Phân tích hình tượng nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi - Lê Minh Khuê

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi tthuong2928, 17 Tháng tư 2023.

  1. tthuong2928

    Bài viết:
    6
    Chiến tranh khốc liệt là vậy, ngang tàn là vậy nhưng không vì thế mà có thể che đi vẻ lấp lánh của những vì sao trong đêm đen. Khai thác từ đó, trong những tháng năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Lê Minh Khuê – nhà văn của thời đại đã khắc họa vẻ đẹp của những con người « có ngôi sao trên mũ », đồng thời cũng là ẩn dụ cho vẻ đẹp đầy ngoan cường, dũng cảm, anh hùng và trong sáng của những cô gái thanh niên xung phong thi hành nhiệm vụ trên tuyết đường Trường Sơn đầy lửa đạn khói bom qua truyện ngắn « Những ngôi sao xa xôi ». Trong tác phẩm, các nhân vật đều là hiện hữu cho nét đẹp vốn có của những cô gái mười tám đôi mươi « quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh », những nét đẹp sâu đậm ấy càng được tác giả khắc sâu hơn vào nhân vật « tôi » hay chính là nhân vật Phương Định trong câu chuyện.

    « Những ngôi sao xa xôi » được Lê Minh Khuê chắp bút vào năm 1971, khi tác giả đang hành nghề phóng viên chiến trường trên tuyến đường Trường Sơn vô cùng khắc nghiệt. Chính hoàn cảnh ấy đã đưa tác giả đến với những cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ gỡ bom, kích bom nổ và lấp hố bom ở nơi mà tử thân luôn rình rập đêm ngày. Qua những bút pháp tả thực và miêu tả cùng lối kể chuyện đầy lôi cuốn, Lê Minh Khuê đã thành công khắc họa vẻ đẹp lí tưởng tiêu biểu cho hình ảnh thế hệ trẻ chống Mĩ, cụ thể hơn chính là những cô gái tuổi đời con rất trẻ nhưng chấp nhận từ giã quê hương thân thuộc để dấn thân vào chiến trường hiểm nguy, cống hiến cả trái tim cho nền hòa bình độc lập của Tổ quốc. Họ mang nét đẹp cứng cỏi, sắc sảo, dũng cảm, kiên cường của những người lính và cả những vô tư, hồn nhiên, lạc quan của những thiếu nữ đôi mươi thể hiện qua các nhân vật: Nho, Thao và nổi bật nhất là Phương Định.

    Phương Định là một cô gái Hà thành, có tuổi thơ êm đềm bên góc phố của Hà Nội. Cô rất ưng dung mạo của bản thân: Là một cô gái khá, có bím tóc dày, mềm ; cái cổ cao và có một đôi mắt sâu, chất chứa những nôi niềm « xa xăm ». Cô nàng cũng là một người có cái kiêu hãnh ngút trời, nhìn những cô gái tíu tít bên những anh bộ đội, cô chỉ « khoanh tay trước ngực rồi nhìn đi nơi khác » với đôi môi mím chặt. Nhưng thực lòng, đối với Định, « những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ ». Có thể thấy, Phương Định là cô gái với ngoại hình ưa nhìn, vô cùng cá tính và sống cũng rất nội tâm dù không thể hiện ra ngoài.

    Định là cô gái rất hồn nhiên, thơ mộng, trẻ trung và vô cùng lạc quan. Cô hay nhớ về mẹ và những kí ức tuổi thơ êm ấm, đó chính là nguồn nước mát lành xoa dịu đi những ngột ngạt nơi chiến trường, cũng chính là động lực để cô gái bé nhỏ tham gia chiến đấu. Dù trong cảnh bom đạn ác liệt, cái chết luôn kề bên, Phương Định vẫn thích ngân nga những bài hát. Những bài hát được Phương Định yêu thích vô cùng phong phú: Là dân ca quan họ mượt mà đằm thắm, là bài « Ca-chiu-sa » tràn đầy khí thế của Hồng quân Liên Xô hay dân ca Ý đong đầy tình yêu quê hương.. Đôi khi cô còn tự bịa lời mà hát. Định hát khi máy bay Mĩ đang rè rè trên không trung, cơn bão lửa sắp đổ xuống cao điểm. Định hát để động viên Thao, Nho và động viên chính mình. Hát trong không khí ngột ngạt: Khói lên và cửa hang bị che lấp. Tiếng hát át đi tiếng bom, là tiếng hát của trái tim dũng cảm và lạc quan. Những hành động, suy nghĩ và lời nói của Phương Định khi cơn mưa đá kéo đến cao điểm đã thể hiện những khía cạnh trẻ trung tràn đầy sức sống của nàng thiếu nữ giữa chiến trường ngập ngụa trong bão đạn mưa bom.

