải, 130 nghìn tấn giấy, sản lượng cơ khí tăng 2, 5 lần so với năm 1975. 3. Thực hành: + Ngày 04/9/1975, nhà nước Việt Nam tiến hành Chiến dịch cải tạo tư sản miền Nam lần I. + Ngày 15/7/1976, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 254/NQ/TW về những công tác trước mắt ở miền Nam, hoàn thành việc xóa bỏ giai cấp tư sản mại bản, tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. + Tháng 12/1976, nhà nước tiến hành Chiến dịch cải tạo tư sản lần II. + Tháng 3/1977, Hội nghị Bộ Chính trị quyết định hoàn thành về cơ bản nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh miền Nam trong 2 năm 1977-1978. Trong năm 1976, tư sản mại bản và tư sản lớn trong công nghiệp miền Nam bị xóa bỏ. + Năm 1978, nhà nước hoàn thành căn bản cải tạo tư sản công nghiệp loại vừa và nhỏ ở miền Nam, trong đó có việc xóa bỏ sự kiểm soát kinh tế của tư sản người Hoa. + Đến tháng 5/1979, tất cả các xí nghiệp công quản lúc đầu ở miền Nam đều đã được chuyển thành xí nghiệp quốc doanh. 4. Kết quả: + Nhờ những nỗ lực đầu tư vào nền công nghiệp của nhà nước nên tổng tài sản của ngành này giai đoạn 1976 - 1980 tăng thêm 13 tỷ đồng, bằng 35% giá trị tài sản cố định mới tăng thêm thuộc khu vực sản xuất. + Tuy nhiên hiệu quả sử dụng vốn thấp. Sản xuất công nghiệp phát triển đều trong 3 năm đầu sau đó tụt xuống và có những năm giảm sút tuyệt đối. Trong đó, công nghiệp trung ương giảm sút nhiều nhất, hàng năm giảm 4%, do thiếu nguyên, vật liệu. Trong khi đó, công nghiệp địa phương, nhất là tiểu thủ công nghiệp vẫn tiếp tục phát triển, hàng năm tăng 6, 7%, nhờ có cơ chế linh hoạt và khai thác được các tiềm năng nguyên liệu tại chỗ. => Tính cả thời kỳ, tốc độ tăng bình quân chỉ có 0, 6%/năm do đó tất cả các mục tiêu do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV đề ra đều không đạt. 5. Đánh giá kết quả thực hiện một số chỉ tiêu công nghiệp của kế hoạch 5 lần II (1976-1980) : + Thành tựu và ưu điểm: Với mục tiêu xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH và cải thiện 1 bước đời sống nhân dân. Nhân dân ta đã bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm (1976 -1980) và gặt hái được những thành tựu: · Các cơ sở công nghiệp khôi phục phần lớn; củng cố kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể ở miền Bắc, bước đầu cải tạo và sắp xếp công thương nghiệp tư doanh ở miền Nam · Xây dựng nhiều nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp.. · Công nghiệp có bước tăng trưởng 0, 6% + Khó khăn và yếu kém: Kinh tế quốc doanh và tập thể còn thua lỗ, không phát huy được tác dụng. Sau những nỗ lực phát triển kinh tế theo đường lối công nghiệp hóa trên, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm, thậm chí vào cuối thời kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ II những năm 1979-1980, sản xuất công nghiệp lâm vào trì trệ, suy thoái. Do: · Hiệu quả đầu tư cho công nghiệp thời kỳ này thấp nên sản xuất tăng trưởng chậm và không ổn định. · Sản xuất nhỏ, nền kinh tế không có khả năng tích lũy, trong khi nguồn lực viện trợ giảm dần, gặp khó khăn về cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào cũng như chuyển đổi cơ chế hành chính quan liêu bao cấp, lại thêm chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc và sự cấm vận bên ngoài. · Ngoài ra sự thất bại trong việc phát triển công nghiệp thời kỳ này còn do quản lý kế hoạch hóa tập trung bao cấp, chưa kết hợp kế hoạch với thị trường, chưa khai thác sử dụng các thành phần kinh tế tư sản dân tộc và cá thể ở miền Nam, chậm khắc phục trì trệ, bảo thủ trong xây dựng các chính sách cụ thể, trong đó có chính sách phát triển công nghiệp, có biểu hiện giản đơn trong cải tạo hội chủ nghĩa ở miền Nam. · Chính sách chú trọng cào bằng và xây dựng các địa phương thành các đơn vị kinh tế tự chủ cùng việc ngăn cấm thị trường tự do dẫn đến hàng hóa không thể lưu thông, trong khi đó hệ thống thương nghiệp quốc doanh vốn nhỏ bé nên không đáp ứng nổi nhu cầu phân phối hàng hóa của nền kinh tế. Việc biến các địa phương thành các đơn vị kinh tế tự chủ cũng khiến nhà nước không thể liên kết các địa phương với nhau, phối hợp thế mạnh của các địa phương vào kế hoạch chung của quốc gia và tập trung các nguồn lực cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. · Công nghiệp đình đốn do thiếu nguyên liệu sản xuất vì bị bao vây cấm vận và thiếu ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu, thiếu điện để vận hành máy móc, hệ thống máy móc lạc hậu và không có phụ tùng để thay thế khi bị hư hỏng. · Sản xuất phát triển chậm, năng suất lao động thấp: Năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế rất thấp, hiệu quả sử dụng vốn thấp. Nhiều chỉ tiêu bình quân đầu người năm 1985 vẫn thấp hơn năm 1976. Thu nhập quốc dân hàng năm tăng 3, 7% trong khi dân số tăng 2, 3%, tức là thu nhập bình quân đầu người chỉ tăng 1, 4% mỗi năm. Nền kinh tế không đủ sức đáp ứng nhu cầu trong nước, thu nhập hàng năm chỉ đáp ứng được 80-90% nhu cầu, còn lại phải dựa vào viện trợ và vốn vay nước ngoài. => Như vậy, công nghiệp được dồn lực đầu tư nên có mức tăng khá hơn nông nghiệp, nhưng tỷ trọng trong toàn nền kinh tế còn thấp (chiếm 39, 74% GDP), chưa là động lực để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. => Những hạn chế của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp đã bộc lộ, làm nảy sinh nhân tố mới, có hiện tượng "xé rào" trong sản xuất kinh doanh. Đây cũng là căn cứ, tiền đề để Đảng và Nhà nước ta đi đến đường lối đổi mới ở Đại hội lần thứ VI (năm 1986) (Tiểu Quy Quy- Sưu tầm) Thật vui khi bạn đã đọc hết bài viết của mình