Không Gia Đình - Hector Malot

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Cute pikachu, 23 Tháng mười hai 2021.

  1. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,903
    Chương 10 - Ra trước công lý

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thành phố Pô đã để lại cho tôi một kỷ niệm rất êm đềm. Mùa đông, trời ít gió. Ngày nào chúng tôi cũng diễn trò trong các phố, trong các công trường, trên các đại lộ và thu thập được khá nhiều.

    Suốt mùa đông, chúng tôi ngày nào cũng có một lượng khán giả rất đông, phần nhiều là trẻ con Anh, những em trai da thịt hồng hào, những em gái nhỏ xinh tươi với đôi mắt dịu dàng như đôi mắt Đônxơ. Các em xem mãi và không kêu "Cú mãi một trò". Các em thường đem sẵn các thứ bánh ngọt trong túi để lúc xem phân phát cho Giôlicơ, cho các con chó và cho cả tôi nữa, do đó tôi mới biết mùi những thứ bánh ngon.

    Mùa xuân đến, ngày bắt đầu nóng thì chúng tôi cũng bắt đầu thưa khách dần. Một chiều, sau khi diễn trò, các em bé lần lượt bắt tay Giôlicơ và Capi như thể vĩnh biệt chúng tôi. Hôm sau, chúng tôi không có lấy một khán giả. Chúng tôi nghĩ phải rời đi nơi khác.

    Một buổi sáng, chúng tôi lên đường. Ngoảnh lại thì những ngọn tháp thành Pô đã xa mờ. Chúng tôi tiếp tục cuộc sống lang thang trên đường cái. Chúng tôi cứ thẳng trước mặt mà đi, khi xuống thung lũng, lúc lên đồi, khi qua rừng, lúc lội suối, cứ đi như thế không biết bao nhiêu là ngày, bao nhiêu là tuần, bên tay phải chúng tôi vẫn thấy dãy Pyrênê xa trông như những đám mây chồng chất lên nhau.

    Rồi một buổi chiều, chúng tôi đến một thành phố lớn, bên một dòng sông, trong miền ruộng đất phì nhiêu. Nhà cửa xây toàn bằng gạch đỏ trông không đẹp mấy. Đường sá rải đá sỏi vừa rắn vừa nhọn làm đau chân những kẻ lữ hành, đã mỏi mệt vì đi mỗi ngày mười dặm.

    Thầy tôi bảo chúng tôi đã tới tỉnh Tuludơ và sẽ lưu trú ở đó ít lâu. Theo lệ thường, công việc thứ nhất của chúng tôi là phải tìm chỗ để hôm sau ra mắt công chúng. Chúng tôi tìm được ngay vì nơi dạo chơi ở Tuludơ không hiếm, nhất là về phía vườn Bách Thảo. Ở đó có một hoa viên đẹp và râm mát, bốn ngả có đại lộ đổ vào. Chúng tôi chọn một chỗ rất tốt bên lề một đại lộ đó để dựng rạp. Ngay buổi diễn đầu tiên đã thu hút nhiều người thưởng thức.

    Không may, viên cảnh sát coi phố đó không đồng ý cho chúng tôi diễn tại chỗ ấy, hoặc vì ông ta không thích chó, hoặc vì chúng tôi làm ngăn cản công vụ của ông ta, hoặc vì một lẽ gì khác ông ta cố tình đuổi chúng tôi đi.

    Vào địa vị của chúng tôi, nên nhượng bộ viên cảnh sát là phải, là khôn, vì cuộc tranh chấp giữa những kẻ diễn trò rong với cảnh sát là không cân sức, cầm chắc cái thua. Nhưng, không hiểu sao thầy tôi ngày thường nhẫn nại là thế, bỗng nổi nóng lên và không chịu bãi trò.

    Tuy là người diễn trò nghèo túng, thầy tôi vẫn kiêu hãnh. Hơn nữa, thầy tôi lại cho mình là phải, sẽ được bênh cực, vì không làm gì hại đến luật pháp hoặc mệnh lệnh cảnh sát cả.

    Khi thầy tôi muốn nén tức giận, thầy tôi thường cố tình tỏ ra quá lễ phép. Cứ nghe những lời bẩm báo của thầy tôi đang đứng trước mắt một vị cao cấp.

    Thầy tôi, mũ cầm tay, nghiêng mình trả lời viên cảnh sát:

    - Kính thưa vị đại diện khả kính của Nha cảnh sát, xin ngài sẵn lòng làm ơn cho chúng tôi xem bản sắc lệnh của quý Nha nói về việc cấm những kẻ làm trò hèn mọn như chúng tôi không được trình diễn cái nghề tầm thường ở nơi công cộng này.

    Viên cảnh sát bảo không phải là việc cãi vã, mà là việc tuân lệnh. Thầy Vitali đáp:

    - Đành thế. Tôi đã hiểu rõ. Tôi xin cam đoan là tuân lệnh ngay lập tức, nếu ngài đại diện cho tôi biết ngài đã thi hành khoản nào trong mệnh lệnh của cảnh sát?

    Hôm đó viên cảnh sát quay ra, thầy tôi, mũ cầm tay giả bộ lễ phép theo tiễn chân và cúi rạp xuống chào.

    Nhưng hôm sau, viên cảnh sát lại đến, bước qua dây và nhảy vào giữa vòng tròn đang diễn, hầm hầm bảo:

    - Rọ miệng chó lại!

    - Rọ miệng chó?

    - Đó là luật cảnh sát, ông phải biết.

    Lúc đó chúng tôi đang diễn "Liều thuốc tẩy". Vì vở đó khai diễn hôm nay là lần thứ nhất tại thành phố này, nên đông người xem lắm. Bởi thế, sự can thiệp của người cảnh sát làm cho công chúng xôn xao và bất mãn.

    - Đừng phá đám!

    - Để họ diễn xong đã!

    Thầy Vitali giơ tay yêu cầu yên lặng. Tồi cất mũ cúi chào quá thấp, lông mũ quét cả đất, thầy Vitali lại trước mặt viên cảnh sát, kính cẩn nghiêng mình ba lần và hỏi:

    - Kính thưa ngài đại diện khả kính của Nha cảnh sát, có phải ngài truyền tôi phải rọ miệng chó lại không?

    - Phải, rọ ngay lại. Còn lôi thôi cái gì?

    Thầy Vitali liền hướng vào công chúng và cả viên cảnh sát nói to:

    - Rọ miệng Capi, Decbinô, Đônxơ! Đó là ngài chưa soi xét cho. Hiện bác sĩ Capi, thông thái và nổi tiếng khắp hoàn cầu đang cho bệnh nhân uống thuốc, nếu rọ miệng bệnh nhân lại thì uống làm sao được? Kính thưa ngài, tôi xin thất lễ trình ngài biết cho rằng chính qua miệng mà y học mới có đường để dẫn thuốc trị bệnh. Nay bác sĩ Capi không dám tự tiện dùng lối khác để dẫn thuốc trước mặt các vị khán giả ưu tú này.

    Đến câu này tiếng cười nổi lên vang dậy. Ai cũng khen ngợi thầy Vitali và chế nhạo viên cảnh binh. Họ thích nhất khi thấy con Giôlicơ cũng làm trò trêu cợt. Nó đứng đằng sau vị đại diện cảnh sát. Nó bắt chước đúng điệu bộ của vị này, khi khoanh tay trước ngực, khi khuỳnh tay hai bên sườn, khi ngả đầu về đằng sau và nhăn nhó mặt mũi, trông không nhịn cười được.

    Khó chịu về những câu nói của thầy Vitali, lại bực tức bởi những tiếng cười của công chúng, viên cảnh sát coi bộ không phải là người kiên nhẫn, quay phắt ra.

    Viên cảnh sát gặp ngay con khỉ đứng khuỳnh tay hai bên sườn ra vẻ đắc chí. Người và vật trừng mắt nhìn nhau trong mấy giây đồng hồ như để xem ai phải cúi mặt chịu thua. Tiếng cười rộ lên làm viên cảnh sát bỏ đi ra, còn ngoái lại giơ nắm tay đe rằng:

    - Đến mai, nếu ông không rọ miệng chó, tôi sẽ lập biên bản trình tòa. Bảo ông biết thế.

    Ông Vitali đáp:

    - Đến mai! Thưa ngài, đến mai! Rồi, thầy Vitali lại khúm núm cúi chào rất lễ phép. Cuộc diễn lại tiếp tục.

    Tôi yên trí thế nào thầy cũng đi mua "rọ mõm" cho chó, nhưng không, suốt cả buổi chiều, thầy tôi chẳng nói gì đến chuyện cảnh sát cả. Tôi đành báo nhắc thầy tôi:

    - Thầy nên mua rọ đeo trước cho Capi quen đi, kẻo đến lúc làm trò mới dùng sợ nó bứt ra.

    - Con tưởng ta phải đeo rọ sắt cho chó chăng?

    - Trời! Thầy không xem ông cảnh sát cố ý hành ta?

    - Con cứ yên tâm. Mai ta sẽ thu xếp để khỏi phải làm biên bản và cũng để cho những con chó của ta khỏi phải khổ. Mặt khác, cũng nên nhân dịp đó làm cho công chúng vui thêm. Viên cảnh sát đó có lẽ sẽ giúp chúng ta thu được nhiều tiền, vì hắn sẽ vô tình đóng một trò trong tấn hài kịch mà ta đang chuẩn bị. Muốn thế, ngày mai con sẽ đến nơi diễn một mình với con Giôlicơ. Con sẽ chăng dây và dạo một vài bản độc tấu. Khi công chúng dự khá đông và viên cảnh sát đến, thì sẽ có mặt ta và các con chó ở đây. Lúc đó, hài kịch sẽ mở màn.

    Tôi không vui và thấy ngài ngại. Tôi không muốn ra chỗ diễn một mình. Nhưng biết tính thầy tôi một khi đã quyết điều gì thì khó ai lay chuyển được. Tôi đành phải vâng lời.

    Sáng hôm sau, tôi đến chỗ diễn cũ xếp đặt và chăng dây. Tôi vừa dạo vài tiếng đã thấy công chúng kéo đến rộn rã chung quanh vòng dây.

    Mấy tháng gần đây, nhất là trong thời gian ở Pô, thầy tôi đã dạy tôi độc tấu đàn. Tôi học không đến nỗi dở lắm. Tôi thuộc được nhiều bài, duy có khúc "Dân ca Ý" là tôi đàn và hát trội hơn cả, nhiều lần được công chúng vỗ tay tán thưởng.

    Sở dĩ sáng nay công chúng đến đông như vậy là vì họ biết chuyện xảy ra hôm trước. Họ đem theo cả bạn hữu đi. Ở Tuludơ, họ không ưa cảnh sát. Họ tò mò muốn xem ông già người Ý cư xử như thế nào. Mặc dầu thầy Vitali ngọt ngào nói: "Thưa ngài, đến mai!", người ta cũng đoán được rằng sự gặp gỡ hôm nay sẽ có nhiều trò vui thích do ông già "xuất chiêu" ra để trêu người cảnh sát vụng về và bẩn tính.

    Vì thế khi thấy có một mình tôi với con Giôlicơ, mấy người khác đã hỏi: Ông già Ý không đến à?

    - Ông sắp đến đấy.

    Tôi trả lời và tiếp tục hát bài dân ca của tôi. Một lát sau, không phải thầy tôi đến mà là viên cảnh sát đến. Giôlicơ nhìn thấy trước, nó liền khuỳnh tay lên sườn, ngửa đầu về đằng sau, đi đi lại lại nghênh ngang trong vòng dây.

    Công chúng vỗ tay cười nhiều lần. Viên cảnh sát bực tức tròn xoe mắt nhìn tôi. Công chúng lại cười ầm lên.

    Tôi cũng rất buồn cười, nhưng lo quá không biết chuyện này sẽ đi đến đâu. Nếu thầy tôi ở đây, thầy tôi sẽ đối đáp với viên cảnh sát. Nhưng tôi có một mình, không biết ăn nói làm sao, nếu người cảnh sát hỏi tôi. Viên cảnh sát trông mặt hầm hầm, có ý tức giận lắm. Ông ta đi đi lại lại ngoài dây, mỗi khi qua mặt tôi, ông lại liếc qua vai lườm tôi, tôi sợ có điều chẳng lành.

    Con Giôlicơ không hiểu tình hình cứ trêu người cảnh sát mãi. Nó cũng đi đi lại lại, qua mặt tôi, nó cũng ngoẹo cổ lườm tôi và nhăn nhó làm cho công chúng cười phá lên.

    Không dám để cho người cảnh sát phẫn nộ đến cực điểm, tôi gọi con Giôlicơ vào, nhưng nó không chịu vì cái trò nó đang làm nó đắc chí. Tôi đuổi bắt nó thì nó lại tưởng tôi thúc giục con khỉ làm trò trêu ông ta, liền nhảy tót vào trong dây. Chỉ hai bước là ông ta đến sát bên tôi và tát tôi một cái ngã gục xuống.

    Tôi lóp ngóp bò dậy, mở mắt ra, thì, ủa! Lạ quá! Không biết thầy tôi đến lúc nào mà đã đứng giữa tôi và viên cảnh sát mà ông đang nắm chặt lấy cổ tay. Thầy tôi nói:

    - Tôi cấm ông không được đánh đứa trẻ này nữa. Cái cử chỉ vừa rồi của ông rất hèn!

    Viên cảnh sát giật tay ra nhưng thầy tôi không chịu buông. Hai người giáp mặt nhau, nhìn nhau chòng chọc.

    Người cảnh sát lúc đó mặt vàng như nghệ. Thầy tôi trông vẻ cao quý, ngửa hẳn cái đầu tóc trắng như tuyết để lộ nét mặt phẫn khái và oai hùng.

    Trước cử chỉ đó, tôi tưởng viên cảnh sát phải xấu hổ lắm. Nhưng không thế, ông ta giật mạnh tay ra, túm luôn cổ thầy tôi và đẩy về phía trước một cách rất hung hãn.

    Thầy tôi ức quá, đứng thẳng người, lấy cánh tay phải quất rất mạnh vào cổ tay viên cảnh sát để gỡ ra. Thầy Vitali hỏi:

    - Ông muốn gì?

    - Tôi muốn điều ông về bốt. Ông phải đi ngay.

    - Muốn đuổi chúng tôi, ông không cần phải đánh thằng bé.

    - Không cần phải nói. Đi theo tôi.

    Thầy Vitali trấn tĩnh ngay, không sợ sệt gì, quay lại dặn tôi:

    - Con hãy về nhà trọ. Cứ ở đó với các bạn con. Ta sẽ báo tin tức cho con hay.

    Thầy tôi không nói thêm gì được nữa, vì bị viên cảnh sát lôi tuột đi.

    Cuộc diễn của chúng tôi đã kết thúc như thế đó. Thầy tôi tưởng làm cho nó vui hơn, ai ngờ lại đến nước này!

    Cử chỉ đầu tiên của các con chó là chạy luôn theo chủ. Nhưng thầy tôi vẫy tay bắt chúng lộn lại với tôi. Tôi ngạc nhiên thấy con nào cũng đeo một cái rọ bằng dải lụa thắt thành những bông hoa rất đẹp. Capi lông trắng đeo rọ đỏ, Decbinô lông đen đeo rọ trắng bạch. Con Đônxơ lông xám đeo rọ xanh. Đó là những cái giàm phường tuồng.

    Công chúng giải tán rất nhanh. Một vài người ở lại sau, bàn tán về chuyện vừa xảy ra.

    - Ông già có lý.

    - Ông già trái.

    - Tại sao viên cảnh sát lại đánh thằng bé con? Nó chẳng có tội gì?

    - To chuyện đấy! Nếu viên cảnh sát khép tội kháng cự nhà chức trách, ông già tất nhiên phải ở tù!

    Tôi về nhà trọ, buồn rầu và lo lắng.

    Bây giờ tôi không còn ở thời kỳ sợ ông Vitali như buổi đầu nữa. Nói cho đúng, cái thời kỳ đó cũng ngắn thôi. Vì dần dần, tôi thấy mến ông một cách thành thực và mỗi ngày tình yêu ngày càng khăng khít hơn lên. Chúng tôi cùng sống cuộc đời phiêu lãng. Chúng tôi ở bên nhau từ sáng đến chiều, và từ chiều đến sáng nằm chung một ổ rơm. Một người cha săn sóc con vị tất đã được như thầy tôi chăm nom cho tôi. Thầy tôi dạy tôi học, dạy tôi viết, dạy tôi làm tính, dạy tôi hát và đánh đàn. Trong những cuộc đường trường, thầy tôi cho tôi những bài học khi về điều này, khi về điều khác, tùy theo trường hợp hay sự ngẫu nhiên đưa đến vấn đề. Những ngày đông giá lạnh, chúng tôi cùng đắp chung một chăn. Những ngày trời nắng như thiêu, thầy tôi mang bớt những hành lý cho tôi khỏi đeo nặng trên đường xa. Khi ngồi bàn ăn, nói đúng ra là đến bữa ăn, vì chúng tôi không có bàn ăn bao giờ, thầy tôi không bao giờ ăn lấy một mình và dành miếng không ngon cho tôi. Chúng tôi chia đều những miếng ngon cũng như những miếng không ngon. Tóm lại, chúng tôi vui buồn có nhau, ngọt bùi cay đắng có nhau. Thực ra cũng có khi thầy beo tai tôi hay tát tôi, nhưng không phải vì những hình phạt vặt đó mà tôi quên được sự săn sóc, lời ngọt ngào và lòng âu yếm của thầy tôi. Đối với tôi, từ ngày tôi theo thầy tôi, nói vắn tắt: Thầy tôi thương tôi và tôi cũng mến thầy tôi. Bởi thế, cuộc chia ly làm cho tôi đau đớn vô cùng.

    Bao giờ tôi lại trông thấy thầy tôi?

    Người ta đã nói đến "ngồi tù". Thời gian ngồi khám ước độ bao lâu? Trong thời gian đó tôi sẽ làm gì? Sống thế nào? Sống bằng gì?

    Thầy tôi có thói quen giữ tiền trong mình. Trước khi bị bắt không kịp giao tiên cho tôi. Tôi chỉ còn một vài xu trong túi. Số tiền này có đủ nuôi cả bọn, Giôlicơ, ba con chó và tôi không? Mất hai ngày, tôi ngồi yên trong nhà lo lắng, không dám thò ra sân nhà trọ, săn sóc các con chó và Giôlicơ, xem chừng con nào cũng ngơ ngác và buồn rầu.

    Ngày thứ ba, một người đem phong thư của thầy tôi cho tôi. Thầy tôi nói trong thư rằng thầy tôi bị giữ để đến thứ bảy tới đưa ra tòa án về tội kháng cự nhà chức trách đang thi hành nhiệm vụ và về tội làm thương tổn đến thân thể viên chức đó.

    Thầy tôi nói thêm: Trong khi cả giận ta đã phạm một lỗi lớn, nó sẽ làm cho ta khổ não. Ngày phiên tòa, con sẽ đến để nhận một bài học. Đoạn thầy tôi khuyên mấy câu về cách cư xử. Cuối thư, thầy tôi không quên hôn tôi và bảo tôi vuốt ve các con Capi, Giôlicơ, Đônxơ, Decbinô thay cho thầy.

    Trong khi tôi đọc thư, Capi đang ngồi dưới chân tôi nghếch mõm lên ngửi hít rồi ve vẩy đuôi, thì ra nó đã đánh hơi biết được tờ giấy đó đã qua tay chủ nó. Đã ba hôm nay, bây giờ tôi mới thấy nó tươi tỉnh lên một chút.

    Sáng thứ bảy, hỏi người ta tôi biết tòa án sẽ họp vào lúc 10 giờ. Nhưng mới 9 giờ tôi đã đến tòa trước tiên và lén vào ngồi một góc. Dần dần phòng đầy người. Trong đám đến xem, tôi nhận thấy nhiều người quen mặt vì họ đã chứng kiến tấn kịch hôm nọ.

    Tôi chẳng hiểu tòa án và công lý là gì. Nhưng khi vào tòa, tôi cảm thấy một mối lo sợ, mặc dầu người ta sắp xử thầy tôi chứ không phải tôi. Tôi chen vào ngồi sau một cái lò sưởi lớn và sát tường để không ai chú ý đến tôi.

    Vụ thứ nhất không phải việc của thầy tôi. Tòa xử những người ăn cắp, những người đánh nhau. Ai cũng kêu oan và bị án cả. Cuối cùng, hai người hiến binh kèm thầy tôi ra và để ngồi xuống chỗ ghế những người bị cáo trước.

    Đầu tiên, người ta làm gì, hỏi gì và thầy tôi trả lời thế nào, tôi cũng không biết, vì tôi xúc động quá không nghe thấy gì và cũng chẳng hiểu gì cả. Vả lại, tôi không để ý nghe, tôi chỉ để mắt trông thầy tôi. Thầy tôi đứng đó, mái tóc bạc vuốt về đằng sau, trông có vẻ ngượng ngùng và buồn bã. Tôi lại nhìn quan tòa. Quan tòa nói:

    - Như vậy ông thú nhận có đánh viên cảnh sát đến bắt ông nhiều cái?

    - Thưa ông chánh án. Không phải nhiều cái. Có một cái thôi cốt để gỡ tay ông ấy túm lấy cổ tôi. Khi tôi đến chỗ diễn trò, gặp ông ấy đang tát đứa bé trong đoàn tôi.

    - Đứa bé không phải là con ông chứ?

    - Thưa ông chánh án, không, nhưng tôi coi nó như con tôi. Khi tôi trông thấy nó bị đánh đập, tôi tức giận, có chạy lại nắm tay ông cảnh sát để ông ta khỏi hành hung nữa.

    - Chính ông có đánh viên cảnh sát?

    - Nghĩa là khi ông cảnh sát nắm lấy cổ tôi, tôi phẫn uất quên hẳn ông ta là ai, chỉ thấy có người ức hiếp tôi thì tôi chống lại. Đó là một hành động tự nhiên, không cố ý..

    - Với tuổi ông, không nên nóng giận quá thế..

    - Người ta không nên nóng giận thật. Nhưng khốn nỗi nhiều khi người ta không làm được những điều phải làm. Ngày nay, tôi nhận thấy đúng như thế.

    - Bây giờ đến lượt thầy cảnh sát.

    Viên cảnh sát khai ra đúng những việc đã xảy ra, nhưng nhấn mạnh về chỗ người ta đã nhạo báng con người ông ta, giọng nói ông ta, điệu bộ ông ta và nhất là việc ông ta bị đánh vào cánh tay.

    Khi viên cảnh sát cũng khai như thế, đáng lẽ thầy tôi phải chú ý xem có xuyên tạc không, nhưng thầy tôi nhìn xuống dưới phòng và khắp các phía. Tôi hiểu thầy tôi tìm tôi. Tôi liền lén lên hàng ghế đầu.

    Thầy tôi trông thấy tôi và nét mặt bừng lên. Tôi nhận thấy thầy tôi rất mừng rỡ được gặp tôi. Bất giác, hai hàng nước mắt tôi chảy ra. Cuối cùng ông chánh án hỏi:

    - Đó là tất cả những lời ông khai để bào chữa? Ông còn nói thêm gì nữa không?

    - Riêng về phần tôi, tôi không nói thêm gì nữa. Nhưng về phần đứa trẻ mà tôi thương như con tôi, nó sẽ phải sống một mình. Vì đứa trẻ đó, tôi kêu gọi lượng khoan hồng của tòa và xin tòa đừng để tôi xa cách nó lâu ngày.

    Tôi tưởng thầy tôi kêu thế, thì tòa sẽ tha bổng. Nhưng không phải thế.

    Một quan tòa nữa đứng lên nói vài phút. Xong, ông chánh án giọng nghiêm nghị tuyên án:

    - Xét rằng ông Vitali đích xác có xúc phạm đến danh dự và thân thể một viên chức đang thi hành phận sự, tòa phạt Vitali hai tháng ngồi tù và một trăm phơ răng tiền vạ.

    Hai tháng ngồi tù!

    Tôi đưa đôi mắt đầy lệ nhìn thầy tôi. Cái cánh cửa đã mở cho thầy tôi vào bây giờ lại mở cho thầy tôi ra với người hiến binh đi theo, rồi lại đóng sập lại.

    Hai tháng trời xa cách!

    Biết đi đâu bây giờ?
     
    Ưu Đàm Thanh Ti thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng mười hai 2021
  2. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,903
    Chương 11: Nương náu dưới thuyền

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Khi tôi trở về nhà trọ, người thẫn thờ, mắt đỏ. Tôi qua cửa sân, thì ông chủ quán gọi giật lại và hỏi:

    - Tin tức thầy mày ra sao?

    - Thầy tôi ngồi tù.

    - Bao nhiêu?

    - Hai tháng.

    - Còn phạt vạ?

    - Một trăm phơ răng.

    Chủ quán nhắc đi nhắc lại hai, ba lần:

    - Hai tháng tù, trăm phơ răng phạt!

    Tôi định vào trông mấy con chó, thì chủ quán lại giữ tôi và hỏi:

    - Thế mày định làm gì trong hai tháng ấy?

    - Thưa ông, tôi không biết.

    - Không biết? Mày có đủ tiền ăn và nuôi các con vật đấy chứ?

    - Thưa ông, không.

    - Vậy mày trông vào tao để ở đây hẳn?

    - Ồ! Thưa ông, không. Tôi chẳng trông vào ai cả. Mà thực vậy, tôi chẳng biết trông vào ai cả. Chủ quán nói tiếp:

    - Này, bé ơi! Mày nghĩ phải đấy. Thầy mày còn nợ tao nhiều lắm. Cho mày ăn chịu những hai tháng, rồi ai trả tiền cho tao? Mày phải đi đi.

    - Đi? Thưa ông, ông bảo tôi đi đâu bây giờ?

    - Mày muốn đi đâu thì đi. Không phải việc của tao. Tao có phải là cha mày đâu. Mà cũng chẳng phải là thầy mày. Tại sao mày cứ muốn tao cho mày ở?

    Tôi ngây người. Nói gì nữa? Chủ quán rất có lý. Ông chứa tôi làm gì? Tôi chỉ là cái nợ cho ông.

    - Thôi, vào dắt chó, cõng khỉ đi thôi. Nhớ để lại cái túi của thầy mày. Thầy mày khi được tha sẽ đến lấy và thanh toán các khoản.

    Câu đó làm cho tôi nảy một ý nghĩ và tôi tưởng có cách để ở lại. Tôi nói:

    - Thưa ông, vì thầy tôi thế nào cũng còn trở lại đây để thanh toán tiền nong. Vậy xin ông cứ cho tôi ở đến ngày đó. Tiền ăn của tôi sẽ tính thêm vào các khoản nợ của thầy tôi, có được không?

    - Thật à? Thầy mày chỉ trả được vài ngày cơm thôi, chứ hai tháng thì lại là một chuyện khác.

    - Ông cho ăn ít cũng được.

    - Thế còn những con vật của mày? Không được, mày phải đi. Mày có thể đi kiếm ăn trong các làng.

    - Nhưng thưa ông, tôi đi thì thầy tôi về biết đâu mà tìm tôi? Vì hết hạn tù thầy tôi chỉ tìm tôi ở đây thôi.

    - Có khó gì. Đến ngày đó thì mày sẽ trở về đây. Từ nay đến ngày đó, mày sẽ tạm đi dạo chừng hai tháng, vào các làng gần đây, có thể kiếm ăn được đấy!

    - Nếu thầy tôi viết thư về cho tôi?

    - Tao sẽ giữ cho mày.

    - Nhưng nếu tôi không trả lời?

    - Mặc mày! Mày vặn tao mãi! Ra ngay khỏi cái nhà này! Mau! Tao cho mày năm phút để thu xếp. Nếu mày không đi tao sẽ liệu cho mày!

    Thấy kêu nài cũng vô ích, tôi liền vào chuồng ngựa. Tháo Giôlicơ và mấy con chó, buộc túi đồ lại, đeo đàn lên vai và ra thẳng. Chủ quán đứng ở cửa để kiểm soát và nói theo:

    - Nếu có thư, ta sẽ giữ cho mày!

    Tôi rảo bước đi ra khỏi thành phố cho nhanh vì chó của tôi không đóng mang rọ, nếu gặp lại cảnh binh thì khốn. Tôi không đủ tiền mua rọ, đếm đi đếm lại mãi, vốn liếng tôi chỉ còn có mười một xu trong túi. Thầy tôi bị bắt, tôi cũng bị bắt nữa thì ai nuôi chó và khỉ? Bây giờ nghiễm nhiên tôi là ông bầu đoàn diễn, ông chủ gia đình, tôi, một đứa trẻ không gia đình. Tôi bỗng thấy một gánh nặng đè trĩu trên vai.

    Trong khi đi, những con chó cứ ngước mắt nhìn tôi, chúng không nói được, nhưng cũng làm cho tôi hiểu chúng muốn gì? Chúng đói bụng. Giôlicơ ngồi trên cái túi đeo trên vai tôi, thỉnh thoảng lại kéo tai tôi, bắt tôi ngoảnh lại: Nó lấy tay cào cào vào bụng nó. Cái cào đó cũng có nghĩa như cái nhìn của những con chó.

    Tôi cũng thế, nếu có thể được thì tôi cũng kêu đói như chúng, vì tôi cũng như chúng, không có mẩu bánh nhỏ nào vào bụng từ sáng đến giờ. Với mười một xu trong túi, chúng tôi không thể ăn bữa sáng và bữa chiều. Chúng tôi ăn một bữa, bữa đó sẽ ăn vào giữa ngày để có thể thay thế cho hai bữa kia.

    Nhà trọ mà chúng tôi vừa từ biệt, ở trên đường đi Môngpeliê. Vì thế lúc ra đi, chúng tôi cũng theo con đường đó.

    Chúng tôi vội ra khỏi thành phố cho nhanh, nên không kịp hỏi đường. Điều cần nhất cho chúng tôi là phải thoát mau ra ngoài thành phố Tuludơ, các việc khác không hẳn cấp mấy. Tôi không lựa chọn nên đi tỉnh này hay tỉnh khác, vì đi đến đâu người ta chẳng đòi tiền ăn, đòi tiền trọ. Bây giờ việc trọ không cần lắm vì là mùa hè, chúng tôi có thể ngủ ngoài trời, dưới gốc cây hay cạnh bức tường cũng được. Nhưng còn việc ăn? Đi đã được hai giờ, tôi không dám ngoảnh cổ lại. Mỗi lúc những con chó lại ngước mắt nhìn tôi như van ơn, và con khỉ cứ kéo tai tôi và gãi bụng nhiều hơn.

    Bây giờ tôi đã ra khỏi tỉnh Tuludơ rồi, nên không sợ gì nữa. Tôi vào một hàng bánh mì hỏi mua một tấm rưỡi bánh. Chủ hàng bảo tôi:

    - Sao em không mua cả hai chiếc? Không nhiều đâu. Phải cho các con vật ăn no chứ?

    Không nhiều thực. Nhưng nếu mua cả hai tấm thì hết mười xu chỉ còn lại một xu thôi. Tôi không dám tiêu hoang, phải dành lại chút tiền đến ngày mai cho khỏi chết đói trước khi kiếm được đồng khác. Mỗi tấm bánh năm xu thì tấm rưỡi hết bảy xu rưỡi. Tôi còn lại ba xu rưỡi.

    Nhẩm tính xong, tôi bảo bà hàng cứ bán cho tôi chiếc rưỡi, vì tôi chỉ cần có thế, không mua hơn.

    Bà đưa cho tôi một chiếc và cắt nửa chiếc nữa. Bà trao cho tôi và nói:

    - Nửa này già đấy, đáng ba xu. Rồi bà vơ cả tám xu của tôi vào ngăn kéo.

    Tôi thường thấy nhiều người từ chối không lấy lại những xu lẻ do nhà hàng trả lại và bảo nó không dùng để làm gì. Nếu bà hàng trả lại nửa xu thừa cho tôi thì không khi nào tôi lại từ chối. Nhưng bà ta có trả tôi đâu, mà tôi cũng không dám hỏi. Tôi lẳng lặng cầm bánh đi ra. Ba con chó mừng rỡ nhảy nhót chung quanh tôi. Giôlicơ kéo tóc tôi và kêu những tiếng nhỏ.

    Đi một quãng ngắn, tới một cây to bên đường, tôi hạ đàn tựa vào gốc cây, rồi ngồi phịch xuống vệ cỏ, những con chó đến xếp hàng trước mặt tôi. Còn Giôlicơ không mệt lắm đứng gần đó, rình có bánh là chộp lấy phần.

    Việc chia bánh của tôi rất quan trọng. Tôi cắt làm năm phần hết sức đều nhau. Mỗi phần lại cắt nhiều khoanh ném cho các con vật của tôi ăn dần. Vì Giôlicơ bé nhỏ ăn ít đã no, nên tôi giữ lại ba miếng nhỏ dành cho ba con chó ăn sau này.

    Tiệc xong, bây giờ là lúc tôi phải nói đôi lời cho các bạn tôi biết cái hiện tình nguy ngập của chúng tôi. Capi có lẽ đoán được ý tôi, nên đôi mắt nó cứ long lanh nhìn tôi. Tôi nói:

    - Phải đấy, Capi ơi! Phải đấy, các bạn Đônxơ, Decbinô và Giôlicơ ơi! Tôi có một tin rất buồn cho các bạn biết: Chủ ta phải lìa ta trong hai tháng. Capi kêu:

    - Ẳng!

    - Đó là một điều rất đau khổ cho chủ ta và chúng ta. Chủ ta vẫn kiếm bánh cho chúng ta ăn. Bây giờ chủ ta đi vắng, chúng ta ở vào một tình thế rất nguy hiểm. Chúng ta hết "tiền"!

    Nghe tiếng đó, Capi hiểu ngay, đứng dậy bằng hai chân sau và đi vòng quanh như bộ xin tiền các "quý khán giả". Tôi nói tiếp:

    - Bạn muốn chúng ta đi diễn trò. Ý kiến rất hay. Nhưng chắc đâu thu được tiền? Việc khó khăn là ở chỗ đó. Tôi nói cho các bạn biết tất cả của cải chúng ta chỉ còn có ba xu, vì thế bữa nay chúng ta phải ăn đói. Tôi mong rằng các bạn hiểu cái cảnh nguy khốn mà chúng ta đang lâm vào và đáng lẽ trêu trọc tôi, thì các bạn nên đem hết trí thông minh vào.. sự vụ. Tôi kêu gọi sự vâng lời, sự tiết độ và lòng can đảm của anh em. Các bạn hãy siết chặt hàng ngũ. Hãy tin vào tôi cũng như tôi tin vào các bạn.

    Tôi không dám tin chắc các bạn tôi đã hiểu những lời hay ý đẹp trong bài diễn văn ứng khẩu của tôi, nhưng chắc chắn rằng các bạn của tôi cũng hiểu được đại ý, vì thấy vắng mặt chủ tôi, chúng biết có sự gì trầm trọng và chúng đợi tôi giải thích. Tôi đã giải thích. Nếu chúng không hiểu tất cả những điều tôi nói, ít ra chúng cũng biết cách tôi đối đãi với chúng thế nào, nên sau khi tôi dứt lời, con nào trông cũng có vẻ hài lòng và dễ chịu lắm.

