Tổng hợp những nhận định về thơ của các nhà thơ cho Lý luận Văn học

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 18 Tháng một 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Điểm sáng tạo cho bài văn nghị luận từ lâu được đưa vào khung điểm chính thức của biểu điểm, đáp án các kì thi. Sáng tạo trong văn nghị luận thể hiện qua nhiều khía cạnh: Cách dùng từ, đặt câu, cách kiến tạo câu văn, cách sử dụng các biện pháp nghệ thuật, cách vận dụng kết hợp các thao thác lập luận, cách so sánh, liên hệ mở rộng, cách vận dụng các kiến thức lí luận, các nhận định văn học..

    Bài viết này giới thiệu một số nhận định văn học về thơ có thể vận dụng đưa vào bài viết để bài viết thêm sâu sắc, ghi điểm sáng tạo.

    "Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để cho thơ bén rễ sinh sôi." (Puskin)

    Vận dụng:

    Nghệ thuật và cuộc sống có mối qua hệ khăng khít, gắn bó. Nghệ thuật luôn xuất phát từ hiện thực cuộc sống, vì cuộc sống mà lên tiếng. Nhưng nếu tác phẩm tự sự xây dựng bức tranh về cuộc sống qua những mâu thuẫn, xung đột, qua hệ thống nhân vật.. thì thơ lại trình bày trực tiếp tâm trạng cảm xúc của con người. Những chi tiết chân thực, sống động được phát hiện từ cuộc đời đã khơi dậy trong lòng thi sĩ những tình cảm sâu sắc, mới mẻ. Như Puskin khẳng định: "Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để cho thơ bén rễ sinh sôi." Nhà thơ đã hút "cái nhụy" của cuộc sống để khai sinh những vần thơ thấm tình đời, tình người.

    "Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ." (André Chénien)

    Vận dụng:

    "Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ" - nhận định của André Chénien cho ta hiểu rằng: "Nghệ thuật" và "trái tim" là những nhân tố quan trọng để hình thành một tác phẩm thơ ca nổi tiếng và một nhà thơ vĩ đại. "Tây Tiến" của Quang Dũng là thi phẩm hội tụ cả hai vầng sáng lung linh ấy. Đó là một bài thơ vừa đậm chất thơ, vừa đậm chất tình, vừa giàu tính nghệ thuật, vừa mang tấm lòng sâu nặng của nhà thơ dành cho thiên nhiên, con người Tây Bắc, cho đoàn binh Tây Tiến mà ông từng một thời gắn bó.

    "Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy." (Tố Hữu)

    Vận dụng:

    "Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy" - nhận định của nhà thơ Tố Hữu đã đề cập đến một trong những đặc trưng của thơ: Thơ là tiếng nói của tình cảm con người, những rung động của trái tim trước cuộc đời. Tây Tiến - Quang Dũng trở thành một hiện tượng đặc biệt và có sức sống lâu bền trước hết phải kể đến yếu tố cảm xúc của bài thơ. Chính những nhịp rung mãnh liệt trong tâm hồn chàng thi sĩ trẻ khi hồi tưởng về một thời từng sống, chiến đấu trong binh đoàn Tây Tiến đã làm nên mạch cảm xúc thi vị và hào hùng của bài thơ, thành nhịp đập trái tim của thi phẩm và đem đến rung cảm thẩm mĩ sâu sắc trong lòng người đọc. Xuyên suốt bài thơ là nỗi nhớ: Nhớ thiên nhiên, nhớ đồng đội, nhớ nhớ kỉ niệm ấm áp tình đồng bào..

