Phân tích, đánh giá đặc sắc nội dung, nghệ thuật ở đoạn thơ đất là nơi anh đến trường - Đất nước

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lagan, 20 Tháng năm 2023.

  1. Lagan

    Bài viết:
    635
    Đề bài: Phân tích, đánh giá đặc sắc nghệ thuật ở những câu thơ dưới đây:

    "Đất là nơi anh đến trường

    [..]

    Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ tổ"


    Bài làm

    Chẳng biết tự bao giờ, nhìn sông ta bỗng nhớ núi, cũng chẳng hay tự bao giờ nhìn đất nước ta thấy thương dân. Bởi lẽ trong sông còn in hằn dáng hình của núi, hay bởi lẽ dáng đứng người dân làm nên Đất Nước mà từ bao đời nay văn học đã ngợi ca Đất Nước nghiêng nghiêng khói lửa song hành và sóng đôi cùng nhân dân. Nổi bật cho thi trường ấy chính là nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm với tác phẩm Trường ca Mặt đường khát vọng, đặc biệt là đoạn trích Đất nước với những câu thơ:

    "Đất là nơi anh đến trường

    [..]

    Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ tổ"

    Cũng như cả chương V của trường ca, đoạn thơ này vẫn viết theo hình thức thơ trữ tình, chính luận với giọng điệu thủ thỉ, tâm tình, đặc biệt là sử dụng thành công chất liệu văn hóa dân gian. Nhưng khác ở đoạn thơ đầu khi nhà thơ suy tư về cội nguồn Đất Nước để trả lời cho câu hỏi "Đất Nước có tự bao giờ" thì đoạn thơ này nhà thơ đã đi vào cắt nghĩa giải thích "Đất Nước là gì?"

    Với nghệ thuật chơi chữ đầy tài hoa, nhà thơ đã tách hai thành tố Đất – Nước trong một chỉnh thể thống nhất để đưa ra những định nghĩa bất ngờ trong mối giây giao thoa, trong sự kết hợp nhuần nhuyễn để tạo nên một Đất Nước viết hoa đầy trang trọng. Ở đoạn thơ này, tác giả đã diễn giải Đất Nước bằng những hình ảnh cụ thể và đem đến cho người đọc những cảm nhận về Đất, về Nước sâu xa nhất, sống động nhất:


    "Đất là nơi anh đến trường

    Nước là nơi em tắm

    Đất Nước là nơi ta hò hẹn

    Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn tay trong nỗi nhớ thầm"

    Hình ảnh Đất Nước thiêng liêng trở lên gần gũi hơn bao giờ hết, mọi không gian của Đất Nước không còn xa lạ mà chứa đầ những kỉ niệm yêu thương. Điệp từ "là nơi" như nhấn mạnh một nhận thức sâu sắc: Không có Đất Nước ta không thể khôn lớn trưởng thành. Cách diễn đạt của tác giả hết sức sáng tạo khi nói đến không gian riêng của mỗi cá nhân thì Đất Nước lại được tách riêng ta, còn khi nói đến không gian chung của anh và em tihf Đất Nước lại hòa kết làm một để anh nhớ em, Đất Nước sống trong nỗi nhớ thầm. Đất Nước lớn lao hòa điệu trong tình yêu đôi lứa. Cảm nhận này đã được thơ ca 1945 - 1975 nhắc đến rất nhiều:

    "Anh yêu em như yêu Đất Nước"

    Hay:

    "Ôi Tổ Quốc ta yêu như máu thịt

    Như mẹ như cha như vợ như chồng"

    Đặc biệt, hình ảnh chiếc khăn trong câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm gợi nhớ về một bài ca dao tình tứ bậc nhất:

    "Khăn thương nhớ ai

    Khăn rơi xuống đất

    Khăn thương nhớ ai

    Khăn vắt lên vai

    Khăn thương nhớ ai

    Khăn chùi nước mắt."

    Hình hài Đất Nước sống động trong bao cảm xúc riêng tư rất đỗi thầm kín ngọt ngào của con người. Đất Nước còn là rừng vàng biển bạc rộng lớn giàu đẹp từ thủa nào đã đi vào điệu hò lời ca tha thiết:

    "Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc

    Nước là nơi con cá ngư ông móng nước biển khơi"

    Những câu dân ca đằm thắm từ xứ Huế cùng với chất liệu văn hóa dân gian đã góp phần tạo nên âm hưởng sử thi hào hùng cho lời thơ hiện đại. Đất mở rộng ra theo cánh phượng hoàng bay hiên ngang hùng vĩ, Nước cũng trải thật bao la bát ngát theo sải bơi của con cá ngư ông. Hai câu thơ giãn nở về số chữ như muốn gắng sức mà tả hết vẻ đẹp rộng lớn, mênh mông của Đất Nước. Ta chợt nhớ đến những câu thơ của Nguyễn Đình Thi trong bài thơ cũng mang cái tên thiêng liêng ấy:

    "Trời xanh đây là của chúng ta

    Núi rừng đây là của chúng ta

    Những cánh đồng thơm mát

    Những ngả đường bát ngát

    Những dòng sông đỏ nặng phù sa"

    Nếu những câu thơ của Nguyễn Đình Thi mang vẻ đẹp lãng mạn tràn đầy sức sống và niềm tin thì thơ Nguyễn Khoa Điềm lại hết sức mộc mạc, giản dị, mạng đậm màu sắc văn hóa dân gian.

