Hiện Đại Trôi Trong Gương - Minh Nhân

Thảo luận trong 'Hoàn Thành' bắt đầu bởi nghia1304, 1 Tháng tám 2020.

  1. nghia1304 Minh Nhân

    Bài viết:
    25
    CHƯƠNG 20: GÃ GIANG HỒ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đêm đó, như thường lệ, ông Sáu và nó thức đọc kinh. Nó nép vào ông, thủ thỉ:

    - Chú nè, con đọc thấy khi Phật tuyên bố sẽ thuyết kinh Pháp Hoa, có năm ngàn người, gồm cả khất sĩ, nữ khất sĩ, cận sự nam, cận sự nữ đều rời chỗ ngồi bỏ xuống núi. Vì sao lại như thế?

    Ông Sáu nhấp một ngụm trà, thong thả đáp:

    - Đó cũng là lẽ thường thôi con à. Trong một pháp tòa, dù là pháp tòa của Phật đi chăng nữa, bao giờ cũng tồn tại những người không cùng ý kiến với mình, không thích nghe chủ đề mình thuyết. Giống như ở lớp, sau khi biết tên bài giảng, nhiều học trò thấy chán, chẳng buồn nghe, bèn tìm cách chạy chỗ hoặc trốn đi. Các vị kia cũng vậy, họ chưa đủ duyên với kinh Pháp Hoa nên thấy không thích hợp, bỏ về.

    Nó nghe vậy, mặt bỗng đăm chiêu:

    - Ra là vậy, bởi người ta mới nói: "Thân người khó được, Phật pháp khó nghe". Ai vừa được thân người, vừa biết Phật pháp thực là may mắn lắm. Chẳng biết chú cháu mình có nằm trong năm ngàn người bỏ đi đó không, mà còn trôi lăn đến giờ chú ha?

    Ông Sáu gật gù:

    - Ừ, ai biết được. Cũng may mà đời này chú và con đã gặp và chịu nghe Phật pháp rồi. Cố gắng cùng nhau tinh tấn, không bỏ đi nữa, nghe con.

    Bỗng từ giường gã giang hồ thé lên tiếng gắt:

    - Ê, ông già kia! Ông và thằng nhỏ tính làm gì mà cứ sục sạo nãy giờ vậy hả? Bộ không cho người khác ngủ chắc?

    - Xin lỗi anh. - Ông Sáu ôn tồn. - Tôi và cháu đây chỉ tính ngồi thiền, tụng kinh chốc lát thôi.

    - Kinh kệ gì giờ này. - Gã bực mình. - Lo mà ngủ đi. Ông mà làm ồn nữa là không xong với tôi đâu đó!

    Gã vừa nói vừa lườm hai người, mắt long sòng sọc. Nó cũng chẳng vừa, nắm tay răng rắc toan ăn thua với gã. Nhưng chợt nhớ đến những lời Phật dạy, chỉ có tình thương mới giúp ta vượt qua giông bão cuộc đời. Nó tự quán chiếu rằng gã này cũng khổ đau nhiều lắm, ngày qua ngày gã chỉ biết ngập tràn trong uất hận. Người sân si như vậy thì bản thân họ đã đủ khổ rồi, đâu cần mình oán giận thêm chi nữa. Nghĩ tới đây, nó bỗng phát khởi tình thương, bao nhiêu bực bội đều tan biến. Lòng nhẹ vô cùng. Nó thầm cảm ơn Phật pháp soi đường, giúp nó giải tỏa mọi sân si. Tới đây thì có giọng ông Sáu vang lên trầm ấm:

    - Thôi con ạ, hôm nay mình chỉ ngồi thiền là được. Tụng kinh để dịp khác.

    - Dạ chú. - Nó mỉm cười đồng ý.

    Thế là hai chú cháu ngồi thẳng lại, nhắm mắt dõi theo hơi thở. Phía bên kia, gã giang hồ vẫn nhìn theo, mặt hầm hầm. Nhưng rồi gã cũng lơ đi, lôi điện thoại ra bấm bấm. Kêu người ta để cho ngủ nhưng lại không chịu ngủ!

    Chuyện như vậy được hai đêm thì có một biến cố xảy ra. Hôm đó, như thường lệ, hai chú cháu ngồi thiền còn gã giang hồ thì loay hoay bên điện thoại. Trời nóng bức, gã để cửa sổ mở luôn cho mát. Sẵn tiện cho trăng gió luồn vào. Nhưng gã làm gì biết đến gió trăng, chỉ mải lục hình những em xinh tươi mà ngắm, bản mặt lộ rõ vẻ thèm thuồng. Bỗng gã cảm thấy có gì nằng nặng. Từ song cửa sổ, một cánh tay khác thò vào, nắm lấy chiếc điện thoại của gã. Gã xanh mặt, chưa kịp ú ớ thì cánh tay ấy đã giật được món đồ, lao mất trong đêm. Chỉ còn nghe tiếng gã kêu thảm thiết:

    - A a a a..

    Ai nấy giật mình. Một người nhanh tay bật đèn lên. Ánh sáng chiếu rõ bàn tay gã bê bết máu. Mắt trợn trừng, gã lắp bắp mãi mới thành câu:

    - Có cướp, cướp! Nó giật điện thoại của tôi. Mau.. mau bắt lấy nó!

    Gian phòng nháo nhào cả lên. Một vài người chạy ra hành lang, đuổi theo bóng đen vừa lẩn khuất. Không kịp, hắn đã mất dạng rồi. Chỉ khổ thân gã giang hồ, tay đang truyền nước biển, bị giật mạnh nên kim đâm sâu vào, máu tuôn xối xả. Ai nấy hoảng kinh, la lối đi tìm bác sĩ. Trong chốc lát, mấy cô ý tá đã có mặt kịp thời, nhổ kim ra và băng bó vết thương. Gã vẫn chưa hoàn hồn, tim đập thình thịch. Vừa giận, vừa tức, gã chửi thầm:

    - Khốn nạn! Biết vậy đi ngủ quách cho rồi. Còn ngắm nghía mấy con quỷ cái chi rồi mang họa!

    Đám đông vẫn vây quanh gã, bàn tán râm ran. Có tiếng xì xào:

    - Đáng đời thằng mắc dịch. Bị vậy cho chừa!

