Việt Nam Giai Thoại - Nguyễn Khắc Thuần

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Mạc Hồng Viên, 26 Tháng mười một 2018.

  1. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 30: Tên đại nghịch thần Đỗ Thích.

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 1, từ tờ 5-b đến tờ 7-a) chép rằng:

    "Mùa đông, tháng mười (năm Kỉ Mão, 979), quan giữ chức Chi hậu nội nhân là Đỗ Thích giết chết Nhà vua (là Đinh Tiên Hoàng) ở trong cung. (Đỗ Thích người làng Đại Đê, huyện Thiên Bản, nay thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Trước đó, Đỗ Thích từng có lúc làm quan ở Đồng Quan (nay thuộc Ninh Bình).

    Một hôm, nhân nằm chơi rồi ngủ lại trên cầu, Đỗ Thích mơ thấy có vì tinh tú từ trên trời rơi xuống và hắn đã nuốt được. Đỗ Thích lấy đó làm điềm tốt, bèn nẩy ra ý định giết Vua. Đến đây, thấy Nhà vua dùng yến tiệc vừa xong, say rượu nằm ngủ ngay giữa sân cung đình, (Đỗ) Thích bèn (lẻn vào) giết chết (Nhà vua), lại giết luôn cả Nam Việt Vương (Đinh) Liễn. Bấy giờ, lệnh lùng bắt thủ phạm rất gấp, (Đỗ) Thích phải trèo lên nằm trong máng nước ở trong cung suốt ba ngày liền, đói khát lắm. Thế rồi trời đổ mưa, (Đỗ Thích) thò tay hứng nước mà uống, cung nữ nhìn thấy nên đi báo. Định Quốc công là Nguyễn Bặc sai người bắt xuống và đem đi chém đầu..".

    * * * "Trước kia, khi Vua còn hàn vi, thường ra sông Giao Thủy (ở Ninh Bình) để đánh cá. Có lần kéo lưới, bắt được viên ngọc khuê to, nhưng lại lỡ làm va vào mũi thuyền, khiến bị mẻ mất một góc. Đêm ấy, (Nhà vua) vào ngủ nhờ ở chùa Giao Thủy, để viên ngọc ở dưới đáy giỏ cá. Đang khi Nhà vua ngủ say, thấy giỏ cá có ánh sáng lạ phát ra, nhà sư của chùa (Giao Thủy) bèn gọi Nhà vua dậy để hỏi cho ra duyên cớ. Nhà vua cứ tình thực mà kể, lại còn lấy viên ngọc cho nhà sư xem. Xem xong, nhà sư than rằng:

    - Ngày sau, anh sẽ phú quý không biết kể thế nào cho hết, nhưng tiếc là phúc đức không được bền lâu.

    Năm Thái Bình thứ năm (tức năm Giáp Tuất, 974) trong dân có truyền tụng câu sấm rằng: Đỗ Thích thí Đinh Đinh Lê gia xuất thánh minh, Cạnh đầu đa hoành nhi, Đạo lộ tuyệt nhân hành. Thập nhị xưng đại vương, Thập nhị vô nhân thiện, Thập bát tử đăng tiên, Kế Đô nhị thập thiên.

    Nghĩa là: Đỗ Thích giết Đinh (Tiên Hoàng) và Đinh (Liễn), Nhà Lê xuất hiện bậc thánh minh, Tranh nhau để được nhiều gia nô (cho mình), Đường sá không còn có bóng người đi. Có đến mười hai người xưng là đại vương (chỉ cuộc tranh hùng của mười hai người con Lê Hoàn sau này), nhưng cả mười hai người đều không ai là người thiện cả. Họ Lý chết (chữ thập, chữ bát và chữ tử ghép lại thành chữ lý là họ Lý, đăng tiên là chết). Sao Kế Đô chiếu hai chục ngày (ý nói vận hội đen tối khá lâu).

    Mọi người cho rằng số trời là vậy.

    Bấy giờ, Định Quốc công là Nguyễn Bặc, Ngoại giáp là Đinh Điền, Thập đạo Tướng quân là Lê Hoàn, cùng nhau rước Vệ Vương là Đinh Toàn lên ngôi Hoàng đế, tôn (Đinh Bộ Lĩnh) là Đinh Tiên Hoàng đế, tôn thân mẫu (của Vệ Vương Đinh Toàn) là Dương Thị làm Dương Thái hậu, đồng thời, đem linh cữu Đinh Tiên Hoàng đế táng ở Sơn Lăng Trường Yên (thuộc Hoa Lư, Ninh Bình).

    Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Đế vương dấy nghiệp, chẳng có ai lại không nhờ ở trời. Nhưng, thánh nhân không thể cậy có mệnh trời mà không cố làm hết phận sự của mình. Cho dẫu là việc đã thành cũng phải lo nghĩ để phòng giữ. Cho nên, sửa sang lễ nhạc, hình án và chính sự chẳng qua là để giữ lòng người, đặt ra nhiều lần cửa (trong kinh đô) và đánh trống canh làm hiệu là để đề phòng kẻ hung ác, bởi vì lòng người ham hố quả không cùng, việc đời nhiêu khê quả không bến, quyết không thể không phòng bị được. Lo xa cho đời sau, mưu tính cho con cháu cũng chính là ở chỗ này. Đinh Tiên Hoàng chưa thể gọi là đã trọn được đời vì chưa làm hết việc người chứ không phải là trời không giúp nữa. Và, cũng vì Nhà vua chưa thể gọi là trọn được đời nên lời sấm truyền kia mới tạm đắc thắng, đời sau rất dễ bị mê hoặc bởi điều này".

    Lời bàn:

    Giết người là tội đại ác. Tội ấy, trời không thể dung, đất chẳng thể tha. Giết người vì mục đích tranh đoạt chức quyền của vị anh hùng có công lớn với xã tắc, thì trong tội đại ác, còn có thêm bao tội đại ác nữa. Hỡi đấng cao xanh vô tâm đến độ lạnh lùng, lẽ đâu như Đỗ Thích mà cũng là người được ư? Ngô Sĩ Liên có lời trách Đinh Tiên Hoàng thiếu cẩn trọng. Lời ấy chí phải, nhưng con người bị con người hãm hại, chẳng qua chỉ vì thiếu cẩn trọng đề phòng, càng nghĩ càng thấy chua chát làm sao.

    Thuở ấu thơ, kẻ hậu sinh này, từng được đến viếng Hoa Lư và từng được thực hiện một tục lệ tuyệt vời: Bất cứ ai trước khi vào thắp nhang tưởng nhớ Đinh Tiên Hoàng, đều phải cầm lấy cái roi mây để sẵn, đánh mạnh vào cánh tay bằng đá đặt cách cửa đền không xa. Đã có không ít người căm giận, đánh đến nát cả roi mây, bởi vì cánh tay bằng đá ấy tượng trưng cho cánh tay tội lỗi của Đỗ Thích.

    Tương tự như vậy, ở Trung Quốc, bất cứ ai vào đền viếng Nhạc Phi (danh tướng của Trung Quốc thời Tống) cũng đều lấy dùi để sẵn, đánh vào đầu bức tượng Tần Cối (kẻ gian thần đã hãm hại Nhạc Phi) cách đó không xa. Hóa ra đó đây và xưa nay đều vậy, có ai lại không khinh ghét lũ bất nghĩa bất trung!

    Như Đỗ Thích, giờ thì dẫu một chút xương tàn cũng chẳng còn nữa, nhưng sự khinh ghét đã ngàn năm rồi mà có hề giảm bớt, được đâu!
     
  2. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 31: Cái chết của Đinh Điền và Nguyễn Bặc.

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đinh Điền người Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) cùng họ với Đinh Tiên Hoàng. Ông sinh năm nào chưa rõ, chỉ biết ông từng là người có công trong sự nghiệp tiêu diệt loạn mười hai sứ quân, và khi triều Đinh được thành lập, ông được phong tới chức Ngoại giáp.

    Đinh Điền mất vào cuối năm Kỉ Mão (979). Nguyễn Bặc sinh năm Giáp Thân (924), mất năm Kỉ Mão (979) thọ 55 tuổi. Ông người Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình), là bạn của Đinh Tiên Hoàng từ hồi còn nhỏ.

    Sau, Nguyễn Bặc cũng từng là người có công trong sự nghiệp tiêu diệt loạn mười hai sứ quân, và khi triều Đinh được thành lập, ông được phong tới tước Định Quốc công.

    Tháng mười năm Kỉ Mão (979), Đinh Tiên Hoàng và con trai trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễn bị tên nghịch thần là Đỗ Thích giết hại. Ngay sau đó, Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Lê Hoàn đã cùng nhau tôn lập con thứ của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Toàn lên nối ngôi. Tiếc thay, ngay sau đó, Đinh Điền và Nguyễn Bặc lại nổi binh chống Lê Hoàn để rồi cả hai cùng bị Lê Hoàn giết hại.

    Sự kiện đau lòng này được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 1, tờ 7a - b và tờ 8-a) chép lại như sau:"Vua nối ngôi khi mới được sáu tuổi, Lê Hoàn lo nhiếp chính, làm những công việc như Chu Công (tức Chu Công Đán, em của vua nhà Chu bên Trung Quốc là Vũ Vương. Chu Công nhận di chiếu của Vũ Vương, tôn lập Thành Vương lên nối ngôi, còn mình thì lo nhiếp chính. Bởi việc này, Chu Công từng bị các quan đương thời gièm pha, cho là Chu Công sẽ làm chuyện thoán nghịch). Lê Hoàn tự xưng là Phó Vương. Bọn Định Quốc Công là Nguyễn Bặc, Ngoại Giáp là Đinh Điền, cùng với Phạm Hạp, ngờ rằng Lê Hoàn sẽ làm chuyện không hay đối với Nhà vua còn nhỏ tuổi, bèn dấy binh thủy bộ, chia làm hai ngả tiến về kinh đô để giết Lê Hoàn, nhưng không đánh nổi mà đều bị giết.

    Trước khi bọn Đinh Điền và Nguyễn Bặc cất quân, Thái hậu đã hay tin, lòng những lấy làm lo sợ, bèn đến báo với Lê Hoàn rằng:

    - Bọn Nguyễn Bặc dấy quân làm loạn, gây kinh động cả nước nhà ta mà vua thì còn nhỏ tuổi, chưa thể kham nổi việc cứu nạn, vậy, các ông nên sớm liệu, chớ để tai họa về sau.

    Lê Hoàn nói:

    - Thần ở chức Phó Vương, quyền nhiếp chính sự, cho dẫu biến loạn sống chết thế nào, cũng quyết đảm đương trách nhiệm.

    Nói rồi, ông chuẩn bị quân ngũ, đánh nhau với (Đinh) Điền và (Nguyễn) Bặc ở Tây Đô. Lê Hoàn người Ái Châu (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa), nay đóng đô ở Hoa Lư, vì thế, sử gọi Ái Châu là Tây Đô. (Đinh) Điền, (Nguyễn) Bặc thua chạy. Sau, chúng đem thủy quân ra đánh. Lê Hoàn nhân thuận gió, phóng lửa đốt hết chiến thuyền của chúng, chém chết (Đinh) Điền tại trận và bắt sống được (Nguyễn) Bặc đem về kinh sư. (Lê Hoàn) kể tội Nguyễn Bặc rằng: - Tiên đế gặp nạn, lòng người và thần nhân đều căm giận và hổ thẹn. Ngươi là bề tôi mà nhân lúc tang tóc bối rối để dấy quân bội nghĩa, vậy thì phận làm tôi để ở đâu? Nói rồi, sai người đem (Nguyễn Bặc) ra chém đầu. Bọn (Đinh) Điền và (Nguyễn) Bặc đã bị giết rồi, quân của bọn Phạm Hạp cũng tự nhiên mất hết khí thế, bỏ chạy về làng Cát Lợi ở Bắc Giang. (Lê) Hoàn đem quân đuổi theo, bắt được Phạm Hạp đem về kinh sư.

    Lời bàn:

    Có suy ngẫm mới hay, sở dĩ Đinh Tiên Hoàng đầy uy danh lừng lẫy, ấy cũng bởi vì quanh Đinh Tiên Hoàng và sát cánh với Đinh Tiên Hoàng là một loạt những tướng lĩnh tài ba, như Đinh Điền, như Nguyễn Bặc, như Phạm Hạp, như Lê Hoàn và như không biết bao nhiêu là người khác. Tiếc thay, những bậc anh tài này chỉ sát cánh với nhau khi có Đinh Tiên Hoàng chớ không thể sát cánh với nhau sau khi Đinh Tiên Hoàng đã khuất. Anh tài chẳng thể nương tha anh tài, xót xa thay! Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp đều là các bậc đại trượng phu, bừng bừng chí cả. Nhưng, chí và trí chẳng tương đồng. Có ai ngờ rằng các bậc dũng tướng lại thiếu sáng suốt khi phân tích những diễn biến xảy ra quanh mình? Quả thật, không thể nói khác hơn rằng, Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp đã xử thế một cách rất không bình thường. Họ chỉ mới thấy ngôi vua mà chưa thực sự thấy triều đình, chỉ mới thấy chuyện hoàng tộc chứ chưa thực sự thấy hết chuyện xã tắc, chỉ mới thấy việc ở trước mắt chứ chưa thấy sự lợi hại của mai sau. Trách Lê Hoàn sao không chịu nương tay chăng? Hẳn nhiên, Lê Hoàn cũng có chỗ không đúng, nhưng chắc chắn, việc làm của ông cũng chẳng phải là sai. Cổ nhân mà!
     
  3. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 32: Đoạn kết bi thảm của cuộc đời Ngô Nhật Khánh.

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ngô Nhật Khánh người Đường Lâm, đất này, nay thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Các bộ sử cũ đều nói rằng, Ngô Nhật Khánh vừa là người đồng hương, lại cũng vừa là người bà con cùng một họ với Ngô Quyền.

    Sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), đất nước loạn lạc bởi sự hoành hành của nạn cát cứ. Các thế lực yếu bị tiêu diệt dần, đến nửa sau của thế kỉ thứ X, cả nước chỉ còn mười hai thế lực lớn. Sử gọi đó là loạn mười hai sứ quân.

    Ngô Nhật Khánh là một trong số mười hai sứ quân này. Lấy quê nhà làm chỗ dựa, Ngô Nhật Khánh đã không ngừng mở rộng ảnh hưởng, từng một thời hùng cứ ở vùng đất thuộc tỉnh Hà Tây ngày nay. Năm 967, Đinh Bộ Lĩnh tiêu diệt hết mười hai sứ quân. Tuy nhiên, vì kính trọng tài năng và đức độ của Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh chẳng những không nỡ giết người bà con của Ngô Quyền là Ngô Nhật Khánh, mà còn tìm đủ mọi cách để lôi kéo Ngô Nhật Khánh về với mình. Tiếc thay, Ngô Nhật Khánh đã nuôi lòng thù oán một cách vô lối để rồi rốt cuộc phải chết một cách bi thảm.

    Về sự kiện này, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 1, tờ 11) viết rằng: "(Ngô) Nhật Khánh là bà con của Ngô Tiên Chúa (tức Ngô Quyền). Trước kia, (Ngô Nhật Khánh) từng xưng là An Vương, cùng trong số mười hai sứ quân giữ đất tranh hùng. Khi Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp được (Ngô) Nhật Khánh rồi, bèn lập mẹ của hắn làm Hoàng hậu, hỏi em gái của hắn cho con mình là Nam Việt Vương (Đinh) Liễn, lại gả công chúa cho hắn nữa, thế mà Ngô Nhật Khánh vẫn không bớt oán hờn. Hắn dẫn vợ là công chúa của Đinh Tiên Hoàng đi trốn. Tới cửa biển Nam Giới (tức là cửa Sót, nằm ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay), hắn rút dao bên mình ra, rạch mặt vợ mà kể tội:

    - Cha mày đã lừa gạt để ức hiếp mẹ con ta. Ta có đâu lại vì mày mà bỏ qua tội ác của cha mày. Thôi, mày hãy trở về, ta sẽ một thân một mình đi tìm ai có thể cứu được ta đây.

    Nói rồi, Ngô Nhật Khánh chạy sang Chiêm Thành. Nay, nghe tin Đinh Tiên Hoàng đã mất, Ngô Nhật Khánh dẫn quân Chiêm Thành, theo đường biển mà vào cướp phá. Chẳng dè, khi quân của chúng đi qua cửa biển Đại Nha và cửa biển Tiểu Khang thì phong ba nổi lên, nhận chìm hết cả thuyền bè, Ngô Nhật Khánh bị chết đuối. Chúa Chàm (tức vua Chiêm Thành) may được thoát nạn, thu nhặt tàn quân mà chạy về".

    Lời bàn:

    Nhân thời loạn mà làm loạn, sự ấy dẫu chẳng tốt đẹp gì, nhưng thôi, Ngô Nhật Khánh cũng hùng cứ một phương như bao kẻ hùng cứ các phương, hãy tạm cho là sự thường. Quan hệ hôn nhân giữa gia đình Đinh Tiên Hoàng với gia đình Ngô Nhật Khánh, tuy có phần rắc rối đến độ khó thương, nhưng, nếu xét đến tâm thành của Đinh Tiên Hoàng đối với xã tắc, kể cũng có thể coi là sự thường vậy. Mọi sự bất thường đều ở cái tâm bất chính của Ngô Nhật Khánh mà thôi. Khi loạn mười hai sứ quân đã bị dẹp, quyền cai trị giang sơn đã được Đinh Tiên Hoàng thu về một mối, thì chống Đinh Tiên Hoàng tức là chống lại nền thống nhất thiêng liêng, tức là xúc phạm đến tình cảm chung của nhân dân cả nước. Sự vô đạo trong xử thế với thân nhân của Ngô Nhật Khánh, đời dẫu có khinh vẫn có thể tha, song, chống lại triều đình trong trường hợp này là trọng tội, quyết không thể dung tha được. Từ chỗ loạn nhà đến chỗ hại nước, khoảng cách thật chẳng xa. Cho dẫu ngàn năm vật đổi sao dời, lòng khinh ghét và căm giận của thế gian đối với kẻ bất trung và phản quốc có bao giờ thay đổi đâu. Như Ngô Nhật Khánh, đã bất hiếu lại bất trung, đã hại dân lại phản quốc, còn mặt mũi nào sống giữa trời cao đất dày nữa. Phong ba bất ngờ nổi lên, đó là chuyện của phong ba, nhưng, cái chết bi thảm của Ngô Nhật Khánh lúc này có phải là chuyện bất ngờ đâu. Giá thử Ngô Nhật Khánh có may mắn thoát khỏi phong ba của biển, hắn cũng chẳng thể thoát khỏi bão táp căm giận của lòng người đương thời..

    Mới hay, những kẻ phi loài,

    Dẫu người không giết thì trời chẳng tha
     
  4. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 33: Thương hại thay! Tướng quân Hầu Nhân Bảo.

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Năm 960, Triệu Khuông Dẩn lên ngôi Hoàng Đế, đó là Tống Thái Tổ, vị vua đầu tiên của nhà Tống (960 – 1278). Cũng như bao Hoàng Đế Trung Hoa khác, ngay sau khi lên ngôi, Tống Thái Tổ đã mưu tính kế sách bành trướng xuống phương Nam. Nhưng, kế sách chưa thực hiện được thì Tống Thái Tổ qua đời. Hoàng Đế kế vị là Triệu Khuông Nghĩa (tức Tống Thái Tông) quyết nối chí lớn của Tống Thái Tổ, ngày đêm lo nghĩ mưu đồ thôn tính nước ta.

    Đang khi Tống Thái Tông chưa tìm được cơ hội thuận tiện, thì ở nước ta, Đinh Tiên Hoàng qua đời và ngay sau đó là cuộc xung đột vũ trang giữa phái của Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp với phái của Lê Hoàn. Quan biên ải phía Nam của nhà Tống là Hầu Nhân Bảo dò biết được mọi sự, bèn xin được về triều để báo cáo tình hình. Nói cho ngay, Hầu Nhân Bảo cũng vì mâu thuẫn với đồng liêu cho nên bị bắt ra làm quan ở biên ải phía Nam, chín năm trời không được về thăm nhà, đến đây, muốn xin về triều để nhân đó mà xin về thăm nhà luôn thể. Nhưng, thương hại thay, Hầu Nhân Bảo tính kế lợi mình mà hại người, chưa thỏa ước nguyện riêng đã phải về nơi chín suối.

    Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 1) có hai đoạn chép chuyện Hầu Nhân Bảo, nay xin được giới thiệu như sau: "Trước đây, viên quan giữ đất Ung Châu (Trung Quốc) của nhà Tống là Hầu Nhân Bảo dâng thư (về triều) nói rằng, ở Giao Châu (chỉ nước ta) đang có biến loạn, triều đình chỉ cần đem một ít quân sang là cũng đã có thể chiếm lấy được. Hầu Nhân Bảo cũng xin được về triều để trình bày việc này. Vua Tống được thư, mừng lắm, đã toan sai quân chạy ngựa trạm đi triệu Hầu Nhân Bảo về ngay, nhưng Lư Đa Tốn (kẻ có hiềm thù với Hầu Nhân Bảo và đặc biệt là với Triệu Phổ, anh vợ của Hầu Nhân Bảo) lại tâu rằng:

    - Nước nhỏ kia đang có nội loạn, đó chính là cơ trời khiến chúng phải mất, thế thì ta nên xuất kì bất ý mà đánh úp, tức là làm theo lối sét đánh thình lình, che tai không kịp. Nay nếu có lệnh cho Hầu Nhân Bảo về trước thì mưu kia tất phải bị lộ, bọn họ biết mà đề phòng, ta không dễ gì lấy được đâu. Vậy, chi bằng hãy mật sai Hầu Nhân Bảo ngầm lo mọi việc, sau mới xuất quân đánh tràn sang, thắng lợi mười phần cầm chắc cả mười.

    Vua Tống cho lời ấy là phải, bèn phong cho Hầu Nhân Bảo làm Giao Châu thủy lục Chuyển vận sứ, lại phong cho bọn Tôn Toàn Hưng, Trần Khâm Tộ, Lưu Trừng và Giả Thực được quyền nắm binh mã, hẹn ngày cùng kéo sang xâm lược nước ta" (Tờ 12).

    "Bấy giờ (năm Tân Tị, 981), quân Tống tràn sang xâm lấn nước ta. Hầu Nhân Bảo kéo đến Lãng Sơn (tên một hòn đảo ở vịnh Hạ Long), Trần Khâm Tộ kéo đến Tây Kết, Lưu Trừng kéo đến Bạch Đằng. Nhà vua (chỉ Lê Hoàn) tự mình làm tướng để chống giặc, sai quân đóng cọc gỗ ở sông Bạch Đằng để cản đối phương. Quân Tống quá đông nên quân ta đánh có phần bất lợi, hai trăm thuyền chiến bị giặc cướp. Hầu Nhân Bảo đem quân tiến lên trước nhưng Tôn Toàn Hưng thì đóng quân lại, tỏ ý dùng dằng, khiến cho Hầu Nhân Bảo phải mấy phen thúc giục. Khi quân Hầu Nhân Bảo tới, Nhà vua sai người trá hàng rồi lập mưu, dụ bắt được Hầu Nhân Bảo đem chém. Bọn Lưu Trừng sợ mà rút lui, Trần Khâm Tộ nghe tin cũng tháo chạy trở về. Nhà vua sai tướng xuất quân truy kích. Trần Khâm Tộ thua to, quân lính chết hơn quá nửa. Bọn bộ tướng của giặc là Quách Quân Biện và Hứa Trọng Tuyên đều bị bắt giải về kinh đô. Quan giữ chức Chuyển vận sứ của nhà Tống là Hứa Trọng Tuyên viết tờ tâu về triều, báo cáo việc thua trận. Vua Tống bèn hạ lệnh rút lui (Tờ 17).

    Lời bàn :

    Đánh lén vào nước người khi nước người đang có biến loạn, kế ấy tuy chẳng mới mẻ gì, nhưng, như Hầu Nhân Bảo mà cũng biết được thì cũng cho là thông minh. Tiếc thay, Lê Hoàn lại thông minh hơn Hầu Nhân Bảo. Người sinh không phải thời, ấy là Hầu Nhân Bảo chăng? Lư Đa Tốn quả là kẻ thâm hiểm. Một lời hắn nói ra, nghe cứ ngọt như đường, trên thì khiến vua phải ưng theo, dưới thì buộc đồng liêu (cũng là đối thủ) phải ngậm bồ hòn và cam phận bị chôn chân ở nơi biên ải. Binh pháp cổ của Trung Quốc vẫn răn tướng lĩnh phải biết người biết ta. Hầu Nhân Bảo chẳng hề biết ta cũng chẳng hề biết người, không chết sớm mới là lạ, chớ chết sớm có gì là lạ đâu. Với người, tức là với nước ta, Hầu Nhân Bảo chỉ mới thấy có sự biến loạn, chưa hề biết Lê Hoàn là người như thế nào. Với mình, tức là với nhà Tống và bạn đồng liêu, Hầu Nhân Bảo chỉ mới láu lỉnh, tính nhân việc này để làm việc kia, chưa hề biết rằng, phàm là việc bất nghĩa, sớm muộn thế nào cũng thảm bại, cũng chưa hề biết rằng, một đồng liêu ngầm nuôi mưu hãm hại thì nguy hại còn hơn cả binh hùng tướng mạnh của đối phương. Chẳng hay sinh thời, Hầu Nhân Bảo có bao giờ nghĩ đến những điều đại loại như thế này. Nhưng, nếu có nghe thì cũng chưa hề nghĩ thấu đáo, nếu không, sự thể đâu đến nỗi bi thảm như vậy. Thương hại thay!
     
  5. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 34: ĐẠI LƯỢC VÊ LÍ LỊCH TRƯỚC KHI LÊN NGÔI CỦA LÊ HOÀN

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (bản kỉ, quyển 1, tờ 14 và 15) chép chuyện Lê Hoàn trước khi được tôn lên ngôi Hoàng Đế như sau:

    "Thân mẫu của nhà vua, người họ Đặng, trước đó, khi đang mang thai, bỗng nằm mơ thấy bụng mình nở ra hoa sen và kết thành hạt sen ngay, bà bấy hạt sen ấy đem chia cho mọi người nhưng phần mình lại không ăn. Tỉnh dậy, bà lấy làm lạ lắm. Đến khi sinh Nhà vua, vừa thoáng thấy mặt mũi đến hình dáng đều khác thường, bà nói với mọi người:

    - Thằng bé này về sau ắt sẽ được sang giàu hơn người, chỉ tiếc là tôi không kịp được hưởng lộc mà thôi.

    Thế rồi được độ vài năm, bà mất và sau đó, thân sinh (của Nhà vua) cũng qua đời. Bấy giờ, có viên quan người họ Lê (hiện chưa rõ tên), người Ái Châu (nay thuộc Thanh Hóa) thấy (Nhà vua) có dung mạo khác thường, bèn nuôi làm con.

