Văn HSG: Sự ảnh hưởng của văn học phương Tây đã quyết định đến quá trình hiện đại hóa của văn học VN

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Love cà phê sữa, 24 Tháng tám 2022.

  1. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Đề bài: Phải chăng sự ảnh hưởng của văn học phương Tây đã quyết định đến quá trình hiện đại hóa của văn học Việt Nam?

    Tác giả: Love cà phê sữa

    A, Giải thích.

    - "Hiện đại hóa" là quá trình văn học tách ra khỏi hệ thống thi pháp của văn học cổ thời phong kiến trung đại, tự "cởi trói" khỏi ước lệ, quy phạm cũ để đổi mới theo hình thức văn học phương Tây.

    - Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam diễn ra từ những năm đầu thế kỉ 20 và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Có nhiều yếu tố dẫn đến cuộc "trở dạ" lớn lao này của nền văn học dân tộc. Một trong số đó không thể không kể đến sự ảnh hưởng của nền văn học phương Tây. Không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng lớn lao của nhân tốt này, nhưng liệu, sự tác động đó có phải là nhân tố độc nhất và lớn nhất dẫn đến quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam?

    B, Bàn luận. (vừa bàn luận vừa chứng minh).

    Luận điểm tiền đề - Vạn vật trên đời đều tuân theo định luật thoái trào, không gì là nhất nguyên, bất biến, kể cả thi pháp của nền văn học trung đại và ý thức hệ phong kiến cũng không thoát khỏi "số mệnh" đó. Thời đại biến thiên, ắt văn học cũng sẽ biến chuyển. Vì thế, hiện đại hóa văn học là nhu cầu tự thân của chính nền văn học nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần và thẩm mĩ mới của xã hội. Nó còn là một yêu cầu khách quan của thời đại, đồng thời là một phương diện quan trọng của công cuộc hiện đại hóa nền văn hóa Việt Nam nói chung.

    Luận điểm chính - Sự ảnh hưởng của văn học phương Tây đã quyết định một phần không nhỏ đến quá trình hiện đại hóa của nền văn học Việt Nam. Với sự xụất hiện tầng lớp trí thức Tây học, ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng, văn hóa, văn học hiện đại của thế giới ngày càng thấm sâu vào ý thức người làm văn, đọc sách. Một mặt, họ chịu ảnh hưởng khá mạnh mẽ tư tưởng Tây học, mặt khác trở thành lực lượng truyền bá văn học phương Tây ở Việt Nam.

    +Trước khi "cơn gió mạnh bỗng từ xa thổi đến khiến cả nền tảng xưa bị một phen điên đảo, lung lay", người ta coi văn chương bao gồm mọi hình thức văn bản ngôn từ và không phân biệt rành mạch các thể loại. Điều này thể hiện tính chất tư duy nguyên hợp của con người thời ấy (hay còn gọi là văn sử bất phân). Nhưng, sau cuộc gặp gỡ phương Tây, nền văn học Việt Nam diễn ra cuộc biến thiên lớn lao: Các thể loại không chỉ được phân biệt rạch ròi mà còn được phân hóa phức tạp thành nhiều bộ phận, xu hướng trường phái khác nhau.

    (Dẫn chứng diện: "Bình ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi là hiện tượng văn – sử - triết bất phân. Về sử, đó là bản tổng kết cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê lợi lãnh đạo từ buổi đầu vô cùng gian khổ đến ngày đại thắng. Về văn, đó là nguồn cảm xúc trữ tình mang âm hưởng hào hùng. Về triết, đó là lý tưởng nhân nghĩa, lấy dân làm gốc, luôn lấy điểm tựa là dân, do dân và vì dân.