    Gã nghe được giận tím mặt, nhưng tay mới bị thương, không dám vùng vẫy sợ ra thêm máu. Gã đành cắn răng chịu trận, phớt lờ đi như chẳng biết gì. Ông Sáu và nó ở giường bên kia chứng kiến từ đầu đến cuối, cả hai đều lắc đầu ngán ngẩm:

    - Mô Phật. Âu cũng là nhân quả.

    Từ hôm đó, gã giang hồ đổi tính hẳn, không còn la lối, làm phách như trước nữa. Có lẽ gã bị ám ảnh bởi vụ cướp vừa rồi. Chỉ cần cây kim đâm sâu chút nữa, vào động mạch, có khi toi mạng. Dù cứng rắn đến đâu gã vẫn tin ở tâm linh. Gã sợ nói năng lỗ mãng quá bị trời thần quở phạt. Thành thử ra gã im thin thít, lâu lâu mới gắt gỏng được mấy lời.

    Gã không có người thân thăm hỏi, cả ngày chỉ lấy điện thoại làm vui. Bây giờ điện thoại bị giật rồi, xung quanh thì bị ghét, chẳng ai thèm trò chuyện, gã đâm ra trống trải. Rảnh rỗi nên bao suy nghĩ bỗng tràn về. Nghĩ hoài, nghĩ mãi, gã đau đầu không sao ngủ được.

    Đêm đó, thấy ông Sáu và nó ngồi thiền, gã lên giọng:

    - Ông kia.

    Ông Sáu vẫn im lặng. Gã nói to hơn:

    - Ê, ông già. Tôi nó mà ông không nghe hả?

    Lúc này ông Sáu mới mở mắt, ung dung đáp:

    - Anh có điều gì dạy bảo tôi chăng?

    - Gớm. - Gã xì một tiếng rõ dài. - Ông học câu đó trong phim hả? Tôi muốn hỏi là bữa ông muốn đọc kinh phải không?

    - Phải. - Ông Sáu ôn tồn. - Tôi và cậu nhỏ này đang trì kinh Pháp Hoa.

    - Vậy.. ông đọc đi - Gã ngại ngùng. - Tôi.. tôi muốn nghe!

    Ông Sáu thấy vậy, mỉm cười. Ông hiểu là gã đang quá cô đơn, trong đêm tối lại không có điện thoại nên trằn trọc, khó chịu. Vì thế gã mới nói ông đọc kinh để dỗ giấc ngủ đây mà!

    Ông Sáu ra hiệu cho nó lấy quyển kinh ra, rồi chậm rãi lần chuỗi hạt, cất lời:

    "Đêm tụng kinh Pháp Hoa,

    Lắng nghe lời Phật dạy,

    Tràn đầy nguồn Diệu Pháp

    Tỏa chiếu trong tâm ta.

    Đêm tụng kinh Pháp Hoa,

    Trời đất cung kính lạy,

    Vũ trụ lặng cúi đầu

    Nghe lời kinh Pháp Hoa".


    Lời kinh trầm hùng vang vọng bên tai gã. Bất chợt, gã cảm thấy một cảm giác khoan khoái lạ kì. Gã lắng lòng nghe, tưởng như Phật đang hiện ra trước mắt. Gã thấy rõ mồn một nụ cười của Đức Như Lai. Rồi như quá bình yên, gã thiếp đi lúc nào không rõ. Ông Sáu và nó thấy vậy, hai người nhìn nhau, mỉm cười.
     
    Zoecatbird, Dương2301chiqudoll thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng mười một 2020
  2. nghia1304 Minh Nhân

    Bài viết:
    25
    CHƯƠNG 21: CON MÃNG XÀ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Từ đó, gã để yên cho hai chú cháu tụng kinh. Nó tu học ngày càng tinh tấn, không còn thiết tha gì điện thoại hay ipad nữa. Giờ đây nó chỉ muốn làm một người vô sự, tỉnh thức, thong dong tự tại giữa cuộc đời. Ông Sáu thấy sự tiến bộ của nó cũng lấy làm vui. Ông hứa nếu mẹ nó không xuất hiện, ông sẽ thanh toán hết tiền viện phí.

    Một buổi chiều vàng gió thổi hiu hiu, các bệnh nhân hầu hết đều xuống căng-tin ăn cơm hoặc mê mệt lăn ra ngủ. Chỉ còn ba người là gã giang hồ, ông Sáu và nó. Gã quay sang hỏi:

    - Ông Sáu nè.

    - Dạ anh có điều chi dạy bảo? - Ông vẫn lặp lại lối nói hôm nào.

    - Ờ. Chuyện là, ngày mai tôi ra viện. - Gã ngần ngừ. - Trước khi đi, tôi có điều này muốn nói với ông.

    - Dạ anh cứ nói. - Ông Sáu cười hiền.

    - Ông có biết tại sao ngày đầu đến đây, tôi phách lối vậy mà bác sĩ chẳng dám làm gì không?

    Ông Sáu không quen đoán mò. Ông thành thật:

    - Tôi không biết.

    Gã cười cay đắng, ngước mắt nhìn trời:

    - Do tôi là một tên tội phạm. Mai đây khi rời bệnh viện này, tôi sẽ đi thụ án. Chính vì vậy nên tôi bất chấp hết, phá phách om sòm. Bác sĩ biết tôi là thằng liều, không dám đụng tới, đành phải làm ngơ.

    Nó giật mình, chen ngang:

    - Anh, anh bị tội gì?

    Gã nhìn nó, cười:

    - Chú em có biết tụi Long giang hồ làm ăn khét tiếng từ Sài Gòn đến miền Tây không? Trong trận đánh lộn với Bình sẹo, thằng Long cầm đầu bị ăn một nhát, tử thương. Từ đó băng đảng chia năm xẻ bảy, đấu đá lẫn nhau rồi yếu dần.

    Nó há hốc miệng:

    - Không lẽ.. không lẽ anh là người trong nhóm đó?