    Một hôm, mùa đông giá rét (Nhà vua) phải nằm phục xuống như hình cái cối úp cho đỡ buốt, chẳng dè đêm ấy, nhà sáng rực cả lên vì có con rồng vàng nằm che lên cho (Nhà vua). Viên quan người họ Lê càng lấy làm lạ. Lớn lên (Nhà vua) từng giúp việc cho Nam Việt Vương (Đinh) Liễn, tỏ ra tài giỏi và có chí lớn hơn người. (Đinh) Tiên Hoàng khen là người giàu mưu trí và có sức mạnh, bèn giao cho quyền được cai quản hai ngàn quân, sau, thăng dần lên đến chức Thập đạo Tướng quân, Điện tiền chỉ huy sứ".

    Lời bàn :​

    Người mẹ nào cũng đều có thể có những giấc mơ và những lời nói tương tự như thân mẫu của Lê Hoàn, bởi vì đó thực sự chỉ là khao khát tự nhiên của thế tục. Song, thời ấy chỉ có Lê Hoàn mới là người biến khát khao của thân mẫu thành hiện thực phi thường. Có bao nhiêu người mẹ là có bấy nhiêu người nuôi những ước vọng chân thành về con mình, chỉ tiếc là không phải bất cứ người con nào cũng đều có thể làm thỏa nguyện đấng sinh thành của mình mà thôi.

    Rồng vàng che chở Lê Hoàn là chuyện có thật chăng? Trong trường hợp này, tin sách chẳng bằng không có sách vậy. Nhưng, với một người mà nhỏ thì cần cù và giàu nghị lực chịu đựng, lớn thì chí cả và mưu lược hơn người, thiên hạ thêm thắt rồi sử cứ thế mà chép chuyện rồng vàng che chở, chẳng qua cũng chỉ để tăng thêm sự kính trọng mà chữ nghĩa khó bề diễn đạt hết đó thôi. Thêm điều phi thường cho các đấng phi thưởng vốn là sự thường của ngàn xưa, và không ít khi, chính sự thường này lại góp phần không nhỏ vào việc tạo ra những sự phi thường mới.

    Ngẫm mà xem!

     
  6. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 35: Chuyện Lê Hoàn lên ngôi Hoàng Đế.

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Lê Hoàn sinh năm Tân Sửu (941) tại làng Trung Lập, Châu Ái (nay làng này thuộc Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), mất năm Ất Tị (1005), thọ 64 tuổi.

    Thuở nhỏ, vì gia đình nghèo, Lê Hoàn đi ở và làm con nuôi. Sau, Lê Hoàn theo Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp loạn mười hai sứ quân. Nhờ có tài, lại được Đinh Bộ Lĩnh yêu, ông thăng tiến rất nhanh. Dưới triều Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn giữ chức Thập đạo Tướng quân, tức là chức võ quan cao nhất lúc bấy giờ.

    Năm 979, khi Đinh Tiên Hoàng và con trai trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễn bị giết hại, con thứ của Đinh Tiên Hoàng là Vệ Vương Đinh Toàn được đưa lên nối ngôi, Lê Hoàn là Phó Vương, giữ quyền nhiếp chính. Các quan trong triều như Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp nghi ngờ Lê Hoàn sẽ làm việc mờ ám, bèn dấy binh để đánh, nhưng rốt cuộc lại bị Lê Hoàn đánh bại và giết chết. Từ đó, uy danh của Lê Hoàn ngày một lớn hơn. Tuy nhiên, khi nội loạn vừa dẹp yên thì ngoại xâm lại tràn tới. Nghe theo lời tâu của Hầu Nhân Bảo, nhà Tống xua quân đến xâm lược nước ta. Triều đình đương thời đứng trước một thực tế rất khó xử, rằng ai sẽ là người đủ uy tín và đủ năng lực để điều khiển vận mệnh quốc gia?

    Tháng bảy năm Canh Thân (980), một sự kiện lớn đã diễn ra tại kinh đô Hoa Lư.

    Sự kiện này được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 1, tờ 13) chép lại như sau: "Quan giữ đất Lạng Châu (vùng Lạng Sơn và Quảng Ninh ngày nay) đem việc đó (chỉ việc quân Tống tràn sang xâm lược nước ta) tâu lên, Dương Thái hậu bèn sai Lê Hoàn tuyển lựa dũng sĩ để chống lại. (Triều đình) cho Phạm Cự Lượng (em của Phạm Hạp, người Nam Sách, nay thuộc tỉnh Hải Dương) làm Đại tướng, được quyền bày mưu tính kế đánh giặc. (Phạm) Cự Lượng cùng các tướng, mặc nguyên quân phục, vào thẳng nội điện, nói thẳng với mọi người rằng:

    - Thưởng người có công, trị người phạm tội, ấy là phép dùng binh. Nay, chúa thượng thì thơ ấu, dẫu bọn ta có liều chết mà đánh rồi may lập được chút công lao, thì ai sẽ là người biết cho? Vậy thì chi bằng trước hãy tôn ngay quan Thập đạo Tướng quân (tức Lê Hoàn) lên ngôi Thiên Tử rồi sau đó mới xuất quân.

    Quân sĩ nghe vậy thì đều tung hô" vạn tuế ".

    Dương Thái hậu cũng một lòng mến phục, liền sai lấy tấm Long Cổn khoác lên người Lê Hoàn, rồi cũng chính Dương Thái hậu khuyên Lê Hoàn lên ngôi. Lê Hoàn lên ngôi, đổi niên hiệu là (Thiên Phúc), giáng Hoàng đế là Đinh Toàn xuống làm Vệ Vương như cũ".

    Lời bàn:

    Đinh Tiên Hoàng mất, vua nối ngôi là Đinh Toàn chỉ mới được sáu tuổi, Lê Hoàn làm Phó Vương, giữ quyền nhiếp chính, ấy là vì sự thể lúc đó buộc phải làm như vậy. Sau, vận nước lâm nguy, xã tắc không thể phó thác cho Đinh Toàn bé nhỏ, chư tướng cùng Dương Thái hậu tôn Lê Hoàn lên ngôi, và Lê Hoàn đã vui nhận ý tôn lập đó, ấy cũng bởi sự thể lúc bấy giờ buộc phải làm như vậy đó thôi. Ai lên ngôi để hưởng cuộc đời nhung lụa, còn Lê Hoàn lên ngôi trước hết là để nhận lấy sứ mệnh vinh quang mà cực kì khó khăn, đó là chỉ huy cuộc chiến đấu chống quân Tống xâm lăng, bảo vệ nền tự chủ và thái bình cho xã tắc, kính thay! Cũng là anh em ruột thịt một nhà nhưng nếp nghĩ của Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng mới khác nhau làm sao. Ai dám bảo rằng Phạm Hạp bất tài và bất trung? Nhưng, chút suy nghĩ nông cạn đã đẩy Phạm Hạp vào ngõ cụt đầy bi kịch. Mới hay, giữa cái tốt và cái xấu, giữa cao thượng với thấp hèn, giữa anh hùng với phản nghịch, tất cả, đôi khi chỉ xuất phát từ một phút suy nghĩ nông cạn và rất điên rồ đó thôi. Trách Phạm Cự Lượng và chư tướng sao chỉ nghĩ đến việc cần người ghi nhận công lao cho mình ư? Rằng đúng thì kể cũng có phần đúng, nhưng nếu cứ lấy đạo đức ngày nay làm chuẩn để xét đoán, thì lịch sử sẽ chẳng còn là lịch sử nữa. Có phải cái đúng bao giờ cũng đúng hết với mọi thời đâu. Ngẫm mà xem!
     
