Phân tích hình tượng người đi trên bãi cát trong "Sa hành đoản ca"? Trước khi đọc bài bên dưới, hãy dành chút thời gian gạch chân các từ chính, ý chính trong tác phẩm nhé! "Bãi cát lại bãi cát dài Đi một bước như lùi một bước Mặt trời đã lặn, chưa dừng được Lữ khách trên đường nước mắt rơi Không học được tiên ông phép ngủ Trèo non lội suối giận khôn vơi! Xưa nay phường danh lợi Tất tả trên đường đời Đầu gió hơi men thơm quán rượu Người say vô số tỉnh bao người? Bãi cát dài, bãi cát dài ơi! Tính sao đây? Đường bằng mù mịt. Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít! Hãy nghe ta hát khúc" đường cùng " Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng Phía nam núi Nam, sóng dào dạt Anh đứng làm chi trên bãi cát?" Bài làm Có người từng nói: "Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc." Điều đó hoàn toàn đúng! Chính bởi vậy nên từ bao đời nay, học tập đã trở thành cái rễ, cái mốc mà chúng ta luôn phải xông vào và tiến tới hạnh phúc. Cũng từ đó mà học tập trở thành một trong những thi đề quen thuộc, gắn bó cùng các nhà thơ, nhà văn trong suốt hành trình dài. Một trong số đó có nhà thơ nổi tiếng bậc nhất của nhà Nguyễn- Cao Bá Quát. Ông đã để lại cho hậu thế hơn mộ ngàn tác phẩm nhằm nói lên tâm sự của mình, vừa có tính trữ tình, vừa có chiều sâu tư tưởng. Trong đó, "Sa hành đoản ca" - Bài ca ngắn đi trên bãi cát mang âm điệu u buồn, chứa đựng một sự phản kháng đã nói lên tâm trạng của tác giả trước việc học hành và thời cuộc. Được hình thành trong những lần Cao Bá Quát đi thi hội qua các tỉnh miền Trung đầy cát trắng như Quảng Bình, Quảng Trị, "Sa hành đoản ca" đã làm nổi bật lên vẻ đẹp hùng vĩ mà quạnh quẽ của con đường cát. Trên con đường ấy, ngày càng sinh ra nhiều tên ngụy quân tử chỉ ham mê danh lợi còn những kẻ dũng sĩ khẳng khái lại đang day dứt, bất lực khi không tìm được lối thoát cho mình. Cũng qua những hình ảnh miêu tả thực mang tính triết lí ấy mà tác giả đã dễ dàng bộc lộ khao khát đổi mới cuộc sống trong hoàn cảnh đất nước bị dìu dắt bởi nhà Nguyễn bảo thủ, trì trệ. Hình ảnh những con người khó khăn di chuyển trên cát đã thể hiện rất nhiều ý nghĩa: "Bãi cát lại bãi cát dài Đi một bước như lùi một bước" Hai từ bãi cát được điệp lại, đặt sát gần nhau như mở ra những cồn cát mênh mông rộng lớn. Bãi cát tuy đẹp nhưng lại dữ dội và khắc nghiệt đến vô cùng. Điều đó khiến tác giả tưởng chừng như bãi cát đầu tiên chưa đi qua thì đập vào con mắt lại là vô số bãi cát dài khác. Chúng cứ nối đuôi nhau, vô cùng, vô tận, không thể nào đi hết. Cũng giống như kiến thức trong cuộc sống. Chúng ta còn chưa hiểu, chưa thông lĩnh vực này thì một lĩnh vực khác lại mở ra trước mắt càng sâu, càng rộng hơn. Chỉ một từ "lại" nhưng Cao Bá Quát đã sử dụng rất khéo. Chính từ "lại" đã góp phần thể hiện tâm trạng có phần ngao ngán, chán chườn của kẻ quanh năm đèn sách khi đứng trước khoảng trời bao la mà đầy gian truân, khó nhọc. Phải chăng, hình ảnh bãi cát còn đại diện cho những khó nhọc không hồi kết trên con đường truy cầu học