Soạn bài: Nỗi niềm tương tư, Trích Bích Câu kì ngộ - Vũ Quốc Trân, Ngữ văn 11 - Cánh diều

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 10 Tháng chín 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Bích Câu kỳ ngộ (Cuộc gặp gỡ lạ lùng ở Bích Câu ) là truyện Nôm của Việt Nam, dài 678 câu thơ lục bát, kể về sự tích một người học trò tên là Trần Tú Uyên lần đầu gặp nàng Giáng Kiều ở đất Bích Câu đã đem lòng yêu nhớ. Đoạn trích dưới đây nằm ở phần đầu truyện, diễn tả tâm trạng tương tư người đẹp của Tú Uyên.

    Bài Thực hành đọc hiểu: Nỗi niềm tương tư nhằm rèn luyện kĩ năng nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện thơ dân gian qua hệ thống các câu hỏi đọc hiểu theo 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp - cao. Từ đó, học sinh có thể dễ dàng đọc hiểu nhiều văn bản truyện thơ khác.

    Thực hành đọc hiểu: Nỗi niềm tương tư

    (Trích Bích Câu kì ngộ, Vũ Quốc Trân)


    Ngữ văn 11 - Cánh diều

    Tri thức ngữ văn

    Tác giả Vũ Quốc Trân


    - Vũ Quốc Trân (không rõ năm sinh – năm mất) ông là người làng Đan Loan thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

    - Ông sinh sống tại phố Hàng Đào, Hà Nội.

    - Là người thông minh, học rộng tài cao, Vũ Quốc Trân được gọi là "cụ Mền Đại Lợi" bởi ông đã từng đỗ mấy khoa tú tài.

    - Vũ Quốc Trân đã từng dạy học tại nhà, có rất nhiều người đến theo học ông, một số học trò của ông còn làm quan lớn trong triều.

    - Tương truyền rằng Vũ Quốc Trân chính là tác giả của tác phẩm truyện thơ Bích Câu kỳ ngộ .

    Thể loại Truyện thơ Nôm

    - Khái niệm:

    + Được viết bằng chữ Nôm, phần lớn theo thể thơ lục bát

    + Có sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình

    + Phản ánh cuộc sống qua một cốt truyện với hệ thống nhân vật, sự kiện; bộc lộ thái độ, cảm xúc, tâm trạng của nhân vật, của tác giả

    - Phân loại

    Truyện thơ Nôm bình dân Truyện thơ Nôm bác học

    - Thường khuyết tên tác giả;

    - Thường lấy đề tài, cốt truyện từ truyện dân gian như cổ tích;

    - Ngôn ngữ thường nôm na, mộc mạc

    - TP: Phạm Tải – Ngọc Hoa, Tống Trân – Cúc Hoa, Thạch Sanh.. - Phần lớn có tên tác giả;

    - Hay lấy đề tài, cốt truyện từ những tác phẩm cổ của Trung Quốc nhưng được người viết sáng tạo lại một cách độc đáo (Truyện Kiều – Nguyễn Du, Hoa tiên – Nguyễn Huy Tự, Nhị độ mai). Tuy nhiên, cũng có tác phẩm do tác giả sáng tạo, hư cấu (Sơ kính tân trang – Phạm Thái, Truyện Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu).

    - Truyện thơ Nôm bác học, nhất là của dân tộc Kinh thường trau chuốt, điêu luyện về nghệ thuật.

    - Cốt truyện: Gặp gỡ - Thử thách – Đoàn tụ

    - Nhân vật:

    + Phân theo loại chính diện và phản diện (chính - tà, thiện - ác, tốt - xấu).

    + Được miêu tả với những biểu hiện bên ngoài (diện mạo, hành động, ngôn ngữ đối thoại) hơn là với đời sống nội tâm (cảm xúc, suy tư, ngôn ngữ độc thoại).

    + Tính cách nhân vật thường tĩnh tại, ít có sự vận động và phát triển, những tác động của hoàn cảnh có tác dụng làm rõ hơn tính cách đã được định hình.

