Những mảnh đời phiêu bạt Tiểu thuyết đưa độc giả về một thời đã qua ở vùng đất Nam Bộ. Tại đó, có một gia đình với gánh hát xiếc Nghệ Tinh sống trôi nổi trong công cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn. Cuộc sống họ chật vật trong chiếc ghe nhỏ và luôn phải di chuyển liên tục trên dòng sông mịt mờ khói sóng. Người cha được biết đến với biệt danh Sạc Lô Trần- một người nghệ sĩ tận tuỵ với nghề, ăn nói có duyên, có nhiều trò ảo thuật thú vị nhưng cũng rất cô độc. Tính ông hào phóng vô lo và cũng khá nóng nảy. Người mẹ là người đàn bà bình dân, vui tánh, không biết nổi một chữ nhưng đổi lại nhiều trí tưởng tượng. Họ yêu thương con cái nhưng chính cuộc tha hương cầu thực quá vất vả đã khiến tình cảm trong họ ít nhiều bị chai sạn. Anh Ba- nhân vật xưng "tôi" trong câu chuyện thường được gọi là "người cõi trên". Anh vô cùng khổ sở vì trái tim nhạy cảm của mình, nó thổn thức và khiến anh phải luôn suy tư về mọi điều xung quanh. Cuộc đời lang bạt, nghèo khổ và bị mọi người chế nhạo về vẻ ngoài dị dạng như thằng Gù càng khiến anh buồn tủi. Gần nửa cuộc đời, anh phải gắn mình với tấm ván phóng dao: Ngủ trên nó, trôi thơ thẩn trên sông cùng nó và biểu diễn cùng nó. Đối với anh, tấm ván là "món nợ đời", là thứ oan nghiệt gây nên nhiều thương tổn. Thế nhưng đôi khi, nó cũng là người bạn giúp anh trốn tránh mọi người, quên đi những âu buồn. Anh Ba có vô vàn giấc mơ, trở thành thiên thần, quỷ dạ xoa.. và đôi khi trở thành con chó: "Giấc mơ vốn có nhiều quyền lực trong một thế giới không rào cản, phong phú tưởng tượng như vậy mà cũng từ chối những ước vọng." Đặc biệt, anh có những giấc mơ rất nhân bản: Mơ được đến trường học, thấy bảng đen, thấy những con chữ.. Nỗi niềm khát chữ đến điên cuồng dẫu thực tế anh không thể thuộc được chữ nào. Mỗi giấc mơ, dù đẹp đẽ hay xiêu vẹo thì sau khi tỉnh giấc, anh đều bị kéo tụt về hiện thực vô cùng khắc nghiệt. Anh Hai- qua cái nhìn của anh Ba thì thật đẹp "như một vị Hoàng tử bị đày đọa xuống cõi trần gian.. mái tóc đen nhánh, da trắng xanh, nụ cười mê hồn." Anh phải mua vui cho khán giả bằng trò phóng dao đầy tài hoa- mà đích phóng chính là tấm ván nơi em gái anh đứng chắn phía trước. Do công việc hết sức nguy hiểm nên anh phải giữ cho mình không được phân tâm. Anh Hai không thiếu tấm lòng nhưng lại là người trầm tính, tỉnh táo bởi nỗi khổ của riêng mình. Con người dù nghèo đến đâu cũng phải có cho mình một giấc mơ bởi giấc mơ "là cái bánh ngọt ngào trong cõi đời quá đắng". Vậy mà anh không có lấy nổi một giấc mơ. Câu hỏi: "Làm cách nào mà người ta tìm được một giấc chiêm bao?" đã gợi cho độc giả những chua xót khôn nguôi. Anh có mối tình thật đẹp với Phương nhưng phận nghèo đã không cho phép anh có được hạnh phúc. Cô Tư (em út) là cô đào phóng dao- người hằng ngày hứng chịu những lưỡi dao oan nghiệt. Ngay từ nhỏ, cô đã phải đứng trước tấm ván nhưng cô chưa biết sợ. Lớn lên, khi biết được lưỡi dao không phải là cánh hoa mà là sắt thép bén nhọn lạnh lùng, cô đã sợ hãi và khóc sau mỗi đêm diễn. Vì cứ phải đối diện với nguy hiểm nên "về hình thể, cô khô cằn không ra dáng thiếu nữ, chỉ có đôi mắt là cử động". Cô luôn nằm trong một góc tối với xâu chuỗi và quyển kinh, lo sợ một ngày nào đó cái chết sẽ đến với mình. Cô luôn bị động trước tấm ván và không có quyền lựa chọn cho mình một cuộc sống khác. Và cũng còn rất nhiều mảnh đời cơ cực khác nổi trôi vô định cùng gia đình ông Trần: Đó là chú Tài "say" luôn tìm rượu để giải sầu, chú Chín Chim hóa thân thành chú hề dẫu đời chú chẳng mấy vui vẻ.. Phải chăng chính cuộc đời nghèo khó, mưu sinh suốt thời niên thiếu đã khiến tác giả Mạc Can thấu hiểu hơn trước những số phận trớ trêu như mình? Trò ảo thuật bất đắc dĩ và những nỗi đau thành hình Trò ảo thuật phóng dao tuy đầy man rợ, tàn bạo nhưng oái ăm thay, lại là trò "đắt khách" nuôi sống cả một đoàn xiếc. Có lẽ, người ta tò mò muốn xem thử sự dũng cảm của cô đào khi đứng trước tấm ván. Những khuôn mặt lạnh lùng đến vô tình, những nụ cười, những tràng pháo tay đầy thỏa mãn khi thấy hàng chục lưỡi dao bay vèo vèo về phía "con mồi". Con người trở nên vô tâm đến đáng sợ, họ đã dùng đồng tiền của mình để đổi lấy "máu và nước mắt" của người khác. Hình tượng chiếc ván phóng dao khô cứng và đầy thương tích đã được Mạc Can xây dựng một cách công phu. Nó trở đi trở lại xuyên suốt tác phẩm, luôn xuất hiện ở mỗi đêm diễn: Anh Ba đứng phía sau đỡ tấm ván, cô Tư đứng chắn phía trước và anh Hai sẽ là người phóng dao. Hình tượng chiếc ván trở thành dấu ấn khó phai trong lòng độc giả bởi nó gắn liền với những nỗi đau rất thật của cả ba anh em. Với anh Hai, chiếc ván luôn là thử thách lớn mà chỉ cần một phút phân tâm thôi, tính mạng của em gái sẽ gặp nguy hiểm. Vì thế mà lúc nào anh cũng tỉnh táo- tỉnh táo đến lạnh lùng. Mỗi lần phóng đi một lưỡi dao cũng là lúc anh thoát khỏi một ức chế, một mặc cảm thua thiệt về "những đồng tiền giả". Tuy tâm lí nhân vật này không được khắc họa rõ nét nhưng độc giả chắc chắn rằng: Anh Hai chịu không ít thương tổn trong tâm lí khi chính mình phải thực hiện "trò tra tấn" đầy dã man này. Với anh Ba, anh đã từng nhiều lần mong ước tấm ván oan nghiệt biến mất đi, để không phải bị đày đọa khổ sở nữa. Tấm ván đã để lại nơi anh dấu chứng khắc nghiệt: "Cánh tay phải dài hơn cánh tay trái, bàn tay trái lại nhỏ hơn bàn tay phải, lưng bị gù, với nhiều vết chai." Nhưng nỗi đau lớn nhất mà anh phải chịu đựng trong suốt thời gian dài là nỗi sợ em gái mình gặp nguy hiểm. Những dự cảm không lành, những ám ảnh về chiếc ván thường xuyên thâm nhập vào giấc mơ khiến giấc mơ của anh trở nên xiêu vẹo, tàn tạ đến đau lòng. Anh Ba đã phải nhiều lần đứng ở một nơi vắng vẻ, tập nói cho rõ câu: "Cha ơi, đừng cho em con phóng dao, nó còn là con gái, nó còn nhỏ quá". Thế nhưng đứng trước người cha nóng nảy, anh luôn khổ sở và lúc nào cũng nghẹn lời, ấp úng. Với cô Tư, những nỗi đau mà trò phóng dao mang lại luôn hiện diện từ lúc cô là con gái mới lớn cho đến tuổi xế chiều. Cô chưa từng được sống một ngày vui vẻ, lúc nào cũng thấp thỏm lo sợ khi phải đối diện với những mũi dao vô tình. Từng câu văn như cứa vào trong tim độc giả về một kiếp người quá đỗi truân chuyên: "Nỗi đau của riêng em không còn là chuyện bị sát thương da thịt, nỗi đau lớn hơn nhiều, nó ở đâu sâu thẳm như những hạt cát tội nghiệp dưới lòng biển, nơi mà ngàn năm trước triệu năm sau, có khi nào ánh mặt trời soi rọi tới, nó là một cõi im lặng trầm ngâm vĩnh hằng." Vết thương nơi gáy mà anh Hai cô gây ra trong một đêm diễn đã khiến cô sống như người có hai cõi miền khác nhau, nửa mê nửa tỉnh, một cõi trên và một cõi trần ai. Cô mất ý thức về thời gian, không gian, sống cô độc và khước từ hạnh phúc của chính mình. Quá khứ chưa bao giờ nguôi yên Đêm cuối cùng biểu diễn màn ảo thuật, tấn bị kịch xảy ra đã khiến cả gia đình phải ly tán. Mỗi người phải ôm lấy những tổn thương riêng để tiếp tục sống tiếp. Dường như họ phải trả giá cho trò ảo thuật bạo lực mà ngay từ nhỏ họ đã bị số phận đóng đinh vào. Ở anh Hai, có nhiều điều đau đớn đến với anh trong vòng một đêm: Anh không thể nên duyên với người mình yêu, vì phân tâm mà làm bị thương em gái mình. Anh bỏ nhà ra đi để giải thoát cho bản thân nhưng những năm tháng còn lại của cuộc đời, anh cứ mãi chìm trong cảm giác tội lỗi. Còn anh Ba và cô Tư cố gắng nương tựa nhau mà sống. Anh Ba sống chung với những di chứng không gì có thể xóa nhòa. Cô Tư dù lớn tuổi vẫn là "một đứa trẻ" héo hắt, gầy nhom. Đặc biệt, dù mọi chuyện đã qua rất lâu rồi, cô Tư vẫn còn bản năng né tránh mũi dao, toàn thân trở nên run rẩy khi tưởng tượng nó bay về phía mình. Tấm màn nhung vĩnh viễn khép lại, trò ảo thuật đầy bạo lực ấy không bao giờ tái diễn lần nào nữa. Thế nhưng, lấy gì để bù đắp được cho những tuổi thơ đầy cơ cực, thăng trầm? Lấy gì để chữa lành những vết thương sâu hoắm, những di chứng tàn tạ về một thời đã qua? Sân khấu đã hạ màn nhưng cuộc đời những con người vẫn tối mờ mờ, vẫn ảm đạm như chính quá khứ nhọc nhằn của họ. Nỗi đau vẫn còn ở đó, vẫn hiện diện một cách rõ ràng, rỉ ra, trương phồng lên khiến họ bị nhốt trong "chiếc lồng" chật hẹp mang tên kí ức, dù cố vùng vẫy đến đâu cũng chẳng thể nào thoát ra khỏi được. Bút pháp giản dị, chân cảm của Mạc Can đã đạt đến hiệu quả nghệ thuật cao. Ngôn ngữ mà tác giả sử dụng đầy chất thơ trong việc miêu tả mây trời sông nước phương Nam. Ngôn ngữ cũng rất mộc mạc, phóng khoáng, đậm những thổ âm mang phong vị và hồn riêng của con người Nam Bộ. Bên cạnh đó, Mạc Can còn dụng công xây dựng những hình ảnh mang tính biểu tượng, gây ám ảnh mạnh và những suy tưởng sâu xa về cõi người như cơn mưa, tấm ván, con cá, lưỡi câu.. Tiểu thuyết thấm đượm giá trị nhân văn và triết lí nhân sinh cao đẹp. Dường như Mạc Can đã cúi xuống lắng nghe tiếng nói của những kiếp người mỏng dòn và kết tinh nó vào trong trang viết một cách đầy trăn trở, cảm thương. Có thể thấy rằng, trong cuộc sống nghèo khó, ba anh em vẫn dành cho nhau tình yêu thương sâu sắc, dù chưa một lần nói ra. Điều đó chứng tỏ tình thương sẽ vĩnh viễn không bao giờ mất đi. Dẫu cuộc đời đắng cay, bi thảm, họ vẫn cố ngoi lên để sống và tha thiết được sống, bởi một lẽ "Người ta chỉ chết đi khi mình đã hết vốn sống". Tiểu thuyết còn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, hướng con người về suối nguồn của những tình cảm cao đẹp, tránh xa lối sống hời hợt, vô cảm trước sự bất hạnh của người khác. Khép lại tác phẩm, độc giả dường như tự hỏi: Liệu rằng, trong miền kí ức nhuốm màu đau thương mà ba anh em luôn mang theo bên mình, có "nốt sáng" kí ức êm đềm, dịu dàng nào ùa về sưởi ấm trái tim khô cằn của họ, giúp họ đi qua những tháng năm còn lại trong đời mình?
Tác giả review rất hay. Mình đọc cảm thấy thật xúc động, chân thực, nhất định mình sẽ vào đọc tác phẩm này. Cảm ơn tác giả nhiều.
Mình đã đọc xong tác phẩm này. Cái kết làm mình phải trăn trở và suy nghĩ nhiều. Cảm ơn tác giả đã review có tâm như vậy, hay lắm đấy mọi người. Có thời gian nên đọc nhé! Mong tác giả review thêm những tác phẩm hay khác nhé, giọng văn của tác giả mình rất thích, mình mong chờ lắm đấy.