Ngữ Văn 7 - Giải thích và chứng minh - Học, học nữa, học mãi - Lenin

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Hồ Ngọc Mai Phương, 26 Tháng bảy 2022.

  1. Giải thích và chứng minh câu "Học, học nữa, học mãi" của V Lênin.

    Bài làm

    "Non sông Việt Nam có tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.." Bác Hồ đã từng viết như thế. Ở vai trò vị lãnh tụ, người cha già kính yêu của dân tộc, người hiểu rõ: Muốn dân giàu, nước mạnh thì phải học, phải xóa nạn mù chữ, cho ai cũng có kiến thức. Học vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của mỗi con người Việt Nam. Biển học mênh mông lắm, học là việc cả đời, không bao giờ là dư thừa cả. Là vị nguyên thủ quốc gia vĩ đại trong lịch sự loài người, Lenin đã có một lời khuyên vô cùng sâu sắc, chí lí: "Học, học nữa, học mãi".

    Câu nói ấy của Lenin hàm chứa rất nhiều điều. Có người lầm tưởng rằng, học là ngồi vào bàn lấy sách ra đọc thuộc. Theo tôi, học một phần là ở những quyển sách, nhưng với tất cả những phần còn lại thì nằm ở cuộc sống. Học là việc tiếp thu cái mới, cái đúng, cái hay, cái tinh hoa của nhân loại. Học là một quá trình truy cầu kiến thức rất dài, dài đằng đẵng, dài bằng cả đời người. Quá trình ấy gồm việc tìm hiểu, khám phá, tiếp thu những điều chưa biết, những điều muốn biết về sự vật, hiện tượng, ứng xử, nguyên nhân.. trong tự nhiên và trong cuộc sống xã hội. Chỉ với sáu chữ ngắn gọn, Lenin đã nói lên cả một quan niệm nhân sinh: Việc học là việc tìm hiểu, nhận thức suốt đời, học là không ngừng nghỉ, học từ trong từng phút giây của cuộc sống; học để thực hành, cải thiện bản thân. Con người không ai hoàn hảo cả, nhưng chính việc học là đôi cánh giúp ta ngày càng vươn lên, tiến bộ, cho cuộc sống ngày nay và ngày sau sẽ càng muôn sắc muôn màu, muôn hình muôn vẻ, ngày càng tốt hơn.

    Học là như thế, nhưng tại sao còn phải học nữa, học mãi? Vì kho tàng kiến thức, tri thức là vô tận, vì đó học là việc phải tiếp tục cả đời, chẳng bao giờ là dư. Bởi những điều ta biết lúc này chẳng khác gì một giọt nước trong đại dương bao la cả. Xã hội loài người ngày càng phát triển, khoa học ngày càng tiến bộ làm cho càng nhiều vấn đề nảy sinh trong cuộc sống cần được tiếp thu và giải quyết, dòng lịch sử mấy vạn năm của nhân loại đã đúc kết ra một vùng trời tri thức khổng lồ đang không ngừng phát triển. Muốn theo kịp đà tiến hóa của xã hội, chúng ta cần nhất chính là học tập. Theo từng giây, thế giới đang chuyển động không ngừng, kiến thức hôm qua, đến hôm nay đã trở thành cũ kĩ. Để bắt kịp nhịp sống vội vã ấy, ai cũng cần phải tiếp thu vấn đề mới, phải học và nghĩ cách đương đầu, học để nắm bắt được quy luật của xã hội, tự nhiên, để tiếp đến tương lai, làm chủ được cuộc sống và những quyết định của chính mình, để theo kịp sự đổi mới của đất nước, của Thế giới. Còn không, một người chỉ học một lần, không tiếp tục duy trì việc học thì có khác gì con ếch nơi giếng sâu, chỉ huênh hoang về những hiểu biết lỗi thời của mình, hài lòng với những gì mình biết mà không hiểu, thế giới ngoài kia vẫn phát triển mỗi ngày, từ đó dễ mắc sai lầm, như thầy bái mù xem voi vậy. Vì đó, để ngày càng hoàn thiện bản thân, nâng cao chất lượng sống, ta cần tiếp tục học hành, học từ sách vở, học từ xã hội, học từ thầy cô bạn bè gia đình xung quanh.