    "Thơ phát khởi từ lòng người ta." (Lê Quý Đôn)

    "Hãy biết rằng chính quả tim ta đang nói và thở than lúc bàn tay đang viết." (Alfret de Mussé)

    "Nhà thơ không viết một chữ nào nếu cả toàn thân không rung động." (Nguyễn Thị Thanh Hương)

    Vận dụng:

    Bàn về đặc trưng của thơ, Lê Quý Đôn từng khẳng định: "Thơ phát khởi từ lòng người ta". Tố Hữu cũng viết: "Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy". Và nhà thơ Pháp Alfret de Mussé cũng chia sẻ: "Hãy biết rằng chính quả tim ta đang nói và thở than lúc bàn tay đang viết", "nhà thơ không viết một chữ nào nếu cả toàn thân không rung động" (dẫn theo PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Hương, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 01/2009). Tất cả những nhận định đó đều nói đến đặc trưng của thơ là cảm xúc. Thơ là tiếng nói của tình cảm con người, những rung động của trái tim trước cuộc đời. "Tây Tiến" trở thành một hiện tượng đặc biệt và có sức sống lâu bền trước hết phải kể đến yếu tố cảm xúc của bài thơ. Chính những xúc cảm mãnh liệt của nhà thơ khi hồi tưởng về một thời từng sống, chiến đấu trong binh đoàn Tây Tiến đã làm nên mạch cảm xúc thi vị và hào hùng của bài thơ, thành nhịp đập trái tim của thi phẩm và đem đến những rung cảm thẩm mĩ sâu sắc trong lòng người đọc.

    "Thơ là bó đuốc đốt thiêu, là bàn tay thắp lửa."

    "Tàn bạo hư vô, giữa đấu tranh khốc liệt

    Thơ phải dạy ta nhìn bằng con mắt thật." (Lưu Quang Vũ)

    Vận dụng:

    Lưu Quang Vũ quan niệm: "Thơ là bó đuốc đốt thiêu, là bàn tay thắp lửa". Điều đó có nghĩa, thơ chẳng khác nào là người thắp lửa sáng tạo cho đời và cho nghệ thuật. Đó là ngọn lửa của ý chí chiến đấu, cũng là ngọn lửa của trái tim yêu đời. Quan niệm thơ của Lưu Quang Vũ không hoàn toàn mới lạ. Vẫn là những mục tiêu chân – thiện – mỹ như lý tưởng trong nghệ thuật. Cũng với quan niệm ấy, biết bao nhà thơ đã viết nên những vần thơ khơi dậy trong lòng người ngọn lửa của lòng sục sôi yêu nước, của ý chí quyết tâm đánh đuổi giặc thù..

    "Một bài thơ hay là một sinh vật có cơ thể. Mỗi câu mỗi chữ đứng ở đâu đều có lý do. Cái kỹ thuật trong hàng thơ nghiêm như những người lính đứng trong quân ngũ. Đổi đi một câu một chữ là sai cả gan phổi của bài thơ, bài thơ lệch lạc, ngã xiêu" (Xuân Diệu)

    Vận dụng:

    Xuân Diệu từng bày tỏ quan niệm khá "khắt khe" về câu chữ trong thơ: "Một bài thơ hay là một sinh vật có cơ thể. Mỗi câu mỗi chữ đứng ở đâu đều có lý do. Cái kỹ thuật trong hàng thơ nghiêm như những người lính đứng trong quân ngũ. Đổi đi một câu một chữ là sai cả gan phổi của bài thơ, bài thơ lệch lạc, ngã xiêu". Đó là lí do mà ta không thể dễ dàng thay đổi câu chữ này bằng một câu chữ khác có nội dung ý nghĩa tương tự. Nhất định phải là "tắt nắng", "buộc gió", chứ không thể là "cất", là "gói" hay "giấu", "giữ" được. Đổi một chữ là nhịp thơ lệch lạc, là mất cả nhạc tính, mất cả ý nghĩa lời thơ. Vậy nên, không phải ngẫu nhiên mà ai đó từng cho rằng: "Phải đổi lấy ngàn cân quặng chữ - Để thu về một chữ mà thôi". Cái chữ qua cân đong đo đếm hàng trăm ngàn lần ấy nó có sức nặng ghê gớm vô cùng.

    Thơ là "điệu tâm hồn đi tìm đến những điệu tâm hồn" (Tố Hữu)

    Vận dụng:

    Thơ gắn kết cả thế giới và nhân loại bằng tình yêu. Thơ ca chân chính là những nhịp cầu gắn kết, dẫn dắt những tâm hồn đến với tâm hồn, những trái tim đến với trái tim. Tố Hữu quan niệm thơ là một "điệu tâm hồn đi tìm đến những điệu tâm hồn", có nghĩa là con người chia sẻ với nhau mọi vui, buồn, niềm tin, ước vọng. Con người có nhu cầu giao tiếp, giao cảm. Tiếng nói cá nhân có ý nghĩa tích cực, có hiệu quả truyền cảm, có thể lay động hồn người: "Lời nói riêng mà thấu triệu tâm hồn".

