Tại sao nói việc thành lập HVNMTN là một sáng tạo của NAQ trong chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng?

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi HTV19, 25 Tháng mười một 2022.

  1. HTV19

    Bài viết:
    5
    Gợi ý:

    - Tại sao không phải là một chính đảng CS mà lại là một hội

    - Tại sao lại chú trọng vai trò của cơ quan ngôn luận

    - Tại sao có phong trào vô sản hóa

    Tháng 2/1925, Nguyễn Ái Quốc lựa chọn những thành viên tiến bộ của Tâm Tâm xã để lập Cộng sản đoàn. Tháng 6/1025, trên cơ sở Cộng sản đoàn, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hội đã đóng góp to lớn cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là một sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn cách mạng Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc trong quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng.

    Thời điểm 1925, tình hình nước ta chưa cho phép sự ra đời ngay lập tức của một đảng cộng sản. Chủ nghĩa xã hội bấy giờ vẫn là một điều mới mẻ với nhân dân Việt Nam. Đại bộ phận quần chúng chưa biết đến và chưa hiểu về chủ nghĩa xã hội. Phong trào công nhân cũng chưa đủ phát triển, giai cấp công nhân chưa được vũ trang lý luận để lãnh đạo cách mạng. Trong khi đó, yêu cầu quyết định đối với một chính đảng là phải có bộ phận đông đảo quần chúng hiểu và ủng hộ lý tưởng mà chính đảng đó theo đuổi. Với một chính đảng vô sản, đảng còn cần sự phát triển tự giác cao độ của phong trào công nhân, giai cấp công nhân đủ trưởng thành để lãnh đạo cách mạng. Do đó nếu thành lập Đảng cộng sản ngay lúc này thì sẽ thiếu cả sự ủng hộ của quần chúng nhân dân và nhân lực cho Đảng. Một chính đảng non yếu và thiếu sự ủng hộ như vậy sẽ rất dễ bị thực dân Pháp đàn áp. Yêu cầu đặt ra là phải truyền bá sâu rộng chủ nghĩa xã hội đến quần chúng, đặc biệt là giai cấp công nhân, để quần chúng dần hiểu và ủng hộ chủ nghĩa xã hội. Đồng thời với đó là phải chọn lựa, đào tạo được một lực lượng cán bộ giỏi lý luận, nắm thực tiễn và trung thành với lý tưởng cộng sản. Trước yêu cầu này, Nguyễn Ái Quốc đã lập nên một tổ chức tiền cộng sản, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, để thực hiện chuẩn bị cho thành lập đảng cộng sản.

    Để thực hiện nhiệm vụ truyền bá chủ nghĩa cộng sản đến với đông đảo quần chúng, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cần một cơ quan tuyên truyền có thể hoạt động hiệu quả. Trong bối cảnh Pháp thực hiện đàn áp, khủng bố nặng nề phong trào cách mạng trong nước, việc thực hiện tuyên truyền công khai rộng rãi đến quần chúng là bất khả thi. Trong bối cảnh đó, báo chí là công cụ tuyên truyền hiệu quả nhất. Các tờ báo nhỏ gọn có thể được cất giấu và vận chuyển bí mật đến các cơ sở Hội trong nước qua nhiều con đường khác nhau. Sau đó, nội dung báo sẽ được chép tay ra thành nhiều bản khác nhau và đưa tới các nhà máy, đồn điền.. Qua đó, quần chúng được bí mật tiếp cận, tiếp thu tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhận thức được điều này, ngay sau khi thành lập Hội, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Báo Thanh niên, đóng vai trò là cơ quan ngôn luận, cây bút tuyên truyền của Hội. Nội dung các số báo viết về thực tiễn cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, lý luận chủ nghĩa xã hội, nhu cầu thành lập chính đảng vô sản.. bằng lời văn ngắn gọn, dễ hiểu giúp dễ dàng tiếp thu đối cho quần chúng lao động, vốn có trình độ văn hóa thấp. Các tờ báo được in trên giấy sáp, khổ 13x19 cm, thường gồm 2 trang. Báo sau đó được đưa theo các đường dây bí mật của Hội về nước và đến cơ sở tại Xiêm. Báo Thanh niên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình. Thông qua Báo Thanh niên, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã truyền bá rộng rãi chủ nghĩa Mác-Lênin đến với quần chúng nhân dân, thu hút và giác ngộ được lượng lớn trí thức tiểu tư sản yêu nước.

