Hiện Đại Những Con Sóng Đời Chưa Tan - Tiên Nhi

Thảo luận trong 'Hoàn Thành' bắt đầu bởi Tiên Nhi, 17 Tháng mười một 2022.

  1. Tiên Nhi

    Bài viết:
    951
    Chỉnh sửa cuối: 29 Tháng mười một 2022
  2. Tiên Nhi

    Bài viết:
    951
    Chương 1: Một Ngày Như Mọi Ngày - 1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    - Vy ơi! Dậy nhanh đi, trễ rồi.

    Tiếng gọi của chị Vân làm tôi giật bắn cả người. Mở mắt ra, thấy mình vẫn đang nằm trên giường còn gương mặt chị Vân lộ vẻ lo lắng thật sự. Tôi cuống cuồng gấp mền gối rồi theo chị chạy sầm sập xuống cầu thang.

    - Còn có ba mươi phút. - Giọng chị Vân gấp gáp.

    Hai chị em thay nhau đánh răng rửa mặt và lao vào bếp chuẩn bị đồ để kịp giờ ra chợ. Tôi vội nấu nước nóng ngâm nấm mèo, bật lửa nồi đậu xanh lên, xong lại quay qua lấy can nhựa rót nước mắm đã nấu sẵn từ tối hôm qua vào, chị Vân thì thoăn thoắt bào môn.

    Nhìn củ môn mòn đi một cách nhanh chóng mà tôi sợ thật sự, cũng may chị Vân đã quen chứ nếu là tôi thì không chừng thịt môn và thịt tay tôi lẫn lộn vào nhau luôn chứ chẳng đùa.

    Chị Vân trộn nhân xong, tôi lôi xấp bánh tráng mỏng ra, cắt thành ba hình tam giác rồi bắt đầu cuốn chả giò cùng chị.

    Lúc nãy, trong cơn mơ, tôi thấy mình và chị đã thức dậy, cuốn chả giò xong và đang chiên rõ ràng, còn ngửi được cả mùi thơm dầu mỡ xộc vào mũi nữa.

    Đang vui vì mọi việc gần hoàn thành thì tiếng gọi của chị đưa tất cả về lại điểm xuất phát.

    Cũng may hôm qua cậu uống rượu với mấy ông hàng xóm nên dậy hơi trễ, thành thử vừa kịp thời gian cho tôi và chị Vân làm xong nhiệm vụ. Chứ nếu cậu tỉnh sớm như mọi khi, nhìn thấy sát giờ mà còn lúi búi leng beng, kiểu gì chúng tôi cũng phải nghe một bài ca vọng cổ.

    Xếp tất cả các thứ vào chiếc giỏ lớn, tôi và chị Vân khệ nệ khiêng ra cho cậu gác trước chiếc xe máy rồi leo lên yên sau.

    Được ngồi chính giữa nên tôi tranh thủ nhắm mắt tiếp, tuy không ngủ nhưng cảm giác rất thích và thỏa mãn vô cùng.

    Tôi không biết sau lưng mình, chị Vân có nhắm mắt giống tôi không, cả thằng Hòa, con của cậu đang ngồi phía trước nữa.

    Ban nãy, lúc cậu dựng nó dậy thì hai mắt nó vẫn nhắm tít thò lò, ngáp lui ngáp tới như kiểu lên đồng lên bóng. Vì trường học của Hòa gần khu chợ cậu mướn mặt bằng nên nó phải đu theo để đi học.

    Ở Sài Gòn, mới hơn sáu giờ sáng mà cứ ngỡ như trưa trờ trưa trật vậy. Than đốt chưa đỏ, rau rửa chưa xong đã có người tới hỏi mua.

    Cậu bảo đợi một lát, họ liền đồng ý ngay vì mấy đứa bé cứ nằng nặc đòi ăn sáng bằng bún thịt nướng chứ không chịu ăn món gì khác.

    Đưa hộp bún ra cho khách và thu tiền xong, cả chị Vân lẫn tôi đều thở phào nhẹ nhõm. Chị tiếp tục vắt thịt vào đũa tre và cho lên vỉ than nướng còn tôi quay xuống rửa nốt rổ rau.

    Thằng Hòa phụ bợ vài việc linh tinh thì tới giờ học nên nó xách cặp vác lên vai rồi ba chân bốn cẳng chạy đến trường.

    Từ hôm mẹ đưa tôi vào Sài Gòn đến nay đã được hơn ba tháng, mọi việc cũng gọi là đã quen.

    Còn nhớ ngày đầu tiên thò tay vào bó rau xà lách, tôi hét toáng lên khi thấy con sâu trương mắt nhìn mình nhưng bây giờ không như vậy nữa, dẫu cho có sợ cách mấy cũng ráng mà im và tìm cách lấy nó ra vì nếu không, tôi sẽ bị la đến te tua tơi tả.

    Cậu nói nếu để khách nghe thấy, dẫu cho mình có rửa sạch sẽ thì họ cũng chẳng dạn miệng mà ăn.

    Hôm nay, chợ hơi ế, giỏ bún trong thùng xe đẩy chỉ mới vơi được một ít. Cũng nhờ vậy, tôi và chị Vân có chút thời gian thảnh thơi ăn sáng chứ không phải nuốt đại nuốt đến, chẳng kịp nhai như những ngày khách đông.

    Bữa sáng mỗi ngày của chúng tôi chính là tô bún thịt nướng. Có những lúc cậu kêu tôi gọi bún riêu hay hủ tiếu gì đấy mà ăn thì tôi lắc đầu lia lịa, nói chỉ muốn ăn món này.

    Nói thì nói vậy nhưng lý do thật sự là tôi sợ bản thân ăn món khác lại tốn tiền của cậu, dù sao đồ nhà bán vẫn rẻ hơn, nếu tính theo giá gốc.

    Còn nữa là tôi ngại trong lúc đang ăn mà khách đến đông thì cứ đứng lên ngồi xuống mất công lắm, mấy món nước lèo ấy nóng nên chẳng ăn nhanh được, cứ làm tô bún thịt nướng rồi lùa hết vào miệng cho mau.

    Có lẽ chị Vân cũng cùng suy nghĩ với tôi nên quanh năm suốt tháng chị cứ ăn bún thịt nướng.

    Cậu ngồi trên ghế, kéo học tiền, đếm tới đếm lui rồi nói với ra phía trước, bảo chị Vân ngừng nướng thịt, sau đó, quay sang tôi.

    - Vy, vào trong bãi xe mời xem có ai ăn bún không?

    Tôi vâng dạ, te te chạy đi. Cứ mỗi lần ế ẩm, cậu lại bảo tôi vào đó mời khách.
    Số là có một lần chú thợ sửa xe trong ấy chạy ra kêu tô bún, lúc tôi bưng bún cho chú thì vô tình có thêm mấy người nữa trông thấy rồi bảo tôi bưng cho họ luôn. Vậy là, bán được mười mấy tô.

    Cậu cứ tưởng rằng tôi mở miệng mời mọc nên mới có nhiều người mua chứ đâu biết miệng tôi vẫn khít như miệng hến, nào có dám hé răng mời ai, thấy người lạ là sợ đến cứng họng thì lấy đâu dũng khí mà mời với gọi.
     
  3. Tiên Nhi

    Bài viết:
    951
    Chương 2: Một Ngày Như Mọi Ngày - 2



    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thế rồi, những lần sau đó, mỗi khi cậu bảo, tôi mau mắn vọt đi nhưng đến nơi thì lại bước từ từ, giả vờ lượn tới lượn lui, nhìn nhìn, ngó ngó như kiểu ta đây đang tìm người, tìm tô, cốt để có ai trông thấy cái mặt mốc của mình mà đột nhiên muốn ăn bún thì gọi.

    Cũng may cho tôi là lần nào cũng có người chủ động lôi tôi vào gọi bún. Ít thì bốn, năm tô, nhiều có khi được cả hai mươi mấy tô.

    Khách ăn bún chủ yếu là những người thợ sửa xe. Bãi đất rộng này được bao quanh bằng một bờ tường cao, tập trung rất nhiều xe tải, lớn có, nhỏ cũng có.

    Các tài xế thường ghé vào để kiểm tra máy móc và bảo trì, sửa chữa, có lúc chỉ là kiếm chỗ đỗ xe để nghỉ ngơi chờ đến giờ lại đi tiếp.

    - Bún thịt nướng!

    Nghe tiếng gọi, tôi vội vàng lia đôi mắt nhìn dáo dác xung quanh. Từ ngày bước chân ra chợ phụ cậu, tôi có thêm cái tên là "bún thịt nướng".

    Nhác thấy cánh tay đưa cao vẫy vẫy của bà chủ bãi xe, tôi đâm đầu chạy một mạch tới bên cạnh.

    - Dạ, cô kêu bún ạ?

    - Ừ, cho cô một tô, rau giá đầy đủ nha.

    Nói rồi, bà ấy quay sang hỏi mấy ông tài xế mặt mũi lạ hoắc đang ngồi vắt vẻo trên những chiếc võng gần đó có ăn không. Người lắc, kẻ gật. Cuối cùng, tổng lại là được năm tô. Tôi mừng rỡ phóng thật nhanh về xe bún.

    Từ xa, vừa trông thấy tôi, cậu đã xếp sẵn mấy cái tô trống lên rồi, cứ như cậu mặc định tôi lủi vào trong ấy thì kiểu gì cũng có người gọi bún ăn vậy.

    - Mấy tô? - Cậu nhìn tôi rồi nhìn cái khay nhựa, bàn tay thoăn thoắt vầy nắm rau lên cắt nhỏ.

    - Dạ, năm tô, rau ớt đầy đủ nha cậu.

    Chờ cậu làm xong, tôi mau mắn xếp hết tô lên mâm rồi bưng đi. Khi vừa trở lại đã thấy có thêm năm, sáu người khách đến, kẻ mua ba hộp, người mua năm hộp.

    Chẳng mấy chốc mà mớ thịt nướng sẵn đã vơi gần hết. Tôi và chị Vân cắm mặt vào vỉ thịt, tranh thủ nướng, chị vắt, tôi thì vừa trở vừa quạt cho thịt nhanh chín hơn. Kết quả là lửa bùng lên, tôi tá hỏa bưng vỉ thịt ra ngoài để chị Vân bới than đỏ, bỏ than đen vào dập lửa.

    Lúc đặt vỉ lên thau than, tôi luống cuống làm văng luôn mấy cây thịt sắp chín xuống đất, chị Vân thấy vậy liền nhanh chóng dùng chân đá chúng vào dưới gầm xe luôn.

    Thời điểm mà khách đông thì một cây thịt đối với chúng tôi và cậu mà nói quý như một cây vàng vậy. Khách đợi lâu sẽ dỗi sẽ hờn, có khi chửi toang toác.

    Cũng may, cậu đang múa may quay cuồng trong xe bún nên không nhìn thấy thịt bay vào miệng thổ địa.

    Cái kiểu nó vậy, lúc thịt thà nướng đầy đủ, chất cao chót vót thì chẳng có ai tới mua, lúc vừa vơi thì từ đâu không biết, người này nối gót người kia, xếp hàng, vừa mua vừa hối, làm chúng tôi cũng nhảy nhót tưng bừng.

    Bà khách mối sang chảnh mỗi lần ghé là mua gần cả hai mươi hộp bún cho thợ thầy ở xưởng ăn vừa dừng xe lại đã hối thúc, đứng đợi chưa bao lâu liền nổi quạu, mặt mày bự ra. Cậu thấy thế liền quay sang la tôi và chị Vân té tát.

    - Bỏ thêm than vô, quạt lên. Nướng gì có mấy cây thịt mà trở tới trở lui không chín là sao? Nhanh cho khách người ta còn về. Làm như tụi bây thì mất khách hết.

    Câu nói không có chút tình nghĩa nào đó chính là câu thần chú cứu cánh trong lúc này. Bà khách thấy cậu la chúng tôi túi bụi thì thôi không hối nữa, bảo cứ để tụi nhỏ nướng từ từ, chị đây đợi được.

    Cứ mỗi lần cậu hầm hét, tôi tủi thân ghê gớm. Tuy nghe chị Vân giải thích rằng cậu nói vậy là để cho khách đỡ nóng ruột, đỡ hối và thư thả cho mình làm nhưng tôi vẫn mãi buồn và thấy xấu hổ với những người xung quanh.

    Tôi là một con bé mới mười lăm tuổi, dễ tổn thương và mau nước mắt. Nhất là khi có mấy đứa con trai trạc tuổi hoặc lớn hơn chút đến mua hàng ngay lúc tôi và chị Vân đang bị mắng thì tôi như muốn đất dưới chân nứt ra để chui xuống cho xong.

    Làm luôn tay luôn chân suốt hơn một tiếng đồng hồ thì giỏ bún cũng sạch sành sanh. Nhác thấy bà Hiếu bán nước giải khát đi qua, cậu liền gọi lại, bảo mang cho tôi và chị Vân ca nước mía rồi kéo học tiền ra xếp, vừa đếm vừa cười.

    Tôi uống vội một hớp nước, tranh thủ chạy vào bãi xe thu tô, thu tiền vì sợ khách lạ họ ăn xong đi mất lại chẳng biết đâu mà tìm.

    Sau khi tính toán các khoản phải thanh toán, cậu đưa tiền cho chị Vân vào chợ trả cho mấy người bạn hàng và mua thêm nguyên liệu chuẩn bị cho ngày mai. Tôi dọn vén các thứ gọn gàng và ngồi xuống rửa chén, rửa tô.

    Hôm nào cũng vậy, cứ mỗi lúc khách đông, làm không kịp, tôi và chị Vân đều bị cậu la mắng túi bụi, cứ như là một phần tất yếu của cuộc sống.

    Khi bán xong xuôi, rảnh rang thì cậu lại cười xòa, bô lô ba la như chẳng có chuyện gì xảy ra rồi kêu mấy cô bán vé số đi ngang qua ghé vào, lựa vài tờ.
     
  4. Tiên Nhi

    Bài viết:
    951
    Chương 3: Cánh Diều Bay Lên Từ Bãi Đất Trống - 1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cứ mỗi chiều đến, sau khi làm các công việc xong xuôi, chị Vân và tôi tắm gội rồi leo lên gác. Một ngày mệt lả người, được đặt lưng xuống giường thật là thích.

    Lúc trước, tôi khái niệm hạnh phúc chỉ xuất hiện trong mối tương quan giữa nam và nữ, còn nữa là trong một gia đình ấm êm, thuận hòa thì sẽ có hạnh phúc.

    Thế nhưng giờ đây, hạnh phúc đối với tôi chính là giây phút chuyển giao giữa ngày và đêm mà người ta gọi là hoàng hôn ấy. Vì lúc này, tôi có thể tạm gác lại tất cả để nghỉ ngơi cùng mơ mộng.

    Nằm được mấy phút, tôi bật dậy, tiến ra ngoài ban công. Chị Vân vẫn ở bên trong, cắm cúi may lại chiếc áo khoác bị bung chỉ.

    Trong cảm nhận của tôi, chị Vân là người khá đơn giản, suy nghĩ của chị luôn luôn đơn giản.

    Gia đình tôi có tổng cộng sáu chị em và chị Vân là chị cả. Chị có nụ cười tỏa nắng cả khúc sông nhưng đôi mắt lại cực kỳ buồn, cứ u uẩn, ươn ướt. Tôi nghe người ta nói, những người có đôi mắt đó sẽ rất khổ vì tình.

    Chị Vân cũng giống như tôi, học xong lớp chín thì nghỉ và vào Sài Gòn phụ cậu mợ bán buôn. Chị đi suốt mấy năm liền, chỉ khi mẹ tôi sắp sinh bé út mới nói với cậu cho chị về.

    Tới khi bé út tròn một tuổi, cậu mợ gọi điện xin mẹ để chị trở vào phụ giúp vì người thân dẫu sao vẫn tin tưởng hơn là mướn người ngoài. Thế là, chị tiếp tục rời nhà mà đi. Qua hết mấy năm, tôi lại nối gót chị.

    Nghỉ học ở cái độ tuổi lưng chừng này thì còn có thể làm gì khác ngoài phụ việc cho bà con. Còn nữa là mẹ nghe lời cậu, rằng để chúng tôi ra môi trường chợ, tiếp xúc này nọ cho dạn dĩ và lanh lẹ lên, rồi mai này lớn còn xin vào công ty, xí nghiệp làm vì mọi người đều nói chị em tôi khù khờ quá.

    Vào Sài Gòn, cậu mợ lo ăn uống, tiền công thì trả mỗi đứa một triệu một năm nhưng nói để gom lại rồi khi nào có dịp sẽ đưa cho mẹ tôi.

    Cậu nói chúng tôi ăn ở trong nhà nên chẳng cần xài tiền. Chỉ khi nào cần mua đồ cá nhân hàng tháng, tôi và chị Vân mới mở miệng xin mợ.

    Bản thân tôi nghĩ rằng mình không học nữa thì phải đi kiếm tiền thôi, chẳng lẽ quanh quẩn ở nhà cho mẹ nuôi cơm để đợi lớn đủ tuổi lao động.

    Gia đình tôi không có rẫy, ba chạy xe ôm ngày được ngày mất, mẹ bán tạp hóa nhỏ lẻ và nấu rượu, nuôi vài con heo.

    Chị Vui cơ thể ốm yếu nên ở nhà làm cùng mẹ, chị cũng học hết lớp chín, đáng lý ra chị trên tôi hai lớp nhưng vì bệnh quá, tụt lại hai năm rồi học cùng nhau và nghỉ cùng lúc.

    Phía dưới nhà vọng lên tiếng cười nói rôm rả, tiếng xì xào bàn tán, còn có cả tiếng nhai lách chách. Đó là bà con bên phía mợ tôi, bao gồm các chị và cháu của mợ.

    Từ ngày mợ sinh em bé, họ thường xuyên lui tới sau bữa trưa, tụ tập nói chuyện, đánh bài tứ sắc, xong kêu hủ tiếu, hột vịt lộn vào ăn rồi đến xẩm tối mới tản ra.

    Hai chị em tôi chẳng bao giờ ngồi vào ăn chung với họ, cho dẫu có được mời. Đi bán về, chúng tôi tranh thủ nấu cơm, ăn vội rồi nhặt rau, nhặt hành, bào củ cải, ướp thịt, lót lá chuối vào bánh tráng mỏng cho mềm, ngâm đậu xanh.. tắm gội, giặt giũ và dọn dẹp xong xuôi thì leo thẳng lên gác.

    Tôi ngại nghe những gì họ nói, ngại tiếp xúc với những cô cháu gái xinh đẹp, học giỏi và sành điệu. Ánh mắt họ nhìn tôi và chị Vân dường như chỉ có một nửa, kiểu như không cùng đẳng cấp.
    Mọi người đều khoe với nhau thành tích học tập của con cái mình cùng những dự tính trong tương lai vô cùng sáng lạn.

    Nếu như học vấn quyết định nên giá trị con người thì tôi đành chấp nhận mà thôi. Tôi và các chị còn có lựa chọn nào khác ngoài cách nói với mẹ rằng mình làm biếng học, muốn được nghỉ vì chẳng thể nào tiếp thu nổi bài vở.

    Cái cảm giác bị thầy cô bảo đứng lên và trả lời xem bao giờ thì đóng tiền học khiến tôi ám ảnh suốt chín năm liền. Ban đầu, còn có các bạn khác cùng đứng với mình, rồi sau đó ít dần, cuối cùng chỉ còn mỗi mình tôi đưa mặt dày ra.

    Nhà đông con, tiền bạc kiếm quá khó khăn, cái quán nhỏ xiêu vẹo cùng mấy con heo còi cọt của mẹ và những cuốc xe thồ của ba chỉ đủ đắp đổi qua ngày.

    Mẹ tôi lại thường xuyên bị bệnh nhưng phải cố uống thuốc giảm đau để gồng mình làm việc. Điều này, tôi biết từ khi còn nhỏ, chỉ là cố lơ đi để gắng học xong cấp hai vì dẫu sao cầm được tấm bằng ấy cũng dễ xin việc hơn.

    Đôi lúc nhìn những cô gái trạc tuổi, khoác lên tà áo dài trắng thướt tha, đạp xe dọc những con đường mà tôi ao ước và chạnh lòng biết mấy.

    Chiếc áo tinh khôi của nữ sinh đó mãi mãi chẳng bao giờ vương trên người tôi được, có chăng chỉ là trong tưởng tượng và cả trong cơn mơ.
     
  5. Tiên Nhi

    Bài viết:
    951
    Chương 4: Cánh Diều Bay Lên Từ Bãi Đất Trống - 2



    Bấm để xem
    Đóng lại
    - Nhớ nhà hả Vy?

    Tiếng chị Vân vang lên sau lưng làm tôi giật mình ngoảnh lại.

    Chị Vân bước đến bên cạnh rồi tựa vào lan can, đôi mắt thoảng buồn nhìn ra bãi đất trống phía xa, nơi có những cánh diều no gió bay cao trên nền trời nhuốm đỏ ráng chiều.

    - Vân cũng nhớ mà, nói gì em. Từ ngày bé út được một tuổi, Vân đi lại rồi vẫn chưa về nhà lần nào. – Tôi cúi đầu đáp.

    - Ừ. Đường sá xa xôi, về mấy ngày vào lại thì tốn tiền xe, mà về lâu thì sao được, ai phụ cậu mợ?

    Tôi quay sang nhìn chị mấy giây rồi tiếp tục ngắm những cánh diều. Không biết bao nhiêu lần, tôi có cảm giác nếu mình chạy lại bãi đất trống ấy rồi đi thêm một đoạn đường nữa thì sẽ thấy được ngôi nhà của gia đình.

    Chỗ đó giống hệt cái sân banh gần nhà tôi, nơi chiều chiều bọn trẻ vẫn mang banh đến đá và mang diều tới thả.

    - Sắp tết rồi Vân ha. – Tôi bất giác lên tiếng.

    - Còn đúng một trăm ngày nữa. Thôi, họ về rồi, chị đi nấu nước mắm đây. Coi lát xuống ăn cơm xong ngủ sớm, không lại dậy trễ như sáng nay.

    Tôi mỉm cười, gật đầu. Số là sáng nay khi đồng hồ báo thức, tôi đã dậy và tắt đi, định bụng nằm nướng thêm mấy giây nhưng rồi ngủ quên tuốt luốt nên mới thành ra nông nỗi.

    Nhìn theo dáng chị khuất lần theo những bậc thang, sống mũi tôi bỗng nhiên cay xè. Tôi biết chị đếm vậy thôi chứ bản thân chị rõ nhất, tết đến là khoảng thời gian buôn may bán đắt, dễ đâu mà được về thăm nhà.

    Ăn cơm tối xong, cậu bảo tôi và chị lên xe rồi chở đến thẳng cửa hàng bán giày dép để mua dép mới cho tôi vì hôm nay, trong lúc chạy đi lấy thêm bún tươi, tôi đã bị trượt chân và đứt dép.

