Soạn bài tự đánh giá: Tỏ lòng - Phạm Ngũ Lão - Ngữ văn 10, Cánh diều

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 11 Tháng chín 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Tự đánh giá: Tỏ lòng - Phạm Ngũ Lão

    - Ngữ văn 10, Cánh diều -

    Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu ở bên dưới:

    Phiên âm:

    Hoành sóc giang sơn cáp kỉ thu,

    Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu.

    Nam nhi vị liễu công danh trái,

    Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu.

    Dịch nghĩa:

    Cầm ngang ngọn giáo giữ gìn non sông đã mấy thu,

    Ba quân như hổ báo, khí thế hùng dũng nuốt trôi trâu.

    Thân nam nhi mà chưa trả xong nợ công danh,

    Thì luống thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu.

    Dịch thơ:

    Múa giáo non sông trải mấy thu,

    Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.

    Công danh nam tử còn vương nợ,

    Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.

    (Bùi Văn Nguyên dịch)

    [​IMG]

    Câu 1. Cụm từ nào dưới đây thể hiện rõ nghĩa của hai chữ "Thuật hoài"?

    A. Bày tỏ nỗi lòng

    B. Nỗi mong chờ

    C. Niềm ước muốn

    D. Nói về hoài bão


    (Đáp án D: Hoài trong văn cảnh bài thơ có nghĩa là hoài bão, lí tưởng - cả bài thơ đã tập trung thể hiện hoài bão của tác giả)

    Câu 2. Từ ngữ nào trong câu Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu đã không được thể hiện thành công ở bản dịch thơ?

    A. Hoành sóc

    B. Giang sơn

    C. Kháp kỉ thu

    D. Cả A, B, C


    (Đáp án A: "Hoành sóc" nghĩa là cắp ngang ngọn giáo, dịch là "múa giáo" chưa diễn đạt được ý nghĩa của từ. Hành động "múa" không ngang tàng bằng tư thế cắp ngang ngọn giáo sẵn sàng chiến đấu)

    Câu 3. Biện pháp nghệ thuật nào dưới đây được sử dụng trong câu "Tam quân tì hổ khí thôn ngưu" (Ba quân dũng mãnh như hổ báo khí thế nuốt trâu) ?

    A. Nhân hóa

    B. Tương phản

    C. So sánh

    D. Nói giảm – nói tránh


    (Đáp án C: Biện pháp so sánh: Sức mạnh, khí thế của quân đội nhà Trần được so sánh với sức mạnh nuốt trôi trâu)

    Câu 4. Câu nào dưới đây xác định đúng thể loại của bài thơ "Tỏ lòng"

    A. Đây là bài thơ Nôm đường luật tứ tuyệt

    B. Đây là bài thơ Nôm Đường luật thất ngôn xen lục ngôn

    C. Đây là bài thơ Đường luật tứ tuyệt viết bằng chữ Hán

    D. Đây là bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú viết bằng chữ Hán
    .

    (Đáp án C: Đây là bài thơ có 4 câu, mỗi câu 7 tiếng, làm theo luật Đường, viết bằng chữ Hán)

    Câu 5.. Câu nào dưới đây nêu đúng nội dung chính của bài thơ?

    A. Phản ánh lịch sử oanh liệt chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam thời Trần

    B. Ca ngợi những phẩm chất cao đẹp của người Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

    C. Ca ngợi hào khí và sức mạnh của thời Trần.

    D. Thể hiện khí thế làm chủ non sông và khát vọng lập công danh của "trang nam nhi" thời Trần.


    (Đáp án D: Hai câu đầu tô đậm khí thế dũng mãnh của người tráng sĩ, hình ảnh tráng sĩ lồng trong hình ảnh dân tộc. Hai câu cuối thể hiện nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão khi chưa làm tròn trách nhiệm của kẻ làm trai. Nỗi thẹn ấy thôi thúc người trai lập công danh, bảo vệ đất nước).

    Câu 6. Phân tích vẻ đẹp của "trang nam nhi" và hình ảnh quân đội nhà Trần được thể hiện qua hai câu thơ đầu bài thơ Tỏ lòng.

    - Vẻ đẹp của "trang nam nhi" : Người tráng sĩ thời Trần mang tầm vóc, tư thế, hành động lớn lao, kì vĩ: Hoành sóc giang sơn cáp kỉ thu dựng lên hình ảnh con người cầm ngang ngọn giáo mà trấn giữ đất nước. Con người ấy xuất hiện trong tư thế hiên ngang mang tầm vóc vũ trụ: giang san, với hành động phi thường không hề mệt mỏi: kỉ thu .

