Đề 1: Phân tích nhân vật Tràng trong đoạn trích "Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy[..] Hình như ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp nhà cho quang quẻ, nền nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn". Từ đó, nhận xét giá trị nhân đạo của tác phẩm. Dàn ý khái quát nhân vật Tràng: I. Mở bài - Giới thiệu vài nét tác giả tác phẩm: Kim Lân là nhà văn chuyên về truyện ngắn. Ông có nhiều tác phẩm có giá trị về đề tài nông thôn và nông dân. Sáng tác của Kim Lân phản ánh chân thực, xúc động cuộc sống của người dân quê mà ông hiểu biết sâu sắc về cảnh ngộ và tâm lý của họ. Một trong những sáng tác xuất sắc của Kim Lân là truyện ngắn "Vợ nhặt". Tác phẩm vừa là bức tranh chân thực về nạn đói khủng khiếp vừa là bài ca ca ngợi về sức sống và niềm tin của con người Việt Nam. - Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Truyện ngắn đã xây dựng thành công nhân vật Tràng qua đó thấy được chiều sâu tư tưởng nhân đạo mới mẻ sâu sắc của Kim Lân. II. Thân bài 1. Khái quát chung: Hoàn cảnh sáng tác, nội dung chính - "Vợ nhặt" (1954) là truyện ngắn xuất sắc của KL rút từ tập "Con chó xấu xí" (1962). Truyện được khơi nguồn cảm hứng từ nạn đói năm 1945. Qua truyện ngắn KL đã miêu tả chân thực bức tranh nạn đói đồng thời phát hiện ngợi ca tình người, khát vọng hạnh phúc và khát vọng sống mãnh liệt của người lao động trong nạn đói. - Hoàn cảnh sống của các nhân vật: + Các nhân vật phải trải qua nạn đói chưa từng có trong lịch sử. + Nhưng trong đói khát tăm tối, cận kề bên miệng vực của cái chết ấy, những người lao động Việt Nam không nghĩ đến cái chết mà luôn hướng về sự sống, ánh sáng, hạnh phúc, tương lai. => Đó là chất người kì diệu, là khát vọng sống mạnh mẽ của con người Việt Nam đã khơi nguồn cảm hứng cho Kim Lân sáng tác nên thiên truyện ngắn đặc sắc này. 2. Phân tích nhân vật 2.1. Tràng là anh nông phu nghèo khổ, kém duyên - Anh hiện lên với thân phận nghèo hèn: Là dân ngụ cư bị khinh rẻ; nhà cửa thì "rúm ró" lụp xụp, rách nát, tuềnh toàng. Nghề nghiệp thấp kém, bấp bênh, chỉ là anh phu xe với đồng lương chẳng đáng là bao. - Đã vậy, anh còn có một ngoại hình thô kệch, xấu xí: "Đầu trọc nhẵn", "mắt nhỏ tý lại còn gà gà", "quai hàm bạnh", "lưng to như lưng gấu". Tính cách thì ngờ nghệch, vô tư, chỉ thích chơi với trẻ con. - Nghèo khổ cộng với ngoại hình xấu xí đã khiến Tràng chẳng còn có gì để hấp dẫn. 2.2. Tràng là người đàn ông nhân hậu, tốt bụng, cởi mở, sẵn lòng cưu mang người đồng cảnh ngộ. Vẻ đẹp ấy đã ngời lên thật trọn vẹn trong tình huống truyện độc đáo – tình huống Tràng nhặt vợ. - Gặp lại người con gái đẩy xe bò giúp anh lần trước, Tràng không khỏi ái ngại, xót xa. Bởi trước mắt anh là hình ảnh thê thảm của người đồng cảnh ngộ: "Quần áo rách như tổ đỉa, trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt". Cái đói cũng khiến người con gái chẳng còn biết giữ thể diện là gì, cứ thế mà trơ trẽn, nanh nọc, thô thiển, bất chấp tất cả để được ăn. Tràng động lòng thương, bởi Tràng cảm nhận được sự đói khát cùng đường ở người đàn bà ấy. - Lòng thương đã đánh thức con người nhân hậu trong Tràng. Anh hào hiệp, cởi mở, phóng khoáng, đãi người đàn bà xa lạ đến bốn bát bánh