Soạn bài: Xuân Tóc Đỏ Cứu Quốc (Trích Số Đỏ) - Vũ Trọng Phụng, Ngữ văn 12 KNTT

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 11 Tháng tám 2024.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    160
    I. TÌM HIỂU CHUNG

    1. Tác giả

    * Tiểu sử

    - Vũ Trọng Phụng sinh ngày 20/10/1912 – mất ngày 13/10/1939 do bệnh lao phổi.

    - Quê quán: Hưng Yên, nhà văn lớn lên tại Hà Nội.

    - Gia đình: Cha ông là Vũ Văn Lân làm thợ điện ở Ga-ra Charles Boillot nhưng mất sớm khi nhà văn mới được 7 tháng tuổi, mẹ là bà Phạm Thị Khách.

    - Học vấn: Nhà văn học hết tiểu học tại trường Hàng Vô. Là một trong những thanh niên Việt Nam đầu tiên được giáo dục bằng tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ.

    [​IMG]

    * Sự nghiệp:

    - Sau khi tốt nghiệp tiểu học thì Vũ Trọng Phụng thôi học để đi kiếm sống, khi đó nhà văn mới chỉ 16 tuổi.

    - Sau hai năm làm việc ở các sở tư như: Nhà hàng Gôđa, nhà in IDEO (Viễn Đông) thì ông chuyển hẳn sang làm báo, viết văn chuyên nghiệp.

    - Về kịch: Không một tiếng vang (1931), Tài tử (1934), Chín đầu một lúc (1934)..

    - Về phóng sự: Đời cạo giấy (1932), Cạm bẫy người (1933), Kỹ nghệ lấy Tây (1934), Hải Phòng 1934 (1934)..

    - Về tiểu thuyết: Dứt tình (1934), Giông tố (1936), Vỡ đê (1936), Số đỏ (1936)..

    - Về truyện ngắn: Một cái chết (1931), Bà lão lòa (1931), Con người điêu trá (1932), Quyền làm bố (1933)..

    * Phong cách sáng tác

    - Vũ Trọng Phụng là một nhà văn hiện thực. Ông khẳng định: "Tiểu thuyết là sự thật ở đời", ông muốn tiểu thuyết/văn học nói lên sự thật đời sống, nhìn thẳng vào sự thật xã hội.

    - Vũ Trọng Phụng là một nhà văn bậc thầy của nghệ thuật trào phúng (ông bị chi phối nặng nề bởi tư tưởng bi quan định mệnh chủ nghĩa) thể hiện qua: Nhân vật trào phúng, tình huống trào phúng, giọng điệu và ngôn ngữ trào phúng..

    - Nhân vật trong sáng tác của ông là những nhân vật điển hình, được xây dựng tuân theo nghệ thuật của sáng tác trào phúng: Hầu như không chú ý miêu tả nội tâm, thường tô đậm chất hài của ngoại hình nhân vật.

    - Ngôn ngữ nghệ thuật thấm đẫm cá tính sáng tạo, phong phú, sinh động, đầy góc cạnh và sắc sảo.

    => Nhà văn hiện thực xuất sắc của văn học Việt Nam trước cách mạng tháng Tám.

    2. Tác phẩm:

    A. Thể loại

    - Tiểu thuyết

    B. Hoàn cảnh:

    - Số đỏ được đăng ở Hà Nội báo từ số 40 ngày 7 tháng 10 năm 1936 và được in thành sách lần đầu vào năm 1938.

