Nhận xét về chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự, Bùi Việt Thắng cho rằng: "Một chi tiết đắt giá ngoài ý nghĩa là một chi tiết chân thực còn cần đạt tới ý nghĩa tượng trưng, hàm chứa một cách nhìn, một cách đánh giá và năng lực tưởng tượng của nhà văn về cuộc sống và con người" Qua Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. Bài làm Xuân Quỳnh trong cảm hứng về thơ đã nhận xét: "Thơ ca đối với đời sống tựa như người con gái trong gia đình, thứ để người ta làm quen là nhan sắc nhưng thứ để sống với nhau lâu dài là đức hạnh" Quả thực vậy! Không chỉ thơ ca mà bất kì loại hình nghệ thuật "vị nhân sinh" nào cũng phải gắn liền với "nhan sắc" và "đức hạnh" của riêng nó. Tựa như thần long nhập cốc, đem đến nguồn sinh khí mới khiến chốn thâm sơn phút chốc hóa phong cảnh hữu tình, văn chương hạ phàm cũng tạo nên những giao lộ hoa lệ, nở rộ trong tình người và tình văn. Trong địa hạt của văn chương, ta nâng niu và trân trọng từng nhành cây, ngọn cỏ như những chi tiết đắt giá như Bùi Việt Thắng nhận xét: "Một chi tiết đắt giá ngoài ý nghĩa là một chi tiết chân thực còn cần đạt tới ý nghĩa tượng trưng, hàm chứa một cách nhìn, một cách đánh giá và năng lực tưởng tượng của nhà văn về cuộc sống và con người" Bạn say mê, ngây ngất trước một trảng cỏ hoa lệ hay một đồi cây úa tàn? Bạn ngắm ánh bình minh của buổi sáng huy hoàng màu mắt cá hay buồn cùng ánh chiều tà đau đáu rặng tre? Đỉnh núi thì cao thật đấy, nhưng là do từng hòn sỏi, nhành gỗ tạo nên. Mùa xuân đẹp nhường ấy nhưng cũng là do trăm hoa trăm dáng góp thành. Phải chăng, văn chương muôn đời cũng chính là những sự vật hiện hữu ấy. Bởi thế giới văn chương cũng được thành hình từ từng chi tiết và đáng nói rằng: Chi tiết đời thường có thể xấu xí nhưng đã là những chi tiết được văn chương thừa nhận thì phải đẹp, không chỉ đẹp mà còn đẹp theo một cách riêng. Đặc biệt là trong các tác phẩm văn xuôi, chi tiết phải chăng chính là "một lát cắt của sự sống, là một sự kiện diễn ra có phần bất ngờ nhưng cái quan trọng là sẽ chi phối nhiều điều trong cuộc sống con người" (Nguyễn Minh Châu) Là nhà văn, đặc biệt là một nhà văn chân chính, ngòi bút của anh phải chấm vào nghiên mực cuộc đời, hòa cùng máu thịt của anh để những chi tiết trở thành "chân thật" một cách toàn bích. Bởi "nhà văn không có phép thần thông vượt ra khỏi thế giới này, nhưng thế giới này trong con mắt nhà văn phải có một hình sắc riêng" (Hoài Thanh) Như vậy, có thể nói rằng một chi tiết nghệ thuật đắt giá, trước hết phải đảm bảo tính chân thực và chính xác. Tuy nhiên, nó "còn cần đạt tới ý nghĩa tượng trưng, hàm chứa một cách nhìn, một cách đánh giá và năng lực tưởng tượng của nhà văn về cuộc sống và con người" Nghĩa là khi nhà văn sáng tạo nên một chi tiết nghệ thuật dựa trên những gì đã có sẵn, "những người cho máu" phải gửi gắm trong đó một cách nhìn, một cách đánh giá và tưởng tượng. Bởi văn học xuất phát từ cuộc đời nên nó không thể thoát khỏi quy luật ở đời, thế nhưng văn học không cho phép người nghệ sĩ bê si nguyên những gì đã có vào tác