(Nghe nội dung truyện qua bản audio phát hành bởi kênh Đất Quê, do Hoàng Uyên diễn đọc) Mây khói lạc dòng Tác giả: Bách Tuế Miêu Thể loại: Truyện ngắn, làng quê Bổ sung giới thiệu truyện
Chương 1 Bấm để xem Mấy hôm bà nội đau nặng, ông nội nhắn con cháu về gấp nhưng chỉ nói bà có chuyện quan trọng muốn dặn dò. Ông nói là nói vậy cho đỡ buồn, chứ tự ai cũng hiểu. Ngoại trừ chú thím hai ở với nội từ trước, còn lại mấy người con cả dâu cả rể và một bầy cháu nội ngoại gần chục đứa trước sau lục tục kéo về. Mấy tháng nay, người bà thường hay móm mém cười rồi chửi "thằng cha mày" bằng cái giọng thương thương hay thỉnh thoảng để dành mớ mãng cầu, bình bát hay trái xoài dú trong lu gạo "cho mấy đứa nhỏ về có mà ăn" trong trí nhớ của bọn tôi không còn nữa. Giờ bà nằm đó, mệt mỏi, yếu ớt, chốc chốc lại phải cựa mình vì mấy cơn đau thi nhau hành hạ. Vậy mà thi thoảng nghe tiếng con nít thưa gửi, lại cất tiếng thều thào hỏi "đứa nào về tới vậy bây?". Đến cái lúc mà cháu con đã tề tựu đông đủ, bà mới gắng gượng ngồi dậy. Có chú hai ở một bên đỡ, mà bà cũng mệt tới mức thở không ra hơi. Bà hít sâu, hắng giọng hai ba lần, ráng lắm mới nói ra tiếng, chậm rãi nhắc nhở răn dạy con cháu mấy chuyện, rồi cứ vậy mà nhìn ông nội, môi mấp máy như muốn nói dữ lắm nhưng cuối cùng lại thôi. Bà cứ làm thinh, dùng ánh mắt hiền lành đối diện với hai con ngươi ầng ật nước của ông cho tới khi nhắm mắt. Bà đi an tường, hình như không còn gì vướng bận. Của cải bà để lại không nhiều, chỉ có mấy thứ trang sức bằng vàng mà hồi xưa lúc lấy ông, chị của bà sắm cho bà làm của hồi môn. Đôi bông thì cho ba tôi, chiếc nhẫn cho cô ba, đôi vòng tay thì cô năm với chú út mỗi người một chiếc, bà không dặn là để lại cho chú hai cái gì, chú cũng không có hỏi. Thứ duy nhất bà muốn đem theo xuống huyệt, là cái khăn tay màu cỏ úa mà bà đã cất giữ như vật báu suốt cả một đời. Tụi tôi là cháu, không biết cái khăn đó, nhưng ông nội với mấy chú mấy cô còn lạ lẫm gì? Trước khi bà mất, ông đã kịp mở tủ đầu giường lấy cái bọc vải gấm, lần mở hai ba lớp mới thấy được "thứ bà cần" rồi lấy ra nhét vào tay bà. Cái khăn nhẹ hững mà ông thấy nặng tựa ngàn cân. Ông không nói gì mà nước mắt cứ trào ra, mấy nếp nhăn trên mặt xô vào nhau, miệng mếu máo, ông muốn nắm tay bà nhưng đôi tay mấy năm nay luôn run rẩy do bệnh tuổi già giờ phút này lại vì xúc động mà co quắc lại, có ráng thế nào cũng không duỗi ra được. Vậy nên, bà không nắm tay ông mà nắm chặt cái khăn đó cho đến giây phút cuối. Cái khăn này ông biết rõ hơn ai hết, nhưng đã lâu ông không thấy bà cầm, ông cứ ngỡ bà đã quên rồi, có ngờ đâu bà còn nhớ.. Những người lớn tuổi lâu lâu vẫn nhắc chuyện hồi mấy mươi năm trước, xứ này ai cũng biết tiếng cô Lan - con gái út nhà ông Sanh. Thứ nhứt là vì cô đẹp, đẹp người đẹp nết, đẹp nứt tiếng xứ Kinh. Thứ hai là vì đất cát nhà cô rộng lắm, đồng ruộng thẳng cánh cò bay, vườn tược đi mòn giày cũng chưa có hết, ai mà rước được cô coi như cả dòng cả họ được nhờ. Còn thứ ba là vì cô chưa cưới hỏi cũng chưa định ra chung thân đại sự thì cha mẹ cô đã lần lượt theo nhau mất, mà cô lại có bà chị thứ ba ở giá dữ như chằn, nghe đâu hồi xưa cô ba bị người ta gạt, nên cổ giận, cổ nghỉ lấy chồng luôn. Ai đời cái thân quá lứa lỡ thì thì thôi chứ, tới chừng em gái út tới tuổi cập kê, cô ba lấy cớ "quyền tỉ thế mẫu" mà ra cái điều kiện oái oăm: Ai muốn cưới cô út thì tới nhà ở rể ít nhứt ba năm mới cho đón dâu về. Dân chúng nào giờ chỉ nghe mấy ông nhà nho hay hắng cổ ho cái câu "quyền huynh thế phụ" chớ cái cớ của cô ba, có ai nghe thấy bao giờ? Nói ở ba năm, lỡ đâu có con cái rồi mà không chịu về nhà chồng thì ai làm sao được? Ông bà hồi xưa dặn rồi, thà ở chuồng heo cũng không theo quê vợ, nên cho dù nhà ông Sanh có giàu cũng không ai muốn cưới xin. Cô ba nghe người ra râm ran sau lưng chị em mình thì cũng không lấy làm phiền, mà còn cười đáp lại. - Nói thì nói cho đẹp mặt vậy, chớ trắng ra là sợ, nếu ở rể thì con trai lớn phải theo họ mẹ, đất cát ruộng vườn vẫn là của người ta chớ đâu sơ múi được gì. Người ta cưới dâu thêm người còn mình gả con làm rể, đã không lời còn lỗ mất đứa con trai, ai đâu mà chịu. Cô ba nói như vậy nhiều người nghe mà tức anh ách, muốn cãi lắm mà cũng phải ngậm bồ hòn làm thinh. Nhưng chung quy lại, vẫn là chuyện nhà của người ta, bàn ra tán vô sau lưng cho vui thì được chớ đâu có ai dại dột đứng ra lí lẽ trước mặt cô ba làm gì. Mắc công người ta lại nói ham của hám tiền mới cắm đầu cắm cổ cãi lí để được đi ở rể nhà ông Sanh. Vợ chồng ông Sanh có ba người con đều là gái, cô hai lấy chồng xa, thư từ qua lại không thông, đường sá cũng xa xuôi, cả mấy năm chưa về thăm nhà được một lần nên cũng coi như không có. Từ lúc cha mẹ mất, chuyện trong nhà đều do cô ba quyết định, cô út thì ngoan, cái gì cũng nghe theo lời chị. Trai xứ này thích cô út thì nhiều, nhưng nhà cô thách cưới vậy nên lần lượt từng người chạy tuốt, không còn một ai dám tới cửa nói chuyện nên duyên, tại cho dù họ có muốn, thì tía má ở nhà cũng không tài nào đồng ý được. Bởi vậy cho nên, dù cô út nứt tiếng đẹp người đẹp nết nhưng mai mối qua mấy đám cũng không đám nào thành. Người xứ này ai nấy cũng chậc lưỡi mà tiếc cho cô. Ấy vậy mà không ai ngờ qua năm cũng có người đưa trầu rượu tới cửa nhà cô út. Nghe đâu cậu trai đó thứ hai, tên Chỉnh, người cũng dễ coi, là con một nhà buôn lớn ở xứ Miệt nào xa dữ lắm. Không phải ở dưới hết con gái, mà tại một bữa cậu với người nhà đi ghe hàng qua Kinh Cò, lúc ngang nhà ông Sanh, vô tình thấy cô út đương ngồi giặt đồ trên sàn nước cập bờ kinh. Lúc đó trời mới hửng nắng, nắng đầu ngày rọi lên mặt cô út làm má cổ ửng hồng, môi cổ đo đỏ, mà hai hàng mi dài hơi khép lại thì cong cong, mỗi lúc cổ chớp mắt y hệt như cánh mấy con chuồn chuồn đậu trên cọng cỏ ngoài mép nước. Cậu hai mới sớm mơi thức dậy, còn chưa tỉnh ngủ mà thấy cô út cứ như thấy tiên đâu trên trời mới vừa rớt xuống. Tới chừng ngó tới cái búi tóc búi cao, hai ống quần nái đen xăn lên trên gối, tay áo bà ba cũng kéo lên thiệt cao tới tận khuỷu thì cậu mới biết cổ "là người", mà còn là người gái trẻ thiệt đẹp, thiệt dễ thương. Hệt như bao chàng trai trẻ mỗi lần vô tình gặp con gái đẹp, cậu Chỉnh thấy tâm hồn mình cứ phơi phới, cứ lâng lâng. Một hồi vui miệng, cậu cất tiếng hò ghẹo cô: Hò ơ.. Nè cô em nhỏ má đỏ môi hồng Chẳng hay cô đã có chồng con.. chưa? Cô út đương cắm cúi giặt đồ, nghe tiếng hò thì ngước mặt lên nhìn, thấy ngoài kinh có một "thằng vô duyên" mặt mũi lạ hoắc lạ huơ đang ngồi xếp bằng trên mũi ghe hàng, cứ dòm mình cười hì hì mới biết mình bị ghẹo. Cổ không mắc cỡ mà cũng hổng tức, phùng má bĩu môi ý chê bai rồi cất giọng đáp liền: Hò ơ.. Ui người dưng tánh lạ chưa Thân quen gì hỏi nghe không ưa mà.. Cậu hai nghe cô út hò vậy cộng thêm cái kiểu đập áo vò quần như đang dằn mặt mình thì phì cười, hổng ngờ cổ coi dịu dàng hiền lành vậy mà dám đáp trả lại, người đâu chẳng những đẹp mà còn đanh đá nữa. Tự dưng cậu thấy.. cậu thương quá trời. Biết đâu cọng dây tơ hồng mà ông trời ổng giấu của cậu mấy chục năm nay bây giờ ổng đem trả. Cậu nghĩ nghĩ một hồi rồi đi vào khoang thưa chuyện với ba má, hai người lâu nay vẫn luôn lo chuyện cậu không chịu lấy vợ, giờ nghe cậu nói thấy cũng mừng. Nhưng vốn tính cẩn thận, má cậu cậy người dò hỏi gia giáo lễ nghĩa của cô út rồi mới đánh tiếng cho "người nhà ông Sanh". Tới chừng nghe điều kiện hỏi cưới thì thấy không ưng bụng, nhưng vì cậu hai nói hoài, ba má cậu thương con nên rốt cục cũng phải chiều lòng. - Thôi được rồi! Mày đã ưng con nhỏ tới vậy thì tao chiều. Nhưng tao nói trước, mốt phải về dưới, không có được ở luôn đây. Nhà người ta còn hai chị em chớ nhà mình thì có mình mày hà. Mày mà ở luôn trên đây lạ không có được. Phải mà tao có đông đông con trai, tao gả mày luôn cho rảnh nợ. Thiệt chứ, cái con nhỏ có cái gì mà mày mới gặp có lần hai đã mê như trúng tà. - Tà ma gì má ơi! Ông Sanh ổng là thầy thuốc, nào giờ nổi tiếng đàng hoàng. Còn má cổ cũng con nhà đài cát, nhà cổ giàu chớ có nghèo đâu mà bỏ bùa bỏ ngãi không biết nữa. - Ờ! Giờ thì mày dòm cái gì cũng thấy tốt hết đó. Tao nói thì không nghe. Cậu Chỉnh cười, nắm tay má vỗ vỗ, mắt cậu long lanh như trẻ nhỏ được quà, chỉ nhìn thoáng qua cũng thấy là cậu vui dữ lắm. Sợ má đổi ý, nên bà nói gì cậu cũng gật đầu lia lịa. - Con biết rồi mà má! Mấy hôm sau ông bà sắm trầu cau khay rượu, đích thân tới nhà ông Sanh gặp cô ba rồi đốt nhang khấn xin "ông bà sui" cho con mình ở rể ba năm, đâu đó xong xuôi mới từ biệt cậu Chỉnh, lên ghe về xứ Miệt. Bữa đó cô út đi ruộng về mới biết "cái thằng vô duyên" hôm bữa cô gặp ngoài kinh hồi sáng này mới vừa đem trầu rượu tới nhà xin làm rể để ít năm nữa cưới mình thì đỏ mặt. Cái kiểu chua ngoa khi đối diện với cậu hai hôm đó không biết bay đâu mất, cứ vậy mà ôm cái rổ, bên trong có mớ ốc mớ rau, cắm đầu lủi thẳng vô nhà trong. Nhà ông Sanh đất cát rộng nhưng hầu hết là cho người ta mướn để làm đồng, chỉ chừa lại chút đỉnh cho người nhà trồng rau nuôi cá vậy thôi, thêm phần cô ba tị hiềm, sợ người ta đàm tiếu nên trong nhà cũng không có nuôi người làm mà chị em cô chia nhau người mớ. Từ hồi có cậu Chỉnh thì công việc bớt đi nhiều, cô ba thấy cậu giỏi giang lại siêng năng chăm chỉ thì cũng quý, nhưng cũng không vì vậy mà lơi lỏng canh chừng, đề phòng cậu có ý xấu với em gái mình. Từ ngày có thêm cậu Chỉnh ở chung nhà, phần vì mắc cỡ, phần vì cô ba khó tính nên không có khi nào cô út dám tới gần cậu, chỉ trừ những lúc ăn cơm, nhà ba người ngồi chung trên cái bàn tròn nên cô út muốn tránh cũng không tránh được. Cậu hai Chỉnh biết vậy, nên cũng kệ cô ba để ý, cậu cứ thấy cô út là cậu lại nhăn răng cười cười, ghẹo cho hai má cô út đỏ bừng bừng thì trong bụng mới thấy vui vui.