Nâng Cao: Phân tích nhân vật Tràng trong sáng hôm sau (Vợ Nhặt)

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi Tớ là Trang, 3 Tháng hai 2023.

  1. Tớ là Trang

    Bài viết:
    5
    VỢ NHẶT

    Diễn biến tâm lý của nhân vật Tràng trong buổi sáng hôm sau



    Nhà văn nổi tiếng người Đức Betong Brecht cho rằng: "Các nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không phải giản đơn là những bản dập của những con người sống mà là hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả". Trong sứ mệnh đầy cao cả và thiêng liêng ấy, nhà văn Kim Lân với "Vợ nhặt" cũng đã xây dựng nên hình tượng anh cu Tràng, mà qua đó ta tìm thấy vẻ đẹp lấp lánh trong tâm hồn một con người tưởng chừng như chẳng có gì. Đọc truyện ngắn "Vợ nhặt", có lẽ ta không thể quên đoạn miêu tả sự thay đổi của các nhân vật vào buổi sáng ngày hôm sau: "Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy.. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà".

    Nhắc đến Kim Lân, là nhắc đến "nhà văn một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu của nguyên thủy nông thôn". Bắt đầu viết văn và có tác phẩm đăng báo từ những năm 1941-1944, ông được coi là nhà văn thành công về đề tài nông thôn với những con người bé nhỏ và cam phận, những vẻ đẹp chân quê bình dị và những phong tục tập quán độc đáo của làng quê Bắc bộ. Từng trang viết của "người con đẻ của đồng ruộng" này đều thấy cay xè khói bếp, thơm thơm mùi lúa mới, ngai ngái mùi rơm rạ, bảng lảng những cánh cò chao nhịp.. Đặc biệt, cũng với chất liệu của đề tài làng quê Việt Nam, nơi những tên tuổi lớn như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan.. đã khai thác tưởng chừng ở mức thấu triệt, song cũng trên mảnh đất xưa cũ ấy nhà văn Kim Lân cũng đã xây cho mình ngôi nhà rất riêng, rất vững giữa lòng người và thách thức với thời gian.

    Trong số những đứa con tinh thần của mình, truyện ngắn "Vợ nhặt" là tác phẩm đã làm nên tên tuổi và khẳng định vị trí của Kim Lân trong nền văn học nước nhà, đặc biệt là nên văn xuôi Việt Nam hiện đại. Tiền thân của truyện ngắn "Vợ nhặt" là tiểu thuyết "Xóm ngụ cư" được Kim Lân viết dang dở. Trong kháng chiến chống Pháp, tiểu thyết này bị mất bản thảo. Đến mãi năm 1954 khi hòa bình lặp lại, không thể tái hiện toàn bộ tiểu thuyết, ông đã nhớ lại một phần cốt truyện và viết thành truyện ngắn "Vợ nhặt", in trong "Con chó xấu xí". Hạ những dấu chấm cuối cùng kết thúc tác phẩm, Kim Lân đã để lại cho đời một kiệt tác văn học.

    Lật giở từng trang văn trong "Vợ nhặt", ta cảm thấy tim mình có cái gì "bóp thắt chặt lại" trước những thước phim quay chậm về số phận con người trong nạn đói năm 1945. Sự sống và cái chết, cõi dương lẫn cõi âm mong manh như một sợi tóc; số phận con người thì rẻ rúng và đáng thương; miếng cơm manh áo như một thứ quà thật xa xỉ. Bằng ngòi bút phản ánh hiện thực đến tận đáy cùng của mình, Kim Lân đã mở ra trước mắt bạn đọc một không gian năm đói ảm đạm, tăm tối. Tuy nhiên, đọc cả thiên truyện ta lại không thấy tang tóc, mà tràn đầy niềm tin vào tương lại. Đúng như nhà văn Kim Lân chia sẻ: "Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hy vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người".

    Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh có viết: "Tình huống truyện giống như một thứ nước rửa ảnh để làm nổi hình, nổi sắc nhân vật, nổi bật vấn đề tư tưởng của tác phẩm, sáng tạo tình huống trở thành nơi thử thách tài nghệ của nhà văn". Một bông hoa đẹp không chỉ cần có màu sắc mà cần đến cả mùi hương, một bài hát hay không chỉ cần giai điệu đẹp mà còn cần đến lời hát ý nghĩa. Còn đối với một tác phẩm truyện ngắn ngoài những giá trị nhân đạo, hiện thực hay thẩm mỹ nghệ thuật thì đôi khi còn thành công và hấp dẫn người đọc bởi tình huống truyện độc đáo. Trong "Vợ nhặt", Kim Lân đã xây dựng được một tình huống truyện độc đáo: Giữa những ngày đói, anh cu Tràng nghèo khổ, xấu xí bỗng nhặt được vợ, lại còn nhặt giữa cái thời buổi mà người ta chẳng nghĩ đế nhu cầu hạnh phúc. Và cũng chính điều này gây ra sự thay đổi, tạo ra bước ngoặt trong sự chuyển biến tâm trạng của Tràng vào buổi sang ngày hôm sau.

