Tên truyện: Thằng học sinh điên Tác giả: Nhẹ nhàng Thể loại: Truyện ngắn hiện đại Link thảo luận: [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm sáng tác của Nhẹ nhàng * * * Nó đến bờ sông đã là lần thứ ba. Con gió đầu hạ vẫn mát lắm, nhưng thoảng chút gì đó của cái nóng làm khô quắt da thịt những kẻ đang sống trên thế gian này. Thằng bé ngồi duỗi chân trên thảm cỏ xanh, người ngả lên hai cánh tay đang chống sau lưng. Những ngón tay nó chạm lấy từng ngọn cỏ, mân mê. Cứ một lúc nó lại giật lấy một cọng đưa lên mũi hít ngửi. Cạnh sắc như lưỡi dao lam cứa vào tay nhưng nó chẳng thấy gì ngoài cảm giác mát rượi. Đám cỏ nhìn mảnh khảnh thế mà dai, nó phải cố lắm mới giựt được ra khỏi nền đất. Chẳng có tiếng động gì ngoài cỏ xào xạc. Bởi con đường đến bãi bồi này đã bị cỏ mọc che lấp rồi còn đâu. Lại còn đủ thứ hàng rào chắn ngang chắn dọc. Đường lớn ở bờ đê trên cao kia thì tấp nập, những chiếc xe máy, xe gắn động cơ và xe ba bánh đi lại liên hồi, cũng ít dần đi nhưng hồi trước thằng bé còn được ngắm cả xe bò đi qua. Trên đó ồn ào kinh khủng. Đương nhiên là từ dưới này thì chẳng thể nhìn thấy gì, đấy là từ khi nó còn thích chạy đi ngó nghiêng trên đó. Hồi còn bé xíu nó cứ chạy đi khắp nơi, không nghỉ được. Đã ai bắt được nó phải dừng chạy tới từng xó xỉnh một tìm cái chơi đâu, đến cả bố mẹ cũng chỉ gọi vài câu lấy lệ rồi để mặc. Cứ ngồi lâu là thằng nhóc lại nghĩ đến cái hồi chưa phải đến trường. Hồi ấy nó lúc nào cũng cười. Nó đi nhặt mấy cục sỏi ném, hái mấy cái lá còn xanh xuống làm đồ chơi, nó còn bẻ mấy cành cây xuống làm gậy trêu lũ nhỏ nữa. Thằng nhóc nghịch ngợm ngày ấy, muốn bắt ngồi được thì chỉ có cho kẹo mới chịu. Thế rồi nó lại nghĩ đến tình trạng của nó hiện tại, mà đứa nào chẳng thế, luôn luôn có lúc vô thức đi so sánh quá khứ với hiện tại để rồi lại ngồi thật lâu trên một khung cảnh bát ngát của buổi chiều tươi. Thằng bé cố nhìn ra xa, thật xa. Những tòa nhà cao tầng mọc lên bên cạnh những nông trại và những cánh đồng dâu. Mắt nó nhòe dần đi, những hình dáng rung rinh và méo mó chẳng còn hình thù cụ thể nào. Nó khóc. Lâu lắm rồi nó mới lại khóc. Thằng bé trượt tay, người đổ gục xuống đất, rồi nó cứ nằm đó ôm mặt. Nhưng nó không khóc như thể cần được an ủi. Không, nó không khóc để gây chú ý cho bất cứ ai. Đến cả tiếng gió khẽ qua còn có thể át được cả tiếng sụt sịt của thằng nhóc. Nó khóc như thể cần được lắng nghe, phải những ai thật chăm chú mới có thể nhận ra tiếng nó trong cái khoảng không lặng thinh ấy. Mây trôi nhè nhẹ, che đi ánh nắng càng lúc càng đỏ rực của buổi chiều. Nhưng ai buồn để ý một buổi chiều? Người ta có bao nhiêu thú vui khác lo còn chưa xuể. Tiếng chuông trường reo hết tiết ở đâu đâu làm thằng bé dỏng tai lên. Rồi tự nhiên nó hơi thèm. Được quay lại. Nhưng nó sẽ không bao giờ quay lại! Quá đủ rồi. Không chịu được nữa nên mới bỏ chứ. Không bao giờ! Rồi thằng bé thiếp đi. Nếu may mắn, ta sẽ quên đi phần nào những mệt nhọc của cuộc sống thường ngày sau giấc ngủ, dù cho có là khó khăn của một thằng nhỏ đi nữa. Đương nhiên chẳng thể so sánh được với công việc nặng nhọc của người lớn, một đứa nhóc sao có thể hiểu được những bài học đầy cay đắng mà phải sống cả đời người mới nhận ra