    "Mỗi con trai nhả ngọc một lần thôi

    Viên ngọc đầu tiên cũng là viên sau chót

    Không như ta sau viên ngọc sau cùng làm viên thứ nhất

    Đây là nỗi đau và hạnh phúc của con người." (Chế Lan Viên)

    Vận dụng:

    Những câu thơ của Chế Lan Viên đã thể hiện khao khát đến tận cùng - khao khát muốn được sáng tạo. Nhà thơ gọi đó là nỗi đau hạnh phúc của con người. Con người cần luôn tìm tòi, sáng tạo. Con trai chỉ nhả ngọc một lần duy nhất sau bao đau đớn. Nhưng người nghệ sĩ không được cho phép mình dừng lại ở "viên ngọc sau cùng" nào đó. Phải luôn làm mới mình để "làm ra viên thứ nhất" tiếp theo. Hành trình sáng tạo thơ là hành trình nhọc nhằn không khác gì trai nhả ngọc, nhưng nếu không theo đuổi kiên trì thì không có sáng tạo trong nghệ thuật.

    "Thơ là chữ nghĩa cũng không là chữ nghĩa, là ý thức mà không phải ý thức, là vô thức mà không hẳn vô thức. Thơ đúng nghĩa là sự bộc lộ tận cùng của nhà thơ". (Thanh Thảo)

    Vận dụng:

    Ngẫm về thơ, Thanh Thảo từng chia sẻ rằng: "Thơ là chữ nghĩa cũng không là chữ nghĩa, là ý thức mà không phải ý thức, là vô thức mà không hẳn vô thức. Thơ đúng nghĩa là sự bộc lộ tận cùng của nhà thơ". Đọc thơ Thanh Thảo, nhiều lúc chiêm nghiệm lâu ta mới cảm được sự "bộc lộ tận cùng" của cảm xúc, hình tượng hay ý niệm nhà thơ. Một cách đầy ấn tượng, Thanh Thảo đã xây dựng thành công hình tượng Lorca trong "Đàn ghi – ta của Lorca" để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc.

    "Thơ đích thực không nhằm giáo dục ai, cải tạo ai, nhưng nó lại giúp thanh lọc tâm hồn con người". Thơ còn là "đôi nạng" giúp người tàn tật "đứng dậy, bước đến với mọi người, là đôi bàn tay chìa ra với mọi người." (Thanh Thảo)

    Vận dụng:

    Những tác phẩm văn học ưu tú luôn có khả năng khơi dậy trong chúng ta khả năng đồng cảm; làm cho ta biết yêu, biết buồn; dậy cho ta biết yêu, biết ghét, biết khinh bỉ sự phản trác, cái tẹp nhẹp, tầm thường, lười biếng, giúp hướng con người đến cái thiện thông qua việc hình thành quan điểm đạo đức, khơi gợi tình cảm đạo đức cho con người.. Đúng như Thanh Thảo nhận xét: "Thơ đích thực không nhằm giáo dục ai, cải tạo ai, nhưng nó lại giúp thanh lọc tâm hồn con người". Thơ còn là "đôi nạng" giúp người tàn tật "đứng dậy, bước đến với mọi người, là đôi bàn tay chìa ra với mọi người."

    "Thơ đưa tôi đến những bến bờ chưa tới được". (Lưu Quang Vũ)

    Vận dụng:

    Thơ là sản phẩm của trí tưởng tượng, nên đôi khi, thơ là phương tiện kết nối con người với thế giới của ước mơ. Không phải ngẫu nhiên mà Tản Đà lại lên "Hầu Trời", Thế Lữ lại mơ màng cùng "Tiếng sáo thiên thai".. Lưu Quang Vũ đã khẳng định: "Thơ đưa tôi đến những bến bờ chưa tới được". Nhà thơ luôn tạo ra những "giấc mơ phía trước" bằng tưởng tượng, bằng giả tưởng nữa. Ngoài ra, đó còn là niềm khát vọng xa xôi có phần kỳ ảo: "Chắc ta không kịp tới", "không thể nào tới được". Nhưng chỉ điều ấy đã giúp nhà thơ cùng giục giã mọi người sống tốt nhất với hiện tại để vươn tới tương lai tươi đẹp.

