[Sách] Bí Ẩn Của Nhân Loại – Minh Anh

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Nyanko, 27 Tháng mười một 2021.

  1. Nyanko

    Bài viết:
    380
    26. BÍ ẨN XUNG QUANH CUỐN DI CẢO VOYNICH THẾ KỶ XIII

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cuốn sách khổ 14,6 cm x 21,6 cm, gồm 232 trang giấy da cừu với nét chữ đều đặn, không tẩy xóa, kể cả các hình minh họa, hẳn người viết đã cân nhắc rất kỹ trước khi đặt bút. Có điều, đó là một kiểu chữ chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại, còn những hình vẽ thực vật và động vật lại không hề giống với những gì chúng ta thấy trên mặt đất.

    Nguồn gốc của cuốn sách cũng không rõ ràng. Một tài liệu lịch sử viết năm 1666 cho hay, nó được Hoàng đế Rudolf II (1552-1612) của Đức mua với giá cao khủng khiếp: 600 thùng vàng. Vị vua này đoán rằng cuốn sách bí hiểm được nhà bác học và tiên tri Roger Bacon (1220-1292) viết ra, trong đó hẳn chứa những kiến thức kỳ lạ, những lời bí ẩn về tương lai. Cuốn sách được viết bằng bút lông với nét chữ đều đặn, chính xác và sạch sẽ đến mức kỳ lạ. Ký tự thoáng nhìn như chữ Latinh, nhưng kỳ thực đó là một kiểu chữ chưa từng có trong lịch sử chữ viết của nhân loại. Một số hình vẽ dường như giống người và cây cỏ, nhưng lại không phải vậy. Tuy nhiên lần này, Yardley không tìm ra được những tín hiệu lặp lại thường thấy ở một ngôn ngữ trong bản cảo Voynich. Theo Yardley, cái được viết trong bản này có thể không phải ngôn ngữ mà chúng ta biết, hoặc nó đã được mã hóa nhiều lần một cách tài tình đến nỗi không thể đọc ra được. Sự việc không dừng lại ở đó. Ở trang cuối của cuốn sách, có một đoạn viết bởi chữ của người khác, có lẽ là một lời nhận xét. Nét chữ mờ mịt, rối rắm, hầu như không thể đọc được. Nhưng sau nhiều năm nghiên cứu, giáo sư William R. Newbold, Đại học California (Mỹ), tin rằng trong đó có một đoạn tiếng Latinh: A mihi dabas multas portas. Newbold khẳng định, nội dung cuốn sách đã được mã hóa nhiều lần. Có thể tác giả đã ghép hai hoặc ba chữ cái latinh thành một chữ cái theo cách nào đó. Tuy nhiên, ông cũng chỉ dừng lại ở đây mà không thể giải thích thêm được nữa.

    Gần đây nhất, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng tại Đại học Yale, giáo sư Brumbaugh, cho rằng Bản cảo Voynich được viết bằng một bảng mã gồm 26 ký tự. Con số này trùng lặp với chữ cái Latinh (liệu đây có phải là một sự ngẫu nhiên). Có điều, mọi giải pháp Latinh hóa những ký tự này, rồi thay vào các dòng chữ viết tay trong bản cảo, đều tạo ra các đoạn chữ không theo quy luật và có vẻ như không mang một ý nghĩa gì. Brumbaugh cho rằng, có lẽ nội dung cuốn sách đã được mã hóa theo hệ ngôn ngữ khác với chữ Latinh. Và đến nay, bản cảo Voynich vẫn còn là một bí ẩn.
     
    Nam Dã Tú Nhất thích bài này.
  2. Nyanko

    Bài viết:
    380
    27. GIẢI MÃ BÍ ẨN TAM GIÁC QUỶ BERMUDA

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tam giác quỷ Bermuda từng được đề cập đến như một vùng chết chóc, gây ra biết bao thảm họa cho tàu thuyền và máy bay qua lại. Gần đây, các nhà khoa học lại đưa thêm một giả thuyết mới để giải thích tính chất kỳ bí của khu vực này.

    Bermuda là vùng ven biển Bắc Mỹ ở khu vực nằm giữa mũi Gatterac, bán đảo Florida và quần đảo Cuba. Xét về địa lý và khí hậu, đây là một vùng gần giống như tấm gương phản chiếu rộng lớn. Các cơn bão xuất phát từ Đại Tây Dương tạo nên luồng sóng hạ âm cực mạnh, bị phản hồi từ khu vực phản xạ này và hội tụ vào khu vực Tam giác quỷ. Kích thước rộng lớn của các cấu trúc hội tụ cho phép đưa ra giả thuyết tại đó có những khu vực phản xạ mà sóng hạ âm có thể đạt tới cường độ rất lớn và là nguyên nhân gây nên các hiện tượng quái dị.

    Như chúng ta đã biết, sóng hạ âm có cường độ lớn gây nên cảm giác sợ hãi và muốn bứt phá ra khỏi không gian khép kín. Dĩ nhiên, hành vi đó là hậu quả của phản ứng trực cảm đã hình thành từ rất lâu trong quá khứ tiến hóa của con người, mỗi khi bị tác động của sóng hạ âm hình thành trước lúc nổ ra các vụ động đất. Chính phản xạ này đã khiến cho các kíp máy bay và hành khách bị hốt hoảng và vội vã nhảy ra khỏi máy bay hoặc con tàu.

    Dòng xoáy hạ âm của cơn bão hội tụ vào khu vực Tam giác quỷ. Khi cộng hưởng với nhịp sinh học của con người, sóng hạ âm có cường độ cao có thể gây chết người ngay tức khắc. Sóng hạ âm có thể là nguyên nhân dao động cộng hưởng của cột buồm trên thuyền và làm cho chúng gãy vụn. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra khi sóng hạ âm cộng hưởng với độ rung của các yếu tố cấu thành của máy bay. Sóng hạ âm cũng có thể là nguyên nhân hình thành một lớp sương mù dày đặc có màu đục như sữa trên đại dương và nhanh chóng biến mất. Độ ẩm của khí quyển tích tụ lại trong giai đoạn giãn nở có thể không kịp tan rã trong không khí ở giai đoạn nén tiếp theo, nhưng có thể biến mất ngay tức khắc khi không có sóng hạ âm. Cuối cùng, sóng hạ âm có tần số 5-7 Hz có thể cộng hưởng với dao động cơ học, với con lắc đồng hồ có cùng tần số dao động và gây nên tác động phá hủy. Điểm xuất phát của huyền thoại về trận gió hú rùng rợn, gây cảm giác sợ hãi do sóng hạ âm mạnh gây ra có thể là các hiện tượng tương tự xảy ra ở Tam giác quỷ. Các cấu trúc có tính chất hội tụ tương tự cũng có thể có ở các khu vực khác nhau trên hành tinh.

    Sóng hạ âm có thể truyền dưới nước, còn cấu trúc hội tụ có thể hình thành ở thềm lục địa. Nguồn gốc của các sóng hạ âm cũng có thể là các núi lửa hoạt động ngầm dưới biển và động đất. Dĩ nhiên, hình dạng của các tấm gương phản chiếu sóng hạ âm ở thềm lục địa không hoàn chỉnh. Với kích thước tương đương bước sóng, cấu trúc thềm lục địa cũng có thể có tính chất cộng hưởng. Cần phải nghiên cứu mối liên hệ giữa tham số của các nguồn phát ra sóng hạ âm và sự phân bố cường độ sóng hạ âm trong mỗi khu vực bị nghi là có hiện tượng dị thường. Quy luật hình thành các khu vực nguy hiểm quyết định mức độ của các biện pháp phòng ngừa.

    Ảnh hưởng của sóng hạ âm tới con người không chỉ trực tiếp đối với cơ thể, mà còn tới hệ thống thần kinh. Trong quá trình tiến hóa của con người, chắc chắn đã hình thành một trung tâm xúc cảm với sóng hạ âm nhằm báo động trước động đất và núi lửa. Tập hợp các phản ứng cần phải có khi xảy ra tác động bên ngoài vào trung tâm này để có thể xác định được, khi biết chức năng của các phản ứng đó là để đảm bảo cho con người sống sót an toàn mỗi khi bị các tai nạn tương tự. Vậy đó là phản ứng gì? Có thể nêu tên các phản ứng sau: Né tránh không gian khép kín để không bị rơi vào tình trạng chết hàng loạt, xu hướng chạy ra tránh xa các đối tượng có thể bị đổ vỡ. Nói tóm lại, con người có xu hướng chạy đi bất cứ đâu để tránh khu vực có thảm họa hay nguy hiểm. Dĩ nhiên, tất cả những hành động đó đều kéo theo cảm xúc sợ hãi.

    Có thể quan sát được các phản ứng tương tự ở nhiều động vật, như chó biết cứu các em nhỏ trước khi xảy ra động đất. Đồng thời, khi bị tác động trực tiếp vào cơ thể, sẽ xuất hiện các phản ứng không cụ thể như suy kiệt, mệt mỏi và rối loạn giống như khi bị tác động bởi tia X quang và sóng vô tuyến tần số cao. Ngày nay, con người không còn nhạy cảm với sóng hạ âm, nhưng khi bị tác động của sóng hạ âm cường độ lớn, hệ thống bảo vệ từ xa có thể bị kích động và lấn át khả năng hành động tỉnh táo. Nếu sự sợ hãi không phải do các biểu tượng bên ngoài gây ra thì có thể xuất phát từ bên trong. Con người sẽ cảm thấy một xúc cảm sợ hãi một cách vô thức. Điều này được chứng minh qua những lời nói cuối cùng của các phi công và thủy thủ khi bị chết trong vùng Tam giác quỷ, như: "Bầu trời thật khác lạ", "Mặt biển thật khác lạ, một điều khủng khiếp đang xảy ra"... Nếu sự sợ hãi do các biểu tượng bên ngoài gây nên thì những người dũng cảm đã quen với nỗi sợ hãi có thể kịp phát những thông báo cụ thể. Phụ thuộc vào cường độ của sóng hạ âm, những người ở trên tàu có thể cảm thấy sợ hãi ở các mức độ khác nhau. Họ có thể ngồi vào xuồng và bơi khỏi tàu hoặc chạy lên boong. Với cường độ sóng hạ âm cực lớn, họ có thể bị chết như đã từng được mô tả.