được. Nhưng.. dù cho có là một thằng học sinh cũng có vấn đề của riêng mình. Khi nó tỉnh dậy thì cả sắc trời và sông đều đã chuyển thành một màu đỏ đất. Cái màu báo hiệu cho đợt khí lạnh buông xuống khi đêm về. Nó lại ôm mặt gục trên hai đầu gối, trên lớp vải sờn dính đầy bùn của cái quần âu đồng phục trường. Tóc nó nham nhở, nhúm này đâm vào nhúm kia, những chỗ da trần để lộ ra mấy vết sẹo ngoằn ngoèo đã thâm đi nhiều. Tiếng khóc càng lúc càng to dần. Thằng bé không ngờ khóc lại dễ chịu thế này. Nếu có thể, nó đã khóc từ nhiều năm về trước rồi, suốt một thời gian nó cố chống chịu lại cái ham muốn đơn giản mà mãnh liệt ấy đến tận đáy lòng. Có tiếng leng keng văng vẳng đâu đó, âm thanh ấy trong vắt như của tiếng chuông gió, nhưng vào cái quãng chiều muộn này, lại còn ở cái nơi hoang vu thiếu hẳn sự sống nơi đây, chẳng ai lại đi treo một vật xinh xắn đến vậy để rồi hẳn rung cho ma nghe chứ? Mặt sông sóng sánh những gợn nước, phả ra từ tận tít xa do những con thuyền chở rác và đất tạo nên. Khi người dân trở về nhà thì những con thuyền ấy bắt đầu khởi động cho một buổi làm việc mới. Thằng bé ngưng chuyện mình đang làm lại, dõi theo mấy con thuyền đó, đôi lúc nó băn khoăn liệu nếu nó mở hết can đảm ra mà cầu xin, một cách thật chân thành, thì có được nhận lên không nữa? Có khi những người công nhân trên đó thấy bộ dạng nhếch nhác của thằng học sinh chẳng khác gì một thứ đồ bỏ đi, sẽ cho phép nó vào ngồi cùng đống rác ở phía sau thôi. Giờ đây nó lại muốn ngồi ở vị trí đó hơn bao giờ hết. Với nó, như thế đã chẳng khác gì một chuyến du ngoạn hạng sang, ngồi trên con thuyền trôi theo dòng sông, ngắm khung cảnh bờ bãi trải dài và bên cạnh là những vị hành khách đáng kính khác đang cùng nó tận hưởng một sự gắn bó chẳng tự nhiên chút nào mà lại thật ấm áp. Nhưng ước vẫn chỉ là ước. Nó lủi thủi bỏ đi khỏi đám cỏ sau khi đã phủi sạch đũng quần. Lần thứ hai thằng bé đến quãng sông đó, trời đầy mây. Những đám mây che phủ tất cả ánh nắng, nhưng chưa xám xịt đến mức cho phép con người có thể nói chắc rằng một cơn giông chuẩn bị kéo đến được. Mấy đám cỏ phất phơ, để mọc đủ dài mà đong đưa như vậy hẳn phải cần đến cả một đời người, không ai được phép đụng đến, không được cắt tỉa hay, như thằng nhóc, giật nhổ bừa bãi. Khi thằng bé đến, những túm cỏ ở gần rủ hết xuống, chúng sợ nó. Nó có đáng sợ không? Trông thằng bé vẫn nhếch nhác như vậy, ống tay áo sơ mi xắn lên nửa vời, chẳng còn giữ được màu trắng trong nữa, đôi giày vải bẩn thỉu và lấm lem mà nó chỉ xỏ hờ như dép lê, một chân nó đi tất, chân còn lại thâm sì những vảy gồ ghề. Trong cơn gió bất chợt, cái áo ngắn cũn bị thốc lên để lộ ra cạp quần trễ xuống tận bẹn vì mất đi chiếc cúc duy nhất giữ mọi thứ ở đúng vị trí, chiếc cúc ấy thằng bé đang nắm chặt trong tay, kể từ lúc bị bật ra nó vẫn luôn nắm như vậy, có bị đe dọa đến tận cùng nó cũng sẽ không bỏ ra. Đôi mắt nó đỏ quạch, những sọc vằn chằng chịt nổi lên như sắp vỡ đến nơi, hẳn chính đôi mắt ấy khiến cảnh vật xung quanh bỗng co rúm lại và né dần sang hai bên thằng bé. Nhưng thực chất nó khó mà cảm thấy gì. Nơi đây chẳng đọng lại nổi trong ký ức, thằng bé đến vì chẳng còn chốn nào cho một đứa như nó nữa rồi. Uể oải, thằng bé thả