    Các bạn có thể tham khảo thêm các nhận định khác để vận dụng phù hợp vào từng bài, từng nội dung phân tích:

    "Thơ là tiếng gọi đàn, là sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu của những con người lao động, phấn đấu, suy nghĩ, yêu thương trong cái phần cao nhất, sâu nhất của họ tức là tâm trí." (Xuân Diệu)

    "Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi động chạm tới cuộc sống [..] văn xuôi lôi cuốn người như dòng nước, đưa ta đi từ điểm này qua điểm khác. Thơ chỉ chọn ít điểm chính, bấm vào những điểm ấy thì toàn thể động lên theo. Thơ là tổng hợp, kết tinh. Văn xuôi cho phép không hoàn toàn, nhưng thơ thì luôn luôn đòi hỏi sự toàn bích." (Nguyễn Đình Thi)

    "Con đường thơ gồm nhiều con đường riêng rất khác nhau của từng người. Không có đại lộ chung một chiều cho tất cả. Ta có thể nói con đường thơ chính là số phận của một nhà thơ." (Lê Đạt)

    "Đôi khi, trong buổi tối có một khuôn mặt

    Nhìn thấu chúng ta từ đáy một tấm gương

    Nghệ thuật chắc hẳn là tấm gương

    Cho ta thấy trong đấy là khuôn mặt." (Jorge luis borges)

    "Mỗi nhà thơ viết câu thơ theo số phận của mình, chẳng bắt chước ai.

    Tôi học phong cách đất ngoài vườn, mùa đến lại sinh sôi,

    Mặc kệ ai đấy là hỏa diệm sơn phun lửa,

    Viết câu thơ ở thế đà đao, ở thế vu hồi." (Chế Lan Viên)

    "Thực trong thơ là tìm được những hình ảnh sống, những hình ảnh có sức lôi cuốn và thuyết phục người đọc"; khi "mỗi giọt nắng, mỗi chiếc lá tự nhiên mà vào trong lòng, để rồi động sâu đến tư tưởng và tình cảm. Trong việc làm thơ bấy giờ, hình ảnh tự nhiên hiện lên trước nhất". "Những hình ảnh còn tươi nguyên mà nhà thơ tìm thấy, bao giờ cũng mới mẻ, đột ngột lạ lùng". "Hình ảnh của thơ vừa làm ta ngạc nhiên, vừa đã quen với chúng ta tự bao giờ" (Nguyễn Đình Thi)

    "Hành động sáng tạo trong thơ ca là một sự giải tỏa những cảm xúc tràn đầy trong tâm hồn người làm thơ."

    "Andecxen đã lượm nhặt những hạt thơ trên luống đất của người nông dân cày, ấp ủ tủ chúng nơi trái tim ông rồi gieo vào những túp lều, từ đó lớn lên và nở ra những đóa hoa tươi đẹp, đẹp, chúng an ủi trái tim Những Người Cùng Khổ." (Pautopxki)

    "Bài thơ anh, anh anh làm một nửa mà thôi

    còn một nửa để mùa thu làm lấy

    cái Xào Xạc hồn anh chính là Xào Xạc lá

    nó không là anh nhưng nó là mùa ra." (Chế Lan Viên)

    "Thơ trước hết là cuộc đời, đời sau đó mới là nghệ thuật." (Belinxki)

    "Đời thi sĩ là thơ, như đời một nông dân là lúa,

    Nhan sắc của viên Ngọc ư? Có khi là vụ nó đấy."
    (Chế Lan Viên)

    "Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để cho thơ bén rễ sinh sôi." (Puskin)

    "Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm." (Voltaire)

    "Đọc một câu thơ hay, ta thường có cảm giác đứng trước một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hướng đến những vùng trời đẹp hơn, nhân tính hơn.." (Theo Lê Đạt, "Đối thoại với đời và thơ", NXB Trẻ, 2008, tr. 115).

