Phân tích mùa xuân nho nhỏ khổ 1,2,3

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi khongcogiphaibuon, 1 Tháng năm 2022.

  1. khongcogiphaibuon

    Bài viết:
    16

    Thanh Hải là một trong những cây bút có công xây dựng nền văn học cách mạng ở miền Nam từ những ngày đầu cách mạng, tiêu biểu cho thơ ca xứ Huế. Thơ của ông thường nhẹ nhàng, tinh tế, trong trẻo, giọng điệu ngọt ngào, tha thiết đặc trưng. Ông là 1 con người tài hoa, giàu sức sống nghệ thuật và lắng nghe được nhiều âm thanh trong cuộc sống, ngay cả những phút cận kề cái chết Thanh Hải vẫn khát khao được sống, cống hiến cho đời. Ước nguyện ấy được gói gọn trong 1 tác phẩm "MXNN". Bài thơ được xem như là 1 lời tâm nguyện tha thiết, đáng trân trọng mà Thanh Hải để lại cho đời trước lúc đi xa. Nổi bật với ba khổ đầu đã khắc họa thành công về sự diệu kì, tươi đẹp, rộn ràng của mùa xuân thiên nhiên, đất trời.

    Trước lúc đi xa, tác giả để lại cho đời những vần thơ thật thiết tha, thanh thản, không hề gợn chút đau khổ, u buồn của 1 cuộc dời sắp tàn. Khi đã bước vào giai đoạn cuối đông, nhà thơ vẫn nghĩ đến 1 mùa xuân bất diệt, nguyện dâng hiến cho đời.

    Hình ảnh của 1 mùa xuân mang đậm nét đặc trưng xứ Huế đã được tác giả mở đầu cho bài thơ:

    Mọc giữa dòng sông xanh

    Một bông hoa tím biếc.

    Ơi con chim chiền chiện

    Hót chi mà vang trời,

    Từng giọt long lanh rơi,

    Tôi đưa tay tôi hứng.

    Đây là bức tranh mùa xuân thiên nhiên được vẽ lên bởi tâm hồn của người nghệ sĩ với những nét chấm phá rất dễ thương, rất tuyệt vời và mang 1 nét đặc trưng rất Huế. Đó là hình ảnh màu tím biếc của 1 bông hoa hòa với màu xanh của 1 dòng sông. Một màu tím dịu nhẹ mọc giữa con sông xanh biếc như những tà áo dài màu tím của những cô gái xứ Huế mộng mơ này. Cả hai màu sắc đều rất hài hòa như vẫy gọi mùa xuân. Động từ "mọc" xuất hiện 1 cách đột ngột trong câu thơ như 1 lời báo hiệu sự trỗi dậy, vươn lên mạnh mẽ của một bông hoa giữa bốn bể sông nước mênh mông rộng lớn. Cả hai cùng hòa quyện tạo nên một bức tranh đầy sức sống. Bức tranh xứ Huế lại càng sinh động hơn bởi tiếng hót long lanh của chim chiền chiện:

    Ơi con chim chiền chiện

    Hót chi mà vang trời,

    Từng giọt long lanh rơi,

    Tôi đưa tay tôi hứng.

    Tiếng hót của chim chiền chiện vút cao, lảnh lót như mở thêm không gian, gợi cảm, trong trẻo, đáng yêu. Từ cảm thán 'ơi' đặt ở đầu câu, một từ "chi" đứng sau động từ "hát" đã đưa cách nói chuyện ngọt ngào, thân thương của Huế vào nhạc điệu của bài thơ tạo cho ta cảm giác bình yên, sự dịu dàng tha thiết của xứ Huế cố đô. Tác giả lắng nghe tiếng chim hót, nghe bằng tai thôi chưa đủ, nhà thơ còn tinh tế, lắng nghe bằng cả trái tim đang xao động, bằng trí tưởng tượng phong phú, bằng sự liên tưởng độc đáo. Từ "giọt" được hiểu theo nhiều nghĩa: Có thể là giọt nắng bên thềm, giọt sương ban mai khẽ đọng trên những lá cây xanh non, tinh khiết, trong trẻo, hay giọt mưa xuân nhẹ nhàng rơi trên vai áo; tiếng chim hót của những chú chim chiền chiện hay chính là giọt nước mắt hạnh phúc của tác giả? Sự chuyển đổi cảm giác trong tác giả thật kì diệu: Từ thính giác sang thị giác và giờ là cảm nhận bằng xúc giác "tôi đưa tay tôi hứng". Sự chuyển đổi cảm giác này thể hiện sự say sưa, ngây ngất, nâng niu của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời vào mùa xuân. Niềm vui đó, niềm hạnh phúc đó hoàn toàn khác với tâm trạng buồn chán trước cảnh xuân đất nước đang đắm chìm trong đêm trường nô lệ:

    Tôi có chờ đâu, có đợi đâu,

    Đâm chi xuân đến gợi thêm sầu?

    Với tôi, tất cả đều vô nghĩa,

    Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!