lăn người trên đám cỏ, không có tiếng "uỵch" theo lẽ dĩ nhiên của một vật nặng bị ném xuống đất, thay vào đó chỉ là tiếng rào rạc hòa lẫn với tiếng nước vỗ nhẹ vào bờ. Những thứ tiếng lặp lại đến một lúc nào đó cũng sẽ khiến một đứa trẻ phải thấy phát chán. Nhưng bãi sông thì vẫn đẹp như vậy. Thằng bé nghĩ nếu đám cỏ dại nơi đây bỗng chốc biến thành cả ngàn cây bồ công anh, rồi, chỉ đợi một cơn gió, thoáng bay ngập không trung, rải đầy mặt sông gần như phẳng lặng hoàn toàn, bay sang bên kia bờ đến những cánh đồng lúa chiêm vàng rộ, đặt thân hình mỏng manh của mình vào giữa những kẽ lá xanh tươi của bãi dâu. Và, trong ngập trời sắc trắng, nó ngồi yên, tay ôm đùi, còn chẳng thèm ngẩng lên nhìn và không buồn cử động nổi một nét mặt trơ lì nào. Vậy mới thật hả hê làm sao. Nhưng rồi nó nhận ra bao vây lấy mình chỉ những cỏ là cỏ, sự hụt hẫng ấy bỗng chốc làm nó hóa điên. Đến cả một ước muốn đơn giản thế thôi mà nó cũng chẳng được thỏa mãn. Thằng bé lại một lần nữa cảm nhận rõ cái lý do nó ghét thế giới đến vậy. Một lần nữa, nó lại muốn đốt cho bằng trụi cái mảnh đất cũng chẳng nói gì làm xanh tươi này. Nó giơ tay lên, đứng phắt dậy, có lẽ nó định làm gì đó, nhưng rồi lại thõng tay xuống. Vai nó cụp xuống và nó lại ngồi bệt trên đám cỏ. Người nó co rúm, cằm đặt giữa hai đầu gối. Trong đầu chỉ toàn những hình ảnh của quá khứ mà nó không hề muốn nhớ lại chút nào. Khổ nỗi đó lại là điều duy nhất mà nó còn nhớ nổi, và ấy quả thực cũng là chủ đề duy nhất nó còn quan tâm, kỉ niệm buồn thường đọng lại lâu hơn những niềm vui đấy thôi. Đến cả những người thân thiết nhất nó còn chẳng muốn nghĩ đến. Chẳng đáng để phải bận tâm. Ấy vậy mà nó vẫn hình dung ra được khuôn mặt của em gái mình. Một đứa trẻ dịu dàng. Luôn làm cho những người gặp con bé cảm thấy hãnh diện bằng những lời khen ngọt ngào. Càng lớn con bé càng xinh. Càng lớn càng đỏm dáng. Bây giờ mỗi khi ra ngoài con bé luôn ăn diện như một cô nàng. Nhưng với thằng này, có khi cái thời "bây giờ" đã từ rất lâu rồi. Nó nhận ra mình cứ mải nhìn chăm chăm vào vật gì đó rỉ sét ở ngay cạnh, nhưng nó chẳng dám nhặt lên. Không phải vì nó sợ bẩn, không, chắc chắn không phải là nỗi sợ của những người sạch sẽ và những kẻ chẳng bao giờ phải làm gì. Ở nhà nó là đứa làm mọi việc, từ nấu ăn đến dọn dẹp, nó làm đủ. Mà cũng chẳng phải vì nó phải làm, đương nhiên, đó là nghĩa vụ, nhưng thật sự nó nghĩ rằng mình chỉ giỏi mỗi thứ đó. Đứa em gái ngoan ngoãn chẳng mấy khi ở nhà để giúp đỡ, nó còn quá mải tạo kết nối với những người bạn mới. Bởi vậy con bé xuất sắc trong việc khiến cho người khác tin rằng mình thật lễ phép. Cuộc sống của con bé ấy chỉ gói gọn trong hai việc: Nằm nhà hoặc ra ngoài kết bạn. Nó, một đứa thích làm quen với người khác, thực chất không hề có ý định quan tâm đến người khác, những lúc thao thức một mình thì con bé lo cho bản thân nhiều hơn cả. Ở vị trí một người anh, thằng nhóc tin rằng nó hiểu rõ con bé từ trong ra ngoài. Khi ngắm em mình, đầu nó lẩn quẩn duy nhất một suy nghĩ: Con bé thật đáng thèm muốn. Đã ai không thèm muốn được ở gần con bé chưa? Chỉ đôi lúm đồng tiền hai bên má mỗi khi cười của nó đủ đánh bật mọi vẻ đẹp mỹ miều rồi. Tại sao con bé có thể xinh đến vậy