    Đó là đôi dép quai hậu mà tôi vẫn thường mang đi học suốt năm lớp chín, mỗi khi nó há mõm ra, mẹ lấy keo dán lại để tôi đi tiếp nhưng giờ thì nó đã hết hạn sử dụng thật rồi, tôi đành tiễn nó vào bao rác thôi.

    Không gian trong cửa hàng ngập tràn ánh điện. Đây là lần đầu tiên tôi bước chân vào nơi như thế này. Mọi khi chỉ ngồi trên xe, rồi nhìn phớt qua và mơ ước.

    Tôi với chị Vân sáng mắt ngắm những đôi giày và dép đủ màu, đủ kiểu được trưng bày trong tủ kính. Chưa được một phút thì cậu bảo chúng tôi đi sang phía cậu, nơi xếp những đôi dép mang thương hiệu Bitis.

    - Đi dép Bitis này bền nè. Thử vừa không để mua nhanh còn về. - Cậu đưa cho tôi một đôi dép xẹp hai quai, lên tiếng hối.

    Tôi đón lấy đôi dép từ cậu, cúi xuống, xỏ vào trong chân. Thấy vừa như in, cậu gật gù hỏi giá. Sau khi bớt tới bớt lui được vài ngàn đồng, cậu móc tiền ra trả rồi chở chúng tôi về.

    Đường phố Sài Gòn về đêm mới lộng lẫy làm sao, tôi mơ màng ngắm nhìn các quán xá và nhà hàng sang trọng dọc hai bên đường.
    Những con người ăn mặc rất hợp thời, hợp mốt, xinh đẹp và sạch sẽ liên tục đi ra đi vào.

    Nỗi ước ao được một lần xúng xính mặc chiếc váy kia lên người, được đi trên đôi giày cao gót, được bước chân vào cánh cổng ngập ánh đèn kia và thưởng thức các món ăn để biết cái cảm giác "ăn nhà hàng" là thế nào cứ cháy bỏng trong tôi.

    Về đến nhà, tôi và chị Vân ghé sang phòng mợ, ghẹo em bé một tý rồi leo lên gác. Chị Vân với tay lấy chiếc đồng hồ báo thức trên nóc tủ sắt đựng quần áo, chỉnh hẹn giờ. Xong, chị quay sang nhìn tôi, mỉm cười dặn dò.

    - Ngày mai nghe chuông là dậy luôn nha, đừng nằm ráng nữa.

    - Tại hồi đêm mấy ông nhà kế bên nhậu, nói chuyện ồn quá nên mình ngủ khuya đâm ra mới dậy trễ mà. – Tôi trề môi, viện lý do.

    - Chị tắt điện nha, còn làm gì nữa không?

    - Chị tắt đi, giờ ngủ thôi chứ làm gì nữa đâu.

    Tôi đẩy cái bịch xốp đựng đôi dép mới vào gầm giường và nằm xuống. Dẫu biết ngày mai phải mang nó ra đất nhưng tôi muốn để nó sạch được lúc nào thì hay lúc đó nên xách lên đây luôn.

    Trời chuyển dần về khuya, quay sang bên cạnh, thấy chị Vân đã ngủ say. Nghe tiếng thở đều đều, khẽ khẽ của chị mà tôi cứ ngỡ như tiếng thở dài mệt nhoài của bóng đêm.

    Từ bao giờ mà tôi bỗng sợ bình minh đến vậy. Những khi giật mình tỉnh giấc, cứ phập phồng lo trời sắp sáng. Tôi sợ ra chợ, sợ những lúc khách đông, vì khi đó, cậu sẽ quáng quàng lên và mắng lung tung.

    Mà cậu càng la thì chúng tôi càng rối, tay chân loạn xạ, đánh đổ cái này, làm rớt cái kia, và rồi cậu sẽ càng hét lớn hơn nữa. Cho dù khi xong buổi chợ, cậu lại cười hề hề đếm tiền và nói chuyện ân cần với chúng tôi nhưng bấy nhiêu đó vẫn chẳng thể khiến tôi xoa dịu tổn thương trong mình.

    Tôi càng sợ những khi chợ vắng, sợ bản thân đảo mấy vòng trong bãi đỗ xe mà chẳng có ai kêu bún. Buôn bán ế ẩm sẽ khiến cậu bực bội, tôi sợ nhìn sắc mặt tối như trời chuyển mưa ấy, cứ như tất cả những gì không suôn sẻ là do mình mà ra vậy.

    Khẽ nghiêng người, thò tay xuống gầm giường, tôi nhẹ nhàng kéo cái bịch xốp, lấy đôi dép ra, mân mê. Chiếc giày cao gót bằng thủy tinh sẽ đưa Lọ Lem đến bên hoàng tử, còn đôi dép xẹp lép này sẽ đưa tôi từ nhà ra chợ rồi từ chợ về nhà.
     
  6. Tiên Nhi

    Bài viết:
    951
    Chương 5: Nơi Phồn Hoa Nào Phải Đâu Thiên Đường - 1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đã qua tháng mười một mà trời vẫn còn mưa. Chợ vắng điều hiu, chỉ có một vài người hối hả chạy vào mua gấp thứ gì đó rồi lại chạy ra.

    Những ngày mưa lạnh thế này, món bún thịt nướng thường rất ít ai ăn, họ sẽ chọn những món bún nước lèo bốc khói nghi ngút để ấm dạ.

    Cậu ngồi im, hướng đôi mắt đã đục dần theo dòng thời gian nhìn vào khoảng không, thở dài.

    Chốc chốc, chị Vân lại lấy chổi lùa bớt nước đọng nơi mặt đường bị lõm cho chảy sang bên kia vì sợ rằng khách ngại ướt chân sẽ không ghé mua bún.

    Mé đối diện, ba, bốn cô gái độ chừng mười chín, hai mươi tuổi đang ngồi bấm điện thoại trên sạp trái cây. Họ đều là những cô gái quê lên đây để chờ gả chồng.

    Bà chủ sạp trái cây đó kiêm luôn công việc mai mối. Các cô gái đều gọi bà là "má". Cứ đều đều mỗi năm, bà ấy sẽ về các vùng sông nước miền Tây tuyển một số cô gái chưa chồng lên và tút tát nhan sắc cho họ rồi kiếm mối gả sang Đài Loan.

    Từ những cô gái quê mùa, đen nhẻm, chỉ trong vài tháng liền lột xác trở nên trắng trẻo và sành điệu. Trong thời gian chờ đợi người chồng tương lai, họ sẽ phụ "má" buôn bán và dù bán đắt hay bán ế thì "má" cũng không buồn hay bực bội gì. Cứ một tiếng "con", hai tiếng cũng "con", rất là dịu dàng, thân thiết.

    Có lần, bất giác tôi muốn được như họ, tay chân sạch sẽ, chẳng vướng dầu mỡ, tóc dài và thơm, chẳng hôi mùi khói.

    Tôi ước có quần jean nhiều màu và áo thun mới để mang hàng ngày chứ không phải là ba, bốn cái quần tây xanh của học sinh, rồi mấy bộ đồ bộ lửng mang tới mang lui.

    Thế nhưng, nghĩ tới việc phải sống ở một nơi xa lạ cùng những người không quen biết, tôi lại sợ vô cùng. Rồi thêm mấy bài báo đưa tin về cuộc sống khốn khổ của các cô dâu Việt khiến tôi chẳng còn dám mơ mộng gì nữa.

    Hồi trước, khi chưa vào Sài Gòn, tôi cứ ngỡ chốn phồn hoa đô hội này sẽ khiến mình có cơ may đổi đời, tôi đã nhảy nhót trong lúc chờ xe tới và mong xe chạy thật nhanh.

    Nhưng bây giờ tôi biết tất cả mơ ước đó thật viển vong. Cứ sấp mặt bán ngoài chợ rồi về nhà lu bu tới chiều, xong, leo lên gác ngủ thì đổi đời kiểu gì được.