vấn và chính những cồn cát đó đã khiến muôn vàn sĩ tử phải chùng bước, cúi đầu. Trên thực tế, đi lâu trên con đường bằng phẳng đã mòi, đã mệt, nay đi trên cát lại còn khó khăn hơn gấp bộn phần. Tác giả sử dụng tiểu đối: "Đi" và "lùi" cho thấy hoàn cảnh hiện tại của tác giả. Khi đi trên đường cát, cát sẽ khiến chân ta trượt về phía sau, khiến người đi bức bối vì cảm giác dậm chân một chỗ. Còn với Cao Bá Quát, ông biết đây không chỉ là một con đường khó đi mà con là những khó khăn chồng chất khó khăn, những bức xúc, tủi hờn khi ông biết bản thân không hề đồng tình với chế độ khoa cử nhà Nguyễn mà vẫn dấn thân vào con đường công danh trước mặt. Vì lẽ đó mà ông còn đang băn khoăn không biết mình là đang tiến hay đang lùi. Con đường đầy chông gai phía trước đâu có để nhà thơ có thời gian suy nghĩ, nó cứ chồng chất ngày một nhiều và ép con người vào bước đường cùng: "Mặt trời đã lặn, chưa dừng được." Mặt trời lặn báo hiệu ngày sắp tàn, ấy vậy mà áp lực vẫn đè nặng lên đôi chân người đi đường. Dưới nắng chiều nhuốm màu sầu muộn, con đường tưởng chừng như còn xa hơn, khó khăn hơn rất nhiều và chính bản thân con người đã và đang cố gắng lê lết từng bước chân nặng nề về phía trước. Không chỉ vậy, hình ảnh mặt trời lặn còn tượng trưng cho những sự chuyển biến của thời cuộc, triều đại huy hoàng đã lụi tàn và những con người tri thức đã đi vào bế tắc. Trong tâm tưởng, Cao Bá Quát lại nhận định rằng: Mặt trời không phải không mọc nữa, áp lực chưa hề kết thúc thì con đường chưa thể có điểm dừng. Mặt trời lặn với tác giả chỉ là một khởi đầu luôn thôi thúc Cao Bá Quát bước tiếp vì một ngày mai tươi sáng: "Nắng chiều lơ lửng quyện sương bay Đếm thử bao nhiêu mới đến ngày Chiếc lá nhẹ rơi theo gió mát Ngỡ ngàng ta tưởng lọn heo may." (Vu vơ – Thanh Hùng) Phải chăng dù cách biệt thế hệ, Cao Bá Quát và Thanh Hùng đều có chung một khao khát: Được sưởi mình trong nắng hoàng hôn rực rỡ và không ngừng tiến bước về một ngày không xa. Chỉ có một mình người lữ khách không ai hiểu thấu, Cao Bá Quát đã tự rơi nước mắt. Giọt nước mắt ấy là những đau khổ, khó nhọc, gian truân, là những mệt mỏi, căng thẳng và cô đơn, buồn nản trên con đường cô độc không người bầu bạn: "Lữ khách trên đường nước mắt rơi." Đoạn thơ không nói trực tiếp mà gợi liên tưởng con đường đời xa xôi, mờ mịt muôn vàn ngã rẽ bằng những hình ảnh độc đáo sáng tạo và đầy ẩn ý. Đó là những ý nghĩa lớn nhất của hình ảnh người đi trên cát. Tâm trạng của tác giả khi đi trên bãi cát là trạng thái chán nản, mệt mỏi rã rời. Tầm tư tưởng cao rộng của nhà thơ chính là đã nhận ra tính chất vô nghĩa của lối học khoa cử và coi thường danh lợi. Nhà thơ đã một lần nữa khẳng định: Ông đối lập với cuộc sống, nhưng không quay lưng với cuộc sống: "Không học được tiên ông phép ngủ Trèo non lội suối giận khôn vơi!" Tác giả đang nhắc tới một điển tích: Lúc leo núi hay lội suối vẫn ngủ say nhằm khích lệ chính bản thân mình. Cao Bá Quát còn tự thể hiện ý chí kiên cường của bản thân: Ước sao học được phép tiên để khỏi phải