Mở bài cho bài văn nghị luận về đoạn trích "Chí khí anh hùng" (Truyện Kiều) Vận dụng thơ, nhận định văn học Xem thêm: Mở Bài Trao Duyên Gián Tiếp - Dẫn Thơ, Nhận Định Văn Học Phần mở bài trong một bài văn nghị luận có vai trò vô cùng quan trọng. Mở bài không đơn giản chỉ là nêu vấn đề nghị luận. Muốn đạt điểm cao, tạo ấn tượng cho người đọc, mở bài ngoài đảm bảo yêu cầu chung, còn cần phải hay, sáng tạo. Phần mở bài thường có 3 nội dung chính: + Dẫn dắt vấn đề: Nêu một vài vấn đề liên quan đến vấn đề cần bàn, chuẩn bị tư tưởng dẫn người đọc, người nghe vào vấn đề bàn luận đặt ra ở đề bài. Dẫn dắt vấn đề cần sáng tạo, gây sự chú ý. + Nêu vấn đề: Nêu vấn đề một cách ngắn gọn, nêu đúng vấn đề đặt ra trong đề bài. Vấn đề mà mở bài nêu ra chính là vấn đề mà nội dung bài viết cần làm sáng tỏ. Nêu vấn đề cần cách ngắn gọn, rõ ràng, đầy đủ. + Nêu giới hạn vấn đề: nêu được phạm vi bàn luận trong khuôn khổ nào (1 tác phẩm, 1 đoạn trích văn xuôi, 1 khổ thơ...) Phần nêu vấn đề và giới hạn vấn đề thường giống nhau. Mở bài hay hoặc không hay khác nhau chủ yếu ở phần dẫn dắt vấn đề. Có nhiều cách để dẫn dắt vấn đề: đi từ tác giả tác phẩm, từ hoàn cảnh sáng tác, từ đề tài, từ nhận định văn học, từ một vấn đề lí luận, từ một sự so sánh, một sự khác biệt... Mở bài có hai dạng: trực tiếp và gián tiếp: - Mở bài trực tiếp: đề cập trực diện vấn đề, dẫn dắt đơn giản (Giới thiệu tác giả, tác phẩm, thời gian, không gian, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm). - Mở bài gián tiếp: Mở bằng câu chuyện, mở bằng cách nêu câu hỏi, đi từ nhận định văn học, từ một vấn đề lí luận, từ một sự so sánh, một sự khác biệt... Sau đây là một số mở bài gián tiếp cho bài văn nghị luận về đoạn trích "Chí khí anh hùng" (Truyện Kiều) – Nguyễn Du. Mở bài 1:Trong đời Kiều có nhiều cuộc chia ly. Nếu cuộc chia ly Kim Trọng: "Dùng dằng chưa nỡ rời tay...Một lời trân trọng châu sa mấy hàng"; chia ly Thúc Sinh: "Người lên ngựa kẻ chia bào" - điểm chung là kẻ đi, người ở đều lưu luyến, bịn rịn thì cuộc chia ly với Từ Hải lại mang một màu sắc hoàn toàn khác. Cảm xúc lưu luyến của Thúy Kiều chỉ là thoáng qua, "làm nền" để tô đậm chí khí của người anh hùng Từ Hải. Không phải Thúy Kiều, mà chính Từ Hải mới là nhân vật trung tâm của khung cảnh ly biệt được miêu tả trong đoạn trích "Chí khí anh hùng" (trích "Truyện Kiều" - Nguyễn Du): "Nửa năm hương lửa đương nồng, [...] Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi." Mở bài 2: "Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một con mắt mới." Trong lao động nghệ thuật thì sự sáng tạo của người nghệ sĩ là quan trọng hơn cả. Với ngòi bút sáng tạo của một tài năng nghệ thuật bậc thầy, Nguyễn Du đã biến cốt truyện bị lu mờ của văn học Trung Quốc thành một tác phẩm vô song trong văn học Việt Nam – Truyện Kiều. Qua bao thăng trầm của cuộc sống, "Truyện Kiều" vẫn nóng bỏng hơi thở của nó, trường tồn sức sống trong lòng mọi thế hệ độc giả. Một trong những điểm sáng tạo của Nguyễn Du là khắc họa nhân vật Từ Hải – không phải một nho sinh thi hỏng, một kẻ cướp mà là bậc đại trượng phu, anh hùng cái thế gửi gắm ước mơ công lý của Nguyễn Du. Ngòi bút Nguyễn Du đặc biệt thăng hoa khi miêu tả cảnh Từ Hải từ biệt Thúy Kiều lên đường vì nghiệp lớn: "Nửa năm hương lửa đương nồng, [...] Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi." Mở bài 3: Nếu như "Kim Vân Kiều truyện" (Thanh Tâm Tài Nhân) phải chịu một số phận bất hạnh – bị lu mờ giữa trùng trùng lớp lớp những kiệt tác văn học Trung Quốc, thì "Truyện Kiều" của Nguyễn Du lại trở thành tượng đài sừng sững trong thơ văn trung đại Việt Nam. Nguyễn Du đã đem tài năng, bản lĩnh nghệ thuật của mình để thay đổi số phận cho tác phẩm, biến nó thành viên ngọc sáng phương Đông. Một trong những điểm sáng tạo của Nguyễn Du so với truyện cũ là khắc họa nhân vật Từ Hải – không phải một nho sinh thi hỏng, một kẻ cướp mà là bậc đại trượng phu, anh hùng cái thế gửi gắm ước mơ công lý của tác giả. Ngòi bút Nguyễn Du đặc biệt thăng hoa khi miêu tả cảnh Từ Hải từ biệt Thúy Kiều lên đường vì nghiệp lớn: "Nửa năm hương lửa đương nồng, [...] Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi." Mở bài 4: "Một nước không thể không có quốc túy, "Truyện Kiều" là quốc túy của ta. Một nước không thể không có quốc hoa, "Truyện Kiều" là quốc hoa của ta. Một nước không thể không có quốc hồn, "Truyện Kiều" là quốc hồn của ta." (Phạm Quỳnh). Quả thật, "Truyện Kiều" đã trở thành linh hồn của dân tộc, lắng đọng trong nó những gì tinh túy nhất. Dù mượn cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng Nguyễn Du đã thổi hồn dân tộc vào tác phẩm của mình, tạo cho "Truyện Kiều" một hình ảnh mới, một giá trị mới, một sức sống mới. Một trong những nét mới ấy là Nguyễn Du đã nhận thức và sáng tạo lại nhân vật Từ Hải, biến một nho sinh thi hỏng, một kẻ cướp thành một anh hùng cái thế. Ngòi bút Nguyễn Du đặc biệt thăng hoa khi miêu tả cảnh Từ Hải từ biệt Thúy Kiều lên đường vì nghiệp lớn: "Nửa năm hương lửa đương nồng, [...] Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi."