Tâm trạng của bà cụ Tứ trong đoạn trích Bà lão cúi đầu nín lặng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi tructam2301, 26 Tháng sáu 2023.

  1. tructam2301

    Bài viết:
    9
    Đâu là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, đâu là thanh nam châm thu hút mọi thời đại? Đó chẳng phải là văn học hay sao? Văn học vẫn luôn sống một cuộc đời cao đẹp gắn liền với cuộc sống của con người, kết tinh những giọt ngọc của thời đại. Và nhà văn như những thợ lặn lành nghề lặn sâu vào đáy đại dương của văn chương để kiếm tìm những hạt ngọc ẩn dấu trong tâm hồn. Tất cả những giá trị đó đã thăng hoa cùng ngòi bút của nhà văn Kim Lân làm nên truyện ngắn "Vợ nhặt" vô cùng độc đáo. Tác phẩm là bức tranh miêu tả nạn đói, vừa là bài ca ca ngợi vẻ đẹp của con người Việt Nam ngay trên bờ vực của cái chết thông qua nhân vật bà cụ Tứ. Trong đó tiêu biểu là đoan trích "Bà lão cúi đầu nín lặng.." đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc

    Chẳng phải ngẫu nhiên mà Kim Lân được xem là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc của nền văn học học đại Việt Nam. Nhắc đến ông là ta nhắc đến người con đẻ của đồng ruộng, một lòng đi về với đất, với thuần hậu nguyên thủy của con người (Nguyên Hồng). Những trang viết của ông đâu đâu cũng là đất, là nếp sống, là hương vị của làng quê Việt Nam phả vào một cách dung dị. Nhà văn thường gửi gắm ngòi bút của mình vào mình đất cuộc sống và con người vùng đồng bằng Bắc Bộ nghèo khổ, vất vả. Và truyện ngắn "Vợ nhặt" chính là trái ngọt quả to lớn mà Kim Lân thu hoạch được sau vụ thâm canh trên mảnh đất ấy.. Tiền thân của truyện là tiểu thuyết "Xóm ngụ cư" nhưng do chiến tranh dang dở, tác giả bị mất bản thảo. Đến tận năm 1954, hòa bình lập lại Kim Lân đã dựa vào cốt truyện cũ để viết truyện ngắn "Vợ nhặt", in trong tập "Con chó xấu xí" (1962). Vì thế tác phẩm không chỉ là kết quả của quá trình suy ngẫm, gọt giũa cả về nội dung lẫn hình thức mà còn mang âm hưởng lạc quan của thời đại mới.

    Lấy cảm hứng từ nạn đói năm 1945 - cái năm mà thần chết đem theo cái đói gõ cửa từng nhà, len lỏi vào từng ngõ ngách tạo nên một khung cảnh thê lương ảm đạm, Kim Lân đã phát hiện ra vẻ đẹp kì diệu của con người lao động trong sự túng đói quay quắt. Chính vì thế mà hình tượng nhân vật cụ Tứ được ông xây dựng như để "tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy cho một tác phẩm". Hình tượng bà cụ Tứ hiện lên chỉ thông qua bài chi tiết chọn lọc như dáng đi lọng khọng, đôi mắt kèm nhèm và tiếng ho húng hắng cùng hoàn cảnh nghèo nàn xơ xác với hình ảnh căn nhà mọc lỏm nhổm những búi cỏ, liêu xiêu trước mưa gió. Người đọc đủ hình dung về số phận của một người mẹ ngụ cư khổ khốn khổ mất đi chồng cùng đứa con gái trong nạn đói khủng khiếp. Kim Lân đã khéo léo đan xen tình huống Tràng - con trai bà nhặt được vợ, để đi sâu vào miêu tả tâm lí bà mẹ già, bộc lộ những nét đẹp tâm hồn đáng trân trọng nơi bà. Đoạn trích trên thuộc phần giữa truyện, diễn tả tâm trạng của cụ Tứ khi anh cu Tràng dẫn người vợ nhặt về và khi bà nói chuyện với nàng dâu mới.

    Trước hạnh phúc của con trai, lòng bà ngổn ngang nhiều tâm trạng, vừa vui vừa buồn vừa thương vừa tủi. Khi nghe lời giải thích đồng thời cũng là lời giới thiệu ngắn gọn đầy ý nhị của Tràng: "Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ!", bà chỉ "cúi đầu nín lặng". Kim Lân không diễn tả thêm những câu văn trong thâm tâm của nhân vật hay những động thái tâm lí phức tạp khác mà chỉ bằng một câu văn ngắn ấy thôi nhưng cũng đủ để lột tả bao nỗi chua xót, chạnh lòng trước việc con trai nhặt vợ. Đằng sau sự cúi đầu ấy là sự đầu hàng trước số phận, là sự tủi nhục của một người mẹ không làm tròn trách nhiệm với con. Sự im lặng chứa đầy nội tâm ấy là sự hòa trộn của biết bao âm thanh đang giằng xé trong lòng bà lão đáng thương. Bà mẹ nghèo như đã "hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp của đứa con mình". Bởi bà đã tiếp nhận hạnh phúc của con bằng kinh nghiệm của một cuộc đời đã trải qua bao gió sương, bằng ý thức sâu sắc trước hoàn cảnh, khắc hẳn với anh con trai đón lấy hạnh phúc bằng một nhu cầu, bằng ước mơ tinh thần phơi phới. Hơn ai hết, bà hiểu rõ con mình vốn không phải một người xuất chúng, kì tài, lại giữa nạn đói mòn mỏi như cơn lũ ác liệt đang từng ngày từng giờ cuốn trôi bao sinh mạng thoi thóp ngoài kia. Vì lẽ đó mà bà không tài nào giấu nổi sự ngỡ ngàng, xót đắng đang dâng tràn lên trong tim: "Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà đang ăn nên làm nổi, những mong sinh đẻ con cái mở mặt sau này. Còn mình thì..". Từ "Chao ôi" được đặt ở đầu câu như một lời than vãn, nhà văn đã bỏ lửng suy nghĩ của bà bằng dấu ba chấm. Sau dấu ba chấm ấy dường như là bao nỗi uất nghẹn, bao tâm sự của một người mẹ "lực bất tòng tâm." Bà không đau lòng sao cho được khi từ xưa đến nay, cưới hỏi là việc hệ trọng của cả cuộc đời, cả đời người chỉ có một lần mà con bà phải đi nhặt vợ như nhặt một cọng rơm cọng rác ngoài đường. Có lẽ chính cái đói, cái nghèo đã bóp nghẹn đi cái gọi là trách nhiệm của một người mẹ, bao nhiêu sự đau đớn tủi hổ đổ dồn lên dấu ba chấm, thể hiện bao nỗi lòng của một người mẹ "có tâm nhưng không đủ lực". Tấm lòng của người mẹ ấy ta cũng từng bắt gặp ở nhân vật người đàn bà hàng chài trong tác phẩm "chiếc thuyền ngoài xa" của nhà văn Nguyễn Minh Châu khi bà phải xin chồng đưa mình lên bờ đánh để con bà không phải chứng kiến cảnh gia đình bạo lực.

    Nỗi lòng của người mẹ nặng trĩu lo âu khi cái nghèo dồn dập và tình thương người thì vẫn còn đong đầy: "Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt." Đây là những giọt nước mắt cố kìm ném, tuy nhiên nó chỉ "rỉ" ra cũng bởi cả cuộc đời bà đã cạn khô nước mắt vì những năm tháng đói khổ. Giọt nước ấy vừa là giọt nước mắt của bao đau khổ lẫn mừng vui cho đứa con. Bà hạnh phúc khi từ nay con trai mình có người nâng khăn sửa túi, có một tổ ấm gia đình riêng. Thế nhưng trong niềm vui ấy bà cũng đau lòng biết bao, bà cụ càng thêm nghẹn ngào khi nghĩ về bổn phận chưa làm tròn cho con trai. Những nghèo túng. Những thiếu thốn. Những khắc khổ, lo toan giữa cuộc đời xoay vần ngoài kia đã vắt kiệt sức của bà. Người mẹ đáng thương của Tràng đã tự trách mình vì không thể lo cho con một cuộc sống trọn vẹn, một đám cưới tươm tất, chỉn chu có mâm cao cỗ đầy giúp con ngẩng đầu và nắm lấy hạnh phúc. Bà khóc vì thương con, khóc vì số phận bạc bẽo của con trai mình. Phải rất tinh tế Kim Lân mới bắt được khoảnh khắc tâm lý tưởng như rất tĩnh nhưng thực chất lại đầy phức tạp, ẩn khúc này của bà cụ. Tác giả như một nhà quay phim tài ba khi lia ống kính của mình chớp lấy những giọt nước mắt đau khổ ấy. Đó là những thước phim cận cảnh, làm hiện lên đôi mắt hằn vết chân chim gió sương, mưa nắng của một người mẹ, giọt nước mắt chảy ra từ kẽ mắt nứt nẻ theo thời gian.