chướng tai gai mắt trước thói đời đen đúa. Ông sử dụng từ phủ định "không" nhưng lại nhằm ý khẳng định: Ông sẽ tiếp tục dấn thân vào con đường đầy chông gai, cám dỗ mình đã chọn và sẽ đi đến cuối con đường. Câu cảm thán "giận khôn vơi" cùng cách biến tấu nhịp điệu linh hoạt đã tạo cho câu thơ mố chất nhựa sống tràn trề. Đó cũng là tiếng thở dài ngao ngán, não nề khi chính bản thân tác giả đang từ từ khóa mình vào chiếc lồng công danh, tự mình trở thành một con chim đẹp nhưng lại chỉ có thể ở trong lồng mua vui cho người ta. Nhà thơ lúc nào cũng tự vấn, tự cảnh tỉnh bản thân: Làm sao để có thể làm ngơ mà nhắm mắt, để mà mũ ni che tai trước bao cảnh ngổn ngang, chồng chất đau đớn như núi sâu sông rộng giữa thế gian bạc bẽo vô tình. Không chỉ coi khinh mà ông còn trực tiếp mỉa mai, châm biếm và đả kích thói công danh: "Xưa nay phường danh lợi Tất tả trên đường đời Đầu gió hơi men thơm quán rượu Người say vô số tỉnh bao người?" Đối với người đọc, từ chỗ đi trên cát mà liên tưởng đến chuyện danh lợi, chốn quan trường là một sự liên tưởng sáng tạo, táo bạo mà hợp lí. Người đi trên cát bị trượt lùi và sa lầy vào trong cát chẳng khác nào công danh bổng lộc như cau bả cám dỗ ghê gớm, khiến con người luôn phải tất tả ngược xuôi, xuôi ngược. Đó cũng chính là hiện trạng của xã hội nháo nhác, rối ren, hỗn tạp, một xã hội mà Vũ Trọng Phụng phải thốt lên rằng: "Xã hội chó đẻ!" Người nam nhân thời xưa thường có thói quen lấy rượu mua vui, giải sầu nhưng men và rượu được nhắc tới lại khác. Hơi men, hơi rượu được ủ trong cái vò danh lợi được đầu gió mang đi, chui vào trong mũi, trong phổi, thấm vào tận óc khiến con người ngày càng đắm say, u mê trong trụy lạc tối tăm không lối thoát. Danh lợi hư ảo chính là một thứ rượu độc, một đống cao lâu càng ăn càng nghiện và dìm chết con người trong "sa mạc" vô biên. Chính vô số kẻ tiểu nhân đang say hơi mem danh lợi đã không ngừng tìm mọi cách luồn lúi, nịnh nọt mọi nơi để có được một phen danh lợi để đời cho xứng đáng là đấng nam nhi và "phát huy" ý chí của Nguyễn Công Trứ như trong bài "Chí làm trai" : "Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc Nợ tang bồng vay giả, giả vay Chí làm trai nam bắc đông tây Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể." Thật mỉa mai làm sao! Những kẻ tiểu nhân vô sỉ ấy ngày ngày dùng những lý lẽ cao đẹp làm cái cớ đểu mưu cầu chức danh, lợi lộc cho bản thân. Bởi trên đời, chẳng mấy ai có đủ tỉnh táo để thoát khỏi những cám dỗ ghê sợ ấy. Câu nỏi tu từ được sử dụng chính là sự trăn trở về chuyện công danh, là tính chất vô nghĩa của lối học xưa cũ, là sự lạc hậu của học thuật đương thời và cũng là bảo thủ, trì trệ của nhà Nguyễn. Kẻ sĩ thì ít mà kẻ vô sỉ lại nhiều, Cao Bá Quát đã không ngừng tự cảnh tỉnh chính mình và cật lực phê phán những người đã, đang và sẽ "tất tả" với công danh. Đoạn thơ là sự nhận thức mới mẻ của người thanh tỉnh trước thời cuộc- Cao Bá Quát. Cả xã hội đang rối ren trong danh lợi vô nghĩa và dù không muốn thì chính ông cũng đã bị cuốn vào vòng