Có người từng nói: "Chúng ta càng lên cao, chúng ta càng nên bước đi khiêm tốn." Quả thực, lòng khiêm tốn là vô cùng quan trọng. Vậy lòng khiêm tốn là gì? Lòng khiêm tốn không phải một khái niệm xa xôi trừu tượng, đó là sự khiêm nhường, không phô trương, không tự mãn, tự đại. Lòng khiêm tốn còn là thái độ đúng mực trong việc đánh giá cá nhân mình. Vậy lòng khiêm tốn được biểu hiện như thế nào? Lòng khiêm tốn được biểu hiện rất rõ nét. Những người có lòng khiêm tốn không đề cao những điều mình làm được, họ luôn cho đấy là những điều hết sức bình thường. Những người có lòng khiêm tốn luôn có tinh thần học hỏi, trao dồi vốn hiểu biết của bản thân. Không chỉ vậy, họ không tự mãn gì về những gì mình có, mình biết, tôn trọng đối phương khi giao tiếp. Một trong những minh chứng tiêu biểu của lòng khiêm tốn chính là anh Nguyễn Ngọc Mạnh. Anh là người đã dũng cảm đỡ bé 3 tuổi bị rơi từ tầng 12 ở chung cư. Khi được mọi người ca ngợi là anh hùng, anh chỉ khiêm tốn nói rằng hành động của mình là quá đỗi bình thường, ai cũng sẽ làm như vậy. Câu chuyện của anh đã lan tỏa mạnh mẽ lòng khiêm tốn trong cuộc sống thường ngày. Vậy tại sao lòng khiêm tốn lại quan trọng đến thế? Khiêm tốn giúp ta nhìn nhận bản thân đúng đắn, đánh giá bản thân một cách chính xác. Không chỉ vậy, khiêm tốn, không ngừng học hỏi và tích lũy tri thức, kiến thức và vốn sống thì sẽ giúp cơ hội của bạn ngày càng mở rộng. Đặc biệt, người có lòng khiêm tốn luôn được mọi người xung quanh yêu quý, tôn trọng, tin tưởng. Tuy nhiên, trên thế giới, ta vẫn có thể thấy rõ có nhiều kẻ kiêu căng, tự cho mình là giỏi nhất. Cũng có nhiều kẻ khinh thường những người khác không được như họ. Đó là sự kiêu căng ngạo mạn đáng bị bài trừ. Khiêm tốn là một đức tính không thể thiếu của một người, nó giúp ta không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng mà luôn cố gắng. Là học sinh, em sẽ luôn học hỏi người khác để rèn luyện lòng khiêm tốn. Bởi:"Khiêm tốn không chỉ là một vật trang trí, mà còn là một bảo vệ của đạo đức.'