    C. Tóm tắt:

    - Xuân Tóc Đỏ vốn là một đứa trẻ mồ côi, kiếm sống bằng nhiều nghề ở Hà Nội. Một lần, Xuân bị cảnh sát bắt giam do nhìn trộm một bà đầm thay đồ nhưng đã được bà phó Đoan - một me Tây cứu, rồi giới thiệu đến làm việc ở hiệu may Âu hóa. Kể từ đó, Xuân bắt đầu tham gia vào "việc cải cách xã hội". Hắn được vinh danh là "sinh viên trường thuốc", "đốc tờ Xuân" nhờ thuộc lòng những bài quảng cáo thuốc lậu. Xuân Tóc Đỏ được nhiều người trong xã hội thượng lưu biết đến. Hắn còn khiến cho cô Tuyết là con cụ cố Hồng say mê. Xuân còn được bà Phó Đoan nhờ dạy dỗ cho cậu Phước - con trai của bà và lại được nhà sư Tăng Phú mời làm "cố vấn cho báo Gõ Mõ". Vô tình gây ra cái chết cho cụ cố tổ - bố của cụ cố Hồng. Cái chết được nhiều người trong gia đình mong đợi từ lâu. Xuân được gia đình cụ cố Hồng ghi ơn. Văn Minh đã dẫn Xuân đi đăng kí tranh giải quần vợt, nhân dịp vua Xiêm đến Bắc Kì. Hắn đã khiến cho hai cầu thủ bị bắt. Không có cầu thủ chính, Xuân được dịp thi tài với quán quân Xiêm trước sự chứng kiến của nhiều người. Để giữ mối hòa hảo với nước láng giềng, Xuân Tóc Đỏ được lệnh phải thua. Sau khi trận đấu kết thúc, Xuân đã diễn thuyết cho dân chúng hiểu về "sự hi sinh vì Tổ quốc" của mình. Xuân Tóc Đỏ bỗng nhiên trở thành "bậc vĩ nhân", thành "anh hùng cứu quốc". Hắn được tặng Bắc Đẩu bội tinh, được mời vào Hội Khai trí tiến đức, và làm con rể của cụ cố Hồng.

    [​IMG]

    - Nội dung chính của văn bản: Vua Xiêm tới Bắc Kỳ => Xuân Tóc Đỏ đăng kí tham gia thi quần vợt => dùng thủ đoạn để được vào thi đấu => Vào chung kết với quán quân Xiêm => Nhận lệnh "phải thua" => Cơ hội ngụy biện "hi sinh vì nghĩa lớn" => Đám đông tung hô "anh hùng cứu quốc", vĩ nhân dân tộc.

    D. Ngôi kể, điểm nhìn:

    - Ngôi kể thứ ba - người kể chuyện hàm ẩn

    => Ý nghĩa: Người kể đứng ngoài câu chuyện, dẫn dắt người đọc theo từng tình tiết câu chuyện nhưng vẫn lồng ghép để bộc lộ được tư tưởng, quan niệm của nhà văn.

    - Điểm nhìn trần thuật: Khách quan dựa theo cái nhìn của một người bên ngoài.

    => Ý nghĩa: Để thể hiện được giọng điệu châm biếm, đả kích của nhà văn.

    E. Bố cục:

    - Phần 1 (từ đầu đến "nhà quán quân quần vợt Xiêm La ra thử tài với Xuân Tóc Đỏ.") : Tình hình chuẩn bị cho cuộc thi đấu thể thao đặc biệt.

    - Phần 2 (tiếp theo đến "các đức vua và quý quan của ba chính phủ về Sở Toàn quyền.") : Diễn biến kịch tính của "ván quần" giữa Xuân Tóc Đỏ và quán quân quần vợt Xiêm La.

    - Phần 3 (phần còn lại) : Màn hùng biện của Xuân Tóc Đỏ và sự tung hô của dân chúng.

    II. ĐỌC HIỂU CHI TIẾT

    1. Câu chuyện và sự kiện

    * Câu chuyện: Xuân Tóc Đỏ cứu quốc.

    * Sự kiện:

    + Tình hình chuẩn bị cho cuộc thi đấu thể thao đặc biệt: Sân quần Rollandes Varreau của Hà thành đã ghi được một chỗ rẽ cho lịch sử thể thao khi giá vào cửa là ba đồng hạng bét nhưng người xem cũng trên ba nghìn. Tất cả mọi người đều đã thua và họ đều hi vọng vào Xuân Tóc Đỏ. Tất cả các quan chức cấp cao của hai nước đã an tọa nhưng Tổng cục thể thao Bắc Kì đang lo sốt vó khi không thấy hai nhà đương kim Hải và Thụ. Cuối cùng, để chữa cháy họ mời quán quân Xiêm La đấu với Xuân Tóc Đỏ.

    + Diễn biến kịch tính của "ván quần" giữa Xuân Tóc Đỏ và quán quân quần vợt Xiêm La: Trong trận đấu, Xuân đã chiếm được ưu thế hơn so với quán quân Xiêm. Điều đó khiến vua Xiêm tức giận và dọa dẫm chiến tranh sẽ nổ ra nếu Xuân thắng, ông Giám đốc chính trị Đông Dương đã phải tìm ông Văn Minh để bảo Xuân Tóc Đỏ nhường quán quân Xiêm La.