đúc. Đó là lòng thương người đồng cảnh ngộ, là vẻ đẹp tình người trong nạn đói. - Khi lời bông đùa của Tràng trở thành cái phao cứu sinh của người đàn bà giữa biển đời mênh mông; Tràng có "chợn", có lo lắng, có hoang mang về tương lai của mình. Nhưng lòng thương người, khát vọng được gắn bó với người đàn bà xa lạ đã khiến anh chiến thắng cả lý trí của mình, để rồi nhanh chóng trở thành chỗ dựa cho người đàn bà. Đây không phải quyết định của kẻ bồng bột mà là thái độ dũng cảm, chấp nhận hoàn cảnh, khát khao hạnh phúc, thương yêu người cùng cảnh ngộ. 2.3. Tràng là người đàn ông có khát vọng hạnh phúc, có ý thức chăm sóc, vun vén cho hạnh phúc gia đình. - Đồng ý cưu mang người đàn bà xa lạ khiến Tràng trở nên chín chắn, biết lo lắng, quan tâm chăm sóc. Anh "bỏ tiền mua cho thị cái thúng con, trong đựng vài thứ lặt vặt". Chăm sóc từ cái nhỏ nhặt như thế cũng chứng tỏ Tràng rất tâm lý. Mua cho thị cái thúng là để thị tự tin hơn khi về nhà chồng, vả lại ai lại để vợ mình về nhà bằng tay không bao giờ. Anh còn mua hai hào dầu thắp sáng. Hai hào dầu có thể là "hoang phí" vào lúc này, nhất là khi "chẳng có nhà nào có ánh đèn lửa". Nhưng nó mang lại giá trị tinh thần rất lớn, cho thấy, Tràng rất trân trọng giá trị của hạnh phúc, trân trọng người vợ. Với hai hào dầu phải chăng Tràng cũng muốn thắp sáng cả tương lai của mình. Điều đó cũng cho thấy, Tràng không còn hời hợt nông cạn nữa mà đã thực sự nghiêm túc, chu đáo trước quyết định lấy vợ. - Trên đường "dẫn dâu về nhà chồng" : Tràng hiện lên với hình ảnh "mắt sáng lên lấp lánh", cái mặt "phớn phở". Tất cả đều biểu lộ niềm vui, niềm hạnh phúc lâng lâng của một con người lần đầu tiên được đón nhận tình yêu. - Khi thưa chuyện với mẹ, Tràng tạo ra không khí gia đình ấm áp, thiêng liêng. Tràng cảm nhận được việc lập gia đình là việc hệ trọng, là chuyện cả đời. Anh khéo léo khi gọi người đàn bà xa lạ là "nhà tôi"; tránh làm vợ tổn thương bằng cách gọi mối lương duyên này là "do số". Anh cũng khéo léo "ép" mẹ mình phải chấp nhận cuộc hôn nhân. - Tràng không còn thô kệch, vụng về nữa mà trở thành người có ý thức xây dựng hạnh phúc gia đình. Điều đó thể hiện rõ ở tâm trạng của anh vào sáng hôm sau: + Tâm trạng lâng lâng hạnh phúc: "Lửng lơ êm ái như vừa đi từ trong giấc mơ ra". Chuyện lấy vợ của Tràng giống như cổ tích, giống như giấc mơ nhưng là giấc mơ có thật. + Quan sát xung quanh, Tràng cảm nhận được sự thay đổi mới mẻ. Nhà cửa được bàn tay đảm đang của người vợ vun vén đã trở nên gọn gàng. Người mẹ đang giẫy những búi cỏ dại, người vợ đang quét lại cái sân. Cảnh tượng sinh hoạt gia đình bình dị khiến Tràng cảm động. + Tình cảm, suy nghĩ của Tràng có nhiều thay đổi. Lần đầu tiên ở người nông phu ấy thấy yêu thương gắn bó với căn nhà; thấy cần có trách nhiệm với gia đình. Đó là những suy nghĩ chín chắn của người đàn ông trưởng thành chứ không còn là một anh Tràng ngốc ngếch, khờ khạo trước đó: Trước hạnh phúc Tràng như lột xác, lần đầu tiên, anh ta run rẩy sống trong một cảm giác rất người: "Bỗng nhiên hắn thấy thương yêu, gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng". Hắn đã có một gia đình: Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy.. ". Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người". Hai chữ "nên người" hạ xuống như một điểm nhấn xác nhận sự biến đổi về chất ở Tràng. Cái gốc của sự biến đổi ấy chính là gia đình. Nó là nền tảng của xã hội. Cái gốc của sự biến đổi ấy chính là gia đình. Nó là nền tảng của xã hội. Là căn cốt của nhân tính. Tràng phục sinh nhân tính nhờ vươn tới ý thức về gia đình. Song chi tiết đắt nhất của Kim Lân không phải ở đó mà có lẽ là ở câu văn này: "Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn là một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà". Hai chữ "xăm xăm" gợi lên bao nhiêu là hăm hở, háo hức trong bước chân của Tràng tìm đến hạnh phúc. Nhưng điều quan trọng hơn đấy là dấu hiệu một bước ngoặt lớn ở Tràng. So với cái dáng "ngật ngưỡng" ở mở đầu tác phẩm, hành động xăm xăm này là một đột biến không chỉ ở dáng đi mà còn là thay đổi cả số phận, tính cách của Tràng: Từ đau khổ sang hạnh phúc, từ ngây dại sang ý thức. + Tràng trở nên lễ phép, ngoan ngoãn, luôn biết vâng lời trước mẹ là biểu hiện của lòng hiếu thảo. Điều này cũng đã được Kim Lân nhắc đến trong tác phẩm "chưa bao giờ mẹ con lại đầm ấm hòa hợp đến thế". + Tràng có niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng. Trong hình ảnh "đoàn người đói, lá cờ đỏ", tác giả Kim Lân đã gián tiếp nói về nhận thức cách mạng và nhận thức về sự đổi đời của Tràng. Tác giả dự báo, Tràng sẽ xuất hiện dưới lá cờ đó, trong đoàn người đó. Bởi muốn thay đổi được cuộc sống hiện tại, không còn con đường nào khác ngoài con đường đi theo cách mạng, bởi chỉ có cách mạng mới có thể mang lại sự đổi đời cho những người nông dân. 3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật Xây dựng nhân vật bằng bút pháp miêu tả, phân tích tâm lý chân thực, tinh tế. Khắc họa nhân vật bằng ngôn ngữ đối thoại sống động, giàu cá tính. Xây dựng tình huống truyện độc đáo, bất ngờ. Ngôn ngữ kể tự nhiên, mộc mạc, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của người nông dân. Giọng kể hồn hậu, hóm hỉnh, giàu chất trữ tình. III. Kết bài Qua hình tượng nhân vật Tràng, Kim Lân còn khẳng định hiện thực cuộc sống có ngột ngạt, tăm tối đến đâu thì sự sống vẫn trỗi dậy, vươn lên mãnh liệt, con người vẫn cố gắng vật lộn với hoàn cảnh để khẳng định tư cách ngời sáng của mình. Xét cho cùng, hình tượng nhân vật Tràng đã giúp Kim Lân thể hiện được thành công một khúc ca chứa đựng niềm tin mãnh liệt của con người vào sự sống: "Sự sống chẳng bao giờ chán nản" (Xuân Diệu), chính là biểu hiện giá trị nhân đạo mang những nét nhân văn cao cả và rất riêng của Kim Lân. Nó giúp người đọc nhận ra được nét đặc sắc riêng của tác phẩm khi đặt bên cạnh những sáng tác viết về người nông dân trước sự thử thách của cái nghèo, cái đói. Bài làm tham khảo Thi sĩ Bàng Bá Lân đã ghi lại nạn đói khủng khiếp năm 1945 qua bài thơ "Đói" : "Năm Ất Dậu tháng ba còn nhớ mãi Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương! Những thây ma thất thểu đầy đường Rồi ngã gục không đứng lên vì.. đói!" Cảnh đói kinh hoàng ấy đã in hằn trong tâm trí Kim Lân – một nhà văn hiện thực, "con đẻ của đồng quê Bắc Bộ". Ông đã khắc họa số phận của những người nông dân – nạn nhân của cái đói, cái nghèo, qua tác phẩm "Vợ nhặt" bằng một lòng thương cảm sâu sắc. Lật từng trang văn, độc giả không khỏi ấn tượng bởi diễn biến tâm lí nhân vật Tràng, từ đó thấy được giá trị nhân đạo của tác phẩm qua đoạn trích: "Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy[..] Hình như ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp nhà cho quang quẻ, nền nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn". Kim Lân là nhà văn chuyên viết truyện ngắn về người nông dân và làng quê Việt Nam – mảng hiện thực mà từ lâu ông đã có sự hiểu biết sâu sắc. Ông viết về cuộc sống và con người nông thôn bằng tình cảm, tâm hồn của một người vốn là con đẻ của dồng ruộng. Thế giới nghệ thuật của ông chỉ tập trung trong khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân. Qua tác phẩm "Vợ nhặt", ông đã thể hiện không khí nông thôn Việt Nam và đời sống nhân dân, tuy còn nghèo khổ nhưng vẫn yêu đời, tài hoa, tha thiết gắn bó với quê hương cách mạng. Nguyên Hồng nhận xét: Kim Lân là nhà văn "một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy". Tác phẩm được viết vào năm 1954 theo "đơn đặt hàng" của Báo Văn nhân dịp kỉ niệm 10 năm cách mạng tháng Tám thành công. Tác giả đã dựa vào cốt truyện "Xóm ngụ cư" để viết thành "Vợ nhặt". Truyện được bắt nguồn từ nạn đói năm 1945 và chủ yếu là những con người trong nạn đói ấy. Thông qua truyện, Kim Lân muốn khẳng định: "Trong sự túng đói quay quắt, trong bất kì hoàn cảnh khốn khổ nào, người nông dân ngụ cư vẫn khao khát vươn lên trên cái chết, cái thảm đạm để mà vui, mà hi vọng". Truyện kể trong nạn đói năm 1945, một anh tên là Tràng nhà nghèo, dân ngụ cư, không lấy được vợ. Một lần, anh kéo xe thóc lên tỉnh, một người phụ nữ đã theo anh về nhà và họ đã trở thành vợ chồng – anh "nhặt" được vợ một cách dễ dàng chỉ với vài câu nói đùa và bốn bát bánh đúc. Anh đưa vợ về ra mắt người mẹ già trong sự ngạc nhiên của mọi người vì thêm một miệng ăn trong cảnh đói khát, người chết khắp nơi. Đêm tân hôn của đôi vợ chồng trẻ diễn ra trong không gian đặc quánh mùi chết chóc và tiếng hờ khóc tỉ tê của những gia đình có người chết đói. Hôm sau, Tràng nhận ra sự thay đổi to lớn trong cuộc sống khi mọi thứ bừa bộn đều trở nên tươm tất. Kể từ lúc anh biết mình đã có vợ, anh như thể trở thành một con người khác. Tràng đon đả, ngoan ngoãn với mẹ, với vợ anh trìu mến yêu thương. Buổi sáng đầu tiên sau khi có vợ, Tràng sung sướng đắm chìm trong men say của tình yêu, hạnh phúc chờ đến khi "mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy". Dường như, anh cố ý nằm thêm, kéo dài thêm để tận hưởng dư vị ngọt ngào của niềm hạnh phúc. Niềm hạnh phúc ấy được cảm nhận trong buổi sáng mùa hè chói lóa ánh mặt trời. Ta thấy như các nhà văn, thường lấy buổi sáng để miêu tả sự thay đổi, sự hồi sinh của các nhân vật. Chí phèo tỉnh dậy sau một cơn say dài giữa lúc mặt trời chắc đã lên cao và nắng bên ngoài chắc cũng rực rỡ. Chính thời điểm này đánh dấu sự hồi sinh trở lại của chí từ một con quỷ dữ của làng Vũ Đại trở về là con người lương thiện. Tràng cũng vậy, buổi sáng mùa hè chói lóa đã đánh dấu bước ngoặt cuộc đời Tràng khi sang trang mới, bằng niềm vui, niềm hạnh phúc. Chất men say ấy khiến cho Tràng cảm thấy "êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra". Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải.. Có lẽ trong lòng hắn vẫn dấy lên bao câu hỏi: Mình đã có vợ thật rồi sao? Ai vậy? Cưới bao giờ nhỉ? Không lẽ mong ước bao lâu mà nay đã thành sự thật một cách dễ dàng, chóng vánh đến thế ư? Niềm hạnh phúc đó đến với chàng quá bất ngờ mà ngay đối với anh nó như là một giấc mơ. Một cảm giác mới lạ "ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng tựa hồ như có một bàn tay vuốt nhẹ sống lưng". Vậy là chuyện anh Tràng tự dưng nhặt được cô vợ (không nghiêm túc về mặt hình thức) giờ đã trở thành chuyện hoàn toàn nghiêm túc theo đúng đạo nghĩa vợ chồng. Cái bên ngoài không đẹp ấy lại chứa đựng một nội dung thật đẹp, thật cảm động. Nhu cầu được yêu thương và khao khát xây dựng cho mình một tổ ấm gia đình là bản năng của con người. Trong khoảnh khắc ngập tràn hạnh phúc ấy, hắn dường như quên tất cả, quên cả đói rét đang đeo bám, quên cả những tháng ngày tủi cực đã qua. Hạnh phúc của Tràng khiến ta nhớ đến những vần thơ đậm chất lãng mạn của thi sĩ Xuân Diệu "Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi Trong vườn thơm ngát của hồn tôi." Niềm hạnh phúc có được đến từ sự hào phóng, niềm khao khát hạnh phúc đến cháy bỏng của chàng và tấm lòng đôn hậu, chan chứa yêu thương. Phải chăng khi khát vọng đủ lớn, tình thương đủ ấm áp thì hạnh phúc cũng trào dâng? Quả thực "tình thương là hạnh phúc". Nhờ sự có mặt của người đàn bà mà cái nhà của anh mới thật sự là một tổ ấm. Sự ngạc nhiên, xúc động của Tràng khi chứng kiến giang sơn thay đổi. Hắn chớp mắt liên tục hồi mấy cái và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì đó thay đổi mới mẻ, khác lạ. "Nhà cửa, sân vườn đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô công ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ấm áp. Đống rác mùn tanh bành ngay lối đi đã được hót sạch". Với việc sử dụng phép liệt kê, nhà văn Kim Lân đã diễn tả cụ thể, chi tiết sự thay đổi "giang sơn" của nhà Tràng. Nếu như đêm trước, "giang sơn" nhà Tràng còn như ngôi nhà hoang, thiếu sinh khí, thiếu sự sống thì chỉ sau một đêm nó đã khoác lên mình một diện mạo mới, một sức sống mới và ngập tràn sinh khí. Dấu hiệu của sự sống, của sự hồi sinh đã hiện diện ở mọi nơi từ sân vườn cho đến nhà cửa. Qua một đêm, Tràng đã hoàn toàn thay đổi nó như là một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, như một phép nhiệm màu xảy ra ngay trong tâm bão của nạn đói năm 1945. Phép nhiệm màu đó đã đến từ đôi tay, tấm lòng của người đàn bà xa lạ, có thân phận rất rẻ rúng vừa hôm qua theo không mình về làm vợ nhặt. Điều này khiến cho câu chuyện lại càng bất ngờ và xúc động biết bao nhiêu. Những cảm nhận về sự thay đổi xung quanh cho thấy Tràng đâu còn vô tâm, ngờ nghệch nữa. Hắn đã có những quan sát, nhận thức về cuộc sống, về thế giới xung quanh rất riêng và cũng rất tinh tế. Phải chăng tình yêu còn khiến cho anh dần trưởng thành? Trong Tràng còn xuất hiện những trạng thái cảm xúc vô cùng mới mẻ. Dường như đây là lần đầu tiên Tràng cảm nhận được lòng mình đang rung lên niềm xúc động chân thành, thấm thía khi chứng kiến những sinh hoạt hết sức đời thường, bình dị. Được sống trong niềm hạnh