    Con nào cũng hài lòng, là tôi nói riêng về mấy con chó thôi, chứ con Giôlicơ, không thể bắt nó chú ý lâu về một việc gì. Khi tôi nói, lúc đầu nó rất chăm chú, nhưng nghe được hai chục tiếng thì nó đã nhảy tót lên cây đánh đu ở hết cành này đến cành khác. Nếu Capi mà vô lễ thế, thì tôi đã phật ý, nhưng là Giôlicơ thì tôi chấp nó làm gì. Nó chỉ là một con vật vô tâm và óc rỗng, cũng để cho nó chơi đùa một chút.

    Tôi xin thú thực rằng tôi cũng muốn nhảy nhót và đánh đu như nó, thích lắm chứ. Nhưng cái trọng trách tìm chỗ trú đêm nay và nhất là để kiếm bữa ăn sáng mai. Chỗ trú không cần lắm, chúng tôi có thể tiết kiệm bằng cách ngủ ngoài trời.

    Đi được một giờ, chúng tôi trông xa xa thấy một làng, mừng thầm may ra có thể thực hiện được ý muốn của tôi.

    Trông bề ngoài, làng này có phần xơ xác, số thu nhập sẽ chẳng được là bao, nhưng tôi không vì thế mà nản lòng. Tôi không tính về điểm đó, tôi tự nghĩ rằng làng này càng nhỏ bao nhiêu thì nỗi lo gặp cảnh sát càng ít bấy nhiêu.

    Tôi mặc y phục cho các bạn tôi, rồi rất trật tự, chúng tôi chững chạc vào làng. Thiếu cái ống tiêu mà thầy tôi vẫn giữ. Thiếu cả hình dáng cao lớn và mái tóc đặc biệt của thầy tôi vẫn làm cho mọi người chú ý. Nhìn cái thân hình loắt choắt của tôi mà buồn và không vững dạ.

    Trong khi đi, tôi nhìn sang hai bên, xem có tác động gì không. Rất ít người chú ý, vì người ta ngẩng đầu lên, rồi cúi xuống. Chả có ma nào theo sau chúng tôi cả.

    Đi đến một bãi rộng, giữa có trồng cây, chúng tôi dừng lại. Tôi lấy đàn ra và đánh một vũ khúc. Tiếng đàn vui, ngón tay tôi đưa đẩy nhẹ nhàng, nhưng lòng tôi buồn hình như có vật gì đè trĩu lên hai vai.

    Tôi bảo Decbinô và Đônxơ ra biểu diễn. Chúng tuân lời và nhảy múa. Nhưng chẳng có ai đến xem cả. Gần đó, tôi nhìn thấy mấy người đàn bà đang đứng ở cửa đan áo và nói chuyện với nhau. Tôi tiếp tục gảy đàn. Hai con chó cố sức nhảy múa.

    Rồi cũng có người đến xem chứ! Nếu có một người đến trước, tất có người thứ hai, thứ ba, thứ mười, thứ hai mươi.

    Nhưng đàn, múa vô ích cả. Họ ở nhà họ cả, chẳng có ai thèm nhìn chúng tôi nữa. Thực đáng thất vọng!

    Tuy nhiên, tôi không nản chí, tôi cố đánh đàn, đánh to, đánh mạnh tưởng chừng như sắp đứt dây. Chợt một em bé mới chập chững, rời ngưỡng cửa đi ra phía chúng tôi. Mẹ em bé có lẽ sẽ theo em. Rồi một người bạn nữa, thế là chúng tôi có khán giả. Có tiền công. Tôi đánh đàn nhỏ đi và rất du dương, để em bé khỏi sợ và để rủ em vào.

    Em bé hai tay ve vẩy bên sườn đi bước một. Em đương tiến. Em gần đến. Còn vài bước nữa là đến chỗ chúng tôi thôi.

    Người mẹ ngẩng đầu lên, giật mình không thấy con đâu, nhìn ngang nhìn ngửa. Bà ta thấy con đang đi. Tôi tưởng bà ta chạy, nhưng bà cứ đứng yên đó gọi con vào. Em bé ngoan ngoãn quay vào với mẹ. Có lẽ ở đây họ không thích xem khiêu vũ. Có thể lắm!

    Tôi liền đổi trò. Tôi ra lệnh cho hai con chó nằm ra một chỗ để tôi hát. Tôi vừa mới hát được đến câu thứ hai bài Tình ca thì có một người đàn ông vận áo vét, đội mũ phớt đến. Tôi cố lên giọng cho hay. Chợt ông khách đó hỏi tôi:

    - Này, làm trò gì thế? Thằng ranh kia?

    Tôi ngơ ngác, há miệng đứng nhìn ông ta. Ông ta lại hỏi:

    - Mày không trả lời à?

    - Thưa ông, ông đã nhìn thấy tôi hát.

    - Mày có giấy phép được hát trong làng này không?

    - Thưa ông, không.

    - Vậy thì bước đi chõ khác. Nếu không, ta bắt bây giờ.

    - Nhưng, thưa ông..

    - Gọi tao là ông tuần phiên. Thôi, cút đi, đồ ăn mày!

    Tuần phiên! Kinh nghiệm đau đớn của thầy tôi đã cho biết rằng đương đầu với các ông cảnh binh hay tuần phiên là một điều rất tai hại.

    Không để cho ông ta phải đuổi đến lần thứ hai, tôi "cút" ngay như lời ông ta bảo, trở ra đường cũ tiếp tục đi. Ăn mày! Danh từ này không đúng. Tôi có đi ăn xin bao giờ? Tôi hát. Tôi nhảy. Đó là cách làm việc của tôi. Tôi có làm hại ai đâu? Trong năm phút, tôi ra khỏi cái làng lãnh đạm và cẩn phòng đó. Những con chó của tôi cúi đầu lẳng lặng đi, chắc chúng hiểu rằng đã xảy đến cho chúng một chuyện chẳng lành. Capi thỉnh thoảng lại đi lên trước, quay cổ lại nhìn tôi bằng đôi mắt đầy ý nhị. Nó biết lắm, vì tôi thấy hai hàm nó run run bởi nó cố giữ để không sủa thành tiếng.

    Khi chúng tôi đi đã khá xa không sợ người tuần phiên độc ác theo dõi nữa, tôi liền ra hiệu, ba con chó liền chạy lại quây lấy tôi. Capi đứng giữa im lặng nhìn vào mắt tôi.

    Đã đếnlúc tôi phải giải thích cho các bạn tôi nghe. Tôi nói:

    - Vì chúng ta không có giấy phép nên không được diễn ở đó. Họ đuổi chúng ta.

    - Bây giờ?

    Capi hếch đầu hỏi tôi như thế.

    - Bây giờ chúng ta tìm chỗ ngủ, bất cứ chỗ nào và nhịn ăn.

    Nghe tiếng "ăn", hai con chó kia và con khỉ nhao nhao lên.

    Tôi giơ ba xu ra nói:

    - Các bạn biết, chúng ta chỉ còn có thế này thôi. Nếu ta tiêu hết ba xu chiều nay, thì sáng mai ta không có gì ăn. Và hôm nay ta cũng đã được ăn rồi. Nghĩ đến ngày mai thì khôn hơn.

    Nói xong tôi lại bỏ ba xu vào túi. Capi và Đônxơ cúi đầu chịu đựng. Decbinô có tính háu ăn ăng ẳng hoài. Tôi quắc mắt nhìn nó. Nó cũng không thôi. Tôi phải nhờ đến Capi. Cắt nghĩa cho Decbinô nghe. Nó không muốn hiểu. Bảo nó ta phải nhìn chiều nay thì sáng mai mới có cái ăn. Capi liền lấy chân vả vào mặt Decbinô. Tức thì có cuộc đấu khẩu giữa hai con chó.

    Chắc độc giả nghe thấy tiếng "đấu khẩu" đem dùng cho loài vật sẽ cho là một danh từ không thích hợp. Nhưng xét ra rất đúng. Mỗi một giống vật có một tiếng nói riêng. Nếu nhà riêng quý vị có hàng hiên chạm trổ hay những cửa sổ cao có chim yến đến làm tổ ở đó, hẳn quý vị cũng nhận thấy rằng lúc chim yến kêu véo von như tiếng ca, nhưng hễ trời rạng đông là chúng kêu ríu ra ríu rít với nhau. Đó chính là những câu chuyện mà chúng đang nói, những việc quan trọng mà chúng đang bàn, hay những lời yêu thương mà chúng trao đổi cùng nhau. Lại những con kiến cùng một đàn, khi gặp nhau trên một con đường thường cọ râu vào nhau, quý vị thử nghĩ xem, chúng làm gì thế, nếu không phải là chúng thông tin cho nhau? Còn những con chó không những chúng biết nói mà còn biết đọc nữa. Quý vị hãy trông chúng đưa mũi lên không, hay cúi xuống mặt đất đánh hơi hay ngửi những hòn sỏi, những bụi rậm; có khi chúng đứng trước một đám cỏ hay một chân tường và đứng lại một lúc. Chúng ta không nhìn thấy gì ở tường, nhưng những con chó đã đọc được mọi điều lạ viết ở đó bằng thứ chữ bí ẩn mà mắt ta không thể phân biệt được.

    Những câu gì Capi nói với Decbinô, tôi không nghe thấy, vì nếu những con chó hiểu được tiếng nói của người, thì trái lại người không hiểu được tiếng nói của chó. Tôi chỉ nhận thấy Decbinô không chịu nghe lời thì phải, cứ nằng nặc đòi phải tiêu nốt ba xu ngay bây giờ. Capi nổi giận và nhe những chiếc nanh nhọn ra, lúc đó Decbinô mới chịu nằm im, vì nó vốn dát, hễ ai già thì nó non. Thế là vấn đề ăn đã giải quyết xong, còn vấn đề ngủ.

    May sao, trời tạnh, mây quang. Ngủ ngoài trời về mùa này không đến nỗi khổ. Chỉ cần tìm chỗ nào tránh được chó sói, nếu vùng này có, và nhất là tránh khỏi những ông tuần phiên mà tôi cho là đáng sợ hơn cả.

    Vậy cứ việc đi thẳng trước mặt trên con đường trắng dài cho đến khi tìm được chỗ trú. Việc đó chúng tôi đã làm.

    Đường cứ thấy dài ra. Hết những cây số này lại đến những cây số khác. Khi những ánh hồng cuối cùng của hoàng hôn đã tắt, chúng tôi chưa tìm được chỗ nào để nghỉ. Lúc đó, chúng tôi đang đi cạnh khu rừng thỉnh thoảng lại có những khoảng trống nổi lên những tảng đá hoa cương. Nơi này vắng và buồn lắm. Nhưng biết làm sao được. Tôi nghĩ ở giữa những tảng đá đó, chúng tôi có thể tạm trú được để tránh khí lạnh ban đêm. Tôi nói "chúng tôi" tức là Giôlicơ và tôi, vì về phần những con chó tôi không cần phải lưu tâm lắm, vì chúng đã quen nằm sương gió lắm rồi, không sợ cảm mạo. Nhưng, tôi phải thận trọng, vì tôi hiểu biết trách nhiệm của mình. Nếu tôi ốm thì đoàn của tôi sẽ trở nên thế nào?

    Chúng tôi liền bỏ đường cái tìm vào bãi đá. Bỗng tôi thấy một tảng đá lớn đứng nghiêng làm cho chân nó có hang, đầu nó thành mái. Trong hang, gió đã thổi vào đầy lá thông khô. Không còn gì tiện hơn nữa: Chúng tôi có cái ổ sẵn sàng để ngả lưng và cái mái hiên để trú ẩn. Chỉ còn thiếu một thứ là bánh mì. Nhưng tôi phải cố quên đi và cố ngủ sớm. Tục ngữ chả có câu: "Ai ngủ tức là đã ăn rồi" là gì?

    Trước khi đi ngủ, tôi đã dặn Capi phải giữ việc canh gác. Con vật trung thành đó đáng lẽ được nằm với tôi ở trên lá, đã phải ở ngoài để phòng thủ. Tôi được yên tâm, vì ban đêm, nếu có sự gì bất trắc thì Capi sẽ báo cho tôi biết.

    Tôi nằm trên đống lá thông, cạnh tôi là con Giôlicơ quấn trong cái áo vét của tôi. Dưới chân tôi là hai con Đônxơ và Decbinô nằm cuộn tròn. Tôi không sao chợp mắt được, lo lắng hơn là mỏi mệt.

    Ngày thứ nhất cuộc hành trình của tôi đã xấu rồi. Không biết ngày hôm sau sẽ ra sao: Tôi đói. Tôi khát. Trong túi chỉ còn ba xu. Tôi lần từng đồng trong túi và đếm đi đếm lại mãi nó cũng không nảy thêm đồng nào.. vẫn một, hai, ba đồng.

    Lấy gì nuôi đoàn của tôi, lấy gì nuôi tôi hết ngày mai và các ngày sau nữa, nếu tôi không diễn được trò? Nào rọ miệng chó, nào giấy phép, kiếm đâu bây giờ? Trời ơi! Có lẽ tôi phải chết đói ở góc rừng này, ở chân tảng đá này chăng?

    Lòng tư lự, mắt tôi nhìn lên những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời tôi sẫm. Không có một cơn gió nào. Bốn bề vắng lặng như tờ. Không một cành lá động. Không một tiếng chim kêu, không một tiếng xe chạy ngoài đường! Tôi đưa mắt nhìn xung quanh: Trời rộng, đêm sâu. Chúng tôi trơ trọi có một mình, chúng tôi bị ruồng bỏ. Nước mắt tôi tự nhiên giàn rụa ra. Tôi nức nở: Mẹ ơi! Thầy ơi!

    Tôi nằm sấp, gục đầu vào lá khô, hai tay bưng mặt khóc mãi không thôi. Bỗng tôi thấy một làn hơi ấm đưa vào mái tóc tôi. Tôi sẽ quay mặt ra, một cái lưỡi êm mềm và nóng quệt vào mặt tôi. Đó là con Capi, nghe tiếng tôi khóc, nó vào dỗ tôi như đêm đầu tiên tôi phải xa nhà đi với ông Vitali.

    Tôi giơ hai cánh tay ôm lấy cổ Capi, ép đầu nó vào má tôi. Nó liền nằm sấp xuống và thút thít không ra tiếng: Nó cũng khóc với tôi.

    Khi tôi trở dậy thì đã sáng rõ. Capi ngồi đằng trước nhìn tôi. Chim chóc hót vang trên cành. Xa xa văng vẳng tiếng chuông nhà thờ làm lễ ban mai. Mặt trời đã lên cao, rọi những tia ấm áp làm khỏe khoắn thân thể cũng như tinh thần.

    Sửa soạn xong, chúng tôi lên đường, theo tiếng chuông mà đến. Ở đó tất có làng, có hàng bán bánh mì. Một khi người ta đã ngủ để thay ăn bánh mì thì cái đói lên tiếng rất sớm. Tôi đã tính cả rồi. Tôi sẽ mua cả ba xu bánh mì. Còn thì sẽ liệu sau.

    Khi vào làng, tôi không cần phải hỏi hàng bánh mì ở đâu. Mũi chúng tôi tự nhiên dẫn chúng tôi đến đúng chỗ. Cái khứu giác của tôi lúc này cũng tinh tế, không kém những con chó của tôi, ngửi ngay thấy mùi thơm của bánh nóng.

    Ba xu mua được già nửa cái bánh, đủ chia cho mỗi con một mẩu. Vì thế bữa ăn của chúng tôi rất nhanh.

    Bây giờ là lúc phải tìm cách để kiếm tiền. Muốn thế, tôi dạo quanh làng tìm chỗ tốt để diễn trò và cũng dò trên nét mặt người dân xem có thể là bạn hay là kẻ thù. Tôi không muốn diễn ngay vì giờ đó không thuận tiện. Nhân thể, tôi tìm hiểu dân tình, tìm tòi chỗ diễn để buổi trưa đó cầu may.

    Tôi đang mải nghĩ, chợt có tiếng kêu ở sau lưng tôi. Tôi quay lại thấy một bà già đang đuổi Decbinô. Tôi hiểu ngay tại sao có tiếng kêu và sự xua đuổi đó. Thừa dịp tôi đãng trí, Decbinô bỏ tôi xộc vào nhà kia cướp một miếng thịt tha ngang mồm chạy ra. Bà lão kêu lên:

    - Làng nước ơi! Cướp! Cướp! Bắt chúng nó lại cho tôi!

    Nghe tiếng đó, tôi nhận thấy tôi có tội gì, vì phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của con chó của tôi. Tôi cũng cắm cổ chạy. Nếu bà lão túm được tôi bắt đền miếng thịt chó tha, thì tôi biết nói thế nào? Lấy gì mà đền? Nếu bị bắt, thì đến ngồi tù mất.

    Thấy tôi chạy, Capi và Đônxơ cũng không chịu chậm chân. Tôi thấy chúng bám sát gót tôi. Con Giôlicơ bám chặt lấy cổ tôi cho khỏi ngã.

    Tôi không sợ bà già đuổi kịp chúng tôi, chỉ sợ người ta thấy động ra đón bắt chúng tôi. Quả nhiên, trước mặt chúng tôi thấp thoáng có hai ba người đứng dang ra đường như có ý đợi chúng tôi. May chỗ ấy có một chỗ ngoẹo, tôi liền chạy vào, mấy con chó bổ theo sau. Chúng tôi phi một mạch ra cánh đồng, không thấy bóng người theo sau nữa mới hoàn hồn. Tôi thở không được vì phải chạy dài hơn hai cây số. Capi và Đônxơ quấn lấy chân tôi. Con Decbinô thủng thỉnh đi đằng xa, có lẽ bây giờ nó mới có thì giờ nhai ngấu nghiến miếng thịt.

    Tôi ra hiệu gọi nó, nó đứng dừng lại. Rồi có lẽ nó sợ phải đòn, nên đáng lẽ về với tôi, nó quay ngang và trốn mất.

    Chỉ vì đói quá mà con Decbinô phải làm xằng, tôi biết thế. Nhưng đó không phải là một lý do để bào chữa. Có việc ăn cắp thì thủ phạm phải bị trừng phạt. Nếu không thì còn gì là kỷ luật trong đoàn tôi? Đến làng khác Đônxơ cũng bắt chước Decbinô? Rồi đến lượt Capi. Capi cũng theo gương đó thì sao?

    Tôi phải công khai dành cho Decbinô một trận. Nhưng phải đợi nó về trình diện mới được. Tôi nhờ Capi:

    - Tìm Decbinô về đây cho ta!

    Capi tuân lệnh. Nhưng coi nó có vẻ không được sôt sắng như mọi ngày, và trước khi đi, đôi mắt nó nhìn tôi như thể muốn làm luật sư cho Decbinô, hơn là làm hiến binh cho tôi.

    Tôi đợi Capi đưa phạm nhân về. Mất nhiều thì giờ qua. Có lẽ Decbinô không chịu để bắt giải về ngay. Trong thời gian đó, tôi buồn quá. Tuy có yên tâm là không bị truy nã nữa, nhưng tôi mệt quá, nên muốn nghỉ ngơi một chút. Mà tôi vội vã để làm gì, khi tôi chả biết mình sẽ đi đâu và chẳng có việc gì làm cả.

    Chỗ tôi nghỉ, bây giờ tôi mới nhìn ra, là một chỗ mát mẻ, có thể ngồi lâu được. Thì ra trong khi chạy, tôi đã lạc tới bờ sông Nam mà không biết. Nơi này phong cảnh xanh tươi: Có nước, có cỏ, có cây. Lại một dòng suối trong khe đá chảy ra, hai bên có những cây nhỏ đâm bông, rập rờn như thác hoa rớt xuống, trông rất ngoạn mục.

    Một giờ đã qua mà chưa thấy con nào về. Tôi bắt đầu lo thì thấy Capi về một mình, đầu cúi xuống.

    - Decbinô đâu? Capi nằm một chỗ, vẻ sợ hãi. Tôi nhìn thấy một bên tai nó rớm máu.

    Tôi không cần phải hỏi cũng biết việc đã xảy ra: Decbinô đã khởi loạn, nó chống lại hiến binh; Capi cố thi hành nhiệm vụ nên bị đả thương.

    Có nên mắng nó vì không làm tròn sứ mạng không? Tôi không có can đảm quở phạt nó. Vả tôi cũng không có ý làm khổ người khác trong khi chính mình đang đau khổ. Cuộc tuần hành của Capi không có kết quả, tôi chỉ còn một phương sách là đợi Decbinô trở về đây. Tôi đã biết tinh nó sau khi vi phạm rồi, nó đành chịu phạt. Tôi sẽ nhìn thấy nó hối hận trở về.

    Tôi nằm dài dưới bóng cây, tay không quên giữ xích con Giôlicơ, sợ nó lại đua đòi mà đi theo Decbinô. Capi và Đônxơ cũng nằm dưới chân tôi. Thời gian trôi, Decbinô vẫn không về. Mi mắt tôi nặng dần, tôi ngủ lúc nào không biết.

    Khi tôi thức dậy thì mặt trời đã đứng bóng. Mấy giờ đã đi qua. Tôi không cần nhờ đến mặt trời mới biết là muộn, vì cái dạ dày tôi nó kêu rằng nó chỉ được một mẩu bánh mỳ con đã từ lâu rồi. Về phần những con chó và Giôlicơ, chúng cũng tỏ ra đói meo. Capi, Đônxơ bộ dạng ủ rũ. Giôlicơ nhăn nhó, kém hoạt động. Decbinô vẫn không thấy về. Tôi gọi. Tôi huýt sáo. Vô ích. Có lẽ nó ăn thịt no rồi, nằm khểnh ở bờ bụi nào cho dạ dày an nhàn tiêu hóa.

    Tình thế của tôi lúc đó rất khó xử: Nếu tôi đi thì con chó sẽ lạc đàn không trở về với chúng tôi được; nếu tôi cứ ở đây thì lấy tiền đâu ra mà ăn? Nhưng rồi cái sự ăn cần thiết hơn. Những con chó nhìn tôi thất vọng. Giôlicơ gãi bụng và kêu choe chóe tỏ ý không chịu được.

    Tôi liền cho Capi đi tìm bạn nó lần thứ hai. Nửa giờ sau nó trở về không và tỏ ý không tìm thấy bạn nó đâu cả.

    Làm thế nào bây giờ?

    Dẫu rằng Decbinô có tội vì cái thói xấu của nó đã đưa tôi vào một tình trạng ghê gớm, nhưng tôi không thể vì thế mà bỏ nó. Thầy tôi sẽ bảo tôi sao, khi thấy tôi trở về không đủ ba con chó? Vả lại, dù sao tôi cũng yêu nó. Tôi quyết định đợi nó đến chiều. Nhưng không thể ngồi không mà nghe dạ dày kêu đói. Phải tìm cách để khuây khỏa cho tôi và cho cả mấy con vật của tôi.

    Nhưng tìm cách gì bây giờ?

    Tôi chợt nhớ ra thầy tôi có nói rằng: Khi chiến tranh, nếu đạo quân mệt mỏi vì đi nhiều, người ta cho nghe những khúc nhạc vui vẻ và khích lệ thì quân lính quên cả nhọc.

    Tôi thử chơi những bài vui vẻ may ra có thể quên đói được phần nào. Nếu không quên được đói, thì khi hai con chó nhảy với Giôlicơ ít ra thì giờ cũng trôi nhanh hơn. Tôi cầm cây thụ cầm dựng ở gốc cây, quay lưng ra sông. Sau khi các nghệ sĩ của tôi đã chỉnh tề, tôi cử một bài khiêu vũ chậm rồi đến một bài khiêu vũ xoay tròn.

    Thoạt đầu, những đào kép của tôi nhảy rời rạc lắm vì mẩu bánh ban sáng không đủ kéo dài hơi sức, nhưng dần dà chúng hoạt bát hơn. Âm nhạc có hiệu lực hơn. Chúng tôi không nghe thấy tiếng dạ dày nữa, tôi để ý vào đàn, những bạn tôi để ý vào nhảy. Chợt tôi nghe thấy một tiếng trong trẻo, tiếng trẻ con, ở sau lưng tôi đưa ra:

    - Hoan hô!

    Tôi quay ra xem ai. Một chiếc thuyền lạ mắt, tôi chưa từng trông thấy cái nào như thế. Ngắn hơn các thuyền thường, boong không cao hơn mặt nước mấy. Trên boong có một căn phòng lắp kính. Trước phòng có mái hiên, những dây leo rủ từng chùm lá xanh cuống coi rất râm mát. Dưới hiên, tôi trông thấy hai người: Một thiếu phụ gương mặt cao quý nhưng hơi buồn, đứng cạnh một cậu con trai trạc tuổi tôi đang nằm thì phải. Có lẽ chính cậu bé này đã "hoan hô".

    Tôi cất mũ chào người đã khen tôi. Thiếu phụ hỏi tôi:

    - Có phải em chơi một mình cho vui không?

    Bà nói giọng người ngoại quốc. Tôi đáp:

    - Thưa bà, tôi chơi cho các con vật của tôi vui và cũng để tôi giải trí nữa. Cậu bé ra hiệu, bà mẹ cúi xuống. Đoạn bà ngẩng lên hỏi tôi:

    - Em tiếp tục diễn cho chúng tôi coi.

    Không để bà nói đến hai lời, tôi liền hỏi:

    - Bà muốn xem khiêu vũ hay diễn kịch?

    Cậu bé kêu lên:

    - Diễn kịch!

    Nhưng thiếu phụ lại muốn xem khiêu vũ. Cậu bé lại kêu:

    - Khiêu vũ ngắn quá!

    - Khiêu vũ xong, nếu quý vị muốn, chúng tôi xin trình bày một vài trò như các phường xiếc Pari.

    Đó là câu nói thường xuyên của thầy tôi, tôi đem nhắc lại để lấy thanh thế. Nghĩ kỹ rồi, tôi đồng ý không diễn kịch vì nhiều lẽ: Trước hết thiếu Decbinô, sau nữa không có đủ quần áo, đủ mũ cho đào kép.

    Tôi lại cầm cây chơi bài Valsơ. Tức thì Capi lấy hai chân trước ôm Đônxơ và quay theo điều nhạc. Đến lượt Giôlicơ ra nhảy một mình. Rồi lần lượt tôi cho ra hết chương trình của chúng tôi. Chúng tôi không thấy mệt. Những nghệ sĩ của tôi chắc chắn đã hiểu sẽ có thù lao nên chúng trổ hết tài cũng như tôi cố nắn nót tiếng đàn thật thiết tha.

    Trong khi chúng tôi đang diễn, bỗng Decbinô ở trong bụi rậm vượt ra chạy vào giữa hai bạn nó và diễn theo vai trò của nó.

    Tôi vừa chơi đàn vừa trông cậu bé. Tôi ngạc nhiên thấy cậu ấy tuy rất chú ý đến trò, nhưng không hề nhúc nhích. Cậu nằm ngay như khúc gỗ, chỉ thấy hai cánh tay cử động để vỗ khen chúng tôi mà thôi. Cậu này bị liệt chăng? Mà hình như thân cậu bị buộc vào một tấm ván.

    Dần dần, gió đưa chiếc thuyền áp hẳn vào cạnh bờ, nơi tôi đứng. Bây giờ tôi nhìn rõ cậu bé như tôi ở dưới thuyền. Tóc cậu vàng hoe, mặt xanh xao, trông rõ những gân xanh xanh trên trán. Vẻ mềm mại, yếu ớt và như có nét buồn thoáng qua. Chợt thiếu phụ hỏi tôi:

    - Em lấy bao nhiêu một người?

    - Bà cho bao nhiêu cũng được. Cậu bé nói:

    - Mẹ trả kha khá cho người ta.

    Rồi cậu nói bằng tiếng gì. Tôi nghe không hiểu. Xong bà mẹ nói:

    - Actơ muốn xem gần những vai trò của em.

    Tôi ra hiệu cho Capi, nó lấy đà nhảy vọt vào thuyền. Actơ kêu:

    - Còn những con khác đâu?

    Decbinô và Đônxơ liền nhảy theo sang với bạn.

    - Còn con khỉ?

    Giôlicơ có thể nhảy sang một cách dễ dàng. Nhưng tôi không dám tin nó. Một khi sang thuyền, sợ nó giở những trò không được lịch sự với thiếu phụ chăng? Thiếu phụ hỏi:

    - Nó dữ à?

    - Thưa bà, không. Nhưng nó thường không chịu vâng lời. Sợ nó có điều gì vô lễ chăng?

    - Vậy em đem nó sang đây.

    Nói xong, bà liền ra hiệu cho người đàn ông ngồi ở lái thuyền. Người này lại đầu thuyền bắc tấm ván lên bờ làm cầu. Tôi vác đàn, tay bế Giôlicơ bước sang thuyền. Actơ reo:

    - A! Con khỉ! Con khỉ!

    Tôi lại gần cậu bé. Khi cậu vuốt ve con khỉ, tôi có dịp nhìn kỹ cậu. Lạ thực, thân cậu buộc vào tấm ván như tôi đoán lúc đầu thực. Thiếu phụ hỏi tôi:

    - Em ơi! Em còn cha chứ?

    - Có, nhưng bây giờ cháu sống một mình!

    - Vậy cha đi vắng trong bao lâu?

    - Trong hai tháng.

    - Hai tháng. Tội nghiệp! Một tí thế này, em phải lang thang một mình? Và trong một thời gian lâu thế?

    - Thưa bà, bắt buộc phải thế!

    - Cha em bắt phải kiếm tiền trong hai tháng đó để đem về?

    - Thưa bà, không. Cha cháu không buộc gì cả. Miễn là kiếm tiền đủ nuôi tôi và các con vật của tôi thôi.

    - Cho tới nay em vẫn kiếm được đủ ăn chứ?

    Tôi ngập ngừng không trả lời. Tôi chưa từng trông thấy một bà nào lại có một vẻ phúc hậu và đáng kính như bà. Bà nói với tôi một cách rất tử tế ân cần. Tiếng nói của bà êm ái, đôi mắt của bà rất dịu dàng và đáng tin cậy, nên tôi định đem chuyện kể cho bà nghe. Vả lại, tại sao lại im?

    Tôi liền kể lại, thầy Vitali, chỉ vì bảo vệ cho tôi mà bị ngồi tù và từ khi rời Tuludơ, tôi chẳng kiếm được đồng nào.

    Khi tôi nói chuyện với bà, Actơ chơi với mấy con chó. Tuy nhiên cậu vẫn để ý nghe tôi nói. Cậu hỏi:

    - Vậy tất cả "đoàn" của anh chắc bị đói lắm?

    Nghe tiếng đói, các bạn tôi hiểu nghĩa, tức thì ba con chó ăng ẳng sủa lên và con khỉ ôm bụng nhăn nhó. Actơ gọi:

    - Mẹ ơi!

    Bà mẹ hiểu ý con, liền bảo một người đàn bà đứng ở cửa phòng bằng vài tiếng ngoại quốc. Tức thì người đàn bà đó bưng ra một bàn thịnh soạn. Bà chủ nói:

    - Con ơi! Ngồi xuống đây.

    Tôi không làm khách, đặt luôn đàn xuống và ngồi vào bàn. Ba con chó đến chung quanh tôi. Giôlicơ leo lên đùi tôi ngồi. Actơ hỏi tôi:

    - Những con chó của anh có biết ăn bánh mì không?

    - Có.

    Tôi cho mỗi con một miếng. Chúng ăn lấy ăn để. Actơ lại hỏi tôi:

    - Còn con khỉ?

    Không cần phải săn sóc đến nó. Tôi mải cho chó ăn, nó đã vồ một miếng bánh nhân thịt, nhảy xuống gầm bàn, nuốt vội và đang mắc nghẹn kief.

    Đến lượt tôi, tôi cầm một khoanh bánh. Tôi, tuy không đến nỗi bị nghẹn như Giôlicơ, nhưng cũng nuốt nhanh không kém nó. Bà Actơ vừa rót thêm rượu bia vào cốc tôi, vừa nói:

    - Tội nghiệp cho con quá!

    Còn cậu Actơ không nói gì, nhìn chúng tôi không hề chớp mắt, chắc phải kinh dị vì thấy chúng tôi ăn uống như vũ như bão, đến cả con Decbinô đã lửng dạ vì miếng thịt cướp ở dọc đường, cũng không chịu thua. Actơ hỏi tôi:

    - Nếu anh không gặp chúng tôi thì chiều nay, anh ăn ở đâu?

    - Có lẽ chúng tôi không ăn.

    - Thế ngày mai, các anh ăn ở đâu?

    - Ngày mai, may ra lại được quý khán giả như hôm nay.

    Actơ thôi nói chuyện với tôi, quay về phía bà mẹ. Hai người đàm thoại bằng tiếng ngoại quốc hồi lâu. Chợt Actơ quay đầu về phía tôi hỏi:

    - Anh có thể ở đây với chúng tôi được không?

    Tôi nhìn cậu và không trả lời được vì câu hỏi đột ngột đó.

    - Actơ hỏi con có bằng lòng ở đây với chúng ta không?

    - Trong thuyền này?

    - Phải, ở trong thuyền. Con ta ốm, bác sĩ cấm không cho cử động, thân thể phải buộc kèm vào tấm ván như con đã trông thấy. Để cho em khỏi buồn, ta cho em đi rong chơi bằng thuyền. Con ở đây với ta. Mấy con chó và con khỉ sẽ diễn trò cho khán giả là Actơ xem. Còn con, nếu con muốn, con ơi, con sẽ chơi đàn cho ta nghe. Như thế, con sẽ giúp việc cho ta và ta cũng có ích cho con phần nào. Ngày ngày con không phải đi lang thang để tìm khán giả, mà cũng không dễ dàng đâu, nhất là con mới có bấy nhiêu tuổi đầu.

    Đi thuyền! Từ bé tôi chưa được đi thuyền bao giờ! Nay tôi sắp được sống trong thuyền, trên mặt nước, thơ mộng quá, lòng tôi sung sướng biết bao!

    Thực là một dịp may cho tôi. Và bà mẹ Actơ đã tử tế biết dường nào! Nghĩ ngợi trong giây lát, tôi chạy lại cầm tay bà và hôn. Cảm động về tấm lòng chân thành của tôi, bà âu yếm xoa đầu tôi và nói:

    - Tội nghiệp quá!

    Để bày tỏ thiện chí và lòng biết ơn của tôi, tôi xách đàn ra mũi thuyền, bắt đầu dạo mấy tiếng. Ngay lúc đó, bà cầm một cái còi bằng bạc để lên miệng, huýt một tiếng dài. Tôi ngừng tay, không hiểu tại sao bà lại huýt còi: Bà chê tôi đánh dở hay bảo tôi thôi? Actơ hiểu ý tôi, vội bảo:

    - Mẹ tôi ra hiệu cho ngựa đi đấy!

    Thực vậy, con thuyền do ngựa kéo rời bến, rồi từ từ tiến trên mặt nước phẳng lặng của con sông. Nước vỗ vào mạn thuyền róc rách, hai bên bờ cây cối chạy ngược về phía sau dưới ánh nắng xiên khoai của buổi hoàng hôn. Actơ bảo tôi:

    - Anh cứ chơi đàn đi!

    Rồi Actơ gọi mẹ đến ngồi bên cạnh, âu yếm ôm lấy tay mẹ trong suốt thời gian tôi chơi những bản đàn mà thầy tôi đã dạy tôi.
     
