Phân tích, đánh giá đặc sắc nội dung, nghệ thuật truyện ngắn Hương cuội - Nguyễn Tuân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ThuyTrang, 22 Tháng tư 2023.

  1. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199
    Phân tích, đánh giá đặc sắc nội dung, nghệ thuật truyện ngắn Hương cuội - Nguyễn Tuân

    Nguyễn Tuân được bạn đọc biết đến như một viên ngọc đắt giá trong làng văn Việt Nam. Trưởng thành với cha là một nhà Nho trong thời điểm Hán học suy tàn, ông thấm thía rất rõ sự thay đổi của thời cuộc. Phong cách nghệ thuật của ông đa dạng, phong phú, không đi theo lối mòn như các nhà văn cùng thời mà pha một chút phóng túng, chủ quan. Vẻ đẹp văn chương, dấu ấn về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân được thể hiện trong nhiều tác phẩm đặc sắc, tiêu biểu như truyện ngắn "Hương cuội".

    "Hương cuội" trích trong "Vang bóng một thời" – gồm 11 truyện ngắn viết về một thời đã qua nay chỉ còn vang bóng, tập truyện được đánh giá là "gần đạt tới sự hoàn thiện, hoàn mỹ". Với tập truyện này, Nguyễn Tuân đã khẳng định được tài năng của mình trên mọi phương diện. Trước hết, phải kể đến lựa chọn đề tài. Nhà văn đã tìm cho mình một lối đi riêng. Giữa rất nhiều những tác phẩm đi vào khía cạnh đen tối của xã hội Việt Nam đương thời, xã hội tây không ra tây, ta không ra ta, xã hội mà một tang gia cũng khiến cả gia đình hạnh phúc, cả khu phố vui vẻ.. thì Nguyễn Tuân lại tìm về với vẻ đẹp văn hóa cổ truyền xưa trong thú vui trà đạo, thư pháp, thả thơ, thả diều.. của những nho sĩ cuối mùa. Âu, đó cũng là một cách "chơi ngông" của Nguyễn Tuân chăng?

    "Hương cuội" ca ngợi vẻ đẹp văn hóa của dân tộc qua việc miêu tả thú chơi hoa của nhân vật cụ Kép. Ngay từ những dòng đầu của truyện ta có thể thấy hình ảnh một ông cụ dù tuổi đã về già nhưng vẫn giữ cho mình một thú vui tao nhã. Thực ra, cụ Kép có thú chơi lan từ khi còn trẻ, nhưng vì thời cuộc, đến cuối đời, cụ mới gây được cho mình một vườn lan. Cụ đối đãi với hoa nâng niu, trân quý. Cụ cho rằng, người chơi hoa phải lấy cái chí thành, chí tình ra mà đối đãi với giống hoa cỏ không biết lên tiếng. Cụ quan niệm, chơi hoa mà để hoa dãi dầu mưa nắng, trổ hoa không ai biết, tàn lá không ai hay thì chơi làm gì cho tội. Cụ am hiểu tình nết từng loài hoa. Vườn hoa của cụ đua nở đủ loài đủ sắc, nhưng chỉ có lan bạch ngọc là cụ không trồng bởi cụ hiểu tính loài này, yểu điệu, khó chiều phù hợp với phụ nữ. Cụ còn cầu kì lấy hương lan để ướp kẹo ăn Tết.

    Thú chơi lan của cụ trong truyện được Nguyễn Tuân khéo léo lồng ghép trong khung cảnh chuẩn bị Tết. Nguyễn Tuân đã tái hiện lại một cách khéo léo cảnh sinh hoạt của một gia đình trong đêm giao thừa, mỗi người một việc: Bõ già nấu kẹo mạch nha, cụ Kép cùng những người con làm lồng bàn giấy, lựa đá bọc kẹo, bê hoa vào nhà trưng.. Qua từng câu văn, ta dường như có thể chứng kiện tận mắt quy trình ướp kẹo bởi hương lan của nhà cụ Kép. Bằng con mắt tinh tường quan sát cùng vốn sống phong phú, Nguyễn Tuân đã thực sự miêu tả thành công quá trình làm thức kẹo đặc biệt ấy. Từ việc nấu kẹo mạch nha sao cho không bị khê đến việc chọn những viên đá cuội phải thật trắng, thật tròn.. và ngay kể cả việc làm lồng bàn giấy sao cho đúng kích thước. Tất cả diễn ra theo quy trình chuẩn, được tác giả miêu tả tỉ mỉ và tinh tế. Đặc biệt là hình ảnh bữa rượu "Thạch lan hương", một bữa rượu đầu năm cùng những người bạn già dường như đã trở thành một thói quen, một thú vui của một nhà Nho cuối mùa. Văn hóa sinh hoạt truyền thống cùng thú vui thưởng rượu ngắm hoa được lồng ghép đan xen một cách hợp lý và vô cùng tinh tế, tất cả kết hợp lại với nhau tạo nên bức tranh làng cảnh Bắc bộ Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Qua đó ta có thể thấy được sự tinh tế, thông thạo cùng cái nhìn am hiểu phong tục văn hóa thời đại của Nguyễn Tuân.

