Phân tích hình tượng sông Hương: Phải nhiều thế kỷ qua đi... bát ngát tiếng gà

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Diệp Lam Lạc, 4 Tháng mười hai 2022.

  1. Diệp Lam Lạc

    Bài viết:
    111
    Đề 1 : "Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại. [..] Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà.." Phân tích hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.

    Bài làm "Dù ong phải bay ngàn cánh bay mới giọt mật

    Hay tằm giam mình tại chỗ nhả ra tơ

    Trong sáng tạo, chúng ở đầu hai cực

    Nào con nào đã được nhởn nhơ.."

    ( "Thơ bình phương – Đời lập phương" – Chế Lan Viên)

    Thật vậy, bản chất của lao động nghệ thuật là sáng tạo. Và lao động nghệ thuật chưa bao giờ là dễ dàng: Thầm lặng. Chán nản. Đơn độc. Vất vả. Giằng xé. Mỗi một tác phẩm chân chính ra đời là sự lao động miệt mài không ngừng nghỉ, là kết quả của quá trình dấn thân, nhập cuộc, tích lũy, một quá trình cọ xát dữ dội của người nghệ sĩ. Và Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng không nằm ngoài điều đó. Ông đã viết nên bài bút kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" (1986) mà linh hồn của nó là đoạn trích phần thứ nhất. Thưởng thức bài kí, độc giả không khỏi ấn tượng với vẻ đẹp của sông Hương khi chảy về vùng đồng bằng và ngoại ô thành phố Huế, từ đó, bộc lộ rõ tính trữ tình trong phong cách bút kí của nhà văn.

    "Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại. [..] Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà.."

    Như chúng ta đã biết, Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn chuyên về bút kí. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là ở sự kế hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với tư duy đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí.. Tất cả được thể hiện qua lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa.

    "Ai đã đặt tên cho dòng sông" là bút kí hay nhất của nhà văn viết về xứ Huế thơ mộng và con sông Hương xinh đẹp. Bài bút kí gồm ba phần mà đặc sắc nhất phải kể đến phần thứ nhất. Với tác phẩm này, tác giả đã mang đến cho người đọc những cảm nhận đầy chất thơ về sông Hương theo dòng chảy của nó từ Trường Sơn cho đến khi chảy qua thành phố Huế và xuôi về biển. Đoạn trích trên nằm ở phần đầu thể hiện vẻ đẹp của sông Hương ở ngoại vi thành phố Huế. Qua đó, bộc lộ rõ tính trữ tình trong phong cách bút kí của nhà văn.

    Các dòng sông là cái nôi của những vùng, các nền văn hóa đa sắc màu nên viết về nó các nhà thơ, nhà văn thường viết bằng cả sự am tường, bằng một tình yêu tha thiết, sâu lắng. Từ lâu, con sông Hương của xứ Huế cũng đã rất nhiều lần đi vào các tác phẩm văn hóa, thơ ca. Dòng sông ấy đã từng được nhà thơ Hàn Mặc Tử miêu tả:

    "Gió theo lối gió mây đường mây

    Dòng bắp buồn thiu hoa bắp lay

    Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

    Có chở trăng về kịp tối nay"

    Hay một nhà thơ nào đó cũng ca ngợi vẻ đẹp của sông Hương, xứ Huế:

    "Thiếu nữ thẫn thờ vê áo mỏng

    Nghiêng nghiêng vành nón đứng chờ ai

    Ven dòng sông phẳng con đò mộng

    Lả lướt đi về trong nắng mai"

    Bởi vậy, viết về dòng sông Hương là một thử thách. May thay, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vượt qua thử thách ấy để tặng cho đời bút kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông". Trong tác phẩm này nhà văn đã cảm nhận về đẹp của sông Hương từ nhiều góc độ, phương diện. Nhà văn đã tìm hiểu thủy trình, khám phá vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên sông Hương và nhìn dòng sông trong sự gắn bó với nền văn hóa của xứ Huế, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cảm nhận về nó một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất với một tâm hồn nghệ sĩ đầy rung cảm.

    Trong bài kí, vẻ đẹp của sông Hương trước hết được tác giả cảm nhận từ góc nhìn địa lí qua thủy trình, cảnh sắc thiên nhiên của dòng Hương giang từ vùng thượng lưu qua vùng đồng bằng rồi về thành phố Huế. Ở mỗi khúc đoạn dòng sông lại hiện lên với một vẻ đẹp riêng đầy cuốn hút. Trong đó, đoạn văn này miêu tả vẻ đẹp của sông Hương khi nó chảy về đồng bằng châu thổ.

    Từ góc nhìn nơi đại ngàn hùng vĩ, tác giả thu hút ánh mắt quan sát của mình để khắc họa hình ảnh sông Hương khi ở đồng bằng và ngoại ô thành phố: Một vẻ đẹp nữ tính, diễm kiều và nhuốm màu cổ tích.

    Dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn, sông Hương như người gái đẹp bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài, như một nàng công chúa bị hóa phép với giấc mông ngàn năm, đợi chàng hoàng tử đến lay dậy để sống trọn đời hạnh phúc. "Chàng hoàng tử" ở đây chính là xứ Huế, một cách liên tưởng, so sánh thật đặc biệt. Câu chuyện tình yêu tựa như cổ tích, nhưng nàng thơ Hương giang vẫn giữa đúng tính cách man dại, tinh tế khi kiếm tìm tình yêu của mình, như cách "sóng tìm ra tận bể" trong thơ Xuân Quỳnh – vừa mạnh dạn, chủ động những cũng vừa tinh tế, dịu dàng. Từng cách gọi "người con gái", "người mẹ phù sa" đến "người con gái đẹp" và lối so sánh độc đáo đã bộc lộ rõ nét tài hoa của Hoàng Phủ, nhà văn không xem dòng sông là một dòng sông đơn thuần nữa, mà đó đã trở thành một sinh thể lôi cuốn, một người con gái xinh đẹp rực rỡ.

    Trên thủy trình của sông Hương, hoa thơm đua hương khoe sắc, dằm dài hoa đỗ quyên đỏ, cánh đồng hoa dại dường như đều trở thành nền nâng bước đi của dòng sông. Tựa như giữa hành trình đi tìm tình yêu, tất cả cánh rừng, hàng cây, hoa thơm cỏ ngọt đều chuyển mình đưa đón, ngắm nhìn dòng sông bằng tất cả sự ngưỡng mộ và yêu mến. Có thể nói, hình ảnh, cánh đồng hoa dại làm tôn thêm biết bao nhiêu vẻ đẹp thơ mộng của dòng Hương giang khi về đồng bằng châu thổ, khiến sông Hương mang một gương mặt khác hẳn so với khi nó chảy giữa rừng già.

    "Sông Hương quyến rũ lạ lùng

    Em choàng tình giấc ngượng ngùng nhìn tôi"


    (Sông Hương, Vũ Dung)

    Ngân dài những cảm xúc theo dòng bút kí đặc biệt, ta tưởng như nhìn thấy một Hương giang nồng nàn, ngượng ngùng nhìn độc giả và giấu đi một trái tim đang tha thiết tình yêu xứ Huế. "Ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới thành phố tưởng lai của nó". Đó là cuộc tìm kiếm tình yêu đầy thử thách thú vị của người con gái luôn hết mình với tình yêu đích thực của đời mình .

    Nếu ở những đoạn đầu, nhà văn tập trung khắc họa vẻ đệp trong tích cách của dòng sông, thì đến đây, Hoàng Phủ đã phác họa nên một dáng hình người con gái xinh đẹp với "những đường cong thật mềm", người con gái đã quyện dành trọn nỗi nhớ thương và sự thủy chung cho "thành phố tương lai" của mình. Không "xăm xăm băng lối vừa khuya một mình", nàng Hương chọn một cách tìm kiếm nhẹ nhàng nhưng vô cùng bản lĩnh và khéo léo.

    Bằng sự am hiểu sâu sắc về thủy trình của Hương giang, nhà văn đã tái hiện sống động "đường đi" mà dòng sông phải vượt qua để đến với người yêu thương. Sông Hương bắt đầu "từ ngã ba Tuần", theo hương nam bắc qua điện Hòn Chén; vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế. Đây quả thật là một cuộc hành trình dài, quanh co, gấp khúc.

    Có thể thấy, bằng một lối hành văn uyển chuyển, ngôn ngữ đa dạng và giàu hình ảnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã diễn tả một cách sinh động và hấp dẫn những khúc quanh, ngã rẽ của con sông. Mỗi đường đi nước bước của sông Hương gắn liền với những địa danh khác nhau của xứ Huế được nhà văn dành cho một cách diễn đạt riêng. Nhờ đó mà hành trình về xuôi của dòng sông không đơn điệu, nhàm chán mà trái lại nó luôn luôn biến hóa khiến người đọc đi từ ngạc nhiên, thú vị này đến bất ngờ, ấn tượng khác. Có những câu văn giàu chất họa đến mức cứ ngỡ như đường cọ của người họa sĩ đang đưa những nét vẽ về sông Hương trên bức tranh thiên nhiên xứ Huế: Vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán.. vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc. Lại có câu văn gợi một nét mơ hồ với nhiều liên tưởng và cảm xúc rất thích: Sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn. Thủ pháp nhân hóa và so sánh được sử dụng kết hợp với hệ thống ngôn từ giàu cảm xúc và hình ảnh cũng góp phần đáng kể vào việc khắc họa một dòng sông thơ mộng, trữ tình.

