NGHỊCH TỬ Tác giả: Thạch Kim Thử. Thể loại: Văn Học Kinh Dị (Tâm Linh Tôn Giáo). *** Trong một xóm nhỏ, hẻo lánh nông thôn tại vùng đồng bằng bắc bộ miền bắc Việt Nam. Trời chiều mùa đông, cái bầu không khí hắc ám nặng nề lại càng nhanh chóng xua tan nốt chút ánh sáng cuối cùng. Trong cái xóm nhỏ có tên gọi xóm Ụi thỉnh thoảng lại nổi lên một tràng âm thanh thê lương đến sởn nổi da gà từ những con chó vảng vất đâu đây. Tôi phải nói rõ hơn chút là sao xóm này lại có cái tên là Ụi, xóm này rất hẻo lánh được mọc lên từ những năm 1985 khi đất nước còn rất nghèo nàn lạc hậu, các vùng nông thôn Việt Nam hoàn toàn chưa có điện còn chìm trong cảnh tối tăm. Vùng đất mà tôi nhắc đến là các ụi đất nhấp nhô, mọi người ở các vùng khác đến đây dùng sức lực con người đào đất đóng gạch xây nhà, phần thừa đem bán cho các thương lái. Chính vì thế cái tên xóm Ụi chính thức được các hộ dân nơi đây đặt tên. Ở các vùng quê nông thôn, chuyện thùng vũng, ao đầm quanh nhà, tuy nguy hiểm nhưng người dân cũng thấy quen quen, đặc biệt tại cái xóm Ụi này, 10 nhà thì có đến 9 nhà có các thùng vũng quanh nhà gọi là các thùng gạch mà vào các tháng mùa mưa nước cứ đầy ứ lên đến tận mặt sân ngập hết các vũng, rất nguy hiểm nếu nhà có trẻ nhỏ hoặc cụ già. Sự tình xảy ra cũng từ một hai ngày vừa qua, các cụ có tuổi thường nhắc con cháu: - Nếu đi làm đồng hay đi làm công ty thì cũng phải về nhà sớm, ăn cơm đóng cửa sớm, không nên đi ra ngoài vào ban đêm. - Nếu có việc đột xuất phải đi tối thì phải đi cùng người khác mà không quên mang theo nhánh tỏi hay con dao. Ấy là các cụ đang nói đến chuyện xóm này đang bị một thế lực âm hồn, một thế lực vô cùng đáng sợ bủa vây, bắt đầu gây ra nỗi lo sợ phập phồng mà chỉ những người già có kinh nghiệm mới biết và rất lo sợ cho con cho cháu họ. Đêm nay là đêm thứ ba từ khi xảy ra các sự lạ, tất cả các con đường quanh xóm đều vắng người, đặc biệt là trời mùa đông, cái rét run người của không khí miền bắc, trừ khi có việc còn không ai cũng đã chui vào chăn màn để ngủ. Vậy mà ngoài đường xóm kia thỉnh thoảng đâu đây vẳng lên tiếng quát tháo, tiếng chân ngựa, chân thú, tiếng đánh đập tra khảo, tiếng người khóc lóc van xin và cũng không ngoại lệ là tiếng chó tru văng vẳng hú.. hú.. hú.. nghe đến rợn người. Cách đó không xa, tại nơi vườn hoang khác biệt hoàn toàn với các hộ gia đình gần đó. Chính xác hơn đây là một hộ gia đình với khoảng vườn đất khá rộng nhưng khu vườn không được chăm sóc hay vun trồng thường xuyên nên nó trở nên hoang phế, rậm rạp và cũng giống các hộ khác có khá nhiều thùng vũng ngập nước. Câu chuyện cũng khơi nguồn từ đây, tại gia đình này. Xưa lâu lắm rồi từ những năm pháp thuộc, hồi ông nội Vinh còn sống, lúc đó gia đình của ông nội hắn còn giàu có lắm, người ăn người ở nườm