xoáy không hồi hết ấy. Càng đi, tâm trạng người lữ khách càng trở nên bế tắc: "Bãi cát dài, bãi cát dài ơi! Tính sao đây? Đường bằng mù mịt. Đường ghê sợ còn nhiều đâu ít!" Sự cô đơn, chán nản, bế tác lại được tăng lên gấp bội khi nhân vật trữ tình không ngừng đứng trước không gian bao la, hoang vắng. Câu cảm thán như một tiếng nỉ non, tâm tình của tác giả với người bạn quen thuộc. Dường như Cao Bá Quát đã quen với không gian, với hoàn cảnh cũng như những gian truân mà coi chúng là điều không thể thiếu. Ông hỏi chúng và cũng hỏi mình: Nên đi tiếp hay dừng lại? Phóng tầm mắt ra xa, ông không hề nhìn thấy bóng dáng của một con đường thẳng mà những cồn cát nối tiếp lên xuống cứ kéo dài mãi không ngừng. Đó cũng chính là một triết lí của cuộc đời: Cuộc đời không bao giờ là một đường thẳng mà chính là đại dương mênh mông sóng vỗ. Càng đi xa bờ, sóng sẽ càng nhẹ nhưng tác giả càng đi xa, những cồn cát lại càng nhấp nhô khúc khuỷu. Thật chẳng biết nên đi như thế nào! Cũng bởi vậy nên ông cất tiếng khẩn cầu: "Hãy nghe ta hát khúc" đường cùng" " Đó chính là nỗi tuyệt vọng của tác giả. Ông bất lực vì không thể đi tiếp và cũng không biết phải làm gì để tìm thấy lối thoát cho bản thân. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, ông lại tự cổ vũ cho mình: " Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng Phía nam núi Nam, sóng dào dạt Anh đứng làm chi trên bãi cát? " Tác giả đứng giữa không gian bao la rộng lớn nhưng bốn bề đều đã bị chặn lại bởi núi cao sông sâu. Tâm trạng của Cao Bá Quát lúc hiện tại đau khổ và bế tắc hơn bao giờ hết. Ông đã tự hỏi mình nhưng dường như không có ý muốn trả lời mà chỉ cố tạo cho mình nguồn động lực, nhắc nhở ông nhớ về mục tiêu và cố gắng tìm kiếm một lối thoát trước khi bản thận bị nhấn chìm dưới những cồn cát. Ông băn khoăn những hành động của mình từ trước đến nay có thực sự ý nghĩa và trong trời đất ngang dọc rộng lớn, tại sao mình lại chỉ đứng chôn chân trên bãi cát mà không thử một lần dang cánh bay cao. Đó chính là niềm khao khát mãnh liệt, cháy bỏng muốn đổi mới cuộc sống của nhà thơ trước hiện thực phong kiến thối nát. Và cũng chính là bản lĩnh và nhân cách cao đẹp của ông khi dũng cảm cảnh tỉnh bản thân và mọi người. Tóm lại, Bài ca ngắn đi trên bãi cát đã biểu lộ hoàn toàn sự chán ghét của người tri thức đối với con đường danh lợi tầm thường, giả dối, đồng thời khao khát được đổi mới cuộc sống bằng những hình ảnh miêu tả tượng trưng sinh động cùng những nghệ thuật dùng từ điêu luyện độc đáo. Bài thơ cũng mang những hiệu quả tích cực, giúp chúng ta có niềm tin vào phẩm hạnh, có thêm dũng khí để vươn tới những điều tốt đẹp hơn. Chúng ta phải không ngừng học hỏi và chau dồi bản thân, bởi lẽ:" Người thành công không phải là người chưa từng thất bại mà là người không bao giờ bỏ cuộc." Cảm ơn các bạn đã dành thời gian cho bài viết. Nếu bạn thấy bài mình còn lỗi, cần bổ sung, sửa đổi để hay hơn, đừng ngần ngại comment phía dưới để mình được biết nhé! Cảm ơn các bạn nhiều! Chúc các bạn học tốt!