    - Vẻ đẹp của thời đại: Thời đại Đông A mang khí thế hào hùng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Trong câu Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu hình ảnh ba quân là hình ảnh quân đội nhà Trần - tương trưng cho sức mạnh dân tộc. Hình ảnh so sánh "tì hổ" cùng cách nói phóng đại "khí thôn ngưu" đã khắc họa vẻ đẹp của khí thế xông lên diệt giặc dũng mãnh như sức mạnh của những con vật khỏe nhất có thể nuốt trôi trâu.

    Câu 7. "Nợ công danh" là gì? Em hãy nêu ý nghĩa tích cực của quan niệm này trong thời Trần và đối với tuổi trẻ ngày nay.

    - "Nợ công danh" là món nợ cần phải trả của kẻ làm trai. Kẻ làm trai trong quan niệm Nho giáo phải lập công để lại sự nghiệp, lập danh để lại tiếng thơm. Nếu không làm được điều đó là còn mang nợ công danh. Thực chất, đây chính là quan niệm thể hiện chí làm trai của các trang nam tử xưa. Nợ công danh thôi thúc con người biết sống có lí tưởng, có trách nhiệm với đời, với dân, với nước.

    - Ý nghĩa tích cực của quan niệm này trong thời Trần và đối với tuổi trẻ ngày nay: Quan niệm về chí làm trai, trách nhiệm của kẻ làm trai có tác dụng thôi thúc, khích lệ giới trẻ cũng phải biết sống có ích, tạo dựng công danh sự nghiệp làm giàu cho bản thân, cho quê hương, đất nước.

    Câu 8. Em hiểu thế nào về câu "Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu."?

    - Thẹn vì chưa có được tài năng xuất chúng như Khổng Minh;

    - Thẹn vì chưa lập được nhiều công lao to lớn như Khổng Minh.

    - Thẹn vì chưa có tấm lòng tận trung báo quốc như Khổng Minh.

    Là một tướng quân, công danh có phần hiển hách, so với đời, có lẽ ông không phải cúi đầu hổ thẹn. Thế nhưng ông vẫn tự nhận mình chưa trọn nợ công danh. Trong tâm niệm của ông có lẽ hai chữ công danh kia, có lẽ chí làm trai kia phải trọn vẹn đầy hơn nữa. Không thỏa mãn với những gì mình đạt được là lí do khiến Phạm Ngũ Lão thẹn với Gia Cát Khổng Minh. Tự sánh mình với bậc kì tài trong lịch sử để nhận ra những điều mình chưa làm được, điều đó thể hiện sự dũng cảm, thể hiện nhân cách cao đẹp của con người. Một cái thẹn làm nên một nhân cách cao đẹp.

    Câu 9. Lí tưởng và khát vọng của chủ thể trữ tình đã được thể hiện như thế nào trong hai câu cuối của bài thơ?

    Hai câu cuối thể hiện lí tưởng và khát vọng sống cao đẹp của trang nam nhi thời Trần. Đó là lí tưởng và khát vọng được lập công, làm nên sự nghiệp lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đã là trang nam nhi thì phải có khao khát làm nên sự nghiệp, lưu lại tên tuổi của mình cho hậu thế. Đó là một niềm khao khát chính đáng.

    Câu 10. Hãy viết 1 đoạn văn khoảng 8 đến 10 dòng miêu tả hình ảnh "trang nam nhi" với "hào khí Đông A" (hào khí thời Trần) trong bài thơ Tỏ lòng?

    Trang nam nhi trong bài thơ Tỏ lòng xuất hiện với tư thế oai phong lẫm liệt. Chàng trai ấy hiên ngang cầm ngang ngọn giáo một cách đầy nội lực, đang sẵn sàng để chiến đấu. Hỉnh ảnh của người tráng sĩ lồng lộng giữa đất trời, giữa giang sơn và cây giáo của chàng như đo cả chiều dài đất nước. Chàng không đơn độc, bên cạnh chàng là ba quân nhà Trần khí thế hùng mạnh tưởng chừng có thể nuốt trôi trâu. Hình ảnh chàng dũng sĩ lồng trong hình ảnh ba quân thật đẹp. Mặc dù lập nên bao chiến công hiển hách, nhưng người tráng sĩ ấy vẫn thấy mình còn mang nợ non sông, thấy thẹn với lòng khi nghĩ đến Vũ Hầu Gia Cát Lượng - một nhân vật kiệt xuất có công lớn giúp Lưu Bị thời Tam Quốc khôi phục lại nhà Hán. Điều này đủ biết khát vọng và nhân cách của tác giả cao đẹp biết nhường nào! Phải chăng, chính vì ý thức được món nợ chua trả xong cho dân tộc, và biết thẹn với nhưng nhân vật lấy lừng trong sử sách mà tầm vóc của nhà thơ, của chàng trai thời Trần, của người anh hùng Phạm Ngũ Lão càng trở nên cao đẹp.
     
    LieuDuong, chiqudoll, Dana Lê5 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng chín 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...