    - Phải. - Gã gật đầu. - Tôi được giao kế nhiệm Long đại ca. Nhưng thấy tình hình không ổn, biết đằng nào băng đảng cũng tan nên tôi tranh thủ vơ một mớ rồi bỏ trốn. Bọn chúng tức giận, truy lùng hết sức gắt gao. Nhưng vì biết hết mánh lới của đàn em nên tôi tránh được dễ dàng. Mấy năm sau băng đảng khủng hoảng cùng cực, kẻ bị giết, người bị công an tóm. Khi chắc chắn toàn bộ mạng lưới đã suy tàn, tôi công khai ra mặt như xưa. Do có nhiều tiền tích góp và biết cách lo lót cẩn thận nên tôi là ai, chính quyền cũng không can thiệp.

    Nghe tới đây, nó mới thở phào. Hóa ra băng nhóm của Long giang hồ đã tan rã từ lâu. Những kẻ bình luận trong Facebook hôm trước chắc chỉ là dư đảng không đáng kể. Vậy mà nó cứ nơm nớp lo âu sợ bị chúng truy lùng, thật là thần hồn nát thần tính! Chợt nhớ ra điều gì, nó hỏi gã:

    - Nhưng như vậy tại sao anh lại bị bắt đi thụ án?

    Gã cười gằn:

    - Chuyện dài lắm chú em. Âu cũng do tôi mê gái cả. Số tiền tích cóp được tôi đem đi phung phí cho những em chân dài. Tôi nghiện việc ngấu nghiến mấy dáng hình xinh đẹp đó. Trong số nhân tình, có kẻ cũng ăn chơi qua đường thật, nhưng không ít người đã đem hết con tim dâng trọn cho tôi. Họ yêu tha thiết không vụ lợi. Nhưng tôi chẳng màng. Tôi chỉ coi họ như thú vui, chán chê thì bỏ.

    Ông Sáu lắc đầu:

    - Mô Phật. Thiện tai, thiện tai.

    Gã đau đớn tiếp:

    - Ngay từ lúc chưa bước chân vào giới giang hồ, tôi đã quen cặp kè với hết em nọ em kia. Nhà tôi khi ấy giàu lắm, con gái được thừa hưởng ít nhất một mảnh đất ngang sáu dài tám mét, còn con trai là ngang tám, dài mười hai mét. Hết thảy đều ở mặt tiền đường lớn. Chưa kể tôi còn được ba mẹ giao cho một khối tài sản kếch xù. Chỉ riêng cái mác đó thôi đã hút hồn được bao nhiêu cô gái trẻ. Người tham giàu cũng có; người vì hoàn cảnh khó khăn, bị tôi gạ gẫm cũng có. Rủ đi ăn tô phở hai chục ngàn, đủ để tôi hành hạ các nàng cả đêm. Họ có đau đớn tôi cũng chẳng quan tâm, chỉ hả dạ: "Gái ngu thì chết". Cứ thế, tôi thỏa thuê, vui sướng cực kì.

    - Rồi miệng ăn núi lở, gia sản cạn dần, tôi bước vào giới giang hồ cùng với Long đại ca. Tại đây, tôi lại qua đường với bao em nữa. Sau khi băng đảng tàn rồi, tôi tiếp tục đem của cải thu được nướng vào đàn bà. Tính đến giờ, tôi chung chạ chắc cũng đến trăm em.

    Nó nghe vậy muốn lợm giọng. Từ đó tới giờ nó chưa thấy ai khát tình đến thế. Nhưng bỗng nó khựng lại. Trong giọng kể có gì như nức nở, nghẹn ngào. Hình như gã khóc:

    - Nhưng đúng là nhân quả trả vay ông Sáu ạ. Tôi cứ điên cuồng đuổi theo ái dục, rồi chính ái dục trở thành thòng lọng bóp chết tôi. Đêm nọ, tôi mơ thấy mình ở trong khu rừng hoang. Chân tay bị trói chặt vào gốc cây, không sao cựa quậy được. Bất chợt, có con mãng xà từ đâu trườn lại, mắt rực lửa trợn trừng. Nó thè lưỡi khè một cái, rồi lao tới cắn vào hạ bộ tôi đau điếng. Tôi la hét, giãy giụa nhưng đã muộn. Khi nhìn lại chỉ thấy dưới mình bê bết máu tươi. Tôi hoảng quá, gào lên, mới hay đang nằm mộng. Nhưng sự thật cũng chẳng khác gì. Mấy ngày sau, tôi biết mình bị giang mai.

    Nó thở dài, ngán ngẩm. Gã tiếp:

    - Mỗi lần điều trị giang mai khủng khiếp còn hơn rắn cắn. Cứ xong là tôi thấy đau buốt cả bộ hạ, không làm ăn gì được. Thật đáng kiếp tôi mà. Hại đời bao nhiêu người rồi cuối cùng bị trời hại.

    Bất chợt, mắt gã như mờ đi. Hình ảnh con mãng xà lại hiện lên với ánh mắt sáng rực, chiếc lười dài thè ra ngấu nghiến. Gã la hoảng:

    - A, a.. Con rắn! Con rắn! Nó trở lại giết tôi. Không, không, tôi không muốn chết. Ông Sáu, cứu tôi, ông Sáu!

    Gã ôm đầu lăn lộn như người điên. Nó và ông Sáu chỉ im lặng lắc đầu. Hai người cùng niệm:

    - Nam mô Bồ Tát Quan Thế Âm. Nam mô Bồ Tát Quan Thế Âm. Nam mô Bồ Tát Quan Thế Âm..

    Nó chú tâm vào từng câu chữ, gọi Quân Âm như gọi lên thương cảm ở trong mình. Niệm liên tục một lúc thì gã giang hồ định thần trở lại. Mồ hôi lấm tấm trên trán, gã quay sang:

    - Cảm.. cảm ơn hai chú cháu.

    Nó thấy gã đã bình tĩnh, liền tiếp lời:

    - Anh kể tiếp chuyện của anh đi.