  7. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 36: Lê Hoàn tiếp sứ giả nhà Tống như thế nào?

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cũng như bao vị Hoàng đế khác của nước ta, Lê Hoàn coi nhà Tống là Thiên triều, vua Tống là Thiên tử, còn mình thì chịu sự tấn phong dần dần từ thấp lên cao. Theo lễ, vua chư hầu phải tổ chức đón tiếp sứ giả Thiên triều một cách thật trọng thể. Với những sứ giả mang sắc phong của Thiên tử đến thì lễ đón tiếp phải càng trọng thể hơn. Nhưng, chuyện Lê Hoàn tiếp sứ giả của Thiên triều thì khác hẳn.

    Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 1) có mấy đoạn ghi chép về việc này. Đoạn thứ nhất (tờ 19-b), chép chuyện Lê Hoàn tiếp phái bộ sứ giả nhà Tống do Tống Cảo cầm đầu. Phái bộ này đến nước ta vào năm Canh Dần (990) :

    "Nhà Tống sai quan giữ chức Tả Chính Ngôn là Tống Cảo, quan giữ chức Hữu Chính Ngôn là Vương Thế Tắc, mang tờ chế sắc sang phong thêm cho Nhà vua hai chữ đặc tiến. Vua sai bọn Nha nội chỉ huy sứ là Đinh Thừa Chính đem chín chiếc thuyền đến tận Thái Bình (đất này nay thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc) để dẫn sứ giả theo đường biển mà vào. Nửa tháng sau thì (sứ giả) đến sông Bạch Đằng rồi cứ thế, theo thủy triều mà đi. Mùa thu, tháng chín, sứ giả đến trạm Nại Chinh ở Trường Châu (thuộc Ninh Bình). Nhà vua ra ngoài thành để tiếp. (Khi tiếp thì) bày các thứ chiến cụ để khoe. Vua cầm cương ngựa, cùng đi với sứ giả. Đến cửa Minh Đức (tên một cửa trong kinh thành Hoa Lư), Nhà vua để chiếu thư lên trên điện chứ không chịu lạy, nói dối rằng, năm ngoái đi đánh giặc man, ngã ngựa nên đau chân. (Tống) Cảo và (Vương) Thế Tắc tin ngay là thực. Sau đó, Vua bày yến tiệc để thiết đãi sứ giả và nói với (Tống) Cảo rằng:

    - Từ nay trở đi, hễ có quốc thư thì chỉ nên giao nhận ở biên giới, không phiền sứ giả phải đến tận đây nữa.

    (Tống) Cảo về tâu lại. Vua Tống bằng lòng".

    Đoạn thứ hai (tờ 22-b) chép chuyện Lê Hoàn tiếp phái bộ sứ giả của nhà Tống do Lý Nhược Chuyết cầm đầu, đến nước ta vào năm Bính Thân (996) :

    "Vua nhà Tống sai Lý Nhược Chuyết mang chiếu thư và đai ngọc sang ban cho Vua. Khi (Lý) Nhược Chuyết đến, Vua cũng ra tận phía ngoài thành để đón nhưng lại tỏ cho sứ giả thấy mình cao quý khác thường, ngạo mạn không chịu làm lễ. (Nhân vì Lý Nhược Chuyết có ý phiền, rằng sao Nhà vua lại nỡ để cho quân lính tràn sang cướp phá châu Như Hồng của nhà Tống). Vua nói:

    - Việc cướp trấn Như Hồng là do bọn cướp biển ở ngoài cõi, Hoàng đế hẳn biết là không phải quân của Giao Châu (chỉ quân ta). Nếu như Giao Châu mà làm phản thì trước hết sẽ cho quân đánh vào Phiên Ngung, sau đó đánh thẳng vào Mân Việt, há có phải là dừng lại ở trấn Như Hồng mà thôi đâu".

    Lời bàn:

    Lần thứ nhất, Lê Hoàn vừa đón sứ giả lại vừa bày các thứ chiến cụ để.. hù dọa sứ giả. Sứ giả sợ cũng chí phải, bởi vì nhà Tống đem binh hùng tướng mạnh sang mà còn bị Lê Hoàn đánh cho tơi bời, huống chi là lúc này, sứ giả chỉ là hai viên quan văn yếu ớt. Làm sứ giả của nước bại trận, kể cũng khốn khổ thay. Cho nên, vừa nghe Lê Hoàn nói dối là đau chân vì bị ngã ngựa từ.. năm ngoái, sứ giả đã vội tin ngay, không dám bắt lỗi việc Lê Hoàn không thèm lạy chiếu thư của Thiên tử. Lê Hoàn bảo rằng từ đây, hễ có quốc thư thì chỉ cần giao nhận ở biên giới là đủ, không phải vào kinh đô làm gì, ấy thế mà Tống Cảo phải nghe, vua Tống cũng phải nghe. Hóa ra, làm vua của nước bại trận còn nhục nhã cam phận, huống chi là sứ giả cỡ như Tống Cảo kia!

    Lần thứ hai, thái độ ngạo nghễ của Lê Hoàn, đủ tỏ cho sứ giả lẫn Thiên triều thấy rằng, Lê Hoàn chẳng coi Thiên tử ra gì.

    Sử chép lời Lê Hoàn, ấy là tỏ cho muôn đời biết rằng, khí phách Lê Hoàn là khí phách chung của con Hồng cháu Lạc, kẻ nào muốn dòm ngó nước ta thì hãy đọc kĩ lời này. Bấy giờ, đất ta chưa rộng, người ta chưa đông, sức ta chưa thật mạnh, nhưng Lê Hoàn vẫn nghiêm giữ quốc thể. Tờ sắc phong tước vị và báu vật mà Thiên triều ban không hề làm cho Lê Hoàn chịu khom lưng.

    Ôi, phải chi ai ai cũng giữ được nhân cách trước mọi cám dỗ của người ngoài!
     
  8. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 37: Nhân cách Lê Long Đĩnh

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Lê Hoàn có tất cả mười hai người con trai, gồm mười một con ruột và một con nuôi. Lê Long Đĩnh là con thứ năm của Lê Hoàn.

