Tác phẩm: Tôi Thích Bản Thân Nỗ Lực Hơn Tác giả: Chu Xung Reviewer: Ôn An Na Có nhiều người sinh ra ở vạch đích, có tiền bạc, gia thế, mối quan hệ, không cần phải lo nghĩ đến cái ăn cái mặc, con đường phía trước đã lót nệm sẵn. Nhưng đâu phải ai cũng may mắn như vậy, cái nghèo đeo bám dai dẳng, người có đam mê chẳng thể theo đuổi được bởi điều kiện sống, người lạc lõng giữa dòng người mênh mông. Vậy chúng ta cần làm gì? Cuốn sách "Tôi thích bản thân nỗ lực hơn" của Chu Xung là tiếng lòng của nhiều bạn trẻ hiện nay. Chu Xung là nữ nhà văn thế hệ 8X, hiện tại sinh sống ở Quảng Châu, Trung Quốc. Trước đây, cô cứng đầu và cố chấp, gia đình và bạn bè không hòa hợp, cô từ bỏ công việc dạy học thu nhập ổn định để đến với con đường viết sách. Theo thời gian, cô đã thay đổi bản thân mình, kể cả về môi trường sống, cách suy nghĩ và lối sống. Cuốn sách thích hợp cho những bạn trẻ đang loay hoay với cuộc sống, cảm thấy thật bất công, có kẻ chỉ cần một cuộc gọi là có công việc ổn định, thu nhập cao, còn mình vật vã với tiền lương ít ỏi và biết bao thứ cần chi tiêu. Vậy các bạn nghĩ xem, những kẻ lấy tiền tài làm "lợi thế", nếu chỉ khai thác "lợi thế" có sẵn mà không tự cố gắng, thì sớm muộn gì cũng thất bại. Sinh ra may mắn hơn người khác là phúc của bạn, không phải là bàn đạp để bạn lên cao. Cuốn sách với những câu chuyện nhỏ sẽ cho bạn thấy, nỗ lực của mình mới là quan trọng nhất. Người ta giúp bạn là tình cảm, không phải nghĩa vụ, chỉ có chính mình mới bảo vệ được chính mình. Chu Xung nói: "Trên đời này có Đấng cứu thế sao? Có thể tôi không có phúc khí nên chưa từng thấy qua. Nhưng tôi vẫn luôn tin rằng con người mới là Đấng cứu thế của chính mình." Trong xã hội hiện nay, sự lười biếng, buông thả được xem là tự nuông chiều, đối tốt với chính mình. Người phải cẩn thận từng li từng tí, sợ sai sót, mới là thất bại. Còn đối với Chu Xung, thành công của một người là ba từ "tự kiểm soát". Tự kiểm soát giống như một phần của lí trí, điều khiển từ xa hành vi của mình. Chỉ có kiểm soát mới thoát khỏi xiềng xích, nỗ lực hơn người, tiến về đích mà bạn muốn đến. Bạn chùn bước, bạn sợ hãi, đó là bạn yếu đuối. Có những người không có ranh giới rõ ràng, để có sự công nhận của người ngoài mà giả lả với người khác, xem thường chính mình, cuối cùng đôi bên đều không vui vẻ. Bạn biết chữ nào là khó mở miệng nhất không? Đó là chữ "không", bạn không dám nói không với người khác, cúi đầu nhẫn nhịn, cho đến một giới hạn nào đó, bạn cũng sẽ không chịu được nữa. "Không bao giờ nói không không phải lương thiện, mà là nhu nhược một cách vô tri." Học cách nói "không" không phải tàn nhẫn, mà là tự do chân thật. Mà một người tự do chân thật sẽ thu hút những mối quan hệ tự do chân thật, từ đó họ sẽ có được cuộc sống tự do chân thật. Bạn đã từng gặp ai yêu một người mà tự làm tổn thương chính mình chưa? Yêu một cách cố chấp, không thể buông bỏ, cho nên tự đâm mình vài nhát dao, vẫn ngậm ngùi ôm vào lòng. Yêu