    "Thơ là cái nhụy của cuộc sống, nên nhà thơ phải đi hút cho được cái nhụy ấy và phấn đấu làm sao cho cuộc đời của mình cũng có nhụy." (Phạm Văn Đồng)

    "Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa." (Xuân Diệu).

    "Rơi vào cái vực ý, thì thơ sẽ sâu, nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc, thì thơ dễ làm đắm say người, nhưng cũng dễ nông cạn. Chính vì vậy mà khi soi chiếu vào thơ, ta có thể nhìn thấy được cả cuộc đời, nhìn thấy được chính mình." (Chế Lan Viên)

    "Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật

    Mỗi giọt mật thành đôi vạn chuyến ong bay

    Nay cành nhãn non Đoài, mai vườn cam xứ Bắc

    Mật ngọt ở đồng bằng mà hút nhụy tận miền Tây." ( Chế Lan Viên)

    "Thơ ca là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm." (Vonltaire)

    "Một câu thơ hay là một câu thơ có sức gợi." (Lưu Trọng Lư)

    "Thơ ca là tiếng hát của trái tim, là nơi dừng chân của tâm hồn, do đó không giản đơn mà cũng không thần bí, thiêng liêng.. Thơ ca chân chính phai là nguồn thức ăn tinh thần nuôi tâm hồn phát triển, nó không được là thứ thuốc phiện tinh thần êm ái mà nhỏ nhen, độc hại." (Lí luận văn học)

    "Thơ hay là thơ giản dị, xúc động, ám ảnh. Để đạt được một lúc ba điều ấy đối với các thi sĩ vẫn là điều bí mật." (Trần Đăng Khoa)

    "Cũng như nụ cười và nước mắt, thực chất của thơ là phản ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong." (Tagore)

    "Bài thơ hay là bài thơ đọc lên không còn thấy câu thơ mà chỉ còn thấy tình người và tôi muốn thơ phải thật là gan ruột của mình." (Tố Hữu)

    "Ðể trong lòng là chí, ngụ ra ý là thơ. Người có sâu, cạn nên thơ có mờ, tỏ; rộng, hẹp, khác nhau.. Người làm thơ lấy trung hậu làm gốc, ý nghĩa phải hàm súc, lời thơ phải giản dị. Còn việc phải tô điểm cho đẹp đẽ, trau dồi cho khéo léo lạ lùng thì chỉ nên coi là việc.. làm thêm mà thôi." (Nguyễn Cư Trinh)

    "Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp." (Sóng Hồng)

    "Thơ ca là một bức họa để cảm nhận thay vì để ngắm." (Leonardo da Vinci)

    "Thi sĩ như những con chim sơn ca đứng trong bóng tối cất lên những tiếng cô độc để mua vui cho sự cô độc của chính mình." (B. Shelly)

    "Thơ là rượu của thế gian." (Huy Trực)

    ".. Từ bao giờ đến bây giờ, từ Hômerơ đến Kinh thi, đến ca dao Việt Nam, thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế." (Hoài Thanh)

    Bạn đăng kí tài khoản miễn phí tại LINK để like bài, đọc tiếp nội dung ẩn nha!

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
     
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng năm 2023
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    "Hãy xúc động hồn thơ cho ngòi bút có thần" (Ngô Thì Nhậm)

    "Hãy đập vào tim anh, thiên tài là ở đó" (Muytxê)


    Vận dụng:

