Phân tích nâng cao hình tượng hung bạo của sông Đà (Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân)

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi TruongManVi, 23 Tháng mười hai 2021.

  1. TruongManVi Uống nhầm một ánh mắt, thương nhầm một nụ cười

    Bài viết:
    403
    1. Hung bạo ở khối đá dựng vách thành

    Sông Đà hiện lên là một con sông hung bạo, tính cách ấy trước hết được miêu tả ở những khối đá dựng vách thành, "đá chẹt lòng sông như một cái yết hầu" làm cho "mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời".

    Bằng nghệ thuật so sánh độc đáo, Nguyễn Tuân đã cho thấy sự nguy hiểm bí ẩn của dòng sông. Một nơi lòng sông nhỏ hẹp lưu tốc dòng chảy lớn với những vách đá cao vút, vững chãi giờ đây đang trở nên nguy hiểm vô cùng. Cứ thử tưởng tượng con thuyền nào mà kẹt vào cái khe ấy thì tiến không được, lùi cũng không xong, chỉ chờ sóng nước và đá đập cho tan xác mà thôi.

    2. Hung bạo ở "nước - đá - sóng" quãng mặt ghềnh Hát Lóong

    Động từ "xô" được ngăn cách bởi nhiều dấu phẩy liên tiếp tạo nên sự trùng điệp, làm cho dòng sông đã hung bạo lại càng dữ tợn hơn.

    Thủ pháp nghệ thuật tăng tiến "nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió" như mô phỏng hình ảnh những con sóng dữ cuồn cuộn chồm lên nhau theo chiều ngang, vút lên cao theo chiều dọc rồi đổ gập xuống, cuồn cuộn ghê rợn trên mặt ghềnh.

    => Dòng sông như một kẻ bất chấp tất cả để lấy đi tính mạng của những ai đi qua đây, bởi "quãng này nếu khinh suất không thận trọng tay lái thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra" không giống như dòng sông hiền hòa trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm:

    "Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu

    Mà khi về đến đất nước mình thì bắt đầu lên câu hát

    Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác

    Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi"

    3. Hung bạo ở những cái hút nước và thác đá

    Đến quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La, người đọc còn bị choáng ngợp trước sự hung bạo của những cái hút nước và thác đá. Những cái hút nước "giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu" xoáy tận đáy, "nước thở và kêu như của cống bị sặc" có lúc lại nghe rừng rợn như tiếng "rót dầu sôi".

    Con sông Đà lúc này không khác gì một con thủy quái gieo rắc những nguy hiểm cho những ai đi qua nơi đây. Cho nên "không một chiếc thuyền nào dám men gần", bởi nếu thuyền bị hút là "trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau là tan xác ở khuỷu sông dưới".

    4. Hung bạo ở trùng vi thạch trận

    - Ở trùng vi thạch trận thứ nhất:

    + Ở trùng vi thứ nhất, sông Đà bày ra năm cửa trận, có bốn cửa tử, một cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Hàng tiền vệ, có hai hòn canh một cửa đá trông như là sơ hở, thực chất chúng đóng vai trò dụ chiếc thuyền vào tuyến giữa.

    + Ở trùng vi thứ nhất này sóng nước đóng vai trò chính để tiêu diệt chiếc thuyền. Vừa vào trận địa, chúng tấn công chiếc thuyền tới tấp.

    - Ở trùng vi thạch trận thứ hai:

    Dòng sông tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền, cửa sinh lúc này nằm lệch ở phía bờ hữu ngạn. "Dòng thác hùm beo đang hồng hộc lao mạnh trên sông đá" như khiêu khích ngay giữa cửa vào, dựng đứng thành cửa ải "nhằm níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử".

    - Ở trùng vi thạch trận thứ ba:

    Đến trùng vi thứ ba, có vẻ ít cửa hơn nhưng lại nguy hiểm hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Tại đây những boong - ke chìm và pháo đài đá nổi ở đầu chân thác phải đánh tan cái thuyền. Làm ta liên tưởng đến một trận đấu bóng quyết liệt. Chiếc thuyền như một cầu thủ phải phóng thẳng, chọc thủng cửa giữa, vút, vút, cửa ngoài, cửa trong lại cửa trong cùng, và như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên được vừa tự động lái được lượn được, tiến về phía khung thành và cuối cùng đã hết thác. Trận bóng đã thắng lợi về phe người lái đò tài ba với "tay lái ra hoa".

    => Tính cách hung bạo của sông Đà cho thấy sự hùng vĩ của thiên nhiên Tây Bắc, từ đó làm nổi bật hình ảnh con người lao động và tình yêu bao la mà Nguyễn Tuân dành cho con sông Tây Bắc. Đúng như nhà phê bình văn học Phan Huy Đông đã nhận xét: "Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân mang hơi thở ấm nóng của cuộc đời phức tạp, phong phú, đa dạng. Sự tự ý thức sâu sắc về tài năng của mình không phải là một biểu hiện tiêu cực, trái lại, nó tạo nên sự giải phóng năng lượng rất cần thiết để nhà văn có thể sáng tạo nên những tác phẩm kì vĩ.."
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...