Nhận định, lý luận văn học nâng cao cho Người Lái Đò Sông Đà

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 8 Tháng sáu 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Điểm sáng tạo cho bài văn nghị luận từ lâu được đưa vào khung điểm chính thức của biểu điểm, đáp án các kì thi. Sáng tạo trong văn nghị luận thể hiện qua nhiều khía cạnh: Cách dùng từ, đặt câu, cách kiến tạo câu văn, cách sử dụng các biện pháp nghệ thuật, cách vận dụng kết hợp các thao thác lập luận, cách so sánh, liên hệ mở rộng.. Vậy làm thế nào để đạt được số điểm sáng tạo, với đoạn nghị luận xã hội là 0.25 điểm và bài nghị luận văn học là 0.5 điểm? Tôi xin chia sẻ một cách (trong nhiều cách) để đạt điểm sáng tạo, đó là đưa thêm vào bài văn những câu nói, nhận định có giá trị sẽ nhằm tăng chiều sâu của bài phân tích, giúp bài văn đạt điểm cao hơn, dễ gây ấn tượng với người đọc.

    Dưới đây là tổng hợp một số nhận định của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học và Nguyễn Tuân cũng như tác phẩm "Người Lái Đò Sông Đà" cùng các đoạn văn vận dụng.

    Nhận định, lý luận văn học nâng cao tác phẩm Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân

    1. Nguyễn Tuân là người "Suốt đời tôn thờ và phụng sự cái đẹp", nhận mình "sinh ra để thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa".

    Vận dụng:

    Nguyễn Tuân là người theo chủ nghĩa duy mĩ với quan niệm: "Sinh ra để thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa", "suốt đời tôn thờ và phụng sự cái đẹp". Mỗi tác phẩm của ông là một bài ca về cái đẹp của con người, của cuộc sống với tình cảm, sự gắn bó sâu nặng với quê hương, đất nước. Nguyễn Tuân được người đọc đặc biệt chú ý về phong cách nghệ thuật rất riêng và rất độc đáo mà phong cách ấy được gắn với chữ "ngông" và sự tài hoa, uyên bác. Nếu như trước cách mạng, văn học của Nguyễn Tuân chạm đến lòng người bởi vẻ đẹp tài hoa của những con người "một thời vang bóng" như Huấn Cao thì sau cách mạng, ông khiến người đọc rung cảm bởi sự tinh tế và tài năng trong việc vẽ nên những nét đẹp gân guốc nhưng gần gũi, bình dị của thiên nhiên và đời sống con người. "Người lái đò sông Đà" là tác phẩm tiêu biểu cho sáng tác của Nguyễn Tuân sau cách mạng.

    2. "Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức." (Vũ Ngọc Phan)

    Vận dụng:

    Đọc văn Nguyễn Tuân, Vũ Ngọc Phan khẳng định: "Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức." Đúng vậy, Nguyễn Tuân không chấp nhận sự sáo mòn, không chấp nhận những cách diễn đạt bình thường. Ông luôn tìm kiếm những những đối tượng mới mẻ, những liên tưởng tưởng tượng độc đáo, bất ngờ, những cách câu chữ khác lạ, thậm chí gân guốc, phải "suy xét" mới thấy hết cái hay của từng con chữ.

    [​IMG]

    3. "Đọc Người lái đò Sông Đà, ta có ấn tượng rõ rệt về sự tự do của một tài năng, một đấng hóa công thực sự trong nghệ thuật ngôn từ". (Phan Huy Đông)

    Vận dụng phân tích đoạn miêu tả cảnh vượt thác của ông đò:

    Những thế trận mà sông Đà dàn bày quả thực đầy biến hóa, vừa khiêu khích, dụ dỗ vừa đầy mưu cao kế hiểm. Ở trùng vi thạch trận này, tác giả miêu tả không nhiều song vẫn làm nổi bật lên được sự nham hiểm của đá thác Sông Đà và tài nghệ của ông lái đò. Một loạt các động từ lại được nhà văn sử dụng để miêu tả cách đánh của ông đò: Phóng, chọc thủng, xuyên qua, xuyên nhanh, lái lượn được. . Phối hợp phép điệp "cánh mở, cánh khép", "cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng", âm thanh "vút vút" tạo nên sự thần tốc trong cách đánh. Quả đúng như Phan Huy Đông đã từng nhận định: "Đọc Người lái đò Sông Đà, ta có ấn tượng rõ rệt về sự tự do của một tài năng, một đấng hóa công thực sự trong nghệ thuật ngôn từ".

