Tôi Thích Bản Thân Nỗ Lực Hơn - Chu Xung

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Maco2711, 9 Tháng mười hai 2020.

  1. Maco2711

    Bài viết:
    143
    Chương 4: Vì sao bạn tốt lại dần xa cách (8)

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trải qua tan vỡ giá lạnh, người lạ vẫn có thể cho bạn hi vọng

    * * *

    Năm 2006, tôi đứng tại một trạm xe lửa nào đó, gọi điện thoại cho anh ấy.

    Khóc rồi lại khóc.

    Tôi nói ra rất nhiều lời tàn nhẫn, cũng nói ra rất nhiều nỗi tuyệt vọng, tôi nói, không còn hi vọng về cuộc sống, tôi nghĩ tôi có thể không cần sống tiếp nữa..

    Anh ấy nói, đó là chuyện của cô, tôi không ép cô đâu đấy!

    Tôi đau đến xé ruột xé gan, đau ngột ngạt, vận mệnh lâm li bi đát, bế tắc không một lối thoát.

    Lúc bấy giờ, trời đang mưa rất lớn, một mình tôi theo ba lô, vừa đi vừa khóc.. Tôi từng nghĩ hay là đâm đầu vào chiếc xe hơi đang chạy đến, nhưng rốt cuộc vẫn không làm, cũng từng nghĩ đến cách quyết liệt hơn, nhưng vẫn không có dũng khí, chỉ thất thểu bước đi, lẳng lặng buông tiếng thở dài.

    Cách đó không xa, có một hồ nước, trong cơn mưa bão nó trở nên thật hung ác, thật hỗn loạn, một vùng nước đầy ác ý. Tôi đi qua đó, đứng bên bờ rất lâu. Khi quá đau khổ, người ta trở nên rất nặng nề, nửa bước bạn cũng khó đi được, chỉ đứng yên tại một chỗ như đang chờ tuyết tan, đợi đau buồn từ từ tan chảy vậy.

    Hơn mười phút sau, một chiếc ô từ phía sau xuất hiện che trên đầu tôi.

    (Nhớ lại lần nữa, mắt vẫn cay, lòng vẫn đau.)

    Cúi đầu nhìn, là một bé trai, khoảng mười tuổi, gầy gò, da ngăm đen, không giống như con nhà giàu, quần áo rất bình thường. Nó giơ thẳng cánh tay, đưa dù lên thật cao, giúp tôi che chắn cơn mưa, hơn ở người của thằng bé lại lộ ra giữa màn mưa.

    Điều khiến tôi đau lòng nhất là đôi mắt của nó, can đảm là thế, lại sợ hãi đến vậy - Vâng, cha mẹ thằng bé không ở bên cạnh, nó cũng không biết tôi là ai, chỉ thấy có người đang đứng trước hồ khóc, dường như có ý định kết liễu cuộc sống, thế là dè dặt đưa ô qua..

    Nước mắt tôi lại bắt đầu tuôn rơi, tôi nói: 'Dì không sao, con đừng để mình bị ướt, mau trở về đi..'

    Thằng bé không lên tiếng, chỉ mở lớn đôi mắt, ra sức lắc đầu, dường như cũng muốn khóc đến nơi rồi..

    Một đứa trẻ, khi thấy một người lớn đau khổ bật khóc, nó sẽ không giống như chúng ta nhẹ nhàng an ủi: 'Dì ơi, dì đừng khóc, con che ô cho dì..', mà nó sẽ hít thở không thông, sẽ tay chân lóng ngóng, sẽ đứng ở nơi đó, mở to đôi mắt sợ hãi, không ngừng lắc đầu.

    Tôi đoán có lẽ nào muốn nói với tôi rằng: 'Dì ơi, đừng mà!'

    Hoặc: 'Con sợ lắm!'

    Sau đó tôi ngồi xổm xuống, đẩy chiếc ô về trên đầu nó, không ngừng nói với nó rằng, dì gặp phải một chuyện không vui, hơi buồn, con mau trở về đi, dì không sao, con đừng để mình bị ướt.. Khuyên rất lâu thằng bé mới từ từ rời đi.

    Đi được một lúc, nó lại dừng lại, quay đầu lo lắng nhìn tôi.

    Lúc ấy, tôi nói với chính mình: Chết gì mà chết? Chuyện xấu đương nhiên là có, nhưng chỉ cần có những điều tốt đẹp nhỏ bé như vậy, thế giới này cũng đáng cho mình tiếp tục sống bằng mọi giá rồi!

    Cho đến hôm nay, tôi vẫn sẽ bị người khác mắng chửi sỉ nhục, vẫn trải qua đổ vỡ đau thương.

    Cũng từng oán, cũng từng hận, cũng từng đau.

    Nhưng chỉ cần tôi nhớ đến đôi mắt ấy liền có thể xoa dịu nỗi đau, tha thứ cho những điều không hay, bỏ qua những công kích trong tối lẫn ngoài sáng, tha thứ cho những tủi nhục và đau buồn.

    Lòng tốt xa lạ này thật ra vẫn còn rất nhiều.

    Năm 2013, ở Đại Lý, một mình tôi thuê một căn phòng nhỏ, bắt đầu sáng tác cả ngày lẫn đêm.

    Không có tiền, sợ mình chết đói nơi đất khách, nên tôi cố hết sức hạn chế các khoản chi trong cuộc sống.

    Rồi tôi mua một chiếc nồi cơm điện nhỏ và vài cân gạo, chuẩn bị ít trái cây và rau muối, ngày ngày ăn cháo, ăn táo để nhét kẽ răng. Tôi ra ngoài mua hai lạng thịt heo luộc, muốn ăn kèm với cơm, nhưng không nhịn được lại ăn hết sạch trên đường đi.

    Lúc đó tôi cũng không thấy cực khổ, bởi trong đầu tôi đâu đâu cũng là cuốn tiểu thuyết chưa viết xong, những suy nghĩ chưa thành văn.

    Ngày tết Trung Thu, sáng đọc sách, chiều viết văn, thi thoảng lướt điện thoại một chút, thấy bánh trung thu tràn ngập màn hình, tôi mới chợt nhớ ra Trung Thu đến rồi.

    Tôi kéo cửa chớp ra, ngọn núi đã nhuốm màu hoàng hôn.

    Mây đen tụ lại, ở giữa là một vầng trăng tròn, giống một bức tranh tuyệt đẹp, ngay giữa tử cung của bầu trời đang mang thai vầng trăng, một sinh mệnh tròn trịa.

    Tôi nghĩ trung thu thì có liên quan gì đến mình nhỉ? Viết tiếp thôi..

    Lúc này, có người gõ cửa.

    Tôi mở cửa ra xem, thì ra là bác chủ nhà đến tặng tôi hai cái bánh trung thu nhà họ tự làm, vẫn còn nóng, to cỡ một chiếc đĩa, nhân ngũ cốc và đậu.

    Bác đã nói những gì tôi không nhớ rõ nữa, chỉ nhớ đó là lần đầu tiên trong đời tôi được ăn bánh trung thu nóng.