    Không phải ngẫu nhiên mà khi bàn về thơ, nhiều nhà văn, nhiều học giả đều khẳng đinh vai trò của tình cảm đối với thơ. Ngô Thì Nhậm thì kêu gọi các thi nhân "Hãy xúc động hồn thơ cho ngòi bút có thần", còn Muytxê cũng nhắn nhủ "Hãy đập vào tim anh, thiên tài là ở đó" . Tư tưởng của một nhà thơ dù dầu có giá trị đến đâu, độc đáo mới mẻ đến nhường nào thì nó cũng chỉ là một xác buớm ép khô trên trang giấy, nếu không được tình cảm của họ thổi hồn đánh thức dậy. Nếu anh chỉ có tư tưởng không thôi, thì không thể làm một tác phẩm có giá trị nghệ thuật đính thực. Tư tưởng của anh phải được rung lên ở các cung bậc của tình cảm. Cảm xúc trơ lì, mòn sáo, tình cảm thoáng qua, hời hợt, rút cuộc những tư tưởng ấy dù hay đến mấy cũng chỉ "nằm thẳng đơ", vô hồn, vô cảm trên trang giấy mà thôi. Những sáng tạo nghệ thuật chân chính tuyệt nhiên không phải là sự minh họa giản đơn cho tư tưởng này hay tư tưởng khác, cho dù đó là tư tưởng rất hay (Ý của Khrapchencô). Tây Tiến mùa xuân ấy đã thành một đi không trở lại, lịch sử dân tộc sẽ không bao giờ lặp lại thơ mộng lãng mạn, hào hùng đến nhường ấy. Nhưng "Tây Tiến" của Quang Dũng đã góp phần tái hiện lại một giai đoạn lịch sử oai hùng của dân tộc, thể hiện tình cảm sâu sắc của nhà thơ với một thời Tây Tiến, rộng hơn là tình yêu quê hương đất nước. Quang Dũng hẳn đã xúc động hồn thơđập vào trái tim để tạo nên những vần thơ kiệt tác. Để trải qua bao nhiêu thăng trầm và thời gian, bài thơ vẫn có vị trí trong lòng bạn đọc và càng ngày càng sáng giá.

    "Bất cứ thi sĩ vĩ đại nào, sở dĩ họ vĩ đại bởi vì những đau khổ và hạnh phúc của họ bắt nguồn từ khoảng sâu thẳm của lịch sử xã hội, bởi vì họ là khí quan và đại biểu của xã hội, của thời đại và của nhân loại." (Biêlinxki)

    Vận dụng:

    Biêlinxki đã từng nói: "Bất cứ thi sĩ vĩ đại nào, sở dĩ họ vĩ đại bởi vì những đau khổ và hạnh phúc của họ bắt nguồn từ khoảng sâu thẳm của lịch sử xã hội, bởi vì họ là khí quan và đại biểu của xã hội, của thời đại và của nhân loại." Tố Hữu chính là một đại biểu xuất sắc của thời đại mình, là lá cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Từ đầu đến cuối trong cuộc đời mình ông đều gắn bó với con đường cách mạng giải phóng dân tộc, là nhà thơ của lí tưởng cộng sản. Con đường thơ của ông luôn gắn bó, song hành và phản ánh chân thật các chặng đường gian khổ, hi sinh nhưng cuối cùng đi đến thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam. Thơ Tố Hữu dễ thuộc, dễ nhớ và đậm đà bản sắc dân tộc, giọng điệu tâm tình ngọt ngào dễ đi vào lòng người, trở thành quen thuộc trong tâm thức người Việt. Bài thơ "Việt Bắc" được đánh giá là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Tố Hữu, là một trong số các bài thơ hay nhất của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ in trong tập thơ cùng tên năm 1954.
     
    Chỉnh sửa cuối: 15 Tháng mười một 2022
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    "Thơ ca làm cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời trở thành bất tử." (Shelly).

    Vận dụng:

    "Thơ ca làm cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời trở thành bất tử." (Shelly). Có những giá trị vững bền của cuộc sống được lưu giữ lại nhờ những vần thơ, có những nhịp ngân của tâm hồn được in dấu lại qua mỗi trang văn. Có lẽ thơ ca ra đời để làm bạn với con người, để đồng cảm, sẻ chia với con người trong mọi vui buồn của cuộc sống. Chính bởi vậy khi đứng trước cửa biển Diêm Điền (Thái Bình), trước muôn ngàn con sóng lớn của đại dương, Xuân Quỳnh đã thổn thức lòng mình và cất lên những vần thơ "Sóng" đầy xúc cảm. Xuyên suốt trong bài thơ là hai hình tượng sóng và em. Sóng "là một trong những hình tượng ẩn dụ, nó là sự hóa thân của cái tôi trữ tình của Xuân Quỳnh." "Sóng" và "em", vừa hòa hợp là một, lại vừa phân đôi để soi chiếu, cộng hưởng để diễn tả một cách sâu sắc hơn, thấm thía hơn tình yêu trong trái tim của người phụ nữ. Tâm hồn người phụ nữ đang yêu soi vào sóng để thấy rõ lòng mình, nhờ sóng để biểu hiện những trạng thái của lòng mình. Qua hai hình tượng này, nữ thi sĩ đã diễn tả được những cảm xúc phong phú, sôi nổi của một trái tim phụ nữ đang rạo rực và khát khao yêu thương.