    4. "Nếu Xuân Diệu xem tình yêu là tôn giáo thì Nguyễn Tuân xem cái đẹp như là tôn giáo của mình" (Gs Trần Đình Sử).

    Vận dụng:

    "Nếu Xuân Diệu xem tình yêu là tôn giáo thì Nguyễn Tuân xem cái đẹp như là tôn giáo của mình" (Gs Trần Đình Sử). Thật vậy, Nguyễn Tuân là một người nghệ sĩ tài hoa, suốt đời đi tìm cái đẹp, là người nghệ sĩ ý thức đầy đủ về thiên chức sáng tạo. Trong hành trình sáng tạo nghệ thuật, ông luôn tìm mọi cách để kiếm tìm và phát hiện cái đẹp, cái thật, cái mới lạ, độc đáo "xưa nay chưa từng có". Rõ ràng qua cách miêu tả đến tột cùng sự dữ dội của con sông và cuộc giao chiến giữa những người lái đò với dòng sông hung bạo, Nguyễn Tuân nhằm đến một mục đích lớn là ca ngợi vẻ đẹp của ông lái đò, ca ngợi sự dũng cảm, tài trí và chiến thắng vĩ đại của ông.

    5. "Mỗi trang đời là một trang nghệ thuật" (Nguyễn Tuân)

    Vận dụng:

    Nguyễn Tuân quan niệm "mỗi trang đời là một trang nghệ thuật", con người trong tác phẩm của ông dù làm bất cứ công việc gì, ở tầng lớp nào đều là bậc nghệ sĩ trong công việc, nghề nghiệp của mình. Qua sự miêu tả của Nguyễn Tuân, công việc lái đò đã trở thành một nghệ thuật và trình độ lái đò của ông lái đò đã đạt đến sự siêu phàm.

    6. "Khi thì trang nghiêm cổ kính, khi thì đùa cợt bông phèng, khi thì thánh thót trầm bổng, khi thì xô bồ bừa bãi như là ném ra trong một cơn say chếnh choáng, khinh bạc đấy, nhưng bao giờ cũng rất đỗi tài hoa" (Nguyễn Ðăng Mạnh)

    Vận dụng:

    Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh từng dành những lời ưu ái khi viết về Nguyễn Tuân: "Khi thì trang nghiêm cổ kính, khi thì đùa cợt bông phèng, khi thì thánh thót trầm bổng, khi thì xô bồ bừa bãi như là ném ra trong một cơn say chếnh choáng, khinh bạc đấy, nhưng bao giờ cũng rất đỗi tài hoa". Văn Nguyễn Tuân là thế, luôn biến hóa linh hoạt như có phép màu. Bởi ông đâu chấp nhận sự sáo mòn, dễ dãi. Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo vì vậy nó đòi hỏi người viết sự sáng tạo phong cách mới lạ, thu hút người đọc. Sự biến ảo kì diệu trong lối viết là minh chứng cho sức sáng tạo vô lượng của Nguyễn Tuân.

    7. ".. Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra một con Sông Đà không phải là thiên nhiên vô tri, vô giác, mà là một sinh thể có hoạt động, có tính cách, cá tính, có tâm trạng hẳn hoi và khá phức tạp. Nó có hai nét tính cách cơ bản đối lập nhau như tác giả nói –" hung bạo và trữ tình.. ". (Nguyễn Đăng Mạnh)

    Vận dụng:

    Bằng thể tùy bút phóng túng, vốn kiến thức phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực, tác giả đã khám phá vẻ đẹp của dòng sông ở góc độ địa lí nhưng đậm chất văn chương, kết hợp với nhiều ngành nghệ thuật khác như giao thông, âm nhạc, hội họa, điện ảnh, đầy ấn tượng; Sự quan sát tỉ mỉ, sự liên tưởng, tưởng tượng phong phú, ngôn ngữ tài hoa, điêu luyện giàu chất thơ, chất nhạc, chất tạo hình; Cách sử dụng nghệ thuật khắc họa hình tượng tự nhiên, những ví von, so sánh, liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, bất ngờ và rất thú vị; Từ ngữ phong phú, sống động, giàu hình ảnh và có sức gợi cảm cao; Câu văn đa dạng, nhiều tầng, giàu nhịp điệu, lúc thì hối hả, gân guốc, khi thì chậm rãi, trữ tình..".. Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra một con Sông Đà không phải là thiên nhiên vô tri, vô giác, mà là một sinh thể có hoạt động, có tính cách, cá tính, có tâm trạng hẳn hoi và khá phức tạp. Nó có hai nét tính cách cơ bản đối lập nhau như tác giả nói – "hung bạo và trữ tình..". (Nguyễn Đăng Mạnh)