    Hương thơm và độ ấm đó đi từ răng, đến lưỡi, truyền thẳng vào tim, đến tận bây giờ vẫn chưa từng nguội lạnh trong tôi.

    Còn có một lần, tôi đ, ón taxi ở một thành phố xa lạ để đi thăm một người ngồi trên xe trò chuyện với bác tài về người ấy. Khi xuống xe bác tài nói: 'Tôi cũng từng có một cô bạn gái giống như cô vậy, nhưng tôi đã đánh mất cô ấy rồi..'Anh ấy không lấy tiền xe của tôi, để lại số điện thoại, bảo rằng khi nào cần giúp đỡ thì có thể tìm anh ấy.

    Trên đường đi, tôi quen được một người, biết tôi muốn đến Đôn Hoàng, anh ta nói, giúp tôi xem qua nhà cũ của Thường Thư Hồng nhé.

    Tôi nói được.

    Chuyến đi lần ấy, chỉ có đích đến là Hang Mạc Cao, nhà cũng không nằm trong lịch trình, nhưng tôi vẫn dành ra chút thời gian, tự đi đến đó một chuyến, từ trong ra ngoài, ngay cả cây bạch dương bên ngoài tường nhà và người gác cửa già nua cũng chụp hết lại rồi gửi cho anh ta: Tôi đã đến xem giúp anh rồi, nó còn tốt lắm, đừng lo!

    Những điều tốt đẹp này không liên quan đến tiền bạc hay giới tính, chỉ là hai trái tim đối xử dịu dàng với nhau không mang theo mục đích gì.

    Hôm qua, tôi vừa đọc xong 'Những chuyện nực cười ở Brooklyn' của Paul Auster, lại bị cảm động bởi một vài chi tiết nhỏ.

    Tuy cuốn sách này khá là bình thường, có cuộc sống phức tạp, có cuộc tình sai trái, dễ khiến người ta cảm thấy không thích, nhưng trong cuốn sách cũng có tình cảm mềm mại ấm áp.

    Chẳng hạn như, tác giả có nhắc đến một giai thoại về Kafka.

    Đó là năm cuối cùng của cuộc đời Kafka, ông và Dora vừa chuyển đến Berlin.

    Họ sẽ ra ngoài vào buổi chiều hàng ngày, đến công viên tản bộ.

    Có một hôm, họ gặp một bé gái đang đứng khóc ven đường. Kafka hỏi cô bé làm sao vậy, cô bé nói búp bê không thấy đâu nữa. Ông đã bịa ra một câu chuyện:

    "Búp bê của cháu đi du lịch rồi!" Kafka nói.

    "Sao chú biết ạ?" Cô bé hỏi.

    "Vì nó đã viết thư cho chú."

    Cô bé không tin lắm.

    "Chú có đem theo thư không?" Cô bé hỏi.

    "Không có, xin lỗi cháu." Ông nói, 'Chú để lá thư ở nhà rồi, là chú không đúng, nhưng ngày mai chú sẽ đem đến.'

    Đêm hôm đó, Kafka đi thẳng về nhà viết thư. Ô, ng nghiêm túc đến mức gần như căng thẳng không khác gì lúc sáng tác bình thường. Ông không phải đang lừa gạt một cô bé. Đây là một tác phẩm văn học thật sự, ông muốn viết ra một câu chuyện thật đẹp để bù đắp cho sự mất mát của cô bé.

    Hôm sau, Kafka đem lá thư đến công viên.

    Cô bé đang đợi ông.

    Vì cô bé còn chưa biết chữ, nên ông đọc lớn cho cô bé nghe.

    Trong thư nói, búp bê rất xin lỗi, vì tất cả thời gian đều chung sống cùng một người, nó cảm thấy mệt mỏi, nó muốn ra ngoài ngắm nhìn thế giới, kết giao thêm bạn mới. Không phải nó không yêu cô bé nữa, chỉ là muốn được thay đổi môi trường một chút, nên phải chia xa một thời gian.

    Sau đó, búp bê hứa mỗi ngày sẽ viết cho cô bé một lá thư, kể cho cô bé những gì mình làm.

    Từ đó, Kafka thân mang trọng bệnh mỗi ngày đều viết một lá thư - chẳng vì gì khác, chỉ vì muốn an ủi một cô bé, hai người vốn không biết nhau, chỉ vô tình gặp nhau trong một buổi chiều tại công viên. Ông viết liên tục ba tuần lễ liền.

    Ba tuần lễ.

    Ông là một trong những tác giả xuất sắc nhất, không bao giờ lãng phí thời gian trong cuộc sống - với ông mà nói, thời gian đã ngày càng ít đi, vì thế càng thêm đáng quý - vậy mà ông lại bỏ ra hàng tuần vì con búp bê bị mất của một cô bé.

    Mỗi một câu viết ra ông đều suy nghĩ rất kĩ, lời văn mạch lạc, thú vị, thu hút người đọc.

    Dần dà, từ trong thư cô bé biết được, búp bê đã lớn, đã đi học, đã quen với người khác. Nó vẫn yêu cô bé, nhưng cũng ám chỉ cuộc sống có nhiều nhân tố phức tạp khiến nó không thể trở về được.

    Cứ thế, Kafka đã để cô bé chuẩn bị dần tâm lý từng chút một, để biết rằng búp bê không bao giờ quay về nữa.

    Cuối cùng, Kafka nói với cô bé, búp bê hết yêu rồi.

    Ông miêu tả chàng thanh niên mà búp bê đem lòng yêu, nó đã đính hôn, hôn lễ được cử hành tại một vùng quê, ngôi nhà mới của vợ chồng búp bê rất đẹp, sinh một đứa con, trông rất giống nó..

    Dòng cuối cùng, búp bê đã nói lời từ biệt với người bạn cũ mà nó yêu mến:

    "Tạm biệt bạn của tôi, xin hãy sống thật hạnh phúc, giống như chúng tôi vậy!"

    Từ đó, cô bé không còn lo lắng nữa. Nhưng khi cô bé nhớ đến búp bê, trong lòng sẽ thấy ngọt ngào và vui vẻ chứ không phải sợ hãi và bi thương.

    Kafka dùng thiện ý, tài hoa, trí tưởng tượng để tạo ra một câu chuyện cổ tích, sưởi ấm tuổi thơ, thậm chí là cả cuộc đời của một người lạ.

    Rất nhiều người nói, cô bé này thật may mắn biết bao.

    Có thể quên đi những đau buồn của thế giới, quên đi hết lần chia ly này đến lần chia ly khác, quên hết những lần bị bỏ rơi này đến lần bị bỏ rơi khác giữa những năm tháng dài đằng đẵng, ở trong câu chuyện mãi luôn hạnh phúc, mãi luôn yêu thương.

    Nhưng thật ra, cái chúng ta có thể làm được, không phải là nhận về, mà là cho đi.

    Vâng, cuộc sống luôn có rất nhiều nuối tiếc, bạn cũng không có cách nào để buông bỏ đồ đao, lập địa thành Phật được. Nhưng chúng ta có thể quay lại gột rửa sạch những ác niệm bên trong chính mình, khiến trái tim ta chan chứa tình yêu và lòng biết ơn, trở thành đứa trẻ đi qua đường che ô giúp cho một người lạ, trở thành ông lão tặng bánh ngay đêm Trung Thu, trở thành Kafka dùng câu chuyện cổ tích để cứu rỗi tuổi thơ.. Dùng sự nhân từ và tình thương để chữa trị mầm bệnh nghiêm trọng nhất của nhân loại: Ích kỷ, tham lam, lạnh lùng, tàn bạo, bóc lột.. Như vậy, Kolkata mới có thể trở thành thiên đường của tình yêu, nhân gian mới có thể trở thành miền đất dịu dàng hơn.

    Mẹ Teresa nói: 'Ta thấy Giê-su trong mỗi một con người.'
     
  2. Maco2711

    Bài viết:
    143
    Chương 5: Giáo dục thật sự 'ăn thua' ở cha mẹ (1)

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cha mẹ biến mình thành 'tai họa'

    * * *

    Sau khi con mình chào đời, Lưu Du đã viết cuốn 'Mong con từ từ khôn lớn' rất nổi tiếng, dịu dàng cuốn hút, rất cảm động, rất nhiều người đọc đã rơi nước mắt.

    Còn tôi, sau khi đọc xong, ngoài cảm động ra thì cảm xúc lớn nhất chính là, một tình yêu thật ý chí được thể hiện bằng hành động, đó là bốn chữ: Cho con tự do.

    Trong tình yêu nam nữ, nên như vậy;

    Trong tình thân ruột thịt, lại càng nên như vậy.

    Mẹ chấp nhận dáng vẻ của con, cũng chấp nhận dáng vẻ sau này của con.

    Sẽ không bắt con phải trở thành rồng trong nhân loại, cũng không bắt con phải trở thành niềm kiêu hãnh, con chỉ cần nghe theo tiếng gọi con tim mình, tiến thẳng về phía trước, thử và sai, chiến đấu và trải nghiệm tất cả những gì số phận mang đến cho con, tạo nên bản sắc của mình, trở thành chính con.

    Con bước đi trên con đường này, bất luận là lúc nào, con cũng là người mẹ yêu nhất.

    Bất luận con có được vinh quang thế nào, hoặc gặp phải thất bại ra sao, con đều là con của mẹ, là báu vật mà đời này mẹ nâng niu nhất.

    Mẹ yêu con, không phải vì con thông minh, xinh đẹp, đáng yêu.

    Mẹ yêu con, vì đó là con.

    Đây mới là tâm thái mà cha mẹ bình thường nên có.

    Nhưng tiếc rằng nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc đều không được bình thường đến vậy, họ quá kiêu ngạo, kiêu ngạo đến mức quên mất chính mình.

    Với ý thức và quan niệm của quyền 'Tao là bố mày', các cặp cha mẹ không chút chần chừ mà tước đoạt đi tự do của con cái, phá hủy lòng tôn nghiêm của chúng.

    Hơn nữa, họ còn đem hết tất cả những ước mơ dang dở, những tham vọng chưa đạt, những tâm nguyện chưa hoàn thành, đặt hết lên thân thể yếu ớt của đứa trẻ, bắt nó gánh vác mà bước đi, không ngừng leo lên, bản thân thì thúc giục, ép nó phải nở mày nở mặt.

    Nở mày nở mặt cái phải gió!

    Nở mày nở mặt cái quái quỷ!

    Đây đúng là một kẻ vô dụng thật sự, bản thân không có bản lĩnh, nhăn nhó như quả táo tàu, yếu đuối như một con gà, cái gì cũng không làm, chỉ biết chào thua trước thời gian.

    Nhưng không cam lòng.

    Phải làm sao?

    Nắm đầu con cái, bắt chúng làm giúp mình.

    Nhưng con cái không phải công cụ để bạn theo đuổi ước mơ, cũng không phải pháp bảo để bạn phản công, nó chỉ là một đứa trẻ yếu ớt, nhỏ bé, vô tội, mang theo khát vọng tình yêu, khát vọng được bạn kề cạnh, nhưng bạn cứ ép ép ép, ép nó người chẳng ra người, ma chẳng ra ma, dần dần ủ thành xa cách và thù hận, đến khi nó có năng lực nói 'không', tất nhiên sẽ phản kháng và chống đối, bạn không đồng ý, thế là chạy ra hét lớn: 'Bọn trẻ thời nay thật không hiểu chuyện chút nào, không biết tôn trọng cha mẹ..'

    Nhưng bạn có từng tôn trọng chúng chưa?

    Bạn có từng dịu dàng, yêu thương, xem chúng như một cá nhân để đối đãi, khích lệ chúng chưa?

    Bạn chưa từng.

    Bạn áp đặt, bạn ra lệnh, bạn dọa nạt, bạn đánh đập, bạn thờ ơ, bạn kiểm soát, bạn gây áp lực, bạn nhục mạ, bạn nhìn trộm, bạn giám sát, bạn bêu xấu trước đám đông, bạn vẫn luôn nhấn mạnh sự hi sinh của chính mình để chúng cảm thấy tội lỗi, bạn không cho chúng ta cơ hội trao đổi, bạn là quyền lực tuyệt đối, bạn là bá vương, cũng là ma vương, bạn khiến chúng sống tự ti, buồn bã, cảm thấy bản thân chẳng ra gì, mất dần lòng tin vào cuộc sống, bạn làm hết những việc xấu xa này với con cái của mình, bạn làm cha mẹ kiểu gì vậy? Bạn còn có mặt mũi nói yêu thương sao?

    Tất cả mọi nhân duyên trên thế gian đều là luân hồi của nhau.

    Ngày trước cha mẹ đao nguội kiếm lạnh ép buộc con, mai này con sẽ trả lại cho tuổi già của cha mẹ cảnh mùa thu thay lá, gió rét tuyết lạnh, lạnh lùng xa cách.

    Sau này khi con cái trưởng thành, sẽ trở thành một người u sầu, không vui, thất bại trong cuộc sống, rồi bắt đầu dùng cách y hệt để đối đãi với các bạn và con cái chúng.

    Ví dụ như, chúng cho các bạn tiền bạc và vật chất, nhưng không bầu bạn, không giao lưu, không kính ngữ về mặt tinh thần, không vỗ về về mặt tình cảm.

    Bởi vì năm xưa, các bạn cũng làm như thế: Cho ăn, cho mặc, cho tiền tiêu vặt, nhưng không cho sự dịu dàng và bầu bạn.

    Làm vậy khiến cho lũ trẻ nghĩ rằng đây chính là cách để yêu thương: Yêu bằng với vật chất, yêu không bằng với bầu bạn và vỗ về. Thế nên chúng cũng dùng cách này để báo đáp cha mẹ.

    Thêm một ví dụ nữa, chúng sẽ lớn lên tiếng la hét với các bạn, phàn nàn trách móc, thô lỗ kiêu ngạo.

    Cũng là do cách mà các bạn đối xử với chúng năm xưa.

    Khi thành tích không tốt, khi phạm lỗi, khi bị người khác bắt nạt rồi phản kích, đánh nhau với người khác, các bạn không hề an ủi và bảo vệ, thay vào đó, các bạn nổi giận và mắng chửi chúng, thậm chí không phân đúng sai phải trái mà đánh đập chúng.

    Là chính các bạn đã dạy chúng, giữa người thân với nhau không có sự dịu dàng, không có hòa nhã, chỉ có cơn nóng giận mất kiểm soát và thương tổn.

    Còn nữa, chúng không bao giờ nói 'con yêu cha mẹ' với các bạn, vì các bạn chưa từng nói với chúng.

    Chúng không thích cầu tiến, cũng vì từ nhỏ các bạn đã nói với chúng: 'Con phải xuất sắc hơn người, đây chính là niềm an ủi lớn nhất của cha mẹ', cũng tức là nói, trong tiềm thức, ưu tú là để lấy lòng người khác, cố gắng là để làm vui lòng cha mẹ.

    Sinh mệnh mất đi tự chủ và tự do, trở thành một dạng ký sinh, tất nhiên sẽ thiếu đi sáng kiến chủ quan để đột phá giới hạn của mình, giành lấy cuộc sống hạnh phúc hơn.

    Một đứa trẻ bị vẽ thành hình dạng gì, đa phần là do cha mẹ.

    Giáo dục sau này sẽ thay đổi một vài nhận thức.

    Nhưng thứ này trong tiềm thức không cách nào lung lay. Mỗi lần kích động, khi đưa ra quyết định trọng đại, phản ứng của chúng ta đều bắt nguồn từ những gì gia đình đã dạy.

    Đáng sợ hơn nữa là, chúng cũng sẽ đối xử với con cái chúng như thế, trở thành một vòng luẩn quẩn ác tính truyền lại qua từng thế hệ.

    Những người nghiên cứu tâm lý học đều biết, bất cứ loại bệnh tâm lý nào, truy rõ nguồn gốc đều là do vết thương từ thuở nhỏ.

    Thuở nhỏ thiếu tình thương, bị tổn thương, ngược đãi, không có cảm giác an toàn, không được tôn trọng.. Sau khi trưởng thành sẽ biến thành người khép kín, trầm cảm, tự sát, có khuynh hướng bạo lực, âu lo..

    Thế nên, mỗi người chúng ta đều là bệnh nhân mang những chứng bệnh khác nhau.

    Thần kỳ ở chỗ, rất nhiều bệnh nhân nữ sau khi sinh con, đặc biệt là sinh con gái, tình trạng tinh thần sẽ tốt hơn rất nhiều, vì cô ấy đã được phát tiếp qua việc dày vò đứa bé.

    Đứa bé sẽ thay cô ấy điên.

    Bi kịch cứ thế tiếp diễn.

    Nó bao gồm tất cả, tôi và bạn, và họ, và những người đáng thương chúng ta từng nghe kể hoặc không bao giờ biết đến. Tất cả mọi người đều đang bất giác sống trong những tháng ngày như thế.

    Chúng ta không cảm thấy mình sai.

    Chúng ta không cảm thấy chỗ nào không đúng

    Thậm chí còn nói thay cho bạo lực, 'Năm đó cha mẹ rất nghiêm khắc với tôi, nhưng khi tôi làm cha mẹ rồi tôi mới có thể hiểu cho họ!'

    Những lời này, nghe có vẻ thấu tình đạt lý, nhưng bản chất thật của nó lại khiến người ta rợn tóc gáy.

    Cái 'hiểu' của đại đa số người không xuất phát từ sự đồng tình, mà là sự cảm thông cho nỗi vất vả, không phải kiểu thương xót cho nỗi khổ của chúng sinh như Phật gia, mà để hợp lý hóa cho sự tàn bạo của chính mình.

    Mình đánh con, mắng con, trút giận lên người chúng, nghĩ đến cha mẹ mình cũng làm như vậy, thế là an lòng.

    Bạo lực đang xoay vòng, hành vi xấu đang được truyền lại.

    Giờ này phút này đây, đúng, chính là giờ này phút này, tất cả chúng ta đều đang đứng trên quỹ đạo hình tròn này.

    Nhìn về phía sau, là những lời mắng tiếng roi của cha mẹ;

    Nhìn về phía trước, là những lời mắng tiếng roi của chính mình.

    Ai có thể giúp ta thoát khỏi hoặc phá vỡ nó? Chỉ có bản thân chúng ta.

    Bạn phải có năng lực tự xét lại mình thật mạnh, xem lại hành vi của chính mình, sai chỗ nào, thiếu sót chỗ nào, vấn đề nằm ở đâu, sau đó nhận sai, sửa lỗi như một đứa trẻ.

    Đây là một quá trình thầm lặng, nhàm chán và kéo dài.

    Quá trình này sẽ không có kỳ tích có thể nhìn thấy được cũng không cần lý luận đột ngột nảy ra trong đầu giúp bạn thấu hiểu, bạn phải có chút nghi ngờ, có chút lo sợ, khom người xuống, cùng con cái quay lại thời thơ ấu, trưởng thành lại từ đầu. Như vậy vòng luẩn quẩn mới bị cắt đứt, đá Sisyphus mới có khả năng không bị lăn trở xuống mãi.

    Long Ứng Đài từng nói, con à, chầm chậm thôi!

    Chúng ta, cũng chầm chậm thôi!
     
  3. Maco2711

    Bài viết:
    143
    Chương 5: Giáo dục thật sự 'ăn thua' ở cha mẹ (2)



    Bấm để xem
    Đóng lại
    Giáo dục thật sự 'ăn thua' ở cha mẹ

    * * *

    Cách đây vài năm, tôi từng đọc được một bài viết.

    Tác giả đến nhà một người bạn, thấy con của người bạn ấy rất thích đọc sách, không chỉ đọc truyện cổ tích và truyện kể, cả quyển sách tham khảo cũng đọc rất chăm chú.

    Anh ấy rất kinh ngạc, bèn hỏi cặp cha mẹ kia đã dạy dỗ đứa bé như thế nào.

    Dạy dỗ thế nào?

    Vốn chẳng dạy dỗ gì cả, người cha là nhà trí thức, người mẹ là tác giả, hai người lại yêu thương nhau, sách trong nhà lại nhiều.

    Phòng khách, phòng sách, phòng ngủ, phòng trẻ em, nhà vệ sinh, ở đâu cũng có sách triết học tôn giáo mà người cha thích, sách văn học nghệ thuật xã hội mà người mẹ yêu, sách tranh cổ tích ngụ ngôn mà đứa con say mê.. Chỉ cần bạn muốn, tiện tay là có thể lấy được quyển sách mà mình thích để đọc ngay.

    Lúc không có việc gì làm, cả nhà sẽ tụ tập lại cùng nhau đọc sách.

    Sắc đêm dịu dàng, dưới ánh đèn, cả nhà đều đắm chìm trong thế giới văn học của riêng mình, đọc đến chỗ mình thích thù cùng nhau trao đổi.