    Giống như con người trong khó khăn, gian khổ thường bộc lộ ra những phẩm chất tốt đẹp, trong cuộc hành trình đầy gian truân ấy, sông Hương có dịp bộc lộ vẻ đẹp của nó. Sông Hương như người con gái đẹp biết tự làm mới mình, trang điểm cho mình đẹp hơn trước khi gặp người tình mà nó mong đợi:

    Những câu văn tiếp theo đẹp tựa như những câu thơ, nó gợi lên một dòng sông đẹp miên man và duyên dáng. Vì phải uốn lượn, đổi dòng liên tục nên hình dáng dòng sông trở nên mềm mại như một tấm lụa. Có thể nói, vẻ đẹp của sông Hương trước khi vào thành phố Huế là vẻ đẹp mềm mại của một người con gái đẹp. Dòng chảy uốn lượn, những khúc quanh của nó hiện lên như những đường cong trên cơ thể của một người thiếu nữ đương độ xuân thì.

    Đọc đoạn văn này, người yêu văn lại lien tưởng đến Nguyễn Tuân khi miêu tả sông Đà với vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng: "Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc, bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân". Vậy vì sao dòng sông phải chuyển dòng liên tục? Có phải chăng hoàng Phủ Ngọc Tường muốn nói rằng cuộc tìm kiếm người tình trong mộng không hề dễ dàng, có thể đôi bàn chân phải bôn ba trên khắp các nẻo đường như dân gian đã từng viết:

    "Anh đến tìm hoa

    Thì hoa đã nở

    Anh đến tìm đò

    Thì đò đã sang sông

    Anh đến tìm em thì em đã lấy chồng".


    Khi uốn mình qua hai dãy đồi sừng sững như thành quách, những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, màu nước biển ảo "sớm xanh, trưa vàng, chiều tím" khiến sống Hương như được dịp khoác lên bộ xiêm váy lộng lẫy, xinh đẹp và rựa rỡ. Ta nhớ đến một Sông Đà mỗi mùa mang một vẻ đẹp riêng, say đắm và tình tứ: Màu sắc dòng sông thay đổi theo mùa "Mùa xuân màu xanh ngọc bích", khác với sông Gâm, sông Lô "màu xanh canh hến" . Mùa thu nước sông "lừ lừ chin đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa.." . Những màu sắc và âm hương của từng con sông đã "tãi" vào lòng người một thứ rực rỡ lạ kì. Sự biến đổi kì diệu của dòng sông tựa như cuộc sống của con người, ta hòa mình trong những gam màu nóng, lạnh của cuộc đời. Rõ ràng, chẳng ai chọn sống đơn điệu và tẻ nhạt, ta đều mang một màu sắc riêng.

    Vẻ đẹp của sông Hương ở vùng châu thổ còn là vẻ đẹp văn hóa. Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất như triết lí, cổ thi, nhất là khi dòng sông chảy qua những đám quần sơn lô nhô, giữa giấc ngủ ngàn năm của vua chúa với những lăng tẩm đồ sộ của vua chúa thời Nguyễn được phong kín trong những rừng thông u tịch . Chảy bên những di sản văn hóa ấy, con sông như bỗng trở nên nghiêm trang hơn, nó như khoác lên mình tấm áo "trầm mặc" mang cái "triết lí cổ thi" của cổ nhân hay mang vẻ đẹp của hai câu thơ cổ kính: "Bốn bề núi phủ mây phong - Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên". Dòng sông Hương hay chính là dòng chảy của lịch sử vẫn bền bỉ chảy qua năm tháng và đang vọng về trong ngày hôm nay. Hơn nữa, vẻ đẹp trữ tình, văn hóa của dòng sông còn được thể hiện qua chính âm hưởng, nhịp điệu, tiết tấu của văn bản ngôn từ, qua cách nhà văn miêu tả nhịp điệu dòng chảy của sông Hương, qua âm thanh gợi cõi vô thường, huyền hoặc của tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia và âm thanh nồng ấm thân yêu của những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà.