nượp. Đến thế hệ thứ 2 ông nội sinh được bố Vinh và người cô sau này lấy chồng về phía bên sông cách đó khoảng mươi cây số. Các cụ dạy không sai: "Không ai giầu ba họ, không ai khó ba đời". Thói đời lúc thịnh lúc suy luôn luôn luân chuyển theo xoay vần tạo hóa. Hai đời trên nhà Vinh phát triển thịnh trị nhất vùng, sau này khi bố Vinh trưởng thành lấy mẹ của Vinh là cô Nga Lai con ông bà cả Thành bên kia đất bãi xinh xắn nổi tiếng nhất vùng. Cô có cái tên Nga Lai vì nghe nói cô là con lai của một tên quan tây thời thuộc địa bấy giờ và mẹ cô đã hắn hãm hiếp. Cái thời thuộc địa hà khắc ấy, khổ mấy tủi mấy cũng cắn răng mà chịu. Về sống cùng bố Vinh cô Nga Lai luôn tỏ ra là người con ngoan dâu thảo, sau này sinh được 5 người con 4 trai 1 gái trong đó Vinh là đứa con cả. Cho đến hôm nay cả 4 người con của bà đều đã yên bề gia thất chỉ riêng Vinh năm nay đã gần 50 tuổi đầu mà vẫn độc thân. Lại phải nói đến cái xã hội đương thời nay mới du nhập theo sự tiến bộ của xã hội phương tây, cái gì cũng mới vũng lạ lẫm khiến một bộ phận con người cảm thấy lạc lõng. Tầng lớp thanh thiếu niên dần dần tha hóa, học đòi, đặc biệt là con em nhà có điều kiện khá giả của ăn của để. Trong đó có Vinh, nhà có tiền do ông bà để lại ăn không hết, hắn theo lũ bạn trong xóm tìm đến bàn đèn cần sa, sau dần hết tiền chuyển sang hàng trắng, có bao tiền hắn nướng hết vào nàng phù dung. Từ anh trai làng mộc mạc hắn trở thành con người hoàn toàn khác, thời gian gần đây hắn còn cất cho mẹ hắn một túp lều ngay cạnh góc vườn không cho mẹ hắn bén mảng lên nhà trên nữa, mặc cho bà muốn sống chết ra sao cũng được. Sẩm tối hôm nay lại thấy hắn ra đường hỏi thăm đôi ba người về mẹ hắn, sao một hai hôm nay không thấy bà đâu, không rõ bà đi thăm bà con hay đi đâu mà không thấy về. Mọi người ngạc nhiên lắm, thường ngày có thấy hắn quan tâm gì đến bà đâu. Đêm hôm đó, tại nhà bà Nga Lai hay chính xác hơn là nhà Vinh, lúc này khoảng hơn 9 giờ tối, trời mùa đông gió rét cộng với bầu trời đen kịt, không gian tĩnh lặng đến rợn người của một vùng quê. Vinh đang chìm trong cơn phê thuốc, giấc ngủ chập chờn, hắn bàng hoàng bừng tỉnh dựng tóc gáy khi trải qua giấc mơ kinh khủng lắm. Hắn thấy bà Nga Lai đứng lấp ló ngoài hên nhà, tóc tai bù xù, mặt bết bùn đất, khuôn mặt buồn buồn xanh sao lắm, quần áo trên người bà ướt sũng, dáng người run lên bần bật như có vẻ rét lắm. Vinh nhìn bà, như thường lệ thấy bà là hắn chửi bới đuổi bà về ngay căn lều, nhưng không hiểu sao hôm nay câu nói chực bật ra cửa miệng hắn đã nuốt ngay lại vì bà Nga nhìn hắn rồi cất lên tiếng gọi, giọng nói yếu ớt và vang vọng rành rọt như từ nơi nào xa xăm lắm. Vinh ơi.. Mẹ đói, mẹ lạnh quá con ơi.. Vinh bừng tỉnh lau vội dòng mồ hôi nhễ nhại trên mặt, trời mùa đông rét vậy mà