    - Ngôn ngữ:

    + Ngôn ngữ gián tiếp (lời tác giả)

    + Ngôn ngữ trực tiếp (lời nhân vật)

    + Ngôn ngữ nửa trực tiếp (lời tác giả nhưng thể hiện cảm xúc, suy tư, giọng điệu nhân vật (lời tác giả và lời nhân vật đan xen vào nhau, khó lòng tách bạch),

    => Truyện thơ Nôm hay sử dụng ngôn ngữ gián tiếp. Người kể chuyện thường ở ngôi thứ ba.

    Truyện thơ Bích Câu kì ngộ

    Tóm tắt: Ba phần: Gặp gỡ - Gia biến – Đoàn tụ:

    Sau lần gặp gỡ ở chùa Ngọc Hà, Tú Uyên một thư sinh nghèo, hiếu học đem lòng tương tư Giáng Kiều một tiên nữ xinh đẹp. Theo lời dặn của một vị thần trong mộng, Tú Uyên tìm mua bức tranh tố nữ có hình dạng giống hệt người thiếu nữ đã gặp trong hội chùa, treo ở thư phòng, sớm khuya cùng người trong tranh tâm sự. Một hôm, Tú Uyên bận việc học nên về muộn, về đến nhà, thấy có một mâm cơm thịnh soạn bày sẵn, chàng lấy làm lạ. Hôm sau, chàng vờ ra khỏi nhà rồi quay về lén quan sát. Người con gái trong tranh là tiên nữ Giáng Kiều bước ra, làm việc nhà giúp Tú Uyên. Tú Uyên bày tỏ tình yêu, sau đó làm lễ cưới Giáng Kiều, sống trong lâu đài nguy nga do Giáng Kiều hóa phép. Thời gian sau, Tú Uyên ham mê rượu chè, Giáng Kiều không khuyên được liền bỏ đi. Tính ngộ, Tú Uyên hối hận, đau khổ, chàng định tìm đến cái chết. Giáng Kiều quay về tha lỗi cho chồng. Tình nghĩa hai người mặn nồng hơn xưa và họ sinh được một người con trai đặt tên là Trần Nhi. Nghe lời Giáng Kiều khuyên, Tú Uyên học phép tu tiên và hai vợ chồng cùng bay về cõi tiên. Ít lâu sau, Trần Nhi cũng cưỡi cá kinh theo cha mẹ về tiên giới.


    Đoạn trích Nỗi niềm tương tư

    + Thể loại: Truyện thơ Nôm, viết theo thể thơ lục bát.

    + Vị trí, xuất xứ đoạn trích: "Nỗi niềm tương tư" : Trích từ tập truyện Nôm "Bích Câu kì ngộ" gồm 678 câu; Nằm ở phần đầu truyện thơ: Gặp gỡ

    + Đoạn trích "Nỗi niềm tương tư" diễn tả tâm trạng Tú Uyên sau khi gặp người đẹp ở hội chùa Ngọc Hồ.

    + Nhan đề đoạn trích: Nỗi niềm tương tư – Thể hiện tâm trạng trong tình yêu của tuổi trẻ với nỗi nhớ nhung da diết, mong đợi được gặp mặt người mình yêu.

    [​IMG]

    Gợi ý trả lời câu hỏi sách giáo khoa trang 23 - 24, Ngữ văn 11, Cánh diều

    Câu 1: nêu cách hiểu của em về nhan đề Nỗi niềm tương tư

    Gợi ý:

    "Nỗi niềm" là tâm tư, tình cảm sâu kín, "tương tư" là trạng thái nhớ nhung, mong mói được gặp người mình yêu. Người sống trong trại thái tương tư thường nhớ mong đau khổ đến héo hắt, mỏi mòn. Như vậy nhan đề đoạn trích thể hiện được tâm trạng, cảm xúc chủ đạo của nhân vật.

    Câu 2: Tâm trạng tương tư của Tú Uyên được tác giả thể hiện như thế nào?

    Gợi ý:

    Tâm trạng tương tư của Tú Uyên được tác giả thể hiện qua hàng loạt cử chỉ, hành động:

    - Sau khi gặp Giáng Kiều, Tú Uyên ra về trong trạng thái "ngơ ngẩn";

    - Nhìn sự vật tự nhiên cũng nhớ Kiều;

    - Gảy đàn cũng là những giai điệu mong nhớ;

    - Uống rượu cũng như cảm thấy hượng vị của sự nhớ thương;

    - Thức suốt đêm không ngủ vì nhớ;

    - Nghe tiếng mõ, tiếng chuông, nhìn bóng trăng tàn, nghe tiếng chim hót, dõi theo cánh nhạn bay.. đều nhớ về Giáng Kiều

    - Mong mỏi da diết được gặp lại người trong mộng, chưa gặp đượ thì buồn phiền, khổ não, cô đơn.