    * Liệu có thể hóa giải được huyền thoại về Tam giác quỷ Bermuda?

    Mới đây, nhà địa chất người Anh Alan Judd đã phát hiện một xác tàu đắm ở Witch's Hole, ngoài khơi Scotland, với những dấu hiệu của một "cái chết" bí ẩn. Việc nghiên cứu của ông có thể sẽ làm sáng tỏ những điều kỳ lạ về toạ độ chết Bermuda.

    "Này, này... lạ thật, có phải... đúng, đúng là một chiếc tàu! Nhưng quỷ thật, tại sao nó lại lặn ở đây?" nghiêng mình về phía chiếc máy dò bằng sóng âm, Alan Judd cảm thấy bối rối. Đây không phải lần đầu tiên nhà địa chất người Anh, chuyên thăm dò những mỏ dầu dưới đáy biển cho công ty Total, phát hiện một xác tàu chìm. Nhưng lần này, vị trí chiếc tàu mà ông vừa nhìn thấy trên màn hình lại nằm chính giữa một cái hố rộng đường kính khoảng 100 m, vốn rất quen thuộc với các nhà nghiên cứu khí đốt tự nhiên.

    Witch's Hole hình thành sau khi một túi khí ngầm dưới biển thoát ra đột ngột. Mỏ khí mêtan này nằm ngoài khơi, cách bờ biển Scotland 150 km. Nhưng tại sao chiếc tàu lại chìm nằm ngay giữa lỗ hổng ấy. Liệu nó có liên quan gì đến vụ thoát khí đột ngột nào đó không?

    * Từ một giả thuyết


    Hiện tượng Witch's Hole thường xảy ra khi người ta khoan dầu nhưng chẳng may gặp phải túi khí. Từ bấy lâu nay, nó là nỗi lo sợ của các công ty khai thác dầu, vì đã có hơn 40 tàu thăm dò bị lật nhào do khí thoát đột ngột. Về mặt lý thuyết, có lẽ nhiều chiếc tàu đã bị nhấn chìm giữa đại dương do khí mêtan thoát ra theo cách đó. Từ năm 1982, nhà địa chất Mỹ Richard D. Maiver, một chuyên gia về dầu khí đã đề xuất giả thuyết này để giải thích những vụ mất tích bí ẩn ở vùng Tam giác quỷ Bermuda, ngoài khơi Mexico. Thế nhưng, từ đó đến nay chưa có ai tìm được chứng cứ xác thực.

    Theo Maiver, có lẽ "thảm kịch xảy ra như sau: Trong lúc khí mêtan bất ngờ thoát ra khỏi túi khí ngầm gây nên một đợt sóng dữ dội trên mặt biển, một chiếc tàu xui xẻo nào đó đi vào giữa vùng biển hỗn độn này. Những đợt sóng ấy chẳng có gì nguy hiểm lắm. Nhưng khi khí mêtan thoát hết, dưới đáy biển hình thành một lỗ hổng khổng lồ. Nước sẽ dồn lại để lấp đầy chỗ trống đó, kéo theo cả con tàu. Thế là nó chìm như là một tảng đá bị ném xuống nước mà không để lại bất kỳ dấu vết nào.

    Judd suy nghĩ nhiều về giả thuyết này. Dù sao kịch bản của Maiver cũng không vô lý. Ông đã thử nghiệm về kiểu đắm tàu này bằng mô hình thu nhỏ trong phòng thí nghiệm và được giáo sư Bruce C. Denardo, thuộc trường hải quân Caliornia, xác nhận. Trong một chậu thủy tinh chứa 4 lít nước, ông làm đắm một chiếc tàu tí hon nhờ một thiết bị giống như hệ thống thổi khí ôxy trong các bể nuôi cá. Thí nghiệm này chỉ là bước đầu để chứng minh giả thuyết của Maiver. Nhưng đại dương là một thế giới mở và phức tạp hơn chậu nước rất nhiều.

    * Dấu vết chưa xác định

    Chiếc tàu đắm mới được tìm thấy là cơ hội thuận lợi để Judd chứng minh nó thực sự là nạn nhân của một vụ thoát khí và như vậy giả thuyết của Maiver sẽ tìm được chỗ đứng. Năm 2000, trên chiếc Skandi Inspector rất hiện đại mượn của công ty nghiên cứu hải dương ở Aberdeen (hải cảng lớn thuộc đông bắc Scotland), Judd và cộng sự đã định vị và tiếp cận được với xác chiếc tàu đắm.

    Thoạt nhìn, vị trí của nó củng cố thêm những nghi ngờ của ông: Con tàu cắm thẳng trên nền Witch's Hole, như thể bị một đợt bọt khí khổng lồ chộp lấy rồi kéo xuống. Hơn nữa, những hình ảnh do tàu ngầm ghi lại cho thấy nó ít bị hư hại, mạn và cầu tàu vẫn còn nguyên vẹn. Trong trường hợp va vào đá ngầm, thân tàu thường bị vỡ toác khiến nước tràn vào làm tàu chìm.