    Mưa dần ngớt hạt, chợ bắt đầu nhộn nhịp lên. Rồi chẳng biết từ đâu, năm, sáu người khách ùa tới. Người mua năm hộp, kẻ lấy mười hộp. Ai cũng đòi làm cho mình trước, hối như chạy giặc.

    Chị Vân vội bỏ thêm than vào thau, gấp gáp vắt thịt. Tôi quáng quàng bằm dưa leo, cắt rau, cậu thì nhanh nhẹn bóc bún, rau, thịt, chả giò cho vào hộp xốp.

    Bằm dưa, cắt rau xong, tôi lại quay sang múc nước mắm vào bịch cho khách. Xui xẻo thế nào mà tôi lấy trúng cái bịch nilông bị thủng, kết quả nước mắm, nước me tuột luốt hết xuống đất. Đúng lúc này thì cậu nhìn thấy, thế là tôi bị mắng té tát.

    - Múc có mấy bịch nước mắm cũng không xong rồi làm gì mà ăn? Không để ý để tứ. - Cậu trợn mắt trừng tôi.

    Tôi cúi đầu, tiếp tục lấy cái bịch khác ra. Cái này là lỗi của nhà sản xuất mà, oan cho tôi quá, tôi hận cái công ty làm ra bịch nilông quá đi thôi.

    Còn thêm bà khách đỏng đảnh, rõ ràng nước mắm có văng trúng bà ấy đâu mà bà ấy cứ nhún tới nhún lui, lấy khăn giấy lau quần, lau giày, môi thì dẩu ra, càm ràm khiến cho cậu càng la tôi lớn hơn để cốt ý xoa dịu khách hàng VIP.

    Trao sáu hộp bún cho khách và lấy tiền xong, tôi nhảy vội ra bếp than phụ chị Vân vì thịt nướng không kịp. Hai chị em, kẻ vắt người nướng luôn tay luôn chân. Ông khách đứng gần đó nhìn chúng tôi chăm chú, khen lấy khen để sao mà làm nhanh thế.

    Có lẽ chỉ mình ông ấy nhàn tản, không gấp gáp nên mới khen tôi và chị Vân thôi, chứ mấy người kia và cậu thì luôn luôn thấy chúng tôi chậm chạp.

    Cậu đưa hai hộp bún cho người khách tiếp theo rồi nhướn cổ ra, hỏi cô gái đang đậu xe gần đó.

    - Em, em ăn chả già không em? Á lộn, em ăn chả giò không?

    Tôi ngước lên nhìn, thấy chị ấy gật đầu. Chín người, mười ý, có người ăn thịt không, có người ăn cả thịt cả chả giò nên cậu phải hỏi để biết mà làm. Ban nãy chị ấy cũng có dặn nhưng rối ren quá thành ra cậu quên mất.

    Lúc trước, người đứng bán phía trong là mợ, mợ đã quen tay, quen khách nên mọi thứ suôn sẻ hơn nhiều, thấy mặt là biết họ ăn gì rồi nên không lập cập thế này. Từ ngày mợ sinh em bé, cậu thế vào chỗ mợ, chị Vân tự mình nướng thịt, còn tôi thì thay chỗ chị Vân.

    Còn nhớ những ngày đầu, công việc chưa mấy quen, ai cũng đuối. Nghe mợ kể rằng cậu đang ngủ thì nói mớ luôn, cứ bảo đưa bên này hai hộp, bên kia năm hộp.

    Có hôm, trên đường về nhà, nắng nóng quá, cậu ghé vào mua nước mía mà gọi lộn là nước mắm khiến bà bán nước đứng như trời trồng, ngơ ngác, còn hai chị em tôi thì cười khúc khích.
     
  7. Tiên Nhi

    Bài viết:
    951
    Chương 6: Nơi Phồn Hoa Nào Phải Đâu Thiên Đường - 2



    Bấm để xem
    Đóng lại
    - Bỏ than thêm vô mà nướng, ít than sao mà chín được? Còn thiếu hai mươi xiên thịt nữa cho khách về nè. - Cậu lại hét.

    Tôi cứ cắm mặt mà trở mấy chiếc đũa tre, chị Vân vẫn cứ vắt liên tục. Than trong bếp đã nhiều và hừng lắm rồi, còn cháy cả lửa ngọn khiến chúng tôi phải dập tới dập lui, giờ mà đem tôi và chị Vân bỏ lên nướng chắc cũng chín luôn ấy chứ ít.

    Đang nướng đắm đuối thì cậu thò cổ ra, bảo tôi vào chợ lấy thêm hai ký bún tươi nữa. Tôi vâng dạ rồi chạy vụt đi.

    Từ ngày vào Sài Gòn phụ cậu mợ, dường như chân tôi mọc thêm bánh xe hay sao ý, tôi chạy nhanh cực kỳ, lướt như lướt ván. Tôi cũng tự hào vì mình chen chui rất giỏi, chợ đông cỡ nào tôi cũng luồn lách mà chạy được tuốt.

    Cầm hai ký bún trên tay, tôi vội vàng quay trở ra. Mới được mấy bước thì bị vấp chân ngã nhào về phía trước, tôi chới với rồi lao thẳng đến chiếc xe máy vừa lúc ngang qua.

    Một ngày thật xui xẻo, hôm nay tôi mang bộ đồ thun lửng ra chợ nên khi bắp chân va vào ống pô xe thì nghe một tiếng "xèo". Cảm giác nóng rát tột độ, tôi nhảy tót lên.

    Chiếc xe máy len lỏi rồi mất hút trong dòng người. Đau đến phát khóc nhưng tôi cũng cố chạy thật nhanh ra đưa bún cho cậu.

    Trông thấy vết bỏng đỏ lòm trên chân tôi, chị Vân khóc thút thít, nước mắt nhỏ luôn vào thau than. Chị ấy cũng mau nước mắt ghê, tôi đau tái mét mà còn chưa khóc đây. Cậu thì nhìn tôi, nhăn mặt.

    - Đi đứng không nhìn ngó, từ từ thôi, chạy làm gì cho đổ nợ ra. Lấy ghế ngồi yên đi.

    Tôi kéo ghế ngồi im như thóc, lấy cục nước đá nhỏ trong ca nước mía rửa sạch rồi cầm cho nó giọt lên vết bỏng để đỡ rát.

    Chuyện xảy ra thì cậu nói vậy thôi, chứ tôi mà rề rà ra chậm kiểu gì cũng bị hỏi là đi tới Hà Nội mua bún hay gì mà lâu đến vậy.

    Bán xong hai ký bún lấy thêm thì thịt và chả giò cũng hết. Cậu đưa tiền bảo chị Vân đi tới tiệm thuốc tây mua chai dầu mù u về cho tôi bôi. Nhìn đôi mắt chị vẫn còn rơm rớm, tôi cười khẽ.

    - Bị sượt ở ngoài thôi, em không có đau.

    - Thấy cả thịt đỏ mà nói không đau. Còn ở đó mà cười. – Chị trừng mắt, gằn giọng.

    Tôi càng ngoác miệng to hơn. Biết phải làm sao được, nếu như không cười thì tôi chỉ còn biết khóc. Tôi đang đau đến muốn giãy đành đạch lên đây. Nhưng điều đó là không thể. Tôi không muốn chị thêm lo lắng và tủi thân cho mình.

    Suốt những năm tháng tiểu học, tôi luôn bị bạn bè bắt nạt. Nào là chia bàn, cắt ghế, nào là ngắt nhéo, chê bai, riết tôi cũng quen chịu đựng rồi, chỉ tự thương tâm trong lòng chứ không cầu cứu hay mách ai.

    Ba mẹ đều bận kiếm tiền, tôi đâu thể nào làm họ muộn phiền thêm. Hai chị trên tôi là con gái yếu ớt, làm sao ra mặt hù dọa chúng bạn được. Thế nên, tôi chịu đựng. Riết rồi, cũng quen.