    Đất Nước là không gian của anh, của em, của rừng vàng biển bạc và cũng là nơi hội ngộ, gặp gỡ, sum vầy, là không gian sinh hoạt của cộng đồng 54 dân tộc anh em:


    "Thời gian đằng đẵng

    Không gian mênh mông

    Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ"

    Nhắc đến lịch sử dân tộc, Nguyễn Khoa Điềm không nhắc tới triều đại cũng chẳng kể tới những anh hùng. Thi sĩ chọn cho mình một cách cảm nhận riêng gói gọn trong từ "đằng đẵng". Dường như dòng lịch sử dân tộc cứ nối dài, miên man vô tận từ thủa khai thiên, lập địa đến mãi sau này – không rõ là bao nhiêu năm nữa. Cùng với đó là không gian mênh mông của Đất Nước, của mảnh đất biết bao thế hệ người Việt Nam sinh cơ lập nghiệp. Một lần nữa nhà thơ tách rồi lại hợp hai thành tố Đất - Nước để trở thành:

    "Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ"

    Đất hùng vĩ như thế, nước bao la là vậy nhưng lại hợp thành "nơi dân mình đoàn tụ". Không gian địa lí của Đất Nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm vẫn rất dài rộng, đó không còn là không gian hò hẹn riêng tư nhỏ bé nữa mà là nơi cả dân tộc quây quần đoàn tụ dưới mái nhà chung cùng nhau sinh sống suốt hàng ngàn năm lịch sử.

    Khi cảm nhận về Đất Nước mỗi nhà thơ lại có cách cảm nhận khác nhau. Nguyễn Trãi cảm nhận Đất Nước phát triển qua các triều đại:


    "Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập

    Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương"

    Còn nhà thơ Chế Lan Viên đã cảm nhận Đất Nước qua những người anh hùng hư danh trong sử sách:

    "Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc

    Nguyễn Du viết Kiều Đất Nước hóa thành văn

    Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc

    Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên dòng sông Bạch Đằng"

    Thì nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khi suy tư về cội nguồn không nhắc tới triều đại, càng không kể đến các anh hùng hữu danh mà lại nhắc đến các huyền tích, huyền sử: "Lạc Long Quân và Âu Cơ". Đặc biệt là huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng không còn là sự tích kì ảo mà trở thành một hình ảnh tuyệt đẹp để lí giải cội nguồn sâu xa và sự trường tồn của Đất Nước. Nhà thơ đã đánh thức trong sâu thẳm trái tim lòng yêu nước và tự hào về dòng máu lạc hồng.

    Lịch sử Đất Nước còn là sự trưởng thành lớn mạnh và không ngừng nghỉ, là sự tiếp nối giữa quá khứ, hiện tại, và tương lai trong bổn phân và trách nhiệm của người đã khuất:


    "Những ai đã khuất

    Những ai bây giờ

    Yêu nhau và sinh con đẻ cái

    Gánh vác phần người đi trước để lại

    Dặn dò con cháu chuyện mai sau"

    Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm xúc và suy tư, trữ tình và chính luận khiến những câu thơ trên có sức lay động rất lớn đến tâm hồn bạn đọc. Trong cảm nhậncủa nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, sự phát triển của lịch sử Đất Nước không phải thông qua các triều đại mà còn thông qua cộng đồng người Việt. Lịch dử Việt Nam là một cuộc chạy tiếp sức không ngừng nghỉ giữa người đã khuất – thế hệ đi trước, lớp con cháu bây giờ và thế hệ mai sau. Nói về sự gặp gỡ giữa hôm qua và hôm nay, giữa cha ông và con cháu, giữa quá khứ và hiện tại, Nguyễn Đình Thi cũng từng khẳng định:

    "Nước chúng ta nước những người chưa bao giờ khuất

    Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

    Những buổi ngày xưa vọng nói về"

    Đặc sắc nhất trong đoạn thơ này là hai câu thơ cuối:

    "Hằng năm ăn đâu làm đâu

    Cũng phải biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ"

    Đoạn thơ khép lại là một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng nhưng có ý nghĩa thức tỉnh sâu xa về một nét đẹp văn hóa. Hằng năm vào ngày mùng 10 tháng Ba Âm lịch ở bất cứ nơi đâu người Việt cũng hướng về đất tổ Hùng Vương để tưởng nhớ đến công ơn của các vị Vua Hùng đã có công lập nước. Chữ "Tổ" vừa gợi tổ tiên, vừa gợi cội nguồn linh thiêng. Chữ "cúi" gợi sự thành kính của dân tộc. Với cách viết giản dị nhưng đã chạm vào cội nguồn sâu thẳm trong trái tim mỗi người dân Việt:

    "Dù ai đi ngược về xuôi

    Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba"

    Có thể nói, Nguyễn Khoa Điềm đã đánh thức tình yêu quê hương Đất Nước, niềm tự hào về truyền thống vẻ vang cùng với ý thức trách nhiệm của mỗi người Việt trong những năm tháng vận mệnh của Tổ Quốc được đặt lên hàng đầu.

    Với lời thơ ngọt ngào, đằm thắm như tâm tình của anh với em, kiến thức phong phú cùng khả năng sáng tạo ngôn từ, Nguyễn Khoa Điềm đã làm sáng tỏ câu hỏi "Đất Nước có tự bao giờ?" Và nhà thơ đã đưa ta đến một không gian là nơi sinh sống của bao thế hệ người Việt. Đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung đã góp phần cổ vũ, khích lệ tuổi trẻ thấy rõ sứ mệnh phải biết hiến dâng cho tương lai và làm nên Đất Nước muôn đời.
     
    Last edited by a moderator: 31 Tháng bảy 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...