người khác mà quên mất rằng phải yêu lấy chính mình. Trong một số quan niệm, yêu mình là ích kỉ, không biết nghĩ đến người khác. Điều đó là sai, ích kỉ là vì yêu người ta nhiều đến mức nội tâm trở nên yếu đuối, thiếu tình thương, trống vắng đến vô hồn, vì vậy cần những thứ khác bù đắp. Chu Xung kết luận lại: "Yêu bản thân thật sự là tôn trọng, yêu thương, thấu hiểu chính mình rồi mới đến tôn trọng, yêu thương, thấu hiểu người khác." Gió đến, kéo theo đợt gió khác đến; nắng chiếu, trải dài khắp muôn nơi; rồi người tử tế, sẽ gặp được người tử tế. Một bộ tiểu thuyết kể về một nhà văn lừng danh nhờ tài năng văn chương phong phú của mình. Anh viết những câu chuyện trên thế gian, anh kiêu ngạo tự mãn, cho rằng tất cả câu chuyện đều hóa thành sách. Một ngày nọ, anh nhận ra anh cũng là nhân vật trong câu chuyện của người khác. Thì ra, ai cũng trở thành người qua đường nơi trần thế. Tình yêu, li biệt, buồn đau, vinh quang.. đều sẽ trở thành tình tiết trong câu chuyện của "tôi". Vậy rốt cuộc, ý nghĩa của cuộc sống là gì? Hay chỉ là "một cuộc đời buồn tẻ chẳng đáng để sống"? Chu Xung cho rằng: "Sinh mạng chưa bao giờ dùng sự thành công để chứng minh cho giá trị của nó, mà dùng cái đẹp, dùng sự đấu tranh, dùng sự kiêu ngạo để chứng minh sự tồn tại của mình". Nỗ lực của bản thân là thứ tồn tại dài lâu, để đấu tranh với đời, với người và là niềm kiêu hãnh của mình. Không phải người ta sinh ra đã là thiên tài, đó là quá trình trau đồi và rèn luyện bản thân. Kiên trì sẽ cho bạn thấy khả năng bạn làm việc đạt đến mức nào, không cần cho người ngoài xem, bạn sẽ tự nhận thấy thành quả của mình. Nếu không chịu cố gắng thì ước mơ của bạn mãi mãi chỉ là giấc mộng, không có thực. Trong khi bạn đang lười thì người ta vẫn đang cố gắng từng giờ, bạn lấy tư cách gì để so sánh với người ta? Đừng bảo người ta may mắn, thử hỏi xem ngồi lên vị trí giám đốc mà chẳng có năng lực thì dùng cái gì để làm? May mắn không thể dùng được trong những lúc như vậy. Nỗ lực không chắc chắn sẽ thành công, có những lúc vấp ngã, đau đớn không thể bước tiếp, nhưng không nỗ lực chắc chắn không thành công. Bạn thay đổi chính mình, để khi nhìn lại thanh xuân cảm thấy tự hào và hạnh phúc, đừng để lúc ấy chỉ biết than trách. Giọng văn của nữ tác giả gần gũi và bình dị, những câu chuyện, nhân vật trong tác phẩm gắn liền với thực tế, độc giả dường như thấy được bóng dáng của mình. Đây là kinh nghiệm sống mà nhà văn mất nhiều năm mới đúc kết được, hãy đọc "Tôi thích bản thân nỗ lực hơn" để thay đổi cuộc sống, thanh xuân không hoài phí. Na mong các bạn đọc và ngẫm cuốn sách, để thấy giá trị thật sự trong từng câu chữ. "Khi bạn đang thực hiện, đang thưởng thức, đang nếm trải sự tuyệt vời của quá trình, bạn đã đưa sự trống rỗng vào hư không. Khi ước mơ làm bạn mê say, thì khoảng cách sẽ trở thành niềm vui; Khi theo đuổi mang cho bạn sự phong phú, thì được và mất, thành công và thất bại đều trở thành bạn đồng hành." Ôn An Na.