    Chị Vân bôi dầu cho tôi xong thì cầm tiền cậu đưa đi vào chợ thanh toán và mua đồ theo như cậu dặn. Vì sợ tôi di chuyển bị đau nên cậu tranh thủ đếm tiền rồi dọn dẹp các thứ.

    Lát sau, chị Vân trở lại, xếp đồ vào giỏ xong liền sà tới rửa chén. Cậu bê cái tủ kính đặt xuống dưới, lấy nước tạt vào cho mấy vụn bánh tráng bám trong đó mềm ra rồi bắt đầu chà rửa.

    Hôm nay, tính ra bán rất được nên nét mặt cậu rạng rỡ hẳn. Vừa rửa tủ, cậu vừa hỏi han tôi còn đau không. Nghe tôi bảo đã đỡ rồi, cậu cười và bắt đầu cất tiếng lên đọc.

    - Cuộc đời quá khổ, mua dây thắt cổ, chui ngay xuống lỗ, gặp ông bà tổ, hỏi tại sao tôi khổ, làm việc gì cũng lỗ, ăn gì cũng mắc cổ, uống gì cũng không thấy bổ.

    Tôi đưa tay khẽ gõ vào lưng chị Vân. Chị ngừng rửa chén, quay ra vừa cười vừa hỏi.

    - Rồi ông bà nói sao cậu?

    Cậu tủm tỉm, múc mấy ca nước tạt mạnh vào chiếc tủ kính. Ngẫm nghĩ mấy giây, cậu lại tiếp.

    - Tại mày sinh không đúng chỗ, nên đời mày mới khổ, khi nào chầu ông tổ, thì mày sẽ hết khổ.

    Dứt lời, cậu cười lớn. Phía bên này, hai chị em tôi cũng cười ngặt nghẽo. Cậu tôi là vậy, khi đang bán buôn bận rộn và khi đã bán xong dường như biến hóa thành hai người hoàn toàn khác nhau.

    Thế nên, tuy sợ nhưng tôi vẫn cứ ước sao khách cứ tấp tới một lúc để nhanh hết đồ mà về. Tôi thà chịu nghe la mắng hai, ba tiếng đồng hồ liền rồi thôi chứ chẳng muốn dây dưa đến tận buổi trưa.

    Ngước nhìn bầu trời đã quang mây, ánh nắng chói chang tỏa lan khắp chốn, tôi thấy lòng ấm áp lạ. Bất giác, niềm hy vọng lại lóe lên, dẫu rất mơ hồ nhưng tôi vẫn tin tương lai của mình sẽ tươi sáng hơn sau một thời gian nữa.

    Với một người chẳng có nhiều hành trang để bước vào đời như tôi, thứ duy nhất để tôi có thể tiến về phía trước chính là hy vọng.
     
  8. Tiên Nhi

    Bài viết:
    951
    Chương 7: Buôn Gánh Bán Bưng Thì Phải Có Thể Lực Tốt - 1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Khoảng thời gian sau lễ Noel đến Tết, khách thường ghé mua bún từ sớm nên chúng tôi cũng phải đi bán sớm hơn mọi khi.

    Vì sợ ra đến nơi làm không kịp, khách lại giận hờn vu vơ nên cậu kêu chị Vân nướng trước một mớ thịt ở nhà, để lúc vừa ra, khách tới thì có mà bán ngay cho họ, rồi từ từ nhóm than nướng thêm.

    Bên bếp than hồng đặt ngoài trời, trước mặt nhà, chị Vân vắt thịt, tôi thì trở. Cái bóng đèn chữ U đã cũ chẳng đủ soi sáng tất cả. Tôi cố gắng căng mắt ra mà nhìn vì sợ thịt bị cháy xém.

    Gió nhẹ thổi qua lành lạnh, cả tôi và chị đều bất giác run lên. Tôi lại nhớ nhà rồi, ở Gia Lai mùa này lạnh lắm, lạnh cắt da cắt thịt, tôi nhớ những con đường mòn dẫn ra sau núi, hai bên trải vàng sắc hoa dã quỳ mà hồi nhỏ tôi và các chị vẫn gọi là cúc quỳ.

    Gia Lai không phải nơi tôi sinh ra, nhưng vì ba mẹ, chị và các em đang ở đó nên tôi xem nơi ấy như quê hương của mình. Cứ nơi nào có ba mẹ, nơi ấy chính là quê hương của tôi, là chốn tôi luôn ngóng về.

    - Còn bốn mươi ngày nữa là Tết rồi đó. - Chị Vân khẽ nói, đôi mắt thấm đượm một nỗi nhớ nhung da diết.

    - Cũng nhanh quá đi thôi. – Tôi đáp rồi mau chóng cúi xuống, tiếp tục lăn mấy cây thịt.

    Không gian lại rơi vào tĩnh lặng, chỉ thi thoảng nghe tiếng than nổ lép bép, tóe lên những tia lửa hồng.

    Tôi vào đây mới hơn nửa năm, may là có chị Vân, mà tôi thấy bản thân còn buồn và nhớ nhà đến sắp không chịu nổi, tôi không hiểu chị đã trải qua những tháng ngày trước đây như thế nào nữa.

    Có chăng, là chị cũng giống như tôi, nhưng buộc phải lờ đi, phải chấp nhận và chờ đợi. Có chăng, là chị cũng cùng suy nghĩ như tôi, chúng tôi ở đây, đỡ ra hai miệng ăn và còn có tiền gởi về phụ mẹ.

    Tôi không hỏi chị và chỉ đoán vậy thôi, vì tôi biết, nếu có hỏi chị cũng sẽ trả lời không thật lòng, chị sẽ bảo là chị thích ở đây cho mà coi.

    - Tuần trước ba hỏi có muốn về quê ăn Tết không, sao Vy lại không về? - Chị Vân đậy thau than lại rồi quay sang tôi, nheo mắt.

    - Em về rồi Vân đi bán một mình với cậu sao? Kịp không?

    - Còn phải hỏi, đương nhiên là không kịp rồi.

    - Vậy sao Vân còn hỏi?

    Chị Vân mỉm cười, không nói thêm gì nữa, lẳng lặng thu dọn các thứ rồi bảo tôi vào kêu cậu thức dậy.

    Thằng Hòa vẫn như mọi khi, gật tới gật lui. Tối hôm qua, nó học bài khuya lắc khuya lơ, cốt để lấy được chai sting và cái đùi gà rán từ mợ.

    Tôi chẳng biết nó là học cho nó hay học cho cậu mợ nữa, cứ mỗi khi được điểm cao thì nó sẽ được combo sting và gà rán theo đúng yêu cầu của nó.

    Tính ra, trẻ con thành phố sướng hơn ở quê nhiều, dù rằng nhà cũng chẳng mấy khá giả. Như chị em chúng tôi đây, đi học có cơm bỏ vào miệng đã là may mắn lắm rồi, còn dám đâu mà yêu sách này nọ.

    Mọi thứ xong xuôi, chiếc xe máy cũ kỹ lại tiếp tục đưa bốn con người ra chợ. Tôi lại tiếp tục nhắm mắt, mơ mộng về tương lai sáng lạn xa xôi.

    Tuần trước, ba vào Đồng Nai ăn giỗ ông nội rồi ghé thăm chúng tôi. Ông mất đã năm năm, các chú, các bác và ba cũng đã lâu không gặp.

    Kinh tế khó khăn, mấy chục ngàn tiền vé xe cũng là con số biết nói với gia đình chúng tôi. Thế nên, lần này ba đi là một công hai, ba chuyện, vừa giỗ ông, vừa thăm anh em, bà con và thăm hai chị em tôi nữa.