    "Ha ha ha, Tôn Ngộ Không buồn cười ghê.."

    "Buồn cười thế nào, nói ra nghe xem nào!"

    Họ cũng chơi trò đóng vai các nhân vật trong sách, sửa lại kết cục, hoặc viết câu chuyện của riêng ba người, vui vẻ hấp dẫn, khiến người ta phải bật cười.

    Những điều này đều không phải cố ý tạo ra, tình yêu của cha mẹ, sự yêu thích của đứa con, hoàn toàn thuận theo tự nhiên, diễn ra rất vui vẻ.

    Đứa trẻ vừa chào đời đã lớn lên trong một không khí như thế, tự nhiên sẽ thấy đọc sách là một việc bình thường không khác gì ăn cơm, hít thở.

    Câu chuyện này khiến tôi rất xúc động.

    Nó làm tôi nhớ đến: Giáo dục thật sự xưa nay chẳng phải kỹ năng đẽo đá ra vàng, lập địa thành Phật gì đó, mà là một quá trình mưa dầm thấm đất, thuận theo tự nhiên.

    Giống như một cái cây lay động một cái cây khác, một đám mây thúc đẩy một đám mây khác, một linh hồn đánh thức một linh hồn khác.

    Nó không chút tiếng động, nó chỉ để cho người đi phía trước, làm việc mà mình thích, đi con đường mà mình chọn, sau đó, để cho sự thay đổi tự nhiên diễn ra.

    Người đi trước thế nào, người đi sau cũng như vậy.

    Thế hệ trước thế nào, thế hệ sau cũng như vậy.

    Đây chính là 'ăn thua' ở cha mẹ.

    Nhưng 'ăn thua' ở cha mẹ trong bối cảnh giáo dục, không phải là di truyền như Vương Tư Thông có người cha tên là Vương Kiện Lâm, cũng không phải thừa kế như Cát Ưu có người ta tên là Cát Tồn Tráng..

    Sự di truyền về quyền lực, tiền bạc, nguồn tài nguyên, không liên quan gì đến cái mà tôi đang nói ở đây.

    "Ăn thua" ở cha mẹ thật sự là ăn thua ở quan niệm, cách sống, cách tư duy, cách đối nhân xử thế của cha mẹ.

    Trước khi ra khỏi biên chế, tôi đã theo công việc giáo dục nhiều năm.

    Trò chuyện với học sinh và phụ huynh càng nhiều tôi càng nhận thấy: Con cái là bản sao thu nhỏ của gia đình, giáo dục 'ăn thua' ở cha ở mẹ.

    Một đứa trẻ ưu tú, gia đình phía sau nó nhất định chứa đầy sự tôn trọng, yêu thích sách vở, cha mẹ có thể không tinh thông kim cổ, nhưng nhất định thấu tình đạt lý.

    Ngược lại, một học sinh có vấn đề, gia đình nó đang sống chắc chắn cũng có rất nhiều vấn đề, ví như thiếu tình thương, bất bình đẳng, mất tự do, trình độ văn hóa của cha mẹ không cao, quan niệm lạc hậu, tầm nhìn hạn hẹp, và có nhiều hành vi bạo lực.

    Tôi từng viết một bài gọi là 'Dương Chỉ, cô nàng xấu tính'. Hình mẫu của Dương Chỉ là một học sinh của tôi, theo đuổi giáo viên chủ nhiệm, chưa tròn 14 đã lên giường với 6 người đàn ông..

    Tìm hiểu ra thì biết lúc nhỏ con bé đã bị cha bỏ rơi, mẹ thì rượu chè, hút thuốc, thất nghiệp, làm vợ bé người ta để sống qua ngày, con bé luôn sống chung với bà nội, không được yêu thương, câu nói thường được nghe nhất chính là: 'Sao mày không đi chết đi? Chỉ cần không chết trong nhà tao là được..'

    Cha mẹ như vậy, không cần nghĩ cũng biết sẽ ảnh hưởng thế nào đến đứa trẻ.

    Năm 2015, tôi về quê, có lần gặp lại con bé, đã thôi học, trang điểm già dặn, mở miệng là nói tục, thấy người đàn ông lớn tuổi đang đi đến liền cười hì hì nói: 'Hi, anh đẹp trai, cùng chơi đùa chút đi!'

    Tôi mời con bé ăn cơm, trong lúc ăn, con bé nó mình đang mang thai, cái thai là của một người bạn quen trên mạng, đang do dự không biết nên sinh hay không.

    "Năm nay em bao nhiêu tuổi?" Tôi hỏi con bé.

    "15 tuổi."

    Mẹ con bé cũng biết, chỉ sỉ nhục, chỉ đánh mắng thì không hề cho con bé sự giúp đỡ đúng đắn.

    Lúc đó tôi nghĩ, đứa bé này e rằng đã định sẵn sẽ bị bỏ đi rồi.

    Nước Anh có một bộ phim tài liệu tên là '56 UP'.

    Đạo diễn đã chọn 14 đứa trẻ không cùng giai cấp để tiến hành quay phim theo dõi, mỗi 7 năm quay một lần, bắt đầu từ 7 tuổi, 17 tuổi, 21 tuổi, 28 tuổi, 35 tuổi, 42 tuổi, 49 tuổi, cho đến 56 tuổi.

    Trong 100 phút ngắn ngủi đã đi qua cuộc đời thật sự của 14 con người.

    Bộ phim tài liệu này khiến người xem rất khó chịu.

    Bởi vì nó hoàn toàn trần trụi, đùng một cái xé toạc lớp áo mỏng manh của những lời động viên, khích lệ, ảo tưởng, đem hiện thực không được yêu thích phơi bày ra trước mắt. Nói với chúng ta 14 chữ:

    Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa.

    Trong bộ phim, 60 năm trôi qua trong chớp mắt, đến cuối cùng con của người tài vẫn là người tài. Con nhà nghèo vẫn là người nghèo.

    Giai cấp kiên cố, có lao động được. Cục diện bế tắc này từ đâu mà có?

    Có một kết luận rất hay, nó nói thế này: Thật ra, ngoài việc thực lực cứng (nguồn tài nguyên) phân bổ không đều, mấu chốt nằm ở chỗ thực lực mềm (quan niệm) chênh lệch nhau.

    Người được thừa hưởng quan niệm khác nhau, tự nhiên sẽ có tầm nhìn khác nhau, kèm theo đó là hành động khác nhau, cái giá phải trả khác nhau, kết quả sẽ khác nhau.

    Trên đời không tồn tại cái gọi là thiên tài. Bất cứ đứa trẻ ưu tú nào cũng không phải kỳ tích tự nhiên được sinh ra, mà có nguyên nhân của nó.

    Nhân của nó, nằm ở gia đình.

    Gốc rễ của nó, nằm ở cha mẹ.

    Cha mẹ vô chi sẽ dùng cách kiểm soát, áp bức, chà đạp để đối đãi với một đứa trẻ mà không hề hay biết gì.