    Không chỉ với cảnh vật thiên nhiên, nhà thơ còn hòa cảm xúc ngày xuân với hình ảnh đất nước trong kháng chiến và lao động sản xuất.

    Mùa xuân người cầm súng

    Lộc giắt đầy quanh lưng

    Mùa xuân người ra đồng

    Lộc trải dài nương mạ.

    Tất cả như hối hả,

    Tất cả như xôn xao..

    Hai câu thơ đâu tác giả muốn nhấn mạnh đến mùa xuân của người cầm súng và người ra đồng tượng trung cho hai nhiệm vụ chính của đất nước lúc bấy giờ là bảo vệ và xây dựng đất nước. Từ "lộc" ở đây được hiểu theo hai tầng nghĩa: Lộc có nghĩa đen là cành non, lá mới, là cành lá ngụy trang trên lưng người chiến sĩ ra mặt trận, lộc còn là mạ non theo chân ngươi nông dân ra đồng ruộng. Với biện pháp tu từ ẩn dụ, lộc là sự sống, là sự vươn lên quyết tâm giành chiến thắng, giành lấy những kết quả tốt đẹp nhất, mang lại sự bình yên đến với mọi nhà mà chính người chiến sĩ sẽ mang đến mùa xuân yên vui đến mọi nơi trên đất nước. Lộc tượng trưng cho sự ấm no, bội thu của công việc sản xuất. Người dân lao động muốn cống hiến hết mình vào công cuộc xây dựng đất nước bởi vậy tất cả mọi người đều tự nguyện:

    Tất cả như hối hả,

    Tất cả như xôn xao..

    Nổi bật ở đầu câu là điệp từ tất cả nhấn mạnh rõ đây là nhiệm vụ của chung mỗi người. Từ láy hối hả và xôn xao diễ tả chính xác không khí làm việc sôi nổi khẩn trương, thể hiện sự nhiệt tình và trách nhiệm của những con người đang bắt tay xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

    Câu thơ nhịp nhàng với những vần bằng tha thiết, vần trắc khỏe mạnh, bỗng trầm hẳn, lặng đi trong thoáng suy tưởng của nhà thơ.

    "Đất nước bốn ngàn năm

    Vất vả và gian lao

    Đất nước như vì sao

    Cứ đi lên phía trước"

    Hai câu thơ đầu như 1 lời tổng kết về lịch sử bốn nghìn năm với bao nỗi vất vả, bao nhiêu sóng gió, gian lao, biết bao nhiêu thăng trầm. Ca ngợi điều đó, Nguyễn Trãi đã từng viết:

    Như nước Đại Việt từ trước,

    Vốn xung nền văn hiến đã lâu

    Không tự hào sao được khi đất nước mình đi lên từ những vất vả, gian lao. Từ ngữ "giản dị" nhưng cũng đã tái hiện cuộc hành trình lịch sử của dân tộc ta khi đấu tranh với các cường quốc cũng như đấu tranh với thiên tai khắc nghiệt "sáng chống bão dông, chiều ngăn nắng lửa", đói nghèo cũng không buông:

    Việt Nam ơi Việt Nam

    Tiếng súng tiếng gươm không bao giờ dứt

    Bởi Tổ quốc ta không bao giờ chịu nhục

    Dân tộc ta không chịu cúi đầu

    Mặc dù vậy đất nước vẫn mạnh mẽ vươn mình về phía trước, vẫn rạng ngời như vì sao tỏa sáng lấp lánh trên bầu trời cao:

    Đất nước như vì sao

    Cứ đi lên phía trước "

    Thật bất ngờ với cách so sánh ấn tượng này. Một vì sao lấp lánh không chói lọi như vầng thái dương nhưng luôn bền vững, trường tồn. Vì sao ấy còn biểu thị cho lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới, hãnh diện cùng bạn bè năm châu bốn bể. Từ" cứ"khẳng định mạnh liệt quy luật tất yếu cứ đi lên phía trước của dân tộc ta. Đó là niềm tin yêu của tác giả vào sức sống của dân tộc, vào sự phát triển không ngừng của đất nước.

    Ba khổ đầu bài thơ sử dụng thể thơ năm chữ, mang âm hưởng dân ca tha thiết, giàu hình ảnh, giọng điệu nhẹ nhàng thể hiện đúng tâm trạng của tác giả. Chỉ với ba khổ thơ ngắn gọn nhưng tác giả đã cho ta thấy được vẻ đẹp diệu kì của mùa xuân thiên nhiên, cũng như sự vui tươi, rộn ràng của đất nước, của dân tộc. Từ cảm hứng của mùa xuân thiên nhiên dẫn đến cảm nghĩ về mùa xuân đất nước đất nước. Từ đó làm tiền đề, cầu nối về những mùa xuân nhỏ nhỏ của mỗi người ở khổ thơ tiếp theo.

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
     
    Namvu123, Ngân182991, Admin6 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 12 Tháng hai 2023
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...