    Ưu Đàm Thanh Ti thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng mười hai 2021
  3. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,903
    Chương 12: Người bạn đầu tiên của tôi

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bà mẹ Actơ là người Anh, tên gọi Miligơn. Bà góa chồng và tôi tin tưởng Actơ là con một của bà - nhưng sau tôi được biết là bà còn có người con đầu lòng bị mất tích trong một trường hợp bí ẩn mà người ta không tìm thấy dấu vết gì. Việc đó xảy ra khi ông Miligơn hấp hối, còn bà Miligơn thì ốm trầm trọng, mê mẩn không biết gì. Khi bà tỉnh dậy thì chồng đã ra người thiên cổ và con cũng biệt tích từ bao giờ. Việc tìm kiếm bà giao cho ông Giêm là em chồng bà. Người ta thấy có sự bất lợi trong sự ủy thác đó, vì nếu chồng bà chết mà không có con thì đến lượt Giêm được thừa hưởng sản nghiệp của người quá cố.

    Tuy vậy, ông Giêm không được quyền thừa kế đó, là vì sáu tháng sau khi chồng mất, bà sinh hạ được một người con trai, đó chính là cậu Actơ bây giờ.

    Nhưng đứa con trai đó mảnh dẻ, yếu ớt, khó lòng nuôi được. Các thầy thuốc bảo thế, ngày một ngày hai nó sẽ chết. Đến lúc đó Giêm sẽ đương nhiên được hưởng tước vị và tài sản của anh, vì luật lệ về quyền thừa kế của mỗi nước một khác, nên ở nước Anh, một trong vài trường hợp người anh mất đi, em có quyền thừa kế, người vợ góa phải chịu thiệt thòi.

    Cháu trai ra đời làm cho Giêm thất vọng, nhưng không phải tuyệt vọng vì ông ta có thể đợi. Ông ta đã đợi!

    Những lời tiên đoán của thầy thuốc không nghiệm. Đứa bé tuy ẻo lả thật, nhưng nó vẫn dai dẳng, không chết, có hy vọng nuôi được. Đó là nhờ lòng hy sinh săn sóc của bà mẹ. Và ơn Thượng Đế, đó cũng là một sự kỳ diệu.

    Đã hai mươi lần người ta tưởng nó chết, đã hai mươi lần nó lại được cứu sống Rồi cứ quặt quẹo luôn, có khi hàng trăm thứ bệnh dồn vào mình nó.

    Gần đây, nó mắc chứng đau xương hông. Thầy thuốc khuyên đi tắm ở suối nước có chất lưu hoàng. Bà Miligơn không quản ngại, đã sang Pháp tìm đến núi Pyrênê, nhưng dùng nước suối đó vô hiệu. Một danh y lại cho cách điều trị khác là giữ cho thân thể bệnh nhân nằm thẳng, không được bước chân xuống đất. Vì thế bà Miligơn phải đặt làm ở Booc-đô cái thuyền lạ kiểu, mà hiện thời tôi đang nương náu ở đó.

    Bà nghĩ không thể giam con mãi trong nhà được. Nó sẽ chết mòn vì buồn và thiếu khí lành. Actơ không đi được thì cái nhà sẽ đi thay cho Actơ.

    Người ta đã chế cái thuyền thành một thứ nhà nổi, có buồng ngủ, có bếp, có phòng khách và hiên ngồi hóng mát. Thuyền đó được đặt tên là Thiên Nga. Chính ở trong phòng khách ấy hay ở dưới mái hiên ấy, tùy theo tiết trời, Actơ ra nằm đó từ sáng đến chiều, chuyện trò với mẹ, hay nhìn phong cảnh luôn luôn diễn ra trước mắt, không mất công di chuyển và cũng không phải nhọc nhằn gì. Con thuyền khởi hành từ Boo-đô đã hơn một tháng nay rồi. Sau khi ngược sông Garon, thuyền vào sông Nam. Nhờ sông này, thuyền qua những cừ, những lạch, lượn theo ven bờ biển Địa Trung Hải để đến sông Rôn. Lại ngược sông Rôn và phụ lưu Xôn để sang sông Loa, đến tỉnh Bria thì rẽ vào sông đào tỉnh ấy. Rồi từ sông này vào sông Xen, xuôi xuống hải cảng Ruăng. Ở đó, bà Miligơn cùng con sẽ đáp tàu về Anh.

    Hôm tôi xuống thuyền, tôi chỉ biết cái buồng dành cho tôi thôi. Mặc dầu nó dài chừng hai mét, rộng độ một mét, nhưng rất mỹ lệ và sạch sẽ. Đồ đạc trong buồng chỉ có một cái tủ thấp, nhưng cái tủ này chẳng khác gì cái chai của một nhà vật lý học, bên trong chứa đựng không biết bao nhiêu là thứ. Mở nắp tủ ra, người ta thấy một cái giường tủ đệm, gối, chăn. Dưới giường là một ngăn kéo có đủ các thứ dùng cho việc tắm rửa. Dưới ngăn kéo lại có cái ngăn kéo thứ hai chia làm nhiều ô để xếp quần áo. Không có bàn, không có ghế. Nhưng ở đầu giường, có một tấm gỗ xinh xắn, đóng vào bức ngăn, hạ xuống thành cái ghế dựa. Một cái cửa sổ tròn, khoét ra ở sườn thuyền, có cánh lồng kính, dùng để lấy ánh sáng và thay đổi khí trời.

    Những bức ngăn, đều bằng gỗ thông sơn bóng. Trên sàn trải một cái khăn bằng vải sơn kẻ ô vuông đen và trắng. Cái buồng này không những đẹp mắt mà còn làm cho lòng tôi thích thú nữa.

    Sau khi cởi áo rồi, lên giường nằm, tôi có một cảm giác êm đềm mới. Lần đầu tiên tôi đặt mình trên cái khăn trải giường mịn màng, không cào vào da. Ở nhà mẹ tôi, tôi nằm trên cái khăn bằng gai thô ráp. Đi với thầy tôi, chúng tôi thường ngủ trên rơm, trên cỏ, có khi vào nhà trọ thì chỗ nằm chẳng hơn ổ súc vật bao nhiêu.

    Ôi! Cái chăn mềm ấm và thơm tho biết bao! Cái nệm êm ái hơn ổ lá thông đêm trước rất nhiều. Cái tĩnh lặng ban đêm không làm cho tôi lo lắng, bóng tôi cũng không chập chờn như ma nữa! Và cả những ngôi sao nhìn tôi qua cửa sổ, khích lệ tôi và hứa hẹn rất nhiều.

    Tuy được ngủ ngon trên chiếc giường êm ấm, tôi không quên dậy sớm, vì tôi vẫn nghĩ đến những bạn tôi không biết đêm qua ngủ nghê thế nào.

    Tôi thấy tất cả các bạn tôi đều nằm yên ở chỗ tối qua tôi xếp đặt và ngủ dài như ở nhà mình. Khi tôi lại gần, những con chó thức dậy, vui mừng chạy lại cho tôi vuốt ve. Còn Giôlicơ tuy một mắt đã hé mở, nhưng không cử động và nó cứ ngáy khò khò như tiếng kèn hai ống.

    Thấy thế tôi hiểu ngay. Ngài Giôlicơ bản chất hay chạnh lòng, mỗi khi phật ý thì giận rất lâu. Vì hoàn cảnh bắt buộc, hôm qua tôi không để ngài ngủ trong phòng cùng tôi, nên ngài giận và giả vờ ngủ. Tôi không làm sao cắt nghĩa cho Giôlicơ hiểu được rằng tôi buộc lòng phải để cho nó ngủ ngoài sân. Tôi liền bế nó lên tay vuốt ve nó và tỏ lòng áy náy của tôi. Thoạt nhiên, nó cứ hờn dỗi mãi, một lúc lâu, vì tính hiếu động, nó nghĩ đến việc khác rồi ra hiệu cho tôi biết nếu cho nó lên bộ chơi một lúc, thì nó không giận nữa. Lúc đó người lái thuyền đã dậy và đang lau sàn. Tôi nhờ bác ta bắc cầu cho tôi cùng các con vật lên cánh đồng cỏ chơi một lúc.

    Tôi chơi đùa với các con chó và Giôlicơ. Tôi chạy, tôi nhảy, tôi leo cây. Thời giờ đi nhanh quá. Khi chúng tôi trở về thuyền thì hai con ngựa đã buộc dây sẵn sàng vào lệnh chạy. Chúng tôi vội vàng xuống thuyền. Vài phút sau, người chân sào tháo dây ở bờ ra rút cầu. Người kéo thuyền lên mình ngựa. Tiếng dây kèn kẹt: Chúng tôi bắt đầu đi.

    Đi thuyền mới thú biết bao! Những con ngựa chạy đều trên bờ. Chúng tôi lướt nhẹ nhàng trên mặt nước. Cây côi hai bên bờ chạy lùi về phía sau chúng tôi. Người ta chỉ nghe thấy tiếng nước róc rách vỗ vào mạn thuyền lẫn tiếng nhạc đồng hồ đeo ở cổ con ngựa ở trên bờ.

    Đứng ở trên bao lơn thuyền, tôi nhìn những cây bạch dương, rễ bò trong đám cỏ tươi, lá hiu hiu động trong bầu không khí ban mai tĩnh lặng. Rặng cây bạch dương xếp thành hàng dọc theo bờ sông như một tấm màn màu lục, ngăn ánh nắng xiên khoai, chỉ để lọt qua kẽ lá một vài tia nắng dịu dàng. Mặt sông có chỗ nước đen thẫm như phủ trên những vực sâu, có chỗ nước trong vắt trông rõ cả những viên sỏi bóng loáng và những đám cỏ mịn như nhung dưới đáy sông.

    Tôi đang mải ngắm cảnh, chợt có tiếng gọi tôi ở phía sau. Tôi quay lại và thấy cậu Actơ. Người ta đã đưa cậu ra nằm chơi ở đó. Mẹ cậu ngồi bên cạnh. Actơ nói:

    - Đêm qua anh ngủ ngon hơn ở cánh đồng chứ?

    Tôi chạy lại gần, tìm những câu lễ phép để trả lời cậu và mẹ cậu. Cậu hỏi:

    - Những con chó đâu?

    Tôi gọi chúng đến. Những con chó vừa đến vừa giơ tay chào; Giôlicơ nhăn mặt cúi đầu. Chúng tưởng sắp có cuộc diễn trò. Nhưng sáng này không phải làm gì cả. Bà Miligơn cho con nằm ở chỗ khuất nắng và bà ngồi bên cạnh. Bà bảo tôi:

    - Con đem những con chó và khỉ ra chỗ khác chơi, để chúng ta làm việc.

    Tôi theo lời, đưa đàn chó và Giôlicơ ra mũi thuyền.

    Cậu bé tàn tật cũng có thể làm việc được sao?

    Tôi nhìn thấy mẹ cậu cầm quyển sách đọc từng câu và bắt cậu nhắc lại. Nằm trên tấm ván, cậu miệng lẩm nhẩm nhắc những câu mẹ đọc.

    Cậu nhắc khó nhọc lắm, nhắc lại ba tiếng cũng không trơn tru, nhiều khi còn nhầm lẫn nữa. Bà mẹ kiên nhẫn sửa lại nhiều lần những câu sai đó một cách dịu dàng, không kém phần cương nghị. Bà nói:

    - Con không thuộc bài ngụ ngôn của con rồi.

    Actơ kêu bằng một giọng chán nản:

    - Ồ! Hôm nay con đọc sai hơn hôm qua nhiều.

    - Con vẫn cố học.

    - Và con chẳng thuộc gì cả.

    - Con không thể học thuộc được.

    - Tại sao?

    - Con không biết.. bởi vì con không thể học thuộc được.. con ốm.

    - Óc con không ốm. Mẹ không bằng lòng con không học gì. Con cứ lấy nê ốm mà không học thì lớn lên con sẽ dốt nát. Bà Miligơn tỏ ra nghiêm nghị, nhưng bà nói rất ôn tồn, êm ái:

    - Tại sao con chán học bài?

    - Thưa mẹ, con không sao học được, quả thật con không sao học được.

    Rồi Actơ khóc òa lên. Nhưng bà không chuyển lòng mặc dầu bà vẫn thương con. Bà hỏi:

    - Hôm nay mẹ định học xong, thì cho con chơi với Rêmi và đàn chó. Nhưng con lại không học thuộc thì chơi làm sao được?

    Nói xong, bà đưa sách cho con và bước vài bước định vào trong phòng để mặc cho con nằm trên tấm ván.

    Actơ khóc nức nở. Ở ngoài mũi thuyền tôi cũng nghe thấy tiếng nghẹn ngào của cậu.

    Bà Miligơn sao lại quá nghiêm khắc với đứa con ốm yếu mà bà thương yêu nhất đời thế? Cậu không thuộc được bài, không phải lỗi tại cậu, mà là do bệnh tật sinh ra. Bà định bỏ con nằm một mình ở đó và không an ủi con lời nào hay sao?

    Không. Bà không bỏ con nằm đó. Định vào trong phòng, nhưng bà lại trở lại. Bà nói:

    - Vậy mẹ cùng học với con nhé?

    - Thưa mẹ, cùng học, vâng.

    Bà liền ngồi cạnh con, cầm lấy sách và đọc rất thong thả bài ngụ ngôn chó sói và con cừu non. Actơ theo mẹ nhắc lại từng tiếng từng câu.

    Bà đọc như thế ba lần, xong bà trao sách cho Actơ bảo con tập học một mình và bà vào trong thuyền.

    Actơ tiếp tục học bài ngụ ngôn. Ở chỗ tôi ngồi, tôi nhìn rõ môi cậu lắp bắp.

    Cậu cũng biết nghe lời mẹ và chịu khó đấy chứ!

    Nhưng sự chăm chú ấy không được lâu. Lát sau cậu nhìn ra ngoài quyển sách, môi cử động chậm dần, rồi im bặt. Cậu không đọc nữa, không nhẩm nữa. Cậu nhìn quanh nhìn quẩn và trông thấy tôi. Tôi giơ tay làm hiệu, khuyến khích cho cậu tiếp tục học bài. Cậu mỉm cười như để cảm ơn tôi, rồi lại nhìn vào quyển sách.

    Nhưng được một lát, cậu lại nhìn ra bờ sông, hết bờ này sang bờ kia.

    Lúc đó, tôi vô tình đứng dậy, làm cho cậu để ý nhìn tôi, tôi trỏ vào quyển sách, cậu luống cuống, lại nhẩm bài.

    Không may, hai phút sau, có con chim bay vụt như một mũi tên ngang sông, qua đầu thuyền để lại sau nó một vệt màu lam.

    Actơ nghển đầu nhìn theo. Khi con trả đã biến rồi, cậu nhìn tôi và nói:

    - Anh ơi! Tôi muốn học lắm, nhưng..

    Tôi lại gần cậu và nói:

    - Bài ngụ ngôn này không khó lắm đâu.

    - Ồ! Khó lắm chứ!

    - Tôi thấy dễ. Nghe bà đọc ban nãy, tôi đã nhớ cả rồi.

    Cậu mỉm cười có ý nghi ngờ.

    - Cậu có muốn tôi đọc lại cho cậu nghe không?

    - Đọc làm sao được. Cậu cầm sách dò, tôi cố đọc xem có đúng không.

    Cậu cầm sách nhìn, tôi đọc lại. Cậu chỉ phải chữa một hai tiếng tôi quên thôi. Cậu nói:

    - Thế anh thuộc thực à?

    - Không được thuộc lắm. Nhưng bây giờ tôi có thể đọc lại không sai.

    - Anh làm thế nào mà thuộc được.

    - Tôi nghe bà đọc, nghe một cách rất chăm chú, không để ý hoặc nhìn những vật xung quanh tôi. Cậu đỏ mặt, nhìn ra chỗ khác. Xong, hết thẹn, cậu bảo tôi:

    - Tôi đã hiểu cách nghe của anh thế nào rồi. Tôi sẽ cũng nghe như anh. Nhưng anh làm thế nào mà được tất cả những tiếng ngổn ngang ấy trong óc? Nó cứ rối bời trong trí nhớ của tôi.

    Tôi đã làm thế nào? Tôi cũng không biết vì không bao giờ tôi để ý đến điều đó. Tuy nhiên, tôi cũng theo kinh nghiệm của tôi, cắt nghĩa cho cậu nghe, tôi nói:

    - Bài ngụ ngôn nói về cái gì? Về con cừu. Tôi bắt đầu nghĩ đến những con cừu. Rồi tôi nghĩ đến chúng nó làm gì? "Những con cừu đang ở yên lành trong chuồng". Tôi trông thấy những con cừu nằm và ngủ trong vườn, vì chúng được yên ổn. Và đã nhìn thấy chúng, tôi không quên được nữa.

    Cậu nói:

    - Phải đấy, tôi cũng trông thấy chúng: "Những con cừu ở yên trong chuồng". Tôi trông có con trắng, có con đen, tôi trông thấy cả những con cừu cái, cừu con. Tôi trông thấy cả chuồng rào giậu thưa.

    - Như vậy cậu không quên được nữa chứ?

    - Ồ! Không quên được.

    - Thường thì ai giữ việc chăn cừu?

    - Những con chó.

    - Khi chúng không cần coi cừu, vì những con này đã được an toàn thì chúng làm gì?

    - Chúng chả làm gì cả.

    - Lúc đó chúng có thể ngủ được. Vậy ta nói: "Những con chó nằm ngủ cả".

    - Chính thế! Dễ quá.

    - Có phải dễ lắm không? Bây giờ, ta nghĩ đến cái khác. Ai thường coi cừu cùng với chó?

    - Người chăn cừu.

    - Nếu những con cừu được yên lành, người chăn cừu ngồi rôi, thì anh ta dùng thì giờ để làm gì?

    - Để thổi sáo.

    - Cậu có nhìn thấy không?

    - Có.

    - Vậy anh ta ở đâu?

    - Dưới bóng cây du to.

    - Anh ta chơi một mình phải không?

    - Không. Anh ta chơi với những anh chăn cừu láng giềng khác.

    - Bây giờ cậu đã trông thấy cừu, thấy chuồng, thấy chó và người chăn cừu. Vậy có thể nhắc lại không sai đoạn đầu bài ngụ ngôn được không?

    - May ra thì được.

    - Cậu cố nhắc lại xem.

    Nghe tôi nói và cắt nghĩa bài học như thế nào cho chóng thuộc, Actơ nhìn tôi vừa cảm động vừa e sợ vì không tin điều tôi nói là thật. Tuy nhiên, sau vài giây ngập ngừng, cậu nhất định đọc:

    - "Những con cừu ở yên lành trong chuồng. Những con chó nằm ngủ cả. Người chăn cừu ngồi dưới bóng cây du đang thổi sáo chơi cùng các bạn khác". Xong cậu vỗ tay reo:

    - Tôi thuộc hết, không sai chữ nào!

    - Vậy cứ theo cách đó, cậu học các đoạn sau.

    - Ừ! Với anh tôi tin rằng tôi có thể học thuộc hết được. A! Mẹ tôi sẽ sung sướng biết bao.

    Rồi cậu theo cách học đoạn đầu, cậu tiếp tục đọc các đoạn sau.

    Không tới mười lăm phút, cậu thuộc hết và đọc rất trôi chảy. Khi cậu đọc vừa xong, thì mẹ cậu ở trong ra, đứng sau chúng tôi.

    Thoạt tiên, bà có ý không bằng lòng, tưởng chúng tôi họp nhau để chơi, nhưng Actơ không để bà hỏi, nói luôn:

    - Mẹ ơi! Con thuộc rồi! Chính Rêmi đã dạy con học đấy!

    Bà Miligơn ngạc nhiên nhìn tôi. Bà định hỏi tôi thì Actơ không chờ mẹ bảo, đọc luôn bài ngụ ngôn một mạch, không ngập ngừng và không sai chữ nào, đôi mắt sáng ngời đắc thắng.

    Trong khi đó, tôi nhìn bà Miligơn, gương mặt kiều diễm của bà tươi hẳn lên, hai mắt long lanh ướt. Bà cúi xuống ôm lấy con hôn, không biết bà có khóc không. Actơ nói với mẹ:

    - Những chữ suông không nghĩa lý gì, nhưng những vật thì người ta nhìn thấy. Rêmi bảo con nhìn thấy người chăn cừu với cây sáo của anh ta. Khi con học con không nghĩ tới mọi thứ chung quanh con, con chỉ nhìn thấy cây sáo của người chăn cừu và con nghe thấy cả điệu sáo thổi nữa. Mẹ muốn nghe con hát điệu đó không?

    Rồi cậu hát, một bài điệu hơi buồn bằng tiếng Anh.

    Lần này thì bà Miligơn khóc thật sự. Khi bà đứng lên, tôi trông thấy mấy giọtnước mắt của bà trên má Áctơ. Bà lại gần tôi, cầm tay tôi. Bà xiết tay tôi thật nhẹnhàng êm ái, làm cho tôi cảm động. Bà nói:

    - Cháu là một đứa bé ngoan.

    Tôi kể lể đầy đủ câu chuyện nhỏ vừa xảy ra đây để cho mọi người hiểu sự thayđối về địa vị của tôi bắt đầu từ ngày hôm ấy. Hôm trước người ta coi tôi là một thằngbé làm xiếc chó, khỉ và dùng tôi với những con chó, con khỉ của tôi để làm vui chomột cậu bé ốm. Nhưng cái việc học bài vừa rồi đã tách tôi ra khỏi bầy chó và khỉ. Tôitrở thành một người bạn, gần như một người bạn thân của Áctơ.

    Phải nói ngay cái chuyện này mà mãi về sau tôi mới biết: Đó là việc bà Miligơnrất buồn lòng nhận thấy con bà không học hành gì được cả, hay nói đúng hơn, khôngthể học hành gì được. Tuy rằng nó ốm nhưng bà vẫn muốn cho nó học tập. Ấy cũngvì bệnh còn kéo dài nên bà muốn ngay từ bây giờ rèn cho trí óc thằng bé những tậpquán thích hợp để tới khi nó khỏi bệnh thì nó có thể học bù lại cái thời gian đã bỏmất.

    Nhưng cho tới ngày hôm đó, bà đã không thành công. Áctơ không phải là mộtđứa bé ương bướng, không chịu học, nhưng nó không tài nào tập trung tư tưởng, không tài nào chuyên cần cho được. Đưa sách vào tay nó thì nó không phản kháng, nó gần như vui lòng xòe tay ra để nhận lấy là khác. Nhưng mà trí óc nó thì nó lạikhông mở ra. Y như một cái máy, nó nhắc lại một cách vô ý thức những chữ người tacố nhồi vào trong đầu óc nó, chữ được chữ mất, có thể nói mất nhiều hơn là được.

    Do đó mẹ nó rất buồn và thất vọng về nó. Cũng do đó, bà rất hài lòng khinghe nó đọc thuộc một bài ngụ ngôn vừa học cùng với tôi trong nửa tiếng đồng hồ.

    Cũng cái bài ngụ ngôn đấy, bà ta đã mất mấy ngày trời mà không tài nào làm cho nónhớ được.

    Bây giờ, khi nghĩ tới những ngày sống trên thuyền gần bà Miligơn và Áctơ, tôithấy đó là những ngày tươi đẹp nhất trong thời niên thiếu của tôi. Áctơ yêu tôi bằngmột tình bạn nồng nhiệt, về phía tôi, một mối thiện cảm tự nhiên đã làm cho tôi coi nónhư anh em ruột thịt, không suy nghĩ gì. Chúng tôi không cãi nhau bao giờ. Mặc dù làchủ nhân, chẳng khi nào nó mảy may có ý trịnh thượng với tôi. Và riêng tôi cũngkhông thấy mảy may rụt rè lúng túng với nó. Tôi không hề nghĩ là mình có thể nhưthế.

    Cái đó chắc là do tôi ít tuổi mà chưa am hiểu việc đời. Nhưng mà chắc chắnmột phần nào cũng do tính tình tế nhị và lòng tốt của bà Miligơn. Bà thường nói năngvới tôi như thể tôi là con của bà vậy.

    Vả lại cuộc du hành trên thuyền này thật là kỳ diệu. Chẳng có giờ phút nàobuồn chán hay mệt nhọc.

    Từ sáng chí tối, tất cả giờ giấc của chúng tôi đều được sử dụng đầy đủ.

    Từ khi có con đường xe lửa thì người ta không tới xem kênh Nam và cũngchẳng buồn biết đến con sông đào ấy nữa. Ấy thế mà nó là một trong những cảnh kỳthú của nước Pháp đấy.

    Từ Vinlơphăngxơ đơ Lôraghê chúng tôi đi Avinhônnê, rồi từ Avinhônnê đi vàomiền núi đá Nôrudơ. Ở Nôrudơ có đài kỷ niệm ông Rikê, người đã đào ra con kênhnày. Đài dựng ngay trên đường phân thủy giữa những con sông chảy ra Đại Tây

    Dương và những con sông chảy ra Địa Trung Hải.

    Rồi chúng tôi đi qua Caxtennôđary, thành phố của máy xay, đoạn xuyên qua

    Cáccátxôn, thành phố trung cổ. Chúng tôi vượt cống Phuxơran rất đáng xem vì có támngăn phối hợp. Từ cống ấy thuyền đổ xuống Bêđiê.

    Ở miền nào đẹp mắt thì mỗi ngày chúng tôi đi chỉ mấy dặm. Trái lại qua nơinào phong cảnh đơn điệu chúng tôi đi nhanh hơn.

    Tùy phong cảnh hai bên đường mà chúng tôi đi hay ở, đi chậm hoặc đi nhanh. Chúng tôi không vướng víu về những việc có thể làm bận tâm những khách đi đườngkhác. Chúng tôi không cần phải đi những đoạn đường dài để cho tới một quán trọ mớichắc chắn là có chỗ ăn chỗ ngủ. Cứ đúng giờ là bữa ăn dọn ra dưới mái hiên. Chúngtôi vừa ăn vừa bình thản ngắm quang cảnh mỗi lúc mỗi thay đổi hai bên bờ. Về chiều, bất luận gặp trời tối chỗ nào là chúng tôi đỗ lại ở chỗ ấy cho đến khi trời sáng.

    Tuy là đi nhưng lại luôn luôn ở trong nhà mình nên chúng tôi không hề cónhững buổi tối nhàn rỗi vô sự thường thường là buồn tẻ và dài dằng dặc với khách dulịch thông thường. Trái lại đối với chúng tôi, thời giờ buổi tối dường như ngắn ngủiquá. Giờ đi ngủ chợt đến vào lúc chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện ngủ nghê tí nào.

    Khi thuyển đỗ lại, nếu trời lạnh thì mọi người đều ở trong phòng khách. Ngườita đốt một ngọn lửa nhỏ để xua tan khí ẩm ướt và sương mù có hại cho sức khỏengười ốm. Rồi người ta mang đèn ra. Áctơ được đặt nằm trước bàn. Tôi ngồi gần nó.

    Bà Miligơn giở cho chúng tôi xem những quyển sách tranh và những tập ảnh. Cũngnhư con thuyền được đóng riêng để phục vụ cuộc hành trình đặc biệt trên sông này, những sách vở và tranh ảnh ở đây đã được lựa chọn thích hợp với cuộc du lịch.

    Khi chúng tôi bắt đầu mỏi mắt thì bà Miligơn lại mở một quyển sách ra đọccho chúng tôi nghe những đoạn chúng tôi ưa thích và có thể hiểu được. Hoặc là gấptất cả sách, ảnh lại bà kể cho chúng tôi nghe những truyền thuyết, những sự kiện lịchsử liên quan đến các vùng vừa đi qua. Bà vừa kể vừa chăm chú nhìn vào mặt con bà.

    Thật là cảm động khi thấy bà không tiếc công phu khó nhọc để tìm những từ vừa ý, dùng những chữ thật dễ hiểu.

    Trong những buổi tối đẹp trời, tôi cũng đóng một vai trò tích cực. Tôi xách câythụ cầm đi lên bộ tìm đến một chỗ hơi xa một chút, đứng nấp vào bóng cây và hát tấtcả các bài hát, chơi tất cả các điệu nhạc tôi thuộc. Áctơ rất thích thú được nghe âmnhạc trong cảnh đêm yên tĩnh mà mắt không trông thấy người gảy đàn. Thỉnh thoảngnó gọi bảo tôi: "Nữa đi", và tôi lại gảy lại bài tôi vừa mới chấm dứt.

    Cảnh sống ở đó quả là êm đẹp và sung sướng đối với một đứa trẻ như tôi, mộtđứa trẻ rời khỏi túp lều của má Bácbơranh chỉ để theo ông cụ Vitali trên đường thiênlý. Món khoai tây rắc muối của bà mẹ nuôi tội nghiệp của tôi so với những bánh mứt, nước quả đông, bánh kem, bánh ngọt của chị nấu bếp nhà bà Miligơn thật khác xa.

    Những thời đi bộ từng chặng đường dài trong bùn lầy dưới mưa dầu nắng dãi lủi thủisau gót chủ, so với cuộc du hành bằng thuyền này cũng thật là trái ngược.

    Nhưng mà nói cho công bằng đối với mình thì trong cuộc sống mới này, tôicảm thấy sung sướng về tinh thần hơn là về những sự hưởng thụ vật chất. Phải, bánhcủa bà Miligơn ngon thật đấy. Phải, không bị đói, không khổ vì rét vì bức, cái đó thật

    Dễ chịu. Nhưng mà những tình cảm thắm thiết tràn ngập lòng tôi còn dễ chịu và tốtđẹp hơn những cái đó biết bao.

    Đã hai lần tôi được thấy mối thân tình ràng buộc tôi với những người tôithương bị cắt đứt hoặc gián đoạn. Lần đầu tôi bị rứt ra khỏi tay má Bácbơranh. Lầnthứ hai tôi phải xa lìa cụ Vitali và thế là hai lần tôi phải sống cô đơn ở trên đời, khôngnơi nương tựa, không người nhờ cậy, chỉ đánh bạn với mấy con thú của tôi thôi. Ấythế mà trong lúc cô quạnh, trong lúc khốn cùng, tôi đã tìm thấy có người yêu mến tôivà để cho tôi yêu mến: Một người phụ nữ đẹp, hiền hậu, nhã nhặn và âu yếm, một đứabé cùng lứa tuổi tôi, đối xử với tôi như anh em ruột thịt. Đó là điều sung sướng biếtbao đối với một trái tim đang khao khát yêu thương như tôi.

    Biết bao lần nhìn thấy Áctơ xanh xao, rầu rĩ nằm dài trên tấm ván, tôi đâm rathèm muốn hạnh phúc của nó, mặc dù tôi vẫn khỏe mạnh, sức vóc dường này! Khôngphải thèm muốn cảnh sống đầy đủ của nó, không phải thèm muốn những sách vở, những thứ đồ chơi sang trọng của nó, cả chiếc du thuyền kia tôi cũng không ham. Tôichỉ thèm cái tình thương yêu của bà mẹ nó đối với nó.

    Được yêu thương như vậy, phải biết là nó sung sướng nhé! Mỗi ngày nó đượcbà ôm hôn đến những hai mươi bận. Và nó cũng được âu yếm ôm hôn cái bà phunhân xinh đẹp ấy. Còn tôi thì mỗi khi bà đưa tay ra cho tôi bắt, tôi chỉ dám chạm vàose sẽ thôi.

    Thế rồi tôi buồn rầu chạnh nghĩ chả bao giờ tôi có một bà mẹ hôn tôi và đểcho tôi hôn. Có lẽ một ngày kia tôi gặp lại má Bácbơranh và đó là một niềm vui lớn. Nhưng mà dẫu sao bây giờ tôi không thể gọi "Má" đối với bà y như ngày xưa, vì mákhông phải là mẹ đẻ của tôi.

    Cô đơn, có lẽ tôi phải chịu cô đơn mãi mãi!

    Cái ý nghĩ ấy làm cho tôi thích thú bội phần khi thấy mình được bà Miligơn vàÁctơ đối xử âu yếm.

    Tôi thấy không nên khó tính, đòi hỏi nhiều quá về cái phần hạnh phúc củamình ở trên, thế gian này. Không có mẹ, không anh em, không gia đình thì có bè bạncũng đủ sung sướng rồi.

    Tôi phải tự lấy làm sung sướng và thực sự tôi đã sung sướng hoàn toàn.

    Tuy nhiên, những thói quen mới kia dù có êm ái dễ chịu đến đâu đi nữa, cũng sắp đếnlúc tôi phải rời bỏ để trở lại vổi đời sống trước đây.
     
    Ưu Đàm Thanh Ti thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng mười hai 2021
  4. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,903
    Chương 13: Đứa trẻ nhặt được

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đi thế này thời gian trôi qua rất nhanh, sắp đến lúc chủ tôi được ra khỏi nhàtù. Đó là một nguồn vui, đồng thời lại là một việc làm cho tôi bối rối.

    Càng đi xa tỉnh Tuludơ thì ý nghĩ ấy càng làm cho tôi bứt rứt.

    Đi thuyền như thế này thì thật là thú vị. Chẳng vất vả mà cũng chẳng lo âu. Nhưng mà rồi đây lại phải đi bộ ngược trở lại chặng đường đã vượt qua dưới nước.

    Cái đó sẽ ít thú vị hơn, không còn giường êm, không còn bánh kem. Bánhngọt. Không còn những buổi tối ngồi quanh bàn nữa.

    Cái điều làm cho tôi xúc động sâu sắc hơn nhiều là phải xa lìa Áctơ và bàMiligơn. Phải từ bỏ tình thương yêu của những người ấy, phải mất họ cũng như đã mấtmá Bácbơranh. Vậy ra tôi chỉ yêu thương và được yêu thương để rồi phải xa lìa mộtcách phũ phàng, những người tôi cứ muốn sống suốt đời bên cạnh. Không có cách gìcó thể đoàn tụ họ lại được sao?

    Niềm băn khoăn này là đám mây mù độc nhất lởn vởn trong những ngày rạngrỡ ấy.

    Rồi một hôm tôi quyết định nói với bà Miligơn cái điều làm cho tôi bận lòngvà cũng hỏi bà xem muốn trở về thành phố Tuludơ thì phải đi mất bao nhiêu ngàyđường. Tôi muốn đứng đợi chủ tôi ở trước cổng nhà lao lúc chủ tôi bước ra khỏicổng. Nghe thấy nói tôi đi, Áctơ la lớn:

    - Tôi không muốn cho anh Rêmi đi đâu!

    Tôi trả lời cho nó biết rằng tôi không được tự do về thân thể, tôi thuộc quyềnchủ tôi. Bố mẹ tôi đã đem tôi cho thuê cho nên tôi phải tiếp tục theo giúp việc chủ tôikhi ông cụ cần đến. Tôi nói đến bố mẹ tôi nhưng không nói rõ là không phải bố mẹđẻ. Vì nói như vậy thì lại phải thú nhận rằng tôi chỉ là một đứa trẻ người ta bắt đượcđem về nuôi.

    - Mẹ ơi! Phải giữ Rêmi lại. - Áctơ nói tiếp.

