Phân tích biểu hiện của tính dân tộc trong Thơ Mới - Khảo sát qua một số bài thơ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 24 Tháng tư 2023.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    160
    1. Mở đầu

    Trong nền văn học của toàn nhân loại, mỗi một nền văn học của mỗi quốc gia lại mang những nét đặc sắc, đặc trưng riêng biệt được thể hiện qua tính dân tộc. Tính dân tộc là một thuộc tính của văn chương và những nhà văn hay nhà thơ sẽ đem phẩm chất đậm đà đó của dân tộc mình vào những tác phẩm của mình và mang nó tới độc giả, đặc biệt là quảng bá những điều đó ra với bạn bè thế giới. Trong nền văn học của Việt Nam, tính dân tộc hầu hết được biểu hiện trong các tác phẩm văn chương và mang những mức độ, màu sắc khác nhau. Phong trào Thơ Mới 1932 – 1945 với hàng loạt tác giả tiêu biểu như Xuân Diệu, Thế Lữ, Huy Cận, Hàn Mặc Tử.. bên cạnh việc tập trung miêu tả cái "tôi" với khuynh hướng lãng mạng thì những nhà thơ tài năng ấy còn mang tính dân tộc vào trong những đứa con tinh thần của mình.

    2. Nội dung

    2.1 Tính dân tộc trong văn học

    Theo những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực sử học, những cộng đồng người được hình thành trong quá trình lịch sử trên cơ sở tương đồng về ngôn ngữ, trong một lãnh thổ và có đời sống kinh tế cùng văn hóa thì cộng đồng người đó được gọi là dân tộc.

    Tính dân tộc của văn học là một khái niệm chỉ mối liên hệ mật thiết của dân tộc và văn học, được thể hiện qua những điểm độc đáo, tương đối bền vững chung cho sáng tác của một dân tộc, được hình thành và phát triển cùng với quá trình phát triển của lịch sử, tính dân tộc giúp phân biệt với văn học của các dân tộc khác.

    Tính dân tộc là một thuộc tính luôn sẵn có trong những nhà văn, nhà thơ chân chất, những người luôn hướng về dân tộc, về đất nước ngay cả khi họ không sống và làm việc ở quê hương nơi mà họ sinh ra. Những con người sáng tạo ấy sẽ đem tấm lòng yêu nước, yêu văn hóa, yêu nơi "chôn nhau cắt rốn", thương quý những người được gọi là "đồng bào" và đem cả "dân tộc" vào trong tác phẩm của mình với tất cả tình yêu thương. Họ chỉ thật sự thành công khi trong những tác phẩm ấy giữ được văn cốt linh hồn của dân tộc họ.

    2.2 Phong trào Thơ Mới

    Đầu những năm ba mươi của thế kỷ trước, một phong trào đã xuất hiện đã đem đến một luồng gió mới cho thơ ca của nước ta với sự độc đáo và cá tính sáng tạo, đó chính là phong trào Thơ Mới. Phong trào này đã đi vào lịch sử văn học nước nhà với việc sử dụng các thể loại thơ mới như thể thơ tự do, không tuân theo lối vần luật, niêm luật của các thể loại thơ trước đó.

    Do ảnh hưởng của văn hóa Pháp, giới tri thức trẻ đã nhanh chóng nhận ra vần, niêm luật đã quá gò bó và khuôn thước trong việc thể hiện tư tưởng tự do, phóng khoáng, những suy nghĩ và phản ánh đời sống của con người. Bài thơ mở đầu cho giai đoạn vàng son này của văn học được cho rằng là bài thơ "Tình già" của Phan Khôi. Bài thơ được đăng lần đầu tiên vào tháng 3 năm 1932 trên báo "Phụ nữ tân văn" số 122 cùng với bài giới thiệu mang tên "Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ". Bên cạnh tiếng vang mạnh mẽ thì vẫn còn những sự phản đối đến từ những người đi theo lối thơ cũ. Sau nhiều năm tranh cãi thì cuối cùng Thơ Mới đã thắng thế và chiếm một vị trí quan trọng trong sự phát triển thi ca của dân tộc.

