Soạn bài: Nỗi buồn chiến tranh (trích) - Bảo Ninh - Ngữ văn 12 Kết nối

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 13 Tháng bảy 2024.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    160
    I. Đọc và tìm hiểu chung

    1. Tác giả

    [​IMG]

    - Bảo Ninh (1952) tên thật là Hoàng Ấu Phương, quê: Xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

    - Ông là nhà văn quân đội, từng trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam trước năm 1975. Ông chuyên viết về đề tài về chiến tranh. Ông cho rằng mỗi nhà văn phải đi tìm cho mình một cái gì đó thật mới, thật riêng không lẫn với người khác.

    - Bảo Ninh quan niệm đã viết văn là phải có vốn văn hóa, hiểu biết sâu, phải có khả năng tìm tòi khám phá để nhận ra viên ngọc quý lấp lánh bên trong.

    2. Tác phẩm và đoạn trích

    - Thể loại của tác phẩm: Tiểu thuyết.

    - Thời gian hoàn thành tác phẩm: 1987.

    - Nhân vật chính trong tác phẩm là: Kiên.

    - Để thể hiện đời sống nội tâm của nhân vật, tác giả đã dùng:

    + Thủ pháp đồng hiện

    + Bút pháp "dòng ý thức"

    - Xuất xứ đoạn trích: Trích trong Nỗi buồn chiến tranh, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1991, tr. 89 - 92, 277 - 283).

    - Nội dung bố cục đoạn trích:

    + Phần 1 (từ đầu đến trí tưởng tượng) : Trạng thái luôn sống với kí ức chiến tranh của nhân vật Kiên - dòng kí ức đã thôi thúc anh cầm bút để ghi chép lại tất cả trải nghiệm của một đoạn đời đặc biệt.

    + Phần 2 (phần còn lại) : Những ấn tượng, cảm xúc và suy tư của mình khi đối diện với "núi bản thảo" bộn bề mà Kiên bỏ lại.

    II. Tìm hiểu chi tiết

    1. Nỗi buồn chiến tranh - cuốn tiểu thuyết về thân phận con người

    A. Trạng thái tâm lí thường trực của Kiên:

    - Kiên là một anh bộ đội bước ra từ cuộc chiến với chấn thương tâm hồn nặng nề trước những hi sinh, mất mát, đổ vỡ do chiến tranh.

    - Trạng thái tâm lí: Buồn đau dai dẳng, luôn bị kí ức chiến tranh lôi ngược về quá khứ (hồn phách xiêu lạc, ý thức mờ mịt, lú lẫn, mê mẩn, cô quạnh, âu sầu, bi quan bế tắc, vô vọng, tim như rách dần, cả hai buồng phổi nghẹt khói thuốc, miệng khô đắng, cổ tắc lại, nấc, anh cắm đầu viết.).

    B. "Khuôn mặt" chiến tranh trong hồi ức của Kiên:

    - Dữ tợn, chết chóc, phi nhân tính, gây ám ảnh nặng nề và nỗi buồn đau không dứt cho những ai từng trực tiếp trải qua. Để lại ấn tượng nặng nề nhất trong kí ức của Kiên là "trận tử chiến truông Gọi Hồn với những diễn biến nặng nề của nó và số phận bi thảm của tiểu đoàn anh".

    - Đây không phải là "khuôn mặt" duy nhất của chiến tranh. Từ góc nhìn khác, người ta có thể thấy vẻ hào hùng, lãng mạn của nó, bất chấp những thực tế khốc liệt như sự phản ánh của các tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật), Bài ca xuân 71 (Tố Hữu), Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê), Mảnh trăng cuối rừng (Nguyễn Minh Châu), Lá đỏ (Nguyễn Đình Thi). .

    =>Như vậy, mỗi sự việc có thể được nhìn nhận đa chiều, tuỳ tâm thế, nhận thức, trải nghiệm riêng của mỗi người. Nỗi đau của nhân vật Kiên rất đáng trân trọng. Vì vậy, cái nhìn về chiến tranh tránh được sự hời hợt, công thức, mà trong trường hợp này, hời hợt, công thức đồng nghĩa với việc lảng tránh phần gai góc của hiện thực và nhìn đời sống một chiều.