    + Màn hùng biện của Xuân Tóc Đỏ và sự tung hô của dân chúng: Xuân nghe vậy thì nhường bàn cuối khiến công chúng, khán giả sững sờ. Ban đầu họ có vẻ đả đảo Xuân nhưng với với sự lẻo mép, khôn lỏi của mình, Xuân đã thuyết phục quần chúng bằng tài diễn thuyết. Hắn tỏ vẻ trịch thượng và tự cho rằng mình đã bỏ qua lòng tự trọng mà cứu đất nước. Lúc này, quần chúng lại coi hắn như người hùng cứu quốc thực thụ và tán tụng, ngợi ca.

    2. Tình huống trào phúng và mâu thuẫn trào phúng

    A. Tình huống trào phúng

    - Tình huống 1: Vua Xiêm đến Bắc Kì, nhà cầm quyền Pháp mở giải quần vợt để tranh tài. Hai nhà quán quân cũ là Hải và Thụ mất tích, tạo cơ hội cho Xuân Tóc Đỏ được ra sân tỉ thí với quán quân Xiêm La.

    - Tình huống 2: Xuân Tóc Đỏ thắng điểm quán quân Xiêm La, vô tình đẩy hai nước Việt, Xiêm đến miệng hố chiến tranh – một tình trạng nguy cấp phải giải quyết kịp thời.

    - Tình huống 3: Đông đảo khán giả đả đảo Xuân, đòi được giải thích, buộc Xuân và ông bầu Văn Minh phải biện xảo để xoay ngược thế cờ.

    => Ý nghĩa của tình huống: Tình huống cho thấy sự xấu xa, cơ hội và thủ đoạn hèn hạ của Xuân Tóc Đỏ. Hắn đã chà đạp lên người khác để đạt được mục đích của bản thân.

    => Trong ba tình huống nêu trên, tình huống chính là tình huống 2. Bởi vì, tình huống này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên kịch tính và bước ngoặt của toàn bộ sự kiện được kể, nó liên quan chặt chẽ đến cao trào của sự kiện, nói lên "số đỏ" của nhân vật Xuân, phơi bày toàn bộ sự bịp bợm của màn kịch đang diễn ra.

    – Ngôi kể và điểm nhìn: Đoạn trích được kể ở ngôi thứ ba với điểm nhìn bên ngoài.

    – Ý nghĩa:

    + Tạo điều kiện bao quát toàn cảnh sự việc, đẩy nhanh nhịp độ kể và làm nổi bật tính chất "hề" của toàn bộ những gì được kể.

    + Tuy chọn điểm nhìn bên ngoài để miêu tả, tái hiện sự việc nhưng vị trí đặt điểm nhìn lại luôn được dịch chuyển, soi chiếu ở nhiều góc khác nhau (bao quát, cụ thể, xa, gần) để người đọc thấy được bức tranh tổng thể về những gì đang diễn ra: Từ cảnh náo nhiệt trên sân vận động đến cảnh rỉ tai ám muội giữa các "đấng" tai to mặt lớn trong ban tổ chức sự kiện; từ cảnh rừng người hò reo đến cảnh đặc tả từng động tác tay, chân đầy "biểu cảm" của nhân vật chính – Xuân Tóc Đỏ.

    B. Mâu thuẫn trào phúng:

    - Quán quân quần vợt nước Xiêm nhưng lại được một kẻ nhặt bóng như Xuân Tóc Đỏ nhường mới thắng được.

    => Ở đâu cũng có những kẻ "thùng rỗng kêu to", "hữu danh vô thực".

    - Để giữ mối quan hệ hòa hảo giữa hai nước, giữa lúc Xuân có thể thắng, Xuân lại nhận được lệnh phải thua trước sự la ó của quần chúng.

    => Tất cả chỉ là trò đùa, là con rối.

    2. Nhân vật trào phúng

    A. Xuân Tóc Đỏ

    * Vị thế:

    - Xuất hiện trong lời giới thiệu của cô Tuyết: "Kêu rằng cái phần danh dự của gia đình cũng còn có cơ cứu chữa được, vì mọi người còn hi vọng vào Xuân".