    Tiếp thu nền văn học Phương Tây, người nghệ sĩ đương thời phân biệt rạch ròi thể loại, không những vậy còn phân chia thành trường phái, xu hướng: Trường thơ Loạn, trào lưu văn học lãng mạn, trào lưu văn học hiện thực)

    + Về mặt nội dung:

    · Ý thức đề cao cái tôi, tiếng nói cá nhân (phong cách nghệ thuật) : Tính phi ngã – thứ tiên chỉ của văn học trung đại đã bóp nghẹt cái tôi cá nhân, đề cao tiếng nói cộng đồng và quy "cá thể, cá nhân" vào phạm trù húy kị. Tuy nền văn học này manh nha xuất hiện ý thức cá nhân, dám nới rộng đường biên để sáng tạo, phá vỡ tính quy phạm để bộc bạch nỗi lòng. Song, dường như cái tôi ấy là trá hình của cái tôi công dân, cái tôi trách nhiệm, đó không phải là bản chất nội tại chân chính như nó vốn có. Không có cái tôi, ắt không có phong cách nghệ thuật. Nền văn học trung đại, có rất nhiều nhà văn có cá tính sáng tạo nhưng không hình thành được phong cách riêng cho mình. Khi tiếp thu và chịu ảnh hưởng từ nền văn học hiện đại phương Tây, con người cá nhân như được thức tỉnh và cất lên tiếng nói đòi "quyền sống". Từ đó, phong cách nghệ thuật hình thành và phát triển.

    (Tư tưởng tiến bộ của chủ nghĩa lãng mạn Châu Âu: Thái độ phản phong, ý thức đề cao tiếng nói cá nhân du nhập vào nền văn học Việt Nam => nhóm "Tự lực văn đoàn" đã đưa ra mẫu hình nhân vật cá nhân cũng như các quyền tự do cá nhân để chống lại những khuôn khép của lễ giáo phong kiến. Nhóm dõng dạc tuyên bố: "Đem phương pháp Thái Tây ứng dụng vào văn chương An Nam." -> Thạch Lam: Viết về con người nhỏ bé, bất hạnh bằng sự cảm thông, trân trọng. Ông là người tinh vi và nhạy cảm trước mọi biến động tinh vi và nhỏ nhặt của cuộc sống, luôn trân trọng vẻ đẹp bình dị trong cõi đời này, luôn hướng tới sự thanh cao của cái đẹp, cái thiện.. Cái tôi của Thạch Lam là cái tôi giàu xúc cảm, nhẹ nhàng, tinh tế, bình dị mà sâu sắc, chứa chan tình nhân ái. Chứng minh qua "Hai đứa trẻ"

    Thơ mới đề cao cái tôi như một sự khẳng định bản ngã: Cái tôi Xuân Diệu thể hiện qua bài "Vội vàng" : Luôn khát khao giao cảm với đời, say mê, nồng nhiệt)

    · Tự do bộc bạch cảm xúc: Chứng minh qua "Tràng giang" – Huy Cận.

    · Tiếp thu phong cách nhà văn, nhà thơ thơ phương Tây như một nguồn sáng tạo nghệ thuật (chứng minh qua "Chí Phèo" – Nam Cao: Ông tiếp thu phong cách tâm lí - nội quan của Dostoevski, đi theo con đường hiện thực chủ nghĩa của Chekhov: Soi chiếu các giá trị phổ quát của đời sống bằng những việc vặt vãnh, đời thường, vừa thắm đượm chất thơ, giàu tình yêu thương con người, vừa lạnh lùng, sắc sảo)

    · Quan niệm nghệ thuật về con người thay đổi.

    · Đề tài được mở rộng: Văn học phương tây tác động khiến nhà văn tự nới rộng phạm vi đề tài, phá vỡ đường biên của nền văn học trước là những đề tài cao quý, trang nghiêm, cho phép con người nói đến cái nhỏ bé, tầm thường, thậm chí là phạm trù húy kị của nền văn học trước.

    +Về mặt hình thức nghệ thuật:

    · Nhờ sự ảnh hưởng của nền văn học phương Tây, người nghệ sĩ "tự cỏi trói" ngòi bút của mình khỏi ước lệ phức tạp và nghiêm ngặt: Tính uyên bác và cách điệu hóa cao độ, tính sùng cổ, tính phi ngã, tính ước lệ.. để tiếp thu và sáng tạo hệ thống thi pháp mới.

