Soạn bài: Tự tình 2 - Hồ Xuân Hương - Ngữ văn 10 Cánh diều

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 11 Tháng chín 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Tự tình 2 (Ngữ văn 10 - Cánh diều ) nằm trong chùm thơ Nôm tự tình gồm ba bài của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Cùng với nhiều bài thơ khác, Tự tình 2 là tiếng nói quyết liệt đấu tranh cho quyền được hưởng hạnh phúc của người phụ nữ, thể hiện nỗi thương cảm và khẳng định đề cao vẻ đẹp, khát vọng của họ. Phần soạn bài dưới đây định hướng cho các bạn học sinh những kiến thức cơ bản để tiếp cận tác phẩm.

    [​IMG]

    Soạn bài: Tự tình (bài 2) - Hồ Xuân Hương

    Ngữ văn 10 - Cánh diều

    Câu 1. Hãy xác định bố cục của bài thơ. Tác phẩm là lời tâm sự của ai, về điều gì? Điều ấy có liên quan như thế nào đến nhan đề Tự tình ?

    - Bố cục của bài thơ: 4 phần:

    + Hai câu đề: Tâm trạng cô đơn buồn tủi của nữ sĩ trong đêm khuya thanh vắng;

    + Hai câu thực: Thực cảnh, thực tình đầy đầy chua xót, bẽ bàng của Hồ Xuân Hương;

    + Hai câu luận: Thái độ phản kháng phẫn uất;

    + Hai câu kết: Tâm trạng chán chường, buồn tủi.

    - Bài thơ là lời tâm sự của Hồ Xuân Hương về hoàn cảnh và thân phận của mình.

    - Nhan đề của bài thơ thể hiện nội dung của tác phẩm: Bài thơ là lời tự tình của Hồ Xuân Hương, nhà thơ viết về tâm sự của chính mình, tự thương xót cho mình..

    Câu 2. Những hình ảnh trong 4 câu đầu của bài thơ cho thấy hoàn cảnh và tâm trạng của chủ thể trữ tình như thế nào?

    - Bốn câu thơ đầu cho ta thấy hình ảnh một người phụ nữ trong hoàn cảnh cô đơn, giữa đêm khuya chỉ có một mình thao thức, trằn trọc với biết bao tâm sự chất chứa trong lòng.

    - Bốn câu thơ đầu cho ta thấy tâm trạng của Hồ Xuân Hương:

    + Tâm trạng buồn tủi trước duyên phận của Hồ Xuân Hương được gợi lên giữa đêm khuya, thể hiện qua cách cảm nhận về thời gian, không gian: Tiếng trống canh gấp gáp, liên hồi trong đêm khuya thể hiện bước đi dồn dập của thời gian và sự rối bời của tâm trạng. Không gian rộng lớn "nước non" chỉ có một mình nữ sĩ ngồi "trơ".. thể hiện sự cô đơn đến tột cùng.

    + Tâm trạng buồn tủi trước duyên phận của Hồ Xuân Hương còn được thể hiện qua hình ảnh "vầng trăng bóng xế", "khuyết chưa tròn" có sự tương ứng với thân phận nữ sĩ: Tuổi xuân đã trôi qua mà tình duyên không trọn vẹn, khuyết thiếu như vầng trăng kia.

    Câu 3. Hình ảnh thiên nhiên và nghệ thuật sử dụng từ ngữ, nghệ thuật đối trong hai câu luận có gì độc đáo? Qua đó, thái độ của nhà thơ được thể hiện như thế nào?

    - Hình ảnh thiên nhiên độc đáo: Rêu, đá nhỏ bé, thưa thớt nhưng lại được miêu tả cùng các động từ mạnh "xiên", "đâm", các bổ ngữ "ngang", "toạc". Tất cả được đặt trong phép đối của thơ Đường luật có tác dụng bổ sung ý nghĩa cho nhau tạo ấn tượng về những sự vật nhỏ bé nhưng không hề yếu đuối, ngược lại, chúng tiềm ẩn một sức sống mạnh mẽ, sức công phá dữ dội có thể tác động đến những sự vật lớn lao hơn. Cảnh xuân được mô tả như vậy có sự khác biệt so với các bài thơ viết về mùa xuân khác.

    - Qua hình ảnh rêu, đá, ta thấy được thái độ phẫn uất, muốn bứt phá, muốn vượt thoát khỏi hoàn cảnh trớ trêu của nữ sĩ. Hai câu luận vì thế thể hiện bản lĩnh, cá tính mạnh mẽ của Hồ Xuân Hương.

    Câu 4. Phân tích hai câu kết của bài thơ để thấy được nỗi niềm tâm sự của chủ thể trữ tình.

    Hai câu cuối bài thơ nói lên bi kịch nhưng qua bi kịch lại thấy được khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Xuân Hương: Ngán là chán ngán, ngán ngẩm. Xuân Hương "ngán" lắm rồi nỗi rời éo le, cơ cực.