    - Tôi kể đến đâu rồi nhỉ. - Gã cố moi trí nhớ. - À, phải rồi, đến đoạn tôi bị giang mai. Phải, quãng thời gian đó thật là khủng khiếp, tôi tự nhủ mình sẽ không bao giờ sa vào ăn chơi nữa. Nhưng đã trễ. Tiền nướng vào gái gú, rồi tiền trị bệnh. Tất cả làm "ngân khố" của tôi cạn kiệt. Chẳng còn đâu để đút lót chính quyền. Mấy quan trên ai cũng biết rõ tông tích tôi, mà nay không được xơi nữa, họ quyết tống tôi vào khám. Biết được điều đó, tôi âm thầm trốn chạy, xui thế nào lại bị xe cán, rồi bị bắt đưa vào bệnh viện này.

    Nghe tới đây, ông Sáu và nó đều đưa mắt nhìn xa xăm. Quả là lưới trời lồng lộng, tuy thưa khó thoát. Chẳng ai tránh được nhân quả ba đời. Nếu kiếp này không trả thì những kiếp sau cũng phải trả thôi. Mà cần gì kiếp sau, đến lúc gặp nạn, tự nhiên bao đau đớn, dày vò sẽ hiện lên trong tâm trí. Điển hình là gã giang hồ trước mặt hai người đây. Mới ngày nào hung tợn, nay lại nước mắt nghẹn ngào:

    - Ông Sáu biết không, tôi chẳng muốn nói đâu, nhưng tôi buồn quá. Cuộc đời tôi hết bị ba mẹ từ vì ăn chơi lêu lổng lại giao du đàn đúm với đám giang hồ, bạn bè thật sự chẳng có lấy một ai. Tôi chỉ biết lướt điện thoại tìm quên, nào ngờ vào đây bị giật mất, lại phải đối diện với chính mình. Lương tâm cắnrứt, rồi bao kí ức hỗn loạn tìm về khiến tôi như điên như dại. Cũng may được nghe lời kinh của ông, tôi mới thấy nhẹ lòng. Muốn sám hối nhưng giờ thì đã muộn.

    Nó đưa mắt nhìn ông Sáu. Ông không nói gì, chỉ đưa tay lần chuỗi hạt, miệng ngân nga tiếng kệ trầm hùng:

    "Đêm tụng kinh Pháp Hoa

    Không dám khinh xuất người.

    Biết người sẽ thành Phật.

    Tâm Phật trong tâm ta".


    Nghe tới đây, gã giang hồ tỉnh ngộ. Một tia sáng chiếu rọi tâm can gã. Gã nhìn ông Sáu, lắp bắp:

    - Ông, ông nói sao? Tôi.. tôi cũng có thể thành Phật ư?
     
    Zoecatbird, Dương2301chiqudoll thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng mười một 2020
  3. nghia1304 Minh Nhân

    Bài viết:
    25
    CHƯƠNG 22: NỖI LÒNG NGƯỜI THIẾU PHỤ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ông Sáu nhìn gã, hiền từ:

    - Đức Phật nói: "Tôi là Phật đã thành. Chúng sanh là Phật sẽ thành. Ai cũng có máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn. Tâm ai cũng có Phật tánh như nhau". Chỉ cần anh bỏ ác, làm lành, ngày đêm luôn hướng thiện, thì không kiếp này cũng kiếp khác, anh sẽ chứng quả như bao người.

    Nghe vậy, gã cảm động đến rơi nước mắt. Giọng ông Sáu sao mà trầm ấm, từ bi quá đỗi. Lần đầu tiên có người công nhận gã còn chút thiện lương. Lần đầu tiên có người mở lòng với gã. Phải rồi, gã cũng có Phật tánh, cũng có thể hối cải như ai. Vào ngục thất gã vẫn sẽ nhất tâm tu niệm, gửi yêu thương đến tất cả mọi người. Sau này ra tù, gã quyết không sa vào ái dục nữa, mà sẽ cống hiến đời mình cho xã hội. Đường giác ngộ thênh thang chào đón gã. Chắp tay sen búp, gã mỉm cười:

    - Cảm ơn ông. Cảm ơn ông đã dạy cho con Phật pháp để làm lại cuộc đời.

    - Mô Phật. - Ông Sáu mỉm cười, cầm quyển kinh Pháp Hoa đến bên giường gã. - Tôi tặng anh quyển kinh này. Những ngày ở trại giam, anh hãy nhất tâm trì niệm. Cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với anh.

    Tới đây, gã òa khóc, đưa tay đón nhận quyển kinh như đón nhận báu vật quý nhất cuộc đời mình:

    - Con xin ghi khắc lời ông dạy.

    Nó đứng bên cũng hạnh phúc mỉm cười. Nắng chiều khuất dần sau kẽ lá. Ngoài kia, nước dưới lòng hồ vẫn sâu thẳm, mênh mang.

    "Kinh chiều nhẹ tỏa đến muôn phương

    Rắc tròn hương hoa xuống nẻo đường.

    Cho những hồn say mau tỉnh thức,

    Độ lòng nhân thế ngập niềm thương".


    Vậy là còn một hôm nữa, ông Sáu và nó sẽ được ra viện. Tính ra là sau gã giang hồ khoảng ba ngày. Đêm đó, kết thúc buổi thiền tọa, tụng kinh, hai chú cháu không ngủ mà ngồi chuyện trò đến sáng.

    - Khi ra viện rồi, chú sẽ đi đâu? - Nó tò mò.

    - Chú hả. Chú sẽ xuất gia. - Ông Sáu đáp. - Chú đã liên hệ được với thầy trụ trì chùa Kim Sơn rồi. Ngày mai thầy đến đón chú.

    - Chùa Kim Sơn là ở đâu hả chú? - Nó ngơ ngác hỏi.

    Ông Sáu cười hiền:

    - Chùa Kim Sơn ở An Giang. Chùa nằm trong một khu vắng người, khung cảnh thanh bình lắm. Sư thầy ở đó tu tập miên mật, có rất nhiều an lạc. Ngày mai thầy cùng chúng tăng đến dự lễ cầu siêu cho một Phật tử, tiện đường ghé vào đón chú.

    - Chú cho con theo được không? - Nó nài nỉ. - Con bây giờ lạc mẹ, cũng chẳng biết đi đâu. Con lại thích tu tập, chẳng muốn vướng bận gì trần lao nữa.

