Những cách mở bài hay cho bài thơ "Đồng Chí" Hôm nay mình sẽ giới thiệu cho các bạn những cách mở bài cho tác phẩm "Đồng Chí" – điều sẽ giúp các bạn nổi bật hơn so với những bài văn khác ngay từ những dòng đầu tiên đấy. 1. Nói về thơ mình, Chính Hữu từng trải lòng: "Thơ phải ngắn ở câu chữ, nhưng phải dài ở sự ngân vang". Và sự "xuất hiện" của con người thi nhân ở ông cũng lặng lẽ, khiêm nhường, bởi trong sự nghiệp của ông, tất cả chỉ có ba tập thơ với khoảng hơn 50 bài được công bố. Nhưng "Quý hồ tinh bất quý hồ đa", sự nghiệp sáng tác của Chính Hữu đã chứng minh điều đó, khi tên tuổi ông trở thành không thể thiếu trong đội ngũ nhà văn - chiến sĩ với một phong cách riêng, không trộn lẫn. Điều này đã được thể hiện sâu sắc trong tác phẩm "Đồng Chí". 2. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã chứng kiến bao công sức của những người nông dân chân lấm tay bùn. Dù chẳng được "ai nhớ mặt đặt tên", nhưng họ đã làm nên lịch sử từ đôi bàn tay thô ráp vì cày ruộng của bản thân. Họ là những chàng "Thạch Sanh của thế kỉ XX". Đã có biết bao tiếng hát, lời thơ ca ngợi những anh hùng "chân đất" ấy. Là một chiến sĩ, đồng thời cũng là một nghệ sĩ, với bài thơ Đồng chí, Chính Hữu đã góp một bản hùng ca hòa vào bản đàn chung về những người lính hào hùng ấy. 3. Văn chương giống như một cây bút đa màu, mà ở đó, nó đã vẽ lên bức tranh cuộc sống bằng những gam màu hiện thực. Giống như Nam Cao đã từng bộc bạch: "Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp người lầm than". Thật vậy, người nghệ sĩ chân chính phải là người dùng cả trái tim mình để đưa bạn đọc trở lại với đời thực để cùng lắng đọng, cùng sẻ chia. Chính Hữu cũng là một nhà thơ chân chính. Phân tích bài thơ Đồng Chí, ông đã dẫn bạn đọc vào bức tranh hiện thực nơi núi rừng biên giới nhưng thấm đẫm tình đồng chí đồng đội bằng thứ văn giản dị, mộc mạc. 4. Chiến tranh đã đi xa nhưng mỗi khi nhắc lại, ta vẫn không thể nào quên được bao kí ức về những năm tháng khổ cực mà đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam. Trang sử vàng của đất nước có lẽ được bắt đầu từ đôi tay của những người lính. Họ có thể là những người nông dân, những trí thức, những người có địa vị trong xã hội.. Những con người đến từ mọi tầng lớp trong cuộc sống, họ có những cuộc sống khác nhau, nhưng khi xảy ra chiến tranh, họ sẵn sàng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, gác lại toàn bộ công việc để lên đường đi cứu nước. Hình ảnh người lính có lẽ được khắc họa đẹp nhất, chân thực nhất qua bài thơ "Đồng Chí" của nhà thơ Chính Hữu. 5. Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: "Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa Vui gì hơn là người lính đi đầu" Như một lẽ tự nhiên, khi người lính đi đầu trong sứ mệnh lịch sử thì họ cũng sẽ trở thành hình tượng trung tâm trong các tác phẩm thời kì kháng chiến. Thơ viết về người lính quả thực rất nhiều, ta từng biết đến "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" - Phạm Tiến Duật, "Những ngôi sao xa xôi" - Lê Minh Khuê, "Tây Tiến" - Quang Dũng hay "Áo lính sư đoàn" - Nguyễn Đức Mậu.. Nhưng có lẽ bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu là sự mở đầu chân thực và ý đầy ý nghĩa về hình tượng ấy bởi nó được viết bằng chính cảm xúc trong tháng ngày gian khó mà đầy tình nghĩa, đó là "sự chân tình, tự nhiên, không gì gò bó, gượng ép" (lời tác giả). 6. "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc, Quân xanh màu lá dữ oai hùm. Mắt trừng gửi mộng qua biên giới, Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm ." (Tây Tiến) Thật đẹp làm thế nào hình ảnh người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam trong thơ Quang Dũng! Chẳng biết tự bao giờ, hình ảnh người lính trên đường ra trận trong trong khoảng thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đã để lại trong trái tim bạn đọc một dấu ấn khó phai mờ. Cũng viết về người lính thời kháng chiến chống Pháp, bài thơ Đồng chí của Chính Hữu lại thể hiện vẻ đẹp ở khía cạnh khác. Đó là mối tình đồng chí đồng đội được hình thành và phát triển trong tham gia chiến đấu vô cùng thiếu thốn gian khổ để tạo nên phẩm chất đẹp đẽ, một trong những nguồn sức mạnh mẽ của quân đội ta. 7. Người lính, hình ảnh thân thương và rất đỗi cao cả ấy, đã đi vào thơ ca và làm trăn trở biết bao ngòi bút thi nhân. Tố Hữu từng viết: "Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo Núi không đè nổi vai vươn tới Lá ngụy trang reo với gió đèo" Nhà thơ, qua nhiều thế hệ, họ đã cùng nhau viết về những người lính, với những góc nhìn khác nhau. Chính Hữu cũng từng gửi tâm sự của mình qua những dòng thơ viết về người lính trong "Đồng Chí" – một bài thơ đặc sắc của thơ ca Cách mạng Việt Nam. 8. Mọi cuộc chiến tranh rồi sẽ qua đi, bụi thời gian có thể phủ dày lên hình ảnh của những anh hùng vô danh, nhưng văn học với sứ mệnh thiêng liêng của nó đã khắc họa một cách vĩnh viễn vào tâm hồn người đọc hình ảnh những người con anh hùng của đất nước đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc trong suốt trường kỳ lịch sử. Và "Đồng Chí" là một trong những bài thơ hay, tiêu biểu của Chính Hữu cũng đã dựng lên một bức tượng đài bất tử như vậy về người lính cách mạng trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là bức tượng đài đã làm cho những người chiến sĩ yêu nước từng ngã xuống trong những tháng năm gian khổ ấy bất tử cùng thời gian.