    Khuynh hướng chủ yếu của các bài thơ trong phong trào Thơ mới đó chính là khuynh hướng lãng mạn với cái "tôi" lý tưởng, biến cuộc sống rối ren và loạn lạc của xã hội thực dân phong kiến thành một cuộc sống hạnh phúc trong tưởng tượng vào những trang giấy. Tâm trạng u sầu, buồn bã, lạc lõng và u uất của những nhà thơ bao trùm lên hầu hết các tác phẩm giai đoạn này. Họ không biết nên làm gì, đi đâu về đâu nên chỉ có thể gửi gắm vào văn chương. Tuy nhiên, đó không phải tất cả, những nhà thơ vẫn gửi gắm vào đó văn hóa không thể nào mất đi của dân tộc, thứ ngôn ngữ bình dị hay những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam nhất là trong giai đoạn dân tộc đoàn kết chống thực dân Pháp. Khẳng định tính dân tộc trong thơ mới cũng chính là khẳng định chủ quyền, lãnh thổ và nền độc lập của đất nước ta. Những con người ấy vừa là những người tham gia trực tiếp vào cuộc kháng chiến của dân tộc mà họ con là những nhà thơ xuất sắc và chân chính, mang cả niềm tự hào của dân tộc vào trong những áng thơ đỉnh cao của mình.

    2.3 Tính dân tộc trong phong trào Thơ Mới

    2.3. 1 Tính dân tộc trong bài thơ "Tràng Giang" của Huy Cận

    Trước Cách mạng tháng Tám, thơ Huy Cận chủ yếu mang nét u sầu, buồn thương, một nỗi buồn kín đáo của một người dân mất nước, điều này được thể hiện rõ trong bài thơ Tràng giang. Thực dân Pháp xâm lược đất nước ta, sống trong cảnh nước mất nhà tan, các nhà thơ mới hầu hết đều mang tâm trạng chán nản, buồn bã vì mang trong mình nỗi buồn của thân phận nô lệ. Ngày ngày quanh quẩn trong cuộc sống tù túng, tầm thường, Huy Cận không biết phải làm sao nên đã gửi gắm tâm trạng của mình vào những trang giấy, phản kháng bằng cách viết lên bài thơ để có thể tìm một tiếng nói chung.

    Mở đầu bài thơ là khung cảnh sông nước rộng mênh mông, man mác nỗi buồn.

    "Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

    Con thuyền xuôi mái nước song song.

    Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;

    Củi một cành khô lạc mấy dòng" [4-tr1]


    Ngay khổ thơ đầu, Huy Cận đã sử dụng các từ láy như "điệp điệp" và "song song" để miêu tả những cơn sóng loang ra, nối tiếp nhau, tạo thành một khung cảnh buồn man mác. Những cơn sóng cuốn cành củi khô khiến cành củi trở nên lạc hướng, trôi một cách vô định. Có nước thuyền mới có thể di chuyển, thuyền và nước lúc nào cũng gắn bó mật thiết với nhau nhưng Huy Cận lại cảm thấy thuyền và người bạn tri kỉ là nước đang chia lìa, xa cách nhau. Nét đẹp cổ điển "tả cảnh ngụ tình" thật khéo léo, tài hoa của tác giả, đã gợi mở về một nỗi buồn man mác, u sầu như con sóng sẽ còn vỗ mãi ở các khổ thơ còn lại để người đọc có thể cảm thông, thấu hiểu về một nét tâm trạng thường gặp ở các nhà thơ mới. Phải chăng đây chính là cảm xúc trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, cảm giác bất lực trước hoàn cảnh? Đó là một nỗi buồn của cả một thế hệ, một đất nước thân yêu đã rất lâu rồi chưa được trông thấy cảnh mọi người hăng say lao động, đã bao lâu không thấy những đứa trẻ được đi học, đã bao lâu không được viết những bài thơ về Tổ quốc thân yêu? Thực dân Pháp tới biến nước ta thành thuộc địa của chúng, khiến cho người dân cực khổ, khốn cùng, những nhà thơ Mới không thể thể hiện tình yêu nước của mình một cách trực tiếp, lúc đó trong thơ của Huy Cận chỉ có nỗi buồn.