    Ông Sáu nhìn nó mỉm cười. Không ngờ một cậu bé từng nghiện điện thoại, sa sút đủ bề mà nay lại giác ngộ và ham học tu đến thế. Ông tự hào vì có người đồng hành như vậy. Quả đúng thật là duyên. Nhìn vào đôi mắt long lanh của chàng trai, ông trìu mến:

    - Được rồi, để ngày mai chú hỏi sư thầy xem sao nha.

    - Dạ, con cảm ơn chú. - Nó reo lên hớn hở.

    Cứ thế, hai chú cháu trò chuyện rất lâu, rất lâu. Rốt cuộc thì ngoài Phật pháp, nó vẫn chẳng biết gì về ông Sáu. Ông chưa từng kể cho nó ông xuất thân ra sao, vì cớ gì lại bị thương mà nhập viện. Nhưng nó cũng chẳng quan tâm nữa. Suốt thời gian dài tiếp xúc, nó biết ông là người tốt, thương nó hết lòng, vậy là đủ.

    Sáng hôm sau, ông Sáu và nó xếp đồ để buổi chiều xuất viện. Một vài bệnh nhân ghé lại chào hỏi, vỗ về hai chú cháu.

    - Chà, anh Sáu về rồi ai đàn tụi tôi nghe nữa bây giờ. Tiếc thiệt.

    - Có gì đâu anh. - Ông Sáu đáp. - Khi nào đủ duyên, tôi lại ghé đàn cho mấy anh nghe.

    - Ây da. - Một bệnh nhân tiếp lời. - Đủ duyên thì đến bao giờ. Hay hông ấy anh cho tôi Facebook đi, rồi có gì còn liên lạc.

    Ông Sáu khẽ lắc đầu:

    - Xin lỗi anh, nhưng tôi không xài Facebook.

    - Trời, ông này chắc người tiền sử quá. - Người bệnh nhân nọ thốt lên. - Thôi cũng được, vậy anh cho tôi số điện thoại đi, có gì trao đổi.

    Chẳng đặng đừng, ông Sáu đành đọc số cho họ lưu. Thời nay người ta kì khôi vậy đó, gặp nhau đôi chút cũng đòi xin liên lạc. Rồi để đấy, cất kín, chẳng đụng đến bao giờ.

    Bất chợt, một thiếu phụ mở cửa bước vào, gương mặt xanh xao, hốc hác. Bà cất tiếng gọi:

    - Trời đất, Phan!

    Nó giật mình quay lại. Như không tin nổi mắt mình, nó chớp chớp mấy cái rồi mới reo lên:

    - Trời, mẹ!

    Nó chạy ra ôm chầm lấy mẹ. Xương khớp đã lành hẳn, không bị tàn phế như chẩn đoán. Hai mẹ con ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Nó nói trong tiếng nấc:

    - Mẹ! Mẹ ở đâu sao bây giờ mới đến gặp co? Con nhớ mẹ lắm mẹ ơi!

    - Mẹ cũng nhớ con lắm. - Mẹ nó sụt sùi. - Từ từ ngồi xuống đây rồi mẹ kể cho nghe.

    Hai mẹ con ngồi xuống chiếc giường của gã giang hồ, giờ này còn bỏ trống. Mẹ nó để ba lô xuống, lấy ra nào sữa chua, nào cơm nắm, đưa cho con:

    - Tội nghiệp, con ở trong này chắc khổ lắm. Đây, con ăn đi cho lại sức nha con.

    - Dạ không sao đâu mẹ. - Nó lắc đầu. - Mẹ kể con nghe đi, đã có chuyện gì xảy ra hả mẹ?

    - Khổ lắm con ơi - Người mẹ nói trong nước mắt - Sau khi con nhảy lầu thì ngay hôm đó, chung cư nhà mình cháy rụi. Nghe đâu có sự cố chập mạch ở tầng hầm. Mẹ về chỉ kịp thấy tàn tro. Mẹ gào thét, tìm con nhưng không thấy. Mẹ đinh ninh con đã chết rồi. Bao nhiêu vốn liếng bị lửa thiêu huỷ hết, mẹ gần như tuyệt vọng. Người đàn ông kia ngỏ ý đón mẹ về ở chung. Trong lúc yếu lòng, mẹ nhận lời. Nào ngờ đâu đó là một gã Sở Khanh, chuyên buôn người sang biên giới. Cũng may mẹ nghe lén được cuộc trò chuyện của hắn với đàn em nên hiểu ra mọi chuyện. Trong đêm tối, mẹ bí mật trốn đi. Hôm sau mẹ tìm đến nhà một cô bạn cùng công ty, xin ở tạm. Mãi một thời gian mới biết chuyện của con.

    - Thì ra là vậy, tội nghiệp mẹ. - Nó siết chặt lấy bờ vai mẹ, nức nở. Giờ đây nó đã hiểu Phật pháp, đã quen với việc nhìn sâu, mọi lỗi lầm của mẹ nó không để ý nữa. Trái lại chỉ thấy thương cảm thật nhiều.

    Một bệnh nhân gần đó nghe được chuyện của hai mẹ con, chép miệng:

    - Đúng là Tái ông mất ngựa! Nếu cậu này không nhảy lầu chắc cũng ra tro rồi.