    Dùng cách tàn ác để truyền lại cái ác, dùng cách ngu xuẩn để truyền lại cái ngu xuẩn. Như vậy, chuỗi phấn đấu trong đời của đứa trẻ đã bị đứt đoạn ngay từ khi bắt đầu.

    Nếu cha mẹ là người cởi mở, họ sẽ cho con cái sự tôn trọng và tự do.

    Không cưỡng ép, không áp đặt, chấp nhận mọi khả năng của cuộc sống, để cho áp lực lớn nhất của đứa trẻ chỉ đến từ bản thân nó, nhận ra ưu điểm của nó, tán thưởng điểm đặc biệt của nó, dùng tư duy và nguồn tài nguyên của người lớn giúp nó phát triển.. Nếu vậy, nó sẽ chiến thắng vẻ vang so với những đứa trẻ cùng tuổi khác.

    Những đứa trẻ có cha mẹ như vậy, không thành công cũng sẽ tỏa sáng.

    Không thành tài, cũng sẽ thành người.

    Không thành danh, cũng làm ra một chút thành tựu riêng trong đời mình.
     
  4. Maco2711

    Bài viết:
    143
    Chương 5: Giáo dục thật sự 'ăn thua' ở cha mẹ (3)



    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đối với trẻ nhỏ, phải nuông chiều

    * * *

    Có lẽ khi thấy tiêu đề sẽ có vô số bậc cha mẹ chưa đọc đã bắt đầu nổi giận mắng: Nói bậy nói bạ gì đây? Nuông chiều sẽ làm hư đứa trẻ đấy. Cô có hiểu hay không, không hiểu thì câm miệng ngay cho tôi!

    Nào nào nào, bớt giận trước đã.

    Nguôi giận rồi hãy trả lời một câu hỏi của cô giáo nào: Bạn đã bao giờ thấy con cái nhà nào được cha mẹ nuông chiều mà trở nên hư hỏng hay chưa?

    Lý Thiên Nhất? Dược Gia Hâm? (Con trai của những đại gia Trung Quốc)

    Vì không biết gia đình họ giáo dục thế nào nên tôi không thể phân tích được, nhưng nếu cách dạy con của hai gia đình này bị tiết lộ ra ngoài, tôi tin, cái chúng ta nhìn thấy, ngoài sự thỏa mãn về vật chất (cũng chưa chắc thỏa mãn thật sự), chắc hẳn còn có sự thiếu tôn trọng, sự xúc phạm không giới hạn, kiểm soát và áp lực.. của cha mẹ dành cho chúng.

    Đây không phải nuông chiều.

    Hoàn toàn ngược lại, đây là không đủ yêu thương.

    Nuông chiều là gì?

    Gia đình người Trung Quốc vừa nghe đến từ này lập tức biến sắc ngay.

    Bởi vì trong vô số câu chuyện kể, cuộc đời của người thành công đều liên quan đến nghèo khó; cuộc đời của người thất bại đều có sự góp mặt của nuông chiều. So sánh như vậy đơn giản dễ hiểu, hàng trăm hàng nghìn năm trời qua, tất cả chúng ta đều xem nó là chân lý.

    Thế là chỉ cần nhắc đến, ai ai cũng muốn tiêu diệt, ai ai cũng kêu gọi đánh đập, ai ai cũng trốn tránh.

    Nhưng trên thực tế, 'nuông chiều' thật sự chỉ là một môi trường tự do thoải mái không gò bó.

    Nó có nghĩa là: Tôn trọng ý muốn của đứa trẻ, không trì hoãn sự thỏa mãn, không áp chế nhu cầu, không kiểm soát suy nghĩ của con, không áp đặt hướng phát triển của con, hiểu và ủng hộ quyết định của con, xem con là một người lý tính và kiện toàn, chứ không phải là vật mặc cho cha mẹ nhào nặn.

    Nếu cha mẹ làm được, không chỉ không có hại cho con cái, mà còn là phúc của chúng.

    Ví dụ như câu chuyện về sôcôla nổi tiếng.

    Có một đứa trẻ rất thích ăn sôcôla.

    Cha mẹ thấy nó sẽ bị sâu răng, không tốt cho sức khỏe, thế là không cho, muốn đứa trẻ nhịn, không cho nó thỏa mãn.

    Nhưng trong thế giới của đứa trẻ, không có so đo giữa được và mất, cũng không có phán đoán giữa đúng hoặc sai, cái chúng có thể cảm nhận được chỉ có cảm xúc của người lớn - Lúc nãy cha lớn tiếng với mình, đáng sợ quá, mình đi tìm mẹ, mẹ cũng mặc kệ mình, không ai cần mình, không ai yêu mình cả.

    Chúng sẽ cảm thấy sợ hãi.

    Càng sợ hãi càng muốn có được.

    Vì vậy, sự kiên quyết cự tuyệt của cha mẹ không chỉ không làm giảm lòng ham muốn với sôcôla của đứa trẻ, ngược lại càng làm nó muốn nhiều hơn.

    Nó sẽ tìm sôcôla ở khắp mọi nơi trong nhà.

    Nó sẽ để dành tất cả tiền tiêu vặt (thậm chí là lấy trộm tiền) để mua sôcôla.

    Nó cũng sẽ vì một viên sôcôla mà đi làm việc mình không muốn làm.

    Sau đó người mẹ nghe lời khuyên của bác sĩ tâm lý, mua một thùng sôcôla để trong phòng của con mình, tránh đi, để nó ăn thỏa thích.

    Đứa trẻ vô cùng vui mừng: 'Mẹ ơi, chỗ này đều là cho con ạ?'

    "Đúng vậy."

    "Con có thể ăn chứ ạ?"

    "Tất nhiên, con muốn ăn bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu.."

    Nhưng kỳ lạ là đứa trẻ lại không muốn ăn nữa.

    Lúc bắt đầu, mỗi ngày nó ăn mười mấy viên, rồi vài viên, rồi một hai viên, sôcôla cũng không còn sức hút đặc biệt với nó nữa.

    Còn người mẹ cũng kiềm chế mình, chỉ khi đứa trẻ thấy khó chịu trong người mới nói cho nó biết một sự thật: Trong sôcôla có một loại cafein, ăn nhiều sẽ khiến người ta thấy khó chịu.

    Không phê bình, cũng không áp đặt, thế nhưng đứa trẻ đã hiểu.

    Sau đó có một ngày, người mẹ ăn ba viên sôcôla, đứa trẻ đã nói: 'Mẹ ăn ít thôi, ăn nhiều sẽ khó chịu đấy!'

    Sự thỏa mãn về vật chất như vậy sẽ giúp chúng hình thành phán đoán khách quan: Cái gì là tốt, cái gì là không tốt.

    Chứ nó không vì thiếu thốn mà xem khát vọng thành giá trị của vật chất.

    Khi con cái 'muốn' các cặp cha mẹ Trung Quốc đều thích nói 'không', vì sao thế?

    Một là vì vô tri.

    Hai là vì làm vậy sẽ cảm thấy sung sướng.

    Vô chi là do chúng ta đều nghĩ từ chối hoặc trì hoãn việc thỏa mãn đứa trẻ sẽ dạy nó biết trân trọng, sẽ để nó hiểu được không phải bất cứ thứ gì nó cũng có được.