    Nếu buổi chiều hôm trước, ngòi bút Kim Lân đi sâu vào diễn tả sự nghèo đói mà vợ chồng Tràng phải đối mặt thì đến sáng ngày hôm sau, nhà văn đã mở ra một bầu không khí hoàn toàn khác biệt. Mở đầu cho cái không khí ấy, là cảm giác hạnh phúc, ngỡ ngàng của Tràng. Tràng vừa tình giấc sau đêm tân hôn với cảm giác vẫn còn mơ màng nhưng rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc được gửi trao như món quà của cuộc sống, nó mang đến cho Tràng cảm giác như một cái gì đó cứ "ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ sống lưng", "việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn ngỡ ngàng như không phải", Tràng không dám tin vào mắt mình, không dám tin là mình đã có vợ. Cũng phải thôi, đôi khi hạnh phúc quá lớn lại đến một cách quá nhanh khiến cho người ta không dám tin vào mắt mình.

    Sau cảm giác ngỡ ngàng, thì Tràng thấy ngạc nhiên. Tràng ngạc nhiên trước khung cảnh ngôi nhà rách nát của hắn, Ôi chao! Tất cả "đều được quét tước thu gọn sạch sẽ, gọn gàng. Mấy bộ quần áo đã được đem ra sân hong. Đống mùn rác được quét sạch..", tác giả đã sử dụng những hình ảnh gần gũi, bình dị đơn sơ, biện pháp liệt kê, đối lập tương phản cùng cách miêu tả chi tiết, và đó cũng là cách để nhấn mạnh rõ nét những thay đổi về cảnh vật xung quanh Tràng. Đặc biệt là hình ảnh "ánh nắng". Nó không chỉ diễn tả thời gian buổi sáng mà còn gợi ra thời gian, không gian thoáng đoãng. Có lẽ do chính người vợ nhặt đã đem đến ánh sáng, luồng sinh khí, hơi ấm, sự sống cho căn nhà Tràng. Đây chính là sự khởi đầu cho một cuộc sống mới trở nên tốt đẹp hơn. Quang cảnh nhà Tràng dù vẫn là khung cảnh đơn sơ, nghèo khó nhưng nó không còn tuềnh toàng, thảm hại, lạnh lẽo, rúm ró như trước đây, nhưng bây giờ, nó thật ngăn nắp, gọn gàng, có bàn tay chăm lo của người phụ nữ. Nó không còn là không gian hiện thân cho sự tồn tại mà lúc này nó thực sự là không gian sống của con người.

    Song song với niềm khát khao về hạnh phúc vừa chớm nở, nhà văn Kim Lân cũng không quên đem đến cho Tràng một hơi thở mới sau những "đêm tăm tối". Sáng hôm sau khi thức dậy, Tràng "một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng", Tràng thấy "trong người êm ái lửng lơ như người ở trong giấc mơ đi ra". Bởi lẽ việc có vợ giống như một giấc mơ đẹp của cuộc đời anh vậy, nó bất ngờ, nó đột ngột, nó nhanh chống đến mức "đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải". Niềm hạnh phúc như một cơn gió mát mơn man khắp da thịt khiến Tràng thấy êm ái, lửng lơ. Chính những cảm xúc ban đầu ấy đã là tác một lực rất lớn vào nhận thức của Tràng. Tràng cảm động lắm, trong lòng như có một niềm sung sướng dâng để Tràng "bỗng nhiên hắn thấy yêu thương, gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng". Nếu ở trên hạnh phúc vẫn còn mơ hồ thì đến đây ta cảm nhận rõ nét được liều thuốc tinh thần của tình yêu đã cứu vớt tâm hồn Tràng. Tràng đã có suy nghĩ, ý thức của người đàn ông trưởng thành, nghiêm túc hơn trong hôn nhân. Tràng đã thực sự coi rằng lấy vợ là một việc hệ trọng của đời người. Một cuộc chuyển biến tích cực đã diễn ra trong tâm hồn Tràng vô cùng tích cực: Từ vô hình thành hữu hình, từ dửng dưng đến việc quan tâm đến hạnh phúc lứa đôi, đến mái ấm gia đình thực sự theo đúng nghĩa của nó. Từ trách nhiệm đối với bản thân, gia đình Tràng càng thêm khát khao cháy bỏng, niềm tin vào một tương lai tốt đẹp phía trước. Nguồn vui ấy như tia nắng ấm áp xua đi cái đói nghèo, tối tăm đang bủa vây.