phẩm mà đòi hỏi những điều gì đó mới mẻ, sáng tạo thậm chí mang ý nghĩa thức tỉnh con người về những giá trị chân-thiện-mĩ ở đời. Xét đến tận cùng, phải chăng câu lí luận của Bùi Việt Thắng: "Một chi tiết đắt giá ngoài ý nghĩa là một chi tiết chân thực còn cần đạt tới ý nghĩa tượng trưng, hàm chứa một cách nhìn, một cách đánh giá và năng lực tưởng tượng của nhà văn về cuộc sống và con người" đang nhấn mạnh đặc trưng của chi tiết nghệ thuật: Đó là phải đảm bảo tính chân thực, gắn bó với đời sống và cách tân, mới mẻ để thể hiện được chiều sâu tư tưởng của người viết. Nguyễn Đình Thi đã phải khẳng định: "Người nghệ sĩ không muốn ghi cái đã có rồi, mà muốn nói điều gì mới mẻ. Anh muốn gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn gửi, anh muốn đem một phần của mình đóng góp vào đời sống chung quanh" Quả thực là khi một người nghệ sĩ cầm bút sáng tác, có mấy ai mà chịu được sự vô danh, núp bóng mà không tìm được cho mình dấu ấn riêng biệt. Có những người sẽ lựa chọn chau chuốt cho ngôn từ, hình ảnh trong tác phẩm thêm sinh động, có người lại kiếm tìm những đề tài mới mẻ để khai thác và phản ánh.. Và tất nhiên cũng không thể thiếu "những con chim náu mình nơi bóng tối" (Shelly) cẩn thận và tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ. Bởi "Người nghệ sĩ phải tạo ra một tia lửa trước khi có thể nhóm lên lửa" cũng giống như trong cuộc sống, phải biết yêu mình thì mới biết yêu người, phải làm đẹp cho bản thân thì mới có thể làm đẹp cho đời. Vì ta đâu thể chi đi những điều mà ta không có nên một chi tiết bắt buộc phải đẹp cả về hình thức lẫn nội dung tư tưởng mới có thể truyền tải những thông điệp ý nghĩa đến cho mọi người. Nói một cách cụ thể hơn, những chi tiết đắt như càng chính là điều mà mỗi con người nặng gánh nợ đời văn không ngừng tìm kiếm, bởi chỉ có những chi tiết ấy mới trở thành "thứ khí giới thanh tao và đắc lực" (Thạch Lam) của nhà văn để làm cho tâm hồn ta phong phú và trong sáng thêm. Chi tiết "Bát cháo hành" của Nam Cao được sinh ra cũng mang sứ mệnh cao cả ấy. Nó không chỉ là một tô cháo giải cảm mà còn là sự cứu rỗi của Chí Phèo. Bởi Thị Nở là người đàn bà đầu tiên cho hắn thứ gì đó, nên với Chí, bát cháo ấy có ý nghĩa thức tỉnh, rằng vẫn có một người thương Chí, chăm lo cho Chí và gợi lên trong hắn suy nghĩ được hoàn lương với một gia đình nhỏ - chồng cày thuê, vợ dệt vải, dư dả thì mua con lợn. Còn đối với bạn đọc, bát cháo hành của Thị dành cho Chí tựa như một minh chứng cho tình thương và niềm tin ở đời. Rằng con quỷ cũng sẽ có lúc được cảm hóa và làm người. Thế nhưng khi cánh cửa trở về xã hội của Chí đóng lại, Thị Nở phũ phàng với hắn, mùi hương cháo thoang thoảng trong tâm trí không thể níu con người của làng Vũ Đại lại trần thế nữa. Và hắn chết, chết trên ngưỡng cửa trở về với cái thiện! Cái chết của Chí Phèo làm ta vừa cảm thương vừa căm tức và phải chăng, khi Nam Cao xây dựng lên chi tiết bát cháo hành, ông đã gửi vào đó không chỉ là một câu chuyện của một con người có thật ở làng Vũ Đại mà còn là giá trị nhân đạo sâu sắc với ước