khi mà nhân cách của nó lại tồi tàn đến vậy? Tại sao có mỗi thằng này nhận ra được cái bản chất thật sự của một đứa con gái mà ai cũng dám khẳng định rằng thật dịu dàng và tích cực đến vậy? Tại sao mọi người quá coi trọng cái vẻ ngoài êm đềm của những hành động ân cần nửa vời và lớp trang điểm mịn màng đến thế? Nền đất ẩm, đám cỏ quanh nó đã héo úa, phủ đầy mặt đất như một lớp tro xám. Con sông lặng lẽ, dù gió đang quật rin rít vào những thân cỏ cao lêu nghêu. Bên kia bờ, thằng bé thấy cả một rừng cây cùng đung đưa đón nhịp với cơn gió. Hình ảnh đứa em gái vừa nãy đứng giữa mặt sông bị cuốn đi theo gió. Ấy vậy mà bàn chân trần của thằng bé chẳng cảm thấy gì, chẳng có một chút run run vì lạnh hay nhồn nhột khi gió lùa qua kẽ chân. Có lẽ thứ duy nhất có thể làm nó rung động là nỗi căm ghét thật phức tạp cho em gái mình, thứ đã nảy mầm từ lúc nó nhận ra rằng ngoại hình của mình sẽ chẳng bao giờ được khá khẩm như thế. Mà một đứa đã lầm lì như nó, đứa chỉ biết sống trong thế giới nhỏ bé của riêng mình, lại không có nổi cả vẻ bề ngoài nữa thì quả thật là một nỗi ghê tởm. Nhưng rồi nó lại nghĩ, những kẻ sống giữa bao kẻ khác thực chất đã đem đi khoe tất cả những gì thú vị nhất của mình còn đâu, chỉ còn đọng lại ở tâm hồn một sự trống rỗng đến là vô vị. Nó chưa bao giờ thừa nhận rằng mình ghen tị, đó mãi là nỗi khó chịu ẩn sâu bên dưới, nó cũng muốn được như thế. Nó khao khát cái cảm giác ấy, khi nhìn vào mắt người khác và thấy họ nhìn thẳng lại mình, nhận ra trong đôi mắt họ tràn ngập sự thèm muốn. Mỗi khi ở bên con bé nó đều để ý ánh nhìn lồ lộ ấy của bất kì thằng nào. Con bé chỉ nên thuộc về nó. Không thể để thả rông cho một đứa lả lơi như thế được. Làm sao biến nó thành thứ vật sở hữu của riêng mình? Nhưng thằng anh biết thừa, việc gắn bó với một ai thật sự là điều viển vông cho con bé đó. Và nó căm ghét tất cả những kẻ khác. Tất cả những kẻ đang sống trên thế gian này. Nó ghét cay ghét đắng những đứa sẵn sàng đánh đổi tất cả vì hình tượng, cả những đứa ngu ngốc đến nỗi bị cái vẻ ngây thơ ấy đánh lừa. Tất cả cũng chỉ chia ra làm hai loại như vậy. Nó ghét cả hai. Nó biết mình là loại nào. Nó không nhầm, cái vật dài dài dẹt dẹt đó đang ở ngay bên cạnh, giữa đám cỏ. Những tưởng rằng ở nơi hoang vắng này, chẳng thể có một thứ gì gợi nhắc đến hay thuộc về con người được. Thằng bé cũng chẳng muốn động vào con dao đó. Mọi chi tiết trên con dao rỉ sét ấy đều đã chẳng còn nhận ra nổi nữa. Nó đã mất đi lịch sử của chính mình và hoàn toàn bị lãng quên. Chẳng ai muốn động đến một mảnh sắt đã han gỉ. Đám cỏ mọc che đi hoàn toàn con dao làm mắt người muốn tìm được phải vô cùng khó khăn. Có lẽ sự giả tạo được hình thành ngay từ khi còn bé, từ khi đứa trẻ còn được nuôi dạy bởi cha mẹ. Chúng học tập theo hệt cái thói của những bậc sinh thành. Và dù thời gian có trôi đi bao nhiêu cũng sẽ không thể thay đổi nổi những kẻ sống lối sống ấy. Dù cho có ảnh hưởng bởi bao nhiêu những hành động chân thành, những con người chân thật, những kiệt tác văn chương nghệ thuật cố gắng khắc họa cái hiện thực điêu tàn của lối sống ấy, vẫn chẳng có nổi một điều nhỏ nhặt được cải thiện. Hay có lẽ, lối sống ấy là cần thiết trong xã hội này? Có lẽ chính cái xã