    (Phong trào thơ mới chịu ảnh hưởng rất lớn từ thơ ca tượng trưng Pháp: "Thế giới thống nhất trong tình âm u, huyền bí của nó", hay "hương sắc và âm thanh trong không gian tương ứng với nhau" =>Thay vì sử dụng hệ thống ước lệ dày đặc, đậm chất cổ điển, Xuân Diệu cách tân, tìm đến thi pháp tương giao. Trong "Nguyệt cầm", nhà thơ tạo ra những kênh cảm giác, âm thanh, màu sắc, hương vị.. giao thoa với nhau một cách thuần thục)

    · Ngôn ngữ

    · Thể loại

    - Nhưng, nếu chỉ chịu sự tác động của nền văn học phương Tây thì quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam sẽ không thể diễn ra trọn vẹn và đạt những thành tựu đỉnh cao. Phải nhận thấy rằng, sự ảnh hưởng của nền văn học phương Tây là một trong những yếu tố quyết định đến quá trình hiện đại hóa của văn học Việt Nam, chứ không phải là duy nhất và độc nhất. Làn gió phương Tây không thể làm cả nền tảng xưa bị một phen điên đảo nếu bức tường thi pháp và ý thức phong kiến không xuất hiện những vết nứt và đâu đó manh nha ý thức cá nhân muốn trỗi dậy lật đổ, phá bỏ hết thành trì thi pháp cũ.

    + Ngược dòng lịch sử, ta sẽ thấy cuộc "trở dạ" của nền văn học Việt Nam theo hướng hiện đại hóa đã có những "cựa mình" đầu tiên ngay từ cuối thế kỉ 18 và trong thế kỉ 19, trước khi nền văn học phương Tây được du nhập vào nước ta. Đó là sự xuất hiện những cá tính mạnh mẽ muốn nổi loạn, muốn phá bỏ mọi khuôn khổ được hoạch định sẵn để sống thật với cõi lòng mình.

    (dẫn chứng diện: "Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỉ/ Một đôi người u uất nỗi chơ vơ." Ý thức về nỗi chơ vơ ấy đã khởi phát trong lòng những kẻ đeo mộng văn chương. Đó là nỗi khắc khoải hoài vọng về một thời vàng son dĩ vãng của Bà Huyện Thanh Quan, là tiếng thở dài bi thiết cho thế cục nhân sinh của Nguyễn Trãi, là cái chân thật đầy bản lĩnh và cái ngang tang đầy phá phách của Bà chúa thơ Nôm – Hồ Xuân Hương)

    Dẫn chứng điểm:

    · "Truyện Kiều" – Nguyễn Du: Cách đến với tình yêu hết sức tự do, táo bạo của Thúy Kiều:

    "Cửa ngoài vội rủ rèm the,

    Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình"

    Bước chân ấy, nói như Xuân Diệu, sẽ còn làm biết bao thiếu nữ hôm nay và mai sau phải ngỡ ngàng, ngơ ngác, ngạc nhiên. Trong xã hội phong kiến "phi ngã", "vô ngã", khi mà chế độ nam quyền "trọng nam khinh nữ" được đề cao gần như tuyệt đối, khi người phụ nữ bị ràng buộc bởi biết bao thứ lễ giáo phong kiến hà khắc, bước chân "xăm xăm bang lối vườn khuya một mình" ấy của Thúy Kiều đã phá vỡ hết tất thảy gông cùm, xiềng xích phong kiến. Từng bước chân nhanh nhẹn, đầy can đảm và chủ động từng chút một đạp đổ bức tường ngăn cách tình yêu đôi lứa để con người thỏa sức nói lên khát khao hạnh phúc, tự do của mình..

    · Một tiếng nói nữ quyền hiếm hoi của Hồ Xuân Hương đã làm lung lay rường cột phong kiến đang trên đà mục rữa.

    "Này của Xuân Hương mới quyệt rồi."

    Sự manh nha ý thức cá nhân: Một sự hiện diện nhỡ tiền của nữ sĩ trước đời. Cách nêu đích danh vừa ngang tàng, ngạo nghễ, vừa như thách thức với tính phi ngã, vô ngã – thứ tiên chỉ của nền văn học trung đại đã bóp nghẹt cái tôi cá nhân.

    Hệ thống từ ngữ độc đáo, biến tấu phức điệu âm thanh để tạo ra độ lệch chuẩn ngôn ngữ, ngôn ngữ thơ luôn cựa quậy, được đẩy lên "độ căng thẩm mỹ".

    Hồ Xuân Hương luôn khao khát giải phóng nhãn quan tính dục phong kiến cổ hủ, công khai nói đến cuộc sống bản năng, không e ngại nói đến cái dâm, cái tục. Nó đối lập với tư tưởng cấm dục khắc nghiệt của Nho giáo.

