Soạn bài: Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới - Ngữ văn 10 Kết nối tri thức

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 6 Tháng hai 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    Soạn văn 10: Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới - Kết nối tri thức với cuộc sống

    Thần Trụ Trời

    [​IMG]

    Thần Sét

    [​IMG]

    Thần Gió

    [​IMG]

    Hướng dẫn học bài

    Câu 1. Xác định thời gian, không gian, nhân vật và sự kiện chính trong từng truyện kể.

    Câu 2. Hãy chỉ ra một số "dấu hiệu" giúp người đọc nhận biết ba truyện kể trên thuộc nhóm thần thoại suy nguyên.

    Câu 3. Trong cái nhìn của con người cổ đại, thần Trụ Trời, thần Gió, thần Sét có hình dạng và tính khí ra sao? Sự tưởng tượng về các vị thần ấy được hình thành trên cơ sở nào?

    Câu 4. Công việc của thần Trụ Trời, thần Gió, thần Sét là gì? Công việc đó được miêu tả như thế nào, nhằm mục đích gì?

    Câu 5. Hình tượng thần Trụ Trời, thần Gió, thần Sét phản ánh những quan niệm, nhận thức gì của người nguyên thủy về thế giới tự nhiên? Những khát vọng nào đã được họ gửi vào các hình tượng đó?

    Câu 6. Chỉ ra những đặc điểm nổi bật trong cách xây dựng nhân vật của chùm truyện. Từ đó nhận xét về thái độ, tình cảm của người xưa đối với thế giới tự nhiên.

    Câu 7. Trong những điều làm nên vẻ đẹp "một đi không trở lại" của thần thoại, có niềm tin thiêng liêng về một thế giới mà ở đó vạn vật đều có linh hồn. Theo bạn, niềm tin đó còn sức hấp dẫn với con người hiện đại không? Vì sao?

    Gợi ý trả lời câu hỏi trang 14 - Ngữ văn 10 - Kết nối tri thức

    Câu 1. Thời gian, không gian, nhân vật và sự kiện chính trong từng truyện kể:

    Thần Trụ Trời:

    - Thời gian: Xa xưa "chưa có vũ trụ, chưa có muôn vật và loài người."

    - Không gian: "Trời đất chỉ là một đám hỗn độn, tối tăm và lạnh lẽo."

    - Nhân vật: Thần Trụ Trời (ông thần thân thể to lớn)

    - Sự kiện chính: Thần Trụ Trời dựng cột, chống trời, tạo nên bầu trời.

    Thần Sét:

    - Thời gian: Không cụ thể (phiếm định)

    - Không gian: Thiên đình, hạ giới

    - Nhân vật: Thần Sét (mặt mũi nanh ác, tiếng quát tháo dữ dội)

    - Sự kiện: Kể về việc thần Sét thay Ngọc Hoàng thi hành luật pháp ở trần gian.

    Thần Gió:

    - Thời gian: Không cụ thể (phiếm định)

    - Không gian: Thiên đình, hạ giới

    - Nhân vật: Thần Gió (không có đầu, có thứ quạt màu nhiệm)

    - Sự kiện chính: Kể về việc thần Gió làm gió hay bão lớn theo lệnh Ngọc Hoàng và việc đứa con thần Gió nghịch ngợm gây tai họa khiến thần bị phạt.

    Câu 2. Một số "dấu hiệu" giúp người đọc nhận biết ba truyện kể trên thuộc nhóm thần thoại suy nguyên:

    - Truyện Thần Trụ Trời giải thích sự hình thành của trời, đất, núi non, biển cả.

    - Truyện Thần Sét thể hiện nhận thức của người xưa về hiện tượng sấm sét.

    - Truyện Thần Gió thể hiện nhận thức của người xưa về hiện tượng gió; hiện tượng cây ngải gió cuốn bông cuốn lá khi trời sắp nổi gió nổi mưa..

    Câu 3.