hội đầy hoa lệ đã tạo nên những kẻ giả tạo và cơ hội. Cha truyền con nối, từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Xã hội cần những người như vậy. Những đứa trẻ đã quen sống một cuộc sống đầy lừa lọc lớn lên sẽ tìm được cho mình sự tôn trọng cần thiết thôi. Giữa mạch suy nghĩ, thằng bé điểm lại một lượt vài gương mặt thân quen nó còn nhớ và những sự kiện gắn liền với những gương mặt ấy. Trời mưa tầm tã vào lần đầu tiên thằng bé ra bãi sông. "Một ngày thật đẹp", em nó nói vậy. Con bé vừa ngâm nga vừa cất trái tim nhựa đỏ vào cặp. Trong cái se lạnh, hai đứa phóng vội, chân tê cứng. Tại ngã ba đường chúng tách ra mỗi đứa một hướng, nhưng thằng bé không thực sự bước theo hướng nó cần đến. Nó hớt hải chạy theo đứa em dưới mưa. Lẽ ra nó phải ở trường, cả con em cũng thế. Nhưng hôm nay là một ngày trọng đại, một ngày không như bao ngày khác. Ngẫm nghĩ một lúc, nó cũng phải công nhận hôm nay là một ngày đẹp. Những chấm nhỏ bắt đầu xuất hiện. Lớn dần. Một lúc đã rõ đường nét những bóng người. Một tụm. Chúng đang lại gần chỗ nó trốn. Vẫn kỹ. Không tài nào chúng phát hiện ra trong màn mưa bụi được. Càng tốt. Như vậy sự bất ngờ xuất hiện của thằng bé, dù có chậm rãi, và đầy kìm nén, vẫn sẽ tạo nên một ấn tượng sâu đậm. "Chết chắc. Sẽ chết chắc", nó tự nhẩm đi nhẩm lại. Kia rồi. Con em khoác dưới vai thằng cao thứ hai, đứa có những quặn tóc làm xoăn bằng kẹp. Thằng bé biết rằng chúng đang tìm đến khách sạn Mùa Xuân. Em nó nhìn hớn hở, dù mặt đã bị che đi phần nào bởi cái ô đứa mập đi sau đang cầm. Thằng mập bước loạng choạng, cặp kính mờ nước mưa. Con bé thì líu lo. Vẫn cái điệu bộ đầy vẻ ngây thơ. Nhưng nó biết rõ sớm muộn gì điệu bộ ấy sẽ phải chấm dứt. Những lần bố mẹ trừng phạt khi mới lên mười, những lần ăn đánh lúc lên mười ba. Khó mà nói liệu đứa em gái dịu dàng, nụ cười duyên dáng trên khóe môi, hay thằng anh mặc đồng phục và đi tất chân đáng tin hơn được. Thằng bé nhớ nụ cười. Khi lũ con gái đang vây kín, nụ cười xa xăm của em nó là thứ đọng lại duy nhất trong tâm trí. Nụ cười ấy hiện lên vẻ thỏa mãn, lại tràn ngập sự khinh bỉ, nhưng khi càng cố gắng mường tượng, thằng bé chỉ càng cảm nhận rõ sự thờ ơ. Em nó tiến lại gần, đẩy đám ồn ào xung quanh dạt ra hai bên. "Để yên đi. Nó có hơn gì đâu mà đứa nào cũng làm ầm lên thế.." Con bé nói dài. Nó nói về sai lầm và sự tha thứ. Nó nói về điều chính nghĩa, trí tuệ và đạo đức. Lời nó nói làm lũ xung quanh lặng im, giọng điệu của nó khiến đến cả đứa nóng tính nhất trong số con gái cũng phải dừng lại lắng nghe. Vài đoạn thằng nhóc vẫn còn nhớ được, ".. mình phải biết xem xét tình huống. Nó làm bậy, nhưng mà dù sao là bản năng. Ai mà chả mắc sai lầm. Nếu có gì, thì chỉ vì mọi thằng đều thế thôi. Có đứa thế này đứa thế kia, chúng nó biết kiềm chế. Còn thằng này tao hiểu quá rồi.." Đôi mắt nheo lại của thằng bé thấy rõ lũ kia đã vào bên trong. Mưa vẫn chưa dứt, cái rét buốt của những giọt nước mưa táp vào người. Phải nhờ cơn phấn khích đầy ấm áp trong lòng mà nó mới chợt chạy vào khách sạn nơi có đứa em và bọn bè lũ. Lũ đấy đánh cho nó một trận đau điếng vào một ngày gió lạnh. Chúng đấm vào đầu, vào ngực, nhưng chúng thích động vào phía dưới thắt lưng hơn cả. Thằng bé