Đề bài: Viết một đoạn NLVH vềNỗi nhớ tiếc quá khứ vàng son của hổ trong tác phẩm Nhớ Rừng Nếu như ở khổ 1 của tác phẩm Nhớ rừng, con hổ là một tù nhân không có tương lai, một thứ đồ chơi vô dụng, bất lực trước thực tại, thì theo mạch cảm xúc ngược dòng về quá khứ, con hổ đã trở về "thuở tung hoành hống hách những ngày xưa", quay lại vùng đất tự do của chính mình, thức tỉnh sức mạnh, uy lực và bản lĩnh của loài hổ. Nếu cái hiện thời như gông cùm, xiềng xích ghìm nén nỗi uất hận trong nó, thì quá khứ lại như màn sương mờ ảo, mông lung giải thoát và tung phá "cái tôi" trung tâm của "một thời oanh liệt". Dòng Thơ mới bung xõa mãnh liệt, cùng cảm hứng lãng mạn dạt dào đã bắc cầu cho "tình thương nỗi nhớ" của nhân vật trữ tình kéo dài ra theo cảnh rừng nguyên sinh thiêng liêng, bí hiểm, không dấu chân người. Phép liệt kê trập trùng theo khuôn nhạc của cảm xúc, gọi về một thế giới mà những thứ như "bóng cả, cây già", "lá gai cỏ sắc" cũng chứa đựng huyền cơ, tiềm tàng nguy hiểm. Vậy nhưng, đối với vị chúa sơn lâm, những linh hồn hoang dã, vĩnh cửu của đại ngàn bỗng trở nên hiền lành, như chốn thảo hoa không tên không tuổi, đồng loạt quy phục "chúa tể muôn loài". Danh xưng "ta" đầy oai phong, ngạo nghễ, bước chân ta đầy "dõng dạc, đường hoàng", sức mạnh nội tâm vừa độc lập, vừa hòa tấu với khúc trường ca dữ dội, hùng vĩ của thiên nhiên, để minh chứng cho một sự chế ngự "Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc/ Là khiến cho mọi vật đều im hơi". Sự đối lập giữa gió ngàn thét vang, thác nguồn ầm ầm đổ với tấm thân lượn nhịp nhàng, móng vuốt âm thầm vờn giỡn với hoa cỏ đã khắc tạc được phong thái uy nghi tuyệt đối của bậc chúa tể, một vẻ đẹp hùng tráng, lớn lao, phóng khoáng không loài nào có được. Con hổ của Thế Lữ mới mẻ, mạnh mẽ và táo bạo hơn rất nhiều so với các con hổ trong thơ ngâm vịnh Trung đại. Sự tưởng tượng và sức sáng tạo của nhà thơ vẽ lên bức tranh ẩn dụ cho xã hội VN đương thời, thái độ của hổ là thái độ của tác giả nói riêng và một bộ phận không nhỏ ng dân nói chung trước bối cảnh đất nước đô hộ. Nỗi nhớ tiếc, hoài niệm, niềm tự hào, ý thức đấu tranh, thái độ dũng cảm bày tỏ tiếng lòng là biểu hiện của lòng yêu nước sâu sắc. Có lẽ vì vậy mà trước những mũi giáo công kích của Thơ xưa, tp nói chung và khổ thơ nói riêng vẫn rất được yêu thích, bởi họ - những người đọc - bao gồm cả thanh niên du học tiếp thu tư duy tiên tiến đến những người yêu thơ xưa - đều tìm thấy cảm xúc, nội tâm của chính mình. Hàng thơ xưa nứt vỡ từng chút một, rồi sẽ vỡ vụn hoàn toàn khi những vần thơ trác tuyệt ở khổ ba mở ra tiếp sau, đi sâu theo tiếng gọi quá khứ khắc khoải của hổ. Hồn thơ mỗi lúc một chới với, như gấp gáp níu kéo một chút vàng son lấp lánh của ngày xưa. Thế Lữ đã huy động một đội quân việt ngữ hùng hậu quay lại thước phim tư liệu