    Bằng ngòi bút tinh tế, sự liên tưởng phong phú kết hợp với biện pháp tu từ nhân hóa, cùng sự vận dụng nhuần nhuyễn kiến thức văn hóa, triết lí, lịch sử, địa lí, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp của sông Hương ở ngoại vi thành phố Huế.

    Nói rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường yêu Huế và hiểu Huế, thì đó là một lẽ đương nhiên. Tôi muốn đi xa hơn, tìm một căn nguyên thầm kín để cắt nghĩa cho sự thành công mỹ mãn của những trang viết ấy: Phải chăng ở đây đã có một sự hòa hợp, tương giao, linh ứng giữa cảnh sắc Huế, lịch sử Huế, văn hóa Huế với một tâm hồn nhà văn dễ rung động, nhạy cảm, tinh tế. Phải là sự tưởng giao, đến mức hòa quyện chặt chẽ mới sinh ra được những áng văn tài hoa không dễ một lần thứ hai viết được như thế. Ngỡ như không khác được: Viết về sông Hương là phải vậy, viết về "văn hóa vườn" ở Huế là phải vậy. Đó là những áng văn, câu chữ được chọn lựa cân nhắc kĩ càng, vì hình ảnh được sáng tạo đẹp đẽ, vì cảm xúc phong phú bất ngờ, mới mẻ (Phạm Xuân Nguyên).

    Qua đoạn trích, tính trữ tình (chất thơ) của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường được bộc lộ rõ nét. Trước hết, chất trữ tình thể hiện qua phương diện nghệ thuật: Hình tượng sông Hương được miêu tả bằng ngôn ngữ tinh tế, giàu chất thơ; lối hành văn hướng nội, mê đắm, tài hoa; nghệ thuật so sánh, nhân hóa sáng tạo, những liên tưởng độc đáo.. sử dụng rộng rãi đặc sắc những phép tu từ gợi cảm vốn là quen thuộc trong thơ như so sánh kết hợp với nhân hóa, ẩn dụ. Chất thơ toát ra từ những câu văn, hình ảnh đẹp, đầy màu sắc và từ độ nhòe mờ của hình tượng nghệ thuật: "Những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà", "Sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn", "Sắc nước trở nên xanh thẳm", "những ngọn đồi này tạo nên nhiều mảng phản quang nhiều màu sắc". "Sớm xanh, trưa vàng, chiều tím".. Chất trữ tình còn được thể hiện qua vẻ đẹp thơ mộng của Hương giang: Hoàng Phủ Ngọc Tường đã "vẽ" lên sông Hương bằng chất liệu ngôn từ cái dáng điệu yêu kiều và rất tạo hình của sông Hương khi nó ở ngoại vi thành phố Huế. Nhà văn không chỉ tái hiện lại một cách chân thực dòng chảy địa lí tự nhiên của con sông mà quan trọng hơn biến cái thủy trình ấy thành "hành trình đi tìm người yêu" của một người con gái đẹp, duyên dáng và tình tứ. Đây cũng chính là cảm nhận riêng, độc đáo và rất đặc sắc của nhà văn về sông Hương trước khi nó chảy vào lòng thành phố thân yêu. Đặc biệt, chất trữ tình của đoạn kí còn thể hiện rõ qua cái tôi đầy xúc cảm của tác giả:

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Gấp lại trang văn "Ai đã đặt tên cho dòng sông?", dường như trong lòng mỗi người đọc vẫn còn vương vấn mãi hình bóng dòng nước mênh mang trầm mặc nơi miền đất cố đô xinh đẹp, dịu dàng. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dùng ngòi bút phác họa hình dung một dòng Hương trữ tình bằng ngôn từ trên trang giấy, thể hiện trọn vẹn một nét bút tài hoa, uyên bác và khả năng quan sát, thấu thị đa chiều của mình trên từng dòng chảy Hương giang. Bao nhiêu năm đã trôi qua, thiên bút kí vẫn ở đó, vẹn nguyên cả về ý nghĩa và tình thần, mãi là nhịp phách tiền tuyệt nhất ru người đọc về với dải đất Huế mộng, Huế thương:

    "Huế vẫn thế, bao đời nay vẫn thế

    Hương Giang trôi, còn trôi mãi ngàn năm"

    (Theo anh về Huế, Huỳnh Minh Nhật)
     
    Last edited by a moderator: 16 Tháng mười hai 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...