    Không thấy ai đáp lại, ông bẽn lẽn rời đi. Thì ra nãy giờ hai mẹ con vẫn ôm nhau khóc. Mẹ nó hồi tưởng lại quãng đời đau khổ của mình. Thuở xuân thì, bà là cô gái đẹp nhất làng, biết bao người để ý. Nhưng vì ảnh hưởng của thời đại, bà lúc nào cũng nhủ: "Ôi cần gì đám cưới. Thương nhau thì cứ xách đồ về ở với nhau. Nếu có con thì cùng nuôi, hay một mình tự lo cũng được". Chính tư tưởng phóng khoáng đó khiến cánh đàn ông khi dễ bà. Bao người đến rồi đi, chẳng ai ở lại. Đến lúc gặp ba nó thì bà mang thai, thành thử hai người sống chung được lâu hơn chút. Nhưng cuối cùng mọi sự đổ bể, bao gánh nặng bà phải riêng mang. Bấy giờ bà mới biết làm mẹ đơn thân chẳng dễ chút nào. Con trẻ thiếu tình thương đâm ra tự ti, mặc cảm. Bà lại chưa chuẩn bị, không đủ kiến thức nên nuôi dạy con chẳng ra gì. Nghe dì Lan xúi quẩy, bà mua điện thoại, rồi ipad, đẩy con vào đường nghiện ngập. Chính bà cũng chìm trong mạng ảo. Tuổi xế chiều bà vẫn còn nhẹ dạ, đánh mất mình theo gã tình nhân. Ngẫm lại, bà nghẹn ngào, chua xót. Nhìn đứa con bé bỏng, bà càng trách mình hơn. Bà tự nhủ sau này phải làm lại, phải bù đắp cho nó thật nhiều. Nhìn sang, bà thấy con cũng đang nức nở. Nó hối hận xưa kia chỉ biết chúi đầu vào điện thoại, chẳng lo lắng được cho bà. Để rồi bà phải tìm quên nơi người đàn ông khác. Nghe con thủ thỉ, bà thấy ấm lòng, tin rằng nó đã lớn khôn. Hai người cứ thế quấn quýt, mặc dòng người qua lại. Chợt có tiếng nhạc cất lên, rồi một giọng trầm ấm ngân nga hát:

    "Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, năm qua tuổi mòn.

    Mẹ nhìn quê hương, nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn.

    Giọt lệ ăn năn đưa con về trần, tủi nhục chung thân.

    Một dòng sông trôi cuốn mãi về trời bấp bênh phận người".


    Nghe đến đây, bà bỗng giật mình, nhìn sang ông Sáu:

    - Giọng hát này. Bài ca đó.. Không lẽ, ông là..

    Ông Sáu buông đàn, ngước mặt về phía bà, không giấu được niềm xúc động:

    - Phải, là tôi đây mình.
     
    Zoecatbird, Dương2301chiqudoll thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng mười một 2020
  4. nghia1304 Minh Nhân

    Bài viết:
    25
    CHƯƠNG 23: CHÂN HẠNH PHÚC

    Bấm để xem
    Đóng lại
    - Trời, anh Năm! - Mẹ nó thốt lên. - Tại sao, tạo sao anh lại ra nông nỗi này?

    Nói đoạn, bà lao đến ôm chầm lấy người đàn ông khốn khổ. Bấy giờ nó mới biết ông Sáu chính là ba của nó. Ngày bỏ đi, ông còn trẻ, tướng mạo phương phi, khác hẳn bây giờ. Không hiểu ông đã làm gì mà bị mù một mắt, gương mặt thì hằn những sẹo, đến nỗi nó chẳng thể nhận ra?

    Hai vợ chồng bao nhiêu năm xa cách mới có ngày hội ngộ, ai cũng xúc động bồi hồi. Họ ôm chặt nhau, quấn quýt. Đợi một lúc cho bình tĩnh lại, ông dìu bà ngồi xuống, bắt đầu thuật chuyện ngày xưa:

    - Ngày đó, sau khi chia tay mình, tôi tiếp tục sa vào ăn chơi trác táng, qua lại với biết bao người thiếu nữ. Rút kinh nghiệm, tôi phòng ngừa cẩn thận, không để phải kết hôn. Cứ thế, tôi tận hưởng cuộc sống độc thân mà ngây ngất men tình. Nào ngờ đâu, một trong những người bạn gái qua đường ấy đã có chồng. Chồng ả lại là giang hồ khét tiếng. Bị phụ bạc, ả đâm ra oán hận, mách chồng rằng tôi sàm sỡ ả. Tên này nghe vậy nổi trận lôi đình, sai đàn em lùng giết tôi. Ngày qua ngày tôi phải trốn chui trốn nhủi.

    - Một lần tôi chạy xuống An Giang, không may bị chúng phát hiện. Cả đám thằng nào thằng nấy đô con vạm vỡ, tay cầm nào dao, nào mã tấu vây lấy tôi. May nhờ chút võ, tôi cầm cự được nửa giờ. Bất ngờ, thằng Tư đệ lao đến, đâm tôi mù một mắt. Tôi chới với, ráng mở đường máu thoát thân. Chúng đuổi theo, quyết giết cho bằng được. Tôi tử thủ, bị ăn thêm mấy nhát nữa vào mặt, vào tay. Bỗng có xe công an đến, dù họ phớt lờ nhưng cũng khiến chúng ái ngại mà bỏ chạy. Nhờ vậy mà tôi được thoát thân. Trước khi đi, chúng còn phi một nhát dao vào đùi tôi đau điếng.

    Mẹ nó nghe chuyện, nước mắt rưng rưng:

    - Trời ơi. Khổ thân anh.

    Ông Sáu (ba nó) tiếp tục kể trong nức nở nghẹn ngào:

    - Tôi cố gắng lết đi được vài bước thì ngất xỉu trước cổng chùa Kim Sơn. Thầy trụ trì phát hiện, đưa tôi vào chạy chữa. Thầy vốn rành nghề y, từng trị bệnh cho không biết bao người. Vết thương dù nặng dù nhẹ thầy cũng đều kham được. Từ đó, tôi ở luôn trong chùa, học Phật pháp, quyết hối cải lỗi lầm xưa.

    Mẹ nó nghe mà mừng mừng tủi tủi:

    - Vậy là tốt quá rồi. Nhưng tại sao anh lại ở đây?

    Ba nó chậm rãi đáp:

    - Số là từ ngày lành bệnh, đôi lúc tôi thường thấy bắp đùi đau nhói. Nghĩ là di chứng của vết đâm xưa nên tôi chẳng để tâm. Cho đến một lần tụng kinh, bỗng cơn đau trở nên dữ dội vô cùng. Không kìm nổi, tôi ngã lăn ra. Sư thầy khám cũng chẳng hiểu vì đâu nên cớ sự. Sau đưa tới bệnh viện huyện, rồi bệnh viện tỉnh, nhưng ai nấy chỉ lắc đầu. Cuối cùng, họ phải ký giấy cho tôi lên Sài Gòn điều trị. Hóa ra con dao ngày trước bọn chúng đâm tôi bị mẻ một miếng. Mảnh dao ấy vẫn còn sót lại trong bắp đùi, lâu lâu trái gió trở trời lại hành hạ tôi. Lâu ngày, nó khiến chân tôi hoại tử. Cũng may mà lên Sài Gòn cấp cứu kịp, không thì chẳng biết sẽ ra sao.

