Tố Hữu, có tên đầy đủ là Nguyễn Kim Thành (1920-2002). Quê ở làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguồn gốc tên của ông được ông kể lại như sau: Vào năm 1938, ông sang Lào để thăm một người anh, ông đã gặp được một cụ đồ người Quảng Bình. Người đó đã đặt tên ông là Tố Hữu (素有). Có ý nghĩa chỉ khí phách tiềm ẩn trong con người. Tố Hữu nhận tên gọi này nhưng hiểu theo nghĩa là "người bạn trong trắng", viết bằng chữ Hán là "素友", khác với tên do cụ đồ đặt ở chữ "hữu". Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Từ ấy (1937-1946) ; Việt Bắc (1947-1954) ; Gió lộng (1955-1961) ; Ra trận (1962-1971) ;.. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ cho bạn một vài nhận định đặc sắc về tác phẩm "Từ ấy" của Tố Hữu. 1. Trên bầu trời của văn học Việt Nam hiện đại, Tố Hữu luôn được coi là ngôi sao sáng, là người mở đầu và dẫn đầu tiêu biểu cho thơ ca cách mạng. (Mai Hương) 2. Có sự thống nhất biện chứng giữa thân thế và sự nghiệp của Tố Hữu. Ở Tố Hữu tập trung tinh hoa, là một nhân cách văn hóa của dân tộc. Tố Hữu đã được ghi nhận với hai phương diện vừa là nhà cách mạng tiêu biểu, vừa là nhà thơ lớn. Một đời người chỉ cần làm một trong hai công việc đó đã đáng kính phục vô cùng. Thế mà Tố Hữu đã làm tốt cả hai. (Hữu Thỉnh) 3. Tố Hữu là một tài năng thơ lớn, là nhà thơ lớn của dân tộc và của cách mạng. Đó là một tài năng thơ bẩm sinh: Mới 16, 17 tuổi đã có những bài thơ hay, làm chấn động tâm hồn của cả một thế hệ. Có thể nói, gia đình, quê hương, văn hóa.. đã tạo nên tài năng ấy. Nhưng cái chính vẫn là bản ngã của một tâm hồn. (Mai Quốc Liên) 4. Thơ của chàng thanh niên Tố Hữu khi ấy từ trái tim vọt ra cũng như thơ của chúng tôi, cũng lãng mạn như thể chúng tôi, nhưng là thứ lãng mạn khác, có nhiều máu huyết hơn; thơ chúng tôi chỉ đập cho mở cửa trời, nhưng thơ Tố Hữu thì mới có chìa khóa: Cách mạng, giải phóng dân tộc, giải phóng cho người lao khổ. (Tố Hữu với chúng tôi, 1975, Xuân Diệu) 5. Thơ Tố Hữu bao giờ cũng mới, càng ngày càng mới, vì nó thể hiện thế giới quan cách mạng của chủ nghĩa Mác, hệ tư tưởng vô sản, đạo đức cộng sản chủ nghĩa là những tư tưởng càng ngày càng trở thành cách nhìn, nếp sống phổ biến của những con người mới của thời đại. (Bình luận văn học, 1964, Như Phong) 6. Phong cách dân tộc ở Tố Hữu thể hiện ở chỗ thơ anh giàu chất nhạc, anh nắm rất vững cái âm điệu, vần điệu của dân tộc.. Thơ anh là lối thơ lấy cái đường đi toàn đời, lấy cái hơi toàn tập, lấy cái tứ toàn bài là chính.. Anh là một con chim vụ ở đường bay hơn là bộ lông, bộ cánh, tuy vẫn là lông cánh đẹp. (Lời nói đầu cho tuyển tập 1938 – 1963 của Tố Hữu, Văn học, 1964, Chế Lan Viên) 7. Với Tố Hữu, thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng. Ðó chính là đặc sắc và cũng là bí quyết độc đáo của Tố Hữu trong thơ ca. (Đặng Thai Mai - Lời giới thiệu tập thơ Từ ấy, Văn học, 1959) 8. Một tiếng nói yêu thương luôn luôn chan hòa ánh sáng, tự nó cũng là ánh sáng, lại hết sức linh hoạt và uyển chuyển, mỗi lúc một khác, mỗi nơi một khác, kể cả những lúc chỉ là sự im lặng giữa các dòng thơ. Phải chăng đây chính là bản sắc riêng của thơ Tố Hữu. (Chuyện thơ, 1978, Hoài Thanh) 9. Với Tố Hữu tả cảnh hay tả tình, khóc mình hay khóc người, viết về vấn đề lớn hay nhỏ đều là để nói cho hết cái lý tưởng cộng sản ấy thôi – Chế Lan Viên. 10. "Thái độ toàn tâm, toàn ý vì cách mạng là nguyên nhân chính đưa đến thành công của thơ anh" (Hoài Thanh)