    C. Kiên được "phục sinh trong chuỗi dài tái hiện" :

    - Chi tiết: "Kiên tin rằng anh đã phục sinh, nhưng là một sự phục sinh lùi về sâu xa.", "Có vẻ như anh đã tìm ra cuộc đời mới của mình: Đấy chính là cuộc đời đã qua, là tuổi trẻ đã mất đi trong nỗi đau buồn chiến tranh.", "Nhưng mặc dù thế, tôi tin rằng anh vô cùng hạnh phúc trên con đường hướng mãi về quá khứ.", "Tôi cảm thấy ghen tị với niềm cảm hứng, niềm lạc quan quay ngược về quá khứ của anh."..

    - Ý nghĩa: Trở về quá khứ, Kiên thấy được là chính mình khi sống với toàn bộ kí ức; Kiên trở thành hiện tượng "dị biệt, khó cắt nghĩa" trong mắt của "bàn dân thiên hạ". Đó cũng là số phận của những người "đi tìm thời gian đã mất". Kiên tìm được hạnh phúc trong sự nhớ lại. Nhờ "tắm gội" trong kí ức, tâm hồn anh được phục sinh. Ý nghĩa của đời anh, của nỗi đau buồn mà anh gánh theo chính là chỗ đó. Sự mê mải lần về quá khứ của anh, như vậy, có thể gợi lên rất nhiều nhận thức sâu sắc và mới mẻ về đời sống cho người đọc.

    =>Như vậy, cần hiểu rõ chức năng đích thực của nhân vật trong tác phẩm truyện nói chung và tiểu thuyết nói riêng. Nhân vật "chính diện" không nhất thiết phải tồn tại như một tấm gương mẫu mực về lối sống để người đọc bắt chước, noi theo. Nhân vật là một ước lệ nghệ thuật, phải thể hiện được những vấn đề tác giả suy ngẫm và muốn chia sẻ. Vì vậy, việc đồng tình hay không đồng tình với Kiên hoàn toàn độc lập với việc đánh giá về giá trị của tác phẩm. Điều đó đã tạo ra những đối thoại nhiều chiều. Đây cũng là đặc trưng của văn học sau năm 1975.

    2. Những sắc màu của tiểu thuyết hiện đại trong Nỗi buồn chiến tranh

    A. Sự linh hoạt trong kết cấu và sự độc đáo khi kể chuyện

    - Sự linh hoạt trong kết cấu

    + Phần 1: Người kể chuyện ngôi thứ ba kể về trạng thái luôn sống với kí ức chiến tranh của nhân vật Kiên – dòng kí ức đã thôi thúc anh cầm bút để ghi chép lại tất cả trải nghiệm của một đoạn đời đặc biệt.

    + Phần 2: Người kể chuyện ngôi thứ nhất (xưng "tôi") kể về những ấn tượng, cảm xúc và suy tư của mình khi đối diện với "núi bản thảo" bộn bề mà Kiên bỏ lại. Đó là ấn tượng, cảm xúc và suy tư về nhân vật Kiên, về quyền được nhớ lại, về niềm hạnh phúc đang chờ đợi những ai muốn đi ngược thời gian để sống trọn vẹn với những gì đã xảy ra trong quá khứ, về chiến tranh, về ý thức bảo vệ phẩm giá ở mỗi người trong hoàn cảnh thử thách khốc liệt..

    - Sự độc đáo khi kể chuyện

    + "Câu chuyện" trong đoạn trích được kể từ hai ngôi: Ngôi thứ ba (phần một) và ngôi thứ nhất (phần hai).

    + Nhân vật trong đoạn trích gần như không có "hành động bên ngoài" mà chỉ có "hành động bên trong", tức là chỉ hiện lên trước người đọc với dòng tâm tư bất tận của mình.

    + Đoạn trích mờ nhạt (hay thiếu) yếu tố sự kiện: Trong đoạn trích, nổi bật là dòng tâm tư bất định của nhân vật Kiên cùng những suy tưởng miên man của người kể chuyện xưng "tôi". Đặc điểm này đã gây không ít bối rối cho những độc giả vốn quen đọc truyện, tiểu thuyết truyền thống có hệ thống sự kiện, biến cố, tình tiết, chi tiết kết nối với nhau chặt chẽ, được phân lớp tường minh.

    B. Sự chuyển dịch ngôi kể và điểm nhìn

    - Sự lựa chọn ngôi kể và điểm nhìn là dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Ở phần một, tác giả kể ở ngôi thứ ba theo điểm nhìn của nhân vật Kiên và ở phần hai là kể ở ngôi thứ nhất theo điểm nhìn của người kể chuyện xưng "tôi".