    Mặt khác, đoạn phim do tàu ngầm quay ở bên trong Witch's Hole cho thấy đáy biển rất mấp mô, còn những chỗ khác lại bằng phẳng. Judd nhận định sự khác biệt này là dấu hiệu cho thấy, đã xảy ra một vụ trượt đất làm cho túi khí vỡ tung. Hơn nữa, đầu năm nay, Judd còn phát hiện thêm hai miệng núi lửa có kích cỡ tương tự như Witch's Hole, cách địa điểm ông khảo sát khoảng 100 km về phía bắc. Những tín hiệu của máy định vị bằng sóng âm cho biết có những vật lớn nằm ở giữa. Judd chưa xác định được đó là vật gì, nhưng ông phỏng đoán rất có thể đó cũng là những con tàu đắm.

    Tuy nhiên, chỉ những luận chứng này thôi vẫn chưa đủ để xác nhận giả thuyết. Vì vậy, Judd luôn tìm những bằng chứng cụ thể về vụ thoát khí, chẳng hạn dấu vết của những loại vi khuẩn đặc trưng, sinh sôi trong vùng có khí mêtan. Nhưng các cuộc tìm kiếm của ông vẫn vô vọng. Không có dấu vết nào của các loài vi khuẩn trong lớp trầm tích quanh xác tàu đắm. Dù vậy, Judd không đầu hàng, ông vẫn tiếp tục tìm kiếm những luận chứng khác để củng cố giả thuyết của mình. Ông hy vọng sẽ làm sáng tỏ mọi điều trong tương lai không xa.
     
    Nam Dã Tú Nhất thích bài này.
  3. Nyanko

    Bài viết:
    380
    28. VÌ SAO TRỨNG LUỘC QUAY TRÊN ĐẦU NHỎ?

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ngày nay khi con người đã chinh phục sao Hỏa, khám phá các hạt cơ bản, giải mã được bộ gene người., thì vẫn còn những hiện tượng đời thường làm đau đầu các nhà khoa học. Tại sao một quả trứng luộc có thể quay trên đầu nhọn của nó? Hai nhóm khoa học phải cần 6 tháng nghiên cứu để trả lời câu hỏi này.

    Bạn hãy quan sát hiện tượng sau: Khi bạn quay một quả trứng luộc với tốc độ nhất định, thoạt tiên bạn thấy nó chuyển động nghiêng ngả, rồi nó quay chậm dần và cuối cùng thì đứng thẳng trên chiếc đầu nhọn. Dường như đây là một nghịch lí, vì trọng tâm của quả trứng nằm ở phía đầu tù và theo lẽ thường, khi trứng quay trọng tâm phải hướng xuống dưới. Thế mà trứng lại quay bằng đầu nhọn mới lạ. Từ trước tới nay, chưa ai giải thích được hiện tượng này. Đúng dịp lễ Phục sinh năm đó, nhóm khoa học của Keith Moffatt, Đại học Cambridge (Anh) và Yutaka Shimomura, Đại học Keo (Nhật Bản) đã công bố các phương trình toán học để giải thích hiện tượng trên, qua 6 tháng nghiên cứu. Sở dĩ quả trứng luộc quay đứng bằng đầu nhọn là nhờ sự phối hợp giữa lực quay và lực ma sát. Theo tính toán, khi quả trứng quay với tốc độ trên 10 vòng/s, một phần của năng lượng quay được chuyển hóa thành lực theo phương ngang. Chính lực này nâng trọng tâm của trứng lên, khiến nó quay trên mũi nhọn, nhưng với tốc độ chậm dần. "Quả trứng "hy sinh" năng lượng quay để trứng đứng thẳng", Moffatt nói.

    Hiện tượng trứng luộc quay đứng bằng đầu nhọn chỉ xảy ra khi mặt bàn không quá nhẵn cũng không quá sần sùi. Nó cần một lực ma sát để cân bằng với lực theo phương ngang do năng lượng quay sinh ra. Nếu bàn quá nhẵn, lực ma sát không đủ lớn, quả trứng sẽ bị đổ. Ngược lại, nếu ma sát quá lớn thì trứng không quay được.

    Trứng sống không thể quay đứng bằng đầu nhọn, vì phần lớn năng lượng quay truyền cho vỏ trứng bị phần lỏng bên trong hóa giải và không đủ lực cho nó đứng thẳng lên được nữa.
     
    Nam Dã Tú Nhất thích bài này.
  4. Nyanko

    Bài viết:
    380
    PHẦN 3:
    NHỮNG ĐIỀU KỲ LẠ CỦA THẾ GIỚI ĐỘNG THỰC VẬT

    1. THẦN GIAO CÁCH CẢM Ở LOÀI VẬT

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trong một chiếc tàu ngầm, người ta đưa xuống một đàn thỏ con mới sinh, tách khỏi mẹ chúng đang ở trên mặt đất, cách đó hàng nghìn km. Đoàn thủy thủ được mệnh lệnh giết từng con thỏ một. Và cứ sau mỗi nhát dao, trên điện tâm đồ, người ta lại thấy tim của thỏ mẹ đập nhanh hơn...

    Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học Nga không giải thích được tại sao lại có sợi dây vô hình giữa thỏ mẹ và con dù ở cách xa nhau như vậy và chấp nhận coi đó là hiện tượng thần giao cách cảm. Điều không thể giải thích này chỉ là một trong vô số bí ẩn của tự nhiên được giáo sư Phillippe de Wailly tập hợp lại trong cuốn sách có tựa đề "Giác quan thứ sáu ở loài vật".

    Trong những khả năng linh cảm của động vật, phải kể đến khả năng "tiên tri" thảm họa, nhất là động đất, phun núi lửa. Một buổi sáng mùa hè năm 1963, nhân viên bảo vệ Thảo cầm viên ở thành phố Skopje thuộc tỉnh Macedonia của Nam Tư (nay là thủ đô Skopje của nước cộng hòa Macedonia) cảm thấy có điều gì đó khác thường. Từ sáng sớm, không hiểu vì sao những con thú rừng nuôi trong lồng nhốn nháo cả lên, chúng không ăn uống, cứ gào lên những tiếng thảm thiết, nhảy lung tung định phá hàng rào ra ngoài. Đến chiều thì hiện tượng này lây sang cả vật nuôi trong nhà. Những chú mèo vốn hiền lành bỗng leo lên mái nhà, xù lông, cong đuôi rồi rít lên từng hồi. Vài con bò không biết từ đâu chạy ngơ ngác trên đường phố, va vào cửa hàng, xe cộ... Còn chim chóc xáo xác xuất hiện từng đàn bay về hướng nam. Hình như tất cả các con vật với tiếng kêu hay cử chỉ riêng đều muốn báo cho cư dân thành phố một điều gì đó rất nghiêm trọng. Nhưng con người đã bỏ qua hiện tượng này và khi chợt hiểu ra thì đã quá muộn. Vào 5 giờ sáng ngày 26/7/1963, trong lúc mọi người chưa thức giấc, thì mặt đất chuyển động nhô lên rồi hạ xuống như sóng biển, những khe đất mở ra như miệng con quái vật. Chỉ sau 17 phút, cả thành phố chỉ còn là một đống đổ nát chôn vùi 1.500 người bất hạnh.

    Theo Giáo sư Phillippe de Wailly, giác quan thứ sáu của loài vật còn thể hiện ở mối quan hệ khác thường giữa chúng với những cái chết của thân chủ. Vào 18 giờ trong một chiều mùa đông năm 1952, gia nhân trong cung điện Buckinham bỗng nghe thấy được tiếng rít đau đớn của chú mèo Jack of Sandrigham được nhà vua George VI của Anh rất cưng chiều. Chỉ vài phút sau, các bác sĩ thông báo là nhà vua đã qua đời.

    Còn vào thập niên 30, khi Bộ trưởng hàng không Pháp là Maurice Bokanovski bị chết trong một tai nạn máy bay ở thành phố Toul, miền nam nước Pháp, thì con mèo được ông rất yêu quý ở Paris bỗng kêu gào thảm thiết, rồi bỏ trốn dưới một cái tủ, ngay đúng thời khắc chiếc máy bay chở chủ nó đâm sầm xuống mặt đất. Suốt nhiều ngày liền con mèo không rời đáy tủ, cho đến khi xác của Bokanovski được đưa về Paris tẩm liệm thì nó mới chui ra.

    Nhà văn lừng danh người Đan Mạch, Hans Christian Andersen, có một người bạn thân là Giáo sư Olaf Lunden bị mắc bệnh lao phổi nên phải đến vùng Bờ biển Ngà để điều trị. Trước khi đi, giáo sư Lunden gửi chú chó Amour của mình lại cho bạn chăm sóc giùm. Sau đó hai người vẫn giữ liên lạc với nhau. Thời gian sau, chú chó Amour rầu rĩ đến mức bỏ ăn. Một buổi sáng, nhà văn bỗng thấy Amour đến gần bên mình rồi liếm tay ông một cách mệt mỏi, buồn rầu, trước đó không lâu ở tận miền nam nước Pháp, chủ nó vừa mới qua đời.

    Nữ diễn viên nổi tiếng Brigitte Bardot của Pháp cũng kể lại rằng: Vào thời điểm mà mẹ của bà qua đời tại Bệnh viện Neuilly ở Paris, thì chú chó đốm Nini đang ở cùng bà tại vùng Bazoches, cách Paris 30 km, bỗng hú lên từng cơn một cách đau đớn. Nini được mẹ của Brigitte nuôi dưỡng từ nhỏ và chỉ gửi lại cho con gái khi phải vào cấp cứu tại Bệnh viện.

    Cho dù các nhà khoa học rất cố gắng trong việc nghiên cứu những bí ẩn của loài vật, nhất là hiện tượng tiên đoán những biến động của trái đất, cái chết của con người, cảm giác của động vật với chủ, nhưng dường như lời giải đáp vẫn còn ở đâu đó. Còn với con người, ngày càng phát hiện thêm nhiều điều kỳ lạ liên quan đến khả năng phi thường của động vật.
     