    Hoặc:

    Câu văn Nguyễn Tuân giàu nhịp điệu, co duỗi nhịp nhàng, uyển chuyển. Khai thác tối ưu hiệu ứng âm thanh của tiếng Việt đơn âm tiết nhưng lại đa thanh điệu, Nguyễn Tuân tạo cho bài kí chật ních những câu văn ngắn dài đan xen, nhịp nhanh chậm hài hòa, khi thì thánh thót trầm bổng, khi thì ào ạt như là ném ra trong một cơn say chếnh choáng (Nguyễn Ðăng Mạnh).

    8. "Hạt nhân của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể gói gọn trong một chữ ngông." (Nguyễn Đăng Mạnh)

    Vận dụng:

    Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng khẳng định: "Hạt nhân của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể gói gọn trong một chữ ngông." Ngông là khác đời, khác người, là chọn cho mình lối đi riêng chẳng giống ai. Điều này rất đúng với Nguyễn Tuân. Ông không thích những gì bình thường và tầm thường nên đối tượng mà ông miêu tả đã đẹp thì phải đẹp đến mức tuyệt mĩ, dữ dội phải đến mức khủng khiếp và tài năng phải đến mức siêu phàm. Con sông Đà của Tây Bắc rất phù hợp với mĩ cảm của nhà văn nên bằng quan sát tỉ mỉ, sự liên tưởng, tưởng tượng phong phú và tài năng nghệ thuật xuất sắc nhà văn Nguyễn Tuân đã xây dựng con sông Đà thành một hình tượng nghệ thuật hấp dẫn, biến nó từ vật vô tri vô giác thành một sinh thể có sức sống, có tâm trạng và tính cách.

    9. "mỗi dòng, mỗi chữ tuôn ra đầu ngọn bút như có đóng một dấu triện riêng" . Nguyễn Tuân là "một bậc thầy của ngôn từ, ta không hề thấy ngại miệng" (Anh Đức)

    Vận dụng:

    Đoạn văn thể hiện rõ những nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân: Một cái tôi tài hoa, uyên bác, luôn tiếp cận sự vật ở phương diện thẩm mĩ, thường hướng tới những vẻ đẹp tuyệt đích, khác thường. Đặc biệt là vốn từ vựng phong phú và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ bậc thầy của ông. Nói như nhà văn Anh Đức: "mỗi dòng, mỗi chữ tuôn ra đầu ngọn bút như có đóng một dấu triện riêng" . Tại sao khi ta gọi Nguyễn Tuân là "một bậc thầy của ngôn từ, ta không hề thấy ngại miệng"? Bởi lẽ đọc "Người lái đò sông Đà" của ông ta nhận thấy văn Nguyễn Tuân là thứ ngôn từ nóng rẫy sự sống. Sức nóng trong ngôn ngữ của ông phát ra từ mọi hướng. Nhà nghệ sĩ "độc đáo vô song" ấy đã sáng tạo ra hàng loạt từ ngữ mới cho từ điển tiếng Việt. Cũng như Nguyễn Du đã làm giàu và làm sang cho ngôn ngữ dân tộc bằng truyện Kiều, Nguyễn Tuân cũng thế. Những trang văn của ông không chỉ thấm đượm linh hồn quê hương mà còn là sự thể hiện sự giàu có của tiếng nói dân tộc. Có nhà nghiên cứu nhận xét rất đúng về ngôn ngữ Nguyễn Tuân, đó là "sự giàu có và giá trị tạo hình cao, như muốn ganh đua cùng tạo hóa".