    Không những vậy, Phương Định là cô gái sống nội tâm, rất quan tâm và yêu thương đồng đội: Nho và Thao. Cô gái tôn trọng những quyết định của chị Thao về nhiệm vụ mà không cằn nhằn do dự. Định cũng vô cùng yêu thương đứa út trong nhóm – Nho: Hồn nhiên và thuần khiết tựa viên kẹo chanh nhỏ bé. Không những vậy, Phương Định rất để ý tới những chi tiết nhỏ nhặt nhất về đồng đội mình: Rằng chị Thao gan dạ là thế mà sợ đỉa sợ máu, cũng thích thêu thùa làm đỏm, lại còn thích hát dù hát chẳng hay ; rằng Nho là cô gái thích ăn kẹo, thích tắm suối, nhỏ nhắn mà vô cùng kiến cường. Định cũng từng vô cùng lo lắng khi Nho bị thương, từng không hiểu chị Thao về những lần Thao bình tĩnh đến lạ trước máy bay địch đang đến rải bom nhưng hai người lại có thể đọc được những suy nghĩ sâu xa trong đầu nhau chỉ bằng ánh mắt: « không ai nói với ai, nhưng nhìn nhau, chúng tôi đọc thấy trong mắt nhau điều đó ».

    Phương Định cũng là một cô gái rắn rỏi, có trách nhiệm với nhiệm vụ. Giữa không khí ngột ngạt, sinh mệnh con người được đo đạc bằng giây bằng khắc, giữa không gian như bị quả bom nổ chậm bóp nghẹt lại, Phương Định tự nhận thức được bản thân cần phải làm gì. Cô gái quả quyết « tôi sẽ không đi khom » mà đường hoàng bước tới. Định tỉ mỉ, cẩn thận trong từng mi-li-met vì chỉ cần sai sót một chút Thần Chết cũng có thể ghé qua mà mang Định khỏi cõi đời, khỏi Tổ quốc thân quý ngày đêm đổ máu giành lại độc lập.

    Có thể thấy, công việc mà Phương Định nói riêng và những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn nói chung đều vô cùng gian lao, vất vả và nguy hiểm. Mỗi sai lầm đều sẽ phải đánh đổi, nhẹ thì bằng xương máu, nặng thì là cả tính mạng. Chính những câu văn tự nhiên, ngôn ngữ sinh động và đặc biệt và nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật thành công của Lê Minh Khuê đã khiến « Những ngôi sao xa xôi » như trở thành một thước phim sống động và chân thực tái hiện lại hình bóng của những nữ thanh niên xung phong hi sinh thầm lặng trên tuyến đường kết giao hai miền Bắc Nam trong suốt thời kì kháng chiến chống Mĩ – Trường Sơn qua hình tượng nhân vật Phương Định được xây dựng vô cùng tỉ mỉ, sâu sắc và ấn tượng với những nét tính cách, tâm hồn của những thiếu nữ nơi chiến trường ngày đêm sống với nỗi hiểm nguy rình rập nhưng luôn lạc quan yêu đời. Hơn nữa, việc sử dụng ngôi kể thứ nhất với nhân vật Phương Định đã giúp Lê Minh Khuê khai thác sâu vào nội tâm nhân vật cũng như tái hiện chân thực nhất cảnh chiến trường khốc liệt. Bên cạnh đó, tác phẩm còn được tạo dựng nên từ ngôn ngữ giàu chất tạo hình, giàu hình ảnh, có tính biểu tượng cao, giàu sức gợi cảm, giản dị mà có những nét nghệ thuật vô cùng tiêu biểu và đặc sắc.

    Vẻ đẹp của những cô gái thanh niên xung phong phá bom cũng được tái hiện sinh động qua những câu thơ đầy cảm xúc của Lâm Thị Mĩ Dạ trong bài thơ « Khoảng trời – hố bom »:

    « Chuyện kể rằng: Em, cô gái mở đường

    Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương

    Cho đoàn xe kịp giờ ra trận

    Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa

    Đánh lạc hướng thù. Hứng lấy đạn bom. »

    Họ là những cô gái bất chấp mọi gian lao, hiểm nguy của chiến trường. Họ sẵn sàng « hứng lấy đạn bom » để quân ta có thể từ Bắc vào chi viện cho miền Nam ruột thịt còn ngập ngụa trong khói lửa chiến tranh.

    Phương Định là một hình tượng nhân vật nữ thanh niên xung phong tiêu biểu trong thời kì kháng chiến chống Mĩ mà Lê Minh Khuê đã dùng rất nhiều tâm huyết để bồi đắp nên trong tác phẩm « Những ngôi sao xa xôi ». Hình ảnh những cô gái mở đường ấy sẽ mãi tổn đọng trên những trang văn, trang thơ. Tô đậm thêm vẻ đẹp bất diệt của những thiếu nữ xung phong dấn thân vào chiến trường gian nguy, cống hiến cả thể xác cho nên hòa bình độc lập của Tổ quốc, nhuộm đỏ trang sử vẻ vang của dân tộc ta về lịch sử chống ngoại xâm suốt muôn đời sau.
     
    LieuDuongLagan thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...