    => Đó mới chỉ là sự "manh nha", chưa thật sự đẩy lịch sử văn học tới cuộc cách tân căn bản. Do chưa tiếp nhận ảnh hưởng của nền văn học phương Tây và thiếu cơ sở xã hội, văn hóa cần thiết (giặc Pháp xâm lược đất nước khiến vấn đề hạnh phúc cá nhân, số phận con người cùng cách tân văn học phải dẹp sang một bên, nhường chỗ cho vấn đề sống còn của dân tộc) nên dù có quẫy đạp, cựa quậy mãnh liệt như thế nào cũng chưa thể tạo nên cuộc trở dạ đích thực của văn học.

    + Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam còn xuất phát từ sự khủng hoảng sâu sắc của chế độ phong kiến, của thế giới quan và mỹ học phong kiến. Tất cả bị rạn nứt nghiêm trọng và dần mất đi vị thế trước những cách tân, đổi mới.

    C. Đánh giá, tổng kết.

    - Khẳng định sự ảnh hưởng của nền văn học phương Tây quyết định một phần không nhỏ đến quá trình hiện đại hóa của nền văn học Việt Nam

    - Công cuộc hiện đại hóa văn học không thể diễn ra một sớm một chiều mà là cả một quá trình gồm nhiều bước từ thấp đến cao do tác động ngày càng sâu sắc của đời sống đô thị tư bản chủ nghĩa và ảnh hưởng của tư tưởng, văn hóa, văn học phương Tây hiện đại. Vì thế, không nên coi tác động của nền văn học phương Tây là duy nhất, độc nhất dẫn đến quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc. Cần nhìn nhận nhiều khía cạnh, nhiều yếu tốt. Bởi, bất kì cuộc trở dạ lớn lao nào cũng đều bắt nguồn từ nhân tố nhỏ nhất.

    D. Mở rộng, nâng cao.

    - Sự tác động của nền văn học phương Tây đến quá trình hiện đại hóa của nền văn học Việt Nam là vô cùng quan trọng, song ta cũng cần đề cao vai trò của nhà văn, người nghệ sĩ trong quá trình tiếp thu tinh hoa của nền văn học Thế giới và luôn khao khát cách tân, đổi mới nền văn học nước nhà. Nếu như họ không tiếp thu, truyền bá nền văn học phương Tây và vận dụng một cách sáng tạo những tinh hoa mà họ tiệm cận được để sáng tác nên đứa con tinh thần của mình thì có lẽ văn học nước nhà sẽ khó có được bước tiến như ngày hôm nay. Và suy cho cùng thì chính người nghệ sĩ – chủ thể tiếp nhận tinh túy của nền văn học Thế giới đồng thời là người sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị ngàn đời chính là người tạo nên tầm quan trọng của sự ảnh hưởng của nền văn học phương Tây đến quá trình hiện đại hóa của nền văn học Việt.

    (đặt ra vấn đề nhà văn không ngừng tiếp thu, học hỏi những cái mới, vận dụng một cách sáng tạo, luôn khát khao cách tân)

    Đăng kí học văn tại: Paid - Nhận Dạy Văn Online Ôn Thi Vào 10, Ôn Thi Học Sinh Giỏi Các Cấp, Ôn Thi Đại Học
     
    Tiên Nhi, Ngoc Pig, Ột Éc23 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng tám 2022
  2. Đăng ký Binance
  3. Ngoc Pig

    Bài viết:
    8
    Bài viết của bạn rất hay, kiến thức về văn học sử và các thời kì văn học cũng như các tác giả cũng rất phong phú và sâu sắc, cách bạn phân tích và khai thác vấn đề cũng thật là sáng tạo, hi vọng rằng mình sẽ được học hỏi ở bạn nhiều hơn nữa.
     
  4. Nevertalkname Không có gì để xem

    Bài viết:
    271
    Bài viết thật bổ ích. Mong rằng sẽ có thêm những bài như thế này nữa
     
  5. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Cảm ơn bạn nhiều, mong bạn sẽ tiếp tục ủng hộ mình
     
  6. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Cảm ơn chị nhiều ạ
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...