sinh động, chuẩn xác về con hổ trong hình hài một thi nhân và một bậc đế vương nổi bật trên bộ tranh tứ bình. Kỷ niệm đầu tiên ùa về trong kí ức của chúa sơn lâm là đêm trăng chính viên dát vàng cả cánh rừng. Biện pháp tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác "uống ánh trăng tan" cho thấy bóng tối âm u cũng tắm mình trong thi hứng thơ mộng, dải suối đen lấp lánh trữ tình, hòa trong cơn say cùng vị chúa tể. Mặt khác, tiếng mưa buồn bã, đìu hiu của phàm trần trong tiếng gọi của bậc đế vương cũng ùa xuống vần vũ rầm rộ. Không gian động nổi bật cho cái tĩnh của "ta lặng ngắm" - tư thế của một bậc chúa tể trầm tĩnh, điềm đạm, dõi nhìn giang sơn rộng lớn được gột rửa sạch sẽ. Để rồi sau đêm mưa, bình minh đến, mặt trời chiếu rọi, vạn vật đắm mình trong bầu ánh sáng trong trẻo, thanh tân. Ánh ban mai tươi mới đầu ngày cùng tiếng chim ca ríu rít ru vị chúa sơn lâm đi vào giấc ngủ. Bên cạnh những tấm phông nền giăng đầy khó khăn thách thức, thử thách ý chí của hổ trong thơ xưa, khung nền tinh khôi, hiền hòa, tươi mới này của Nhớ rừng đã mang lại sắc màu và sức trẻ độc đáo cho tác phẩm. Ba câu thơ sau hoàn thiện vẻ đẹp kiêu hãnh, khí khái, quyền uy của "hầm thiêng." Ánh tà rực rỡ chiếu rọi nơi rừng chiều, sắc đỏ chùm phủ khắp nẻo. "Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng/ Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt". Hai phép đảo ngữ được sử dụng rất đắt, tạo ra hình ảnh kì lạ mà kì vĩ của vị đế vương. Mặt trời cũng có quyền uy rất lớn, mọi vật đều nương nhờ vào ánh dương, hơi ấm để tồn tại. Nhưng con hổ của Thế Lữ lại gọi đó là "mảnh", làm nhỏ bé đi hình ảnh lớn lao của vũ trụ. Mùi máu tanh nồng bốc lên trên những vũng máu lênh láng của dòng trước là dấu hiệu của một cuộc săn mồi ám ảnh, dữ dội. Hổ đã no mồi, chỉ ngồi chờ phút giây mặt trời "chết", bóng tối bao phủ, để nó làm chủ muôn loài, nắm giữ bí mật của thiên nhiên sâu thẳm. Hổ không chỉ là chủ nhân của cánh rừng già, mà nó đã vươn tới chiều kích vũ trụ vô biên. Hổ huy hoàng là vậy, nhưng quyền uy ấy chỉ được hồi lại qua đôi cánh của nỗi xót xa, nhớ tiếc da diết đến quặn thắt tấm lòng. Điệp từ "đâu" và câu hỏi tu từ như gảy từng tiếng đàn kéo quá khứ vàng son trở về, để rồi kết thúc trong tiếng than u uất. Thế Lữ với tất cả tài hoa và sự nặng lòng với đất nước quê hương, cũng cất lên một tiếng than như vậy. Hình tượng con hổ tự do, uy quyền đã góp phần khẳng định sức mạnh của người VN bao đời nay, luôn chiến thắng thù trong giặc ngoài, bảo vệ giang sơn thái bình yên ấm; cũng qua đó bộc lộ sự ru hoài, nhớ tiếc một tinh thần dân tộc kiên cường, bất khuất suốt bao triều đại lịch sử. Quân dân trên dưới một lòng xây dựng và bảo vệ tổ quốc thuở nào, giờ đã suy thoái mai một, để bị thực dân đô hộ, giam hãm. Đinh Lý Trần Lê ôi.. thời oanh liệt nay còn đâu?