    "Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

    Chim nghiêng cánh nhỏ: Bóng chiều sa.

    Lòng quê dợn dợn vời con nước,

    Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà." [4-tr1]


    Huy Cận đứng ở quê hương mà lại nhớ quê hương. Bởi vì quê hương bây giờ không còn là của ông nữa rồi. Lòng quê là lòng nhớ quê hương. "Dợn dợn" là nỗi niềm bâng khuâng, cô đơn của lòng quê. Nỗi buồn đó là nỗi niềm nhớ quê hương khi đang đứng giữa quê hương nhưng quê hương đã không còn nữa rồi, đứng trước không gian hoang vắng ông nhớ tới quê hương như một nguồn ấm áp. Thực dân Pháp cai trị, Việt Nam khi đó đã biến đổi rất nhiều, từ văn hóa, chính trị đến kinh tế. Cái tên của quê hương còn đây, thể xác còn nhưng tâm hồn đã không còn nữa rồi. Đây là tâm trạng chung của những nhà thơ mới lúc bấy giờ, một nỗi lòng đau xót trước cảnh nước mất nhà tan. Tình yêu mang nỗi buồn sông núi, nỗi buồn đất nước. Nhà thơ giống như cánh chim bé nhỏ bay giữa khoảng không, không biết đi đâu về đâu và còn bị bóng chiều nuốt chửng. Với bài thơ Tràng giang, Huy Cận đã chuyển tải bao tâm tư nỗi niềm của người dân mất nước khi đối diện với cảnh sông dài, trời rộng, nỗi sầu trăm ngã lan tỏa trên sóng nước, con thuyền, cành củi, cánh bèo. Nhìn đâu đâu cũng thấy một nỗi buồn man mác, khắc khoải trong tâm trí. Hai câu cuối gợi dậy tình yêu giang sơn Tổ quốc của thệ hệ nhà thơ thời đó.

    2.3. 2 Tính dân tộc trong bài thơ "Quê hương" của Tế Hanh.

    Bài thơ "Quê hương" của Tế Hanh là một bài thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ Mới, tiêu biểu cho phong cách sáng tác chân thật và gần gũi khi viết về quê hương đất nước. Ông luôn dành tình cảm đặc biệt cho quê hương mình.

    Khổ thơ đầu tiên nhà thơ Tế Hanh đã giới thiệu về quê hương đầy nắng đầy gió của mình.

    "Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:

    Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.

    Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,

    Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá." [3-tr1]

    Việt Nam là một nước có diện tích biển gấp ba lần diện tích đất liền và có đường bờ biển dài tới 3260 km, vì vậy, ngoài làm nông nghiệp gắn liền với cây lúa nước, người dân Việt Nam còn gắn bó với nghề biển. Cái làng quê nghèo ven biển quanh năm làm nghề chài lưới đã trở thành cái nôi nôi dưỡng tâm hồn cho Tế Hanh. Thiên nhiên được Tế Hanh vẽ ra trước mắt người đọc bằng những từ ngữ đậm chất miêu tả như trời trong, gió nhẹ, nắng mai hồng, đặc biệt là khung cảnh những thanh niên trai tráng bơi thuyền ra khơi đánh những mẻ cá lớn. Con người Việt Nam, dù hoạt động ở bất kì lĩnh vực nào họ cũng rất chăm chỉ, cần cù và chịu khó. Họ không ngại gian khổ, khó khăn. Nét đẹp lao động luôn thể hiện trên khuôn mặt đầy mồ hôi và rám nắng. Bức tranh lao động được vẽ tiếp sau khi những người ngư dân thu được thành quả lao động của mình sau một ngày miệt mài kéo lưới.

    "Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ

    Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.

    " Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe ",

    Những con cá tươi ngon thân bạc trắng." [3-tr1]


    Sự cố gắng nào cũng được đền đáp bằng những trái ngọt. Suốt cả ngày cả đêm giăng lưới và kéo lưới, những ngư dân đã kiếm được rất nhiều tôm cá – những quà tặng quý giá của biển cả. Khi người dân làm một thứ gì đó thành công, trước khi cảm ơn chính bản thân mình thì họ lại cảm tạ trời đất, những đấng tối cao ngoài tự nhiên đã giúp đỡ họ thuận buồm xuôi gió: "Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe", những người ngư dân cảm ơn trời vì không mang đến mưa giông hay gió bão nên họ đã thuận lợi làm việc.