chỉ nằm yên. Nó chẳng kháng cự nữa, dường như nó đang mải nghĩ về một điều gì khác, một điều gì đó làm cho nét mặt nó dãn ra. Một cái thở phào nhẹ nhõm theo sau bởi một cái sặc. Tay nó vẫn nắm chặt khuy quần. Bọn kia hẳn đã luận rằng "để loại bỏ mọi suy nghĩ đồi bại thì chỉ cần loại bỏ những bộ phận trên cơ thể dẫn đến đám suy nghĩ ấy". Vậy nên ngay sau khi cho thằng này vài đòn bất ngờ, chúng bắt đầu tụt quần nó. Thằng tóc búi rút ra một con dao gấp, gào ầm "bố chơi cả cụ nhà mày", nó hăng máu nhất. Khi xem tấm hình đứa người yêu, còn sướng mắt hơn cả chính tay nó chụp, và gây nên sự thèm thuồng hơn cả khi nó trực tiếp nhìn vào tấm thân trắng bóc, mà ai cũng biết rằng con kia thật ra chẳng thon gọn bằng nửa nếu so với trong những bức hình thằng này giữ, đầu óc nó nảy ra đủ mọi suy nghĩ mà nó muốn làm với đứa chụp. Ba đứa còn lại vẫn luôn góp phần vào những việc hệ trọng của lớp, vả lại, bạn gái chúng lải nhải đến phát chán về thằng đang nằm ngay kia. Nhưng tuyệt nhiên không thấy đứa cầm đầu, có lẽ còn mải đi với con em gái; và cũng không thấy thằng mập. Dù sao chúng chẳng cần nhiều hơn vài nhát dao và mấy cú đạp. Một đứa định trấn luôn cái quần, tuy đã sớm bị ngăn lại, nó tiếc nuối bỏ đi, thề rằng sẽ có dịp khác, bởi nó làm giàu bằng cách bán lẻ ống quần. May mà thằng bé biết khâu lại khuy, cái gấu cũng tuột hết chỉ, nhưng xắn lên theo nếp là xong. Thực tế mà nói, chiếc khuy được khâu lại cẩn thận đến mức thằng bé nhất quyết phải mặc nó vào ngày trọng đại ấy. Nó nghênh ngang đi mà chẳng ai quan tâm. Hoặc, có lẽ cũng có vài vị khách nhìn thấy bộ đồng phục sũng nước mưa, thế mà chẳng ai để ý đến tí khuy cúc nào. Cũng chẳng ai biết nó bị làm sao nữa, dáng đi của nó chẳng giống bất kỳ học sinh bình thường nào họ từng biết. Rồi người ta mặc kệ, vì ở nơi gọi là "khách sạn" này thì hạng như ấy chẳng liên quan đến ai. Họ để yên cho nó trèo lên từng bậc thang nặng nề. Thằng bé đợi. Tiếng chuông quen thuộc do đứa bạn trai chọn, làm cho nó băn khoăn liệu em gái nó cũng có phải một lựa chọn khôn ngoan khác của thằng kia không. Đương nhiên ở thời đại nó sống thì ai mà chả mắc lừa. Gì thì gì, con bé thích giai điệu đó lắm. Trong lúc chẳng có gì làm, nó vu vơ rằng "sự lãng mạn của thằng người yêu tao được thể hiện qua trái tim nó tặng và bài hát nó chọn cho tao", thế là chuông điện thoại của con em gắn chặt với bài nhạc ấy. Kể ra cũng tiện vì nhờ vậy mà thằng bé biết em nó đang ở phòng nào. Trong phút chốc, nó đã đứng trước một cánh cửa với lớp sơn đỏ dâu. Rồi nó nhận ra rằng hình như mình chưa sẵn sàng, hình như nó mới chỉ là thằng học sinh non nớt. Đã bao giờ nó chuẩn bị, mọi thứ cứ xảy đến thôi. Thằng học sinh đơ mặt nhìn xung quanh. Những tiếng ồn ào bàn tán nổi lên khắp phòng về một nhân vật nào đó làm nó ngạc nhiên. Nó chưa bao giờ nổi được như thế, không, kể cả khi thảo luận về những trường hợp nơi nó bất ngờ trở nên thanh danh xuất chúng trong trường cũng không. Vậy mà ngay giờ đây, trong chính căn phòng học nhỏ hẹp này, lũ con gái đang bàn tán về một cái tên, tên thằng bé, và truyền tay nhau điện thoại của mình, vẻ điên tiết. Sao chúng nó có thể bắt chuyện dễ dàng thế được, trước đây chúng còn ghét nhau âm ỉ cơ mà. Cứ như thể bọn chúng từ bao giờ đều trở thành bạn bè thực thụ, và cả lũ con trai nữa, và bỏ rơi thằng bé lại vậy. Đâu phải là nó không có bạn, nếu không nhiều thì cũng là một đứa thật thân. Thằng bé nhận rằng hai đứa giống nhau như hai hình nhân giấy cắt ra từ một cặp kéo vậy. Một đứa thì cần mẫn, đứa còn lại thì mọt sách; một đứa méo mó, đứa còn lại kinh tởm; một đứa thì điếc đứa kia thì mù. Như thể hai chúng nó sinh ra là để dựa vào nhau. Dù mới chỉ quen trong thời gian ngắn nhưng chúng đã trở nên vô cùng gắn bó, phần bởi chúng chẳng có ai để chuyện trò cùng nữa. Những chủ đề chúng nói gồm bất cứ gì hai thằng con trai sẽ nói với nhau, thân thể, tóc tai, ham muốn, tiếng tăm không phải của chúng. Hơn hết là sự chia sẻ với nhau mối căm phẫn bất kỳ ai xa lánh chúng nó, nếu vậy là cả thế giới, nhưng ngẫm nghĩ thật sâu, thằng bé biết rằng cả hai đều thèm ước được nhập vào những hội đó. Khổ nỗi thằng bé không thể đóng giả một ai khác ngoài chính bản thân mình, và nó tin thằng kia cũng vậy. Trừ khi, một trong hai đứa phải thay đổi, phải biết khen và thể hiện lòng biết ơn đến cộng đồng, phải biết sống như những con gió, hoặc cả hai cùng phải thay đổi. Nói phổ thông hơn là phải biết kỳ công xây dựng hình tượng. Những kẻ có hình tượng bề ngoài giống nhau cứ tự nhiên mà ở gần. Thế giới ném chúng vào với nhau, chẳng quan tâm gì đến cảm xúc của ai. Bọn trong lớp bắt đầu gán ghép, gọi bọn nó là một cặp. Thật hơn cả một sự sỉ nhục. Dù có cắt sạch những bộ phận cơ thể dẫn đến những suy nghĩ điển hình mạnh mẽ thì nó cũng sẽ chẳng bao giờ làm chuyện gì với một bị thịt. Tình bạn chỉ là một giai đoạn thôi. Vài ngày trước khi tin đồn nổi lên, hai chúng nó đã chia tay, không phải như một cặp mà như một đôi, vì dường như cả hai đều muốn thay đổi. Thằng bé nổi tiếng nhanh chóng, khó mà ngờ được. Mọi thành viên trong lớp đều biết về tấm ảnh và nét chữ ký nắn nót, đặc trưng của nó. Những ánh nhìn đẩy đến chỗ nó hàng ngày. Những tin đồn đến sau, sớm muộn rồi cả những lời bàn tán nữa. "Quần lót ấy à?", lũ trong lớp hỏi nhau, "Nó đang có ảnh bao nhiêu đứa?". Đương nhiên, chẳng thể khẳng định rõ người trong ảnh là ai khi nhìn vào tấm lưng, nhưng những đường nét đã kể thay rồi. Con bé đó lặng im. Cả đứa chụp cũng vậy. Nhưng lớp ấy thì sẽ có một chủ đề xã hội để nói chuyện ra trò. Chúng lớn tiếng bàn tán, chúng tạo những nhóm nhỏ hơn để trao đổi, chúng cùng nhau bĩu môi và tưởng tượng ra những điều kinh khủng. Chúng nói về nó trước mặt nó và cả khi không có nó, còn thằng bé thì chẳng nói với ai. Có lẽ chỉ thằng bạn mà nó vừa chia tay mới có thể biết những điều giấu kín, những sự thật, chứ đâu phải thứ bịa đặt bọn trong lớp nói đến. Nhưng nó cũng chẳng cần lắm, thằng bé muốn xem sự việc sẽ tiến triển như nào, rồi tự nó sẽ tìm cách. Một đứa thực tế. Câu chuyện dần lan rộng "lớp tao có một thằng bệnh, nó đi ăn cắp đồ lót của lũ con gái, tiện thể thịt luôn con đấy.." Và khi bọn con gái bắt đầu sử dụng những từ ngữ tồi tệ nhất để chỉ vào nó, thằng bé quyết rằng phải tìm ra cho bằng được nguồn cơn nỗi bất hạnh của mình. Chẳng thế mà nó lao vào phòng hùng hổ như vừa bắt được cảnh gian dâm không bằng. Khi nhìn thấy thằng bé, lũ kia khựng lại. Nửa thân trên