    Ngoài việc học hành ra, Áctơ được bà mẹ nuông chiều, nó muốn xoay bà thếnào, bà cũng xuôi theo. Bà Miligơn trả lời:

    - Mẹ cũng rất sung sướng nếu giữ được anh Rêmi ở lại. Anh mến anh ấy vàchính mẹ cũng yêu quí anh ấy lắm. Nhưng mà muốn giữ anh ấy ở lại với chúng ta thìphải có đủ hai điều kiện mà anh ấy cũng như mẹ, chúng ta không thể định đoạt. Điềuthứ nhất là Rêmi muốn ở lại với chúng ta..

    - Ồ! Rêmi muốn lắm chứ. - Áctơ ngắt lời. - Có phải không Rêmi? Anh khôngmuốn trở về Tuludơ chứ?

    - Điều kiện thứ hai. - Bà Miligơn nói tiếp không đợi tôi trả lời. - Là ông chủanh ấy có bằng lòng từ bỏ quyền làm chủ của ông ta đối với anh ấy!

    - Hỏi Rêmi, hỏi Rêmi cái đã. - Áctơ theo đuổi ý nghĩ của nó, ngắt lời mẹ.

    Cụ Vitali đối với tôi là một ông chủ tốt, điều đó đã hẳn. Tôi biết ơn ông cụ đãchăm sóc tôi và dạy tôi học tập. Nhưng tôi không thể so sánh cuộc sống bên cạnh chủtôi với cuộc sống mà bà Miligơn dành cho tôi. Mặt khác, tôi thú nhận như thế nàykhông phải là không hối hận: "Không chỉ đem so sánh tình yêu thương mà bà Miligơnvà Áctơ đã gây nên trong lòng tôi. Khi tôi nghĩ thế tôi tự bảo rằng tôi yêu chuộngnhững người xa lạ mới quen ấy hơn cụ Vitali là một điều không tốt. Nhưng dù sao việcnó như thế đấy, tôi yêu thắm thiết bà Miligơn và Áctơ. Bà Miligơn lại tiếp:

    - Trước khi trả lời, anh Rêmi còn phải suy nghĩ. Mẹ không hứa với anh ấy chỉmột cuộc sống có vui chơi và du ngoạn, mẹ còn hứa cả một cuộc sống lao động nữa. Anh ấy phải học, phải chịu khó, phải cặm cụi đèn sách, phải theo dõi Áctơ trong việchọc tập. Anh Rêmi cần cân nhắc giữa cái lối sống đó với cảnh sống tự do trên đườngthiên lý.

    - Thưa bà, không phải so sánh cân nhắc gì nữa. - Tôi nói. - Những việc bà đềra đó cháu thấy đối với cháu rất hay.

    - Đấy mẹ xem! Anh Rêmi sẵn lòng mà? - Áctơ reo lên như vậy rồi vỗ tay. Rõràng là tôi vừa làm cho Áctơ hết lo sợ. Khi mẹ nó nói đến học tập và sách vở, tôi thấynó lo lắng ra mặt. Nếu tôi từ chối thì sao? Vốn dĩ nó ngại sách. Cho nên nó lo tôi cũngngại sách mà từ chối, chắc nó lo tợn lắm. May sao tôi lại không sợ cái thứ ấy. Sáchkhông những không làm cho tôi hoảng mà còn quyến rũ tôi. Thật ra thì tôi mới biếtđến sách ít lâu nay thôi. Những sách đó làm cho tôi thích thú hơn là phiền lòng. Chonên đề nghị của bà Miligơn khiến tôi rất sung sướng. Tôi hoàn toàn thành thật khi tôicảm ơn bà về lòng hào hiệp đó. Nếu cụ Vitali đồng ý thì tôi không phải rời bỏ chiếcthuyền Thiên Nga này, tôi sẽ không phải từ bỏ cuộc sống dễ chịu này, tôi sẽ khôngphải lìa Áctơ và mẹ nó.

    Bà Miligơn nói tiếp:

    - Bây giờ chúng ta còn phải được ông chủ anh ấy đồng ý. Mẹ sẽ viết thư choông cụ để mời ông cụ đến gặp chúng ta ở thị trấn Xếttơ, vì chúng ta không thể quaytrở lại Tuludơ được. Mẹ sẽ gửi tiền tàu cho ông cụ và cắt nghĩa cho ông cụ rõ tại saochúng ta không đi xe lửa đến được. Mẹ hy vọng ông cụ sẽ nhận lời mời của chúng tamà đến đây. Nếu ông cụ đồng ý lời đề nghị của mẹ thì chúng ta chỉ còn phải thoảthuận với bố mẹ Rêmi nữa thôi, vì cũng cần phải hỏi ý kiến họ.

    Cho đến lúc đó, câu chuyện diễn ra rất vừa ý tôi y như có một bà tiên nhânhậu đã đụng chiếc đũa thần vào tôi. Nhưng mà những lời sau cùng đã phũ phàng kéotôi từ cõi mộng trở về thực tế buồn tênh.

    Hỏi ý kiến mẹ tôi ư?

    Chắc chắn là bố mẹ tôi sẽ nói cái điều mà tôi muốn giấu. Tôi là đứa trẻ màngười ta nhặt được, sự thật ấy sẽ phơi trần.

    Thế là Áctơ, có thể là bà Miligơn sẽ không nhậu tôi nữa.

    Tôi rụng rời thảng thốt.

    Bà Miligơn ngạc nhiên nhìn tôi và hỏi han tôi, nhưng tôi không dám trả lời câuhỏi của bà. Bà tưởng tôi bối rối vì ông chủ sắp đến nên không hỏi nữa.

    Cũng may mà sự việc xảy ra vào buổi tối trước giờ đi ngủ một chút. Chẳngmấy chốc tôi đã thoát khỏi con mắt tò mò của Áctơ. Tôi đi về phòng vừa lo ngại vừasuy nghĩ lung tung.

    Đây là đêm thao thức đầu tiên của tôi trên thuyền Thiên Nga. Phải nói rằng tôitrằn trọc quá đỗi, cứ chập chờn trong mộng mị và thấy đêm dài mãi như không muốnsáng ra.

    Làm gì bây giờ? Và nói thế nào đây?

    Tôi chẳng tìm ra cách nào cả.

    Sau khi đã cân nhắc lại hàng trăm lần những ý nghĩ giống nhau, chọn nhữngcách giải quyết trái ngược nhau, cuối cùng tôi dừng lại với cách tiện nhất và tầmthường nhất, là không làm gì cả và không nói gì cả. Tôi sẽ mặc cho sự việc diễn ra thếnào thì hay thế ấy vì không thể làm gì hơn.

    Có lẽ cụ Vitali không chịu rời bỏ tôi ra. Trong thâm tâm đang dằn vặt dữ dội, tôi vừa mong vừa sợ sự việc xảy ra như vậy. Trong trường hợp ông cụ không nhận lời, tôi sẽ ra đi và khỏi phải nói sự thật. Tôi sợ sự thật ghê gớm, sợ bị phát giác đến nỗiphải thiết tha mong mỏi ông cụ Vitali không nhận lời bà Miligơn và hai bên không thểthỏa thuận về tôi.

    Như thế thì hẳn tôi sẽ phải xa Áctơ và bà mẹ nó, xa luôn và không bao giờđược gặp lại nữa cũng nên. Nhưng được cái là họ sẽ không giữ những kỷ niệm xấu vềtôi.

    Viết thư cho chủ tôi ba ngày thì bà Miligơn nhận được thư trả lời. Cụ Vitali chobiết vắn tắt là cụ ấy lấy làm hân hạnh đáp lại lời mời của bà Miligơn và sẽ đi chuyếntàu hai giờ đến tỉnh Xếttơ vào thứ bảy tới.

    Tôi xin phép bà Miligơn ra đón ông cụ. Tôi dắt cả đàn chó và con khỉ Giôlicơcùng đi.

    Mấy con chó có vẻ lo ngại như đoán biết có việc gì xảy ra. Con Giôlicơ thảnnhiên như không. Còn tôi thì rất xúc động. Biết bao xung đột đã diễn ra trong đầu ócdốt nát của tôi. Tôi đứng ở một góc sân ga, tay giữ xích ba con chó và ôm con Giôlicơtrong áo vét. Tôi đứng chờ nhưng chẳng nhìn thấy gì xảy ra xung quanh.

    Chính mấy con chó báo cho tôi biết tàu tới và chúng đã đánh hơi thấy chủchúng tôi. Đang đứng yên thì tự nhiên tôi thấy bị lôi về phía trước. Vì không đề phòngnên tôi không giữ được mấy con chó lại. Chúng nó vừa chạy vừa vui vẻ sủa vang.

    Liền ngay sau đó tôi thấy chúng nó nhảy nhót sau lưng cụ Vitali. Cụ vẫn mặc bộ quầnáo thường ngày. Nhanh chân hơn mặc dù không mềm dẻo bằng các bạn, con Capinhảy tót lên tay chủ, còn con Décbinô và con Đônxơ thì quấn quýt bên chân.

    Đến lượt tôi lại gần. Cụ Vitali đặt con Capi xuống đất ôm chặt tôi vào lòng. Lần đầu tiên cụ hôn tôi. Cụ nhắc đi nhắc lại mãi:

    - Chào anh bạn thân mến! (1)

    Chủ tôi không bao giờ khắc nghiệt với tôi, nhưng cũng không hay vuốt vemơn trớn. Tôi chưa quen với cảnh tỏ tình bồng bột ấy. Tôi cảm động đến rớt nướcmắt, vì lúc bấy giờ lòng tôi dễ se lại mà cũng dễ mở ra.

    Tôi nhìn ông cụ. Tôi nhận thấy ở trong tù ông cụ đã già đi nhiều. Lưng cụcòng xuống, mặt cụ xanh đi và môi cụ nhợt nhạt.

    - Thế nào? - Ông cụ nói. - Cháu thấy ông khác xưa lắm phải không? Nhà tù làmột chỗ nghỉ chân không tốt và buồn chán là một bệnh nguy hiểm. Nhưng từ giờ thìsẽ khá hơn.

    Rồi cụ chuyển sang chuyện khác. Cụ nói:

    - Thế cái bà viết thư cho ông, cháu làm thế nào mà quen bà ấy?

    Tôi bèn kể cho cụ nghe tôi gặp chiếc thuyền Thiên Nga như thế nào, và vì saotừ đó tôi ở với bà Miligơn và con trai bà. Tôi thuật lại những điều ấy với ông cụ. Câuchuyện của tôi đã dài tôi lại còn cố kéo dài vì sợ phải kể đến đoạn cuối, phải nói đếncái việc làm tôi sợ hãi. Giờ thì có lẽ không khi nào tôi dám nói với chủ tôi là tôi mongmuốn ông cụ đồng ý với bà Miligơn và Áctơ để cho tôi ở lại.

    Nhưng tôi khỏi phải thú thực điều ấy với ông cụ, vì câu chuyện chưa đến đoạncuối thì chúng tôi đã đến khách sạn bà Miligơn trọ rồi. Vả lại ông cụ chẳng nói gì vớitôi về bức thư của bà Miligơn, cũng không đả động gì đến những đề nghị của bà tatrong thư.

    Khi chúng tôi bước vào khách sạn ông cụ hỏi:

    - Thế bà ấy đợi ông đấy à?

    - Vâng, để cháu đẫn ông đến buồng bà ấy.

    - Không cần! Cháu cho ông biết buồng bà ấy, và đứng ở đây với bầy chó vàcon Giôlicơ, chờ ông xuống.

    Hễ chủ tôi đã nói thì tôi quen vâng lời và không tranh luận. Tuy vậy lần này tôicũng liều góp ý kiến xin phép ông cụ cho tôi cùng đi vào gặp bà Miligơn. Điều đó tôicho là tự nhiên và hợp lý thôi. Nhưng ông lấy tay ra hiệu và bảo tôi im. Tôi đành vânglời và ngồi đợi trên chiếc ghế dài của khách sạn với đàn chó quanh tôi. Chúng nócũng muốn đi theo ông cụ. Nhưng cũng giống như tôi, chúng nó cũng không dámcưỡng lại mệnh lệnh của ông cụ. Cụ Vitali biết cách chỉ huy lắm.

    Tại sao cụ Vitali không muốn cho tôi dự cuộc nói chuyện giữa ông với bàMiligơn?

    Tôi tự hỏi như vậy và xoay câu hỏi ấy đủ hướng đủ chiều. Tôi chưa tìm đượccâu trả lời thì ông cụ đã quay trở lại. Cụ bảo:

    - Thôi cháu vào từ biệt bà ấy đi. Ông đợi cháu ở đây. Mười phút nữa chúng talên đường.

    Vài phút trước đây tôi hết sức phân vân. Nhưng giờ đây tôi lại ngẩn ngườitrước quyết định đó. Chờ mấy phút thấy tôi không nhúc nhích cụ nói tiếp:

    - Thế nào? Cháu không hiểu ông nói gì à? Còn đứng ngây ra như phỗng ấy. Mau lên chứ.

    Ông cụ không quen nói xẵng với tôi bao giờ. Từ khi tôi ở với ông cụ, chưa lầnnào ông cụ nặng lời với tôi đến như vậy.

    Chẳng hiểu gì, tôi như cái máy, đứng lên làm theo lệnh ông cụ. Nhưng sau khiđi được vài bước tôi hỏi:

    - Thế ông đã nói..

    - Ông đã nói rằng cháu cần cho ông cũng như ông cũng cần cho cháu. Do đóông không thể nhường cháu cho ai được. Thôi đi đi rồi trở lại đây!

    Câu nói đó làm cho tôi lấy lại được can đảm. Bởi vì cái lo người ta biết mình làđứa trẻ nhặt ám ảnh tôi đến nỗi tôi cho rằng mình phải đi gấp như thế là vì ông chủ đãkể hết lại lai lịch của mình rồi.

    Bước vào buồng bà Miligơn, tôi thấy Áctơ đang khóc và mẹ nó thì cúi xuốngdỗ nó. Nó kêu to:

    - Anh Rêmi ơi, anh không chịu đi đấy chứ?

    Bà Miligơn trả lời thay tôi, giải thích cho nó nghe là tôi phải vâng lời.

    - Tôi đã yêu cầu chủ anh để anh ở lại đây với mẹ con tôi. - Bà nói với tôi vớimột giọng làm tôi ứa nước mắt.

    - Nhưng chủ anh không bằng lòng, chẳng làm thế nào lay chuyển ông cụ được.

    - Ông ấy là một người độc ác! - Áctơ kêu.

    - Không, ông cụ không phải là người độc ác đâu. - Bà Miligơn nói tiếp. - Ông

    Cụ cần anh, hơn nữa tôi thấy ông cụ yêu thương anh thực sự. Vả lại lời lẽ của ông cụ làlời lẽ của bậc chính nhân quân tử, một người thanh cao tuy nghèo khó. Để giải thíchvì sao ông cụ từ chối, cụ đã trả lời như thế này:" Tôi thương yêu thằng bé này và nócũng yêu thương tôi. Tập sống ở đời bên cạnh tôi gian khổ lắm, nhưng sẽ bổ ích ch0nó hơn cái vị trí tôi tớ trá hình mà bà sẽ vô hình dành cho nó. Bà cho nó học tập, bàgiáo dục nó, cũng có như vậy. Bà bồi dưỡng trí tuệ cho nó, cũng có như vậy. Nhưngbà không rèn luyện tính khí cho nó được. Nó không thể là con bà được. Nó sẽ là contôi. Sống với tôi vẫn hơn là làm một thứ đồ chơi cho cậu con trai ốm yếu của bà, mặcdù trông chú bé thật hiền lành và dễ yêu. Phần tôi, tôi cũng sẽ dậy nó học".

    - Nhưng ông cụ không phải là bố Rêmi mà! - Áctơ kêu to.

    - Ông cụ không phải là bố anh ấy, cái đó đúng. Nhưng ông cụ là chủ của anhấy. Rêmi thuộc quyền ông cụ, vì bố mẹ Rêmi đã cho ông cụ mướn Rêmi. Hiện nay

    Rêmi phải tuân lời ông cụ.

    - Con không bằng lòng để cho Rêmi đi đâu.

    - Nhưng mà phải để cho anh ấy đi theo chủ. Mẹ mong sẽ không còn lâu nữa. Mẹ sẽ viết thư cho bố mẹ anh ấy và dàn xếp với họ.

    - Ồ! Không! - Tôi kêu lên.

    - Thế nào, tại sao lại không?

    - Ồ đừng thế! Cháu xin bà!

    - Chỉ còn cách ấy thôi cháu ạ.

    - Cháu xin bà, bà đừng làm thế!

    Chắc chắn là bà Miligơn không nói tới bố mẹ tôi, thì có lẽ tôi đã kéo dài cuộctừ biệt này quá cái mười phút, đồng hồ mà chủ tôi đã dành cho tôi.

    - Bố mẹ cháu ở Savanông, có phải không cháu? - Bà Miligơn nói tiếp.

    Tôi không trả lời, bước lại gần Áctơ, ôm lấy nó và hôn hai ba lần. Tôi đã đặttrong mấy cái hôn ấy tất cả tình thân ái của tôi. Rồi dằng tay nó ra, tôi trở lại phía bàMiligơn quỳ xuống và hôn tay bà.

    - Tội nghiệp con! - Bà vừa nói vừa cúi xuống.

    Và bà hôn lên trán tôi.

    Tôi đứng lên ngay và chạy ra phía cửa.

    - Áctơ ơi, tôi sẽ yêu thương anh mãi mãi!

    - Tôi nói giọng nức nở. - Còn bà, thưa bà, không bao giờ cháu quên bà!

    - Rêmi! Rêmi! - Áctơ kêu. Tôi chẳng nghe thấy gì nữa, tôi đã ra ngoài và đóng cửa lại. Phút sau tôi lại ở bên cạnh chủ tôi. Ông cụ nói:

    - Thôi lên đường, các con!

    Chúng tôi theo con đường Phơrôngtinhăng ra khỏi thành phố Xếttơ. Thế là tôi đã từ biệt người bạn đầu tiên của tôi để lại lao vào cuộc sống phiêulưu.

    Nếu tôi không phóng đại hậu quả của một thành kiến xấu xa để rồi hoảng hốtsợ sệt, thì tôi đã có thể tránh được cuộc sống bấp bênh cay đắng ấy.
     
    Ưu Đàm Thanh Ti thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng mười hai 2021
  5. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,903
    Chương 14: Tuyết và sói

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thế là tôi lại lẽo đẽo theo gót ông chủ tôi. Dây quai đàn căng thẳng trên vai êẩm, tôi lại đi mải miết trên những con đường thiên lý, dầm mưa dãi nắng, trong gióbụi, trong bùn lầy. Tôi lại phải đóng vai thằng ngốc ở những nơi công cộng. Tôi lạicười, lại khóc để mua vui cho chư vị khán giả. Đang sống êm ấm thì lại phải đi langthang, sự thay đổi ấy đối với tôi cũng thực là khổ, vì thói thường hễ sống sung sướnglà người ta chóng quen đi. Tôi cứ thấy buồn chán mệt nhọc. Trước kia, khi chưa đượchưởng hai tháng của những người sung sướng, tôi làm gì biết những giây phút đen tốiấy!

    Ở với bà Miligơn, lắm khi tôi tôi nhớ đến cụ Vitali. Giờ đây đi bên cạnh cụVitali, tôi lại nghĩ đến bà Miligơn. Trong lúc đi đường trường như thế, nhiều khi tôi cốý tụt lại sau để tha hồ nghĩ đến Áctơ, bà mẹ nó và con thuyền, và bằng tưởng tượng, tôi quay về sống lại những ngày vừa qua. Chao ôi! Cái thời sung sướng! Mỗi khi đặtlưng xuống giường, trong một cái quán khổ ở thôn quê, tôi lại nghĩ đến cái giường concủa tôi trên chiếc du thuyền. Lúc bấy giờ chăn chiếu nơi quán trọ trở nên xù xì khôngthể tả.

    Thế là từ nay tôi không còn được đánh bạn với Áctơ! Tôi không còn đượcnghe giọng nói âu yếm của bà Miligơn nữa.

    May thay trong nỗi buồn da diết dai dẵng ấy, tôi cũng có một điều an ủi là cụchủ bây giờ hiền từ hơn trước nhiều, có thể nói là âu yếm nữa. Đã có sự thay đổi trongtính tình cụ Vitali, hay ít ra là cách đối xử với tôi. Điều ấy nâng đỡ tôi làm cho tôingăn ngừa được nước mắt khi chạnh lòng nhớ đến Áctơ. Tôi cảm thấy trên đời này tôikhông cô quạnh và chủ tôi đối với tôi có cái gì hơn là một ông chủ thông thường.

    Nhiều lúc tôi muốn ôm hôn cụ chủ bởi vì tình cảm chất chứa trong lòng tôi chỉtrực trào ra ngoài, nhưng tôi đâu dám. Với cụ Vitali, không thể suồng sã được. Lúcđầu tôi xa cụ và sợ sệt. Bây giờ tôi cũng không dám gần cụ vì một cảm giác gì lờ mờnhư lòng kính nể cụ.

    Rồi Xếttơ ra đi, mấy ngày đầu tôi không nói chuyện về bà Miligơn, về thờigian lối sống trên thuyền Thiên Nga. Nhưng dần dần trong lúc chuyện vãn, chúng tôibắt đầu nói đến, và lần nào cũng do cụ Vitali gợi ra trước. Rồi thì không ngày nào làchúng tôi không nhắc đến tên bà Miligơn. Cụ Vitali hỏi tôi:

    - Cháu mến bà ấy lắm phải không? Ừ, ông cũng hiểu bụng cháu mà! Bà ấy đốivới cháu tốt, rất tốt. Khi nào nghĩ đến bà, cháu phải nhớ ơn bà.

    Rồi cụ thường thêm:

    - Đành phải thế mới được!

    Phải thế là cái gì? Thoạt tiên tôi không hiểu. Nhưng rồi sau tôi nghĩ rằng "phảithế" là phải từ chối lời đề nghị của bà Miligơn xin cho tôi ở lại với Áctơ. Khi cụ chủtôi bảo "đành phải thế" chắc hẳn cụ nghĩ đến việc ấy. Trong hai tiếng "phải thế" củacụ Vitali, tôi nghe như ẩn cái ý luyến tiếc. Phải chăng cụ cũng phải nghĩ để tôi ở lạivới Áctơ nhưng quả là không thể làm như thế được?

    Trong thâm tâm, tôi cám ơn cụ về niềm ân hận của cụ, mặc dù tôi không đoánra vì sao cụ không nhận lời bà Miligơn. Bà ấy có kể cho tôi nghe những lý do ông cụnêu ra, nhưng tôi vẫn chưa hiểu.

    Có lúc tôi nghĩ: "Có lẽ một ngày kia cụ sẽ nhận lời chăng!". Nghĩ thế lòng tôichứa chan hy vọng. Tôi tự hỏi: Sao chúng ta lại không thể gặp lại thuyền Thiên Nga? Nó đi ngược sông Rôn còn chúng ta thì đi trên bờ sông kia mà!

    Nghĩ như thế cho nên trong khi đi đường, mắt tôi thường quay về phía dòngsông hơn là về phía đồi núi, những đồng bằng phì nhiêu ở hai bên bờ.

    Khi chúng tôi đến thị trấn: Átlơ, Tarátxcông, Avinhông, Môngtêlima, Valăngxơ, Tuốcnông, Viênnơ. Nơi đi dạo đầu tiên của tôi là bến sông và cầu. Tôi tìm thuyềnThiên Nga. Khi tôi nhìn xa xa thấy một con thuyền mờ tỏ trong sa mù, tôi đợi cho nóđến gần để xem thử có phải thuyền Thiên Nga đấy hay không.

    Nhưng không phải.

    Một đôi khi tôi đánh bạo hỏi những người thủy thủ. Tôi tả hình dáng conthuyền cho họ nghe. Họ đều nói không thấy con thuyền ấy đi qua.

    Tôi tưởng tượng ra là bây giờ ông chủ tôi đã nhất định nhường tôi cho bàMiligơn. Như thế, thì không còn lo người ta nói đến lai lịch tôi hay người ta viết thưcho má Bácbơranh nữa. Công việc sẽ được giải quyết giữa cụ chủ tôi và bà Mili-gơnthôi. Trí óc ngây thơ của tôi xếp đặt sự việc như thế này: Bà Mi-li-gơn muốn giữ tôi lạibên cạnh bà, cụ chủ tôi bằng lòng từ bỏ quyền làm chủ của cụ, thế là xong.

    Chúng tôi lại ở lại Lyông mấy tuần lễ, và hễ có dịp được tự do là tôi đến bênbờ sông Rôn và sông Xôn. Nhờ vậy tôi biết các cầu trên hai sống ấy rõ như một ngườidân thành phố Lyông chính cống.

    Nhưng tôi tìm kiếm bao nhiêu cũng không thấy thuyền Thiên Nga.

    Rồi đến lúc chúng tôi rời Lyông để đi về Đigiông. Tôi bắt đầu mất hy vọng sẽđược gặp lại bà Miligơn và Áctơ. Ở Lyông, tôi đã nghiên cứu tất cả các bản đồ nướcPháp bày ở mấy hiệu bán sách cũ, cho nên tôi biết rằng kênh Giữa tách khỏi sông Xôntừ Salông, mà bà Miligơn thì định đi theo kênh ấy để vào sông Loa.

    Đến Salông chúng tôi vẫn không gặp thuyền Thiên Nga, mãi cho đến lúc đicũng không thấy. Thôi thế là hết, cái mộng đoàn viên đành phải vứt bỏ. Tôi buồn đếnnẫu ruột.

    Chính lúc ấy thời tiết trở nên xấu, tưởng như dễ làm cho nỗi thất vọng khánặng của tôi càng nặng nề thêm. Năm đã muộn, mùa đông sắp về. Phải dầm nước, lộibùn, thầy trò chúng tôi ngày càng vất vả. Buổi tối ngã lưng xuống nằm ở một cái quántrọ tồi tàn hay một vựa rơm của nhà nào đó, tôi chẳng thấy vui vẻ ít nào. Rời Đigiông, trong khi xuyên qua vùng đồi Cốttơdo, chúng tôi gặp một cơn rét, buốt đến tậnxương. Giôlicơ trở nên buồn bã, bực dọc hơn cả tôi nữa.

    Mục đích của ông chủ tôi là đi gấp rút đến Pari. Chỉ ở Pari mới có cơ hội biểudiễn một đôi lần trong mùa rét. Nhưng không biết vì túi tiền quá nhẹ, ông cụ khôngdám đi tàu hỏa, hay vì lý do khác, thầy trò chúng tôi phải cuốc bộ trên quãng đườngtừ Đigiông đến Pari.

    Qua các thị trấn và làng mạc, hôm nào may mắn gặp trời tạnh ráo, chúng tôidiễn một vài tiết mục, kiếm một ít tiền, rồi lại lên đường ngay.

    Cho đến Satiông thì mọi việc cùng tàm tạm xuôi, mặc dù chúng tôi khổ vì mưarét. Đi khỏi thành phố thì trời tạnh mưa, gió trở hướng Bắc. Gió bấc thổi tạt vào mặtcũng khó chịu đấy, nhưng lúc đầu, chúng tôi không phàn nàn. Cân nhắc cho kỹ vì cáithứ gió ấy có thổi rát chăng nữa cùng dễ chịu hơn nạn mưa dầm làm nẫu người chúngtôi từ mấy tuần nay.

    Khổ thay gió hanh không thổi được lâu. Trời kéo từng mảng mây đen, rồi bịmặt trời che lấp hẳn. Tất cả đều báo hiệu là mưa tuyết sắp rơi.

    Tuy vậy chúng tôi còn kịp đến một làng khá lớn mà vẫn chưa gặp tuyết. Nhưng cụ chủ không định trú ở lại đó, cụ muốn đi nhanh đến Tờroakia. Tờroa là mộtthị trấn lớn, nếu phải bó chân ở đấy vì trời xấu thì cũng có thể biểu diễn được dăm balần.

    Khi đã vào quán trọ và xếp đặt yên chỗ rồi thì cụ Vitali bảo: "Cháu lo mà ngủđi, nhanh lên. Đến mai, tờ mờ sáng chúng ta lại đi ngay không thì đến gặp phải mưatuyết giữa đường mất!". Về phần cụ thì không đi ngủ sớm như thế. Cụ ngồi bên cạnhlò bếp để sưởi cho con Giôlicơ. Cả ngày Giôlicơ bị rét buốt cứ rên mãi mặc dù chúngtôi đã bọc nó thật cẩn thận trong mấy lớp chăn.

    Hôm sau, chưa sáng tôi đã dậy đúng như lời cụ dặn. Bấy giờ trời không một vìsao, thấp và đen như mực. Người ta tưởng như một cái vung to tướng và tối om đã đậylên mặt đất và đè bẹp nó đi. Khi mở cửa thì một ngọn gió rất rát lùa vào lò sưởi, làmnhững khúc củi tàn vùi dưới tro từ tối hôm qua lại cháy bừng lên. Ông chủ quán bảocụ Vitali:

    - Tôi như cụ thì hôm nay tôi chưa đi đâu, tuyết sắp xuống rồi.

    - Tôi vội quá. - Cụ Vitali đáp. - Tôi hy vọng đến được Tờroa trước khi cótuyết.

    Tuy ông chủ quán nói vậy, chúng tôi vẫn ra đi. Cụ Vitali ôm con Giôlicơ trongáo để truyền hơi ấm cho nó. Mấy con chó thấy trời khô ráo thì hí hửng chạy lên phíatrước. Lúc ở Đigiông cụ chủ có mua cho tôi một tấm áo da cừu, lông quay vào bêntrong. Tôi khoác nó lên, cuộn kín người. Gió bấc thổi tạt vào mặt, tấm da cừu dính sátngười tôi. Mở miệng ra thì khó chịu, chúng tôi cứ im lặng mà đi, bước rảo lên chomau đến nơi mà cũng để cho ấm người nữa.

    Đáng lẽ sáng rồi mà trời vẫn tối tăm mờ mịt. Mãi mới thấy ở đằng đông có mộtvết trăng trắng rựng lên, nhưng mặt trời thì vẫn không ló ra. Đành rằng đêm đã qua. Nhưng nói trời đã sáng thì cũng là nói gượng.

    Tuy vậy, cảnh vật nông thôn bây giờ nhìn đã rõ hơn. Từ cái cửa thông hơi lớnở đằng đông rọi đến, một thứ ánh sáng nhỏ nhỏ là là mặt đất, làm rõ hình thù nhữngthân cây trụi lá và đây đó những hàng giậu, những bụi còi. Mỗi khi luồng gió đến làmbụi cây rung lên quằn quại thì những lá khô còn dính trên cây kêu rào rào.

    Không một bóng người trên đường cái, không một bóng người ngoài đồng, không có tiếng xe chạy, không có tiếng roi ngựa vun vút.

    Không có sinh vật nào ngoài loài chim mà người ta nghe tiếng kêu chứ khôngnhìn thấy hình dáng bởi chúng lấp trong lá. Duy có mấy chú chim khanh khách nhảynhót trên đường cái, đuôi cất cao, mỏ vểnh. Khi chúng tôi đến gần thì chúng vỗ cánhbay lên đậu trên cây kêu khanh khách, những tiếng kêu ấy đuổi theo chúng tôi nhưnguyền rủa, như báo trước chuyện không hay.

    Bỗng một chấm trắng hiện ra giữa trời về từ phương Bắc. Nó vừa tiến về phíachúng tôi vừa tỏa rộng ra rất nhanh, đồng thời là những tiếng xôn xao hỗn tạp, hợpthành một cái gì rào rào, nghe rất lạ tai. Đó là những đàn ngỗng, đàn vịt giời phươngBắc di cư về phương Nam. Chúng bay qua trên đầu chúng tôi, bay đã xa mà còn thấymột vài mẩu lông tơ trắng toát lơ lửng trên nền trời đen.

    Cảnh vật xứ này ảm đạm quá! Đã thế lại tĩnh mịch nên càng buồn thêm. Trongánh mai xám xịt ấy, nhìn đến đâu cũng chỉ thấy đồng cói, đồi trọc và rừng cây đỏ úa.

    Gió vẫn thổi từ hướng Bắc tuy có nhiều chuyển nhẹ qua hướng Tây. Từ phía ấyùn về nhiều đám mây màu đồng đỏ bay thấp và nặng nề, trông như đè lên ngọn cây. Lát sau, vài bông tuyết to như cánh bướm bay qua trước mặt chúng tôi. Nó tung lên, sà xuống quay lộn chập chờn, nhưng không bén đất.

    Chúng tôi đi chưa được mấy đoạn đường, và chắc là không tài nào đến Tờroađược trước khi có mưa tuyết. Tuy nhiên điều đó cũng không cho tôi lo ngại lắm, vì tôinghĩ rằng tuyết xuống thì gió bấc sẽ ngừng và rét cũng giảm đi.

    Quả tôi chưa biết thế nào là một cơn bão tuyết!

    Nhưng rồi tôi được biết liền ngay đấy, không phải chờ đợi lâu, và biết một cáchthấm thía, suốt đời không thể quên.

    Những đám mây từ Tây Bắc ùn về đã đến gần và trôi về phía ấy sáng lên mộtmàu trắng nhạt. Như thế là mây đã vỡ và tuyết đã tung rơi. Bây giờ không phải lànhững cánh bướm bay lượn nữa mà là cả một trận mưa tuyết rào rào đổ xuống, phủlên người chúng tôi. Cụ Vitali bảo:

    - Trời đã không cho chúng ta đi tới Tờroa, vậy thì hễ gặp nhà nào chúng ta trúngay lại ở nhà đó.

    Thật là một câu nói quý hóa, nghe mà hởi lòng hởi dạ. Nhưng biết tìm ở đâu racái nhà phúc đức ấy? Trước khi tuyết xuống vây phủ chúng tôi trong đám mù trắngnày, tôi đã phóng tầm mắt ra tận xa nhìn khắp cảnh vật trong vùng. Tôi không hề thấybóng dáng một cái nhà nào, cũng không có một dấu hiệu gì báo cho biết rằng sắp đếnthôn xóm làng mạc, ngược lại, chúng tôi đi vào một khu rừng thì có.

    Trước mắt tôi, màu âm u thăm thẳm của rừng cây dàn trải đến tận chân trời, ởhai bên cũng thế, chỉ toàn rừng là rừng trên những dãy đồi xung quanh.

    Bởi vậy không nên trông vào cái nhà trọ hứa trước ấy cho lắm, nhưng chắc rồithế nào tuyết cũng sẽ ngừng rơi chứ? Không, tuyết vẫn tiếp tục rơi dày hơn nữa. Tronggiây lát, nó đã phủ kín mặt đường, hay nói cho đúng phủ kín tất cả những cái gì cảntrở nó, chẳng hạn những đống đá, bờ cỏ, bụi cây.. Gió mạnh đẩy tuyết bay là là mặtđất, cho nên gặp vật gì chắn nó lại thì nó dồn đống lên vật ấy ngay. Phiền một nỗi làchúng tôi đã thuộc loại những chướng ngại vật đó. Khi tuyết tạt vào người chúng tôi, gặp những chỗ tròn nhẵn không gồ ghề thì nó trượt đi cả, nhưng gặp một kẽ hở nàothì nó tọt vào như bụi và không mấy chốc thì tan ra.

    Về phần tôi, tôi cảm thấy nó trôi chảy thành dòng nước trên cổ. Cụ chủ tôichắc không hơn gì tôi bởi vì cụ phải mở hé tấm áo da cừu để cho con Giôlicơ thở.

