Phân tích nhân vật Hamlet trong vở kịch Hamlet của William Shakespeare

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Hậu Minh, 2 Tháng ba 2023.

  1. Hậu Minh

    Bài viết:
    87
    Nhân vật Hamlet

    Hình tượng Hamlet hiện lên trong tác phẩm chính là mẫu người lý tưởng của thời đại Phục hưng phương Tây. Ở chàng hội tụ một vẻ đẹp toàn thiện, toàn mỹ, là chuẩn mực của thời đại không chỉ về hình dáng, tài năng mà còn cả về phẩm chất cao đẹp của một con người.

    Qua lời của Ophelia, Hamlet hiện lên là một hoàng tử với vẻ đẹp sáng ngời, cao quý: "Đôi mắt của nhà thông thái, thanh gươm của trang hiệp sĩ, miệng lưỡi của người hào hoa; niềm hy vọng, đóa hồng tươi của quốc gia gấm vóc, gương sáng của thời trang, kiểu mẫu của mọi người; bao người thán phục, ca tụng.." (Hồi III, cảnh 1). Không chỉ Ophelia hết lời ca ngợi mà chính Claudius cũng phải thừa nhận vị trí của Hamlet trong lòng dân chúng: "Bọn dân ngu đần kia tin yêu y lắm", "Ta không thể công khai kết tội y vì y được bọn dân ấy rất kính yêu". Đó còn là một trí thức thông tuệ, sắc sảo, am hiểu sâu sắc nhiều phương diện cuộc sống. Nhờ đó, Hamlet đã nhận thức ra "Chính nước Đan Mạch này là một ngục thất" và là "cái ngục thất đáng ghê tởm nhất" trong lúc cả đất nước Đan Mạch vẫn sống bình yên trong cái nhà ngục ấy và xem như chẳng có chuyện gì xảy ra. Trí tuệ khuyên chàng chưa vội tin lời hồn ma mà hãy dùng vở kịch Vụ mưu sát Gonzago để dò thái độ Claudius. Trí tuệ ngăn không cho Hamlet ra ta giết Claudius khi hắn cầu nguyện một mình, bởi trí tuệ biết nhiệm vụ của Hamlet rất lớn lao, tiêu diệt phải đi đôi với dựng xây. Điều này quả thật quá khó. Bên cạnh đó, Hamlet cũng rất tiêu biểu cho phẩm chất cao đẹp của Con Người thời đại Phục hưng. Mặc dù các thế lực phản nhân văn lúc bấy giờ đang khẳng định sức mạnh và sự chiến thắng, nhưng chàng không hề bị guồng quay thời đại xoay chuyển mà vẫn luôn đề cao, chiến đấu hết mình cho lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa nhân văn. Hamlet luôn ý thức được giá trị cao quý của con người nhân văn chủ nghĩa và hết lời ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp của họ. Chàng chính là đại diện tiêu biểu và trở thành người phát ngôn cho lý tưởng đẹp về con người thời đại.


    Ngoài ra, ở Hamlet còn là một con người rất thủy chung trong tình yêu. Chàng yêu Ophelia tha thiết. Câu nói chàng dành cho mẹ: "Nhẹ dạ, đích danh mi là đàn bà" hẳn cũng là suy nghĩ chàng dành cho Ophelia khi nàng nghe theo lời cha dò xét chàng. Cõi lòng Hamlet tan nát biết bao khi phải vờ điên, chôn chặt tình yêu với Ophelia để theo đuổi nghiệp lớn. Tình yêu cao đẹp chàng dành cho Ophelia mãi luôn khắc sâu trong tâm hồn. Ngày Ophelia qua đời, tình cờ Hamlet có mặt ở nghĩa địa. Chàng chứng kiến cảnh Laertes khóc than em gái thảm thiết, có phần hơi cường điệu nên đã bực mình xuất hiện bảo Laertes: "Ta yêu Ophelia! Dù cho bốn mươi ngàn thằng anh đem gộp tình yêu của chúng lại cũng không sánh nổi tình yêu của ta đâu". Mối bất hòa giữa Hamlet và Laertes vì thế càng sâu sắc hơn.