của chúng đã được lột sạch. Thằng đứng ngoài cùng loạng choạng ngã, may mà nó được cái ghế đẩu đỡ lấy cặp mông phẳng lì. Cũng bởi lý do ấy mà nó quyết kinh doanh những miếng silicone đệm cơ thể, nó quan tâm vô cùng đến những nỗi lo cấp thiết của giới trẻ. Chung lý tưởng là thằng ở cạnh, bị bá vai kéo ngã cùng ra sau, nhưng thằng này không được may mắn như vậy khi đầu va vào cạnh bức tranh đồng hình lẵng hoa, làm cho lẵng hoa rớt thẳng vào mũi. Đứa ngồi ngay ngắn trên ghế cúi xuống nhìn thằng bạn đã nằm im, rồi lại ngẩng lên nhìn thằng cầm đầu. Mái tóc xoăn của thằng cầm đầu rung rinh trong căn phòng kín gió. Nó đưa mắt xuống con bé với hai lúm đồng tiền bên má, cái đưa mắt xém lãng mạn như khi cởi áo cho nhau, chỉ để nhận lại một ánh nhìn hồ nghi. Rồi nó lại đưa mắt cho đàn em của mình ở phía còn lại, thằng kia đơ ra như phỗng. Cuối cùng, để giữ cái thế thượng phong của mình, nó đành vuốt ngược mái tóc ra sau cho phồng rồi khe khẽ gửi cho thằng học sinh ở đối diện một ánh nhìn can đảm. Nếu ở đó có lẽ ai cũng sẽ hiểu tại sao chúng khiếp hãi đến vậy. Một vụ trả thù! Chẳng đùa! Khi đã ngắm nghía đủ vẻ điển trai của thằng mà em nó đang hẹn hò, thằng bé từ từ rạch đứt từng sợi chỉ, và cái cúc lại một lần nữa lọt thỏm vào tay nó. Cái quần tụt xuống, để lộ ra củ cà rốt vắt vẻo đầy thư thái, hình như thằng bé đang lắc hông để củ cà rốt ấy có thể đung đưa mạnh hơn. Hoặc có thể nó chỉ thả mình theo tiếng nhạc ở đâu đó, giai điệu thật mùi mẫn "Em sẽ thủy chung cùng cha thằng bé/ Em sẽ nhờ anh xây hộ lâu đài.." Giữa lúc bọn kia còn đang đứng yên, nó chạy đến ôm chầm lấy thằng béo. Da thịt chạm vào da thịt, nó chẳng tìm thấy nổi nút rốn đâu trên trái đồi hồng nhún nhảy nữa. Chỉ thoáng chốc, cái thân hình kềnh càng đổ gục xuống, khuôn mặt đeo kính còn đọng lại chút hơi người. Thằng học sinh, dường như đang muốn chơi đùa, lướt nhẹ về hướng em gái mình, rồi lại chọc cái vật bóng loáng vừa nãy còn ngập trong người thằng béo vào giữa hai quả bưởi con bé. Đã có lúc nó muốn đổi củ cà rốt của mình lấy cặp bưởi căng tròn ấy. Những tia dịch lỏng tóe ra từ trái tim nhựa đỏ lòm trên ngực con em, những tia dịch thơm mùi nước hoa. Tay vẫn nắm chắc cán dao, thằng bé chợt nghĩ về lúc còn chưa phải đi học. Hai đứa trẻ vô tư, chúng chạy nối đuôi nhau trên bãi cỏ mênh mông. Tiếng cười ngây thơ của chúng tràn ngập không gian. Em nó luôn chạy chậm hơn hẳn, và chẳng bao giờ với đủ tới để bịt được mắt thằng anh, nhưng con bé vẫn cứ đuổi theo sau. Tưởng như sắp hết hơi đến nơi, con bé bị thằng anh bế phốc lên. Nó quậy chân thật mạnh để thoát ra nhưng miệng vẫn khúc khích cười. Hương cỏ thơm. Rồi nó lại được đặt xuống, tiếng cỏ lạo xạo lại tiếp nối. Thằng học sinh lấy hết sức bình sinh để chạy, mấy lần nó suýt khuỵu ngã, nhưng nó vẫn chạy. Nó muốn trốn khỏi đứa em, khỏi lũ bạn, khỏi tất cả mọi người trên thế gian. Bờ sông, với sự tĩnh lặng đến khó tả, mời gọi thằng bé. Đến đây, nó nhận thấy sự vô cảm của mình thật phù hợp với cảnh vật đơn điệu dưới bầu trời xám xịt. Có lẽ đây là nơi nó thuộc về. Con dao nhuốm đỏ rơi xuống thảm cỏ ướt đẫm. Nó bước ra thật xa. Không ai còn thấy hình bóng đứa học sinh nữa sau khi nó biến mất dưới dòng nước đen cuộn xoáy. Hết