    Nhưng trên thực tế, thái độ không rõ ràng như thế sẽ khiến đứa trẻ càng thêm nghi hoặc, rốt cuộc đâu là tốt, đâu là xấu? Rốt cuộc nên hay không nên?

    Ví dụ như, đứa trẻ nói: 'Mẹ ơi, con muốn đi bơi!'

    Người mẹ nhìn sắc trời rồi nói: 'Trời sắp mưa rồi, đừng đi!'

    Đứa trẻ không biết phán đoán. Nó chỉ biết mong muốn hợp lý của mình đã bị từ chối, cảm thấy ấm ức, dùng cách gào khóc để phát tiết: 'Con muốn đi, con muốn đi..'

    Người mẹ bị làm phiền nên nổi nóng nói: 'Được, được, con đi đi, chết đuối rồi thì đừng có trách mẹ!'

    Đứa trẻ đã đạt được mục đích, ra khỏi nhà.

    Nhưng nó không những không hiểu rằng bơi lội vào ngày mưa không tốt, mà còn mang lòng oán giận người mẹ.

    Hơn nữa, nó học được dùng thủ đoạn gào khóc để đạt được mục đích của mình, nó biết, dù có không hợp lý chăng nữa, chỉ cần nó làm nũng, la hét, ném đồ đạc, cha mẹ sẽ thỏa mãn nó.

    Dần dần, đứa trẻ bị cha mẹ gắn mác 'đứa bé hư'.

    Nhưng đổi một cách làm khác thì sao?

    Đứa trẻ nói với mẹ: 'Mẹ ơi, con muốn đi bơi!'

    Người mẹ nhìn sắc trời rồi nói: 'Được. Nhưng trời sắp mưa rồi, mẹ đi cùng con, mẹ sẽ đợi con ở trên bờ, nếu con bơi thấy khó chịu thì phải nói với mẹ ngay, được chứ?'

    Đứa trẻ cùng mẹ ra khỏi nhà.

    Mưa mỗi lúc một lớn.

    Đứa trẻ vừa xuống nước liền cảm thấy không ổn, trèo lên bờ nói với người mẹ: 'Mẹ ơi con lạnh quá, không bơi nữa đâu!'

    Người mẹ dùng khăn tắm lớn đã chuẩn bị từ trước, lau mình giúp nó, không trách mắng câu nào, chỉ nói: 'Ừ, trời mưa mà bơi nguy hiểm lắm, chúng ta về nhà thôi!'

    Sau này, qua lần thử này, đứa trẻ sẽ hiểu không được đi bơi vào ngày mưa, đồng thời cũng tin mẹ sẽ không bỏ rơi nó, luôn ở bên cạnh, luôn luôn yêu nó.

    Vì được yêu, nó cũng sẽ yêu thương người khác, có thể chung sống một cách hòa nhã với người khác.

    Sau khi trưởng thành, trí tuệ cảm xúc cũng sẽ rất cao.

    Cứng rắn nói 'không' với đứa trẻ sẽ làm cho cha mẹ sung sướng.

    Vì từ chối sẽ mang lại khoái cảm 'ta đây có thể làm chủ'.

    Song, bạn không dám từ chối cấp trên, không dám từ chối đồng nghiệp, không dám từ chối đối tác làm ăn, chỉ dám từ chối con của mình, vì nó nhỏ nhất, cũng không thể phản kháng, bạn chỉ cần hét lớn một tiếng 'Không!', đứa trẻ sẽ co rúm mình ngay lập tức, hiệu quả rất rõ rệt.

    Sướng biết mấy!

    Có khí thế biết mấy!

    Ví dụ như một trường hợp tôi từng gặp trước đây.

    Một người mẹ có ham muốn kiểm soát đến mức biến thái.

    Bà ta không thấy được điểm tốt nào của con gái mình.

    Nếu con gái muốn chơi thân với bạn học, bà ta sẽ dùng lý do 'nó không phải đứa bé ngoan, con đừng có qua lại với nó', bắt con bé cắt đứt với đối phương;

    Nếu con gái thích vẽ tranh, bà ta sẽ dùng lý do 'đây không phải việc nghiêm chỉnh, đừng có vẽ nữa' để ngăn cản;

    Nếu con gái thích một minh tinh nào đó, bà ta sẽ lấy lý do 'nhìn không khác gì thằng lưu manh, mắt con có vấn đề hả? Không được thích nữa..', bắt con bé không được tiếp tục yêu thích thần tượng.

    Vì sao người mẹ lại như vậy?

    Vì cuộc sống của bà tràn đầy cảm giác bất lực.

    Bà thất nghiệp, chồng ngoại tình, chui rúc trong nhà bao nhiêu năm, chỉ có thể thông qua việc nói 'không không không' với con cái để có được chút cảm giác kiểm soát.

    Nhưng kết quả thế nào?

    Cái 'không' đó không hề mang lại một cái 'tốt' nào, chỉ khiến cho cô con gái càng lúc càng nóng nảy, càng lúc càng oán hận.

    Nếu đổi lại một cách làm khác:

    Mặc cho con gái kết bạn, mặc cho con gái vẽ tranh, mặc cho con gái yêu thích thần tượng.. cha mẹ bớt được rất nhiều nỗi lo, con cái được tự do trải nghiệm cuộc sống.

    Còn việc cha mẹ lo lắng con mình còn quá nhỏ, không biết kiềm chế, không có chừng mực.

    Thật ra, chúng ta đều đã từng là trẻ con, chúng ta có không biết kiềm chế không?

    Không hề, chúng ta biết, chúng ta đều biết phân nặng nhẹ, biết đúng sai.

    Nhưng nếu cha mẹ lúc nào cũng muốn kiểm soát chúng ta, chúng ta sẽ giận quá mất khôn, tràn đầy căm thù hành vi không có giới hạn và thiếu tôn trọng của họ.

    Oscar Wilde nói:

    "Cách để đứa trẻ có được hạnh kiểm tốt nhất, chính là mặt cho chúng vui vẻ."

    Về chuyện để cho bọn trẻ được vui vẻ lại cho thấy sự theo thiệt đến kỳ lạ của đại đa số người lớn trong xã hội.

    Khi họ nhẹ nhàng hoặc thô bạo đoạt đi thứ làm cho chúng vui, họ luôn không quên nói kèm một câu: 'Đây đều vì tốt cho con thôi.'

    Đây đúng là câu bao biện có tính thuyết phục nhất, cuối cùng nó sẽ làm cho chúng ta bằng lòng hủy diệt chính mình.

    Người bạn Khả Nhị của tôi cũng là người kiên quyết ủng hộ việc nuôi chiều con cái.

    Cậu ấy nói, điều duy nhất mình lo là không thể nuôi chiều đến cùng.

    Khi Tiểu Nữu nhà cậu ấy đi nhà trẻ, có một hôm con bé đột nhiên không muốn đi học nữa.

    Lúc đó Khả Nhị ở Quảng Châu, Tiểu Nữu ở quê sống chung với bà nội.

