Phân Tích Thơ Tình Người Lính Biển - Trần Đăng Khoa

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Alinguyen, 5 Tháng năm 2023.

  1. Alinguyen

    Bài viết:
    9
    Phân tích, đánh giá đặc sắc nội dung, nghệ thuật bài thơ Thơ tình người lính biển - Trần Đăng Khoa

    Có một mảng thơ rất hay viết về đề tài chiến tranh, đó là cuộc chia tay của người lính ra trận. Nguyễn Đình Thi có "Chia tay trong đêm Hà Nội", Nguyễn Mỹ có "Cuộc chia ly màu đỏ" và Trần Đăng Khoa với "Thơ tình người lính biển". Tác phẩm được sáng tác năm 1981 khi ông chính thức thuộc biên chế của Bộ Tư lệnh Hải quân và có dịp đi nhiều vùng biển, đến các đơn vị hải quân (từ những hạm đội, hải đoàn đến tận quần đảo Trường Sa), vì vậy ông có nhiều điều kiện để trực tiếp sống cùng và thấu hiểu cuộc sống người lính đảo. Nó diễn tả đúng trình tự thời gian từ lúc nhân vật "anh" chia tay với nhân vật "em" ở bến cảng tới lúc "anh" làm nhiệm vụ ở đảo xa, đan xen suy tư vừa cá nhân vừa mang tính thời đại và nó đã thể hiện thành công vẻ đẹp tâm hồn người lính biển.

    Ngay từ những vần thơ đầu tiên, hiện thực đã được tái hiện một cách đầy lãng mạn:

    "Anh ra khơi

    Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng

    Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng

    Biển một bên và em một bên.."

    Thi sĩ mở đầu văn bản bằng ba từ thật đơn giản: "Anh ra khơi" và đằng sau ba từ đấy lại đong đầy tâm trạng của chiến sĩ hải quân. Người lính chia tay bạn gái để lên tàu làm nghĩa vụ bảo vệ biển trời thân yêu của Tổ quốc. Một mối tình thật đẹp và lưu luyến nhưng cũng rất hiểu, thông cảm cho nhau về nhiệm vụ người bạn trai phải gánh vác. Thế nên, trong thời khắc chia xa, cả hai rảo bước đi dạo trên bến cảng như không biết xung quanh có gì và đây có lẽ là cái hạnh phúc dung dị hiếm hoi mà họ được bên nhau vì anh có thể một đi không trở lại. Ở đó, những cánh buồm trắng được treo ngang trên bầu trời xanh thẳm, cao vời vợi bởi những áng mây bồng bềnh (biện pháp nhân hóa "treo ngang trời") giống như đang báo hiệu đoàn thuyền đưa anh đến biển đảo xa xôi chuẩn bị cập bến và họ sắp phải xa nhau. Dấu chấm lửng đặt sau câu thơ "Biển một bên và em một bên" là một dụng ý nghệ thuật của tác giả, tạo cho người đọc sự sẻ chia, đồng cảm với sự xa cách trong tình yêu tuổi trẻ và tâm sự thiết tha chưa kịp nói hết, chưa kịp dãi bày. Tiếp theo, nhà thơ đã khắc họa tính cách của biển và em:

    "Biển ồn ào, em lại dịu êm

    Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ

    Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía

    Biển một bên và em một bên.."

    [​IMG]

    Chỉ một lần dạo trên bến cảng mà sự cồn cào của biển, sự dịu êm của em đã lan tỏa cả lòng anh. Ông dùng biện pháp đối lập "ồn ào" – "dịu êm", nhân hóa "biển ồn ào" để cho thấy biển cả mênh mông với những con sóng cuồn cuộn như thôi thúc tinh thần, như vẫy gọi anh hãy mau lên đường đi chiến đấu và sự dịu hiền, kín đáo ở em. Hai hình ảnh trên ngỡ như tương phản nhau, nhưng trong hoàn cảnh này, đây lại chính là sự tương thuộc bởi cả hai đã in đậm khắc sâu trong trái tim của anh rồi. Từng tiếng nói êm ái, từng tiếng cười dịu dàng của em đều rất tinh tế khi em chỉ buông câu nói da diết ái tình và nén nỗi đau chia ly đầy bịn rịn của người ở lại vào đáy lòng, rồi lặng lẽ mỉm cười như động viên, khích lệ. Nụ cười ấy chính là sợi dây vô hình níu giữ anh, khiến tâm hồn anh xao xuyến, bâng khuâng, khiến anh so sánh, ví von bản thân "như con tàu lắng sóng từ hai phía" : Biển và em. Được gần em hay gần biển đều là niềm khát khao cháy bỏng của người lính đảo. Thực ra, khi yêu, các anh cũng như bao người bình thường khác, đều muốn bên cạnh người mình yêu. Nhưng khi đất nước chưa yên bình, họ phải kìm nén ước muốn đó lại. Về điều này, thi sĩ Phùng Quán trong bài thơ "Hôn" đã nói hộ các anh:

    "Khi người ta yêu nhau

    Hôn nhau trong say đắm

    Còn anh, anh yêu em

    Anh phải đi ra trận"

    Ở khoảnh khắc đó, người lính chợt nhận ra:

    "Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn

    Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc

    Thăm thẳm nước trôi nhưng anh không cô độc

    Biển một bên và em một bên.."

