Soạn bài: Gương báu khuyên răn (Bài 43) - Nguyễn Trãi Kiến thức ngữ văn 1. Bài thơ - Xuất xứ: Là bài thơ Nôm Đường luật số 43 nằm trong mục Gương báu khuyên răn (61 bài) của tập thơ Quốc âm thi tập - Thể thơ: Thơ Nôm Đường luật thất ngôn xen lục ngôn. 2. Ý nghĩa nhan đề Gương báu khuyên răn: - Nhan đề: Gương báu khuyên răn: giáo huấn đạo đức, dạy bảo, khuyên răn đạo đức. - Nội dung: + Ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước; + Khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân của Nguyễn Trãi. Trả lời câu hỏi trang 20 - Ngữ văn 10 Cánh Diều Câu 1. Tìm hiểu nhan đề và nội dung chính của bài thơ Gương báu khuyên răn Gợi ý: - Gương báu khuyên răn: những điều Nguyễn Trãi "răn" mình và "răn" người. Ý nghĩa khuyên răn trong bài thơ trên: Nguyễn Trãi mong muốn kẻ cầm quyền hãy học theo vua Thuấn, xây dựng đất nước thái bình thịnh trị để nhân dân được sống ấm no, hạnh phúc. - Từ đó có thể thấy nhan đề của bài thơ có sự gắn bó với nội dung chính của bài: Ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước và khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân của Nguyễn Trãi. Câu 2. Phân tích vai trò của các từ chỉ màu sắc, âm thanh, từ láy và phép đối trong việc thể hiện cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống trong bài thơ. Gợi ý: + Các tính từ chỉ màu sắc: lục, đỏ, hồng cho thấy màu sắc rực rỡ, tươi tắn của bức tranh mùa hè. + Các động từ mạnh: đùn, phun, tiễn gợi trạng thái vận động của tạo vật với sức sống căng trào, mạnh mẽ. + Các từ chỉ âm thanh: lao xao, dắng dỏi diễn tả những âm thanh náo động, rộn rã của mùa hè. + Việc sử dụng các từ láy: đùn đùn, lao xao.. tô đậm sức sống mãnh liệt của tạo vật, tăng tính biểu cảm cho từ ngữ. + Các phép đối được thực hiện ở hai câu thực và hai câu luận tô đậm vẻ đẹp, sức sống của thiên nhiên và sự nhộn nhịp, náo nhiệt, yên vui của cuộc sống sinh hoạt con người. => Nhận xét: Các hình thức nghệ thuật trên mangđến cảm nhận về bức tranh thiên nhiên ngày hè rực rỡ, sống động, căng tràn sức sống đang trổ dáng, khoe sắc, tỏa hương và tình yêu thiên nhiên, cuộc sống tha thiết của Nguyễn Trãi. Câu 3. Phân tích mối quan hệ giữa cảnh và tình trong bài thơ. Gợi ý: - Bốn câu thơ đầu là bức tranh thiên nhiên ngày hè đẹp, vui tươi, đầy sức sống, qua đó ta thấy được tình yêu thiên nhiên tha thiết của Nguyễn Trãi cũng như niềm vui, tâm trạng viên mãn của nhà thơ trước vẻ đẹp rực rỡ của thiên nhiên, cảnh vật. - Bốn câu tiếp theo là cuộc sống sinh hoạt của con người nhộn nhịp, rộn rã và ước mong của Nguyễn Trãi về cuộc sống thái bình, thịnh vượng cho nhân dân, qua đó ta thấy được tình yêu cuộc sống, tình yêu đất nước, nhân dân thường trực của tác giả. Quan hệ giữa cảnh và tình trong cả bài thơ là quan hệ gắn bó, tương hỗ. Tả cảnh không phải chỉ để ca ngợi vẻ đẹp thuần túy của thiên nhiên, cảnh vật mà còn thể hiện tâm trạng, tình cảm của nhà thơ. Câu 4. Theo em, bài thơ đã thể hiện tâm trạng và mong ước gì của Nguyễn Trãi? Những thông tin nào về cuộc đời và con người Nguyễn Trãi giúp em hiểu rõ hơn điều đó? Gợi ý: + Tâm trạng tràn đầy niềm vui trước cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, viên mãn và cuộc sống sung túc của người dân. Nỗi niềm trăn trở ngày đêm của ông về đất nước, con người. + Mơ ước niềm hạnh phúc, sự ấm no sẽ trường tồn và được sẻ chia cho tất cả mọi người ở khắp muôn phương của đất nước. Đó là tình cảm của tác giả đối với muôn dân - tư tưởng, tình cảm thân dân sâu sắc của Nguyễn Trãi. - Những thông tin về cuộc đời và con người Nguyễn Trãi giúp lí giải rõ hơn: + Lí tưởng của Nguyễn Trãi là sống hết mình vì đất nước, nhân dân, mong muốn xây dựng một triều đại "vua sáng, tôi hiền". Cả cuộc đời ông phấn đấu và hi sinh cho lí tưởng và mục đích đó, cả khi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, khi hòa bình lập lại và những ngày tháng ẩn dật ở Côn Sơn. + Mọi hành động và suy nghĩ của Nguyễn Trãi là vì cuộc sống tươi đẹp cho người dân Câu 5. Điểm khác biệt về hình thức của bài thơ này so với các bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật là gì? Nêu ý nghĩa của sự khác biệt đó. Gợi ý: - Gương báu khuyên răn 43 được viết theo thể thất ngôn xen lục ngôn nên có điểm khác với các bài thơ thất ngôn bát cú quen thuộc của thơ Đường luật: Có sự đan xen giữa các câu 6 chữ và các câu 7 chữ. - Tác dụng: Tạo điểm nhấn "đột sáng" cho bài thơ; nhấn mạnh sự cô đọng trong cảm xúc, suy tư của tác giả; khiến bài thơ mang âm hưởng dân tộc (rất nhiều câu tục ngữ Việt Nam có sáu chữ; câu lục sau này cũng là thành phần cấu tạo nên câu thơ lục bát) ; thể hiện ý thức của Nguyễn Trãi trong việc Việt hóa thơ Đường, tạo nên thể thơ cho dân tộc.