    Tôi nhớ như in ánh mắt ba lúc đó, nheo nheo, nhỏ xíu và buồn buồn, dẫu cho ba có cười thì nụ cười ấy cũng chẳng kéo lại nỗi buồn trên mi mắt. Ba vừa phụ trở thịt vừa hỏi chúng tôi có muốn về nhà ăn Tết rồi vô lại không.

    Và rồi, câu trả lời ba nhận được từ hai đứa con gái là không muốn. Chúng tôi đổ thừa cho việc say xe, một lần đi là một lần mệt. Còn nữa là việc buôn bán đâu thể không có người phụ. Bỏ giữa lưng chừng, cậu sẽ giận ba mẹ và cả chúng tôi cho mà coi.

    Chiều hôm ấy, cậu đưa ba ra Bến Miền Đông bắt xe về Gia Lai. Nhìn theo dáng ba gầy gò trên chiếc xe của cậu, vai đeo cái giỏ xách cũ khuất dần khỏi con hẻm nhỏ mà sống mũi tôi cay xè, nước mắt bất giác thi nhau rơi.

    Tôi sợ cái giây phút đưa tiễn này, người đi, kẻ ở sao xót ruột quá. Vào ngày mẹ đưa tôi đi Sài Gòn, ba đứng bên lề đường vẫy tay tạm biệt, có lẽ lúc đó, cảm giác của ba cũng giống như tôi bây giờ chăng.

    Sáng nay, khách đến mua cứ lần lượt như kiểu xếp hàng nên chúng tôi cũng không đến nỗi phải vắt chân lên cổ giống mọi khi nhưng vẫn cứ luôn tay, không hở ra chút thời gian.

    Nếu mà ngày nào cũng vậy thì tốt biết bao, tôi và chị Vân đỡ bị mắng và khách cũng không cần phải giận hờn vu vơ.
     
  9. Tiên Nhi

    Bài viết:
    951
    Chương 8: Buôn Gánh Bán Bưng Thì Phải Có Thể Lực Tốt - 2



    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mọi việc đang diễn ra suôn sẻ thì nghe từ đằng xa, tiếng bà Hiếu bán nước la lên thất thanh.

    - Trật tự tới. Chạy đi! Chạy đi!

    Không chỉ riêng cậu cháu chúng tôi mà cả mấy người trải bạc dưới lòng đường cũng nhốn nha nhốn nháo. Vì chỗ cậu mướn đứng bán bún thực chất là con đường dẫn vào trong chợ nên thường xuyên bị lực lượng trật tự ra quân giải tán.

    - Vy, dọn đường. Nhanh! Nhanh! - Cậu hét lớn.

    Tôi vội vàng xếp bàn, chồng ghế lại để dọn đường cho cậu kéo cái xe bún chạy vào trong con hẻm đối diện, chị Vân thì bưng nguyên giá đỡ thau than cùng mớ thịt đang nhỏ mỡ xèo xèo chạy theo cậu. Mấy người khách cũng te te lao vào hẻm để tiếp tục mua bún.

    Sau khi khiêng hai cái bàn cùng chồng ghế bỏ vào căn nhà đã cho cậu mướn "mặt bằng". Tôi gom gọn thau, thùng rồi chui qua chỗ cậu và chị.

    Lúc này, mấy chú trật tự cũng vừa tới. Thấy cái bảng hiệu bán nước giải khát của bà Hiếu nằm chổng chơ trên xe ba gác, tôi đoán có lẽ bà ấy ham đi loan tin cho mọi người nên dọn đồ không kịp, thành thử bị hốt luôn.

    Cả cậu và chúng tôi thở ra cả đằng tai, mệt không thể tả. Tôi chẳng nhớ ban nãy mình đã hai tay xách hai thùng nhựa đựng đầy nước mà chạy qua đây kiểu gì nữa.

    Mỗi sáng, vào hẻm này lấy nước, tôi chỉ có thể xách từng thùng một mà đi còn dẹo tới dẹo lui. Đúng là sức mạnh tiềm tàng trong tôi cũng không phải dạng vừa. Buôn bán dưới lòng, lề đường thế này buộc mọi người phải tinh mắt, thính tai và có một thể lực thật tốt.

    Kết thúc buổi chợ, cậu bảo chúng tôi tranh thủ dọn dẹp, chờ thằng Hòa về tới rồi cậu chở vào quán cơm ăn trưa luôn, vì sáng giờ cả ba cậu cháu bán luôn tay, vẫn chưa có gì bỏ vào bụng, mà giờ về nhà nấu nữa thì lâu lắm.

    Mấy ngày nay, mợ bệnh nên ẵm luôn em bé ra nhà ngoại thằng Hòa để có người chăm sóc nên cũng chẳng có ai cắm cơm sẵn cả. Cậu tôi kỹ tính, sợ nấu cơm mà không có ai thì lỡ chập điện, cháy nổ nên đợi bán về mới cho cắm điện nấu.

    Quán cơm bình dân buổi trưa khá đông khách, mọi người đều ăn rất vội vã. Chúng tôi đến chiếc tủ kính chọn thức ăn rồi đảo mắt một vòng tìm bàn trống.

    Vì khách ngồi rải rác nên tôi và chị Vân đến ngồi ké hai người khách tuốt phía trong, còn cậu và thằng Hòa thì ngồi phía ngoài chứ chẳng kiếm được chỗ ngồi chung.

    Đây là lần đầu tiên tôi được ăn cơm dĩa. Lúc còn ở quê, cứ nghe người ta nói đi ăn cơm dĩa mà tôi ao ước vô cùng, trong trí tưởng tượng của tôi thì cơm dĩa rất là ngon.

    Còn nhớ, có lần tôi lấy dĩa định múc cơm vào ăn thì bị mẹ mắng, mẹ nói ăn cơm dĩa ở nhà sẽ bị con trai dụ, thế là thôi, tôi không dám nữa.

    - Ăn gà đi Vy, chị bị dị ứng. - Chị Vân vừa nói vừa múc mấy cục thịt gà toan bỏ sang dĩa của tôi.

    - Nãy em nghe Vân kêu cơm sườn mà. Lộn sao Vân không đổi lại? – Tôi tròn mắt, ngạc nhiên.

    - Thôi, đổi lại bé kia nó bị la cho coi.

    Nhìn theo ánh mắt của chị, tôi nhận ra cô bé phục vụ quán cơm này xem bộ chỉ mới chín, mười tuổi, người đen thùi lùi, ốm nhom ốm nhách nhưng tay chân rất là nhanh nhẹn, bưng cơm cho khách, rồi dọn chén dĩa, lau bàn. Tôi thấy nó gồng đôi tay như que củi kia lên để gắng bưng cái mâm dĩa sành nặng còn hơn cả nó.

    - Vân ăn heo quay đi, để em ăn gà. – Tôi vừa nói vừa đẩy dĩa cơm của mình sang cho chị.

    - Vy thích ăn heo quay mà.

    - Thì lần sau em ăn, có sao đâu.

    Chị Vân khẽ cười, múc heo quay bỏ sang cho tôi, chỉ chừa lại vài miếng trong dĩa. Thế là, tôi được ăn cả hai món.

    Tôi biết trong quán này, không chỉ có riêng chị mà còn thêm một người nào đó nữa cùng suy nghĩ với chị. Cả chị và người ấy đều lo cô bé kia bị mắng vì đưa nhầm hai phần cơm nên đã chọn cách im lặng.

    Giá như ai cũng như chị và người khách kia thì tốt biết mấy. Tôi nhớ có lần cô khách đỏng đảnh ở nhà lầu năm tầng phía đầu đường vào chợ ra mua bún. Cô ấy dặn dò nào là ăn rau thơm không ăn xà lách, không ăn giá, ăn đậu phụng rang, nước mắm không cay, thịt nướng đừng khô quá, chả giò chiên phải giòn tan.

