Tản Văn Lá Thư Không Gửi - NavaNov

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi NavaNov, 19 Tháng năm 2024.

  1. NavaNov

    Bài viết:
    45
    Lá thư không gửi

    Tác giả: NavaNov

    Thể loại: Tản văn

    Cuộc thi nét bút tuổi xanh


    Chủ đề: Tôi Là Cháu Bác Hồ

    [​IMG]

    "Ngày 14-09-1946

    Gửi Hồng thương nhớ,

    Nhận được thư của Hồng anh mừng lắm. Biết Hồng và mẹ đi sơ tán vẫn mạnh giỏi, anh cũng an tâm. Anh vẫn khỏe. Mẹ không biết đọc, Hồng đọc cho mẹ giùm anh.

    Mẹ, con vẫn mạnh khỏe, hôm nay con gặp anh Toàn đi công tác qua Nam Định, con nhờ anh gửi thư này cho mẹ và Hồng. Gặp được anh Toàn con vui lắm. Ngoài này bọn con vẫn tích cực kháng chiến, anh em đồng chí đều tốt lắm, chia nhau từng miếng ăn, từng mảnh chăn. Con nhớ nhà mình, nhớ mẹ và Hồng nhiều. Trời sắp lạnh rồi, mẹ nhớ mặc ấm. Con nhờ anh Toàn mang ra cho mẹ ít lá cây thuốc con tranh thủ hái ở rừng. Nghe anh em trong tiểu đoàn nói lá này tốt lắm, trời trở lạnh mẹ đun nước ngâm chân bớt đau.

    Hồng thương yêu của anh, chiếc khăn tay Hồng tặng anh vẫn giữ bên mình. Cảm ơn Hồng đã luôn đợi anh, giúp anh chăm sóc mẹ. Hồng yêu anh thiệt thòi nhiều quá, anh thương Hồng. Hẹn ngày chiến tranh kết thúc, anh nhất định sẽ cưới Hồng về. Lúc đó Hồng nhất định phải chịu làm vợ anh đấy nhé.

    Nhớ và thương Hồng nhiều lắm."

    "Ngày 22-12-1946

    Hồng thương yêu của anh,

    Anh thấy giận quá, tâm can anh như bị đốt cháy. Quân Pháp nuốt lời, chúng ta phải tiếp tục chiến đấu. Bác Hồ đã kêu gọi" Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ ". Không thể để chúng mặc sức nã đạn bom xuống quê hương, đất nước của chúng ta được. Hồng và mẹ hãy hiểu cho anh. Chúng ta đâu thể hạnh phúc khi đất nước chưa có hòa bình.

    Anh thương mẹ và Hồng nhiều lắm, em và mẹ ở nhà hãy vững lòng. Hồng đừng khóc, hãy tin anh, rồi chúng ta sẽ chiến thắng. Hồng nhớ anh từng kể Hồng nghe về đồng chí Hoàng Văn Thụ không? Trước lúc ra pháp trường, đồng chí đã nói" Trong cuộc đấu tranh sinh tử, giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông, những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng ". Hồng tin anh, tin những chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu, tin Đảng, tin Bác chứ? Xin Hồng hiểu cho anh.

    Anh xin lỗi Hồng vì ngày trở về giờ đây xa hơn rồi. Những ngày bình yên cho mẹ, ngày được chính thức đón Hồng về làm vợ là tương lai anh mơ. Anh chiến đấu vì đất nước, vì mẹ, vì Hồng. Chúng ta nhất định sẽ chiến thắng.

    Thương nhớ Hồng."

    Ngày 21-01-1947, tức 30 Tết năm Đinh Hợi, người con gái trẻ ngã khụy, bàn tay nắm chiếc khăn tay thêu hình đôi chim bồ câu xiết chặt lại. Cô khóc không thành tiếng, tâm can như bị xé rách. Người mẹ già đã sớm mù lòa, tai cũng không nghe rõ nhưng như có linh cảm, bà chống gậy run rẩy quờ quạng đi ra: "Thằng Tũn về rồi à con?"

    "Dạ không mẹ ạ, anh Nam chưa về. Anh Nam có biên thư về báo vẫn mạnh khỏe, mẹ ở nhà đừng lo. Anh bảo cuộc chiến vẫn còn khó khăn nên Tết này anh không về được, anh còn nhờ anh Toàn gửi quà về cho mẹ.", Hồng hít một hơi thật sâu rồi đứng dậy đỡ bà.

    Đợi bà đã ngủ, cô mở từ trong bọc đầy cát bụi ra: Chiếc ảnh cô và anh chụp trước khi anh lên đường đi kháng chiến giờ đã ố vàng, tập thư được anh gấp rồi buộc lại gọn gàng, một chiếc lược gỗ anh đang làm dở - ở lá thư trước đây anh có hẹn Tết này được về thăm nhà sẽ mang tặng cô, một mẩu giấy bìa anh ghi dòng chữ "Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh!" Anh Toàn kể rằng tháng mười hai, lúc biên thư cho gia đình, anh Nam đã bị bom địch làm mất một cánh tay. Đêm đông giá buốt là thế nhưng anh vẫn cố dùng cánh tay còn lại viết những lời trấn an cho người thân nơi hậu phương.

    Mùa xuân năm 1947, chưa đầy nửa tháng từ ngày anh hi sinh, mẹ anh cũng vì tuổi cao sức yếu không qua khỏi được mùa đông khắc nghiệt. Trước khi ra đi, bà nắm tay Hồng dặn dò: "Cái áo len với đồng bánh chưng mẹ để dành cho thằng Tũn. Nó không kịp về ăn Tết, con nhờ anh Toàn gửi áo cho thằng bé mặc, mẹ sợ nó lạnh. Đồng bánh gửi cho các chiến sĩ ăn có sức chiến đấu."

    Cuối mùa xuân năm 1947, ngoài đường, tiếng loa phát thanh liên tục vang lên lời kêu gọi toàn dân kháng chiến của Bác: "Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước". Nghe lời Bác kêu gọi, Hồng đứng thẳng, tóc bện chặt, trong tay cầm khẩu tiểu liên, bây giờ người ta gọi cô là nữ du kích. Mỗi kẻ địch xuất hiện trong tầm ngắm đều là kẻ đã dội bom xuống đất nước cô, đều là kẻ đã nã đạn vào người cô thương, kẻ cướp đi tất cả hạnh phúc của cô.

    Mùa đông năm 1948, trong một lần tìm cách đánh lạc hướng địch bảo vệ cán bộ Đảng, cô đã ngã xuống. Máu thấm vào chiếc túi nhỏ đeo bên người cô, thấm ướt lá thư không bao giờ được gửi.

    "Anh Nam thương mến,

    Em và mẹ đều nhớ anh nhiều lắm. Mỗi ngày nghe được tiếng người ngoài ngõ mẹ đều hỏi em có phải anh về. Gạo mẹ không nỡ ăn, để dành đợi Tết đến anh về có bánh chưng. Khi ấy em đếm từng ngày để được gặp anh, em nhớ anh nhiều lắm. Em không dám cho mẹ biết tin anh, sợ mẹ đau lòng. Đến giờ, mỗi lần thấy bóng ai giống anh đi ngang ngõ, lòng em đều thắt lại. Em vẫn mong anh về dù biết đó là điều không thể.

    Chiếc lược anh làm em nhận được rồi, em thích lắm. Em đã nghĩ giá như một buổi chiều bình yên không có chiến tranh, anh chải tóc cho em.

    Em hận giặc Pháp đã cướp mất anh. Em phải mạnh mẽ để chiến đấu. Em nhất định báo thù cho anh, dù có mất tính mạng này, vì anh, vì tổ quốc, em phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

    Anh Nam, em tự hào về anh. Anh đã anh dũng chiến đấu và hi sinh mà không một lời than thở. Nghĩ về anh, về những ước mơ của đôi ta là động lực cho em tiếp tục sống, tiếp tục chiến đấu.

    Nếu có kiếp sau, xin cho em lại được gặp anh. Ngày đó chiến tranh đã kết thúc, anh cưới em về, chúng mình dựng một ngôi nhà nhỏ. Anh bảo anh muốn làm báo, anh muốn viết về tội ác của chiến tranh để người ta đừng bao giờ tạo ra nó nữa. Em sẽ dạy học, con chúng ta sẽ học ở trường của em. Buổi chiều anh đến đón hai mẹ con về, cả nhà mình đi công viên. Anh nhé?

    Em thương anh nhiều lắm.

    Em Hồng."

    End.
     
    CaoSG, LieuDuong, Dana Lê5 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 30 Tháng năm 2024
  2. Đăng ký Binance
  3. CaoSG Sang năm một sắc trời vàng

    Bài viết:
    433
    Chào bạn, trước tiên xin chúc mừng bạn đã đạt giải trong tuần thi thứ tám. Ngoài chấm điểm, Ban giám khảo còn có một vài nhận xét/góp ý về bài viết của bạn như sau:

    Giám khảo 1: Bạn hành văn rất hay. Bài viết lần này là tản văn nên tôi sẽ nhìn theo góc độ đó.

    Đúng là đọc lá thư cũng thấy xúc động nhưng mà cảm xúc cứ vậy rồi thôi, nó không còn đọng lại nhiều.

    Ý tưởng viết một lá thư cũng không hề lạ. Do tôi đã thích cách hành văn của bạn nên đến với tác phẩm lần này, tôi kì vọng rất nhiều nơi bạn. Đành rằng vậy, nhưng ở bài thi này bạn thể hiện nó khá nhạt nhòa. Hy vọng đợt thi sau bạn sẽ đột phá nhé^^

    Giám khảo 2: dùng từ trong thư đọc vào rất chân thật, lời lẽ gãy gọn, khúc triết, k rườm rà. Câu chuyện xúc động

    Giám khảo 3: Truyện bạn viết rất hay, cách hành văn của bạn khiến người đọc dễ dàng hòa mình vào nhân vật trong truyện, cùng trải qua bao cảm xúc dù bạn không hề miêu tả quá nhiều về cảm xúc nhân vật. Mình ấn tượng với cách bạn viết về chủ đề này
     
    NavaNovDana Lê thích bài này.
  4. NavaNov

    Bài viết:
    45
    Cảm ơn Cáo đã gửi nhận xét cho mình nhé.

    Gửi Giám khảo 1: Cảm ơn bạn đã góp ý, lần này mình cũng tự cảm nhận chưa quá hài lòng với tác phẩm. Trước tiên là phân vân nên đi theo hướng tản văn hay truyện ngắn, mình cảm giác bài viết lần này chưa làm bật được lên phong cách nào. Ngoài ra, bài viết cũng chưa được khai thác sâu và chưa thật sự chỉn chu, chau chuốt. Mình đã khá phân vân khi quyết định có gửi bài tham gia dự thi hay không. Trong những tác phẩm tới mình sẽ cố gắng chỉn chu hơn nữa.

    Gửi Giám khảo 2: Cảm ơn bạn, mình rất thích đoạn nhận xét này "rất chân thật, lời lẽ gãy gọn, khúc triết, k rườm rà" - đó là điều mình luôn hướng tới. Mình thấy khá tiếc vì không đủ hiểu biết về chiến tranh để có thể khai thác sâu hơn nữa. Mình nghĩ câu chuyện này xúc động hơn những gì mà khả năng hạn chếcủa mình có thể diễn tả.

    Gửi Giám khảo 3: Cảm ơn bạn, mình cũng rất mong muốn người đọc cũng có hình dung/tưởng tượng về nhân vật và bối cảnh giống như trong hình dung của mình. Mình lấy cảm hứng từ một bức ảnh thời chiến mà trước lúc viết bài này mình đã mất 2 giờ tìm kiếm nhưng không tìm lại được. Bức ảnh được chụp bởi một nhiếp ảnh gia người nước ngoài. Trong ảnh là bãi đất tan hoang sau bom đạn, bên cạnh người chiến sĩ đã ngã xuống là một tấm ảnh người thương và một vài vật dụng nhỏ nhỏ khác.

    Gửi ban giám khảo, lần này mình thật sự bất ngờ khi được giải nhất vì chính mình cũng chưa thật sự hài lòng với tác phẩm, chủ đề lần này cũng không phải thế mạnh của mình. Lý do gửi bài tham gia dự thi là vì muốn ủng hộ ban tổ chức và đóng góp một phần lòng yêu nước. Mình nghĩ chủ đề lịch sử hay chiến tranh có thể chưa thu hút được thật nhiều người tham gia nhưng là điều rất cần thiết. Trong quá trình viết bài này, mình đã tra cứu rất nhiều, chiến tranh không chỉ có chết chóc mà còn là đói khổ và đôi khi là cướp đi quyền con người. Đọc những lá thư mà các chiến sĩ viết cho người thân, có những lá thư thật hào hùng khiến ta tưởng tượng ra ngay hình ảnh người chiến sĩ đứng trước họng súng của địch vẫn hiên ngang, có những lá thư lại thật giản dị chỉ là hỏi thăm từng người thân trong gia đình nhưng lại khiến ta đau buồn hơn hết thảy vì những điều tưởng như quá nhỏ bé đời thường lại cách một màn bom đạn. Cảm ơn ban tổ chức vì đã cho mình động lực để tìm hiểu và biết thêm về ông cha, về những mất mát nhưng cũng hào hùng của dân tộc ta.
     
    ThanhHằng170204, Tiên PhanCaoSG thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...