    Nam Dã Tú Nhất thích bài này.
  5. Nyanko

    Bài viết:
    380
    2. GIẢI MÃ CƠ CHẾ BAY CỦA THẰN LẰN CỔ ĐẠI

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thông minh hơn cả chim hiện đại, loài bò sát cổ này không chỉ thực hiện những chuyến du ngoạn trên không hoàn hảo nhờ đôi cánh có màng như cánh dơi, chúng còn thực hiện các biện pháp kiểm soát cơ thể mà chim ngày nay không có.

    Sankar Chatterjee – nhà khảo cổ học đồng thời là một kỹ sư hàng không ở Đại học Công nghệ Texas (Mỹ) - đã kết hợp các kiến thức cơ bản của mình để làm sáng tỏ khả năng kỳ diệu của thằn lằn bay, những sinh vật có kích cỡ thay đổi từ một con chim két tới một phi cơ phản lực.

    Chatterjee đã nghiên cứu 10 nhóm thằn lằn bay được bảo quản trong các tầng hóa thạch ở Brazil, áp dụng những mô hình khí động học thường được dùng để nghiên cứu máy bay và trực thăng.

    "Điều kỳ diệu là chúng bay có thể được với những chiếc cánh cực dài và cực mỏng như vậy". Chatterjee nói.

    Nhà nghiên cứu này đã phát hiện một điều đặc biệt chỉ có ở thằn lằn bay mà không có ở chim hiện đại: Ngón chân thứ tư cực dài của nó nâng đỡ và điều khiển phần ngoài của cánh, trong khi ba ngón nhỏ hơn nằm tự do bên trong tại chỗ gấp khúc phía trước cánh. Những ngón tự do này cho phép chúng vồ mồi và thậm chí đi trên mặt đất trong nhiều giờ.

    Hơn nữa, những con thằn lằn bay lớn nhất dường như còn cứng hóa đôi cánh của mình, giống như những tấm ván buồm. Dạng "tấm ván" này tạo cho đôi cánh mỏng có sức mạnh khi xòe rộng, nhưng vẫn có thể gập lại lúc hạ xuống mặt đất.

    Các nhà nghiên cứu cũng khám phá ra rằng: Thằn lằn bay có hai loại cánh. Một loại được tìm thấy trên nhóm "rhamphorhynchoids", có đôi cánh mỏng như của dơi, với màng da gắn vào mắt cá chân. Từ cấu tạo này, thằn lằn bay đã tiến hóa lên dạng cánh "pterodactyloids" tiến bộ hơn, thuôn, hẹp hơn và gắn gần với khuỷu cánh (chỗ gấp khúc).

    "Những kiểu hình như vậy cũng đa dạng như chim hiện đại", Chatterjee nhận xét. Chim hiện đại sử dụng một loạt kỹ thuật bay, từ cách lượn - tiết kiệm năng lượng như ở chim hải âu lớn, đến đập cánh nhanh và chao mình giống với loài chim ruồi. "Trong một số trường hợp, thằn lằn bay còn điêu luyện hơn cả chim".

    Phát hiện này đã xóa nhòa những ý kiến trước kia cho rằng: Các sinh vật có vẻ ngoài giống rồng chỉ là những con thằn lằn biết nhảy cóc và biết lượn trên không.
     
    Nam Dã Tú Nhất thích bài này.
  6. Nyanko

    Bài viết:
    380
    3. CÁ KÌNH THÍCH NHẠI TIẾNG

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Lần đầu tiên, nhờ thiết bị công nghệ cao dưới nước, các nhà khoa học đã thu được tiếng kêu của từng con cá kình riêng biệt. Băng ghi âm tiết lộ: Gia đình lũ cá voi này rất thích bắt chước nhau trong khi nói chuyện.

    Trước đây, người ta cũng từng thu được âm thanh của cá kình (một nhóm động vật lớn thuộc họ cá heo trong bộ cá voi), song đó chỉ là những tiếng kêu pha tạp và các nhà nghiên cứu không thể phân biệt được nó phát ra từ thành viên nào trong bầy.

    Dữ liệu trong cuộc nghiên cứu mới nhất phỏng đoán rằng cá voi giao tiếp với đồng loại tương tự như con người, các loài linh trưởng, cá heo và chim.

    Patrick Miller, trưởng nhóm nghiên cứu tại Bộ phận nghiên cứu thú biển NERC (Đại học Andrews ở Scotland) và cộng sự đã theo dõi những con cá kình được đánh dấu bằng cách sử dụng một chiếc thuyền nhỏ kéo theo một chùm các ống nghe dưới nước. Chùm ống nghe này nhằm xác định góc tới của âm thanh và xác định con nào đang tạo ra tiếng động. Tất cả âm thanh thu được đều thuộc những nhóm gia đình nào đó, bởi cá kình sống theo đàn gần gũi nhau về huyết thống. Cá kình con thường không xa mẹ cho đến lúc chết.