    Hamlet cũng là một người con rất hiếu đạo. Xét về quan hệ gia đình, nếu Vua Lear là bi kịch của sự phá sản tình cha con thì Hamlet là bi kịch của sự phá sản tình anh em, vợ chồng. Nhưng tình cha con, mẹ con ở Hamlet rất được đề cao. Không phải ngẫu nhiên Shakespeare

    Dựng lên ba mối thù cha trong vở kịch (Fortinbras, Laertes và Hamlet) nhưng tập trung nhất vẫn là ở Hamlet. Hamlet, ngoài yêu cha, chàng còn rất thương mẹ. Tội lỗi của mẹ, chàng biết cũng chỉ là nạn nhân của con quỷ Claudius. Vậy nên chàng sẽ đối xử với mẹ theo cách, "Ác

    Thì được, nhưng quyết không được bất nghĩa bất nhân. Ta sẽ nói với mẹ những lời như kim châm dao cắt, nhưng dao thật thì ta nhất định không dùng. Trong cuộc gặp gỡ này, miệng lưỡi và tâm hồn ta phải hư ngụy. Những lời nói của ta sẽ làm cho mẹ ta phải tủi hổ, đau đớn,

    Nhưng ra tay hành động thì nhất định tâm hồn ta không bao giờ cho phép". Với suy nghĩ này, Hamlet thật đúng là người con hiếu đạo bởi với chàng dù người mẹ có thế nào đi nữa thì đấy cũng là người sinh ra chàng và hơn nữa "vì trong cái thời thế đầy rẫy xấu xa này, chính đức

    Hạnh lại phải cúi mình xin lỗi tội ác, phải khom lưng, uốn gối cầu xin để được mang lại điều hay cho nó", nên rất hiếm người tránh được vòng cương tỏa của nó.

    Tuy nhiên, bên cạnh những vẻ đẹp đầy lý tưởng ấy, ở Hamlet cũng tồn tại một số tâm trạng như: Hoài nghi, do dự, có lúc bi quan. Đây cũng chính là những tính chung, những tâm trạng chung của con người ở cuối thời kỳ Phục hưng. Từ đó, Hamlet còn là đại diện cho con người của thời đại cao đẹp dám bày tỏ những suy tư, những trăn trở, những hoài nghi về một xã hội điên đảo, cái xã hội mà "phải hàng vạn người mới nhặt ra được một kẻ lương thiện". Chàng rất xứng đáng được ngợi ca với danh hiệu: Người "khổng lồ" của một thời đại khổng lồ.

    Cũng từ sự sáng tạo về hình tượng nhân vật so vớicác tác giả tiền bối và những nhà văn cùng thời mà qua Hamlet, "Shakespeare mới thật là Shakespeare, một thiên tài vô cùng rộng lớn", thiên tài mà "không ai bắt chước được" (Lecmantov). Hình tượng Hamlet qua bàn tay

    Sáng tạo của thiên tài Shakespeare có hai phương diện nổi trội: Con người nhận thức và con người hành động.

    Con người nhận thức trong Hamlet không phải là kiểu con người thức tỉnh do trước đó bị u mê, lầm lạc. Ở đây, khi bước vào kịch, Hamlet đã là con người có trình độ nhận thức. Điều này được biểu hiện ở khả năng đánh giá các hiện tượng, sự kiện xã hội; khả năng phát hiện những điều không bình thường bị che phủ ở các hiện tượng, các sự kiện ấy. Con người nhận thức này đặt dấu hỏi lên mọi vấn đề nghi vấn. Bản thân chàng lần lượt phát hiện ra nhiều cái bất thường.

    Trước hết là bất thường trong gia đình. Đầu tiên là cái chết của vua cha Hamlet. Ngài đang rất khỏe mạnh, đột nhiên chết. Triều đình hỗn loạn vì bóng ma đức vua ám ảnh mọi người. Những lời đồn đại, những mảnh vụn hiện thực về cái chết ấy đã giúp Hamlet phát hiện gia đình mình có sự bất thường, cái chết của cha cũng bất thường. Từ đó, Hamlet đi tới nhận thức rằng cha bị sát hại. Mối thù nhà, bởi vậy, cần phải tìm ra kẻ thù. Thứ hai, cha chết, mẹ tái giá vội vàng, nhanh chóng: "Gót giày đưa tang chưa kịp mòn đã vội leo lên giường cưới"; "thịt quay trong đám tang trở thành đồ nguội trong đám cưới". Hamlet tự đặt câu hỏi và tự tìm câu trả lời: "Nhẹ dạ, chính ngươi là đàn bà". Cha chết, Hamlet đau nỗi đau bất hạnh. Chưa hết, mẹ đi lấy chồng không một câu an ủi. Lấy ai? Lấy chú ruột của chàng. Vậy là mẹ chàng đã phạm cái điều loạn luân bị muôn đời nguyền rủa. Cả hai điều bất thường của gia đình đều là những điều kinh hoàng, diễn ra như sét đánh. Hamlet chưa có câu trả lời về việc tại sao cha chết, cha chết như thế nào thì lại bị đặt ngay trước một câu hỏi khác: Mẹ đi lấy chú ruột.