hắn toát mồ hôi như tắm đủ thấy được sự đáng sợ mà hắn gặp phải. Từ ngày làm quen với nàng tiên nâu đến giờ chưa khi nào hắn biết sợ hãi, chỉ cần có tiền hắn sẵn sàng quên đi cả người thân. Nhưng hắn lại kịp bình tĩnh trấn an bản thân, ma quỷ gì chỉ vớ vẩn, mình bằng ngần này tuổi đầu mà lại tin ma quỷ gì chứ, nhưng tư tưởng trấn an của hắn lại trôi qua nhanh chóng khi nhớ ra bà Nga đã không về nhà từ hai hôm nay, chiều tối hắn có đi hỏi rồi mà. Không hiểu sao đêm nay không gian lại tĩnh lặng đến lạnh người, ngước nhìn đồng hồ, hắn bỗng giật mình thót tim suýt nữa tim hắn văng ra ngoài lồng ngực, cái đồng hồ quả lắc vừa điểm tiếng chuông báo hiệu 10h đêm keng.. keng.. Keng.. Hắn lại gạt đi suy nghĩ viển vông, một con người sấc sược như hắn, một thằng chỉ sợ hết thuốc hết tiền vậy mà hôm nay lại kinh hãi một thứ gì không diễn giải được. Nhưng lần này hắn lại hết hồn khi ngoài sân nhà hắn đang vang lên tiếng dép chân kéo lê kêu quèn quẹt, đúng là dáng điệu và âm thanh mà mẹ hắn thường đi, tiếng lê bước chân đang dần dần tiến về phía cửa. Vinh lắp bắp câu nói mà lâu lắm rồi cách đây vài năm rồi hắn chưa nói ra được với người mẹ đã mang nặng đẻ đau ra hắn: - Mẹ.. mẹ có phải mẹ không? - Mẹ.. Mẹ đấy à? Đáp lại tiếng hỏi của hắn là cả bầu không gian tĩnh lặng, im lìm đến vô vọng. Tiếng quẹt dép lại vang lên nhưng nhỏ dần nhỏ dần đi về phía cuối vườn nên có túp lều lụp sụp. Kể từ đó về sau không còn thấy hiện tượng gì lạ lùng nữa nhưng Vinh vẫn chưa dám dỗ giấc ngủ lùa về, lâu lắm rồi hắn cũng chìm dần trong giấc ngủ mệt mỏi ùa đến. Cho đến sáng hôm sau, ánh mặt trời chói lọi cả ngôi làng lại như sống lại sau một đêm đầy uy hiếp từ thế lực đen tối nào đó bủa vây. Mọi người lại bị lôi kéo vào guồng chạy cuộc sống hiện tại. Vinh cũng bừng tỉnh dậy, hắn bàng hoàng sợ hãi, hắn chạy nhanh ra khỏi nhà ùa vào ánh nắng buổi sớm để xóa tan đi nỗi sợ hãi, hắn lao nhanh ra cuối vườn đến bên lều mẹ hắn, hy vọng mẹ hắn sẽ ở đây, nhưng không không hề có ai, căn lều hình như dung nhẹ và đổ ập xuống trước sự ngỡ ngàng của hắn. Đến giờ thì hắn không còn đủ dũng khí để đối mặt với những gì sợ hãi đến khó lý giải trong hắn, và nó sẽ trở lại ngay đây thôi khi hoàng hôn buông xuống. Một ý nghĩ loé lên trong đầu, hắn không thể ở nhà đêm nay, hắn phải đến chỗ các chiến hữu của hắn để vùi đầu vào thuốc quên đi nỗi sợ. Vinh vớ chiếc áo, khoác vội lên người rồi lao nhanh xuống sân, hắn nhảy lên xe honda rồi nổ máy chạy nhanh ra cổng, rẽ qua khúc đường ra con lộ, hắn quyết định phải rời xa ngôi nhà thân thuộc của hắn ngay, ngôi nhà mà đêm qua làm hắn sợ hãi cứ như nằm ngoài nghĩa địa vậy. Hắn vừa đi khỏi thì từ căn buồng tăm tối bên hông nhà, một làn khói phảng phất lan tỏa, dần dần hiển hiện một nhân ảnh mờ ảo, nét mặt buồn