    Mẹ nó thở phào:

    - Ơn trời ơn Phật. Anh vẫn bình an.

    Ba nó nhấp một ngụm trà rồi tiếp:

    - Khi về đây, tôi mới biết băng đảng truy giết mình năm xưa đã bị thanh toán không còn một mống. Ngẫm thế sự thật vô thường, cuộc đời lúc thịnh lúc suy. Người ta cứ mải đua chen theo danh lợi, sắc dục, tiền tài, rồi hại nhau đến vong thân, mất mạng. Cuối cùng cũng không tránh khỏi nhân quả luân hồi. Càng nghĩ càng thêm thấm những lời Phật dạy. Bởi thế lần này ra viện, tôi quyết định sẽ xuất gia. Sư thầy biết cũng đã chấp thuận rồi.

    Mẹ nó thẫn thờ:

    - Mình.. mình sẽ xuất gia ư?

    Tới đây, nó chen ngang:

    - Cả con nữa! Mấy ngày nay nghe chú Sáu, à không, nghe ba giảng dạy Phật pháp, con đã giác ngộ nhiều điều. Để có hạnh phúc, phải biết an trú trong hiện tại, rồi để tâm rỗng lặng, thấy được bản chất của vấn đề. Tức là phải có niệm, định, tuệ. Nhưng cuộc đời thì quá bon chen, con người bị cuốn vào mạng ảo. Như thế khó lòng mà có được sự tĩnh tại, thong dong. Vì vậy con mong mẹ thuận lòng, cho con theo ba về nơi cửa Phật.

    Mẹ nó trợn mắt, nãy giờ bà bị dắt từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên kia:

    - Trời. Cả con cũng muốn xuất gia? Hai cha con đều bỏ mẹ mà đi à?

    Nó đến gần, vỗ về an ủi mẹ;

    - Mẹ à, không phải con bỏ mẹ đâu. Con cũng rất muốn ở bên mẹ, sớm hôm kề cận. Con từng nằm mộng, thấy một bông hoa nói với mình rằng: Phải biết trân quý sự hiện diện của người thân, không thì họ sẽ trở nên héo úa. Vậy mà biết bao năm trời con chỉ dán mắt vào điện thoại, không hề biết có mẹ cạnh bên. Giờ đây giác ngộ, tất nhiên con muốn bù đắp cho mẹ thật nhiều. Con muốn phụ mẹ việc nhà, nấu cho mẹ ăn, đấm lưng cho mỗi khi mẹ mệt. Nhưng mẹ ạ, con đã nhận ra một điều còn quan trọng hơn thế nữa. Đó là nếu con ở bên mẹ mà không đủ bình yên, con vẫn sẽ làm mẹ khổ. Chỉ khi đi theo con đường giải thoát, tu tập, con mới có được an lạc để lan tỏa cho mẹ, cho tất cả chúng sanh. Con thương mẹ, thương mọi người, và con cũng không muốn cuộc sống mình phung phí nữa. Vì vậy con quyết lòng phải ra đi. Nhưng con không bỏ mẹ đâu, vì mẹ con mình vốn có liên hệ chặt chẽ mà. Mỗi lần nhớ con, mẹ hãy nhìn vào bàn tay mình, chắc chắn sẽ thấy bàn tay con trong đó. Ấy cũng là giáo lý tương tức mà bông hoa nhỏ đã dạy cho con.

    Người mẹ lắng nghe, chữ hiểu, chữ không, nhưng bà biết rằng ý chí xuất gia của con mình mạnh mẽ lắm, không thể nào cản được. Ba nó cũng quay lại bà, khuyên nhủ:

    - Mình à, tôi biết mình mong đợi ngày đoàn tụ này lâu lắm rồi. Tôi cũng mong không kém gì mình nữa. Nhưng mình ơi, sum vầy đoàn tụ có ích gì khi đời là vô thường, rồi chúng ta cũng sẽ theo vòng sinh diệt. Nếu không đủ tỉnh giác thì chúng ta lại cứ cãi vã rồi sống một cuộc đời vô nghĩa mà thôi. Vậy nên, tôi xin mình, hãy để tôi và con được theo Phật đạo. Tôi sẽ cố gắng tu tập đều hồi hướng bình yên đến cho mình, cho tất cả chúng sanh. Đó mới chính là chân hạnh phúc.
     
    Zoecatbird, Dương2301chiqudoll thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng mười một 2020
  5. nghia1304 Minh Nhân

    Bài viết:
    25
    CHƯƠNG 24 (CHƯƠNG CUỐI) : BẾN GIÁC THÊNH THANG

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Người mẹ gạt nước mắt, cúi đầu:

    - Thôi được rồi. Mình và con đã quyết vậy thì tôi đành ưng thuận. Nhưng xin cho tôi theo làm công quả tại chùa. Tôi cũng muốn được tu tập, sớm mõ chiều chuông để vơi đi phiền não.

    Ba nó khẽ gật đầu:

    - Tất nhiên là được. Tôi.. tôi cảm ơn mình nhiều lắm.

    Nó thì vẫn còn là đứa con nít, nên nghe mẹ ưng thuận thì hứng khởi reo lên:

    - Mẹ tuyệt vời! Hoan hô mẹ.

    Thấy con mình vui, bà bất giác mỉm cười. Nụ cười hiền hơn bao giờ hết. Ba nó cũng cười theo. Một cảm giác bình yên giữa dòng đời hối hả.

    Tới chiều, cả ba người xếp đồ rồi cùng làm thủ tục ra viện. Xuống dưới hành lang, nhác thấy bóng áo nâu sồng phấp phới, ba nó reo lên:

    - Kìa thầy, thầy đến bao giờ sao không cho con biết?

    Nó ngước mắt nhìn lên. Trước mặt, một vị tăng gương mặt thanh tao, đôi mắt sáng, dáng điệu ung dung nhàn nhã. Vị ấy chắp tay chào ba nó, đáp:

    - Thầy đến đây từ trưa, vì không muốn phiền con làm thủ tục nên ở đây đợi.