    Mặc bão tuyết, chúng tôi vẫn cặm cụi bước đi, ngược chiều gió, ngược chiềutuyết, không nói, không rằng, chốc chốc lại ngoái cổ về một bên để thở. Mấy con chókhông chạy đằng trước nữa. Chúng bám sát gót chân tôi nài xin chỗ nấp, nhưng chúngtôi biết làm thế nào được! Chúng tôi tiến từng bước chậm rì, khó nhọc, mắt mờ, thânhình ướt át, tê lạnh. Đã vào giữa rừng sâu từ đời nào rồi mà cũng không được che chỗtí nào, bởi vì con đường xoay hẳn về hướng gió.

    May sao - có nên nói là may không chứ? - cơn lốc giảm dần đi. Nhưng tuyết lạicàng rơi mạnh hơn, không rơi thành bụi nữa mà thành từng mảng to, dày đặc. Chỉtrong giây lát, mặt đường đã phủ một lớp tuyết dày, chúng tôi giẫm lên không nghethấy tiếng động. Thỉnh thoảng, tôi thấy cụ chủ nhìn về bên trái hình như cố ý tìm mộtcái gì. Nhưng nào có gì đâu! Chỉ thấy một khoảng rừng thưa rộng đã đẵn gỗ từ mùaxuân trước, nay còn những cây to chừa lại, thân mềm mại oằn xuống vì tuyết.

    Cụ Vitali định tìm gì ở phía ấy nhỉ?

    Tôi thì tôi cứ trông thẳng trước mặt, theo đường cái, cố nhìn cho hết sức xa đểxem thử khu rừng đã sắp hết chưa và có cái nhà nào ở bên đường không.

    Nhưng thật là điên rồ! Mắt làm sao chọc thủng cái màu trắng ấy? Chỉ cách mấythước thôi, mọi vật đã nhòa mất, chỉ còn thấy tuyết rụng xuống thành bông. Tuyếtxuống càng lâu càng dày, tuyết như bọc lấy chúng tôi trong một mạng lưới mênhmông.

    Tình cảnh chúng tôi thật đáng buồn! Tôi chưa bao giờ thấy tuyết rơi mà khôngnao nao trong lòng, dù cho đứng nhìn sau cửa kính trong một căn buồng có ngọn lửaấm chăng nữa, huống hồ bây giờ đây cái căn buồng ấm cúng ấy còn ở đâu xa lắc xalơ! Tuy vậy vẫn phải đi lên, không được ngã lòng, bởi vì chân càng ngày càng lún sâuxuống tuyết và tuyết đã lên tới ống chân. Bởi vì vậy chiếc mũ phủ dày tuyết và nặngtrĩu trên đầu.

    Thình lình cụ Vitali đưa tay về phía trái như để cho tôi chú ý. Nhìn theo tay cụ, tôi thấy lờ mờ hình như có một túp lều trong rừng, một túp lều bằng cành cây phủ đầynhững tuyết. Tôi không hỏi gì cụ. Tôi biết rằng cụ chỉ cái lều ấy cho tôi không phải đểcho tôi ngắm bức tranh "Lều trong rừng tuyết", vấn đề ở chỗ là tìm con đường đi đếnlều ấy.

    Điều đó thật khó, vì tuyết xuống khá dày đã xóa nhòa mọi dấu vết đường lớnđường nhỏ. Duy ở cuối khu rừng đã đẵn gỗ, nơi bắt đầu có cây to trở lại thì hình nhưcó một cái hào ở chỗ con đường cái đã bị lấp bằng. Con đường con dẫn đến lều có lẽtừ chỗ đó tách ra.

    Đoán thế mà đúng. Khi chúng tôi vượt qua hào thì lớp tuyết ở đấy không lúnxuống.

    Chẳng bao lâu chúng tôi đã đến túp lều.

    Lều dựng bằng những bó củi chạc và củi chà chồng lên nhau, trên thì xếp cànhcây nhỏ khít vào nhau làm mái. Mái ấy khá kín, tuyết khó mà lọt qua.

    Đây là chỗ trú tạm, nhưng quí như một ngôi nhà. Nôn nóng hơn hay nhanhnhẹn hơn không biết, mấy con chó xông vào lều trước hết.

    Chúng lăn bừa trên nền đất bụi, khô ráo, ăng ẳng reo mừng.

    Cụ Vitali và tôi mừng rỡ chẳng kém gì chúng nó. Nhưng chúng tôi không lănchiêng xuống đất để biểu lộ sự mừng rỡ ấy. Nói cho đúng, lăn được xuống đất thìcũng chóng khô người đi đấy. Cụ Vitali nói:

    - Ta đoán đúng là trong rừng vẫn đẵn gỗ này, tất có một cái lều thợ rừng ở đâuđây. Bây giờ thì tuyết cứ việc rơi.

    - Vâng, cho nó tha hồ rơi! - Tôi đáp lại giọng thách thức.

    Rồi tôi đi lại phía cửa lều để rũ áo mũ cho khỏi ướt át "phòng trọ" của chúngtôi.

    Thật ra thì cái lều ấy không có cửa lớn, cửa sổ gì cả, chỉ có một lỗ hổng để ravào.

    "Phòng trọ" của chúng tôi xây dựng sơ sài, bàn ghế chả có, cái gì cũng hết sứcđơn giản. Chỗ ngồi gần vẻn chả có, cái gì cũng hết sức đơn giản. Chồ ngồi gồm vẻnvẹn một ụ đất dài làm bàn và mấy hòn đá lớn làm ghế đẩu. Nhưng trong tình cảnhchúng tôi bây giờ, có cái này đáng quý nhất: Đó là năm sáu viên gạch đặt nghiêng xếpthành một cái bếp trên mặt đất ở một góc lều.

    Có lửa rồi đây! Chúng tôi có thể đốt lửa sưởi được rồi.

    Nói cho đúng thì có bếp cũng chưa phải là có lửa, còn phải có củi đốt nữa!

    Trong một cái nhà như kiểu nhà chúng tôi đang trú thì củi không khó kiếm. Cứ việc lấy ở tường, ở mái, nghĩa là rút các que củi đã xếp làm phên, làm mái nhà. Duy phải rút ở chỗ này một ít, chỗ kia một ít để cho lều khỏi trống trải, lung lay.

    Công việc kiếm củi làm nhanh lắm. Chẳng bao lâu một ngọn lửa hồng bốc lêntrên bếp, nhảy nhót reo vui. Ôi! Ngọn lửa đẹp, lành, ấm áp làm sao! Đành rằng lửahun khói lên, và vì không có ống thoát nên khói bay khắp cả lều. Nhưng hề gì! Miễnlà có lửa, có hơi nóng là được.

    Tôi bò rạp xuống đất chống tay thổi lửa, còn ba con chó thì gấp chân sau ngồirất chững chạc, vươn cổ, phơi mấy cái bụng ướt lạnh ra đón ngọn lửa hồng. Rồi đếnlượt con Giôlicơ cũng hé vạt áo ông chủ, ló mũi ra: Nó dòm xem cho biết đây là đâu. Thấy không có gì đáng ngại, nó nhanh nhẹn nhảy xuống đất, chọn chỗ tốt nhất bếpmà ngồi, rồi đưa hai bàn tay bé bỏng đang run lẩy bẩy ra hơ lửa.

    Bây giờ thì chắc chắn không chết rét rồi, nhưng vấn đề đói vẫn chưa có cáchgiải quyết. Cái lều ấy trú chân được, nhưng trong lều không có thùng đựng bánh cũngkhông có xoong chảo reo sôi trên lò.

    May sao, cụ tôi là người cẩn thận và từng trải. Lúc sớm, tôi chưa dậy, cụ đã loxong khoản lương thực đi đường, gồm có một chiếc bánh và một rẻo pho mát. Nhưngđâu phải là lúc vòi vĩnh khó tính! Thoạt trông thấy chiếc bánh, chúng tôi tỉnh cảngười ra.

    Khổ thay, khẩu phần chẳng được là bao vì cụ chủ không chia hết bánh, chỉ cắtmột nửa. Tôi thất vọng, đưa mắt hỏi cụ. Cụ bảo:

    - Ông không quen con đường này nên không rõ từ đây đến Tờroa có tìm thấyquán cơm không, vả lại ông cũng không thuộc đường đi lối lại trong rừng. Ông chỉbiết rằng vùng này cây dày rừng rậm, rừng rú mênh mông bạt ngàn nối tiếp nhau. Cóthể chúng ta còn cách xa nhà cửa xóm làng những năm mười dặm. Cũng có thể chúngta bị nghẽn lâu trong túp lều này. Vì vậy phải dành lại ít lương thực để ăn tối.

    Những lý lẽ ấy, tôi hiểu, bởi vì tôi còn nhớ cái ngày đoàn chúng tôi ra khỏiTuludơ sau khi cụ Vitali bị bắt. Nhưng mấy con chó hiểu sao được! Vừa liếm láp chútít đã thấy cụ chủ cất chiếc bánh mì vào xắc, chúng bèn chìa chân ra xin thêm và càocào lên đầu gối ông cụ. Chúng chân những cặp mắt van lơn vào cái xắc, và làm nhiềuđiệu bộ tỏ ý yêu cầu cụ mở xắc ra.

    Van lơn, mơn trớn cũng vô hiệu. Chiếc xắc vẫn cài im.

    Tuy bữa ăn hết sức sơ sài, chúng tôi cũng đã được hồi sức. Có chỗ trú, có lửasưởi ấm, chúng tôi có thể chờ cho qua cơn mưa tuyết. Ở lại trong cái lều ấy, tôi thấychẳng có gì đáng ngại cả, huống hồ tôi yên trí là không phải ở lâu. Tôi không tin rằngsẽ bị mắc nghẽn ở đấy, mặc dù ông chủ tôi nói thế để giải thích vì sao phải dè xẻn. Chắc là tuyết không rơi mãi. Nhưng cũng phải nói là chưa hề có dấu hiệu gì báo trướclà nó sắp ngừng rơi.

    Nhìn qua cửa lều tôi thấy tuyết vẫn cứ rơi nhanh và dày. Gió đã lặng nên tuyếtrơi thẳng đứng, bông này chồng lên bông khác không ngớt. Nhìn chẳng thấy da trời. Ánh sáng từ tấm thảm tuyết chói ngời dưới đất chiếu lên chứ không phải từ trên caorọi xuống.

    Mấy con chó cũng đã tạm bằng lòng với chỗ trú chân bất đắc dĩ này, nên cả bađều xúm quanh bếp lửa mà ngủ, con nằm khoanh tròn, con nằm nghiêng. Con Capithì nằm sấp, dúi mũi vào tro. Tôi nảy ra ý định làm như chúng nó. Sáng nay tôi đãdậy quá sớm, bây giờ ngồi trông tuyết rơi thì không bằng thả hồn trong cõi mộng, biếtđâu trong chiêm bao lại được đi trên thuyền Thiên Nga?

    Không biết tôi đã ngủ bao lâu. Chỉ biết lúc tỉnh giấc thì tuyết đã ngừng rơi. Tôinhìn ra ngoài thấy lớp tuyết đóng ở trước cái lều cao lên lắm; nếu lại ra đi thì dễthường tuyết cũng lên cao qua đầu gối tôi.

    Mấy giờ rồi nhỉ?

    Cụ chủ có biết đâu mà hỏi. Mấy tháng gần đây, số thu tệ quá, không đủ bù lạinhững khoản phí tổn trong lúc cụ ở tù và hầu kiện. Bởi vậy, ở Đigiông cụ phải bán cáiđồng hồ quả quýt để mua tấm áo da cừu cho tôi và vài thứ đồ dùng lặt vặt cho cả haithầy trò. Đó là chiếc đồng hồ vỏ bạc to lớn mà ngày mới nhập đoàn, tôi thấy con chóCapi xem để báo giờ cho khán giả. Nay chiếc đồng hồ thân mến đã không còn thìmuốn biết giờ khắc đành phải nhìn ra ngoài trời.

    Nhưng ngoài trời không có gì trả lời cho tôi được: Dưới đất một vạch trắng loámắt; giữa không trung một đám sa mù sâm sẫm; trên trời, một thứ ánh sáng nhờ nhờchen vài khoảnh ố vàng đây đó, không có cái gì trông mà đoán được là trưa, chiềuhay sớm.

    Tai nghe cũng không hơn gì mắt ngó, bởi vì sự yên lặng thật là tuyệt đối. Không một tiếng chim kêu, một tiếng roi ngựa vút, một tiếng bánh xe lăn. Dù cảnhđêm chăng nữa, dễ cũng không có đêm nào vắng vẻ như cái cảnh ngày hôm nay.

    Thêm vào đó, một sự ngưng trệ hoàn toàn. Tuyết đang chặn đứng mọi chuyểnđộng, tuyết đã biến tất cả thành đá. Chỉ chốc chốc có tiếng động khẽ, chú ý lắm mớinghe thấy, rồi một cành thông đu đưa nặng nề. Cành thông trĩu tuyết dần dần oằnxuống, và khi độ nghiêng dốc quá thì tuyết rơi tuột xuống hết, cành thông lại bật lênngay. Bấy giờ màu xanh thẫm của cây nổi bật lên giữa tấm màu trắng trùm lên tất cảnhững cây cối khác; nhìn xa, người ta tưởng đây đó tấm màn bị thủng những lỗ đenngòm.

    Tôi đang tựa cửa say sưa ngắm nhìn cảnh tượng ấy thì cụ chủ gọi tôi:

    - Rêmi, cháu thích lên đường rồi đấy à?

    - Cháu không biết, cháu không thích gì cả. Ông muốn gì thì cháu làm nấy.

    - Thế à, thế thì theo ý ông, ta nên ở nán lại đây. Ở đây ít ra cũng có chỗ ẩn trú, và có lửa ấm để sưởi.

    Tôi nghĩ tới việc thiếu lương thực, nhưng tôi không nói. Cụ Vitali tiếp:

    - Ông chắc rồi tuyết sẽ rơi trở lại, chốc lát nữa thôi. Không nên xông pha trênđường trong khi chưa biết làng mạc còn cách bao xa. Đêm đến không dễ gì nằm giữatuyết. Ở đây vẫn còn hơn. Ở đây ít ra chân chúng ta cũng khỏi bị dầm nước.

    Gác vấn đề lương thực lại một bên thì kể ra tôi cũng thấy làm thích cách thuxếp ấy. Với lại có ra đi ngay thì cũng không chắc gì gặp một quán ăn trước khi đêmđến. Trái lại cái chắc chắn sẽ gặp là một lớp tuyết dày trên đường cái, chưa ai giẫm lênnên đi lại sẽ rất khó khăn.

    Chỉ cần bóp bụng mà chịu, thế thôi.

    Đúng là chúng tôi phải làm thế khi đến bữa ăn tối. Cụ Vitali chia chỗ bánh cònlại làm sáu phần. Chao ôi! Sao mà ít thế? Chúng tôi đã bẻ bánh ra từng miếng, hết sứcnhỏ để kéo dài bữa ăn, nhưng rồi nó cũng hết béng đi nhanh chóng.

    Tôi cứ tưởng là ăn xong bữa ăn ít ỏi và ngắn ngủi ấy thì lũ chó sẽ giở lại cái tròban trưa vì quả thật chúng tôi còn đói lắm. Nhưng chúng không làm thế. Một lần nữatôi quả thật thấy chúng quả là giống vật tinh khôn.

    Cụ Vitali vừa bỏ con dao vào túi quần - thế nghĩa là bữa tiệc của chúng tôi đãchấm dứt - thì con Capi đứng dậy. Nó gật đầu ra hiệu cho hai bạn chó của nó đến ngửicái xắc thường ngày chứa lương thực. Đồng thời nó nhẹ nhàng đặt chân lên xắc để sờthử. Qua hai cuộc xét nghiệm ấy, nó biết chắc là không còn gì chén nữa. Thế là nó trởvề chỗ cũ bên cạnh bếp lửa, và sau khi gật đầu ra hiệu một lần nữa cho con Đônxơ vàcon Décbinô, nó nằm thườn thượt ra, thở dài một cách nhẫn nại.

    Nó đã diễn đạt ý nghĩ của nó rõ ràng không kém gì dùng lời nói. Nó muốnnói: "Không còn gì nữa đâu. Đừng van xin vô ích".

    Lũ bạn của nó cũng hiểu ý nó. Chúng nằm dài trước bếp lửa y như nó. Nhưngtiếng thở dài của con Décbinô không có vẻ gì nhẫn nại cả. Nó vốn ăn tợn mà lại thamăn, cho nên khi phải chịu đói nó khổ sở hơn các bạn nó.

    Tuyết đã rơi lại và cũng rơi liên miên dai dẳng như trước. Thời gian càng trôiqua, lớp tuyết đóng trên mặt đất càng cao lên dần dọc theo những chồi non mọc ở góccây mới đốn, về sau chỉ còn các chồi non ngoi ngóp trên mặt tuyết trắng và tuyết cũngsắp dâng lên phủ ngập chúng như một ngọn triều.

    Trời hôm nay sẫm quá cho nên cũng chóng tối. Ăn xong bữa tối trông ra ngoàikhông thấy rõ mọi vật nữa. Đêm đến tuyết vẫn cứ rơi. Từ trên trời tối đen từng mảngtuyết trắng rơi xuống liên hồi trên mặt đất trắng xóa. Đằng nào cũng phải nghỉ đêm tạiđây thì tốt hơn là ngủ đi cho rồi. Tôi nghĩ thế và làm theo mấy con chó. Cuộn mìnhtrong tấm da cừu đã hong khô, tôi nằm dài bên cạnh bếp lửa, gối đầu lên một hòn đáphẳng. Cụ Vitali bảo:

    - Cháu ngủ đi. Ông sẽ đánh thức cháu dậy khi đến lượt ông ngủ. Ở trong lềunày thì không sợ gì người hay thú rừng quấy phá, nhưng giữa hai ông cháu mình phảiluôn có một người phải thức để coi bếp lửa. Ta phải phòng rét cẩn thận, khi tuyếtngừng rơi thì có thể lạnh cắt da cắt thịt đấy.

    Không đợi bảo lần hai tôi đã nhắm mắt ngủ kỹ.

    Khi cụ chủ đánh thức tôi dậy thì đêm đã khuya lắm rồi, tôi đoán chừng nhưthế. Tuyết đã ngừng rơi, lửa vẫn đỏ rực. Cụ bảo:

    - Bây giờ đến phiên cháu. Cháu chỉ có mỗi việc chốc chốc bỏ thêm củi vàobếp. Cháu thấy không. Ông đã dự trữ sẵn củi cho cháu đây.

    Quả vậy, tôi thấy có một đống củi chất sẵn, vừa tầm tay. Cụ chủ tôi tỉnh ngủhơn nên không muốn cho tôi làm mất giấc ngủ của cụ khi rút củi sột soạt ở vách. Cụđã rút sẵn và xếp đó cho tôi, tôi chỉ việc nhẹ nhàng với tay mà lấy.

    Việc làm của cụ chủ tôi rõ ràng là khôn ngoan chu đáo. Nhưng chao ôi! Kếtquả của nó lại khác hẳn với sự mong muốn của cụ.

    Bấy giờ tôi đã tỉnh táo và sẵn sàng nhận phiên gác. Thấy thế cụ chủ nằm xuốngbên bếp lửa, quấn chăn cho con Giôlicơ và đặt nó nằm bên cạnh. Lát sau nghe nhịpthở pho pho đều đặn của cụ, tôi biết là cụ đã ngủ. Tôi đứng lên nhẹ nhàng, rón rénnhón chân đi lại gần cửa để xem thử ở ngoài trời bây giờ ra sao.

    Lúc này thì tuyết đã phủ lấp tất cả cỏ cây, bờ bụi, cả những cây cối lớn. Nhìntận xa tít cũng chỉ thấy một lớp tuyết trắng toát nhưng không phẳng phiu lắm. Trênnền trời lác đác có những chấm sao nhấp nháy. Mặc dù sao rất sáng, nhưng thứ ánhsáng nhờ nhờ soi rọi cảnh vật lúc bấy giờ lại không từ trên cao xuống mà từ dưới toảlên. Trời rét lại. Có lẽ ngoài kia tuyết đương đóng băng vì luồng khí tạt vào lều lạnh têngười. Trong sự yên lặng ảm đạm của cảnh đêm, thỉnh thoảng nghe thấy tiếng lắc cắcthì người ta biết rằng tuyết trên mặt ngoài trời đang kết lại thành băng.

    Chúng tôi tìm được chiếc lều này quả là có phúc, nếu không thì trong cảnhtuyết băng, giá rét ở giữa rừng này, còn gì là đời!

    Dù đi rón rén nhẹ nhàng, tôi cũng đã làm mấy con chó thức giấc. Con Décbinôđã đứng lên theo tôi ra phía cửa. Không có con mắt biết ngắm cảnh đêm tuyết lộng lẫynhư tôi, nó vừa nhìn qua một chút là chán ngay và muốn chạy ra ngoài. Tôi đưa tay rahiệu bảo cho nó đi vào. Điên hay sao mà đòi đi ra ngoài trời trong khi rét như thếnày? Ngồi sưởi lửa không sướng hơn là chạy lang thang hay sao?

    Décbinô vâng lời, nhưng nó cứ hếch mũi ra phía cửa. Đúng là một con chócứng đầu, thích làm gì thì khư khư ôm cái thích ấy.

    Tôi đứng ngắm tuyết một lúc nữa. Cảnh ấy làm cho lòng tôi nao nao buồnnhưng không hiểu sao tôi cứ thích ngắm. Nhìn cảnh tuyết mà nao người muốn khóc. Mà không muốn nhìn thì rất dễ, chỉ cần nhắm mắt lại, hoặc trở về chỗ cũ. Nhưng tôilại cứ đứng yên ở đó.

    Nhưng mãi rồi tôi cũng đi lại bên bếp lửa. Tôi bỏ vào bếp ba bốn thanh củi gácchéo lên nhau, xong tôi ngồi lên hòn đá dùng để gối đầu lúc nãy, nghĩ rằng ngồi mộtlúc cũng vô hại. Chủ tôi ngủ yên. Mấy con chó và con khỉ cũng ngủ. Trong bếp ngútcháy, từng ngọn lửa hồng cuồn cuộn bốc lên tận mái lều và tàn bắn ra nổ lách tách. Đó là tiếng động duy nhất trong đêm tĩnh mịch này. Tôi thích thú ngắm nhìn nhữngtàn lửa ấy khá lâu. Nhưng dần dần, tôi thấy trong người mệt mỏi, rồi chợp ngủ lúc nàokhông biết.

    Giá cụ chủ để cho tôi tự lo khoản củi cành, thì tôi đã phải đứng lên, đi lại lăngxăng trong lều và như thế ắt phải tỉnh như con sáo. Đằng này ngồi yên một chỗ khôngcần cử động mấy, chỉ chốc chốc với tay lấy củi bỏ vào bếp, cho nên dễ buồn ngủ. Cứđinh ninh là mình sẽ tỉnh táo, thế mà tôi ngủ quên đi.

    Thình lình một tiếng sủa giận dữ làm tôi vùng dậy. Trời tối om. Có lẽ tôi ngủquên lâu rồi vì lửa đã tắt hay ít ra là không còn bốc ngọn, không soi sáng trong lềunữa. Tiếng sủa không ngơi. Đó là tiếng của con Capi. Nhưng lạ chưa! Còn conDécbinô và cả con Đônxơ nữa ở đâu mà không lên tiếng đáp lại? Cụ Vitali choàng dậykêu to lên:

    - Cái gì thế? Có chuyện gì xảy ra đấy?

    - Cháu không biết!

    - Cháu ngủ quên để lửa tắt rồi.

    Capi đã sấn ra phía cửa từ bao giờ nhưng nó không ra ngoài, nó đứng ở

    Ngưỡng cửa mà sủa. Cái câu cụ chủ hỏi tôi, chính tôi cũng tự hỏi mình: "Có chuyện gì

    Xảy ra thế?". Đáp tiếng sủa của con Capi, vài tiếng rú đau đớn vang lại: Tôi nhận ratiếng con Đônxơ. Tiếng rú vang lên từ sau lều nghe gần lắm.

    Tôi toan chạy ra. Cụ chủ để tay lên vai tôi ngăn lại. Cụ ra lệnh:

    - Hãy chất củi vào bếp đã!

    Trong khi tôi làm theo lời thì cụ cầm một cái vỏ lửa (1) thổi lên. Que củi đỏbừng, cụ không đưa vào bếp mà giữ lấy trong tay và bảo tôi:

    - Ta ra xem thử thế nào. Cháu đi sau ông. Nào! Capi, đi ra đi!

    - Chúng tôi sắp bước chân ra ngoài thì một tiếng tru dữ dội vang lên trong đêmlặng. Con Capi nhảy trở lại quấn lấy chân tôi, dáng hoảng hốt. Cụ Vitali nói:

    - Chó sói đấy! Con Décbinô và Đônxơ đâu?

    Tôi không biết trả lời làm sao cả. Chắc chắn hai con chó đã ra khỏi lều trongkhi tôi ngủ: Con Décbinô trái chứng trái nết đã làm theo ý định của nó lúc nãy, còncon Đônxơ thì chạy theo bạn. Chó sói đã tha chúng đi rồi chăng? Khi chủ tôi hỏi haicon chó ở đâu, tôi thấy hình như cụ có ý lo ngại điều đó. Cụ bảo:

    - Cháu cũng cầm lấy một que củi đỏ rồi cùng đi cứu chúng nó với ông.

    - Ở làng quê, tôi đã nghe kể lắm chuyện muông sói hãi hùng. Tuy thế tôi cũngkhông do dự, cầm một que củi đỏ làm khí giới rồi đi theo cụ chủ. Nhưng ra rừngchẳng thấy chó đâu, sói đâu cả. Chỉ thấy dấu chân của hai con chó hằn trên tuyết.

    Chúng tôi lần theo hai dấu chân đó. Dấu chân chỉ lẩn quẩn chung quanh lều. Rồi ở cách một khoảng xa hơn, trong bóng đêm lờ mờ, hiện lên một vạt tuyết nátnhàu như tuồng có những con vật gì lăn lộn trên ấy. Cụ chủ bảo con Capi:

    - Tìm đi, Capi, tìm đi con! - Rồi cụ huýt sáo để gọi con Décbinô và conĐônxơ.

    Không có một tiếng sủa nào đáp lại tiếng gọi của ông cụ, không có tiếng độngnào vang lên trong cảnh vắng lặng, ảm đạm của khu rừng.

    Con Capi thường ngày dễ bảo và gan dạ là thế mà hôm nay không chịu sục sạotheo lệnh chủ, chỉ quấn lấy chân chúng tôi.

    Ánh sáng phản chiếu từ mặt tuyết không đủ để chúng tôi nhìn thấy lối đi vàtheo vết chân chó. Hơi nhìn xa một tí thôi cũng đủ lóa mắt không thấy gì trong bóngđêm mập mờ. Cụ Vitali lại huýt sáo và gọi ầm lên: "Décbinô! Đônxơ!" Gọi rồi lại

    Nghiêng tai nghe ngóng, vẫn im lìm. Lòng tôi thắt lại. Tội nghiệp con Décbinô. Tộinghiệp con Đônxơ!

    Cụ Vitali nói mối lo của tôi ra:

    - Sói bắt chúng rồi!.. Tại sao cháu lại để cho chúng đi ra ngoài?

    Ừ! Tại sao? Than ôi! Tôi còn biết đáp lại thế nào!

    Phải đi tìm chúng nó!

    Tôi nói thế và vụt chạy đi trước. Cụ Vitali giữ tôi lại:

    - Đi tìm ở đâu?

    - Cháu không biết. Tìm khắp!

    - Làm sao đi được trong đêm tối mà lại ở giữa rừng tuyết thế này?

    Quả là chuyện ấy không dễ. Tuyết lên đến nửa ống chân, mà hai que lửa trongtay chúng tôi thì làm sao mà soi được trong đêm tối? Cụ chủ nói:

    - Chúng không đáp tiếng gọi của ta, nghĩa là chúng đã ở đâu.. xa lắm rồi. Vảlại cũng không nên liều lĩnh để cho sói tấn công ngay cả chúng ta nữa. Chúng ta có gìđể tự vệ đâu!

    Thế có nghĩa là phải bỏ chúng nó. Bỏ hai con chó bất hạnh, hai người bạnđường, hai người anh em chí thiết chúng tôi thì đau lòng biết chừng nào! Khổ nhất làtôi, vì lỗi tuy bởi chúng mà trách nhiệm thì ở tôi. Nếu tôi không ngủ quên thì chúngcó ra ngoài được đâu!

    Cụ chủ quay trở về lều, tôi cũng đi theo, cứ một bước tới lại ngoảnh nhìn đằngsau và dừng chân nghe ngóng. Nhưng chỉ thấy tuyết là tuyết, chỉ nghe thấy tiếng răngrắc của tuyết kết thành băng.

    Trong lều lại có chuyện bất ngờ nữa đang chờ đợi chúng tôi. Trong khi chúngtôi đi ra ngoài thì mấy cành cây khô chất trong bếp lúc này đã bén cháy và rực lên, soitận những xó tối tăm nhất.

    Thế mà tôi không trông thấy con Giôlicơ.

    Cái chăn vẫn còn trước bếp lửa, nhưng xẹp lép, không có con khỉ trong ấy. Tôigọi nó. Rồi đến cụ Vitali gọi, vẫn không thấy nó ra.

    Nó làm sao rồi nhỉ?

    Cụ Vitali nói khi cụ thức dậy thì vẫn thấy con khỉ còn nằm một bên. Thế thìđúng nó mất tích khi chúng tôi ra ngoài lều. Nó định chạy theo chúng tôi chăng?

    Chúng tôi cầm mỗi người một nắm củi đỏ rồi bước ra ngoài lều, cúi rạp ngườixuống nghiêng đóm soi trên mặt tuyết để tìm dấu tay con Giôlicơ. Chả tìm thấy gì cả. Đã đành dấu chân chó và dấu chân chúng tôi làm loạn xạ trên tuyết. Nhưng nó cũngkhông làm nhòa tất, nếu có dấu tay khỉ thì vẫn có thể nhận ra. Thế thì rõ là Giôlicơkhông ra khỏi lều.

    Chúng tôi trở về lều để xem thử nó có thu mình trong bó củi cành nào không. Chúng tôi sục sạo lâu lắm. Mỗi nơi, mỗi góc, chúng tôi tìm kiếm dễ có đến mười lần. Tôi đứng lên vai cụ Vitali để lục lọi trong các cành cây xếp làm mái lều. Tất cả đều vôhiệu! Chốc chốc, chúng tôi ngừng tay để gọi nó, vẫn không thấy gì!

    Cụ Vitali có vẻ tức tối bực bội lắm; còn tôi, tôi thực vô cùng buồn não. Tộinghiệp cho Giôlicơ quá!

    Tôi hỏi cụ Vitali xem cụ có nghĩ rằng nó bị chó sói bắt đi không, cụ đáp:

    - Không đâu. Sói hẳn không dám xông vào cái lều có lửa sáng như thế này.

    Ta cho rằng sói đã bắt hai con chó vì chó chạy ra ngoài, chứ chúng không chuivào đây. Có lẽ trong khi chúng ta đi vắng, Giôlicơ hãi quá đã trốn vào xó nào đấythôi. Ta lo cho nó lắm, vì với thời tiết chết tiệt này, nó sẽ cảm lạnh mất. Mà đối vớigiống ấy hễ lạnh là chết đấy.

    - Thế thì ông với cháu sục tìm nữa đi.

    Và chúng tôi lại tìm kiếm lục lọi, nhưng cũng hoài công như lần trước thôi. CụVitali nói:

    - Thôi đành phải đợi đến sáng sẽ hay.

    - Nhưng bao giờ mới sáng?

    - Cũng vài ba tiếng đồng hồ nữa. Ông đoán thế.

    Nói đoạn cụ ngồi xuống bên bếp lửa, hai tay ôm lấy đầu. Tôi không dám quấyrầy cụ, chỉ cử động những khi cần lấy củi bỏ vào bếp thôi.

    Chốc chốc cụ đứng lên, đi lại cửa, ngước nhìn trời và nghiêng tai nghe ngóng. Rồi cụ trở về chỗ cũ. Tôi cảm thấy giá bị cụ mắng còn đỡ khổ tâm hơn là cứ nhìn vẻmặt âu sầu ảo não của cụ.

    Cụ Vitali nói có ba tiếng đồng hồ, nhưng mà giờ khắc sao mà đi chậm đến điênruột như thế! Chừng như cái đêm này chẳng bao giờ hết.

    Nhưng rồi sao trên không cũng nhạt dần, bầu trời ửng trắng, sắp sáng rồi đây. Nhưng càng về sáng càng rét. Không khí bên ngoài lùa vào lửa lạnh như băng giá.

    Trời thế này thì có tìm ra con Giôlicơ cũng chắc gì nó còn sống! Và có gì làmcho chúng tôi hy vọng là sẽ tìm được nó?

    Biết đâu sáng ra, tuyết lại không rơi trở lại? Mà nếu thế thì tìm nó làm sao?

    May sao, tuyết đã dứt hẳn. Trời không mù mịt như hôm trước mà ửng một màuhồng. Đó là triệu chứng tạnh ráo.

    Khi trời đủ sáng, cây cỏ hiện hình rõ rệt, thì chúng tôi ra khỏi lều ngay. CụVitali cầm lấy cây gậy lớn, tôi cũng thế. Con Capi chừng như cũng không còn sợcuồng chân cuồng cẳng như lúc ban đêm nữa. Nó nhìn chòng chọc vào mắt cụ chủ, đợi cụ ra hiệu để phóng lên trước.

    Chúng tôi đương tìm dấu tay Giôlicơ dưới đất. Bỗng thấy con Capi ngẩng đầulên sủa có vẻ mừng rỡ. Như thế có nghĩa là phải tìm trên cao chứ không phải tìm dướiđất.

    Quả nhiên chúng tôi thấy lớp tuyết phủ trên mái lều bị giày đạp lỗ chỗ thànhmột đường chạy thẳng đến một cành cây to sà xuống gần sát mái. Đó là một cây sồi tolớn. Chúng tôi đưa mắt nhìn trên cành ấy. Trên chót vót ngọn cây, chúng tôi thấy mộthình thù bé nhỏ màu xám sẫm nép mình giữa một cái chạc đôi.

    Đó là Giôlicơ. Chuyện xảy ra cũng dễ đoán. Con Giôlicơ nghe tiếng tru củachó và muông sói thì kinh hãi. Trong lúc vắng người, nó không dám vào trong lều, nóphóng lên mái và từ đó đã leo tuột lên ngọn cây sồi.

    Thấy ở đó yên ổn, nó thu mình lại nấp vào chạc cây, gọi cũng không lên tiếng. Con vật bé bỏng vốn kém chịu rét, chắc hẳn nó đang bị cóng ở trên ấy.

    Cụ chủ âu yếm gọi nó. Nhưng nó không nhúc nhích, nó chết rồi chăng? Cụgọi đi gọi lại đến mấy phút. Giôlicơ vẫn cứ im lìm như chết.

    Để chuộc lại sự sơ suất đêm qua, tôi nói:

    - Nếu ông cho phép thì cháu leo lên bắt nó cho.

    - E cháu ngã gãy cổ mất.

    - Không có gì nguy hiểm đâu.

    Không có gì nguy hiểm thì không đúng. Trái lại có nguy hiểm đấy và nhất là

    Có khó khăn. Cây đã to, lại dính đầy tuyết ở những chỗ thân và cành quay về phía gió.

    Cũng may là tôi đã tập leo cây từ thưở bé, và trong khoa ấy, tôi đã đạt tới mộttài nghệ khác thường. Quanh thân cây, đây đó có một vài tược nhỏ. Tôi đã dùngnhững tược ấy làm nấc thang. Mặc dù tay tôi bám vào cây làm tuyết rơi mờ cả mắt, nhờ có cụ Vitali giúp sức, không bao lâu, tôi đã trườn tới chạc thứ nhất. Đến đấy thìlên nữa cũng dễ, chỉ cần cẩn thận để chân khỏi trượt trên tuyết. Vừa leo tôi vừa lêntiếng vỗ về con khỉ. Nó không động đậy. Nó nhìn tôi với cặp mắt sáng ngời. Tôi đãlên tới chỗ nó. Tôi đưa tay ra toan bế nó thì nó nhảy phốc một cái, chuyển sang cànhkhác. Tôi leo qua cành ấy đuổi theo nó. Nhưng con người, dù là thứ trẻ ranh đi nữa, cũng không làm sao bì với loài khỉ trong khoa leo trèo chạy nhảy trên cây. Vì thế nếutuyết không phủ các cành cây thì chắc không là bao giờ tôi bắt được nó. Tuyết làm ướtlạnh tay chân nó nên không bao lâu nó cũng chán với cái cảnh đuổi bắt đó. Thế là nó

    Tuột từ cành này xuống cành khác rồi đánh một phốc xuống vai cụ chủ và chui vàotrên trong áo cụ.

    Tìm được con khỉ cũng khá rồi đấy, nhưng chưa phải là hết. Bây giờ còn phảitìm hai con chó nữa. Đi mấy bước, chúng tôi đã đến chỗ lúc ban đêm, tuyết bị giàyđạp.

    Bây giờ ban ngày cho nên xét đoán sự việc cũng không khó. Câu chuyện haicon chó của chúng tôi bị nạn như thế nào còn in rành rành trên tuyết.

    Khi con Décbinô và con Đônxơ ra khỏi lều thì con trước con sau, chúng đidọc theo các bó củi dựng làm vách. Chúng tôi nhận rõ dấu chân của chúng đi như thếtrong khoảng vài mươi thước. Thế rồi những dấu chân ấy nhòa đi trên một khoảngtuyết bị giày xéo ngổn ngang. Cũng ở chỗ đó lại thấy nhiều dấu chân khác: Một phíathì dấu chân những con sói đã nhảy từng bước dài đến vồ chó; một phía thì dấu chânchúng tha mồi chạy đi sau khi vật đã chết mồi. Từ đấy mà đi dấu vết chó không cónữa, chỉ còn một vết máu dài nhuộm đỏ mặt tuyết đó đây.

    Rõ ràng là chúng tôi không phải mất công tìm kiếm xa hơn nữa: Hai con chóđáng thương của chúng tôi bị cắn cổ ngay tại đây và lũ sói đã tha chúng vào lùm bụirậm nào đó để xé nuốt tha hồ. Vả lại chúng tôi còn phải gấp rút lo sưởi cho conGiôlicơ nữa chứ!

    Chúng tôi trở về lều. Trong khi cụ Vitali đưa tay chân con Giôlicơ kề ngọn lửađể hơ như một đứa trẻ con thì tôi hơ tấm chăn của nó.

    Sau đó chúng tôi quấn nó vào chăn. Nhưng một tấm chăn chả đủ. Nó cần mộtcái giường đã được xông ấm và cần nhất là một cốc gì nóng để uống cho ấm người. Mà chúng tôi thì không có giường cũng không có thức uống nóng. Có lửa sưởi đã làphúc lắm rồi.

    Cụ Vitali và tôi ngồi bên bếp lửa không động đậy, im lặng nhìn củi cháy. Không cần nói, không cần nhìn nhau, chúng tôi cũng hiểu nỗi đau lòng của nhau.

    "Tội nghiệp con Décbinô, tội nghiệp con Đônxơ. Thương hại hai chú bạn ấylàm sao!"

    Đó là những lời mỗi chúng tôi thì thầm với mình hay ít ra là những ý thầm kíntrong lòng mỗi chúng tôi. Hai con chó là bạn đường của chúng tôi, khi no đủ cũngnhư khi nghèo đói hoạn nạn không hề rời nhau. Riêng đối với tôi, trong những ngàynão nề cô quạnh, chúng nó là những người bạn trung thành, hầu như là những đứacon.

    Thế mà chúng nó chết vì sự lầm lỗi của tôi.

    Tôi không thể tự bào chữa thế nào cho xuôi được: Nếu tôi canh gác tròn phậnsự, nếu tôi không ngủ quên, thì nó đã không ra ngoài lều để cho chó sói bắt. Đời nàochó sói lại dám xông vào tấn công chúng tôi ngay trong lều! Sợ ánh ngọn lửa sáng, hẳn chúng chỉ đứng xa mà nhìn thôi.

    Tôi muốn cụ Vitali mắng tôi. Tôi suýt yêu cầu cụ đánh đòn cho nữa kia. Nhưng cụ không nói gì với tôi cả, cũng không nhìn tôi nữa. Cụ ngồi yên, đầu gục trênbếp lửa. Chắc cụ đang lo thiếu hai con chó thì tình cảnh của đoàn chúng tôi sẽ ra sao. Làm sao mà biểu diễn? Làm sao mà kiếm đủ sống?
     
    Ưu Đàm Thanh Ti thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng mười hai 2021
  6. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,903
    Chương 15: Ngài Giôlicơ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Những dấu hiệu lúc hừng sáng đã báo thời tiết đúng. Mặt trời nhô lên rạng rỡtrên vòm trời không mây. Những tia nắng nhạt chiếu xuống được mặt tuyết trắng tinhrọi lại. Hôm qua, rừng buồn bã nhợt nhạt là thế mà hôm nay thì ánh sáng chói changđến lóa cả mắt.

    Thỉnh thoảng, cụ Vitali luồn tay vào dưới chăn sờ xem Giôlicơ thế nào. Giôlicơvẫn chưa ấm lại tí nào. Tôi nghe thấy nó run lập cập khi cúi xuống bên nó. Trongchốc lát, chúng tôi nhận thấy rõ không tài nào làm ấm lại dòng máu tê buốt trongngười nó. Cụ Vitali đứng lên bảo:

    - Phải tìm đến chỗ xóm làng mới được. Nếu không thì, Giôlicơ đến chết ở đâythôi. Dọc đường mà nó không chết thì cũng là phúc lắm rồi. Đi đi thôi! Chúng tôi trùm kín Giôlicơ trong chiếc chăn ấm, rồi cụ chủ ôm nó vào dướíao, sát ngực. Thế là chúng tôi đã sẵn sàng lên đường. Cụ Vitali bảo:

    - Gớm! Cái quán này bắt ta phải trả giá trọ đắt quá!

    Giọng cụ run run khi nói câu ấy. Cụ đi ra trước, tôi bước theo gót cụ. Con Capi còn ngồi lại ở ngưỡng cửa, quaylại nhòm về chỗ hai bạn nó bị chó sói vồ. Phải gọi nó, nó mới chịu đi. Ra đường cái được mươi phút thì chúng tôi gặp một cái xe, người chủ xe bảocho biết là đi độ non một tiếng nữa thì đến làng mạc. Nghe nói thế chân chúng tôi hoákhỏe ra, mặc dù tuyết ngập đến nữa người tôi, đi vừa khó khăn vừa mệt nhọc. Chốc chốc tôi hỏi cụ Vitali xem Giôlicơ thế nào. Cụ vẫn trả lời là cụ nghe thấynó run cầm cập trong lòng cụ. Đi mãi, đến một cái dốc, dưới chân dốc hiện ra những mái nhà trắng của mộtthôn lớn. Cố gắng một thôi nữa và thế là chúng tôi đến nơi. Thầy trò chúng tôi vốn không quen vào những quán tốt nhất, những quán màvẻ sang trọng bên ngoài hứa hẹn thức ăn ngon, chỗ nằm ấm. Trái lại thường thườngchúng tôi dừng ở đầu làng hay ở ngoại ô, chọn một cái nhà tồi tàn nào đó mà họkhông xua đuổi chúng tôi, cũng không moi nhẵn túi chúng tôi. Lần này thì không thế. Cụ Vitali không dừng ở đầu làng, cụ đi mải đến một cáiquán trước cửa đeo đu đưa một tấm bảng đẹp thiếp vàng. Qua cửa nhà bếp mở toang, tôi thấy một chiếc bàn chất đầy thịt, và trên lò bếp rộng nhiều chiếc xoong bằng đồngđỏ đang reo sôi vui vẻ, hơi các thức ăn bốc lên trần thành đám mây con con. Mùi xúpbéo ngậy bay ra tận ngoài đường mơn trớn mấy cái dạ dày lép kẹp của chúng tôi. Cụ chủ tôi lấy dáng điệu một người sang trọng bước vào quán. Không cất mũ, đầu hất ra đằng sau, cụ hỏi chủ quán thuê một cái buồng tốt có lò sưởi. Chủ quán là một nhân vật trông khá bảnh bao. Ban đầu ông ta không thèmnhìn chúng tôi. Nhưng rồi vẻ uy nghi đường bệ của cụ chủ tôi làm ông ta phải kínhnể. Chị hầu phòng được lệnh đưa chúng tôi về buồng trọ. Trong khi chị ta nhóm lửa thì cụ Vitali bảo tôi:

    - Cháu đi nằm đi! Nhanh lên.

    Tôi đứng sững một lúc: Sao lại đi nằm? Ngủ làm gì, ngồi vào bàn ăn thì thíchhơn bao nhiêu!

    Cụ Vitali giục:

    - Nhanh lên chứ!

    Tôi phải đành làm theo lời cụ. Trên giường có một tấm chăn lông, cụ Vitali đắplên người tôi đến tận cằm.

    - Cháu gắng chịu, làm sao cho nóng ran người lên. Cháu càng nóng ấm chừngnào thì càng tốt chừng ấy.

    Tôi băn khoăn nghĩ rằng con Giôlicơ cần được ấm hơn tôi nhiều, bởi vì tôichẳng thấy rét gì cả. Trong lúc tôi nằm im cho nóng người trong tấm chăn lông thì cụVitali cứ trở qua trở lại con Giôlicơ, dường như quay thịt nó, làm chị hầu phòng hếtđỗi ngạc nhiên.

    Một lát sau, cụ hỏi tôi:

    - Cháu đã thấy nóng chưa?

    - Cháu chết bức đây.

    - Ấy, chính ta cần thế đấy.

    Nói xong, cụ đi ngay lại phía tôi và đặt con Giôlicơ lên giường, bảo tôi ôm chặtnó vào lòng. Tội nghiệp cho con vật bé bỏng, thường ngày nó bướng bỉnh, bắt làm gìmà không vừa ý thì giãy nảy lên, thế mà hôm nay nó ngoan ngoãn chịu đựng tất cả. Nó nép sát vào người tôi, nằm không cựa quậy. Nó hết lạnh rồi, mình nó nóng rannhư lửa. Cụ chủ tôi xuống bếp. Lát sau cụ bưng lên một cốc rượu vang nóng phađường. Cụ muốn cho con Giôlicơ uống vài thìa, nhưng nó không hé răng ra được. Nómở đôi mắt sáng nhìn chúng tôi buồn bã, như muốn van nài chúng tôi hãy để cho nóyên thân, đừng làm tình làm tội nó. Đồng thời nó rút một tay ra khỏi chăn, chìa chochúng tôi. Tôi không hiểu nó chìa tay ra và chìa đi chìa lại như vậy là có ý gì. Có cụ Vitaligiải thích, tôi mới rõ. Thì ra, trước khi tôi nhập đoàn, Giôlicơ đã có một lần bị sưngphổi, người ta đã chích máu ở tay nó. Bây giờ đây, tự thấy mình ốm, nó đưa tay ra đểngười ta chích máu nó nữa và chữa cho nó khỏi bệnh như lần trước. Các bạn thấy có cảm động không? Không những cụ Vitali cảm động, cụ còn lo ngại nữa. Rõ ràng là con Giôlicơđang ốm, không những ốm mà còn ốm nặng nữa, cho nên nó mới không chịu uốngrượu vang pha đường, cái món mà ngày thường nó thích lắm. Cụ Vitali bảo tôi:

    - Cháu uống chỗ rượu ấy rồi cứ nằm yên trên giường. Ta đi mời thầy thuốc đây.

    Phải thú thật bản thân tôi, tôi cũng ưa món rượu vang pha đường ấy, vả lại tôiđang đói phờ người ra. Bởi vậy, không đợi bảo hai lần, tôi nốc cạn bát rượu rồi chuivào chăn nằm. Hơi nóng của chăn lại thêm có hơi rượu bốc lên nữa làm tôi suýt ngấtngười thật. Cụ chủ tôi đi không lâu lắm. Chỉ một lát sau, cụ trở về, dẫn theo một ôngmang kính vọng vàng. Đó là ông thầy thuốc. Cụ Vitali sợ cái nhân vật quyền quý ấy không chịu rời gót ngọc đi chữa bệnhcho một con khỉ ranh, nên không nói rõ. Vì thế thấy tôi nằm trên giường, mặt đỏ như một đóa mẫu đơn chớm nở thìngài lương y sấn lại, đặt tay lên trán tôi rồi phán:

    - Hu yết tụ.

    Xong ngài lắc đầu, ý nói: Bệnh tình nghiêm trọng lắm.

    Tôi thấy cần phải cải chính n gay, không thì ông ta đè tôi mà chích máu mất.

    Tôi nói:

    - Không phải tôi ốm.

    - Thôi nào? Mày mà không ốm à? Cái thằng bé này nó lên cơn mê sảng rồi!

    Tôi không trả lời. Tôi nhích dần chăn lên, chỉ con Giôlicơ đương choàng tayqua cổ tôi nói:

    - Nó ốm đấy!

    Ông thầy thuốc lùi hai bước, quay về phía cụ Vitali, la lên:

    - Một con khỉ! Hay chưa? Vì một con khỉ mà ông quấy rầy tôi à? Lại đương tiếttrời thế này nữa!

    Tôi đoán rằng ông ta sẽ tức tối bỏ đi. Nhưng cụ Vitali lại là một người khôn ngoan và luôn tỉnh táo. Nhã nhặn vớimột cốt cách của một người thượng lưu, cụ giữ ông thầy thuốc lại. Rồi cụ nói cho ôngấy nghe cảnh ngộ của chúng tôi: Nào là gặp phải mưa tuyết thế nào, nào con Giôlicơsợ sói leo lên cây trên, bị cảm lạnh như thế nào. Cụ phân trần:

    - Đành rằng bệnh nhân chỉ là một con khỉ. Nhưng một con khỉ như thế nào?

    Một con khỉ thiên tài! Ngoài ra nó còn là một người bạn đường, một người anh emthiết cốt của chúng tôi. Tôi không đành giao một nghệ sĩ sân khấu xuất sắc như vậycho một anh thú y tầm thường cứu chữa. Vả chăng tuy khỉ chỉ là một con vật đấy, nhưng theo các nhà sinh vật học thì nó gần với giống người hết sức cho nên bệnh củanó không khác bệnh của người, về mặt khoa học và y thuật, nghiên cứu xem bệnh củakhỉ giống bệnh của người ở chỗ nào và khác ở chỗ nào, tôi tưởng cũng là một điều lýthú.

    Người Italia vốn khéo tán. Bởi thế lát sau, ông thầy thuốc không ra cửa mà lạiquay lại bên giường.

    Trong lúc cụ chủ tôi nói thì con Giôlicơ thò tay ra ngoài hơn mười lần để đưaông thầy thuốc chích máu. Chừng như nó đoán được cái người đeo kính ấy là một vịthầy thuốc. Cụ bảo:

    - Ngài xem con khỉ thông minh chưa! Nó biết ngài là một vị thầy thuốc, chonên nó đưa tay cho ngài bắt mạch cho nó đấy. Điều đó làm ông thầy thuốc hết do dự. Ông nói:

    - Ờ! Cái "ca" này có lẽ cũng ngộ đấy!

    Đối với chúng tôi thì, chao ôi! Cái "ca" này buồn và đáng lo ngại lắm: NgàiGiôlicơ có triệu chứng sưng phổi. Ông thầy thuốc cầm cánh tay nhỏ xíu mà chú khỉ luôn luôn chìa ra, và thọcdao vào mạch máu. Giôlicơ không kêu rên một tiếng. Chú biết người ta làm như thế làđể chữa cho chú lành bệnh. Chích máu xong thì đến đủ các thứ thuốc: Nào là thuốc cao, thuốc dán, thuốcnước, thuốc thang. Tôi trông nom bệnh nhân với sự chỉ bảo của cụ Vitali. Tội nghiệp chú Giôlicơ bé bỏng, chú thích được tôi chăm sóc. Thỉnh thoảngchú mỉm cười hiền lành để cảm ơn tôi. Cái nhìn của chú lúc này thật giống người lạlùng!

    Ngày thường Giôlicơ lấc cấc, ngang bướng hết chỗ nói; chả bao giờ chú chịungồi yên, lúc nào cũng lăng xăng để trêu nghịch chúng tôi. Thế mà bây giờ thì chú yênlặng, dễ bảo một cách mẫu mực. Hìn h như chú cần người ta tỏ lòng yêu mến đối vớichú. Chú muốn được cảm tình của cả con Capi, trước kia đã bao phen là nạn nhân củachú. Như một đứa con nuông, chú muốn mọi người ở bên cạnh chú. Có một ai rangoài là chú hờn dỗi. Bện h tình của chú tiến triển theo lệ thường của bệnh sưng phổi, nghĩa là ít lâusau thì chú đổ ra ho. Những cơn ho làm cho chú mệt lắm, vì nó khiến cả cái thân hìnhbé bỏng của chú quằn quại.

    Tài sản tôi vẻn vẹn có năm xu, tôi trút hết ra mua kẹo mạch cho chú. Khốn thay! Kẹo mạch của tôi không làm bệnh giảm mà lại làm tăng thêm. Sốlà động tới việc gì, Giôlicơ cũng để ý nhận xét, vì vậy không bao lâu, chú nhận thấyrằng mỗi khi chú ho thì tôi cho một cái kẹo. Sử dụng ngay điều nhận xét ấy, chú cứ homãi để tôi cho mãi cái vị thuốc mà chú rất thích kia. Cho nên cái vị ấy đáng lẽ làm chochú đỡ bệnh hóa ra làm cho chú đau thêm. Khi tôi biết ngón láu cá của chú thì tôi không cho kẹo nữa. Nhưng chú không ngã lòng! Thoạt đầu chú đưa mắt van xin. Khi thấy van xinvô hiệu, chú ngồi gập người lại ôm bụng ho dữ dội, rán hết gân cổ mà ho. Mặt chú đỏbừng, mạch máu trên trán căng thẳng, mắt giàn giụa nước mắt. Rốt cuộc chú đứt hơi, không phải là đứt hơi vờ, đứt hơi khi đóng kịch, mà là đứt hơi thật sự. Cụ chủ không bao giờ nói cho tôi biết mọi việc tính toán bán mua của cụ. Cáiviệc cụ phải bán đồng hồ để mua tấm áo lông cừu cho tôi, tôi biết được cũng là ngẫunhiên thôi.

    Nhưng lần này, trong hoàn cảnh khó khăn này, cụ không theo cái lệ thường ấy. Một sớm, tôi ngồi với Giôlicơ, còn cụ thì đi ăn sáng, vì bao giờ chúng tôi cũng thayphiên nhau trông Giôlicơ, không để nó nằm một mình. Khi về buồng, cụ cho tôi biếtrằng chủ quán đòi tiền trọ, và khi tính toán trả hết xong các khoản thì cụ chỉ còn nămmươi xu. Làm thế nào bây giờ? Dĩ nhiên, tôi không trả lời được. Còn cụ, cụ thấy chỉ có một cách giải nguy là tổ chức một buổi biểu diễn. Một buổi biểu diễn không có Décbinô, không có Đônxơ, không có Giôlicơ? Tôi thấy không thể thực hiện được. Nhưng chúng tôi đương ở vào một cảnh ngộ dùkhông thể làm cũng cứ phải làm không có cách gì nản lòng chùn bước hết. Thế nàocũng phải lo thuốc men cho Giôlicơ để cứu nó. Công th ầy, tiền thuốc củi sưởi, buồngtrọ bắt buộc chúng tôi phải thu ngay bốn chục phờrăng là ít nhất mới đủ trang trải. Cóthấy đồng bạc trắng xỉa ra, chủ quán mới mở cho chúng tôi một tài khoản mới để ăn ởtại quán anh ta thêm nữa.

    Nơi đây là thôn quê, trời lại rét, phương tiện biểu diễn còn lại ít như thế, màphải kiếm cho ra bốn chục phờrăng, thì quả là một sự gắng sức phi thường. Tuy vậycụ chủ tôi không để mất thì giờ suy nghĩ đắn đo, cụ bắt tay vào một cách khẩn trương. Trong khi tôi vẫn phải chăm người ốm, thì cụ chạy được một phòng diễn ở chợ, bởi vìtrời rét thế này, không thể biểu diễn ngoài trời được. Cụ vẽ mấy tấm quảng cáo rồi đưađi dán các nơi. Cụ kiếm được mấy tấm ván rồi xếp thành một sân khấu tàm tạm. Cụmạnh dạn dùng cái vốn năm mươi xu để mua nến. Cụ cắt nến thành hai để thắp nhiềungọn cho sáng. Qua cửa sổ, tôi trông thấy cụ chủ tôi đi đi lại lại nhiều lần trên tuyết ởtrước quán. Tôi lo lắng tự hỏi không biết chương trình buổi biểu diễn thế nào. Nhưng tôi không phải chờ lâu. Anh đánh trống trong làng đã đến. Anh đội mũlưỡi trai màu đỏ. Anh đứng trước cửa quán đánh ran một hồi trống oai hùng rồi tuyênđọc chương trình biểu diễn.

    Cái chương trình ấy ra sao thì cũng dễ hình dung được sau khi nghe lời tuyênbố kỳ quặc của cụ Vitali. Cụ quảng cáo cho một "nghệ sĩ tiếng tăm lừng lẫy khắp thiênhạ" - đó là con Capi - và "một danh ca thiếu niên đáng coi là một kỳ quan trong thếgiới" - kỳ quan ấy là tôi.

    Chưa hết. Cái chuyện lý thú nhất trong lời quảng cáo là chuyện không bán vévào cửa, mà để tùy lòng hào hiệp của chư vị khán giả: Sau khi xem xong, hoan hô

    Xong, họ sẽ tự liệu lấy mà trả tiền. Tôi thấy làm như thế liều quá, vì chắc gì họ đã hoan hô chúng tôi! Capi mà nóirằng danh tiếng thì cũng đáng, chớ về phần tôi, tôi chưa hẳn tin mình là một kỳ quan. Nghe tiếng trống Capi sủa lên vui vẻ, còn Giôlicơ thì nhỏm dậy, mặc dù lúc ấychú đương mệt nặng. Tôi nghĩ rằng có lẽ hai nghệ sĩ này đã đoán ra là người ta đánhtrống rao để cho ta biểu diễn. Tôi đồ chừng như thế mà thôi, không ngờ về sau điệubộ quá rõ ràng của con Giôlicơ làm cho tôi tin chắc. Chú khỉ muốn đứng lên, tôi phảihết sức giữ chú lại. Rồi thì chú đòi bộ quân phục cấp tướng nước Anh của chú: Cái áocài lon vàng, cái quần viền vàng, cái mũ đại lễ đính chòm lông trắng. Chú chắp taylại, chú quỳ xuống để van xin cho thiết tha hơn. Khi thấy rằng van xin không ăn thua gì, chú xoay qua ngón giận dữ, cuối cùngthì tuôn nước mắt ra để làm cho tôi mủi lòng. Rõ ràng là tối nay không dễ dàng gìthuyết phục chú bỏ cái ý định thủ vai trò quen thuộc của chú. Bởi vậy tôi nghĩ tốt hơnhết là khi nào đi diễn thì nên giấu không cho chú biết. Khốn thay! Cụ Vitali không biết những sự việc xảy ra ở nhà trong lúc cụ đivắng. Khi về, bước chân vào buồng cụ bảo ngay rằng tôi phải chuẩn bị đàn và nhữngvật liệu cần thiết cho biểu diễn. Giôlicơ vẫn nghe quen những tiếng ấy, nên hiểu n gay. Nó lại giở trò van nài, nhưng lần này thì van nài với ông chủ nó. Nó kêu nhiều tiếng khác nhau, nó cau mày nhíu mắt, cả thân hình nó làm điệubộ, tất cả những cái ấy diễn đạt những ý muốn của nó quá rõ, tôi tưởng dù nó có nóilên lời, cũng chỉ đến thế là cùng. Những giọt nước mắt đầm đìa trên má nó rõ ràng lànhững giọt nước mắt, và những cái hôn nó đặt lên bàn tay cụ Vitali cũng thật sự lànhững cái hôn.

    - Con muốn đóng trò à? - Cụ Vitali hỏi.

    - Vâng, vâng! - To àn thân nó đáp.

    - Giôlicơ bé bỏng, tội nghiệp con! Con ốm kia mà!

    - Hết ốm rồi! - Người nó lại "k êu to" lên như thế.

    - Trông cảm động quá, cái cảnh con vật bé bỏng bị bệnh nặng đã kiệt sức màcòn hăng hái kêu xin được ra trò, khẩn khoản van nài, làm đủ mọi cách để thuyếtphục chúng tôi. Nhưng chiều ý nó thì cũng bằng giết nó. Đã đến giờ phải ra chợ biểu diễn. Tôi khuân mấy khúc củi tướng chất mộtđống lửa to trong lò sưởi, cứ chỗ củi ấy thì cháy còn lâu mới hết. Tôi bọc Giôlicơtrong chăn hết sức chu đáo. Nó khóc dầm dề, nó hôn tôi mãi không thôi. Xong đâuđấy, chúng tôi ra đi.

    Cụ Vitali vừa đi đường vừa giảng cho tôi nghe việc tôi phải làm. Không thểdiễn những tiết mục quen thuộc của chúng tôi vì thiếu diễn viên chính. Cho nên con

    Capi và tôi phải tận tình trổ hết tài nghệ. Phải thu những bốn mươi phờrăng kia mà. Bốn mươi phờrăng cái đó mới là khoản kinh khủng. Cụ Vitali đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, chỉ còn việc thắp nến lên mà thôi. Nhưng đó là một món xa xỉ phẩm chỉ được dùng khi nào khách đến đông đủ, vì phảilàm sao cho nến cứ sáng mãi cho đến lúc diễn hết chương trình. Khi chúng tôi vào rạp hát thì anh đánh trống rảo qua các đường làng một lầnnữa. Tiếng trống của anh vang lên khi gần khi xa cũng tùy con đường quanh co uốnlượn như thế nào đó.

    Khi đã trang điểm cho con Capi và phần tôi cũng hóa trang xong rồi, tôi rađứng sau một cái trụ để xem khách đến. Lát sau, tiếng trống nghe gần lại và chen vớitiếng trống có tiếng ồn ào ở ngoài đường. Đó là tiếng cười nói của một toán trẻ con độchừng hai mươi đứa, chúng bước đều theo tiếng trống.

    Anh đánh trống đứng giữa hai ngọn đèn lồng thấp ở cửa rạp và tiếp tục đánhliên hồi. Rõ ràng là công chúng chỉ còn vào rạp ngồi để chờ khai diễn.

    Chao ôi! Trống đến thì cứ thúc ran lên, hùng dũng, vui vẻ, mà sao người xemđến chậm thế? Bọn trẻ con trong làng đã vào rạp, có lẽ đủ mặt tất cả ngồi yên chỗ. Nhưng với trẻ con thì làm gì thu góp nổi bốn mươi phờrăng! Chúng tôi cần nhữngnhân vật tai mắt, túi tiền nặng và bàn tay vung ra một cách dễ dàng.

    Mặc dù rạp còn vơi khách, cụ chủ cũng quyết định diễn. Không thể chờ nữa vìnến là vấn đề nghặt nghèo.

    Tôi phải ra trò trước hết. Vừa đệm đàn, tôi vừa hát hai bài hát ngắn. Thànhthực mà nói thì tiếng vỗ tay hoan hô cũng thưa thớt.

    Ở tôi lòng tự ái của người diễn viên vốn không sâu sắc lắm, nhưng trongtrường hợp lúc bấy giờ, sự lạnh nhạt của khán giả khiến tôi buồn phiền. Nếu họ

    Không thích thì họ có bỏ tiền ra đâu! Tôi không hát vì danh vọng, tôi hát vì conGiôlicơ tội nghiệp của tôi. Tôi chỉ muốn làm xúc động khán giả. Ôi! Tôi muốn làmsao cho họ say sưa, họ mê mẩn! Nhưng nhìn xuống cái gian chợ chập chờn nhữngbóng đen hình thù kỳ dị tôi thấy tưởng như tôi không làm cho họ thích thú và họ chưachịu rằng tôi là một kỳ quan.

    Con Capi tốt số hơn. Người ta vỗ tay hoan hô nó đến mấy lần, vỗ tay nhiệt liệt. Buổi biểu diễn tiếp tục cho đến hết và nhờ Capi, đã chấm dứt trong tiếng hoan hôvang dậy. Người ta vỗ tay chưa đủ. Người ta còn giậm chân nhảy lên nữa.

    Giờ phút quyết định đã đến. Trong khi cụ Vitali đánh đàn cho tôi nhảy mộtđiệu nhảy Tây Ban Nha thì Capi ngậm cái âu trong mồm, lần lượt đi qua các dãy ghế. Nó có thu được bốn mươi phờrăng hay không? Ý nghĩ ấy làm quặn lòng tôi, tuy ngoàimặt tôi cố tươi cười với khán giả. Tôi nhảy đã hết hơi mà vẫn cứ phải nhảy. Tôi chỉ cóthể nghỉ khi nào Capi mang âu tiền về. Nó thì nó không vội vã, có ai không bỏ tiềncho nó thì nó đưa chân vỗ nhè nhẹ vào cái hầu bao còn buộc chặt của người ấy. Cuối cùng thấy nó về, tôi toan ngừng nhảy. Nhưng cụ Vitali ra hiệu tôi tiếp tục.

    Tôi vừa nhảy vừa nhích lại gần con Capi. Tôi thấy âu tiền chưa đầy; còn phải nhiềunữa mới đầy! Cụ chủ tôi cũng đã ước được khoản thu, cụ đứng lên nói với khán giả:

    - Thưa chư vị khán giả, chúng tôi tưởng có thể nói không ngoa rằng chúng tôiđã thực hiện cái chương trình hứa hẹn. Tuy vậy vẫn còn nến, cho nên nếu chư vị khángiả vui lòng thì tôi xin hát hầu chư vị khán giả vài khúc. Con Capi sẽ đi diễu qua mộtlần nữa, mong rằng quý vị khán giả nào lần trước chưa kịp tỏ ra hào phóng thì lần nàysẽ nhanh tay hơn. Chúng tôi hân hạnh báo trước để quý vị khán giả ấy chuẩn bị đi thìvừa.

    Mặc dù, cụ Vitali là thầy dạy hát của tôi, tôi chưa bao giờ nghe cụ hát thật sự, hát như tối hôm đó. Cụ chọn hai bài hát mà ai cũng biết, chỉ có riêng tôi lúc đó là

    Không, bài ca về chàng Giôdép: "Mới qua tuổi ấu thơ" và bài ca về vua Risa dũngmãnh: "Ô i! Risa, bệ hạ!"

    Thưở ấy tôi làm gì biết phán đoán người ta hát hay, hay là không hay, có nghệthuật hay không có nghệ thuật. Tôi chỉ biết nói sự xúc động mà giọng hát của cụ làmnảy ra trong lòng tôi: Từ chỗ xó sân khấu mà tôi đã lui vào, tôi đứng nghe mà nướcmắt rơi lã chã.

    Qua làn nước mắt, tôi trông thấy một thiếu phụ ngồi hàng đầu vỗ tay sôi nỗi. Tôi đã chú ý đến bà ấy từ trước, vì đó không phải là một phụ nữ nông thôn nhưnhững người đàn bà khác trong cử tọa. Đó là một bà thượng lưu rõ rệt, trẻ, đẹp, tôiđoán là giàu nhất làng, vì có áo lông cừu. Bên cạnh bà, có một chú bé, chú vỗ tayhoan hô Capi tợn lắm. Chắc là bà con bà, vì nó giống bà như đúc.

    Sau bài hát thứ nhất, Capi đi thu tiền lần nữa. Tôi ngạc nhiên biết bao khi thấybà thiếu phụ ấy không bỏ đồng nào vào âu cả. Khi cụ chủ hát xong bài hát về Risa thìbà ra hiệu cho tôi lại gần. Bà bảo:

    - Ta muốn được tiếp chuyện với chủ em.

    Tôi cũng hơi lấy làm lạ tại sao cái bà thượng lưu xinh đẹp ấy lại muốn gặp chủtôi. Theo tôi thì, bà bỏ tiền vào âu của con Capi là tốt hơn hết. Tuy nghĩ vậy, tôi vẫnđem lời bà thưa lại với cụ Vitali. Lúc đó Capi trở về và số tiền thu đợt thứ hai này cònít hơn lần trước. Cụ Vitali hỏi:

    - Bà ấy muốn gì?

    - Nói chuyện với ông.

    - Ta không có chuyện gì để nói với bà ấy cả.

    - Bà chưa bỏ gì vào âu Capi. Có lẽ bà muốn cho tiền nó.

    - Thế thì con Capi cần đến chứ không phải là ta.

    Tuy nói vậy, cụ cũng đành lòng gặp bà. Cụ dắt con Capi theo. Tôi đi sau. Lúcbấy giờ người hầu của bà ấy đã đến đứng bên cạnh bà và cậu bé. Hắn mang theo mộttấm chăn và một chiếc đèn lồng. Cụ Vitali bước lại nghiêng đầu chào bà ấy, nhưngchẳng có vẻ là vồn vã.

    Cụ tha lỗi cho tôi đã quấy rầy cụ. - Bà ấy nói.

    - Tôi muốn được tỏ bày lòng cảm phục đối với cụ. Cụ Vitali nghiêng mình, không nói. Bà ấy tiếp:

    - Tôi là nhạc sĩ. Nói thế để cụ biết tôi xúc động vì tài hoa lỗi lạc của cụ đếnmức nào!

    Tài hoa lỗi lạc ở ông chủ tôi, cụ Vitali, cái người hát rong, người xiếc khỉ ấy ư?

    Tôi vô cùng kinh ngạc.

    - Tài hoa gì ở một lão già quèn như tôi! - Cụ Vitali đáp.

    - Cụ đừng tưởng tôi tọc mạch vô duyên, không đâu.

    - Dù bà có tọc mạch muốn biết thì cũng có khó gì đâu, tôi sẵn sàng làm cho bàhài lòng. Thưa bà, bà thấy một người xiếc khỉ mà hát tàm tạm được thì ngạc nhiên chứgì?

    - Không phải ngạc nhiên mà kính phục.

    Duyên do đơn giản thôi. Ngày trước không phải bao giờ tôi cũng như bâygiờ. Ngày trước, trong thời niên thiếu, thời ấy đã qua lâu lắm rồi, tôi là.. vâng, tôi làngười hầu của một bậc danh ca, và tôi bắt chước chủ tôi, cũng như con vẹt học nói, tôi học lỏm một đôi bài mà chủ tôi thường tập dượt trước mặt tôi. Có thế thôi. Bà khách không trả lời mà lại ngắm cụ Vitali một lúc lâu. Đứng trước mặt bà, cụ chủ tôi có vẻ như lúng túng.

    - Xin chào ngài ạ! - Bà khách nhấn mạnh vào tiếng "ngài" mà bà nói với giọngrất lạnh lùng. - Chào ngài, thưa ngài, và một lần nữa, xin cảm ơn ngài về những giâyphút cảm động tôi vừa được hưởng. Rồi cúi xuống con Capi, bà đặt trong âu của nó, một đồng vàng. Tôi tưởng cụ Vitali sẽ tiễn bà ấy ra cửa. Nhưng không cụ không làm thế. Bà đicách mấy bước thì cụ lẩm bẩm trong miệng hai ba tiếng nguyền rủa nước Italia. Tôinói:

    - Bà ấy đã cho con Capi những một đồng vàng kia mà! Cụ giơ tay lên, tôi tưởng cụ sắp cho tôi một cái tát. Nhưng cụ ngừng lại. Cụ nóinhư người vừa tỉnh mộng:

    - Một đồng vàng. À phải! Đúng rồi! Tội nghiệp con Giôlicơ, thế mà ta quên đichứ. Phải mau về với nó.

    Chúng tôi thu dọn rất chóng và lát sau thì về đến quán trọ. Tôi leo lên các bậcthang trước ai hết và chạy xổ vào buồng. Lửa chưa tắt, nhưng không còn ngọn nữa. Tôi lấy làm lạ sao không nghe tiếng động của Giôlicơ, bèn vội vã châm một ngọn nếnrồi đưa mắt tìm con khỉ. Giôlicơ nằm dài trên chăn. Nó diện bộ quân phục cấp tướng và có vẻ như đang

    Ngủ. Tôi cúi xuống và nắm nhè nhẹ tay nó để nó khỏi giật mình. Cái bàn tay ấy lạnhngắt. Vừa lúc ấy cụ Vitali bước vào buồng. Tôi quay lại cụ:

    - Ông ơi! Con Giôlicơ lạnh ngắt.

    Cụ Vitali cúi xuống bên tôi:

    - Ôi thôi! Nó chết rồi! Thế tất phải như thế chứ không sao tránh khỏi! Cháuthấy không, Rêmi. - Ông không để cháu ở lại với bà Miligơn có lẽ là không đúng! Như tuồng trời định phạt ta hay sao ấy! Đã Décbinô, Đônxơ.. nay còn Giôlicơ nữa.

    Dễ đã hết đâu!
     
    Ưu Đàm Thanh Ti thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng mười hai 2021
  7. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,903
    Chương 16: Vào Pari

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chúng tôi còn cách Pa-ri xa lắm. Chúng tôi phải ra đi trên những con đườngphủ tuyết, từ sáng đến tối, gió bấc tạt vào mặt. Những chặng đường dài ấy mới buồnbã làm sao.

    Cụ Vitali đi đâu, tôi theo sau, con Capi nối gót tôi. Chúng tôi đi hàng một nhưthế, hàng không dài mấy, suốt trong mấy tiếng đồng hồ liền, chẳng ai nói với ai nửacâu, mặt mày tái mét vì gió lạnh, chân ướt đẫm, bụng trống không. Khách đi đườngdừng lại nhìn đoàn chúng tôi diễu qua. Chắc chắn là trong đầu họ lại nảy ra những ýnghĩ kỳ quặc. Cái ông già lênh khênh ấy bắt thằng bé con kia và con chó nọ đi đâu thếnhỉ?

    Sự im lặng làm cho tôi khổ lắm. Tôi muốn bô bô lên cho choáng người đi.

    Nhưng mỗi khi tôi hỏi, cụ Vitali chỉ trả lời nhát gừng, mà cũng chẳng buồn quay đầulại. Cũng may có con Capi cởi mở hơn. Lắm khi tôi đang đi, bỗng thấy có cái gì ẩmướt, dính trên bàn tay: Đó là lưỡi con Capi. Nó liếm tay tôi để nói với tôi:

    "Cậu bạn ơi! Còn có tôi đây, tôi, Capi, bạn của cậu đây!"

    Thế là tôi vừa đi vừa dịu dàng vuốt ve nó. Cử chỉ trìu mến của tôi cũng làmcho nó dễ chịu như cử chỉ trìu mến của nó làm cho tôi dễ chịu. Hai chúng tôi hiểu

    Nhau và yêu nhau. Tình bạn đó là nguồn an ủi cho tôi và tôi tin chắc cũng là nguồn anủi cho nó. Trái tim của một con chó cũng dễ cảm kích như trái tim của một chú bécon.

    Sự ve vuốt của tôi an ủi được con Capi nhiều lắm, cơ hồ làm nó quên cái chếtcủa hai bạn nó. Nhưng đôi lúc thói quen lại mạnh hơn.

    Những lúc ấy Capi đột nhiên dừng lại bên dường như để nhìn toán chó của nóđi lên, giống như cái thời nó còn là toán trưởng, cứ phải luôn luôn kiểm tra lại đội ngũcủa mình, cảnh ấy chỉ diễn ra một thoáng thôi, rồi ký ức của nó lại thức tỉnh. Nó sựcnhớ ra vì sao toán nó không diễu qua nữa. Thế là nó vụt chạy lên vượt chúng tôi vànhìn cụ Vitali phân trần rằng nó vẫn làm phận sự, còn Đônxơ và Décbinô không đitheo đoàn là vì chúng không thể theo được nữa. Nó làm cái việc ấy với đôi mắt linhhoạt, thông minh đến nỗi chúng tôi cảm thấy lòng se lại.

    Con Capi làm như vậy càng khiến cho cuộc hành trình của chúng tôi buồnthêm. Chúng tôi cần phải giải trí kia, nhất là tôi.

    Tuyết như phủ trắng toát khắp đồng quê. Không có mặt trời, chỉ có một thứánh sáng màu nâu nâu, nhàn nhạt. Không có hoạt động gì ngoài đồng, không có mộtnông dân nào làm việc ở ruộng. Không có tiếng ngựa hý, tiếng bò rống, chỉ có tiếngquốc quốc của mấy con quạ đậu trên chót vót những ngọn cây trụi lá. Chúng kêu đói.

    Chúng không tìm thấy một chỗ nào để đỗ xuống bắt vài con bọ, con giun. Đi quanhcác xóm làng, không thấy nhà nào mở cửa, chỉ có im lặng và quạnh hiu. Trời rét cắtda như thế này, người ta đành ngồi nhà, chụm quanh bếp lửa hoặc là làm việc trongchuồng bò, trong vựa đóng kín cửa.

    Thế mà, trên đường thiên lý khi thì gồ ghề, khi thì trơn như mỡ, chúng tôi cứphải xăm xăm đi một mạch, không dừng lại, không giờ phút nghỉ ngơi ngoài giấc ngủđêm đêm trong một chuồng ngựa hay chuồng cừu nào đó. Mỗi buổi chiều chúng tôiăn một mẩu bánh mì mỏng dính, thay cho cả bữa trưa và bữa tối. Khi được người tacho ngủ ở chuồng cừu thì chúng tôi cho là may mắn lắm, vì cừu truyền hơi ấm chochúng tôi. Lại đương mùa cừu nuôi con, những ngươi chăn cừu đôi khi cho tôi uốngmột ít sữa. Chúng tôi không nói rằng: Chúng tôi đói gần chết; nhưng khéo léo nhưthường lệ, cụ Vitali nói xa xôi rằng "thằng bé nó ưa sữa cừu lắm, vì lúc nhỏ nó quenuống sữa cừu, cho nên bây giờ ngửi thấy mùi sữa cừu thì nó nhớ tới quê nhà nó". Câuchuyện bịa ấy không phải lúc nào cũng mang lại kết quả. Nhưng khi những ngườichăn cừu nghe lọt tai thì tối ấy tôi được uống một bữa sữa sung sướng. Vâng đúng thế.

    Tôi ưa sữa cừu đứt đi rồi!

    Tối nào tôi được uống y như rằng sáng hôm sau tôi thấy người khỏe ra và tươitỉnh lại.

    Trên con đường dài, cột số này tiếp cột số kia, đoạn đường này đến đoạnđường nọ, chúng tôi đã đến gần Pari. Giá như cột số bên đường không mách cho tôibiết đi nữa thì tôi vẫn cứ nhận thấy điều đó vì xe cộ người ngựa đi lại nhiều hơn, vìmàu tuyết trắng trên mặt đường khác đi, bẩn hơn tuyết trong đồng bằng Săngpannhiều.

    Tôi thấy làm lạ rằng thôn quê nơi đây cũng chẳng có gì đẹp hơn, làng mạccũng chẳng có gì khác những nơi chúng tôi đã đi qua mấy hôm trước. Tôi đã từngnghe nói đến các kỳ quan của thành phố Pari nhiều quá, cho nên tôi ngây thơ tưởngrằng phải có những gì khác thường báo trước những kỳ quan ấy từ xa kia. Nói chođúng thì tôi không biết tôi chờ đợi cái gì. Tôi cũng không dám hỏi. Nhưng rõ ràng làtôi chờ đợi những cái kỳ diệu: Cây vàng lá ngọc, phố xá gồm toàn lâu đài cẩm thạch, dân thành phố đi lại toàn mặc nhung lụa. Tôi cho là tất nhiên phải như vậy.

    Dù có chú ý tìm những cây vàng lá ngọc tôi vẫn thấy rằng khách đi đường ởđây không nhìn chúng tôi nữa: Họ vội quá đi chăng? Hay là họ đã quen với nhiềucảnh đau thương hơn cảnh chúng tôi?

    Nghĩ thế, tôi không yên lòng một chút nào cả.

    Chúng tôi đến Pari làm gì, nhất là lại trong tình trạng xác xơ như thế này? Tôilo lắng tự hỏi. Câu hỏi ấy cứ lớn vởn trong đầu óc tôi suốt chặng đường dài. Tôi muốnhỏi cụ Vitali xem thế nào, nhưng tôi không dám vì cụ mặt ủ mày chau, khi nói gì thìrất vắn tắt. Nhưng rồi một hôm cụ đi lùi xuống đi kề bên tôi. Trông cách cụ nhìn tôi, tôi biết cụ sắp nói cho tôi cái điều mà tôi mong đợi.

    Lúc ấy vào buổi sớm. Thầy trò chúng tôi vừa nghỉ đêm lại ở một trại tá điềngần một xã lớn. Đọc trên mấy tấm biển xanh dọc đường thì biết làng ấy là làngBôácxixanhlêgiê. Chúng tôi lên đường từ lúc tờ mờ sáng. Sau khi men theo bờ tườngkhu vườn lớn rồi xuyên qua làng Bôácxixanhlêgiê theo chiều dọc, thì đến một cái dốc. Từ trên đầu dốc trông ra trước mặt, chúng tôi thấy một luồng khí đen to như một đámmây bay lơ lửng trên một thành phố mênh mông. Phố xá chưa nhìn th ấy, chỉ có mấycông trình kiến trúc nhô lên.

    Tôi giương to đôi mắt cố nhìn cho rõ trong cảnh hỗn độn những mái nhà, những hình tháp những gác chuông lẫn trong sa mù và hơi khói, thì cụ bước chậm lạiđể cho tôi đi kề cụ:

    - Thế là cuộc sống của chúng ta thay đổi rồi đấy! - Cụ nói câu ấy như nói tiếpmột câu chuyện đã trao đổi từ lâu. - Chừng bốn tiếng đồng hồ nữa thì chúng ta vàoPari.

    - Ồ! Thế ở đằng kia là Pari đấy ạ?

    - Hẳn rồi!

    Ngay khi cụ Vitali nói cho tôi biết thành phố ở trước mặt là Pari thì có ánhnắng ở trên trời lóe xuống và trong chớp mắt, tôi thấy lấp lánh những tia vàng. Đúngrồi! Tôi không lầm đâu! Nhất định tôi sẽ tìm thấy cây vàng lá ngọc. Cụ Vitali nói tiếp:

    - Đến Pari thì ông cháu ta sẽ chia tay nhau.

    Trời bỗng dưng tối sầm lại, tôi không trông thấy cành vàng lá ngọc đầu nữa. Tôi quay lại nhìn cụ Vitali. Cụ cũng nhìn tôi. Thấy mặt tôi tái đi, môi tôi run rẩy, cụđoán biết tôi xúc động.

    - Cháu lo lắm phải không? Và cũng buồn nữa, ông đoán thế?

    Tôi trấn tĩnh lại nói:

    - Thưa ông, phải chia tay nhau à!

    - Tội nghiệp cháu quá!

    Câu nói của cụ, nhất là giọng nói của cụ làm cho tôi rớm nước mắt. Đã từ lâurồi, tôi có được nghe một lời nói âu yếm nào đâu! Tôi kêu:

    - Ôi chao ôi! Ông tốt quá. Chính cháu mới tốt. Cháu là một cậu bé ngoan, nhỏ người mà tốt bụng. Cháuthấy không, trong đời ta, có những lúc ta dễ thừa nhận những điều như vậy mà cảmkích. Khi mọi việc yên ổn, thì ta cứ cặm cụi đi con đường của ta, không thèm quantâm đến những kẻ cùng đi với ta. Nhưng khi mọi việc đều chẳng ra gì, khi ta cảm thấyđương gặp bước gian truân, nhất là khi ta đã già nua không tin tưởng ở ngày mai nữa, thì ta cần tựa vào những người chung quanh ta. Ta hết sức sung sướng được nhìn thấycó họ bên cạnh mình. Nói rằng ông tựa vào cháu thì cháu lấy làm lạ lắm có phảikhông? Ấy mà đúng như thế đấy. Chỉ một việc nhìn cháu nghe lời ông nói mà mắtcháu nhòa lệ, ông cũng đã nhẹ bớt phiền não một phần. Vì bé Rêmi ơi, ông cũng khổtâm như cháu vậy!

    Những lời nói của cụ Vitali sau này, khi tôi cũng có một người để yêu mến, tôimới nghiệm thấy là đúng. Cụ Vitali tiếp:

    - Cảnh nghịch ở chỗ người ta phải xa nhau ở những giờ phút người ta mongdịch lại gần nhau nhất.

    Tôi rụt rè thưa:

    - Nhưng ông không nỡ bỏ cháu bơ vơ giữa thành phố Pari này chứ?

    Hẳn là không! Ông có định để cháu bơ vơ đâu, cháu nên yên trí là thế. Tộinghiệp cháu! Cháu của ông biết xoay sở như thế nào chứ? Vả lại ông không có quyềnbỏ cháu, cháu phải tự bảo mình như vậy. Cái ngày mà ông không thuận giao cháu chobà phu nhân phúc hậu định cưu mang cháu và nuôi dạy cháu như con bà thì ông đã tựnhận trách nhiệm nuôi dạy cháu hết sức của ông. Nhưng khổ th ay, ông gặp phải toànnghịch cảnh. Hiện nay ông không làm gì được cho cháu, vì vậy ông mới định chia tayvới cháu. Không phải chia tay mãi mãi đâu, chỉ tạm trong ít tháng thôi, để ông cháu tamỗi người có thể sống đắp đổi qua những ngày cuối đông giá rét này. Mấy tiếng nữa tasẽ đến Pari. Cả đoàn chúng ta còn lại mỗi con Capi thì cháu nghĩ chúng ta còn làm ăngì được?

    Con Capi nghe nhắc đến tên nó thì chạy lại ngồi thẳng trước mặt chúng tôi. Nóđưa chân lên tai chào theo kiểu nhà binh. Rồi nó lại để chân lên trước ngực như cố ýnói rằng chúng tôi có thể tin ở sự trung thành của nó.

    Trong hoàn cảnh bây giờ, cử chỉ của con Capi không làm dịu nỗi xúc độngtrong lòng chúng tôi.

    Cụ Vitali dừng lại một chốc, đưa tay xoa đầu nó, nói:

    - Con cũng thế, con là một con chó tốt Capi ạ. Nhưng ở đời, lòng tốt khôngnuôi sống được ai! Phải có lòng tốt để giúp cho những người quanh ta sống có hạnhphúc, nhưng cũng cần phải có cái khác nữa, mà cái ấy thì chúng ta không có. Cháunghĩ chúng ta còn làm gì được với mỗi mình con Capi? Cháu hiểu đấy chứ? Cháu hiểurằng bây giờ chúng ta không thể nào diễn trò được chứ?

    - Thưa ông, đúng như vậy.

    Diễn trò thì lũ trẻ ranh sẽ reo hò chế giễu chúng ta, mặc dù vậy mỗi ngàychúng ta không thể kiếm nổi quá hai mươi xu đâu! Với hai mươi xu mỗi ngày chúngta sẽ sinh sống ra sao? Hơn nữa những ngày mưa, những ngày tuyết, những ngày rétto, mà có vẻn vẹn hai mươi xu thì coi như không có gì!

    - Thế cây đàn của cháu không được việc gì ư?

    Giá ông có hai đứa bé như cháu thì có lẽ cũng không đến nỗi nào, như mộtgià một trẻ như hai ông cháu mình thì chả được việc gì. Ông cũng chưa thật già lắm.

    Nếu ông già lụ khụ hay mù lòa thì.. Nhưng khốn nạn th ay, ông chỉ mới là ông bâygiờ, nghĩa là chưa đủ khiến người ta thương hại. Ở Pari, khách qua đường đều vộivàng đi công việc của họ, muốn cho họ động lòng thương xót thì có lẽ phải có thânhình tả tơi thảm hại. Và phải biết ngửa tay xin không ngượng ngùng xấu hổ. Điều đóthì trọn đời mãn kiếp ông vẫn chịu thôi, không làm được. Chúng ta phải tìm cáchkhác kia. Bởi vậy ông đã suy nghĩ và quyết định như thế này: Ông sẽ nhường cháucho một nhà bầu gánh trẻ con cho đến hết mùa đông. Hắn sẽ mướn cháu đánh thụcầm đồng thời với nhiều trẻ em khác.

    Khi nhắc đến cây đàn của tôi, tôi không hề nghĩ đến chuyện như vậy. Cụ Vitalikhông để cho tôi nói nốt, cụ nói tiếp:

    - Phần ông thì ông sẽ dạy thụ cầm, vĩ cầm, kèn bị.. cho lũ trẻ Ý làm việc ở cácđường phố Pari.

    Ở Pari nhiều người biết ông, ông đã ở đây nhiều lần, ngay lúc ông đến làngcháu, thì cũng từ Pari mà đi đấy. Ông chỉ cần nói dạy đàn là tìm ra thừa chỗ dạy. Chúng ta sẽ sống được chỉ mỗi cái ông một nơi cháu một nơi thôi. Rồi thì trong khidạy đàn thì ông kiếm hai con chó mà tập để chúng thay thế con Décbinô và conĐônxơ. Ông tập khẩn trương và đến mùa xuân, ông cháu mình lại lên đường và sẽkhông rời nhau nữa, cháu Rêmi ạ. Có gan phấn đấu thì rồi thời vận xấu cũng hóa tốt.

    Có gan phấn đấu, đó chính là cái ông đòi hỏi ở cháu hiện nay, đồng thời phải biếtnhẫn nại chịu đựng nữa. Phải chịu thế ít lâu thôi, sau này thì mọi việc sẽ tươi hơn.

    Sang xuân chúng ta lại sẽ sống cuộc đời tự do của ta. Ông sẽ đưa cháu đi sang Đức, sang Anh. Thế rồi cháu sẽ trưởng thành, đầu óc sẽ mở mang ra. Ông sẽ dạy cháu lắmđiều hay và rèn luyện cháu thành con người thực sự. Trước mặt bà Miligơn ông đã hứanhư vậy. Ông sẽ giữ lời hứa. Ông bắt đầu dạy tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Italia chocháu cũng là để chuẩn bị những cuộc hành trình ấy. Với tuổi cháu mà biết được nhưvậy cũng đã là khá lắm rồi. Đó là chưa kể cháu đã trở nên vạm vỡ rắn chắc. Rồi cháuxem. Bé Rêmi ạ, chưa phải là hỏng cả đâu!

    Sắp xếp như vậy có lẽ là thích hợp nhất đối với hoàn cảnh chúng tôi bây giờ. Nhưng mà những phản ứng đầu tiên của tôi đâu có giống những ý nghĩ lúc bình tĩnhvề sau. Trong các điều ông cụ nói, tôi chỉ thấy có hai điều:

    Một là sự chia ly. Hai là thằng cha bầu gánh trẻ con.

    Trong khi đi qua các làng mạc, các đô thị, tôi đã từng gặp một số những thằngcha bầu đó. Chúng điều khiển lũ trẻ vớ được đây đó bằng gậy, bằng hèo.

    Chúng chẳng giống Ông cụ Vitali một chút nào. Chúng độc ác, chúng bấtcông, chúng khó tính, chúng say rượu lè nhè, mồm cứ luôn luôn văng tục, tay luôngiơ cao chực đánh.

    Tôi có thể lọt vào tay một thằng cha gớm ghiếc như thế!

    Mà có may mắn gặp một anh chủ tốt đi nữa, thì cũng vẫn là một sự thay đổi.

    Mẹ nuôi tôi, xong đến cụ Vitali rồi đến một người khác nữa.

    Tôi phải chịu mãi cái số kiếp ấy ư? Tôi không bao giờ giữ được một ngườithân để yêu thương trọn đời chăng?

    Dần dần tôi đã thấy quyến luyến cụ Vitali như một người cha già, mà nay cũngphải rời cụ.

    Thế là tôi sẽ không bao giờ có cha hay sao? Không bao giờ có gia đình haysao? Tôi phải luôn luôn làm một đứa trẻ côi cút trên đời này ư? Luôn luôn nay đâymai đó trên mặt đất mênh mông, không có chỗ nào dừng chân đỗ bến chăng?

    Tôi có nhiều điều muốn nói lại với cụ chủ, bao nhiêu nghẹn ngào uất ức cứ từtìm trào lên miệng. Nhưng tôi nén xuống. Cụ chủ đã bảo tôi là phải có gan, phải nhẫnnại. Tôi muốn vâng lời cụ để cụ khỏi phiền muộn thêm, vả lại, cụ không còn đi bêncạnh tôi nữa. Hìn h như cụ đoán biết tôi sắp nói gì và sợ nghe những điều ấy nên cụrảo bước đi lên phía trước.

    Tôi theo cụ và giây lát sau thì thầy trò chúng tôi vượt qua một cái cầu đầy bùnbắc qua một con sông nhỏ. Tôi chưa bao giờ thấy có một cái cầu lầy lội đến như thế.

    Tuyết phủ lên mặt đường thành một lớp bùn sình lội đến mắt cá.

    Qua khỏi cầu thì đến một làng có đường sá hẹp lắm; khỏi làng ấy thì lại đồngbằng nữa, nhưng đồng bằng mà ngổn ngang bao nhiêu là nhà cửa tồi tàn nghèo khổ.

    Trên đường cái, xe cộ nối tiếp nhau ngược xuôi liên miên. Tôi bước lên cho gần cụ

    Vitali rồi đi bên phải cụ, còn Capi thì bám sát gót chúng tôi. Lát sau hết cảnh thônquê, chúng tôi vào phố xá và đi trên một đường phố không nom thấy đằng cuối. Haibên đường chạy dài những nhà cửa nhưng tồi tàn, dơ bẩn, xấu xí hơn ở Boócđô,

    Tuludơ và Lyông nhiều.

    Người ta cào tuyết dồn lại đây đó thành từng đống và trên mấy đống tuyết đensì và cứng ngắt ấy họ vứt tro, rau quả ôi và rác rưởi đủ thứ. Không khí sực mùi hôithối. Những trẻ con chơi ngoài phố trông xanh xao quá. Những chiếc xe nặng nề chạyliên tiếp trên đường, lũ trẻ này đều tránh một cách nhanh nhẹn, tưởng như không cầnlưu ý. Tôi hỏi cụ Vitali:

    - Đây là đâu, thưa cụ?

    - Pari đấy, cháu ạ!

    Pari..

    Có thể như thế được chăng? Pari đấy à? Thế thì những tòa nhà cẩm thạch của tôi đâu? Và đâu là những khách quađường mặc toàn nhung lụa? Sao mà cảnh thực xấu xí tồi tàn đến thế?

    Đây là thành phố Pari bao lâu nay tôi thiết tha mơ ước à?

    Chao ôi! Thế mà đúng như vậy đấy. Thế mà ở chốn này tôi sắp phải sống hết

    Mùa đông xa cụ Vitali và xa.. con Capi.
     
    Ưu Đàm Thanh Ti thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng mười hai 2021
  8. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,903
    Chương 17: Một ông bầu gánh trẻ con ở phố Luốcxin

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Dù mọi vật xung quanh tôi đều có vẻ ghê tởm, tôi vẫn trố mắt nhìn. Tôi hình như quên tình cảnh đáng lo của mình để nhìn ngó xung quanh.

    Càng đi sâu vào Pari, những điều trông thấy càng xa lạ đối với những mộng tưởng ngây thơ, những mơ huyền ước hão của tôi. Mấy rãnh nước vẫn đóng băng. Bùn trộn lẫn tuyết với băng vụn, càng đi sâu vào thành phố càng thấy đen ngòm. Những chỗ nào lầy ướt thì khi xe cộ đi qua bùn bắn phền phệt lên từng mảng dày, chập vào mặt kính các cửa hàng tồi tàn và dơ bẩn.

    Rõ ràng là Pari không bì được với Boócđô.

    Chúng tôi đi đến một đường phố đông có vẻ khá hơn phố vừa đi qua. Càng đi thì càng thấy các cửa hiệu to hơn, đẹp hơn. Đi một lúc lâu thì cụ Vitali rẽ bên phải và thế là chúng tôi đi vào một khu phố hết sức nghèo khổ. Những ngôi nhà cao và đen xì mái tiếp mái trông như liền nhau. Một dòng nước không đóng băng chảy giữa đường phố và bất chấp hôi thối, một đám người đông đặc giẫm lên nền đường nhầy nhụa mà đi. Tôi chưa bao giờ thấy những gương mặt xanh xao vàng võ như gương mặt họ. Cũng chưa bao giờ tôi thấy trẻ con táo bạo như những đứa trẻ đang đi đi lại lại giữa những người khách qua đường này. Quán rượu khá nhiều. Có nhiều người đàn ông đàn bà đứng uống rượu và gào thét inh ỏi trước mấy quầy hàng bọc thiếc.

    Tôi đọc được cái tên phố Luốcxin ở góc tường một ngôi nhà.

    Hình như cụ Vitali đã có ý định sẽ đi tới chỗ này. Cụ đưa tay ẩy nhẹ nhàng người vướng lối cụ. Tôi theo sát cụ. Cụ bảo: "Coi chừng kẻo lạc ông đấy". Nhưng lời dặn bảo ấy cũng bằng thừa. Tôi luôn luôn sát gót cụ và muốn cho chắc chắn hơn, tôi nắm chặt áo cụ.

    Thầy trò chúng tôi đi qua một cái sân rộng và một lối đi, rồi đến một thứ hang sâu mập mờ, xanh xanh, có lẽ ở đấy ánh nắng không bao giờ lọt vào. Cái chỗ này còn xấu xí, còn dễ sợ hơn tất cả những gì mà tôi đã thấy cho tới đây. Một người đương soi đèn lồng để mắc những miếng tá rách lên tường. Cụ Vitali hỏi hắn:

    Garôphôli có nhà không?

    Không biết, cụ cứ lên xem. Cụ biết hắn ở đâu rồi chứ? Đi hết thang gác thì thấy cửa ngay trước mặt.

    Garôphôli là người bầu mà ông đã nói chuyện với cháu. Hắn ở đây.

    Cụ Vitali vừa nói thế vừa chỉ thang gác cho tôi; các bậc thang tường như khoét vào trong lớp đất sét ướt vậy, bởi vì nó bết một lớp đất cứng, trơn tuột. Đường phố, ngôi nhà, cái thang gác, chẳng có chút gì làm cho tôi yên lòng cả. Vậy còn ông chủ thì ra sao?

    Thang gác có bốn tầng. Lên đến đầu cầu thang thì cụ Vitali xô cái cửa ở trước mặt và thế là thầy trò chúng tôi bước vào một gian phòng lớn, hay nói cho đúng, một thứ vừa chứa khá rộng, ở giữa phòng có một khoảng trống lớn, bốn bên kê khoảng mươi cái gường. Tường và trần nhà không thể nói là màu gì: Ngày xưa thì trắng đấy, nhưng rồi khói ám vào và bụi bặm cáu bẩn đủ thứ đính lên làm cho lớp vôi tô ngoài hóa đen đi và lỗ chỗ từng mảng bị tróc ra hay bị thủng hẳn. Trên tường, bên cạnh hình một cái đầu người vẽ bằng than có nhiều hoa và chim khắc chìm.

    Cụ Vitali vừa bước vào vừa hỏi:

    Garôphôli, anh ở xó nào thế? Sao không thấy ai cả? Lên tiếng đi, anh! Già Vitali đang gọi anh đấy.

    Dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu hỏa treo trên tường, gian phòng có vẻ vắng người thật. Tuy vậy, sau tiếng cụ chủ tôi gọi, có một giọng yếu ớt, uể oải, một giọng trẻ con cất lên trả lời:

    Ngài Garôphôli không có nhà. Hai tiếng đồng hồ nữa ngài mới về.

    Đồng thời cái người trả lời chúng tôi cũng ló mặt ra: Đó là một chú bé độ mươi tuổi. Chú lê chân về phía chúng tôi. Hình thù của chú đột nhiên đập mạnh vào giác quan của tôi, đến nỗi ngày nay tôi vẫn như nhìn thấy chú trước mặt. Nói cho đúng thì chú không có thân mình: Một cái đầu to tướng không cân xứng với con người, cái đầu ấy tưởng chừng như gắn liền với đôi chân như các bức biếm họa được ưa chuộng mấy năm trước đây. Cái đầu mang một vẻ đau thương, một vẻ dịu hiền sâu sắc; trong đôi mắt có ẩn niềm nhẫn nại và toàn thân con người nói lên nỗi ngao ngán chán chường. Hình thù như thế tất nhiên là không đẹp. Nhưng không hiểu sao nó gây cảm tình, nó bắt ta phải nhìn, phải ngắm chứ không nỡ quay mặt đi, vì ở đôi mắt to, ươn ướt, âu yếm như mắt một con chó, ở cặp môi mấp máy như luôn luôn muốn thổ lộ tâm tình ấy, có một sức gì quyến rũ chúng ta. Cụ Vitali hỏi:

    Cháu có chắc rằng trong hai tiếng nữa, ông chủ sẽ có nhà không?

    Thưa cụ, chắc lắm. Hai tiếng nữa là đến giờ ăn, mà ngoài ngài ra thì không có ai phân phát bữa ăn đâu.

    Thế thì nếu ông ấy có về sớm hơn; cháu thưa rằng có ông Vitali đến, hẹn hai tiếng nữa sẽ trở lại.

    Hai tiếng nữa, vâng thưa cụ.

    Cháu hãy ở đây. – Cụ nói. – Cháu nghỉ ngơi một lát rồi ông trở lại đây. Thấy tôi tỏ vẻ hoảng hốt, cụ nói thêm:

    Cam đoan với cháu là ông sẽ trở lại.

    Dù mệt mỏi, tôi cũng cứ muốn đi theo cụ Vitali hơn. Nhưng tôi đã quen tuân lệnh khi cụ bảo, nên đành ở lại vậy.

    Tiếng chân bước nặng nề của cụ Vitali trên các bậc thang dội lên tới chỗ chúng tôi. Chú bé nghiêng tai về phía của nghe ngóng. Khi không nghe thấy gì nữa, chú quay lại hỏi tôi bằng tiếng Italia:

    – Anh là người đồng hương à?

    Từ khi theo cụ Vitali, tôi đã học võ vẽ mấy câu Italia gọi là tạm đủ để nghe người ta nói chuyện bằng thứ tiếng ấy.

    Nhưng nói thì còn tồi lắm nên tôi ít thích dùng. Tôi trả lời bằng tiếng Pháp:

    Không phải.

    Ồ! – Chú bé buột miệng kêu lên một tiếng buồn rầu và đôi mắt to của chú nhìn tôi chòng chọc. – Cũng không sao! Giá anh là người cùng quê thì thích hơn.

    Cùng quê là quê nào?

    Lúcca. Giá anh là người Lúcca thì tôi được biết tin tức quê nhà.

    Tôi là người Pháp.

    A! Thế càng hay.

    Anh ưa người Pháp hơn người Italia à?

    Không. Tôi nói "càng hay" không phải vì tôi mà vì anh. Bởi vì nếu anh là người Italia thì anh đến đây chắc là để làm việc với ngài Garôphôli. Mà người ta không nói "càng hay" với những ai định vào làm việc với ông bầu này.

    Những lời ấy làm cho tôi không yên tâm tí nào.

    Ngài ác lắm hay sao?

    Chú bé không trả lời câu hỏi trực tiếp ấy mà chỉ nhìn tôi; nhưng cái nhìn kia lại có ý nghĩa rõ ràng ghê gớm hơn bao nhiêu lời nói. Rồi như không muốn kéo dài câu chuyện ấy, chú quay lại, đi về phía cái lò sưởi lớn ở cuối phòng. Trong lò ấy một bếp lửa lớn nhóm bằng những thanh gỗ dỡ nhà đang cháy ngùn ngụt. Trên lửa có một cái nồi gang to đương sôi sùng sục.

    Đi lại gần lò để sưởi cho ấm, tôi nhận thấy cái nồi kia có những điều đặc biệt mà thoạt đầu tôi không để ý: Một bên vung dính chặt vào nồi bằng bản lề và bên kia thì có khóa; trên vung có gắn một cái ống nhỏ để cho hơi trong nồi thoát ra.

    Thái độ của chú bé đủ làm tôi hiểu rằng tôi không nên hỏi tò mò về ngài Garôphôli. Nhưng còn về cái nồi này thì sao?

    – Tại sao phải khóa nồi lại?

    – Để tôi khỏi múc nước xúp mà ăn. Tôi có nhiệm vụ nấu xúp, nhưng ông chủ không tin tôi.

    Tôi không giấu nổi một nụ cười.

    – Anh cười! – Chú bé buồn bã nói tiếp. – Phải rồi, anh cười vì anh tưởng tôi tham ăn. Nhưng ở vào cảnh tôi, có lẽ anh cũng sẽ tham ăn không kém. Thực ra thì tôi không phải là một thằng tham ăn mà là một thằng đói rạc, mùi xúp bốc lên từ cái ống này càng làm cho cái dạ dày lép kẹp của tôi cồn cào dữ dội.

    – Ngài Garôphôli để anh chết đói như thế à?