    Sau phút cúi đầu nín lặng với nhiều cảm xúc trái chiều, bà cụ đã trở về với thực tại, nhìn vào thực tế đói khổ nghiệt ngã để trong lòng trào lên sự lo lắng, thương xót cho hai đứa con khi nhìn về tương lai: "Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau qua được cơn đói khát này không". Trong câu hỏi chất chứa nỗi hoang mang, ám ảnh của kiếp bần hàn, không lối thoát và sự rình rập trước ngõ của cơn ác mộng về cái đói chưa bao giờ dữ dội như thế. Đồng thời, ngay từ trong thâm tâm của bà lão, với hai tiếng "chúng nó", ta hiểu rằng bà đã chấp thuận người con dâu mới. Rồi nỗi lo xa cho tương lai lại bủa vây tâm trí người đàn bà: "Chẳng may ra ông trời bắt chết cũng phải chịu chứ biết làm thế nào mà lo cho hết được." Quả không lẫn đi đâu được cách nói, cách nghĩ vừa lẩn thẩn vừa hồn hậu của người mẹ già nông thôn.

    Và rất tự nhiên từ tình thương, từ sự lo lắng dành cho đứa con trai, bà cụ chuyển sang nhìn người con dâu cũng bằng ánh mắt đầy xót xa, thương cảm. Tràng không hề đề cập đến việc nhặt vợ ở đầu đường xó chợ qua loa và chóng vánh như nào nhưng bằng kinh nghiệm sống của một người đã đi gần hết cuộc đời, bà cụ hoàn toàn hiểu được sự thật trần trụi, đắng chát của cuộc hôn nhân đó, bà cụ đã nhìn thị một cách đầy bao dung và cảm thông: "Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà đang cúi mặt". Tiếng thở không phải là lời trách mắng hay khinh bỉ người con dâu mà là những cảm xúc chất chứa trong lòng không thể nói ra. Từ "tà áo rách bợt", cụ Tứ hiểu rõ thị cũng chỉ là nạn nhân của tội nghiệp của nạn đói ác liệt ngoài kia. Bà như tự bào chữa cho chính đứa con dâu mới: "Người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được." Bà cụ Tứ không hề xem nhẹ thị vì hoàn cảnh trớ trêu của chị, không tỏ ra xa cách hay dùng uy quyền của một người mẹ chồng để thị uy, trái lại bà cụ đã dành tấm lòng thương xót cho chị nhiều hơn. Bà xót thương cho thân phận người đàn bà vì cái đói cái nghèo mà trở nên tiều tụy, rẻ mạt, phải chịu thiệt thòi đủ đường khi theo Tràng tìm về một tổ ấm. Ngoài ra chi tiết này cho thấy, nhân vật bà cụ Tứ hiện lên không chỉ là hình ảnh của tình mẫu tử thiêng liêng cao cả mà còn là biểu hiện của tình người ấm áp, bao dung. Bằng sự nhân hậu vị tha, bà sẵn sàng mở rộng lòng và dang đôi bàn tay để cưu mang, che chở, nâng đỡ những kiếp người khốn khổ hơn mình. Đó cũng chính là nét đẹp trong phẩm chất của người mẹ Việt Nam nói riêng và của những người "áo rách nhưng lòng vàng" nói chung.

    Và một điều đáng lưu ý và cũng đáng trân trọng ở bà cụ Tứ là dù có xót xa đau đớn và lo lắng nhưng tất cả đều được bà mẹ này giữ kín trong cõi lòng riêng của mình còn những điều bà nói ra đều là sự vui mừng, tốt đẹp. Bà cụ nói với thị: "Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng", câu nói đơn giản nhưng chất chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Nó vừa giúp ba người thoát khỏi tình thế ngượng nghịu, khó xử, vừa là sự chào đón ấm áp, đon hậu với nàng dâu mới. "Phải duyên phải kiếp" chính là cách bà đã công nhận và trân trọng nhân duyên giữa Tràng và thị, bởi lẽ trong số phận hữu hạn của con người, ai tránh khỏi duyên kiếp mình mang, cũng như nếu bỏ lỡ duyên phận, ta sẽ bỏ lỡ cả một hạnh phúc dài. Người mẹ già yếu đã đi hơn nửa cuộc đời, nhìn bao thế sự đa đoan, bà hiểu rằng trong khốn khó có cơ hội, trong mầm mống của sự li biệt lại có hợp duyên, bà "mừng lòng" xoa dịu tất thảy ngổn ngang trong lòng đôi vợ chồng mới. Tuy vậy, đầu óc già nua của bà lão vẫn ngập chìm trong suy nghĩ, lo lắng về tương lai mịt mờ của những đứa con. Thế nhưng để động viên chúng, bà lão cố nén những niềm xót xa trpng lòng mà từ tốn cất tiếng: "Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo ban nhau làm ăn. Rồi may.. ai khó ba đời." Thậm chí bà còn nhắc đến cả những chuyện vui vẻ của mai sau: "Có ra thì con cái chúng mày về sau". Một người đã đi qua biết bao đau khổ của cái đói, hiểu rõ được sự đáng sợ và tàn nhẫn của nó rộng dài đến bao nhiêu, vậy mà chính bà cụ tóc đã điểm hoa râm ấy lại chính là người nhắc đến chuyện của tương lai, chuyện con cái Tràng, nghĩ đến viễn cảnh gia đình đầm ấm mà không mảy may suy nghĩ về cái chết của nạn đói đang cận kề trước mắt, truyền cho những đứa con thêm niềm tin và sức mạnh. Phải chăng hạnh phúc và ấm áp nhất thời đã choáng ngợp tâm trí cụ Tứ, khiến cụ quên nhìn về hiện thực, hay đó chính là niềm mong mỏi tận đáy lòng của bà mẹ - niềm khát khao đẹp đẽ nơi người mẹ Việt Nam?

    Thế nhưng khi trở về với cõi lòng riêng của mình, lòng người mẹ quặn thắt với những đau đớn, xót xa. Có thể nói đây là nét tâm lý rất phức tạp và sâu kín của bà cụ Tứ. Điều đó được thể hiện rõ qua chi tiết: "Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt.. mình". Kim Lân đã thấu suốt vào cái nhìn của bà cụ Tứ để nhận thấy trong đó sắc màu chủ đạo là màu đen đặc của bóng tối. Cái bóng tối ở đây không chỉ là bóng tối của màn đêm mà còn là bóng tối của cái đói nghèo, của cực khổ đã bao trùm lên toàn bộ cuộc đời bà, là bóng tối của sự chết chóc, ám ảnh qua nỗi nhớ về những người thân đã khuất là chồng bà và con gái bà. Bóng tối này đã đè nặng lên ánh nhìn, đè nặng lên tấm lòng của người mẹ nghèo để trong lòng bà dâng lên một nỗi xót xa cho số phận mình nhưng lớn hơn là sự lo lắng cho tương lai của các con.

    "Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung". "Vợ nhặt" của Kim Lân là một tác phẩm như thế khi vừa gửi đến cho độc giả nội dung sáng tạo, mới là vừa là sự độc đáo trong nghệ thuật. Nhà văn đã rất tài tình khi xây dựng một tình huống truyện hết sức éo le, trớ trêu, dở khóc dở cười "Tràng nhặt vợ". Nếu ví cả tác phẩm là một dòng sông thì tình huống ấy là một cái xoáy nước, bởi nó là nút thắt của câu chuyện để bà cụ Tứ bộc lộ cảm xúc và phẩm chất. Ngoài ra, ngôn ngữ mộc mạc giản dị gắn với khẩu ngữ nhưng được chắt lọc kĩ lưỡng, tạo sức gợi đáng kể kết hợp với nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật tinh tế, cách kể linh hoạt, tác giả đã lột tả đầy đủ mọi tâm trạng của người mẹ nghèo trước hạnh phúc của con trai, từ đó làm nổi bật vẻ đẹp khuất lấp bên trong của người mẹ già. Đó cũng chính là tài năng nghệ thuật đặc tài cùng tấm lòng nhân đạo sâu sắc của tác giả.

    Ai đó đã từng nói: "Thời gian hủy hoại những lâu đài, nhưng làm giàu thêm những câu chữ". Một khoảnh khắc ta bất chợt nhận ra thời gian vô tình nhất cũng trở nên dịu dàng trước những dòng thơ câu viết. Năm tháng chảy trôi không khiến cho tác phẩm "VN" của KL rơi vào quên lãng mà rơi vào khoảng trống tâm hồn và động lại trong tâm khảm bạn đọc bao thế hệ, làm lên sức sống muôn đời cho văn chương.
     
    LieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...