    Để thực hiện nhiệm vụ tập hợp, đào tạo và rèn luyện đội ngũ cán bộ, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã chọn lựa những thanh niên, trí thức yêu nước, mở các lớp giảng dạy lý luận chính trị, đào tạo phương pháp hoạt động cách mạng. Một số học viên ưu tú đã được gửi sang Liên Xô học tại Đại học Phương Đông. Cuối năm 1928, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thực hiện chủ trương "vô sản hóa". Các cán bộ của Hội trực tiếp đi vào các đồn điền, nhà máy, hầm mỏ, bến cảng.. cùng lao động, cùng sống với công nhân. Các cán bộ vừa tuyên truyền, nâng cao ý thức chính trị cho công nhân vừa tổ chức và lãnh đạo các cuộc đấu tranh của công nhân. Trong quá trình học tập, học viên chỉ học lý thuyết và được tham quan tình hình cách mạng tại Quảng Châu. Qua thực hiện "vô sản hóa", các cán bộ Hội được trực tiếp thực hành lý luận cách mạng trong thực tiễn. Các cán bộ, vốn được lựa chọn từ trí thức tiểu tư sản, qua quá trình sống và đấu tranh cùng với công nhân đã "vô sản hóa", hiểu được sự lao khổ của quần chúng, thực sự gắn bó với giai cấp công nhân. Trong quá trình sống và đấu tranh đó, các cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã được tôi rèn, trở thành những người chiến sĩ cộng sản trung kiên, xứng đáng là người lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân. Lực lượng cán bộ được đào tạo bài bản về lý luận chính trị và tôi rèn trong thực tiễn cách mạng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên về sau trở thành đội ngũ cán bộ chủ chốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

    Những hoạt động của Hội đã thúc đẩy phong trào công nhân phát triển và khuynh hướng vô sản thắng thế trong phong trào cách mạng Việt Nam. Các tài liệu lý luận giải phóng dân tộc Hội truyền bá vào trong nước đã được đông đảo quần chúng lao động tiếp thu, đặc biệt là giai cấp công nhân và một bộ phận trí thức tiểu tư sản. Giai cấp công nhân được soi sáng con đường cách mạng càng hăng hái đấu tranh. Nhiều trí thức tiểu tư sản đã được soi sáng con đường cách mạng vô sản và tìm về với Hội. Khi Hội thực hiện chủ trương vô sản hóa cuối năm 1928, các cán bộ Hội không chỉ tuyên truyền nâng cao nhận thức chính trị mà còn tổ chức, lãnh đạo công nhân đấu tranh. Giai cấp công nhân được giác ngộ cách mạng sâu sắc đấu tranh ngày càng sôi nổi. Trong 2 năm 1928-1929 đã nổ khoảng 40 cuộc bãi công trên cả nước. Các cuộc đấu tranh không chỉ tăng về lượng mà còn cả về chất, tính tự giác ngày càng cao. Phong trào công nhân dần có sự liên kết rộng rãi giữa các ngành, địa phương.. thành một phong trào thống nhất. Qua đó, phong trào công nhân Việt Nam được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu. Trong phong trào tiểu tư sản, Tân Việt cách mạng đảng, một đảng phái cách mạng của trí thức tiểu tư sản, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Hội đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều thành viên theo về Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Các thành viên còn lại tích cực hoạt động, chờ đợi một chính đảng vô sản ra đời. Sự phát triển của phong trào đến đầu năm 1929 đã khiến Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không còn đủ sức lãnh đạo. Chính điều này đã đặt ra yêu cầu thành lập một chính đảng vô sản đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

    Như vậy, sự thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã giải quyết đầy đủ các yêu cầu cần thiết cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Qua đó, có thể khẳng định chắc chắn thành lập Hội là một quyết định sáng tạo và đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...