    Hamlet nhận thức không chỉ trong gia đình chàng mà xã hội cũng đầy sự bất thường, u ám. Chàng thấy cả thế giới là một nhà tù mà Đan Mạch (bối cảnh câu chuyện) là nhà tù ghê tởm nhất. Cái ác ngập tràn, tư tưởng nhà văn bị bóp nghẹt, sự sống bị chà đạp. Câu nói của Claudius, chú dượng Hamlet cũng rất tiêu biểu: "Lòng vừa mừng vừa đau, một bên mắt chói ngời hạnh phúc một bên đau buồn rơi lệ, cười trong tang tóc, khóc trong hôn lễ.." Nó hàm chứa một sự bí ẩn khác thường nhưng không nằm ngoài việc dự báo thời đại này đã khác trước, cái quen thuộc xưa kia không còn. Đây cũng là lời chào mời con người hãy đổi lốt.

    Hamlet đi tới nhận thức sâu sắc hơn về hiện thực xã hội: "Phải đến hàng vạn người mới có một người lương thiện". Từ đó là nhận thức mới, cao hơn, mang tính chất tự vấn: "Ôi cuộc đời khốn kiếp! Phải chăng ta sinh ra là để dẹp yên mọi sự bất bằng". Nhận thức từng bước được nâng lên: Thù nhà, nợ nước. Đối với nợ nước là nhiệm vụ tiêu diệt cái ác, đền được nợ nước thì trả được thù nhà. Nỗi đau của cha chàng cũng chính là nỗi đau của muôn dân, cái riêng hòa vào cái chung, tạo nên một tầm vóc mới cho nhân vật, đấu tranh cho cái chung, công lí, lí tưởng nhân văn.

    Đỉnh cao của nhận thức trong nhân vật là độc thoại: "Sống hay không sống - đó là vấn đề. Chịu đựng tất cả những viên đá, những mũi tên của số mệnh phũ phàng, hay là cầm vũ khí vùng lên mà chống lại để mà tiêu diệt chúng đi, đằng nào cao quý hơn?" Đây là câu hỏi mang tính chất vĩnh hằng của mọi thời đại. Nhân vật không đề cập đến vấn đề sống, chết mà là đề cập đến phạm trù sống, sống như thế nào? "Sống" là hành động vì cái chung, vì cộng đồng, chống lại cái ác. "Sống" như vậy đồng nghĩa với việc chấp nhận hy sinh, chết trong vinh quang. Thân thể tuy mất đi nhưng lí tưởng còn mãi, giá trị nhân văn được khẳng định. "Không sống" tức là sống mà chấp nhận thỏa hiệp, là cái sống nhục nhã, nô lệ, chết về tinh thần. Hamlet trở thành người chỉ đường cho nhân loại, người mang tầm vóc, tư tưởng lớn của nhà văn về quan điểm sống, sống như thế nào.

    Từ con người nhận thức chuyển dần sang con người hành động. Đây cũng là mặt thứ hai trong hình tượng nhân vật Hamlet. Trên thực tế, ngay từ khi xuất hiện, Hamlet đã lập tức hành động (tranh luận với Claudius và Hoàng hậu, đi theo hồn ma) nhưng đó là những hành động nhận thức chứ chưa phải là hành động báo thù và dựng xây. Phải đến cuối độc thoại cuối cùng (độc thoại thứ 8 của Hamlet trong suốt vở kịch), khi lòng chàng không còn băn khoăn vướng bận gì nữa thì chàng mới chính thức bắt tay vào hành động. Câu nói có tính quyết định ấy là: "Ôi! Từ giờ phút này, ý nghĩ ta phải đẫm máu, nếu không thì chẳng có giá trị gì!"

    Nhưng nhận thức sâu sắc, quyết tâm bao nhiêu thì trong hành động, Hamlet lại có vẻ do dự, chần chừ, chậm trễ bấy nhiêu. Do dự xuất hiện bởi sự đương đầu của Hamlet là gay go, quyết liệt. Hamlet đơn thương độc mã trong thế giới của cái ác. Do dự là sự cẩn thận tất yếu

    Để bảo vệ mình. Việc bảo vệ nảy sinh từ hoàn cảnh, gắn liền với tính toán suy tư, đường đi nước bước nhằm mục đích tiêu diệt cái ác.