    Điệp ngữ "ngày mai" khẳng định nơi anh đến thật xa xôi và có thời không cách trở, trải dài vô tận với chùm sao xa lắc, với thăm thẳm nước trôi (đảo ngữ "thăm thẳm"), tuy vậy, anh vẫn thực hiện nghĩa vụ bằng tâm thế lạc quan yêu đời. Trước biển trời bao la, con người thật nhỏ bé và tác giả khẳng định dù một mình nhưng "anh không cô độc" bởi trong trái tim, anh luôn có tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển cả, có gia đình, đồng đội và bóng dáng của em. Tiếp đến khổ bốn, thi nhân đã khơi gợi lại năm tháng khó khăn của dân tộc:

    "Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên

    Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng

    Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng

    Biển một bên và em một bên.."

    Ông nhân hóa "đất nước gian lao" để thể hiện nước ta trong giai đoạn ấy là một mảnh đất nhỏ bé đầy sự cực nhọc vì gánh nặng của chiến tranh, của những kẻ thù không ngừng gây chiến, muốn biến Việt Nam thành thuộc địa và còn cả của khí hậu, thời tiết đầy khắc nghiệt nữa, từ đó làm ta nhớ tới hai câu thơ trong "Mùa xuân nho nhỏ" : "Đất nước bốn ngàn năm/ Vất vả và gian lao". Hình ảnh ẩn dụ "những vành tang trắng" gợi vành khăn tang hay chính là nỗi đau của những nhân dân có người thân chết vì thiên tai, bão tố khắc nghiệt và gợi nỗi đau của đất nước đã phải đối mặt, trải qua không chỉ là mất mát của thiên tai mà còn là mất mát của chiến tranh. Chính vì thế, anh đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và sẵn sàng đến nơi đầu sóng ngọn gió để hoàn thành nhiệm vụ: "Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng". Câu thơ ngắt nhịp như dồn nén, làm hình tượng chiến sĩ hải quân hiện lên nhỏ bé giữa thiên nhiên rộng lớn, vắng vẻ nhưng vẫn rất hiên ngang, hào hùng, kiên cường dũng cảm với tư thế cầm chắc tay súng để giữ gìn nền độc lập của nước nhà và qua đó gợi liên tưởng đến bốn câu thơ đầu trong bài "Người lính đảo" của tác giả Nguyễn Lan Hương:

    "Nơi anh đứng trời xanh và gió lộng

    Giữa mênh mông sóng nước đại dương

    Lắm gian nguy mà dạ vẫn kiên cường

    Chắc tay súng mà bền gan vững trí"

    Khép lại bài thơ, thi sĩ nhấn mạnh tình cảm, lẽ sống của anh đã và sẽ mãi mãi dành cho "biển" và "em" :

    "Vòm trời kia có thể sẽ không em

    Không biển nữa. Chỉ còn anh với cỏ

    Cho dù thế thì anh vẫn nhớ

    Biển một bên và em một bên.."

    "Vòm trời" ở đây chính là vòm nhà của anh và đồng đội, anh ngước lên nhìn trời để tìm ra niềm hi vọng và sự thư thái bình yên trong tâm hồn. Trong bài có nhiều giả định, các câu thơ giả định này tạo ra từ những cơn sóng vỗ bờ tha thiết, day dứt không yên. Giả định để khẳng định khi "không em", "không biển", "chỉ còn anh với cỏ" thì anh vẫn sẽ luôn trung thành với tình yêu đất nước và thủy chung với tình yêu lứa đôi dẫu bao bất trắc có thể xảy ra. Đó là tình yêu vĩnh hằng thiêng liêng của người lính biển.

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Tóm lại, bằng việc sử dụng giọng điệu sâu lắng, âm hưởng trầm bổng, dạt dào thương nhớ, câu từ giản dị nhưng giàu sức gợi hình gợi cảm, kết hợp nhiều biện pháp nghệ thuật: So sánh, nhân hóa, ẩn dụ, điệp ngữ, đối lập tương phản, Trần Đăng Khoa đã khắc họa một cách sâu sắc mối tình sâu đậm đầy cảm động giữa anh, em và biển, qua đó thể hiện anh là người sống có lí tưởng với những ý nghĩ lớn lao và cho thấy anh rời xa em, ra đi đấu tranh không có nghĩa anh không yêu em, mà là anh rất yêu em, anh làm vậy là để em được sống trong hòa bình. "Biển ồn ào, em lại dịu êm" trở đi trở lại như một điệp khúc, như những đợt sóng da diết, cồn cào mà hào hùng, kiêu hãnh của tuổi trẻ và đó là ngọn sóng của thi ca bất diệt sống mãi với thời gian.
     
    Last edited by a moderator: 15 Tháng năm 2024
Trả lời qua Facebook
Đang tải...