    Trong cái nhìn của con người cổ đại, thần Trụ Trời, thần Gió, thần Sét có hình dạng và tính khí:

    - Thần Trụ Trời có thân hình khổng lồ, chân thần cao không thể tả xiết. Thần bước một bước là có thể qua từ vùng này hay từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Thần là người chăm chỉ cần mẫn "Một mình cầy cục đắp cột đá càng cao chót vót càng đẩy trời lên mãi"; giàu trí tưởng tượng, sáng tạo: Tạo ra trời, đất, biển cả và cả núi.

    - Thần Sét mặt mũi rất nanh ác, tiếng quát tháo rất dữ dội; tính tình nóng nảy, nên nhiều khi đánh nhầm người vô tội.

    - Thần Gió có hình dạng kỳ quặc, không có đầu. Tính cách thất thường: Lúc nhỏ, lúc to; lúc đi cùng mưa sét thì vô cùng đáng sợ; lúc thong dong dạo chơi buổi tối, lúc gió xoáy nguy hiểm..

    Sự tưởng tượng về các vị thần ấy được hình thành trên cơ sở có tương đồng giữa ngoại hình, tính cách của các vị thần với công việc mà các thần đảm nhiệm, với đặc điểm của sự vật trong tự nhiên. Như thần Trụ Trời, vì phải đỡ bầu trời, dựng cột, đào đất đá.. nên thân hình cao lớn. Còn thần Sét có nhiệm vụ trừng phạt người có tội nên ngoại hình, tính cách dữ dội như "đao phủ". Thần Gió không đầu vì trong tự nhiên gió không có hình dạng; tính cách thần Gió thất thường giống như hiện tượng gió thổi của tự nhiên: Gió to, gió nhỏ, gió xoáy và khi có cả sấm, và mưa thì gây bão hoặc giông..

    Câu 4. Công việc của thần Trụ Trời, thần Gió, thần Sét là: Thần Trụ Trời đào đất đá, dựng cột, đỡ bầu trời.. ; thần Sét theo lệnh Ngọc Hoàng thi hành luật pháp ở trần gian; thần Gió mang gió xuống hạ giới.

    Công việc đó được miêu tả cụ thể, nhằm mục đích giải thích các hiện tượng tự nhiên trên nhiều phương diện. Ví dụ như truyện Thần Trụ Trời, người xưa đã miêu tả quá trình thần đào đất, dựng cột đỡ bầu trời, bầu trời khô, thần phá cột quăng đất đá khắp nơi.. để lí giải sự hình thành không chỉ của bầu trời, mặt đất mà còn lí giải cả sự hình thành của núi non, biển cả.

    Câu 5. Hình tượng thần Trụ Trời, thần Gió, thần Sét phản ánh những quan niệm, nhận thức của người nguyên thủy về sự hình thành của thế giới tự nhiên. Những khát vọng chinh phục, khám phá thế giới tự nhiên, lí giải cội nguồn sự vật.. đã được người xưa gửi vào các hình tượng này.

    Câu 6. Những đặc điểm nổi bật trong cách xây dựng nhân vật của chùm truyện:

    - Các vị thần đều vô cùng vĩ đại, có quyền lực và năng lực phi thường.

    - Các vị thần đều được nhân hóa, có ngoại hình, tính cách tương tự như đặc điểm của các hiện tượng tự nhiên trong đời sống.

    - Các vị thần đều được gửi gắm một quan niệm, khát vọng của dân gian về sự hình thành của thế giới tự nhiên, thể hiện sự sáng tạo và khát vọng chinh phục tự nhiên của con người.

    Câu 7. Trong những điều làm nên vẻ đẹp "một đi không trở lại" của thần thoại, có niềm tin thiêng liêng về một thế giới mà ở đó vạn vật đều có linh hồn. Niềm tin đó vẫn còn sức hấp dẫn với không ít người trong thời đại ngày nay. Vì niềm tin ấy dù "ngây thơ" nhưng thể hiện được sự tưởng tượng phong phú, kì diệu của người xưa về một thế giới không có thật. Dõi theo câu chuyện của người xưa về thế giới mà vạn vật đều có linh hồn, con người hiện đại như thể hòa mình vào không gian sống của các nhân vật để rồi có thể tự mình tưởng tượng những điều thú vị trong truyện kể.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng hai 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...