    → Xuân Tóc Đỏ mặc dù không được tác giả giới thiệu một cách trực tiếp mà chỉ xuất hiện gián tiếp qua lời kể của nhân vật khác nhưng ta có thể thấy mọi người đều đang rất mong chờ, hi vọng và trao trọn niềm tin cho nhân vật này.

    → Được trao niềm tin để cứu vớt lại danh dự của một gia đình.

    * Xưng hô:

    - Xuân Tóc Đỏ gọi quần chúng bằng những cái tên như "Quần chúng nông nổi" và gọi là 'mi "và hắn tự xưng" ta ".

    => Cách gọi này cho thấy Xuân Tóc Đỏ coi thường quần chúng, tự coi mình là thượng đẳng, là bề trên.

    => Cho thấy tính cách trịch thượng, tự kiêu, tự đại của Xuân Tóc Đỏ.

    * Hành động:

    - Vỗ ngực, tự tung hô bản thân là" giáo sư quần vợt ", là" hy vọng của Đông Dương ".

    - Giam giữ hai đương kim vô địch.

    - Diễn thuyết thành công khi thua cuộc.

    => Xuân Tóc Đỏ giả vờ vị tha để được quần chúng ủng hộ.

    => Xuân Tóc Đỏ là kẻ ích kỉ, xấu xa, khôn lỏi, sẵn sàng chà đạp lên người khác.

    => Nhà văn thể hiện sự châm biếm đối với xã hội tư sản thối nát, lố lăng, giả dối.

    B. Ông Văn Minh: Sung sướng vì người của mình được đại diện cho Hà Thành để giữ cái danh dự cho Tổ quốc, trước nhà vô địch Xiêm La vì như vậy sẽ làm tăng danh dự cho bản thân.

    C. Ông Giám đốc chính trị Đông Dương" sau khi tai nghe một hiệu lệnh của quan Toàn quyền, tức thì bỏ khán đài, chạy xuống sân đi tìm ông bầu của Xuân Tóc Đỏ "

    D. Vua Xiêm:" Lộ ra mặt rồng tất cả sự thịnh nộ của vị thiên tử thế thiên hành đạo ";" Vua Xiêm tức thì lôi trong túi áo ra cái bản đồ Ấn Ðộ Chi Na do chín phủ Xiêm vẽ lại "

    E. Quần chúng

    - Xuất hiện từ đầu tác phẩm với giọng điệu châm biếm của nhà văn:" Rất nhiều người hâm mộ vì đến chậm, không mua được vé, bèn hóa ra phẫn uất và chết một cách rất thể thao, nghĩa là tự tử dần bằng thuốc phiện không có giấm thanh hút vào phổi ".

    => Châm biếm sự thái quá của quần chúng khi dùng thuốc phiện để quên đi nỗi tiếc nuối khi không mua được vé.

    - Đám đông quần chúng ra sức cổ vũ mà không nhận thức được tất cả những gì đang được trình diễn trên sân chỉ là màn kịch của giới cầm quyền.

    - Đám đông quần chúng, dù bị coi thường, bị gọi là" mi ", vẫn tung hô, ca ngợi kẻ trịch thượng với mình.

    => Đoạn trích chế nhạo một xã hội ngu dốt, bị dắt mũi. Họ bị thôi miên bởi quyền lực và sự sự giả tạo của những người có tiền, họ dễ dàng bị dắt mũi theo số đông và cũng dễ dàng bị xoa dịu. Đó là trạng thái tâm lí của những con người không có nhận thức chính xác, đúng đắn trong cuộc sống; của người kẻ bị hào nhoáng trước mắt che mờ tâm hồn.

    => Bằng ngòi bút trào phúng, lối viết" ngấu nghiến ", nhịp điệu dồn dập, giọng văn phảng phất thái độ khinh miệt, nhà văn đã tạo ra những nhân vật dị biệt, khác lạ từ tên gọi đến tính cách. Họ đại diện cho một xã hội lố lăng, kệch cỡm," chó đểu "thời bấy giờ.

    3. Cảnh Xuân Tóc Đỏ hùng biện trước công chúng

    + Nội dung: Đề cập đến những hậu quả của một xung đột Việt – Xiêm và nhấn mạnh rằng cuộc chiến sẽ kéo theo nạn đói và thảm họa cho nhân loại.