    Khả Nhị nghe tin liền nói với mẹ mình: 'Vậy thì không cần đi nữa thôi!'

    Bà nội cũng là người thông minh, đồng ý với thỉnh cầu của Tiểu Nữu và nói: 'Được, không đi học nữa.'

    Thế nhưng, theo kế hoạch của Khả Nhị, mỗi ngày bà đều vô tình hoặc cố ý dẫn con bé đến gần trường học. Tiểu Nữu thấy các bạn nhỏ trong trường chơi rất vui vẻ, thỏa thích la hét, bắt đầu dao động trong lòng.

    Ngày thứ ba, con bé nắm tay bà nội nói: 'Bà nội ơi, dẫn con đi học đi!'

    Sau này Tiểu Nữu học múa, tập xoạc chân, uốn lưng, đau đến nghiến răng nghiến lợi, tối về nhà ôm lấy mẹ nói, mệt quá, đau quá, không muốn học nữa.

    Làm thế nào đây?

    Chiều sao con bé.

    Khả Nhị đói với người nhà: 'Mọi người đừng trách mắng con bé, cứ chuẩn bị tinh thần là con bé sẽ không đi nữa thôi! Nói chuyện nhiều hơn với nó, chúng ta biết rất mệt, rất đau, ôm nó, để nó nói ra cảm giác mệt và đau ra sao, nhưng phải nói với con bé hôm sau sẽ đi xem thử, đi hay không để nó tự lựa chọn.'

    Đêm hôm đó, khi mẹ mơ mơ màng màng ngủ thiếp đi, Tiểu Nữu vẫn đang ngồi ở trên giường dạy búp bê vải múa, uốn lưng, xoạc chân, con bé nói với búp bê: 'Bé cưng à, tập múa rất vất vả, nhưng cậu phải kiên trì nhé..'

    Trẻ con thấu tình đạt lý hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều, chỉ cần bạn cho nó đủ tự do.

    Không có bao nhiêu người Trung Quốc từng thật sự được nuông chiều.

    Ngược lại, đa số đều là những bệnh nhân thiếu thốn.

    Trước đây, tôi cũng là người ủng hộ quan niệm nuông chiều có hại.

    Mãi cho đến khi đọc sách tâm lý học tôi mới phát hiện ra bệnh tâm lý của đa số người đều vì nó mà thành.

    Vì khi còn thơ ấu, mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ sẽ ngấm vào, trở thành hình mẫu quan niệm nội tại của đứa trẻ, từ đó quyết định tính cách một đời của nó.

    Nếu có được đầy đủ tình thương, tự do từ cha mẹ, khi trưởng thành nó tất nhiên sẽ thông minh, tốt bụng.

    Nếu tình yêu của cha mẹ chỉ có thiếu thốn, khiếm khuyết và nặng nề, trong tiềm thức của đứa trẻ quan hệ giữa người và người sẽ tương đương với cảm giác áp bức và nặng nề.

    Tình yêu thật sự sẽ không mang đến giả xấu ác, mà chỉ khiến người ta trở nên chân thiện mỹ.

    Tình yêu tràn đầy không hề khiến người ta cao ngạo, cuồng vọng, tự cho là đúng, mà chỉ khiến cho con người sinh ra lòng đồng cảm và thông cảm.

    Cuối cùng, tôi muốn kể thêm một câu chuyện khiến tôi vô cùng cảm động.

    Có một cặp cha mẹ rất yêu con gái của mình.

    Yêu đến mức độ nào?

    Một quyển vở bài tập của cô bé bị mất, họ rất lo lắng.

    Cha mẹ không trách mắng câu nào, sau khi chắc chắn không thể tìm được nữa, họ tìm mọi cách để mua lại, nhờ vả vô số người nhưng vẫn không mua được.

    Họ quyết định chép lại một quyển mới cho con gái.

    Con gái rất lo: 'Nhiều chữ như vậy, còn biết bao nhiêu hình, cha mẹ làm được không đấy?'

    Người mẹ nói: 'Nghề của cha con là vẽ tranh giấy mà, để cha vẽ, mẹ chép chữ, được mà.'

    Họ mượn được một quyển vở bài tập, rồi tỉ mỉ chép lại từng hình, từng chữ một. Nhưng số lượng quá nhiều, mấy tiếng đồng hồ sau mới chép được một nửa.

    Hôm sau đã phải nộp nên cô con gái bắt đầu lo lắng.

    Cha mẹ nói với cô con gái: 'Con đi ngủ trước đi, cha mẹ đảm bảo sẽ chép xong cho con mà.'

    Sáng hôm sau, cô con gái thức dậy đã thấy quyển vở bài tập chép tay được đặt trên bàn học. Vì quá dài nên phải dùng sợi chỉ thô đính lại, nhưng tranh minh họa và các hoa văn trên đó không thiếu cái nào.

    Người mẹ nói: 'Mẹ đã cố gắng viết theo nét chữ của con, làm bù bài tập con còn thiếu trong hai ngày này, hôm nay có thể nộp được rồi!'

    Tất nhiên quyền vở bài tập này đã trở thành tiêu điểm của cả lớp, cô con gái và cha mẹ đều được giáo viên khen ngợi. Cô con gái nói: 'Cái cảm giác hạnh phúc khi sắp bị xe đụng đến nơi, giây cuối cùng chợt dừng lại và thấy được cầu vồng ấy, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ.'

    Hiển nhiên, trưởng thành trong một gia đình như thế, cô con gái trở nên dịu dàng, hiểu lòng người, bao dung hơn so với người bình thường, tiếp xúc với người như vậy sẽ khiến người ta cảm thấy như được tắm trong gió xuân.

    Mỗi một sinh linh, đều là lời chúc phúc dành cho thế giới.

    Mỗi một đứa trẻ, đều mang theo sứ mệnh của mình đến với thế giới, lớn lên trong sự dẫn dắt của phôi thai tinh thần nội tại.

    Nếu cha mẹ của chúng ta có thể buông bỏ lo âu, buông bỏ phê phán, buông bỏ sự cuồng vọng cho rằng mình có thể dạy dỗ được con cái, chỉ cần yêu thương, khiêm tốn, bầu bạn, biết bao nhiêu bi kịch nhân gian đều sẽ biến mất.

    Juddu Krishnamurti từng nói:

    "Nếu cha mẹ thật sự quan tâm đến con cái của họ, xã hội sẽ thay đổi ngay sau một đêm, chúng ta sẽ có nền giáo dục khác, gia đình khác, sẽ có một thế giới không có xung đột, không có chiến tranh."

    Thế nên, nếu bạn đang đọc bài viết này, nếu bạn đang là cha mẹ, hoặc sắp thật trở thành cha mẹ, xin hãy nhớ: Yêu thương con mình!

    Yêu nó một cách chắc chắn hơn, nhân từ hơn, dốc hết lòng ra để yêu nó!

    Nuông chiều mà yêu nó!

    Đây là việc duy nhất mà mỗi một người lớn đều không cần nghi ngờ, cũng không được nghi ngờ.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...