    Năm Ất Tị (1005), Lê Hoàn mất. Một cuộc ác chiến để giành ngôi giữa các con của Lê Hoàn đã diễn ra. Cuối cùng, Lê Long Đĩnh đã cướp được ngôi báu và làm vua gần 5 năm (1005 - 1009).

    Sách Đại Việt sử lược (quyển 1) đã dành một đoạn khá dài để viết về nhân cách của Lê Long Đĩnh. Chúng tôi xin giới thiệu lời dịch đoạn viết này và xin nhường lời bàn cho độc giả:

    "Vua vốn tính hiếu sát. Có tội nhân phải tội chết, Vua bắt lấy cỏ tranh cuốn vào người rồi đốt, hoặc giả có lần sai tên hề là Liêu Thủ Tâm, lấy con dao thật cùn, xả vào người tội nhân cho chết dần, làm như thế, tội nhân phải kêu la thảm thiết đến vài ngày. Liêu Thủ Tâm thấy vậy thì bỡn cợt rằng:

    - Mày không quen chịu chết à!

    Nhà vua thấy thế cũng cười to lên, lấy làm thích thú lắm. Mỗi khi đi đánh trận, họ bắt được tù binh là Nhà vua lại sai áp giải họ đến bờ sông. Khi nước thủy triều xuống thì sai làm cái lồng, đặt sẵn dưới nước cạn và nhốt tù binh vào đó để đến khi nước triều lên thì tù binh sẽ bị chết chìm dưới nước. Lại cũng có khi (Nhà vua) bắt tù binh phải trèo lên cây cao rồi sai người chặt cây (cho ngã xuống mà chết). Có lần Nhà vua đi chơi ở khúc sông có lắm thuồng luồng, bèn sai trói tù binh vào mạn thuyền, chạy qua chạy lại, lấy họ làm mồi cho thuồng luồng. (Trong cung), phàm những vật đem về nhà bếp, Nhà vua đều tự tay cắt tiết rồi sau mới giao cho đầu bếp làm. Có lần, Nhà vua kê mía lên đầu bậc tu hành khả kính là Tăng Thống Quách Ngang để róc mà ăn. Vua giả vờ lỡ tay, khiến dao phập vào đầu nhà sư Quách Ngang, máu chảy ra lênh láng. Vua thấy vậy thì cười ầm lên. Có đêm, Nhà vua sai làm thịt mèo để đãi. Các quan ăn xong, ai nấy nôn thốc nôn tháo cả ra. Khi các quan có việc phải vào và tâu trình các việc thì Nhà vua lại sai những tên hề ra nói leo, khỏa lấp hết mọi lời của quan. Có lần, kẻ giữ cung làm món chả, Nhà vua cũng cùng với mọi người chạy đến tranh ăn. Bấy giờ, các bậc vương giả chống đối đều bị Nhà vua dẹp yên hết cả".

    * * * "Vua đi đánh các châu Đô Lương và Cử Long (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa), bắt được người Man cùng với khoảng vài trăm con ngựa. Vua sai lấy gậy đánh bọn người Man bị bắt. Vì bị đánh quá đau, họ kêu la ầm ĩ, lỡ xúc phạm tới tên húy của Đại Hành (tức Lê Hoàn, thân sinh của Vua), thì Vua lại thích chí cười ồ lên và lại sai đánh nữa. Mỗi lần bị đánh là mỗi lần họ lại xúc phạm đến tên húy của Đại Hành, nhưng Nhà vua lại lấy đó làm vui. Đi đánh Ái Châu (tức vùng Thanh Hóa ngày nay), bắt được người của châu này, Vua sai làm cái rọ, nhốt họ vào đó rồi cười".

    * * * "Mùa đông, tháng 10 (năm Kỉ Dậu, 1009), ngày Tân Hợi, Vua băng ở tẩm điện, gọi là Ngọa Triều (Hàng Ðế) bởi vì Nhà vua có bệnh trĩ, mỗi khi ra chầu triều đều phải nằm".
     
  9. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 38: Lê Long Đĩnh gặp may

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sau một thời gian chém giết người ruột thịt chẳng chút ghê tay, Lê Long Đĩnh đã chiếm được ngôi vua. Cuộc chém giết khủng khiếp này chẳng những người trong nước đều biết mà cả nhà Tống bên Trung Quốc cũng hay. Bọn quan lại ở vùng biên ải phía Nam của Trung Quốc đã dâng thư về triều, thúc giục vua Tống nhanh chóng lợi dụng cơ hội thuận tiện này để xuất quân sang đánh chiếm nước ta, nhưng vua Tống đã không chấp thuận.

    Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 1, tờ 27-b và tờ 28-b) chép chuyện này như sau:

    "Mùa hạ, tháng sáu (năm Bính Ngọ, 1006) quan Tri Châu của Quảng Châu (Trung Quốc) là Lăng Sách dâng thư về triều Tống, nói rằng:

    - Nay, Giao Chỉ (chỉ nước ta) đang có loạn, vậy xin cho thần cùng với quan giữ chức Duyên biên An phủ sứ là Thiệu Việp được bàn tính kế sách để dâng lên.

    Bọn thần dựa theo lời của Hoàng Khánh Tập, kẻ cầm đầu hơn ngàn người ở Giao Chỉ đã theo về và nay được quan ở Liêm Châu (thuộc Trung Quốc) dẫn đến, nói rằng:

    Các con của Nam Bình Vương (chỉ tước vị của Lê Hoàn) mỗi người đặt trại sách phân tán một nơi, quan lại thì lìa tan, nhân dân thì lo sợ, vậy, xin đem quân đến đánh dẹp. Bọn (Hoàng) Khánh Tập sẽ làm tiên phong, xin được hẹn ngày đánh chiếm lấy (nước ta). Nếu triều đình ưng chuẩn lời thỉnh cầu này thì xin lấy quân đang đóng tại các đồn ở những châu thuộc Quảng Nam (tức vùng Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc ngày nay) và xin thêm năm ngàn quân ở Kinh Hồ (Trung Quốc) để thủy bộ cùng tiến, nhất định sẽ bình định được ngay.

    Vua Tống nói:

    - Họ Lê thường sai con sang chầu, góc biển ấy vẫn được yên, chưa từng bất trung, bất thuận. Nay nghe tin Lê Hoàn mới mất, chưa có lễ thăm viếng mà đã vội đem quân đánh kẻ đang có tang, đó chẳng phải là việc làm của đấng vương giả.

    Nói rồi (vua Tống) xuống chiếu cho bọn (Lăng) Sách tiếp tục vỗ về, cốt sao cho mọi sự được yên lặng.

    Sau, (vua Tống) lại sai bọn Thiệu Việp đem thư sang bày tỏ uy đức của Thiên Triều, bảo không nên giết hại lẫn nhau nữa. Nếu anh em cứ giành nhau, không định rõ ngôi thứ thì quân của Thiên Triều sẽ sang hỏi tội, họ Lê nhất định chẳng còn ai sống sót. Vua Lê Long Đĩnh sợ, bèn xin cho em sang nạp cống".