phúc, cho nên chỉ cần chứng kiến "người mẹ đang lúi húi giẫy những bụi cỏ mọc nham nhở", chỉ cần nghe thấy "tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía và cảm động. Hắn thấy hắn yêu thương gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng". "Một nguồn vui sướng phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này". Miêu tả tâm lý tinh tế, sắc sảo, những trang viết thật chân thực và vô cùng xúc động. Tràng đã nhận thực sự hồi sinh về tâm hồn, đó là một tâm hồn rất nhạy cảm, biết rung động từ những điều giản dị, bình thường. Hắn đã có độ chín trong suy nghĩ, độ trưởng thành trong nhận thức về trách nhiệm của một người chồng, một trụ cột trong gia đình. Đó là biểu hiện của một người đàn ông trưởng thành nên người. Như vậy tình thương, niềm hạnh phúc đã giúp con người ta nên người hơn. Hay nói cách khác, con người ta thực sự nên người khi được sống trong niềm hạnh phúc. Đây là một tư tưởng nhân văn rất sâu sắc! Khi niềm hạnh phúc đã trào dâng, có lẽ đôi mắt và tâm hồn của Tràng như đã sáng hơn và tinh hơn. Chính nhờ vậy, Tràng nhận ra sự thay đổi của thị và niềm hạnh phúc của mẹ. Khi tình yêu thương đã đánh thức, niềm hạnh phúc đã trào dâng, đôi mắt và tâm hồn của Tràng như đã sáng hơn và tinh hơn. Tràng đang nhìn bằng cặp mắt "xanh non, biếc rờn" nên đâu đâu cũng thấy đẹp, thấy cảm động và ý nghĩa. Người ta lấy vợ lấy chồng, điều ấy có gì đặc biệt lắm đâu; nhưng với Tràng thì đó là cả một ước mơ lớn tưởng chừng không bao giờ thực hiện được. Giá trị nhân văn sâu sắc của tác phẩm chính là ở chỗ tác giả đã phát hiện, đồng cảm và chia sẻ niềm vui sướng rất con người này ở những thân phận nghèo khổ trong xã hội cũ. Niềm khao khát hạnh phúc gia đình và niềm tin le lói của người dân lao động vào tương lai là rất đáng trân trọng. Ấy thế nhưng chỉ sau một đêm làm vợ Tràng, chị hóa ra khác hẳn: Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chạo chát như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh.. Hoàn cảnh sống nghiệt ngã biến chị ta có lúc thành kẻ trâng tráo, nhưng bản chất thì không phải như vậy. Thị đã thay đổi là do được sống trong tình yêu thương, niềm hạnh phúc hay là do thị đã tu chí? Mẹ Tràng, cũng chút bỏ được khuôn mặt bùng beo u ám mà thay vào đó là sự nhẹ nhõm, tươi tỉnh và rạng rỡ hẳn lên. Tràng đã nhìn bằng đôi mắt tích cực, đôi mắt của tình yêu thương, sự trân quý những gì anh đang có, đang được hưởng. Đoạn văn khá đặc sắc đã diễn tả tinh tế diễn biến tâm trạng của Tràng trong niềm hạnh phúc trào dâng. Góp phần làm nổi bật tư tưởng, chủ đề của truyện: Thông qua số phận con người trong nạn đói năm 1945, nhà văn Kim Lân khẳng định trong cái đói, cái khát, cái chết cận kề con người ta vẫn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, vẫn hướng đến sự sống khao khát hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình. Để tạo nên thành công của đoạn trích nói riêng và tác phẩm nói chung, tác giả đã tạo nên một tình huống truyện độc đáo, éo le, xây dựng đối thoại sinh động, hấp dẫn, ngôn ngữ quê kiểng nhưng sử dụng rất đắc địa, đặc biệt là miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo. Điều đặc sắc nhất của đoạn trích là tác giả đã miêu tả tâm lí nhân vật rất tinh tế bằng sự hiểu biết của một con người vốn là con đẻ của đồng ruộng, bằng tấm lòng của một nhà văn "một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy". Nét đặc sắc của đoạn trích chính là việc tác giả đã miêu tả tâm trạng của Tràng rất tinh tế, sâu sắc. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, những con người trong nạn đói cũng không bao giờ từ bỏ khát vọng sống, vẫn luôn tìm được lý do để vươn lên cái đói, cái khát, cái thảm đạm để mà vui, mà hi vọng. Đây là điểm sáng trong cách tiếp cận những người nông dân trong nạn đói của nhà văn Kim Lân. Chính điều này tạo lên điểm sáng nhân văn, thứ ánh sáng đủ sức nâng giấc những con người cùng đường tuyệt lộ. Nhà văn Sê – khốp từng khẳng định: Nhà văn chân chính là phải nhân đạo từ trong cốt tủy. Quả đúng như vậy, văn là người, cho nên con người như thế nào thì văn chương cũng vậy. Nhà văn chân chính phải đứng trong lao khổ để đón những vang vọng cuộc đời. Chính vì thế, văn học phải hướng tới cuộc sống, phải khơi gợi được những tình cảm, nhân văn cao đẹp, đánh thức được lòng trắc ẩn đang ngủ sâu trong trái tim mỗi người đọc. Từ những điều trên, ta có thể khẳng định nhà văn Kim Lân đã hoàn thành sứ mệnh của một nhà văn chân chính khi tạo ra những trang viết chan chứa giá trị nhân đạo. Giá trị nhân đạo là giá trị cơ bản của tác phẩm chân chính được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc của nhà văn đối với những nỗi đau của con người và cảnh đời bất hạnh trong cuộc sống, đồng thời thể hiện sự nâng niu trân trọng những phẩm chất tốt đẹp trong tâm hồn và niềm tin vào khả năng vươn dậy của con người. Thể hiện ở tình yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc với thân phận của con người trong nạn đói. Lên án, tố cáo thực dân Pháp và phát xít Nhậtn đã đẩy con người vào nạn đói thảm khốc. Trân trọng, trân trọng và ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân đang đứng bên bờ vực cái chết. Nhà văn đã hé mở con đường đổi đời tươi sáng, tích cực cho người dân khốn cùng. Đó là giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ, góp phần làm nên thành công cho tác phẩm. Qua đó, ta thấy được tấm lòng đôn hậu, yêu thương con người sâu sắc của tác giả. Đúng như báo online Tuổi trẻ đã khẳng định: "Từ trong bóng tối của hoàn cảnh, Kim Lân muốn tỏa sáng một chất thơ đặc biệt của hồn người. Mảng tối của bức tranh hiện thực buồn đau là một phép đòn bẩy cho mảng sáng của tình người tỏa ra ánh hào quang đặc biệt của một chủ nghĩa nhân văn thiết tha, cảm động" (Báo online Tuổi trẻ - chuyên đề 4 Văn xuôi kháng chiến). Chính giá trị nhân đạo mới mẻ, sâu sắc và cao cả đã tạo nên sức sống mãnh liệt của truyện ngắn Vợ nhặt, tác phẩm đã chạm đến trái tim bạn đọc nhiều thế hệ, đã làm hồi sinh những tâm hồn chai sạn trước sương gió cuộc đời, Đoạn văn đã cho chúng ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn Tràng rất tinh tế, nhân văn, cùng với đó cũng hiện lên hình ảnh của những nạn nhân xấu số của nạn đói năm 1945: Ngay trên bờ vực cái chết, họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu đùm bọc lẫn nhau như Kim Lân đã tâm sự: "Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết, mà nghĩ đến cái sống".