    Âm thanh được thu lại khi các cá thể tách khỏi bầy theo một góc ít nhất 20 độ. Từ đó, nhóm nghiên cứu có thể phân biệt từng con theo đặc điểm nhận dạng của chúng. Phân tích băng thu âm cho thấy khi một thành viên trong đàn cất tiếng, những con khác sẽ bắt chước kêu theo. Thử nghiệm trên những tiếng kêu ngẫu nhiên, chứng tỏ rằng số lần mô phỏng như vậy lớn hơn nhiều sự trùng lặp tình cờ, có nghĩa là cá kình phải cố ý bắt chước tiếng gọi của con khác.

    Miller và cộng sự không chắc chắn về ý nghĩa của những âm thanh này, nhưng tin rằng "những cuộc nói chuyện" giúp gia đình chúng được bảo toàn.

    Trong nhiều tình huống, con người cũng bắt chước nhau, như khi một người nào đó nói "xin chào" với một người bạn hoặc một người trong nhà, anh ta sẽ nhận được những câu đáp tương tự: "Xin chào". Nghiên cứu trước kia còn thông báo rằng cá heo mũi to cũng tham gia những cuộc nhái tiếng như vậy.
     
    Nam Dã Tú Nhất thích bài này.
  7. Nyanko

    Bài viết:
    380
    4. PHÁT HIỆN CHIM KHƯỚU MUN TẠI RỪNG ĐĂKRÔNG

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Các nhà khoa học thuộc bảo tàng Lịch sử tự nhiên Thụy Điển, trong khi thám hiểm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đăk Rông - Quảng Trị, đã phát hiện một đàn khướu mun gồm 5 con và đây được coi là loài chim quý có tên trong sách Đỏ thế giới.


    Voi sử dụng âm thanh để liên kết bầy đàn và bày tỏ tình cảm
    Khướu mun là loài chim đặc hữu của rừng Đông Dương, tên khoa học là Stachyris herberti, thường kiếm ăn ở các lèn đá hiểm trở trên núi đá vôi. Trên thế giới lần đầu tiên chúng được phát hiện tại Lào năm 1937, lần thứ hai tại Phong Nha- Kẻ Bàng (Việt Nam) năm 1996. Các nhà khoa học nhận định: Tình trạng sinh sống thưa thớt của khướu mun ở rừng miền trung Việt Nam cho thấy loài chim quý này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
     
    Nam Dã Tú Nhất thích bài này.
  8. Nyanko

    Bài viết:
    380
    5. BƯỚM TỪNG ĐỒNG HÀNH VỚI KHỦNG LONG

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Những sinh vật duyên dáng nhất trong thế giới côn trùng dường như đã bắt đầu lịch sử cùng với nhóm bò sát khổng lồ, lùi xa hơn nhiều so với ước đoán trước kia của giới khoa học. Các mẫu hóa thạch hổ phách tuyệt mỹ của chúng vừa nói lên điều đó.

    Năm miếng hổ phách được tìm thấy ở Cộng hòa Dominica thuộc vùng biển Caribbe, mỗi mảnh chứa một con bướm metalmark còn nguyên vẹn, thuộc loài Voltinia dramba đã tuyệt chủng. Trước đó, hóa thạch bướm được xem là cổ nhất có niên đại khoảng 40-50 triệu năm. Song, 5 mẫu vật mới này đã phá kỷ lục đó: Chúng chứng tỏ bướm có thể bay lượn trên đầu lũ khủng long - loài sinh vật bị tuyệt chủng khoảng 65 triệu năm trước.

    "Thật khó để tin nổi sự hoàn hảo của các mẫu vật. Chẳng khác gì bạn bắt lấy một con bướm ở hiện đại và đặt nó dưới ánh sáng hiển vi", Robert Robbins, một thành viên của nhóm nghiên cứu tại Viện Smithsonian ở thủ đô Washington, Mỹ, tuyên bố.

    Robbins và hai nhà côn trùng học Jason Hall, Donald Harvay đã tìm hiểu 5 mẫu hóa thạch này trong nhiều năm. Khi họ hàng gần nhất của chúng – bướm Voltinia danforthi còn sống và được phát hiện ở Mexico, họ đã có thể rút ra kết luận của mình về sự tiến hóa của bướm.

    Ngày nay, bướm metalmark chỉ còn duy nhất một loài tồn tại trên quần đảo Caribbe, nhưng Trung và Nam Mỹ thì có hơn 1.200 loài. Metalmark sống ở các vùng ẩm ướt và chủ yếu ở sâu trong rừng Amazon hoặc các rừng ẩn trong mây mù.

    "Các công trình nghiên cứu gần đây của chúng tôi cho thấy: Hóa thạch trong hổ phách và loài đang sống ở Mexico Voltinia danforthi là chị em họ gần nhất của nhau", Robbins giải thích.

    "Voltinia danforthi và Voltinia dramba đã phân tách thành hai dòng cách đây ít nhất 15-20 triệu năm. Nhưng vì chúng hầu như không chịu cư trú ở vùng nào khác ngoài các rừng nhiệt đới, nên chúng tôi có thể tin chắc rằng bướm hổ phách hẳn đã theo chân các hòn đảo khi các đảo này trôi dạt từ Trung Mỹ tới Caribbe".
     