    Trong lịch sử, đã có rất nhiều danh nhân chứng minh cho câu nói "Học, học nữa, học mãi" của Lenin. Chúng ta thử lấy một ví dụ vĩ đại trong lịch sử dân tộc: Bác Hồ. Thật sự mà nói, Bác Hồ gần như là một người mẫu mực đến hoàn hảo, ba mươi mấy năm bôn ba đã rèn giũa cho Người một tâm hồn trong sạch đến tuyệt đẹp, đến độ nói đến phẩm chất cao quý nào Người cũng đều hội tụ. Như vậy, cứ lấy Bác ra nêu gương mãi thì không ổn, mà bỏ qua Người thì lại càng không thể được. Vì đâu Người lại mài giũa được cho mình một tâm hồn tuyệt đẹp như thế? Ta hãy thử nghĩ xem, bảy mươi chín mùa xuân trong cuộc đời đầy sóng gió, có khi nào Người ngừng học hỏi đâu. Bác bôn ba viễn xứ, nơi đất khách quê người, mong mỏi tìm được cái hay, cái văn minh, cái tinh hoa của nhân loại về giúp dân, giúp nước. Ba mươi năm bôn ba ấy đã giúp Người tích luỹ một hiểu biết dồi dào về văn hóa và văn minh các cường quốc năm châu bốn bể. Lòng ham học của Bác là đáng nể trọng vô cùng. Hay như chính chủ nhân của câu nói: Lenin. Chủ nghĩa Mác-Lenin là một đúc kết của bao nhiêu học hỏi, bao nhiêu trải nghiệm, bao nhiêu thực hành. Để rồi giờ đây, tấm bảng đề "Học, học nữa, học mãi" luôn được treo trang trọng, đã trở thành một châm ngôn bất hủ mà bất kì ai qua thời áo trắng đều ghi nhớ, thuộc lòng. Mà không chỉ "học, học nữa, học mãi" là câu nói duy nhất ca ngợi lòng hiếu học. Kalinin từng nói: "Đường đời là chiếc thang không có nấc chốt, việc học là quyển sách không có trang cuối cùng". Học hết trình độ này đến trình độ khác sẽ chẳng bao giờ là dư thừa khi tích luỹ kiến thức. Bác Hồ cũng từng nói: "Học hỏi là việc phải tiếp tục suốt đời". Nhưng mà học cũng không phải ngồi vào bàn lấy sách ra đọc là xong. Dân gian Việt Nam ta còn có câu:

    "Đi cho biết đó biết đây

    Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn."

    Đúc kết lại rằng: Muốn học hỏi cái hay, cái đúng, chúng ta phải học ở sách vở, học ở xã hội, học ở thầy cô bạn bè. Ở những người đi trước. Nếu chỉ thụ động ngồi một nơi đọc sách, liệu có "học mãi" mà áp dụng thực tế một cách hoàn hảo được không? Cũng vì thế, Bác Hồ lại có thêm một lời khuyên sâu sắc: "Học ở trường, học ở sách vở, học ở lẫn nhau và học ở nhân dân".

    Nhưng thật đáng tiếc là có những người làm ngược lại với lời dạy bảo quý giá này. Thật đáng tiếc là trong nhà trường có những học sinh lười biếng, không cố gắng chăm lo học tập, kiến thức nông cạn, dở dang, luôn cho rằng đã học đủ rồi. Cũng như thế, trong xã hội còn có những kẻ tự kiêu, tự mãn khi đã đạt được bằng cấp mà không chịu tiếp tục học hỏi. Và đương nhiên những kẻ đó đáng bị chê trách vì đã không nghe theo lời khuyên bảo tốt đẹp này. Về phía tôi, tôi hiểu ra rằng, biển học mênh mông, sự học không bao giờ được gọi là đủ. Là học sinh, ta cần xác định mục đích học tập đúng đắn, khơi mào tình yêu tri thức, phải có thái độ học tập nghiêm túc và tự giác tự học, áp dụng đúng với hai chữ "học hành" hay "học tập".

    Câu nói của Lenin "học, học nữa, học mãi" là hết sức đúng đắn và sâu sắc. Đời người chắc chắn sẽ không ai hoàn hảo, việc ta cần làm là tiếp tục học, nỗ lực học để ngày càng hoàn thiện bản thân mình, cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Là một học sinh, tôi tự thấy rằng, ở tương lai dài phía phải tiếp tục học hành, tìm kiếm tri thức, thực hiện ước mơ, trở thành người có ích cho xã hội. Để làm được điều ấy, tôi tự hứa sẽ "học, học nữa, học mãi" như lời Lenin năm xưa. Qua bao lần chọn lọc của thời gian, "học, học nữa, học mãi" đã trở thành bất hủ.
     
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...