    Hành động trước tiên của Hamlet là phải giả điên. Bằng cách này, chàng đã tự tạo vỏ bọc cho mình để che mắt, đánh lạc hướng kẻ thù. Đồng thời, chàng giả điên để cắt đứt tình yêu với Ophelia, cô gái xinh đẹp, nhẹ nhàng nhưng cũng nhẹ dạ, cả tin, không thể là người mà Hamlet cùng sắp đặt kế hoạch được. Trong cuộc đối đầu không cân sức với cái ác, tình yêu không có chỗ đứng. Hamlet đã hi sinh cả những điều riêng tư nhất vì lí tưởng, hi sinh tuyệt đối.

    Tiếp theo, Hamlet đi tìm kẻ thù giết cha mình qua buổi trình diễn vở kịch Vụ mưu sát Gonzago. Và kẻ thù đã xuất hiện, đối mặt với Hamlet. Một thời cơ xuất hiện, đó là khi Claudius cầu nguyện. Nhưng giết kẻ thù khi hắn đang cầu nguyện cũng có nghĩa là mở đường tái sinh cho tội ác. Lưỡi gươm được tra lại vào vỏ. Claudius cũng nhận rõ điều đó. Hắn quyết định gửi Hamlet, một hình thức đày ải, sang Anh và bức mật thư mượn bàn tay vua Anh để giết Hamlet. Hamlet phải ra đi, cơ hội để hành động phải kéo dài nhưng không vì thể mà chàng nản chí.

    Hamlet phải thức tỉnh người mẹ tội lỗi của mình bằng việc bóc trần bộ mặt sát nhân của Claudius bằng những lời như "kim đâm dao cắt" để mở mắt cho mẹ chàng, để lôi kéo bà về phía chàng. Và cũng thời điểm đó, Hamlet đã đâm chết Polonius, cận thần rình mò nghe lỏm của Claudius. Cuộc chiến giữa cái Thiện - cái Ác, giữa Hamlet - Claudius bước vào giai đoạn mới.

    Trong hồi IV, trên đường sang Anh quốc, Hamlet đã thay bức thư mà Claudius nhờ vua Anh giết mình bằng bức thư nhờ vua Anh giết hai người cận thần tay sai kia. Nhờ thế, chàng loại bỏ thêm hai địch thủ nữa.

    Cuối cùng, Hamlet phải nhận lời đấu kiếm với Laertes, một việc làm nằm ngoài những suy tính của chàng. Kết cục là cả Hamlet và Laertes đều bị nhiễm độc do âm mưu của Claudius. Hoàng hậu nâng cốc chúc mừng con và uống phải rượu độc. Hamlet đâm chết Claudius để trừng phạt và trả thù cho mẹ. Tuy nhiên, đó chưa hẳn là lưỡi kiếm trả thù cho cha hay có ý nghĩa dựng xây thời đại. Đến cuối cùng Hamlet vẫn không thực hiện được lý tưởng của mình.

    Như vậy, lần đầu tiên trong văn học thế giới, nhân vật lý tưởng Hamlet được xây dựng là một con người đầy phức tạp. Đôi khi, giữa con người nhận thức và con người hành động trong Hamlet không hòa làm một. Nhận thức thì quyết tâm nhưng hành động lại do dự, chần chừ. Chàng có một lí tưởng đẹp và phấn đấu hết mình vì lí tưởng, nhưng trong hành động lại không thực hiện được (So sánh với những nhân vật anh hùng, lý tưởng trước đó: Nhận thức và hành động hòa với nhau làm một, nhận thức được thì hành động được). Trên con đường thực hiện lý tưởng dựng xây thời đại của mình, khi thì chàng hoài nghi, khi thì bi quan, khi lại chán đời, do dự, nuối tiếc, rất gần gũi với tính cách của con người đời thường trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ. Hamlet luôn suy tưởng, đó là nét riêng cá biệt của nhân vật này. Trước mỗi sự việc, tình huống, bao giờ chàng cũng lật lại vấn đề, suy nghĩ sâu sắc về nó. Chính điều này tạo cho nhân vật có sức sống, sắc sảo, khác những nhân vật cùng loại.