    10. "Ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ra ngôn ngữ. Văn không linh hoạt gọi là văn cứng đơ thấp khớp." (Nguyễn Tuân)

    Vận dụng:

    Bất kì một nhà văn vĩ đại nào, trước khi trở nên vĩ đại phải là một nhà văn chân chính. Và bất kì một nhà văn chân chính nào cũng không có quyền thờ ơ, ghẻ lạnh với ngôn ngữ dân tộc. Hơn thế, anh phải là người đỡ đầu cho ngôn ngữ, để chữ không chỉ là xác chữ. Chữ phải cựa quậy. Làm văn mà nghèo chữ, hoặc có chữ mà không biết dùng, có dùng nhưng bất hợp thời, khác nào tay ngắn thích với cao, kẻ khoa trương không biết tự lượng sức. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Tuân được xem như một trong những kho từ vựng phong phú, người tiếp bước trên con đường viết và sáng tạo, làm giàu, làm đẹp, làm sang cho con chữ. Sinh thời, nhà văn quan niệm: "Ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ra ngôn ngữ. Văn không linh hoạt gọi là văn cứng đơ thấp khớp" . Cái tôi bản thể ưa phóng khoáng, ham cái mới lạ, độc đáo cùng cuộc đời cần lao tích lũy đã trở thành nguồn dưỡng chất cho đời cây văn chương, đời cây chữ nghĩa xanh tươi, cường tráng.

    11. "Không biết chừng nào mới lại có một nhà văn như thế, một nhà văn mà khi ta gọi là một bậc thầy của ngôn từ ta không hề thấy ngại miệng, một nhà văn độc đáo vô song mà mỗi dòng, mỗi chữ tuôn ra đầu ngọn bút đều như có đóng một dấu triện riêng." (Anh Đức)

    Vận dụng:

    Nhận xét phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân, Anh Đức viết: "Không biết chừng nào mới lại có một nhà văn như thế, một nhà văn mà khi ta gọi là một bậc thầy của ngôn từ ta không hề thấy ngại miệng, một nhà văn độc đáo vô song mà mỗi dòng, mỗi chữ tuôn ra đầu ngọn bút đều như có đóng một dấu triện riêng". "Người lái đò sông Đà" có thể coi là một minh chứng sinh động cho nhận xét trên. Tác phẩm đã thể hiện những nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân khi viết về thiên nhiên và con người Tây Bắc. Là một con người yêu thiên nhiên tha thiết, lại đam mê kiếm tìm cái đẹp, ông viết về cảnh sắc sông Đà với những phát hiện hết sức tinh tế và độc đáo về núi và sông, về cỏ cây trên một vùng đất nước bao la, hùng vĩ và thơ mộng. Đoạn văn: "Tôi có bay tạt ngang qua sông Đà mấy lần.. phết vào bản đồ lai chữ" không chỉ là một bức tranh đẹp về dòng sông Đà trữ tình được họa bằng ngôn từ mà còn thể hiện những nét tài hoa độc đáo trong cách sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Tuân.

    Tham khảo các nhận định khác:

    Ông xứng đáng được mệnh danh là "chuyên viên cao cấp tiếng Việt", là "người thợ kim hoàn của chữ" (Ý của Tố Hữu), Tinh thần tự nguyện dấn thân, bám trụ ở thành trì cái Ðẹp là biểu hiện sinh động của một nhân cách văn hóa lớn. Nhà văn Nguyễn Tuân "đặc Việt Nam" (chữ dùng của Vũ Ngọc Phan) từ quan niệm cho tới thực tế sáng tác.

    ".. Đọc Người lái đò sông Đà, ta có ấn tượng rõ rệt về sự tự do của một tài năng, của một đấng hóa công thực sự trong nghệ thuật ngôn từ.. Khi gân guốc, khi mềm mại, khi nghiêm nghị như một nhà bác học, khi hồn nhiên như một đứa trẻ thơ, những trang viết, những câu văn của Nguyễn Tuân mang hơi thở ấm nóng của cuộc đời phức tạp, phong phú, đa dạng. Sự tự ý thức sâu sắc về tài năng của mình không phải là một biểu hiện tiêu cực, trái lại, nó tạo nên sự giải phóng năng lượng rất cần thiết để nhà văn có thể sáng tạo nên những tác phẩm kì vĩ..". (Phan Huy Đông, in trong Vẻ đẹp văn học cách mạng).

    ".. Nguyễn Tuân – một cây bút vốn luôn khao khát những cảm giác, cảm xúc mới lạ, nồng nàn, say đắm..". (Nguyễn Đăng Mạnh)

    Việc đưa các nhận định phù hợp vào sẽ làm bài viết của các bạn trở nên phong phú, nhưng tránh làm dụng quá đà, gây phản tác dụng. Cảm ơn các bạn đã đọc!
     
    Kiệt, nwviet, Dana Lê6 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng mười hai 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...