    "Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

    Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,

    Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,

    Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!" [3-tr1]


    Có nhận thấy, qua con mắt của một người xuất thân từ làng biển, qua con mắt của một người con xa xứ luôn mang trong trái tim tình yêu, nỗi nhớ quê hương da diết, bức tranh thiên nhiên và con người mà Tế Hanh đã vẽ bằng ngôn từ chất phác, giản dị và đong đầy yêu thương. Ở khổ thơ cuối, Tế Hanh đã kết thúc bài thơ băng hai từ "nhớ' nhưng ý thơ và mạch cảm xúc không hề gây cho người đọc cảm giác yếu mềm hay bi thương, buồn bã mà vẫn khỏa khoắn. Lời bộc bạch tâm trạng của Tế Hanh, nhà thơ nhớ về màu nước biển xanh, nhớ những con cá bạc hay chiếc buồm vôi hằng ngày căng mình trong gió để đưa thuyền ra khơi. Chỉ khi con người ấy thực sự yêu thương và gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nhà thơ mới có thể cảm nhận được mùi nồng mặn đặc trưng của biển cả. Đối với người khác, mùi nồng mặn này sẽ gây ra sự khó chịu nhưng đối với Tế Hanh, cái mùi nồng mặn là mùi quê hương, mùi ruột thịt, mùi gắn bó sâu nặng, mỗi khi nhớ quê, nhà thơ sẽ nhớ về cái mùi hương đặc trưng đó.

    Nhà phê bình Hoài Thanh và Hoài Chân đã nhận xét về Tế Hanh: " Tế Hanh là một người tinh lắm, Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy được cả những điều không hình sắc, không thanh âm như mảnh hồn làng, trên cánh buồm giương, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ, con đường quê nho nhỏ. Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi.. "[1-tr149] . Thật vậy, quê hương là một thứ gì đó rất đặc biệt trong thơ Tế Hanh, vì vậy dung lượng tác phẩm mà ông viết về quê hương rất nhiều. So với các nước phương Tây ta có thể thấy họ xuất phát từ du mục, vì vậy rất ít khi họ ở yên một chỗ mà thường xuyên di chuyển, đi đây đi đó. Còn đối với phương Đông, họ gắn bó với nơi mà mình sinh ra, cho dù bản thân có đi đây đi đó mười, thậm chí hai mươi năm hai xa hơn thì sâu trong con người họ, trong trái tim họ vẫn luôn nhớ về nơi mình sinh ra. Khi Tế Hanh sáng tác bài này là năm ông mới mười tám tuổi, mới xa quê không lâu nhưng trong tâm trí ông lúc nào cũng nhớ làng chài nơi mà mình được sinh ra và lớn lên.

    2.3. 3 Tính dân tộc trong bài" Chân quê "của Nguyễn Bính

    Nguyễn Bính là một nhà thơ chọn nội dung và cách viết khác với những nhà thơ còn lại trong phong trào Thơ Mới, ông viết chủ yếu về làng quê với những nét gần gũi, dung dị, đằm thắm mang đậm hồn sắc dân tộc và gần gũi với ca dao. Bài thơ" Chân quê "chính là tuyên ngôn của thơ Nguyễn Bính.

    " Hôm qua em đi tỉnh về,

    Đợi em ở mãi con đê đầu làng.

    Khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng.

    Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!

    Nào đâu cái yếm lụa sồi?

    Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?

    Nào đâu cái áo tứ thân?

    Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen? "[2tr1]

    Chỉ mới nhìn vào hình thức thơ độc giả có thể dễ dàng nhận ra được thể thơ lục bát đậm chất dân tộc của Nguyễn Bính. Thơ lục bát đã thấm đẫm tâm hồn người Việt chúng ta vì đó là thể thơ trong ca dao, đồng dao và các bài ru con. Dân tộc nào cũng có một thể thơ, một điệu nhạc phù hợp với cách điệu cuộc sống của dân tộc đó. Lục bát là thể thơ hài hòa với nhịp đập của con tim, nếp nghĩ, cách sinh hoạt của người dân Việt Nam. Nhà thơ dùng thể thơ lục bát dễ truyền đạt những khung bật cảm xúc, những suy tư sâu lắng của mình đến với độc giả.