mong cứu rỗi những con người đã thức tỉnh lương tri mà bất thành. Bằng tài năng nghệ thuật, Nam Cao đã xây dựng một chi tiết nghệ thuật đắt giá, không chỉ "chân thật" mà còn "hàm chứa một cách nhìn, một cách đánh giá và năng lực tưởng tượng" (chữ của Bùi Việt Thắng) Tây Bắc – Nếu Nguyễn Tuân tìm tới cho một thứ "vàng mười đã qua thử lửa" thì Tô Hoài lại mong muốn tìm ra sự thật và khao khát đấu tranh cùng nhân dân. Bởi như chính Tô Hoài từng quan niệm: "Quan sát và ghi chép đi liền với lối sống cần thiết của người viết văn. Quan sát bắt ta nhớ và mở rộng những điều ta biết" nên trong những sáng tác của mình, Tô Hoài dành trọn thời gian và lòng nhiệt thành để chắt lọc những bụi vàng lịch sử mà viết nên những chi tiết đắt giá, tô điểm cho những tờ hoa, trang hoa. Tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" là kết quả của chuyến đi cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc năm 1952 kéo dài 8 tháng sống cùng, ngủ cùng, chiến đấu cùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tác phẩm được in trong tập "Truyện Tây Bắc" (1953) này là một kỉ niệm son sắt, một thước phim chân thực về đời sống bà con và một tấm lòng tràn đầy tình thương mà Tô Hoài dành tặng cho bà con. Qua cuộc đời và số phận của Mị và A Phủ, Tô Hoài thể hiện một cách xúc động nỗi khổ của người dân miền núi Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn chúa đất, chúa mường và khẳng định vẻ đẹp vùng lên tự giải phóng của họ. Ở tác phẩm "Vợ chồng A Phủ", ta không chỉ khâm phục lối kể, lối tả phong phú và "làm vinh dự cho chữ quốc ngữ" (Hữu Thỉnh) của Tô Hoài mà còn trân trọng và nâng niu từng chi tiết nghệ thuật đắt giá trong bài, tiêu biểu là chi tiết căn buồng và tiếng sáo thức tỉnh một người con gái rẻo cao – Mị. Paulo Coelho từng nói: "Nước mắt là những từ cần được viết ra" Quả thực vậy, làm văn là nghề của con chữ, là cái nghề bắt buộc người làm nghề phải đứng tại đời sống mà hứng chịu mọi va đập ở nhiều chiều, nhiều phương diện. Anh càng đau khổ, con chữ của anh lại càng hay, bởi mỗi chữ anh viết không dành cho chính anh, mỗi chữ anh sáng tạo không chỉ là tiếng nói của riêng anh mà còn là tâm sự của những tấm lòng trong thiên hạ. Mỗi con chữ hay chữ viết đắt giá ấy đã tạo nên những chi tiết đẹp đẽ vô ngần ấy đã khảm lên tượng đài văn học vĩ đại những hòn ngọc quý mà muôn đời còn ám ảnh. Đọc truyện ngắn của Tô Hoài, ta rùng rợn trước một căn buồng: "Kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi" Mị - một cô gái người Mèo đương độ xuân thì đầy tài năng và sắc đẹp, nhưng vì món nợ gia đình, Mị trở thành con dâu gạt nợ của nhà Thống lí Pá Tra. Với cái danh con dâu của nhà giàu nhất vùng, người ta tưởng Mị sẽ được ăn trắng mặc trơn, không cần vất vả. Thế nhưng cuộc đời vốn chẳng có bức tranh nào toàn bình, bởi Mị còn sống không bằng con trâu con ngựa: "Con trâu con ngựa làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc cả ngày lẫn đêm" Hành hạ về thể xác đến thế mà cha con nhà Thống lí còn không tha cho tinh thần của Mị. Với những người khác, căn buồng là tổ ấm, là hạnh phúc và yêu thương như đối với Mị, căn buồng ấy là nơi giam giữ tinh thần Mị. Bởi A Sử và Mị không có lòng với nhau mà vẫn ở với nhau nên có đến hàng tháng liền, đêm nào Mị cũng khóc. Căn buồng ấy lúc nào cũng tối, thiếu ánh sáng vì chỉ có một ô cửa sổ là lỗ vuông nhỏ gần bằng bàn tay. Và Mị, khi về xin cha được chết không thành, đã ngồi trong căn buồng ấy mà tưởng mình "ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra đến khi nào chết thì thôi" Như vậy, sự ngột ngạt, tù túng của căn buồng đã khiến người con gái như đóa hoa ban của núi rừng mất dần khả năng phản kháng, dần trở lên lạnh lùng, vô cảm đến mất hết mọi giác quan. Thế nhưng cũng chính căn buồng ấy đã đánh dấu sự thức tỉnh và hồi sinh của Mị trong đêm tình mùa xuân: "Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng" Khi mùa xuân đến, trong tiếng sáo gọi bạn tình, Mị cũng muốn đi chơi. Khát vọng tuổi trẻ, khát vọng tình yêu đã dần đánh thức Mị và dẫn tới hành động phản kháng đầu tiên đó là thắp sáng căn phòng quanh năm chỉ mờ mờ của Mị. Đây là lần đầu tiên căn phòng ấy có ánh sáng, cũng như khát vọng sống mãnh liệt của Mị cũng bùng lên mạnh mẽ chưa từng có. Thế nhưng A Sử đã dã man trói Mị lại không cho Mị đi chơi. Hắn "tắt đèn" và tắt luôn cả hi vọng phản kháng mới vừa nhen nhóm trong Mị. Với chi tiết này, Tô Hoài đã khẳng định cái dã man, tàn bạo, áp bức mà người con gái rẻo cao không tình yêu, không hạnh phúc phải chịu đựng. Và chắc chắn ngoài kia vẫn sẽ tồn tại rất nhiều "căn buồng" như của Mị. Một căn buồng biệt giam tuổi xuân và sức xanh của những cánh chim vốn dĩ nên bay lượn. Nguyễn Minh Châu đã khẳng định: "Thiên chức của nhà văn là suốt đời đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người" Đó chính là lẽ sống của mỗi người cầm bút mà trước hết nó phải luôn được truyền tải trong mỗi tác phẩm "đã chấm hết". Với Tô Hoài, "hạt ngọc ẩn giấu" trong bề sâu tâm hồn con người đã được khai phá trong chi tiết "tiếng sáo" trong đêm tình mùa xuân – một chi tiết mà như Bùi Việt Thắng đã nhấn mạnh: "Một chi tiết đắt giá ngoài ý nghĩa là một chi tiết chân thực, còn cần đạt đến ý nghĩa tượng trưng, hàm chứa một cách nhìn, một cách đánh giá và năng lực tưởng tượng của nhà văn về cuộc sống và con người" HÌnh tượng tiếng sáo được nhắc đến nhiều lần trong đoạn trích: "Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi..", "Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng..", "Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lơ lửng bay ngoài đường..", "Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị theo những cuộc chơi.." Trước hết, hình tượng tiếng sáo biểu hiện cho nét đẹp phong tục, văn hóa của người dân miền núi, khơi mở một không gian Tây Bắc xa xôi rừng núi. Đó là biểu tượng cho tiếng gọi của cuộc đời, của tình yêu và tượng trưng cho cả hành trình tâm lí của mị. Bởi tiếng sáo đánh thức cảm xúc văn vẳng nơi xa: "Mày có con trai con gái rồi Mày đi làm nương Ta không có con trai con gái Ta đi tìm người yêu" Tiếng sáo gọi mùa xuân khiến Mị nhớ về ngày trước. Bởi