    - Trong phần một, kể ở ngôi thứ ba với điểm nhìn bên trong, điểm nhìn từ nhân vật Kiên, nhà văn có thể kể những gì xảy ra trong cuộc sống của Kiên, đồng thời cũng diễn tả một cách tự nhiên diễn biến tinh tế nhất trong nội tâm của nhân vật như sự đấu tranh, giằng xé, những ám ảnh, những trạng thái đau đớn của tâm hồn..

    - Sự dịch chuyển ngôi kể và điểm nhìn tạo một cuộc đối thoại giữa hai người viết về tác phẩm của Kiên: "Tôi" và Bảo Ninh. "Tôi" nói về ấn tượng và suy nghĩ của mình trước "núi giấy" do nhân vật Kiên bỏ lại, qua đó, gián tiếp "tiết lộ bí mật" về kết cấu của chính cuốn tiểu thuyết đang trình hiện trước người đọc – Nỗi buồn chiến tranh.

    C. Mối quan hệ giữa người kể chuyện và quan điểm của nhà văn

    - Người kể chuyện nhận xét về cuốn tiểu thuyết đang viết dở của Kiên: "Bản thảo tiểu thuyết của Kiên dầy dần lên và dần đến đoạn kết, song đồng thời cũng như thể mỗi ngày một thêm dang dở. Những chương sau như là điệp khúc của các chương phía trước.", "Có vẻ như chẳng một trình tự nào hết. Trang nào cũng hầu như là trang đầu, trang nào cũng có vẻ như trang cuối.", "đây vẫn là một sáng tác dựa trên cảm hứng chủ đạo của sự rối bời", "mạch chuyện không ngừng đứt gãy. Tác phẩm từ đầu đến cuối không hề có nổi một tuyến chung, một bề mặt đại khái nào mà hoàn toàn là những khối thù hình", "sự mất bố cục, sự thiếu mạch lạc, thiếu bao quát nhiều khi chứng tỏ sự hụt hẫng của tư duy người viết, chứng tỏ cái vẻ" lực bất tòng tâm "của y", "tác phẩm bị dẹp bỏ của" nhà văn phường chúng tôi "hiện lên trong một cấu trúc khác, trong sự hòa đồng với cuộc đời thực không hề hư cấu của anh", "Dường như do sự tình cờ của câu chữ và của bố cục, tôi và tác giả đã ngẫu nhiên trở nên hòa đồng tư tưởng, trở nên rất gần nhau."..

    - Liên hệ tới đặc điểm của tiểu thuyết hiện đại:

    + Tiểu thuyết hiện đại thường có kết cấu đa tầng, đa tuyến; nhân vật có khi vắng bóng hoặc không có diện mạo, tính cách hoàn chỉnh; điểm nhìn và ngôi kể có thể thay đổi rất bất ngờ, linh hoạt; ngôn ngữ thường đa thanh;..

    + Với những cách tân, đột phá mạnh mẽ, tiểu thuyết hiện đại góp phần nhào nặn lại người đọc, buộc người đọc phải thay đổi nhiều thói quen tiếp nhận, ngoài việc chú ý câu chuyện được kể còn phải quan tâm tìm hiểu cách kể, cách viết đầy tính "khiêu khích" của tác giả, phải chủ động tạo sự kết nối giữa văn bản đang đọc với các văn bản khác.

    + Hình thành được cách đọc phù hợp đối với tiểu thuyết hiện đại là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi người đọc phải liên tục thích ứng, khám phá, đồng sáng tạo với tác giả, khắc phục cách nhìn đông cứng về những cái thường được xem là hình mẫu. Chính nhân vật người kể chuyện xưng "tôi" trong đoạn trích cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn trước khi hiểu ra và tìm thấy sự đồng cảm lớn với Kiên – "nhà văn của phường chúng tôi" – cùng những trang bản thảo kì lạ do anh tạo nên trong trạng thái "ý thức mờ mịt", "được sáng tác dựa trên cảm hứng chủ đạo của sự rối bời".

    - Suy ngẫm của nhân vật "tôi" khi đọc lại bản thảo của Kiên – Nỗi buồn của nhân vật chính:

    + Nỗi đau buồn mà Kiên lâm vào hay tự dìm mình vào có cội nguồn từ sự chiêm nghiệm sâu sắc bộ mặt phi nhân tính của chiến tranh: Chiến tranh gây ra những chết chóc, gây nhiều tổn thương tinh thần không thể chữa lành.

    + Nỗi đau buồn của Kiên kéo anh mãi về quá khứ nhưng cũng làm cho anh được phục sinh về mặt tinh thần, giúp anh soi tỏ toàn bộ tháng ngày qua bằng một cái nhìn mới, đầy ý thức.