    Trong khổ thơ đầu tiên, nhà thơ đã miêu tả trang phục của nhân vật trữ tình" em "đậm chất người con gái ngày xưa: Khăn nhưng, quần lĩnh, áo cài khuy bấm, yếm lụa sồi, dây lừn đũi, áo tứ thân, khăn mỏ quạ và quần nái đen. Ngay cả trước khi đi tỉnh và sau khi đi tỉnh, nhân vật" em "vẫn mặc những bộ quần áo đậm chất văn hóa dân tộc mặc dù nhân vật" tôi "cẩm thấy không thích. Nhân vật" tôi "không thích" em "đi tỉnh về mà lại ăn mặc theo lối sống thị thành và quên đi vẻ đẹp chân chất của người con gái lớn lên ở đồng quê. Ông sợ những nét đẹp thông quê này sẽ nhanh chóng biến mất nên trước hình ảnh xa lạ của cô gái," tôi "đã liên tiếp bày tỏ sự tiếc nuối bằng những câu hỏi" nào đâu.. ". Nước ta vốn là một đất nước dựa vào từ nông nghiệp và đi lên từ việc trồng lúa nước. Trong tất cả mọi người ai ai cùng mang trong mình một hồn quê và một vẻ đẹp chân quê hồn hậu, chất phác. Thực dân Pháp đến xâm lược nước ta, đem những thứ" văn minh "đến Việt Nam, việc" em "bỏ những thứ quen thuộc như áo tứ thân, khăn mỏ quạ hay quần lĩnh đen để ăn mặc leo lối thị thành, tây hóa giống như việc vứt bỏ đi văn hóa quen thuộc của dân tộc." Em "cùng những thứ xa lạ đó xuất hiện giữa khung cảnh làng quê, giữa con đường làng và rộng đồng khiến cho chàng tải cảm thấy xa lạ, không quen mắt.

    " Nói ra sợ mất lòng em,

    Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa.

    Như hôm em đi lễ chùa,

    Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.

    Hoa chanh nở giữa vườn chanh,

    Thầy u mình với chúng mình chân quê.

    Hôm qua em đi tỉnh về,

    Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều. "[2-tr1]

    Quê mùa là những nét đẹp truyền thống, giản dị, chất phác của những người con thôn quê Việt Nam. Tưởng chừng như sự việc chỉ có như vậy mà nhà thơ lại lo lắng đến như vậy, nhưng không! Đó chính là một hồi chuông đáng báo động, văn minh thành thị đang lấn át những nét mộc mạc, đơn sơ của làng quê Việt Nam. Những nét đẹp từ ngày xưa mà ông bà ta để lại đang dần bị phai mờ giữa ngay giữa khung cảnh làng quê. Trong lịch sử, ông ta đã hy sinh biết bao xương máu của mình để giữ được nền độc lập, giữ được văn hóa, giữ được tiếng nói của dân tộc. Vì vậy, khi nhìn thấy văn hóa mà ông cha đã hi sinh cả tính mạng để giữ gìn bị thế hệ sau này không quan tâm đến mà chạy theo những văn hóa khác thì nhà thơ không chỉ bất ngờ, thất vọng mà thậm chí nhà thơ còn:" Van em ". Không chỉ nhà thơ mà bất cứ ai trông thấy hình ảnh một cô gái gạt bỏ áo tứ thân hay chiếc khăn mỏ quạ để mặc những đồ hở hang cũng đều sẽ van nài như vậy. Ở đây không phải là bảo thủ mà là giữ những nét đẹp, thuần phong mỹ tục của cả một dân tộc. Chiếc áo ấy, chiếc khăn ấy là nét đẹp được kết tinh từ lao động, qua biết bao nhiêu thế hệ mới tạo nên được một bảo vật quý giá, qua biết bao xương máu để bảo vệ. Nhà thơ khuyên nhủ cô gái bằng câu nói:" Hoa chanh nở giữa vườn chanh/Thầy u mình với chúng mình chân quê " . Chúng ta đều sinh ra từ những người chân quê, những người nông dân hiền lành chất phác, không nên phủ nhận những thứ ấy. Nguyễn Bính gắn bó sâu nặng với làng quê với truyền thống văn hóa dân tộc, thi nhân lãng mạn đau lòng trước những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đang lụi tàn trước sự xâm nhập của làn sóng Âu hóa. Nhà thơ cảm nhận được" hương đồng gió nội "trên người cô gái đã mất đi ít nhiều. Nếu không phải là người nhạy cảm với văn hóa dân tộc, không gắn bó với văn hóa truyền thống thì Nguyễn Bính sẽ không thể nào có thể nhận ra điều đó.