    Mấy cái đó thì thôi chẳng nói gì, đến đồ chua được làm từ củ cải đỏ và của cải trắng bào sợi trộn chung với nhau mà cô ấy đòi lựa ra, chỉ ăn cải đỏ, không ăn cải trắng, rồi chỉ lấy nước mỡ không lấy hành.

    Bán có hộp bún mà tốn thời gian như bán ba hộp vậy. Cậu và tôi phải dỏng tai lên nghe và ghi nhớ để làm cho đúng ý cô ấy.

    Lúc cậu nghiêng cái tô mỡ hành, ép lấy nước mỡ cho vào hộp, rõ ràng tôi thấy chỉ vướng có hai khúc hành lá nhỏ xíu mà cô ấy mặt nặng mày nhẹ, bắt cậu phải lấy ra cho bằng được rồi dỗi hờn vứt tiền xuống bàn, xong, giựt lấy hộp bún, dậm chân đi thẳng.
     
  10. Tiên Nhi

    Bài viết:
    951
    Chương 9: Những Niềm Vui Giản Đơn Nho Nhỏ - 1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chỉ còn đúng một tuần nữa là Tết, nhìn những cô công nhân kéo vali, đeo ba lô, mặt mày hớn hở đứng chờ xe mà lòng tôi cũng nôn nao đến lạ, dẫu biết trước mình sẽ ăn Tết ở Sài Gòn nhưng chẳng kiềm nén được cái cảm xúc rạo rực lúc này.

    Dọc các tuyến đường phủ rợp sắc cam của những cây quất chín mọng lúc lỉu, sắc vàng của hoa mai, hoa cúc và rất nhiều những loài hoa muôn màu khác.

    Nhìn những người bán hoa Tết, tôi thấy bản thân cũng còn sướng hơn họ rất nhiều, họ sẽ ăn uống, sinh hoạt và ngủ luôn trên vỉa hè mãi cho đến tận đêm ba mươi.

    Những ngày cuối năm, bún bán rất chạy. Mặc dù chúng tôi cũng chuẩn bị thêm đồ hơn mọi ngày gấp đôi nhưng mới hơn chín giờ thì tất cả đã hết veo. Cậu đếm tiền vui vẻ ra mặt, quay sang nhìn dì Hoa, cười rạng rỡ.

    - Lát nữa dọn dẹp xong, dì mày dắt hai đứa nó vô chợ mua quần áo đi.

    Dì Hoa khẽ gật đầu, đôi thay thoăn thoắt rửa tô và chuyển sang cho tôi tráng lại nước sạch. Dì Hoa là em kế mẹ tôi, dì làm công nhân xưởng thêu tư nhân. Năm nay hết hàng sớm nên dì dẫn con sang ở nhà cậu chơi và ra chợ phụ chúng tôi luôn.

    Dì ấy cũng có đôi mắt buồn như chị Vân vậy, người chồng sa chân vào thói đỏ đen mãi không bỏ được nên dì quyết định ly dị khi thằng con trai mới tròn ba tuổi và ở vậy nuôi nó đến giờ.

    Những ngày có dì đi bán chung, dù khách có đông thế nào thì cậu tôi cũng không la mắng tưng bừng như trước nữa. Tôi thầm ước sao ngày nào cũng có dì thì tốt biết mấy.

    Cả tuần nay thằng Hòa đã được trường cho nghỉ học nhưng cái xe máy cũ lại nặng thêm vì chở theo dì.

    Kéo xe bún đi gởi xong, chị Vân cũng vừa từ trong chợ trở ra, tay xách lỉnh kỉnh những rau và củ. Dì Hoa đón lấy bịch thịt xay từ ông bán thịt heo, bỏ vào giỏ rồi sắp xếp các thứ, đặt lên xe máy cho cậu. Sau đó, dì dắt hai chúng tôi vào chợ, cậu thì chạy qua bên quán bà Hiếu uống nước mía chờ và dò vé số.

    Ngày nào cậu cũng mua vé số nhưng chẳng có bao giờ thấy trúng cả. Một người đàn ông đã gần năm mươi tuổi như cậu mà còn mong đổi đời từ những tấm vé ấy thì huống hồ là tôi, một con bé đang thời mơ mộng, luôn khao khát cuộc đời được sang trang mới.

    Hầu hết các sạp quần áo những ngày này đều đông nghẹt, mấy bà, mấy chị xúng xính lựa và ướm thử loạn cả lên.

    Thế nhưng, dì Hoa không đưa chúng tôi vào những gian hàng đó mà dì dẫn chúng tôi đến tận cuối chợ, nơi mà quần áo họ đổ đống trên tấm bạc, cái nào cũng đồng giá hai mươi ngàn.

    Dì nói đây là kinh nghiệm sau những lần mua sắm của dì, ra đây, chịu khó lựa một chút sẽ có đồ đẹp mà còn rẻ nữa.

    Ban nãy, tôi thấy cậu đưa cho dì tổng cộng một trăm ngàn không có lẻ, nếu chui vào mấy cái shop, cái sạp đó thì chẳng biết có mua nổi bộ đồ cho một đứa hay không nữa chứ đừng nói là hai đứa.

    Sau một hồi bới như gà bới thì dì cũng lựa được cho tôi và chị Vân mỗi đứa hai cái áo thun bo lai và một cái quần jean ống loe phủ tới mắt cá chân.

    - Mặc vô thử coi vừa không để còn đổi, ở đây họ bán chạy chợ, mai ra là họ đi mất rồi. – Dì dúi cái quần vào tay chúng tôi, giục.

    Thật là từ thuở biết xấu hổ, tôi chưa từng đứng ngoài đường để mặc quần. Nhìn tới nhìn lui thấy các cô, các bà đều đang mặc thử, tôi đánh liều, mặt dày xỏ chân vào ống, kéo lên.

    - Hơi chật á dì ơi. – Tôi nhìn dì, mặt ỉu xìu.

    - Vậy là vừa rồi, tại mang cả cái quần tây lấy đâu không chật. – Dì quay tôi lại, ngắm nghía.

    Bên cạnh tôi, chị Vân cũng vừa mặc xong. Dì nhìn chị, gật gù khen đẹp rồi kêu bà bán hàng gói lại tính tiền. Sau một hồi ỉ ôi, kỳ kèo, bà ấy tính chúng tôi chẵn một trăm ngàn cho hai cái quần và bốn cái áo.

    Nhận tiền rồi, bà ấy cứ ca cẩm bán lỗ vốn này nọ. Dì nói bà ấy xạo thôi, bán lỗ sao mà bán.

    Về tới nhà, tôi và chị Vân tranh thủ ăn rồi tắm gội, giặt quần áo phơi lên, sau đó nhặt rau, bào củ cải, khoai môn. Có dì Hoa làm phụ, mọi việc xong thật nhanh.

    Tôi đang lót mớ lá chuối tươi mới xin trong chợ vào xấp bánh tráng mỏng thì có tiếng loa thông báo ngoài đầu hẻm vang lên. Mấy phút sau, tờ rơi theo tay thằng Hòa vào tận trong nhà.

    - Tối nay có ca nhạc chỗ bãi đất trống ngã tư An Sương đó. – Dì cầm tờ rơi đọc rồi đưa sang cho chị Vân.

    - Toàn ca sĩ nổi tiếng luôn á dì. - Chị Vân cười, đôi mắt buồn chợt lóe sáng long lanh.

    - Giá vé bao nhiêu vậy? - Cậu đi tới cạnh chúng tôi, cúi đầu nhìn tờ giấy in đầy hình ca sĩ, hỏi.

    - Dạ, mười lăm ngàn một vé á cậu. – Tôi nhanh nhảu đáp.

    - Chiều ba đứa dắt nhau đi đi.

    Nói rồi, cậu rút ra tờ năm mươi ngàn đưa cho chị Vân. Không những chị Vân mà tôi và thằng Hòa đều sáng mắt lên.
     
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...