    [​IMG]

    Điều đặc biệt trong ngòi bút Nguyễn Tuân là ông luôn tiếp cận cuộc sống ở góc nhìn văn hóa, và tiếp cận con người ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ. Thú chơi hoa của nhân vật qua ngòi bút duy mỹ của ông đã trở thành nét đẹp văn hóa và cụ Kép trở thành người nghệ sĩ trong nghệ thuật chơi hoa. Nhân vật cụ Kép khiến ta nhớ tới hàng loạt các nhân vật khác trong Vang bóng một thời: Huấn Cao, cụ Ấm, ông Sáu.. Họ đều là những «nghệ sĩ» trong những thú vui tao nhã đậm nét cổ truyền: Chơi chữ, trà đạo, thả diều, thả thơ..

    Kể về thú chơi tao nhã của nhân vật cụ Kép, Nguyễn Tuân thể hiện lòng thiết tha với truyền thống dân tộc, với nét đẹp văn hóa cổ truyền của đất nước. Ca ngợi vẻ đẹp truyền thống cũng là cách để nhà văn thể hiện thái độ bất hòa với xã hội đương thời – xã hội Tây hóa đã mai một đi rất nhiều những giá trị truyền thống. Phải chăng, đó cũng là cách Nguyễn Tuân khẳng định lòng yêu nước thầm kín mà mãnh liệt của mình? Qua truyện ngắn này, người đọc có thể hiểu rõ hơn về nét đẹp văn hóa, để ta biết trân trọng, gợi nhắc ta nhớ lại về cội nguồn dân tộc, về bản sắc Việt Nam dù trong thời đại nào cũng không thể bị xóa nhòa và không nên bị quên lãng.

    Thành công của tác phẩm không chỉ nằm ở nội dung mà còn trên cả phương diện nghệ thuật. Việc sử dụng ngôi kể thứ ba mang tính khách quan giúp Nguyễn Tuân có cái nhìn bao quát toàn bộ về văn hóa, phong tục của một thời xưa cũ. Hình ảnh gia đình cụ Kép quây quần bên nhau chuẩn bị cho đêm giao thừa và vườn lan mà cụ cất công vun trồng, chăm sóc được khắc họa tinh tế, chi tiết bằng nhiều từ ngữ miêu tả trang trọng, cổ kính, giàu sức gợi. Bên cạnh đó, trí tưởng tượng phong phú cùng khả năng quan sát tinh tế cũng đã góp phần không nhỏ trong việc làm sống dậy nét văn hóa đặc trưng dân tộc đang dần bị lỗi thời từ đó nhắc ta nhớ về những nét đẹp giá trị truyền thống để gìn giữ và lưu truyền.

    Nguyễn Đình Thi từng nói: "Nguyễn Tuân là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp và cái thật." Chính xác là như vậy, thông qua các sáng tác của ông, ta có thể hiểu rõ hơn về tâm hồn của người nghệ sĩ suốt đời đi theo chủ nghĩa xê dịch. Con người ấy được nhắc đến như một nhà văn ngông cuồng suốt đời đi tìm cái đẹp. Và truyện ngắn Hương cuôi thực sự khiến ta mở mang tầm mắt hơn, nhắc cho ta nhớ về những thú vui tao nhã đang dần trở nên lỗi thời, đang dần biến mất khỏi danh sách những thú vui tiểu khiển mang đậm nét văn hóa của thế hệ cha ông ta. Tất cả được phác họa lại dưới ngòi bút tài hoa, chân thực sống động khiến ta cảm thấy tự hào về một nền văn hóa dân tộc cổ kính mà trang trọng.

    Xem thêm: Phân tích, đánh giá đặc sắc nội dung, nghệ thuật truyện Hương cuội - Nguyễn Tuân - bài 2
     
    Last edited by a moderator: 12 Tháng năm 2024
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...