    "Thơ, tự truyện của khát vọng"

    Vận dụng:

    Bằng thể thơ 5 chữ, nhịp thơ linh hoạt biến hóa, hai hình tượng sóng và em song hành, các biện pháp tu từ như: Câu hỏi tu từ, điệp từ, điệp ngữ.. đoạn thơ đã thể hiện khao khát trong tình yêu trong trái tim người phụ nữ một cách chân thật, hồn nhiên. Sự gặp gỡ giữa tâm trạng riêng của người phụ nữ trong tình yêu với tâm trạng phổ quát của toàn nhân loại đã làm đoạn thơ giàu tính nhân văn. Đọc đoạn thơ, người đọc có thể cảm nhận được một vẻ đẹp rất lung linh nhưng cũng đầy bí ẩn của tình yêu. Một nhà phê bình Pháp từng khẳng định: "Thơ, tự truyện của khát vọng". Câu nói ấy rất đúng với Xuân Quỳnh. Thơ ca, với chị là sự sống, là tình yêu, làm thơ là được sống với chính mình, sống đầy đủ và trọn vẹn là mình. Đọc thơ Xuân Quỳnh, ta cũng cảm nhận được tình yêu và nghe được khát vọng trong mình. Đó là lý do vượt qua sự băng hoại thời gian, thơ ca đã, vẫn và sẽ sống cùng ta đến ngày tận thế.

    Thơ ca là hoa thơm của cuộc đời. Nếu chỉ được kiến tạo từ trí tưởng tượng và "cái tôi" nhỏ bé của người nghệ sĩ, thơ ca chỉ là những bông hoa làm bằng "vỏ bào" (Pauxtôpxki).

    Vận dụng:

    Thơ ca là hoa thơm của cuộc đời. Nếu chỉ được kiến tạo từ trí tưởng tượng và "cái tôi" nhỏ bé của người nghệ sĩ, thơ ca chỉ là những bông hoa làm bằng "vỏ bào" (Pauxtôpxki). Nhà thơ phải nhặt những hạt "bụi quí" trong cuộc đời mênh mông vô tận để làm nên những "bông hồng vàng" quí giá, đem lại niềm vui và cái đẹp cho tâm hồn người đọc thơ, hiểu thơ và yêu thơ. Với bài thơ "Sóng" nhà thơ Xuân Quỳnh đã từ tình yêu trái tim mình để thể hiện được vẻ đẹp của tình yêu của con người nói chung, đem đến cho đời những vần thơ lấp lánh. Bài thơ đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu: Táo bạo, mãnh liệt, dám bước qua mọi trở ngại để gìn giữ hạnh phúc, tình yêu. Dù có lo âu, phấp phỏng, bất an trước cái ngắn ngủi, hữu hạn của tình yêu, đời người so với sự vô hạn của trời đất, vũ trụ, thời gian nhưng vẫn vững tin vào sức mạnh của tình yêu, luôn khao khát tình yêu đích thực, vĩnh cửu. Người đọc yêu mến và nhớ mãi bài thơ "Sóng" nữa vì nó không đơn thuần là thơ nữa mà là những gì tinh tế nhất, huyền diệu nhất của trái tim con người, của tâm hồn người phụ nữ luôn nhạy cảm và tha thiết muốn được yêu thương. Bài thơ rất tiêu biểu cho phong cách thơ của Xuân Quỳnh, rất dịu dàng, nữ tính nhưng cũng rất táo bạo và đầy khát khao trong hạnh phúc đời thường.
     
    Chỉnh sửa cuối: 15 Tháng mười một 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...