    3. Kết luận

    Phong trào Thơ Mới đã hiện tính dân tộc qua hai phương diện chính là nội dung và hình thức. Về nội dung, tính dân tộc được thể hiện chủ yếu qua các đề tài như nỗi buồn của người dân mất nước, tình yêu thiên nhiên say đắm, yêu mến những làng quê truyền thống và yêu mến tiếng Việt. Những đề tài này không đứng tách biệt mà kết hợp cùng nhau, làm nổi bật lên tính dân tộc của Việt Nam trong thơ ca hiện đại. Về hình thức, các bài thơ được viết chủ yếu bằng chữ quốc ngữ, sử dụng các thể thơ đặc sắc của dân tộc như thơ lục bát hay song thất lục bát. Ngoài ra còn có việc sử dụng các âm, các biện pháp nghệ thuật quen thuộc như ẩn dụ, hoán dụ và mượn các hình ảnh quen thuộc trong ca dao.

    Đã qua hơn bảy mươi năm trôi qua, Thơ Mới đã trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, bảy nổi ba chìm tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Thơ Mới vẫn khẳng định được chỗ đứng của mình trong nền văn học nước nhà. Cũng như các nhà thơ khác, từ văn học dân gian đến văn học trung đại, các nhà Thơ Mới luôn ấp ủ trong trái tim mình một tình yêu quê hương đất nước. Đã có lúc người ta cho rằng đọc Thơ Mới không thấy tinh thần đấu tranh cách mạng vì thế Thơ Mới không có tinh thần yêu nước. Dù không có tinh thần cách mạng nhưng thơ họ vẫn là những tâm sự yêu nước kín đáo. Tổ quốc hai tiếng thiêng liêng ấy vang lên trong lòng mỗi người, gợi lên một niềm yêu thương bao hàm tất cả những gì thân yêu và quý báu nhất. Tình yêu Tổ quốc là một tình yêu cao cả, nó cũng vận động không ngừng cùng với lịch sử. Ở mỗi thời kì tinh thần yêu nước lại mang những dấu ấn riêng biệt. Những bài thơ gắn với tiếng nói cá nhân của phong trào Thơ Mới vẫn ẩn bên sâu bên trong những tình cảm yêu nước kín đáo. Nhưng vần thơ đó đem lại những cảm nhận rất riêng nhưng lại rung cảm bao thế hệ độc giả. Lòng yêu nước là một tình cảm đẹp của các nhà Thơ Mới. Yêu nước, yêu cái đẹp nhưng không đủ sức để bảo vệ nó, cái đẹp của tâm hồn thi nhân ẩn sâu trong tiếng thở dài chống chế độ.

    4. Tài liệu tham khảo

    1. Hoài Thanh, Hoài Chân (2006) – Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học.

    2. Thi viện – Bài thơ Chân quê: Bài thơ: Chân quê (Nguyễn Bính - Nguyễn Trọng Bính)

    3. Thi viện – Bài thơ Quê hương: Bài thơ: Quê hương (I) (Tế Hanh - Trần Tế Hanh)

    4. Thi viện – Bài thơ Tràng Giang: Bài thơ: Tràng giang (Huy Cận - Cù Huy Cận)
     
    LieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...