    - Trời, có phiền gì đâu ạ. - Ba nó cười hiền. - Còn hai vị này là?

    - À - Vị tăng nhìn về sau. - Đây là hai Phật tử thầy tình cờ gặp trong buổi lễ. Họ muốn theo xuống An Giang hành hương nên mới đi cùng.

    Lúc này nó mới để ý sau lưng vị tăng còn có hai người, một nam một nữ. Bất giác, nó reo lên:

    - Trời, cô giáo! Thầy hiệu trưởng! Sao thầy cô lại có mặt ở đây?

    Mẹ nó nghe vậy, liền ngước mặt nhìn ra. Quả thật sau lưng vị tăng là cô giáo và thầy hiệu trưởng cấp một của nó năm nào. Hai vị giờ đây đã luống tuổi, nhưng nét mặt vẫn chẳng khác xưa. Mẹ nó vội ra chào hỏi:

    - Thầy cô vẫn mạnh chứ ạ?

    - Đừng gọi tôi là thầy nữa. - Thầy hiệu trưởng xuề xòa. - Tôi đã nghỉ việc mấy năm nay. Tôi không muốn góp phần vào cuộc đua thành tích đầy tiêu cực của nhà trường, nên xin từ chức.

    Mẹ nó không khỏi ngạc nhiên, quay sang cô giáo như muốn xác nhận. Cô gật đầu:

    - Đúng vậy. Cả tôi cũng đã nghỉ việc rồi. Giờ tôi mở hiệu sách, sống an nhàn bên chồng con. Hôm nay tôi và anh đây đến dự lễ tang thầy Quân, sẵn kì nghỉ nên lên kế hoạch hành hương các chùa.

    Nó giật mình:

    - Thầy Quân ba của Bình sẹo, à không, ba của anh Bình phải không ạ? Sao thầy ấy lại mất?

    Thầy hiệu trưởng lắc đầu:

    - Cũng không rõ nữa. Có người nói thầy ấy hoang dâm vô độ nên sinh bệnh. Người khác lại bảo thầy liên tục dính vào các vụ bê bối liên quan đến trẻ em, bị công kích quá rồi áp lực mà lên tai biến. Nhưng tóm lại cũng do sự hoang đàng mà ra.

    Ba nó nghe vậy, thở dài:

    - Ái dục thật nguy hiểm. Vậy mà người ta cứ mải mê tìm kiếm, như con thiêu thân lao tới ánh đèn. Không ngờ khi gặp được, thân xác cũng cháy tàn cháy rụi. Bởi phải luôn chuyên cần tu tập, cuộc sống mới hết khổ đau.

    Vị tăng chắp tay tán thành:

    - Con nói thật phải. Người đời cứ nghĩ sắc dục là hay. Nào biết sắc dục mà không kiềm chế sẽ gây tai họa. Để dứt trừ tham ái, tốt nhất nên quán chiếu về sự bất tịnh của thân. Tấm thân này tưởng đẹp, nhưng thực chất chỉ là một đẫy da hôi thúi, chứa bên trong biết bao nhiêu vi trùng và máu mủ. Hiểu như vậy hành giả sẽ ngán ngẩm, không còn ham muốn nữa.

    Ba nó bổ sung:

    - Theo con thấy một phần mình cũng phải quản lý những gì xem, nghe. Người thời nay dính vào điện thoại quá nhiều, họ bị giới truyền thông dùng hình ảnh gợi cảm kích động tâm lý, dẫn đến biến chất, không kiểm soát được bản thân. Điều đó bây giờ khó mà né được. Tốt nhất là phải tự chủ động trau dồi những hạt giống nuôi dưỡng tâm hồn, như hành thiền, đọc sách đạo đức. Có vậy mới dập được chủng tử thèm khát và ái dục.

    Nó nghe giảng thì tỉnh ngộ, vỗ tay:

    - Ba nói hay quá! Hoan hô ba!

    Lúc này, vị tăng mới nhìn sang nó và mẹ:

    - Này con, hai vị thí chủ đây là?

    Ba nó cười hiền:

    - Chết, nãy giờ con quên chưa giới thiệu. Đây là vợ cũ và con trai con. Vì sao con gặp họ thì là một câu chuyện dài. Có điều giờ đây cả hai đều đã hướng tâm tu tập. Con của con muốn xuất gia, còn vợ con muốn về chùa làm công quả. Mong được thầy ưng thuận ạ.

    Vị tăng chắp tay búp sen, mỉm cười:

    - Mô Phật. Lành thay! Lành thay! Vậy xin hai vị cùng theo tôi về chùa. Cậu trai này sau thời gian tập sự, nếu đủ duyên sẽ được xuống tóc cùng cha. Nữ thí chủ đây cũng có thể làm ngự trù, chăm lo bếp núc.

    Nghe vậy, hai mẹ con đều mừng khôn xiết, tiến đến cảm ơn:

    - Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Chúng con xin vâng lời thầy dạy.

    Cô giáo và thầy hiệu trưởng cũng chắp tay sen búp:

    - Mô Phật. Mừng gia đình anh hồi đầu hướng thiện. Thật quả là chuyện hiếm có trên đời.

    Vị tăng nhìn tất cả, mỉm cười:

    - Thôi cũng muộn rồi, bây giờ mời các vị ra xe. Chúng ta đi sớm còn về chùa trước khi trời tối.

    Tất cả cùng đáp:

    - Dạ vâng, thưa thầy.

    Rồi sáu người cùng bước ra bệnh viện. Tiếng nói tiếng cười rôm rả khắp vùng. Bầu trời trong xanh không một gợn mây. Nắng về ấm áp xua đi màn u tối. Xa xa, nó nhìn thấy cả cầu vồng. Và nhìn thấy tương lai tươi sáng đang chờ phía trước.

    "Nghe tiếng kinh chiều lòng hết mê,

    Chừng như rõ dấu nẻo đi về.

    Trần gian xa mãi thôi vướng bận,

    Bến giác thênh thang lối đường về".


    (Kanagawa, ngày 30 tháng 7 năm 2020)

    Minh Nhân.
     
    Zoecatbird, Dương2301chiqudoll thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng mười một 2020
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...