    Hơn nữa, hình ảnh người mẹ già "nhẹ nhõm, tươi tỉnh, cái mặt bủng beo u ám rạng rỡ hẳn lên" của bà cụ Tứ cũng tác động đến sự thay đổi trong Tràng rất lớn. Cả người vợ kia nữa, "thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn như mấy lần gặp ở chợ tỉnh". Đây chính là không gian hạnh phúc mà có lẽ có nằm mơ Tràng cũng không thể tưởng tượng được. Nên Tràng xúc động lắm! "Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng". Làm đầu tiên trong cuộc đời, cái con người "ngờ nghệch" kia lại thấy yêu thương cái mái ấm che nắng che mưa "rách bợt" này. Rồi Tràng cảm thấy mình "nên người, hắn thấy hắn có bổn phận và trách nhiệm phải lo lắng cho vợ con sau này". Hắn nhận ra mẹ hắn đã đến cái tuổi "gần đất xa trời", hắn nhận ra trong cả cuộc đời dài dằng dặc của mẹ, chưa bao giờ hắn làm được cho mẹ lấy nổi một niềm vui. Nên hắn hăm hở, hắn săm săm, "Hắn dự phần tu sửa lại căn nhà, rồi cùng vợ" sinh con đẻ cái" ". Giữa cái thời buổi đói khát này, miếng ăn chẳng còn có nổi vậy mà Tràng nghĩ đến một tương lai toàn những viễn cảnh của sự sinh sôi, viễn cảnh của sự ấm no liệu có quá" viễn vông không "? Không, như nhà giáo Trần Minh Đồng khẳng định:" Nhà văn Kim Lân đã dùng Vợ nhặt làm cái đòn bẩy để nâng con người lên trong tình nhân ái. Câu chuyện Vợ nhặt đầy bóng tối nhưng từ đó đã lóe lên những tia sáng ấm lòng ". Những dự tính của Tràng, nhưng viễn cảnh tương lai tưởng như" điên rồ "ấy chính là niềm khao khát, chính là những tia sáng lóe lên sưởi ấm con người ta giữa bóng tối. Để người ta có thể tin vào, có thể bấu víu vào mà vươn lên.

    Nhà văn Lep-ton-xtoi khẳng định:" Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu ". Tình yêu chính" là ngọc đọng, là phiến kì nam trong rừng trầm hương, là tinh hoa trong vườn phương thảo ", kết tinh nên tình cảm được hun đúc bằng tâm hồn người nghệ sĩ trước những rung cảm của cuộc đời. Tình yêu ấy sẽ không thể tuyệt đẹp khi thiếu đi cách thể hiện độc đáo. Bởi thế, Kim Lân không quên gửi trong đứa con tinh thần phong cách viết truyện riêng. Nhà văn xây dựng tình huống truyện độc đáo, éo le và hết sức cảm động. Sử dụng ngòi bút sắc nét để miêu tả tâm lí nhân vật thật sinh động. Nếu như ta bắt gặp Nguyễn Tuân với lối văn sang trọng, những nét bút tỉ mẩn trong liên tưởng, so sánh nhằm đẩy đến tận cùng sự thăng hoa của cảm giác thì Kim Lân lại ý thức thể hiện những mảnh đời, những số phận bằng giọng kể đậm" chất quê ", bằng nghệ thuật dẫn chuyện khéo léo, hệ thống ngôn từ rất mực giản dị.

    Văn học nói bằng hình tượng, hình tượng nghệ thuật là khối pha lê lấp lánh làm nên giá trị tác phẩm văn học. Nếu cái thần của âm nhạc là giai điệu, của hội họa là đường nét và màu sắc thì cái thần của văn chương chính là ở hình tượng nhân vật. Đem tình yêu để xây dựng nhân vật, Kim Lân đã để lại trong ta hình ảnh một bà cụ Tứ với tấm lòng yêu thương, hi sinh cho con hết mực, một anh cu Tràng hào hiệp tốt bụng, một người vợ nhặt với khao khát sống mãnh liệt.

    " Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó." "Vợ nhặt" dưới ngòi bút tài năng của Kim Lân đã hoàn thành sứ mệnh ấy. Nó đã vượt qua sự băng hoại của thời gian và sẽ luôn sống trong trái tim của những người yêu văn học.
     
    Thanh Xuânn thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...