xưa kia Mị cũng thổi sáo và thổi lá cũng hay như thổi sáo. Chính vì thế nên trai bản đến đứng nhẵn vách đá đầu buồng Mị. Thế nhưng thương thay cho kiếp hồng nhan bạc phận, từ hồi về nhà A Sử, Mị không còn nghĩ đến thổi sáo nữa. Giờ đây, khi gặp lại cố nhân, nó khiến Mị như say như tỉnh. Để rồi tiếng sáo thúc giục Mị hành động. Tiếng sáo rập rờn trong bữa rượu giục Mị sửa soạn đi chơi. Tiếng sáo đã giải thoát cho tâm hồn Mị nhưng A Sử đã đập tan mộng đẹp ấy. Trong Mị vẫn rập rờn tiếng sáo đối đáp giao duyên: "Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào.." Và Mị vùng bước.. Quẫn bách và tủi nhục đến thế! Tiếng sáo đã hóa thành tiếng lòng Mị, vẫn dai dẳng chẳng phân biệt được là quá khứ, hiện tại hay tương tai, là thực, mơ hay nửa hư nửa thực nhưng nó không còn đủ sức để gặp được người tri âm tự do nữa. Ta vô tình bắt gặp được bóng dáng nàng Kiều. Bởi khi trước, tài đàn của nàng đã có được bậc tri âm là Kim Trọng. Nhưng đôi tai của Kim Trọng vốn chỉ nghe được những thứ tuyệt bích, là khúc đàn của nàng trong 15 năm về trước. Vậy nên khi trải qua kiếp đoạn trường, tiếng đàn của nàng mất đi người tri âm tự nguyên – Kim Trọng mà thêm những kẻ thưởng đàn bất đắc dĩ là Hồ Tôn Hiến và Hoạn Thư: "Nghe càng thấm ngắm càng say Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình" Thế nhưng ít nhất nàng Kiều của Nguyễn Du vẫn có người lắng nghe và thấu hiểu, vậy còn Mị? Mấy ai hiểu cho Mị, mấy ai thực sự hiểu tiếng sáo của Mị? Có chăng chỉ có Tô Hoài và những độc giả yêu Mị mà thôi! Chi tiết "căn buồng" và "tiếng sáo" trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" là những chi tiết đắt giá đáng trân trọng trong cả thi đàn, văn đàn Việt Nam và nhân loại. Tô Hoài miêu tả hai chi tiết ấy rất thực và cũng nhờ cái thực ấy, ông đã gửi gắm cái nhìn xót thương, tâm hồn đồng cảm mà trân trọng sâu sắc sức mạnh và tinh thần của những người dân miền núi đặc biệt là Mị. Và như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhấn mạnh: "Văn chương của ông hướng về con người, số phận, cuộc đời lấm láp đời thường. Ông ra đi vì tuổi đời nhưng văn chương của ông vẫn còn nguyên giá trị" Đặc biệt, thông qua hai chi tiết nghệ thuật của Tô Hoài, ta càng khẳng định được tính đúng đắn trong nhận xét của Bùi Việt Thắng: "Một chi tiết đắt giá ngoài ý nghĩa là một chi tiết chân thực, còn cần đạt đến ý nghĩa tượng trưng, hàm chứa một cách nhìn, một cách đánh giá và năng lực tưởng tượng của nhà văn về cuộc sống và con người" Văn chương bao đời nay vốn nâng niu, trân trọng và giữ gìn những chất người của con người. Bởi mục đích cuối cùng của văn chương là nhân đạo hóa con người nên dù là những chi tiết nhỏ nhất của văn chương cũng mang một sức sống mãnh liệt căng tràn. Những chi tiết "vàng mười đã qua thử lửa" ấy đã diễn sinh ra nhiều nét đẹp nghệ thuật không thể không cảm nhận của văn chương và cũng chính vì lẽ đó, chúng không thể không tồn tại bên bạn đọc muôn đời. Thế nhưng chỉ khi nó có cả "tính chân thực" và "hàm chứa" như Bùi Việt Thắng nhấn mạnh mới có được quyền năng đó mà thôi!