    Nam Dã Tú Nhất thích bài này.
  9. Nyanko

    Bài viết:
    380
    6. HƯƠU CAO CỔ KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG CAO CỔ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hàng triệu năm trước, rất nhiều động vật vùng Bờ Tây, Nam Phi, từng tồn tại trong hình dáng khá khác biệt so với hậu duệ của chúng ngày nay. Trong số đó có những sinh vật như hươu cao cổ với cái cổ rất ngắn và những chiếc sừng dài.

    Một cư dân của vùng Jacobs Bay, Rudolf van Vuuren, đã khám phá ra dấu tích của một trong những sinh vật đã đi vào dĩ vãng đó- còn được gọi là sivathere - trong một hố đào để cung cấp vật liệu cho con đường mới mở trong thị trấn.

    Van Vuuren đưa chiếc xương hóa thạch tới Công viên hóa thạch Bờ Tây gần Langebaaweg và trao nó cho nhà quản lý Pippa Haarhoff. Haarhoff cho biết đó dường như là một phần của một con sivanthere - loài đã tuyệt chủng vào khoảng 400.000 năm trước. "Còn phải kiểm tra thêm nữa, nhưng từ những gì nhìn thấy, chúng tôi phỏng đoán đó là một con sivanthere", Haarhoff nói.

    Chiếc xương, có thể là xương đùi, đã bị gãy làm đôi trong khi đào đất. "Nửa còn lại có thể vẫn nằm trong hố và ông Van Vuuren quyết định sẽ tìm kiếm nó. Cả vùng Bờ Tây ken cứng các hóa thạch", Haarhoff nói.

    Sivanthere là một động vật lớn, chắc nịch. "Chúng tôi không rõ mục đích của những chiếc sừng dài trên đầu chúng - có thể là một cách phô trương tính dục chăng".

    Cho tới nay, hàng nghìn hóa thạch đã được các nhà khảo cổ tìm thấy ở Langebaanweg, trong đó có những động vật tối cổ như cánh cụt khổng lồ, gấu và mèo răng kiếm. Khoảng 500 con sivanthere cũng được tìm thấy ở đây, nhưng không hóa thạch nào có sọ nguyên vẹn.
     
    Nam Dã Tú Nhất thích bài này.
  10. Nyanko

    Bài viết:
    380
    7. GIẢI MÃ NGÔN NGỮ CỦA LOÀI VOI

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nhà sinh vật học Joyce Poole đã nhận ra rằng voi sử dụng hơn 70 kiểu phát âm và 160 tín hiệu, biểu hiện cử chỉ để giao tiếp hàng ngày với nhau. Đó là kết quả của 27 năm bà sống giữa đàn voi ở công viên quốc gia Amboseli, Kenya, để nghiên cứu hành vi và cách thức giao tiếp của chúng.

    Giống với con người và nhiều động vật có vú khác, voi có nhiều kiểu tiếng kêu, tín hiệu để phục vụ các mục đích khác nhau như: Phòng vệ, cảnh báo nguy hiểm, gia nhập các hoạt động tập thể, hòa giải bất đồng, thu hút bạn tình, củng cố mối quan hệ gia đình, bày tỏ nhu cầu và ước muốn...

    Những biểu hiện tình cảm như vui thích, giận dữ, thông cảm, trêu đùa và nhiều trạng thái khác đều được thể hiện bằng những màn trình diễn âm thanh phi thường. Chúng không chỉ rống lên mà còn kêu ré, hò hét, gầm gừ, gào rú, khịt khịt, rên rỉ...

    Các tiếng kêu có thể biến đổi từ nhẹ nhàng như những lời thủ thỉ đến đinh tai nhức óc hơn cả một cái búa khoan, có thể choe chóe như tiếng gà gáy hay ùng ục như nước chảy qua cống ngầm. Một số âm thanh còn nhỏ đến nỗi tai người không thể nghe được.

    "Voi là động vật rất sung sức và biểu cảm", Poole nói, "Tình cảm và năng lượng của cả đàn khi kết hợp với nhau thật mạnh mẽ".

    Theo các nhà khoa học, voi cần có hệ thống giao tiếp tinh tế như vậy để duy trì một cấu trúc xã hội phức tạp, dựa trên các mối quan hệ gia đình bền vững. Voi đực trưởng thành sống và hoạt động riêng rẽ hoặc trong mối quan hệ lỏng lẻo với các con đực khác, nhưng con cái trưởng thành thì cầm đầu các nhóm gồm những con cái và con nhỏ khác. Do vậy, voi đực và voi cái cũng có tiếng kêu khác nhau phù hợp với vai trò của chúng. Ngoài âm thanh, voi còn giao tiếp qua xúc giác, khứu giác, thị giác và tín hiệu hóa học.

    Những âm thanh siêu mạnh mẽ cho phép chúng truyền thông điệp và lời cảnh báo với khoảng cách rất xa. Ví dụ, voi có thể gửi những thông điệp như: "Xin chào, tôi ở đây. Bạn ở đâu?"; "Cứu tôi với, tôi bị lạc"; "Tôi đã sẵn sàng để làm bạn tình" hoặc "Chúng ta đang là mục tiêu bị thanh toán"...
     
    Nam Dã Tú Nhất thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...