    Từ "xuân" mang hai nghĩa, vừa là mùa xuân, vừa là tuổi xuân. Mùa xuân của thiên nhiên đi rồi trở lại với hoa lá cỏ cây. Tuổi xuân của con người thì một đi không trở lại. Sự trở lại của mùa xuân đồng nghĩa với sự ra đi của tuổi xuân. Thêm mỗi lần xuân đi, xuân lại là một lần nỗi buồn lớn hơn.

    Nghịch cảnh càng éo le hơn bởi nghệ thuật tăng tiến trong câu cuối. Ở đây không phải khối tình, cuộc tình tròn đầy, viên mãn mà là "mảnh tình". Mảnh tình đã nhỏ bé lại còn phải san sẻ - chia bớt, nhường bớt cho người khác nên chỉ còn lại "tí con con" – ít ỏi, tội nghiệp. Câu thơ được viết nên từ những trải nghiệm thấm thía của cuộc đời hai lần làm lẽ.

    Con người ý thức được sự thua thiệt, mất mát hạnh phúc là con người luôn khát khao hạnh phúc. Xuân Hương cũng vậy. Hai câu kết tuy kết lại ở cảm xúc buồn đau, chán ngán nhưng lại nói lên rất nhiều về tâm hồn rạo rực xuân tình, khát khao mãnh liệt về tình duyên hạnh phúc trọn vẹn của Hồ Xuân Hương.

    Câu 5. Theo em, bài thơ Tự tình nói lên những suy nghĩ và tình cảm gì của nhà thơ Hồ Xuân Hương? Điều đó còn có ý nghĩa như thế nào với ngày nay?

    - Tự tình 2 nói lên suy nghĩ và phản ánh tâm trạng của nữ sĩ về đời sống tình cảm của mình, cho thấy sự phụ thuộc của người phụ nữ trong xã hội cũ, họ không có quyền quyết định cuộc sống của mình. Tuy nhiên, bài thơ cũng cho thấy sự không cam chịu, sự mạnh mẽ vươn lên số phận của chính Hồ Xuân Hương, cho thấy khát vọng hạnh phúc cháy bỏng của một tâm hồn rào rạt xuân tình.

    - Những tâm sự của Hồ Xuân Hương vẫn còn có ý nghĩa đối với ngày nay: Ngày nay, người phụ nữ ở một số nơi vẫn bị đối xử bất công, bị phụ thuộc, chưa có quyền bình đẳng và khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, đầm ấm luôn là khát vọng muôn đời của họ. Cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người phụ nữ vẫn là cuộc đấu tranh chưa có hồi kết.

    Câu 6. Bài thơ để lại trong em cảm xúc hoặc ấn tượng gì? Hãy viết một đoạn văn khoảng 8 - 10 dòng ghi lại điều đó.

    Bài thơ khiến em ấn tượng bởi giá trị nhân văn sâu sắc. Trước hết, tính nhân văn của bài thơ thể hiện ở niềm đồng cảm trước bi kịch. Bài thơ nói về nỗi đau, bi kịch của người phụ nữ trong tâm trạng đầy mâu thuẫn: Khát khao hạnh phúc lứa đôi nhưng duyên phận lại éo le, ngang trái. Nhìn thấy thời gian trôi, tuổi trẻ phôi pha mà phẫn uất vì cô đơn, lẻ loi, phải chia sẻ hạnh phúc lứa đôi với những người chắc cũng đồng cảnh ngộ. Nhà thơ không nói trực tiếp đến cảnh người đàn bà làm lẽ "chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai" nhưng lại đề cập đến nó ở một phương diện khác, phương diện của một con người đang khát khao hạnh phúc lứa đôi mà không có được hạnh phức, trong khi tuổi xuân cứ qua đi. Vừa đau buồn vì ý thức được thân phân mình nhưng lại gắng gượng vươn lên và kết cục là vẫn không thoát khỏi thực tại éo le, vẫn chìm vào tâm trạng bi kịch, phẫn uất.. nên nỗi đau buồn càng thấm thía, sâu sắc hơn. Thứ hai, bài thơ còn là tiếng nói khẳng định, đề cao bản lĩnh, khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ. Con người ý thức được sự thua thiệt, mất mát về hạnh phúc phải là con người luôn khát khao hạnh phúc, luôn khát khao sống để hưởng niềm hạnh phúc. Khao khát ấy đã trào dâng thành hành động mạnh mẽ, quyết liệt: Xiên ngang, đâm toạc.. Khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc đã trở thành niềm thôi thúc mãnh liệt từ bên trong, càng dồn nén càng bùng lên dữ dội.
     
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng chín 2022
  2. Đăng ký Binance
  3. nghang2001

    Bài viết:
    7
    Những tác phẩm văn học thời còn ngồi trên ghế nhớ trường là một cái gì đó rất thấm lòng. Bây giờ đang sinh viên năm cuối, đi thực tập mà ngồi xem lại thấy nhớ thời học sinh ngây ngô quá. Vì vậy, người ta bảo hãy trân trọng khoảnh khắc ngay hiện tại chứ đừng tiếc nuối quá khứ hay ảo vọng tương lai một cách lãng phí là vậy!
     
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Nhất trí với em! Chúc em học tốt, về đích an toàn, ra trường sớm có việc làm nhé!
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...