    Câu 3. Biện pháp nghệ thuật nào nổi bật trong đoạn trích? Phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó trong việc diễn tả tâm trạng nhân vật.

    Gợi ý:

    - Một số biện pháp nghệ thuật nổi bật:

    + Sử dụng hình ảnh ẩn dụ, hình ảnh thiên nhiên để thể hiện tâm trạng nhân vật;

    + Sử dụng điển cố nói về tình yêu: Cầu Hoàng, Tương Như - Trác Văn Quân, sông Tương.

    + Miêu tả tâm lí qua lời kể của tác giả, qua độc thoại nội tâm của nhân vật.

    + Biện pháp lặp cấu trúc: Cấu trúc câu được lặp lại nhiều lần: "Có khi" + hành động của nhân vật.

    - Tác dụng:

    + Thể hiện một cách tinh tế, kín đáo tình cảm lứa đôi;

    + Bộc lộ rõ nét được tâm trạng tương tư, thầm thương, trộm nhớ của Tú Uyên, nỗi nhớ da diết, khắc khoải, ngày đêm mơ tưởng đến bóng dáng người thiếu nữ trong mộng.

    + Tăng độ hàm súc, tăng tính nhạc, tạo giọng điệu triền miên, da diết cho lời thơ.

    Câu 4: Đặc điểm nổi bật của truyện thơ Nôm là sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình. Điều đó được thể hiện như thế nào qua đoạn trích Nỗi niềm tương tư?

    Gợi ý:

    - Yếu tố tự sự: Có nhân vật, mối quan hệ giữa các nhân vật; có sự việc, diễn biến của sự việc (sự việc Tú Uyên sau khi gặp người đẹp ở chùa thì trở về tương tư mong nhớ) ; đoạn trích còn miêu tả từng cử chỉ, hành động của nhân vật khi tương tư người yêu.

    - Yếu tố trữ tình: Thể hiện ở các cung bậc cảm xúc tương tư của nhân vật; ở âm điệu nhẹ nhàng mà da diết; nhịp điệu lời thơ khi cân xứng, nhịp nhàng, khi đối lập tương phản thể hiện sự đa dạng của cảm xúc.

    Câu 5: So sánh hai đoạn thơ nói về tâm trạng tương tư của Tú Uyên trong Bích Câu kì ngộ và Kim Trọng trong Truyện Kiều:

    - Lần trăng ngơ ngẩn ra về,

    Đèn thông khêu cạn, giấc hoè chưa nên.

    Nỗi nàng canh cánh nào quên,

    Vẫn còn quanh quẩn người tiên khéo là?

    (Bích Câu kì ngộ )

    - Chàng Kim từ lại thư song

    Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây

    Sầu đong càng lắc càng đầy

    Ba thu dọn lại một ngày dài ghê .

    (Truyện Kiều )

    Gợi ý:

    Tương đồng: Cả hai đoạn thơ đều biểu đạt tâm trạng tương tư, mong nhớ của các chàng trai sau lần đầu gặp gỡ người đẹp; tâm trạng của cả hai chàng trai đều da diết, khắc khoải, đều cảm thấy thời gian nhớ mong như kéo dài đằng đẵng.

    Khác biệt:

    - Tú Uyên tương tư dẫn đến tâm trạng ngẩn ngơ, thức thâu đêm, chong đèn nhớ người đẹp;

    - Kim Trọng: Tương tư đến sầu buồn, nỗi buồn càng ngày càng đầy ăm ắp "càng lắc càng đầy", không cảm nhận thời gian khách quan mà cảm nhận thời gian bằng tâm trạng: "Ba thu dọn lại một ngày dài ghê".

    Mỗi tác giả đều có sự tinh tế riêng khi miêu tả tâm trạng nhân vật, cả hai đều tả rất đúng, sâu sắc tâm trạng tương tư.
     
    Chỉnh sửa cuối: 1 Tháng mười 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...