rầu nhìn xa xăm vô vọng, chỉ thoáng chốc lại tan biến theo làn khói thoảng. Vinh phóng xe lao nhanh lên phố huyện, đến gần ngã ba cây xăng bà Triệu, hắn rẽ quẹo xe vào một quán quen, dựng xe đánh phịch, miệng hét to giọng hách dịch như mấy thằng trọc phú lắm tiền: Chủ quán, cho tô phở đặc biệt! Chủ quán lật đật chạy ra là một phụ nữ trung niên với dáng vóc béo ị, nục nịch, tất ta tất tởi, đon đả chào đón: Dạ.. dạ.. Cậu Vinh đấy à? , lâu ghê chưa thấy cậu ghé quán chị. Vinh chừng mắt giọng xấc xược: Mẹ con mụ này! Mụ điêu vừa thôi nhé! Vừa tối qua tôi chả vào quán mụ đấy thôi. Nào.. nhanh lên, làm nhanh lên tôi còn đi có việc. Mụ chủ liếc nhìn hắn cười xòa rồi lục tục chạy vào bếp làm món. Vinh rút trong túi ra bao ba số, lấy một điếu đưa lên miệng bật lửa phì phèo hút, mắt thẫn thờ nhìn xa xăm miệt mỏi lắm. Mụ chủ quán bưng tô phở béo ngậy, thơm lừng đặt lên bàn trước mặt Vinh, miệng đon đả mời khách rồi quay mông đít lồng bàn ngoe ngẩy đi thẳng. Vinh nhìn tô phở, đưa tay bưng tô phở xê dịch lại gần phía mình, hắn đang thưởng thức, theo phản xạ ngước mắt nhìn lên rồi bàng hoàng, miệng há hốc, hốt hoảng rồi ngã ngửa ra phía sau đánh huỵch làm các thực khách bên cạnh giật mình. Mụ chủ thấy vậy chạy vội ra tưởng hắn phê thuốc, hô lớn: Ấy.. cậu sao thế? Vinh đưa tay chỉ sang đường rồi ngơ ngác, vì vừa rồi tại cột đèn bên kia đường, hắn nhìn thấy mẹ hắn, bà Nga lai đang đứng nhìn hắn, mặt buồn rồi đưa tay vẫy hắn. Mụ chủ thấy Vinh không sao thì bảo hắn: Thôi cậu ăn đi, sao mà bất cẩn thế, ngồi mà cũng ngã nữa. Vinh đẩy tô phở ra xa rồi đưa tay rút mấy đồng trả mụ chủ, rồi phi ngay ra khỏi quán trước sự ngỡ ngàng của mụ, mụ chủ nhìn theo lẩm bẩm: Rõ lạ chưa? Hắn phi xem chạy một mạch đến nhà thằng Bình trong đám bạn, nhà thằng này rộng rãi mà nằm sâu trong hẻm, trước đây thằng Bình ở cùng ông bà ngoại, bố mẹ nó là dân định cư bất hợp pháp bên canada, chốn chui chốn lủi làm ăn đã nhiều năm không về lại Việt Nam, hiện tại ông bà ngoại của nó cũng đã sang thế giới bên kia hết mà bố mẹ nó vẫn chưa về, thế nên nhà thằng Bình chính là đại bản doanh lý tưởng nhất cho cả bọn đàn đúm, ăn chơi tới bến. Vào đến cổng sắt trước ngôi nhà năm tầng kiểu dáng bê tông cốt thép của Đức, Vinh lấy chìa mở cổng vì mỗi thằng như hắn đều sở hữu một chiếc chìa, dắt xe vào trong rồi khóa cổng, ngó quanh chả thấy thằng nào, mọi hôm giờ này bọn nó lằm như lợn khắp nhà cơ mà, hắn vùng vằng lẩm bẩm chủi thề: Mẹ mấy con lợn này, chui rúc đâu hết! Hắn lững thững đi vào ngồi phịch xuống sô pha, tay rút điếu thuốc bật lửa đưa lên miệng, đang hút dở điếu thuốc thì từ ngoài đầu cổng ngõ có tiếng honda to dần chạy vào, rồi có tiếng mở cổng rồi tiếng người nói huyên náo, ba thằng đi vào nhìn thấy thằng Vinh cả bọn sửng sốt vì hôm nay nhìn nó hem hem cứ như lão già ấy, trên má phải nó in hằn vệt đen to như bàn tay người lớn mà nhìn rõ hình năm vết ngón tay. Thằng BÌnh nói: Mày gây gổ với ai mà nó cho bạt tai nặng thế, nói ra để bọn tao tính sổ cho. Vinh lắc đầu, thằng Thanh vẩu đưa cho Vinh cái khăn mặt, lạ một điều là Vinh lau thế nào nó cũng không hết. Vinh thấy nôn nao, rạo rực rồi trong lòng cảm thấy thấp thỏm thế nào ấy, thực sự không thể diễn tả được, cũng không thể thổ lộ được với ai lúc này. Lũ bạn thì toàn những thằng mắt trắng môi thâm, có biết quan tâm chia sẻ với ai bao giờ đâu, chúng nó cứ túm năm tụm ba quây quanh chiếu bạc, bên bàn xóc đĩa sát phạt lẫn nhau, mặc cho Vinh cứ ngồi thẫn thờ nhìn xa xăm. Tối đó cả bọn lại nhậu nhẹt, hút sách bên bàn đèn, thằng Thành cá chê với thằng Dư chuột còn gọi đâu thêm mấy em ca ve đến giúp cả bọn giải sầu như mọi lần, nhưng hôm nay thằng Vinh vẫn ngồi thừ từ sáng đến giờ, thằng Thành cá chê nói: Này Vinh, hôm nay mày làm sao thế? Mày bị bệnh gì hả? Đáp lại nó là sự im lặng của Vinh, nó cũng chẳng thiết ngoảnh sang phía thằng Thành luôn. Thằng Dư nói: Kệ mẹ nó! Chắc hôm nay nó làm ra vẻ đạo đức giả đấy. Mấy thằng nghe vậy rồi quay vào hành lạc với mấy em, bỏ mặc thằng Vinh lâu lâu lại ngửa cổ lên tu ừng ực nốc từng lon bia, rồi lại đến rượu. Hắn đứng dậy đi lững thững ra cửa rồi đi thẳng ra ngõ mặc kệ bọn thằng Thành gọi vang: Vinh.. mày đi đâu đấy? Bước chân vô thần, thằng Vinh cứ thế bước đi vô định, rồi một trận mưa ào ào đổ xuống, nó vẫn mặc kệ, chân vẫn bước mà chẳng rõ là mình đi đâu. Hắn thấy bà Nga lai, mẹ nó đang bước ở đằng xa trước mặt nó, bà vừa bước đi trước hắn, miệng nhoẻn miệng cười và đưa tay vẫy vẫy hắn. Thế rồi đến lúc hắn bừng tỉnh thì thấy mình đã về tới đầu làng, ngay gần lối rẽ vào khu cổng nhà của hắn, căn nhà bấy lâu nay hắn vẫn sống, vậy mà đêm qua và sáng nay hắn thấy sợ. Nhưng hiện tại đứng ở đây hắn lại không thấy sợ nữa, hắn vẫn thấy mẹ hắn đứng trong sân nhà vẫy tay và gọi hắn bằng một thứ giọng xa xăm lắm: Vinh ơi.. về nhà.. về nhà với mẹ.. con ơi! Rồi hắn bước vào sân, hắn từ từ tiến lại phía cây mít cổ thụ bên hông nhà, đưa đảo cặp mắt vô thần ngước nhìn lên tàn mít rồi quay đầu bước chân vào trong gian buồng, hắn lục tìm một món đồ gì đó, rồi hắn cũng thấy, trên tay cầm một tấm vải lụa xa tanh trắng. Rồi tự nhiên mắt hắn đỏ hoe, nước mắt rưng rưng rồi lăn dài trên gương mặt tiều tụy sau một ngày một đêm mất ngủ. Hắn khóc vì hắn nghĩ lại thời gian trước mấy tháng hắn đã vì con người yêu của hắn mà đối xử tệ bạc với mẹ mình là bà Nga lai, chả là: Tấm vải hắn cầm trên tay là của một người bà con tặng cho mẹ hắn vào dịp tết, bà Nga định mang lên phố huyện may lấy cái quần, lúc bà cầm ra đến hiên nhà thì thằng Vinh giật phăng rồi mang tặng