    Lời bàn:

    Bấy giờ, Lê Long Đĩnh đồng thời đứng trước ba đại họa. Một là anh em ruột thịt vẫn chưa chịu ngừng chém giết lẫn nhau, ngôi vua chưa có gì đáng gọi là chắc. Hai là bọn Hoàng Khánh Tập đã cam lòng đi từ chỗ chống Nhà vua đến chỗ phản bội đất nước, khiến cho vận mệnh quốc gia đứng trước thử thách thật cam go. Ba là quan biên ải của nhà Tống vốn sẵn dã tâm xâm lược, đến đây lại biết rõ nội tình triều Lê rối ren, ra sức xúi giục triều đình đem quân sang thôn tính. Ba đại họa ấy, đủ để triều đình Lê Long Đĩnh có nguy cơ bị tan rã, xã tắc cũng nhất định sẽ lâm nguy. May thay, vua nhà Tống đã không dám xuất quân. Vua nhà Tống bỗng dưng từ tâm hẳn ra chăng? Một lần bị Lê Hoàn đánh cho đại bại, đủ để vua Tống nghìn lần đắn đo khi toan tính đánh báo thù đó thôi.
     
  10. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Giai thoại 39: Chuyện sét đánh ra thơ

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Người xưa cho rằng, mọi biến đổi lớn theo chiều hướng xấu hoặc tốt của một cuộc đời, một gia đình, một địa phương hay một triều đại.. tất cả đều được báo trước bằng những điềm dữ hoặc điềm lành. Việc Lý Công Uẩn được tôn lên ngôi Hoàng đế và khai sáng ra triều Lý (1010 - 1225) cũng đã được báo trước như vậy.

    Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản là, quyển 1, tờ 31a-b) chép: "Trước đó, ở làng Diên Uẩn, thuộc châu Cổ Pháp (nay là vùng Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh - NKT), có cây gạo bị sét đánh. NgườI làng ấy đến xem kĩ thì thấy có chữ như sau :

    Thụ căn diểu diểu,

    Mộc biểu thanh thanh,

    Hòa - đao - mộc lạc,

    Thập - bát - tử thành,

    Đông - a nhập địa,

    Mộc dị tái sinh,

    Chấn cung kiến nhật,

    Đoài cung ẩn tinh,

    Lục thất niên gian,

    Thiên hạ thái bình.

    Mấy câu này, đại để có nghĩa là : Rễ cây sâu thăm thẳm, Vỏ cây màu xanh xanh, Hòa - đao - mộc thì rụng, Thập - bát - tử thì thành, Đông - a mà nhập địa, Cây lạ sẽ tái sinh, Phương Đông mặt trời mọc, Phương Tây sao ẩn mình, Chừng sáu bảy năm nữa, Thiên hạ sẽ thái bình. (Hòa- đao- mộc ghép lại, có âm Hán-Việt là lê, đây chỉ họ Lê, chỉ ngôi vua của Lê Long Đĩnh. Rụng là rụng xuống, ý nói sẽ mất đi. Thập- bát- tử ghép lại có âm Hán - Việt là lý, chỉ họ Lý. Chữ thành ngụ ý được dựng lên. Cả câu nói triều Lý sẽ được dựng lên. Đông- a ghép lại có âm Hán-Việt là trần, chỉ họ Trần. Họ vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc nên mớI có hai chữ nhập địa. Cây lạ sẽ tái sinh ngụ ý rằng, sau cũng có triều Lê, song đó lại là một họ Lê hoàn toàn khác. Phương Đông mặt trời mọc : Ý chỉ rằng sẽ có Thiên tử. Xưa, người ta vẫn coi Thanh Hóa là Tây, còn Thăng Long là Đông).

    Nhà sư Vạn Hạnh nói với Lý Công Uẩn rằng :

    - Mới rồi tôi thấy có bùa sấm lạ kì, suy thì biết là họ Lý sẽ cường thịnh, thế nào cũng dấy nên cơ nghiệp. Nay xem trong khắp thiên hạ, người họ Lý kể cũng nhiều, nhưng không ai bằng Thân Vệ cả (Thân Vệ là chức của Lý Công Uẩn lúc bấy giờ - NKT). Thân Vệ là người nhân từ, được lòng người, lại đang là người nắm giữ binh quyền trong tay, cho nên, đứng đầu trăm họ, nếu không phải là Thân Vệ thì còn ai vào đó nữa. Tôi nay đã ngoài bảy mươi, những mong thư thả hãy chết, chẳng qua chỉ cốt để chờ được xem đức hóa của ông thế nào. Việc này quá là cơ may ngàn năm có một.

    (Lý) Công Uẩn sợ lời ấy (của Vạn Hạnh) tiết lộ ra, bèn nhờ người anh đem Vạn Hạnh giấu ở Tiên Sơn (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh - NKT). Nhưng cũng từ đấy, ý nhòm ngó ngôi vua bắt đầu nẩy sinh và người người cũng muốn theo ý đó".

    Lời bàn:

    Phàm người đời đã tin cái gì thì thiên hạ nhất định sẽ có ngay những chuyện li kì tương ứng để củng cố niềm tin. Chuyện sét đánh ra thơ, hình thức tuy có khác nhưng suy cho cùng thì cũng có mục đích tương tự như chuyện con chó trắng ở châu Cổ Pháp bỗng dưng có đốm lông đen mang hình hai chữ Thiên tử chuyện quả khế có hạt mận, hoặc như chuyện con trâu ở châu Trường Yên đột ngột thay sừng mà thôi. (Xin vui lòng đọc thêm tập 51 giai thoại thời Lý (tập thứ hai của bộ Việt sử giai thoại) để rõ thêm những tích này).

    Sấm ngôn bao giờ cũng là sấm ngôn. Bí ẩn, uẩn súc đến độ rất khó hiểu. Nhưng sấm ngôn sở dĩ được muôn đời truyền tụng vì chính nó chứa chất những khát vọng đổi thay chân thành và lớn lao của trăm họ. Cho nên, thời nào còn có người viết sấm ngôn thì thời đó chưa thể gọi là thái bình thực sự được. Lý Công Uẩn lên ngôi không phải là bởi sự định đoạt rõ ràng từ trước của sấm truyền, ngược lại, sấm truyền chẳng qua chỉ là sự khéo léo, nói sao cho hợp với việc Lý Công Uẩn lên ngôi mà thôi. Con người có sự nghiệp phi thường ấy hẳn nhiên phải được những người ngưỡng mộ của muôn đời diễn tả bằng những lời khác thường như thế. Như bạn và như tôi, chúng ta chẳng có lời sấm truyền nào cả, những người bình thường từ ngàn xưa đến nay chẳng có lời sấm truyền nào cả. Nếu cắt nghĩa được rằng vì sao lại như thế, cũng có nghĩa là ta đã hiểu được nguồn gốc đích thực của sấm ngôn Quả là như vậy đấy.
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...