    Shakespeare không chỉ thành công trong việc xây dựng những nhân vật mang bi kịch hoàn cảnh (bi kịch xuất phát từ những mâu thuẫn, những xung đột kịch tính bên ngoài giữa các thế lực tiến bộ và phản tiến bộ, tiêu biểu như: Romeo, Juliet (Romeo và Juliet), Cordelia (Vua Lia), Ophelia (Hamlet), Desdemona (Othello)) , mà ông còn tập trung, dụng công rất nhiều trong việc xây dựng những nhân vật mang bi kịch nội tại. Đây chính là nét mới, nét hiện đại và là thành tựu, đóng góp to lớn của Shakespeare cho sân khấu kịch thế giới.

    Bi kịch nội tại là dạng bi kịch mà nguyên nhân chính dẫn đến những bất hạnh cuộc đời cùng cái chết tưởng như không đáng có của nhân vật chính diện xuất phát từ trong chính tính cách, từ những mâu thuẫn diễn ra trong nội tâm của nhân vật. Hay nói cách khác, đó là dạng

    Bi kịch nảy sinh từ con người bên trong, từ ý thức cá nhân của nhân vật.

    Hamlet là nhân vật tiêu biểu của Shakespeare mang trong mình bi kịch nội tại sâu sắc (ngoài ra còn có các nhân vật như: Vua Lear, Othello, Macbeth). Bên trong nhân vật lý tưởng của thời đại này luôn có sự tồn tại của hai con người: Một Hamlet "Con Người" (là người anh

    Hùng, người "khổng lồ" của lý tưởng nhân văn chủ nghĩa, thể hiện ý chí, lòng quyết tâm dựng xây thời đại một cách mạnh mẽ, vững chắc) và một Hamlet "Hoàng tử" (là con người đời thường, xuất hiện khi chàng bộc lộ những khuyết điểm, sự yếu đuối, do dự, không quyết tâm trong hành động của mình). Chính sự tồn tại cùng một lúc hai con người đó đã làm nên một Hamlet đầy bi kịch.

    Tư tưởng của Hamlet không thực sự vững chắc. Có khi chàng đã lên dây cót tinh thần với lòng quyết tâm cao độ: ".. Ôi! Từ giờ phút này, ý nghĩ của ta phải đẫm máu, nếu không sẽ chẳng có giá trị gì!" (Hồi IV, cảnh 4). Đây chính là lúc ý chí của một con người thời đại sống dậy trong chàng (Hamlet "Con Người"). Nhưng đôi lúc con người "Hoàng tử" trong Hamlet lại trỗi dậy, khinh thường bản thân, tự nhận thấy sự yếu kém của mình: "Thế mà ta đành chịu vậy, vì còn biết làm sao được, ta chỉ là một kẻ yếu mềm, gan dạ bồ câu, không đủ dũng khí để thấy uất ức vì sự lăng nhục ấy, nếu không ta đã phanh thây tên khốn kiếp ấy đem nuôi béo loài diều hâu khắp vùng này.. Ôi! Hận thù! Trời, ta thật là một con lừa! Thật dũng cảm quá nhỉ, ta đây, con của một người cha thân yêu bị sát hại! Trời cao đất dày thúc giục phải trả oán thù, mà cứ lải nhải thổ lộ nỗi lòng như một con đĩ, chửi rủa như một gái thanh lâu, một kẻ nô tì.." (Hồi II, cảnh 2). Chính bởi vậy, khi đứng trước cơ hội có thể kết liễu đời Claudius, Hamlet lại do dự.

    Bi kịch nội tại trong nhân vật Hamlet có tính chất quyết định bi kịch hoàn cảnh trong tác phẩm. Nếu Hamlet "Con Người" chiến thắng được Hamlet "Hoàng tử" thì theo motif của những nhân vật anh hùng khác, chàng sẽ thực hiện được lý tưởng của mình: Chiến thắng các thể lực thù địch phản nhân văn, dựng xây lại một thời đại nhân văn tốt đẹp, giải quyết được bi kịch hoàn cảnh. Song, Hamlet "Con Người" không chiến thắng được Hamlet "Hoàng tử" luôn ngự trị trong chàng, dẫn đến những bế tắc và cuối cùng Hamlet đã thất bại, không thực hiện

    Được lý tưởng. Sự thất bại, bế tắc của Hamlet cũng chính là sự thất bại, bế tắc của Shakespeare và của những con người tiến bộ trên con đường đấu tranh cho chủ nghĩa nhân văn thời đại ông.
     
    AdminLieuDuong thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...