con bồ của nó, nhưng tối đó hắn với con bò cãi nhau nên thằng Vinh chưa tặng được mà mang về cất tạm vào tủ, rồi lãng quên cho đến nay, giọt nước mắt vẫn chảy dài trên má, hắn lấy kéo cắt xoẹt tấm lụa lấy một miếng rồi đi thẳng về phía gốc mít già. Sáng hôm sau, cả bọn thằng Thành chạy sang nhà Vinh để rủ nó làm phi vụ mới theo lệnh của lão trùm vì sớm nay hàng đã cập cảng. Hai chiếc honda nổ máy giòn tan chạy thẳng vào cổng, đỗ xịch trước cửa, mọt bầu không khí tĩnh lặng đến rợn người, cả lũ không thấy có ai, gọi ầm lên tìm thằng Vinh. Đúng lúc đó thì thằng Bình hét ầm, kêu lên kinh hãi rồi ba chân bốn cẳng chạy nhanh vào, miệng lắp bắp: Thằng.. thằng Vinh.. nó treo.. treo cổ.. chết rồi.. Mấy thằng còn lại tá hỏa chạy ra gốc mít, một cảnh ghê rợn đến kinh người, thằng Vinh treo cổ đung đưa trên cành mít, lưỡi đã lè dài cả gang tay, mặt xám ngoét, từ mắt và mũi chảy dài mấy dòng máu đỏ, nhìn vào phát ớn! Mấy thằng dù kinh sợ nhưng cũng là chiến hữu lâu ngày, chúng hò nhau bắc thang gỡ xác thằng Vinh xuống, đắp cho nó cái chiếu rồi chia nhau chạy đi gọi họ hàng và mời thầy đến khâm liệm. Thằng Thành chạy đi gọi mọi người, vừa về đến cổng nhà gần cầu ao thì bàng hoàng ngã ngửa, dưới cầu ao một xác người nổi bềnh, toàn thân đã có rất nhiều bộ phận dữa nát nhưng hình dạng thì vẫn nhận ra được là bà Nga. Ngày hôm đó dân làng khâm liệm và nhanh chóng đưa tiễn mẹ con thằng Vinh ra đồng về nơi an nghỉ cuối cùng. Cũng từ hôm đó, căn nhà ngói trên khu đất rộng thênh thang trở nên hoang phế, từng đêm dân làng vẫn thường xuyên nghe thấy những tiếng nói chuyện tâm sự, tiếng hát ru êm đềm. Rồi những đêm trăng lông, người ta còn nhìn thấy những bóng người đi lại phảng phất, bóng người treo cổ, bóng người đi vật vờ ra thẳng đến cầu ao rồi ngã nhào đến ùm một cái rồi mất dạng. Lại một đêm nọ, có anh đi câu ếch đêm lúc về đã khuya đi qua ngôi nhà, nhìn từ xa anh thấy có bóng người ngồi chải tóc trên cầu ao, trời đêm đông tối nên không nhìn rõ, anh tưởng bạn câu, anh đằng hắng giọng định lên tiếng xin điếu thuốc hút cho ấm người, nhưng người đó không trả lời, lại gần thì không thấy người này đâu nữa, anh còn đang ngỡ ngàng thì từ dưới ao trồi lên một thi thể, mắt mũi đã dữa nát rơi cả con ngươi ra ngoài, môi miệng thịt rơi lả tả hở cả hàm răng trắng ởn, nó nói nhỏ mà nghe văng vẳng, hãi hùng: Làm ơn.. vớt tôi lên với.. Từ sau hôm đó anh bắt ếch sợ hãi quá ốm liệt giường, trọc hết cả đầu, người nhà phải mời thầy bà cúng kiến mãi mới đỡ. Kể từ đó, ngôi nhà trong cái làng quê mùa chìm dần vào dĩ vãng, không còn ai dám bén mảng đến gần, trẻ trâu thấy quả chín cũng không dám vào hái xuống. ***HẾT*** CẢM ƠN QUÝ ĐỘC GIẢ ĐÃ ỦNG HỘ TÁC PHẨM! MONG QUÝ VỊ LUÔN THEO DÕI VÀ ĐÓN ĐỌC CÁC TÁC PHẨM TIẾP THEO CỦA THẠCH KIM THỬ.