    + Ngôn từ:" Hỡi công chúng! Mi chưa hiểu rõ những lẽ cực kì to tát nó khiến ta đành phải nhường giải cho nhà vô địch Xiêm La ";" Mi đã biết đâu cái lòng hi sinh cao thượng vô cùng "," điểm cốt yếu của người xả thân cứu nước không phải là chỉ nghĩ đến mình.. "-> chứa đầy các yếu tố đối nghịch, hội tụ các mối tương quan xã hội phức tạp. Chúng xung đột và hòa hợp với nhau một cách kì dị, phản ánh đúng bản chất kì dị của xã hội đương thời.

    + Giọng điệu: Kiêu ngạo, hùng biện, bề trên.. -> bản chất khôn lỏi, cơ hội của Xuân.

    + Hành động: Nó vỗ vào ngực (tự cao, tự mãn, đề cao bản thân) ; nó đấm tay xuống không khí (sự kiên định) ; nó giơ cao tay lên (sự quyết tâm) ;..

    - > Cảnh Xuân Tóc Đỏ hùng biện có dáng dấp của một màn hài kịch, thể hiện rõ cảm quan của Vũ Trọng Phụng về hiện thực. Xã hội đảo điên đã tạo cơ hội cho Xuân – một kẻ" hạ lưu "vô học nhưng láu cá – đã chui sâu, leo cao và đạt được cơ hội" thăng tiến "khó ngờ. Theo ông, tất cả những gì đang diễn ra trong xã hội đều là một tấn trò não nuột, xen lẫn bi và hài.

    4. Nghệ thuật:

    * Ngôn ngữ của người kể chuyện và ngôn ngữ của nhân vật

    - Tương đồng: Đều mang một màu sắc giễu nhại, mỉa mai

    - Khác biệt: Ngôn ngữ của người kể chuyện mang sắc thái khách quan hơn vì sử dụng ngôi kể thứ ba; ngôn ngữ của nhân vật trong đoạn trích thể hiện sắc

    Thái theo tình huống truyện, lúc cần gấp gáp lúc cần nghiêm túc lúc cần trịch thượng.

    * Biện pháp tu từ nói mỉa và nghịch ngữ:

    - Nói mỉa:

    +" Người ta đồn rằng có rất nhiều người hâm mộ vì đến chậm, không mua được vé, bèn hóa ra phẫn uất và chết một cách rất thể thao, nghĩa là tự tử dần bằng thuốc phiền không có giấm thanh, hút vào phổi. "

    +" Công chúng luôn luôn vỗ tay hoan hô Xuân, còn trên khán đài, đức vua Xiêm đã lộ ra mặt rồng tất cả sự thịnh nộ của vị thiên tử thế thiên hành đạo ở cái nước có hàng triệu con voi. "

    +" Như một bậc vĩ nhân nhũn nhặn, nó giơ quả đấm chào loài người, nhẩy xuống đất, lên xe hơi. Rồi mấy chiếc xe của các bạn thân của nó mở máy chạy, để lại cái đám công chúng mấy nghìn người bùi ngùi và cảm động. "

    - Nghịch ngữ:

    +" Nghĩa là bản chức yêu cầu ngài bảo tài tử của ngài phải nhường, phải thua nhà vô địch Xiêm ngay đi! "

    +" Hỡi quần chúng! Mi không hiểu gì, mi oán ta! Ta vẫn yêu quý mi mặc lòng mi chẳng rõ lòng ta!"

    III. TỔNG KẾT

    1. Nghệ thuật:

    - Xây dựng hình tượng nhân vật đặc sắc.

    - Sử dụng ngôi kể thứ ba và đặt điểm nhìn hợp lí.

    - Giọng điệu trào phúng, hài hước.

    - Sử dụng thành công biện pháp nói mỉa và nghịch ngữ.

    2. Nội dung

    - Đoạn trích là một bức tranh sống động về xã hội đương thời với tất cả những mặt xấu xa, thối nát của nó.

    - Thông qua nhân vật Xuân Tóc Đỏ nhà văn Vũ Trọng Phụng đã phê phán xã hội lố lăng.

    - Thể hiện sự trăn trở, mong muốn hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn.
     
    Mộng Nguyệt Cầm thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 15 Tháng tám 2024
Trả lời qua Facebook
Đang tải...