    - Công việc viết tiểu thuyết:

    + Đối với Kiên, viết tiểu thuyết chính là một hành động cụ thể để tái hiện trọn vẹn quãng đời đã qua vốn bị cuốn vào vòng xoáy của chiến tranh và để thực hiện sự phục sinh tinh thần.

    + Đối với các nhà văn, viết tiểu thuyết là việc đi tìm một hình thức biểu đạt phù hợp có thể soi tỏ được bản chất của đời sống, cuốn người đọc vào những câu chuyện ngỡ xa lạ nhưng thực ra là của chính họ (Nhân vật "tôi" khi đọc bản thảo tiểu thuyết của Kiên đã dần dần vỡ lẽ: "Dường như do sự tình cờ của câu chữ và của bố cục, tôi và tác giả đã ngẫu nhiên trở nên hòa đồng tư tưởng, trở nên rất gần nhau. Thậm chí tôi ngờ rằng có quen anh trong chiến tranh.")

    - Sự ý thức của tác giả Bảo Ninh đối với việc lựa chọn hình thức viết:

    + Nỗi buồn chiến tranh có một tiểu thuyết trong tiểu thuyết. Khi kể về việc viết tiểu thuyết của Kiên, hẳn nhà văn (qua hình tượng người kể chuyện xưng "tôi") có ý thức rất rõ về việc chọn hình thức viết phù hợp với chủ đề "nỗi buồn chiến tranh". + Để có thể làm nổi bật sự "dị biệt" của Kiên – một người mãi lang thang trên hành trình trở về quá khứ đẫm màu bi thương, cách viết phi tuyến tính, chồng xếp lẫn lộn các bình diện thời gian, không gian, nương theo dòng tâm tư nặng nề nhưng cũng đầy biến động của nhân vật là một sự lựa chọn hợp lí. Với cách viết này, tác giả đã thể hiện ám ảnh cõi lòng bất ổn, ngổn ngang của nhân vật, có thể khuấy động suy tư của người đọc về từng tình tiết, chi tiết được miêu tả dưới nhãn quan của nỗi buồn.

    + Nếu không có việc Kiên viết tiểu thuyết rồi sau đó bỏ đi đâu chẳng rõ, cái nhìn của Kiên về chiến tranh rất dễ trở thành một cái nhìn mang tính chất áp đặt, chi phối cảm giác, nhận thức của người đọc. Nhưng trên thực tế, Kiên đã được tác giả cho hiện diện như "ca tâm lí" đặc biệt cần quan sát, lí giải một cách tường tận. Trong tiểu thuyết, "tôi" – người kể chuyện chưa từng biết Kiên ngoài đời – đã nêu những nhận xét về anh từ một góc nhìn khách quan. Đến lượt độc giả, tâm trạng và hành xử của Kiên lại lần nữa được soi xét. Rõ ràng, giữa anh và độc giả luôn tồn tại một khoảng cách nhất định, theo đó, độc giả có thể chủ động nêu đánh giá riêng về Kiên và về tất cả những gì được thể hiện trong Nỗi buồn chiến tranh. Có thể thấy, qua tiểu thuyết này, Bảo Ninh là nhà văn thực sự có cái nhìn đa chiều, toàn diện về chiến tranh; có trách nhiệm với lịch sử và độc giả.

    III. Tổng kết

    1. Giá trị nội dung

    Đoạn trích Nỗi buồn chiến tranh thể hiện sự dằn vặt, giằng xé trong tâm hồn của nhân vật Kiên, sự đồng cảm và thấu hiểu của nhân vật tôi; đồng thời phản ánh sự kinh hoàng của chiến tranh cũng như những tác hại của nó gây ảnh hưởng mãi về sau với những người đã từng đi qua nó.

    2. Giá trị nghệ thuật

    - Nhân vật gần như không có "hành động bên ngoài" mà chỉ có "hành động bên trong", tức là chỉ hiện lên trước người đọc với dòng tâm tư bất tận, không có diện mạo, tính cách hoàn chỉnh.

    - Sử dụng thủ pháp đồng hiện và bút pháp dòng ý thức.

    - Đoạn trích mờ nhạt (hay thiếu) yếu tố sự kiện.

    - Tiểu thuyết hiện đại thường có kết cấu đa tầng, đa tuyến.

    - Điểm nhìn và ngôi kể có thể thay đổi bất ngờ, linh hoạt.

    - Ngôn ngữ thường đa thanh và giọng giễu nhại được sử dụng thường xuyên.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...