    – Nếu anh vào làm việc với ngài ấy, thì anh sẽ biết rằng ở đây, người ta không chết đói, người ta chỉ khổ vì đói thôi. Nhất là tôi, vì tôi bị trừng phạt.

    – Đúng đấy! Tôi có thể kể cho anh nghe chuyện ấy. Nếu ngài Garôphôli sẽ là chủ anh thì anh có thể lấy câu chuyện của tôi làm gương để giữ mình. Ngài Garôphôli là cậu tôi và ngài nuôi tôi làm phúc đấy. Phải nói cho anh biết mẹ tôi là một bà góa và có lẽ anh cũng đoán là bà cũng chẳng giầu có gì. Năm ngoái, khi Garôphôli đến vùng

    Tôi tìm trẻ con thì ông ta nói với mẹ tôi để cho ông mang tôi đi. Mẹ tôi không đành lìa tôi, nhưng anh hiểu cho, tình thế bắt buộc phải như vậy thì biết làm thế nào khác được. Tôi nói tình thế bắt buộc bởi vì ở nhà, anh em chúng tôi lúc nhúc những sáu đứa mà tôi là lớn. Garôphôli thích bắt thằng Lêônácđô hơn, thằng em kế tôi ấy, bởi vì nó khôi ngô còn tôi thì xấu xí. Muốn kiếm ra tiền thì không được xấu xí. Những đứa xấu xí chỉ kiếm ra đòn vọt và những lời chửi rủa mà thôi. Nhưng mẹ tôi không cho Lêônácđô đi. Bà nói: "Đành phải cho một đứa đi thì Mátchia là lớn, Mátchia phải đi. Chúa phúc đức đã chỉ định trước như vậy tôi đâu dám trái ý Chúa". Thế là tôi theo cậu tôi. Chao ôi! Cái cảnh chia ly thật là cay đắng: Anh biết chứ, phải rời bỏ ngôi nhà thân yêu, phải xa lìa bà mẹ tôi đang khóc lóc, còn em bé Cơrítxtina, nó trìu mến tôi hết sức bởi vì nó là út và tôi luôn luôn bồng bế nó trên tay; rồi còn các em khác của tôi, còn các bè bạn, còn làng quê.

    Tôi cũng từng nếm mùi cay đắng của cảnh chia ly và tôi không quên nỗi đau thắt ruột thắt gan khi nhìn thấy lần cuối cùng cái khăn trùm màu trắng của má Bácbơranh.

    Chú bé Mátchia kể tiếp:

    Lúc rời khỏi nhà chỉ có mình tôi với Garôphôli, nhưng tám ngày sau, đoàn trẻ con chúng tôi lên đến mười hai đứa. Và chúng tôi lên đường đi Pháp. Ôi! Con đường mới dài làm sao đối với tôi và các bạn cùng đi! Cả tôi lẫn các bạn đều buồn rười rượi. Nhưng rồi chúng tôi cũng đến Pari. Lúc bấy giờ chúng tôi chỉ còn lại mười một đứa vì một đứa đã nằm lại ở nhà thương Đigiông. Đến Pari, ông chủ chọn lọc phân loại chúng tôi ra: Đứa khoẻ mạnh thì cho đi làm công với thợ lò, hay thợ cả trong nghề nạo ống khói, đứa nào cơ thể yếu chưa làm nghề được thì đi hát rong, đàn rong ngoài phố. Dĩ nhiên là tôi không đủ sức khỏe để làm nghề, và hình như tôi cũng xấu xí quá, có đi đánh đàn dạo cũng không kiếm được nhiều. Vì vậy Garôphôli giao cho tôi hai con chuột bạch để tôi mang đi diễu trước các cửa nhà, trong các lối đi cho người ta xem và định mức cho tôi mỗi ngày là ba mươi xu. Ngài nói: "Chiều về, thiếu bao nhiêu xu thì lĩnh bấy nhiêu roi đó". Kiếm cho ra ba mươi xu thì thật là khổ, nhưng ăn đòn thì lại càng khổ hơn, nhất là ngón đòn do tay Garôphôli quật. Bởi vậy tôi dốc hết sức ra để cóp nhặt cho đủ số tiền. Mặc dù khó nhọc, vất vả hết sức, thường thường tôi vẫn không kiếm được đủ số. Các bạn khác hầu như luôn luôn kiếm đủ, tôi thì luôn luôn hụt mức. Cái đó làm cho Garôphôli giận dữ. Lão kêu: "Cái thằng ngốc Mátchia này, không biết nó làm ăn thế nào ấy!" Có một đứa bé khác cũng mang chuột bạch đi diễu như tôi. Định mức cho nó đến bốn mươi xu mà chiều nào nó cũng mang về đủ số. Nhiều khi tôi đi cặp kè với nó để xem thử nó làm ăn ra sao, nó khéo léo tài tình hơn tôi ở chỗ nào. Nhờ vậy tôi hiểu tại sao nó kiếm bốn mươi xu dễ dàng, còn tôi chỉ ba mươi xu mà quá đỗi chật vật. Khi có một ông hay bà sang trọng nào cho tiền chúng tôi thì bao giờ bà ấy cũng nói: "Cho cái em dễ thương đó, không cho cái thằng ma lem kia đâu". Cái thằng ma lem đó là tôi. Tôi không thèm đi cặp với thằng bạn ấy nữa, về nhà bị đánh đòn thì thật đáng buồn nhưng ra đường bị người ta nói những câu nhục mạ trước mặt mọi người thì lại càng tội hơn. Anh thì anh không biết cái khổ ấy đâu, bởi vì không bao giờ người ta bảo anh là xấu xí, nhưng tôi.. Cuối cùng thấy rằng đánh đập không ăn thua gì, Garôphôli bèn dùng một phương pháp khác. Lão nói: "Từ giờ mà đi, mày đem về thiếu một xu thì tao trừ một củ khoai trong bữa ăn tối, nghe chưa? Da mày già chịu đòn nhưng có lẽ dạ mày non chịu đói!". Này anh, có khi nào vì bị đe dọa mà anh làm được việc không anh?

    Ồ! Cái đó tùy.

    Tôi thì không bao giờ, vả lại tôi cũng không thể làm hơn cái mức tôi làm cho đến lúc ấy. Mà khi chìa tay ra xin tiền, tôi cũng không thể nói với người khách: "Nếu ông không cho tôi một xu thì tối nay tôi không có khoai ăn". Những người bỏ tiền ra cho bọn trẻ con thì lại không bỏ ra vì những lý do như thế.

    Thế thì họ bỏ ra vì lý do gì? Họ cho tiền là để cho mình được vui lòng chứ?

    Ôi chà! Anh còn non trẻ ngây thơ quá! Người ta cho trước hết là để cho vui lòng người ta. Người ta cũng cho tiền một đứa trẻ vì trông nó xinh xắn dễ thương, và đó là lý do xác đáng nhất. Người ta cho vì nhớ tới đứa con người ta đã bỏ hay nghĩ tới đứa con người ta ước có. Người ta còn cho trẻ con tiền vì người ta mặc ấm, còn nó thì đứng run lập cập dưới cổng một nhà xe; đó là lòng trắc ẩn. Ồ! Tôi biết hết những câu chuyện bố thí ấy, tôi đã có đủ thì giờ để nhận xét.

    Sống cái kiểu luôn luôn bị ăn bớt như thế được năm sáu tuần gì đó thì người tôi gầy rạc. Tôi hóa ra xanh xao vàng võ, xanh đến nỗi quanh tôi người ta cứ nói: "Coi kìa, cái thằng bé kia nó chết đói đến nơi".

    Lúc ấy thì sự đau thương đã làm được cái việc mà mặt mày tôi không làm nổi, nó làm cho mắt tôi sáng ngời và người tôi hóa ra đáng được chú ý. Người trong khu phố đâm ra thương hại tôi, cho nên tuy không kiếm được nhiều xu hơn trước là mấy, nhưng tôi lại kiếm được khi thì mẩu bánh mì, khi thì một đĩa xúp. Đó là cái thời sung sướng của tôi. Tôi không bị ăn đòn nhiều nữa. Và dù bữa tối có bị cúp khoai thì cũng không đến nỗi nào, vì bữa trưa tôi đã liếm láp được chút ít ở ngoài phố rồi. Nhưng một hôm, lão Garôphôli bắt gặp tôi đương ăn một đĩa xúp ở nhà bà hàng rau quả. Lão hiểu vì sao tôi bị cúp khoai mà không thấy kêu rên. Thế là lão quyết định bắt tôi ở nhà nấu xúp và dọn dẹp quét tước chứ không được đi ra ngoài nữa. Nhưng nấu xúp thì tôi có thể ăn vụng, cho nên lão chế ra kiểu nồi này. Mỗi buổi sớm trước khi ra đi lão bỏ thịt và rau củ vào nồi, đậy vung khóa lại, và tôi chỉ có việc đun. Tôi chỉ hít được mùi nước xúp mà thôi. Còn múc thì anh cũng thấy rằng không thể nào múc qua cái ống tí xíu ấy được. Tôi mà xanh như tàu lá thế này là từ lúc tôi phải làm bếp đấy. Mùi xúp không nuôi ai được, nó chỉ làm cho đói cồn cào lên, thế thôi. Này, tôi xanh xao lắm có phải không? Vì tôi không ra phố nữa, cho nên tôi không được nghe người ta bảo cho biết mà ở đây thì không có gương soi.

    Thuở ấy tôi chưa phải là người từng trải, nhưng tôi biết không nên nói với người ốm rằng họ ốm để họ phải lo sợ. Tôi đáp:

    Không, tôi thấy anh cũng thường thôi, chả xanh gì hơn kẻ khác.

    Tôi biết anh nói thế để an ủi tôi. Nhưng càng biết mình xanh xao, tôi càng thấy thú, vì như thế có nghĩa là tôi ốm nặng, mà tôi thì muốn mình ốm hẳn, ốm liệt ra.

    Tôi sửng sốt nhìn nó. Thằng bé mỉm cười, nói:

    Anh không hiểu ý tôi. Đơn giản lắm. Hễ mình ốm hẳn thì người ta chạy chữa, hoặc người ta bỏ mặc cho chết. Nếu họ bỏ tôi chết thì xong hết tất cả mọi việc: Hết khổ vì đói, hết khổ vì đòn. Với lại người ta nói người chết được lên ở trên trời. Thế thì lúc ấy ở trên trời, tôi sẽ nhìn xuống thấy mẹ tôi ở quê nhà. Ngược lại, nếu họ chăm sóc cho tôi thì họ sẽ đưa tôi đi bệnh viện. Đi bệnh viện thì thích lắm.

    Tôi vốn sợ bệnh viện, sợ một cách tự nhiên. Nhiều khi đi đường mệt quá thấy trong người nao nao khó chịu như sắp ốm thì chỉ cần nghĩ tới bệnh viện là tôi hồi sức, bước đi lên được ngay. Nghe Mátchia nói thế, tôi kinh ngạc khôn xiết. Nó nói tiếp:

    Chắc anh không biết ở bệnh viện người ta sung sướng như thế nào! Tôi đã nằm ở bệnh viện Xanhtơgiêni. Ở đấy có một ông bác sĩ người cao lớn, tóc vàng, lúc nào cũng có kẹo mạch trong túi áo. Kẹo vụn thôi, kẹo mạch vụn rẻ tiền, nhưng cũng không phải vì vụn mà nó không ngon. Rồi thì các dì phước ấy, họ nói năng với mình dịu ngọt làm sao! "Làm thế này con ạ. Tội nghiệp! Con thè lưỡi xem sao.." Tôi ấy à, tôi chỉ thích người ta nói ngọt với tôi thôi. Nghe những lời dịu ngọt, tôi cảm động đến ứa nước mắt và chính lúc ấy là lúc tôi sung sướng đấy. Ngốc quá, phải không anh? Chỉ vì mẹ tôi luôn luôn dịu ngọt với tôi. Các dì phước cũng dịu ngọt như vậy, lời thì khác đấy, nhưng giọng thì chả khác gì, cũng êm như ru vậy. Rồi khi bệnh đã đỡ thì có xúp ngon và rượu vang nữa. Ở đây, khi tôi bắt đầu thấy kiệt sức vì thiếu ăn, thì tôi thích chí lắm. Tôi tự nhủ: "Ta sắp ốm rồi và Garôphôli sẽ đưa ta đi bệnh viện", ừ phải! Ốm rồi. Ốm đủ đã thấy đau đớn ê ẩm trong người, nhưng chưa đủ để làm bận lão Garôphôli cho nên lão vẫn giữ tôi ở nhà. Không biết sao mà những người cùng khổ khó chết thế! Cũng may là lão chưa mất thói quen phạt đòn tôi cũng như phạt những đứa khác, cho nên cách đây tám ngày, lão đã nện vào đầu tôi một gậy nên thân. Lần này thì có lẽ chắc chuyện rồi đây. Đầu tôi sưng lên. Hẳn anh thấy cái u to trắng trọt này đấy chứ? Hôm qua lão nói có lẽ đó là một cái bướu. Tôi không biết bướu là cái quái gì, nhưng xem cái điệu lão nói thì hình như nặng lắm. Hẵng biết rằng tôi đau đớn ghê quá. Tôi thấy nhói tận dưới chân tóc, hơn cả khi đau răng nữa. Đầu tôi nặng như quả tạ trăm cân. Có những phút tôi mờ mắt, choáng váng người và đêm đến, trong giấc ngủ, tôi không thể không rên, không la. Như vậy tôi tin rằng nội trong vài ba ngày nữa, lão sẽ phải đưa tôi đi bệnh viện. Anh hiểu không? Ban đêm mà có một thằng nhãi kêu la thì phiền cho những người khác, mà Garôphôli thì lão không thích bị làm phiền đầu! Lão nện tôi cái gậy là phúc quá! Này anh nói thật đi, tôi đã xanh xao lắm chưa?

    Nói thế rồi đến đứng trước mặt tôi, mắt nó nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi không lý do gì nữa để không nói thật. Tuy vậy tôi cũng không dám nói thẳng tuột cái cảm giác khủng khiếp của tôi khi nhìn đôi mắt to sáng như lửa cháy, hai má sâu lõm và cặp môi nhợt nhạt của nó.

    Tôi thấy anh ốm như thế là đáng đi bệnh viện rồi đấy!

    Có thế chứ!

    Nó quỳ cái chân mà nó thường kéo lê xuống, nghiêng mình chào tôi. Rồi tức thời sau đó, nó chạy đến bàn ăn, bắt đầu lau chùi.

    Nói chuyện thế đủ rồi, – nó nói. – Garôphôli sắp về, không khéo thì chưa xong đâu vào đâu cả! Anh cho rằng tôi đã nhận đủ số đòn vọt để vào bệnh viện thì có nhặt thêm ít nữa cũng không ích gì, hoài của đi thôi, có phải không anh? Ấy bây giờ tôi cảm thấy đau đớn hơn mấy tháng trước nhiều! Những ai nói rằng việc gì rồi cũng quen đi cả là những người nhân từ, họ muốn vỗ về an ủi kẻ khổ thôi.

    Chú bé vừa nói chuyện vừa chân cao chân thấp đi khập khiễng quanh bàn để xếp đĩa và thìa, nĩa. Tôi đếm thấy hai mươi cái đĩa: Thế có nghĩa là Garôphôli cai quản hai mươi đứa trẻ. Nhưng giường chỉ có mười hai chiếc, chắc là hai đứa ngủ một giường. Giường mới khổ làm sao! Không có vải phủ giường, chỉ có những chiếc chăn màu hung hung, có lẽ mua lại ở một chuồng ngựa nào đó, khi nó đã quá sờn, đắp cho ngựa không đủ ấm nữa. Tôi kinh hãi hỏi Mátchia:

    Ở đâu đâu cũng đều thế cả à?

    Đâu đâu là đâu chứ?

    Ở đâu mà có những ông bầu mướn trẻ con như thế này ấy!

    Tôi biết đâu đấy! Tôi chưa hề đi chỗ nào khác. Còn anh thì cố gắng tìm chỗ khác đi!

    Chỗ nào bây giờ?

    Tôi không biết, ở đâu cũng được, cũng còn khá hơn ở đây.

    "Ở đâu cũng được" thì mơ hồ quá, vả lại tôi biết làm thế nào để thay đổi ý định của cụ Vitali?

    Tôi đương nghĩ ngợi lung tung, chưa tìm ra kế gì hết thì cánh cửa bật mở rồi một chú bé bước vào. Một tay chú cắp cây vĩ cầm, tay kia chú bê một khúc gỗ dỡ nhà to tướng. Khúc này giống những khúc chụm vào lò bếp. Nhìn thấy khúc gỗ, tôi biết Garôphôli lấy củi ở đâu và tiêu tốn gì về khoản ấy. Mátchia đón chú bé, bảo:

    – Đưa khúc gỗ cho tao.

    Chú này đã không đưa củi, lại còn giấu sau lưng. Chú nói:

    Ồ! Không đâu!

    Đưa đây. Để đun nồi xúp cho thật nhừ, ngon hơn.

    Mày tưởng tao mang về để đun xúp đấy à? Tao làm chỉ được có ba mươi sáu xu. Tao trông vào khúc củi này để lão Garôphôli nhẹ tay phần nào trong khi hỏi tội tao về khoản bốn xu thiếu hụt.

    Chả có củi cành nào mà đỡ được. Mày phải trả bằng đòn thôi. Hết phiên thằng này đến phiên thằng khác.

    Mátchia có vẻ rất ác ý khi nói mấy câu ấy. Tưởng như nó lấy làm thích chí về cái hình phạt đương chờ bạn nó. Tôi lấy làm ngạc nhiên về cái nét đanh ác thoáng hiện trên gương mặt hiền hậu đó. Sau này tôi mới biết rằng sống chung với người độc ác lâu ngày thì người ta cũng có thể hóa nên tàn nhẫn.

    Giờ này là giờ tề tựu của lũ trẻ nhà Garôphôli. Sau đứa bé bê củi, một đứa khác về và sau đó là mười thằng khác. Mỗi đứa vào phòng đều mang theo nhạc cụ của mình đến treo ở một cái đanh đóng lên tường, phía trên giường nằm: Thằng này thì cái vĩ cầm, thằng kia cái thụ cầm, thằng nọ cái ống sáo hay cái kèn bị (1). Những đứa chỉ mang thú đi diễn chứ không phải là nhạc sĩ thì giúi những con chuột túi, chuột bạch vào trong một cái lồng.

    Có tiếng chân nặng hơn đi lên thang gác. Linh tính báo cho tôi biết đó là Garôphôli.

    Một người đi vào. Người ấy lùn thấp bước đi loạng choạng, vẻ mặt hốc hác. Hắn không mặc quần áo kiểu Italia, hắn mặc một cái áo bành tô xám. Cái nhìn đầu tiên của hắn hướng về phía tôi. Một cái nhìn làm cho tôi thấy lạnh gáy. Hắn hỏi:

    Cái thằng nhãi này ở đâu ra?

    Mátchia vội vàng lễ phép thưa với hắn những điều cụ Vitali dặn. Hắn hỏi:

    À! Vitali đến Pari. Lão ấy tìm tao làm gì?

    Cháu không biết. – Mátchia đáp.

    Tao không hỏi mày! Tao hỏi thằng kia! Tôi không dám nói thật. Tôi bảo:

    Cụ chủ tôi sắp đến. Cụ sẽ tự nói cho ông biết cụ muốn gì.

    Thằng bé này ăn nói kiêng dè đấy! Mày là người Italia phỏng?

    – Không, tôi là người Pháp.

    Khi Garôphôli vừa vào phòng thì có hai đứa bé đến đứng ngay bên cạnh, chờ cho hắn ngừng nói. Chúng nó muốn gì với lão chủ? Tôi tò mò tự hỏi như vậy và được giải đáp ngay sau đó.

    Một thằng cất cái mũ dạ trên đầu Garôphôli rồi đem lại để nhẹ nhàng trên giường; thằng kia vội vã mang ghế đến cho lão. Chúng nó làm những việc thông thường ấy một cách quá nghiêm trang, kính cẩn, khiến cho người ta tưởng đó là hai chú hầu hương đương thành kính giúp linh mục hành lễ. Qua những việc ấy, tôi thấy các chú bé sợ Garôphôli đến chừng nào, bởi vì chắc chắn là chúng nó làm thế không phải vì trìu mến.

    Khi Garôphôli vừa ngồi xuống thì một chú bé khác nhanh nhẹn mang lại cho hắn một chiếc tẩu lèn đây thuốc lá, đồng thời một chú thứ tư đánh diêm đưa cho hắn. Hắn cầm que diêm vừa dí lên miệng ống điếu thì thét:

    – Sặc mùi lưu hoàng, đồ chó chết! – Và vứt ngay que diêm vào lò bếp.

    Chú bé có tội vội vã chuộc lỗi: Chú đánh một que khác, chờ cho nó cháy khá lâu mới dâng cho chủ.

    Nhưng lão chủ không cầm. Lão nói: "Không cần mày, thằng ngu!" và lão đẩy mạnh nó ra. Rồi lão quay lại một thằng bé khác, mỉm cười với nó. Nụ cười ấy chắc là một ân huệ đặc biệt:

    Diêm đây, Ricácđô, bé yêu! Bé yêu vội vàng tuân lệnh.

    Khi Garôphôli đã ngồi yên và tẩu của lão ngún cháy thì lão phán:

    Các chú tiên đồng của ta ơi, bây giờ thì ta tính toán thôi nhé! Mátchia mang sổ ra đây!

    Garôphôli hạ cố mở miệng là vì lão phúc đức mà thôi, chứ có cần gì lão phải nói. Lũ trẻ cứ chằm chằm rình những ý muốn của lão, đến nỗi chúng đoán được hết trước khi lão lên tiếng. Lão chưa hỏi dứt câu thì Mátchia đã đặt ra trước mặt lão một quyển sổ nhỏ đầy ghét bẩn. Lão ra hiệu, tức thời thằng bé đưa diêm chưa hết mùi lưu hoàng lúc nãy tiền lại gần.

    Mày còn thiếu tao một xu hôm qua. Mày hứa hôm nay sẽ trả bù. Thế mày mang về bao nhiêu?

    Chú bé ấp úng một lúc lâu. Mặt chú tái mét lại. Chú nói:

    Cháu thiếu một xu.

    À! Mày vẫn thiếu đồng xu ấy, thế mà mày cứ nhơn nhởn như không vậy!

    Không phải đồng xu hôm qua. Cháu nói một đồng xu về khoản hôm nay.

    Thế là hai xu phải không? Mày biết không, tao chưa thấy ai như mày.

    Không phải lỗi tại cháu.

    Đừng giả ngây giả dại nữa. Mày biết cái lệ rồi: Cởi áo ra! Hai roi về đồng xu hôm qua, hai roi về đồng xu hôm nay. Ngoài ra, cúp khoai về cái tội táo tợn của mày. Ricácđô, bé yêu, con ngoan lắm, con đáng được thưởng cái trò giải trí này. Lấy roi đây.

    Ricácđô là đứa trẻ đã vội vã mang que diêm vừa ý đến cho lão lúc nãy. Nó với lấy cái roi treo trên vách, một cái roi ngắn, có dính hai băng da thắt nhiều nút lớn. Trong lúc đó, chú bé thiếu một xu cởi áo ngoài và trật sơ mi ra, để mình trần từ vai đến thắt lưng. Garôphôli mỉm cười nham hiểm, nói:

    Hãy đợi chút. Có lẽ mày không bị lẻ loi đâu. Cái gì mà có đôi có bạn thì cũng thú cả. Với lại Ricácđô cũng khỏi nhọc công làm việc nhiều lần.

    Bọn trẻ đứng yên lặng trước mặt ông chủ, nghe câu bông đùa tàn nhẫn ấy thì phá lên cười một lượt. Tiếng cười thật gượng gạo.

    Garôphôli nói:

    Đứa nào cười to nhất, chắc đứa ấy thiếu nhiều nhất. Đứa nào cười to dữ vậy? Tất cả đều chỉ đứa bé mang khúc củi gỗ đã về trước tiên. Garôphôli hỏi:

    Này thằng kia, mày thiếu bao nhiêu?

    Không phải lỗi tại cháu.

    Từ nay đứa nào trả lời: "Không phải lỗi tại cháu" sẽ được ăn thêm một hèo ngoài số mà nó có quyền được hưởng. Mày hụt bao nhiêu?

    Cháu mang về một khúc củi, khúc củi to tướng kia.

    Ừ, cũng không phải là tồi. Nhưng mày thử mang lại thằng cha bán bánh mì, bảo nó đổi bánh cho mày, xem nó có đổi không?

    Mày thiếu mấy xu? Thế nào, nói đi chứ?

    Cháu kiếm được ba mươi sáu xu.

    Mày thiếu bốn xu, thằng khốn nạn, thằng chết vằm! Những bốn xu! Thế mà mày còn dám dẫn xác về đây, dám nhìn mặt tao!

    Ricácđô, bé yêu, con tốt phúc lắm, con sẽ được giải trí ra trò, cởi áo ra!

    Còn khúc củi?

    Cho mày để xơi trưa.

    Câu khôi hài ngu xuẩn ấy làm cho tất cả đám trẻ không bị phạt cười rộ lên. Trong lúc Garôphôli tra hỏi thằng bé ấy thì có độ chục đứa khác về. Chúng lần lượt báo cáo khoản thu nhập của chúng. Ngoài hai đứa bị xử phạt roi vừa rồi, có ba đứa nữa hụt mức. Garôphôli rên rỉ kêu lên:

    Chúng nó là năm thằng cướp, nó cướp của tôi, nó phá nhà tôi. Ấy, rộng lượng quá thì như thế đấy. Thử hỏi bọn mày, tao làm thế nào mà mua được thịt ngon khoai bở cho chúng mày ăn nếu chúng mày không chịu làm việc? Bọn mày chỉ thích rong chơi. Đáng lẽ phải đi khóc lóc với những khách cả tin thì bọn mày lại thích cười cợt với nhau hơn. Chúng mày tưởng vờ khóc trong khi chìa tay ra xin tiền thì không bằng khóc thực sự khi đưa lưng ra chịu đòn hay sao? Thôi, bỏ áo ra!

    Ricácđô cầm roi trong tay, còn năm tội nhân thì được xếp hàng bên cạnh. Garôphôli nói:

    Con biết chứ, Ricácđô. Ta không nhìn con vì những hình phạt ấy làm cho ta đau lòng. Ta không nhìn con nhưng ta nghe con. Nghe tiếng roi vút, ta biết được ngọn roi quật mạnh hay yếu. Bé yêu ơi! Hãy rắn sức mà vụt, con làm việc vì miếng ăn của con đấy.

    Nói xong, hắn quay mặt vào lò sưởi, làm như không thể nhìn được cái nhục ấy. Còn tôi, bị bỏ quên trong một xó, tôi rùng mình vì căm phẫn và cũng vì ghê sợ. Con người ấy sẽ là chủ của tôi ư? Hắn sẽ tự định mức cho tôi ba mươi hay bốn

    Mươi xu, nếu tôi không mang về đủ số thì tôi phải đưa lưng cho thằng Ricácđô vụt. Ôi! Đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao thằng Mátchia nói đến chuyện chết một cách bình tĩnh như thế! Không những bình tĩnh mà lại còn ao ước thầm nữa kia!

    Tiếng roi đầu tiên đét lên da thịt làm cho tôi trào nước mắt. Tôi tưởng người ta không để ý đến tôi, nên tôi không giữ gìn. Nhưng tôi nhầm. Garôphôli vẫn liếc mắt nhìn trộm tôi. Lát sau, khi hắn nói về tôi, tôi mới biết. Hắn đưa một ngón tay chỉ tôi, nói:

    Thằng bé này tốt bụng. Hắn không như lũ kẻ cướp chúng bay, cứ cười đùa trên nước mắt của bạn, cười cả trên sự buồn phiền của tao. Ước gì nó là bạn của chúng mày để làm gương cho chúng mày thì tốt quá.

    "Là bạn của chúng mày", mấy tiếng ấy làm cho toàn thân tôi run lẩy bẩy.

    Đến roi thứ hai, nạn nhân kêu lên một tiếng thê thảm, roi thứ ba, tiếng thét của nó xé ruột xé gan.

    Garôphôli đưa tay lên, tức thời Ricácđô dừng tay lại, ngọn roi vẫn giơ cao. Tôi tưởng thằng chủ muốn tha, nhưng không phải. Hắn vẫn ngọt ngào nói với nạn nhân của hắn:

    Mày hẳn biết những tiếng kêu rên làm cho tao đau ruột chừng nào! Roi xé da mày nhưng tiếng thét thì xé lòng tao, mày cũng biết chứ? Vậy tao báo cho mày biết thét mỗi tiếng thì tao thêm một roi và đó là lỗi tại mày. Liệu đừng làm tao ốm vì buồn. Nếu mày có một chút tình thương, một chút lòng biết ơn đối với tao thì mày cắn răng ngậm miệng mà chịu. Nào Ricácđô!

    Ricácđô vung tay và hai cái băng da lại quật xuống lưng thằng bé khốn khổ. Nó kêu:

    Mẹ ơi! Mẹ!

    May sao tôi không phải chứng kiến nhiều hơn nữa, vì lúc ấy cụ Vitali đẩy cửa bước vào. Tiếng kêu thét vọng xuống thang gác đã mách cho cụ biết cái gì, nên thoáng nhìn, cụ đã hiểu hết. Cụ xông đến giật ngọn roi trên tay thằng Ricácđô, rồi quay phắt lại Garôphôli, cụ khoanh tay đứng sừng sững trước mặt hắn.

    Mọi việc xảy ra như chớp nhoáng, làm cho Garôphôli sững sờ. Nhưng sau đó, hắn trấn tĩnh, lấy lại nụ cười ngọt xót thường lệ, mà nói:

    Cụ thấy có gớm không? Cái thằng bé rõ ác!

    Thật là một sự nhục nhã! – Cụ Vitali thét.

    Ấy tôi cũng bảo thế!

    Thôi đừng có nhăn nhó vờ vịt nữa. – Cụ chủ tôi dằn mạnh. – Anh thừa biết là tôi không nói với thằng bé ấy, mà nói với anh. Ừ! Dày vò hành hạ một lũ trẻ bất lực như thế này thì quả là nhục nhã, hèn nhát!

    Garôphôli đổi giọng:

    Ông già điên rồi kìa, việc gì đến ông?

    Đến lắm chứ! Đến cả sở cảnh sát nữa chứ lị!

    Cảnh sát? – Garôphôli thét lớn và đứng dậy. – Ông, ông đòi đưa tôi ra cảnh sát à?

    – Ừ, ta đấy. – Cụ chủ tôi trả lời.

    Sự giận dữ của tên bầu không làm ông chủ lùi bước. Thằng Garôphôli dịu giọng và mỉa mai:

    Này cụ Vitali đừng có lên mặt hăm dọa phát giác tôi, tôi cũng có chuyện để phát giác. Rồi xem ai sẽ nhọc lòng nào? Tất nhiên là tôi không đi báo với cảnh sát; công việc của cụ không liên quan gì đến sở cảnh sát. Nhưng có những người khác người ta chú ý. Nếu tôi chỉ đến mách với họ cái điều tôi biết nếu tôi chỉ nói ra một cái tên, một cái tên thôi, thì ai sẽ phải tìm chỗ chôn vùi sự nhục nhã của mình nhỉ?

    Cụ chủ tôi lặng người một lúc, không trả lời. Cụ cũng có làm một chuyện nhục nhã ư? Tôi sững sốt. Tôi chưa hết kinh ngạc về những câu kỳ quái của thằng Garôphôli thì cụ đã nắm tay tôi:

    Đi theo ông.

    Cụ nói thế rồi lôi tôi theo ra phía cửa. Thằng Garôphôli vừa cười vừa nói:

    Này, này! Bỏ qua đi thôi cụ nhé, cụ định đến nói với tôi việc gì nào?

    Ta không có gì nói với anh nữa.

    Và, không thêm một tiếng, không ngoảnh lại, cụ đi xuống thang gác, tay vẫn dắt tay tôi. Tôi bước theo cụ, người thấy nhẹ nhõm một cách lạ lùng.. Thế là lối thoát cái nạn thằng Garôphôli! Tôi muốn ôm hôn cụ Vitali, nhưng không dám.
     
    Ưu Đàm Thanh Ti thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng mười hai 2021
  9. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,903
    Chương 18: Mỏ đá Giăngtili

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Khi còn đi trong đường phố có đông người qua lại, cụ Vitali không nói năng gì cả. Được một lát, thầy trò chúng tôi đến một ngõ vắng vẻ, cụ Vitali bèn ngồi phịch xuống một trụ đá. Mấy lần cụ đưa tay bóp trán, như thế nghĩa là cụ đương lúng túng.

    Khẳng khái và hào hiệp thì đẹp thật, - cụ nói như tự nói với mình, - nhưng cũng vì thế mà bây giờ chúng ta phải lang thang trên đường phố Pari, không một xu dính túi, không một mẩu bánh lót lòng. Cháu có đói không?

    Từ lúc ăn miếng bánh ông cho sớm nay mãi đến bây giờ, cháu chưa có chút gì trongbụng.

    Thế thì tối nay cháu có cơ ngủ đói đấy, tội nghiệp quá! Mà cũng chưa biết ngủ vào đâu nữa chứ!

    Thế ra trước ông định ngủ nhà lão Garôphôli à!

    Ông định: Cháu thì ngủ lại đó, còn ông, ví thử hắn thuê cháu vài mươi phờrăng trong mùa đông này thì trước mắt, phần ông cũng đỡ lo. Nhưng thấy cách hắn đối xử với trẻ con, ông không tự chủ được. Cháu cũng không thích ở lại với hắn, phải không?

    Ôi chao! Ông tốt quá!

    Lòng ông lão cù bất này vẫn chưa nguội lạnh hẳn. Nhưng khốn thay! Lão đã tính toán đúng mà lòng lão lại làm sai cả đi. Ta biết đi về đâu bây giờ?

    Đêm đã khuya, cơn rét có dịu đi chút ít so với lúc ban ngày, thì bây giờ trở lại gay gắt, buốt tận xương. Gió thổi từ phương Bắc, đêm nay sẽ rét cắt da. Cụ Vitali ngồi khá lâu trên trụ đá, còn tôi với con Capi thì đứng yên lặng trước mặt cụ. Cuối cùng cụ đứng lên.

    Ta đi đâu? - Tôi hỏi.

    Đi Giăngtili để cố gắng tìm một cái mỏ đá trước đây ta đã ngủ lại. Cháu có mệtkhông?

    Cháu đã được nghỉ ở đằng lão Garôphôli.

    Khổ là ông chưa hề được nghỉ và đã kiệt quệ rồi. Nhưng mặc nó, cũng phải đi chứ biết làm thế nào. Nào ta đi lên đi, các con!

    Đó là câu nói khi vui vẻ cụ thường dùng với tôi và mấy con chó, nhưng tối hôm nay, cụ nói câu ấy một cách buồn rầu.

    Chúng tôi lại ra đi trên các đường phố Pari. Đêm tối đen, các ngọn đèn khí (1) bị gió thổi vật vờ không soi tỏ mặt đường. Mỗi bước mỗi trượt trên rãnh nước đóng băng hoặc trên những tảng băng đóng ở vỉa hè. Cụ Vitali nắm tay tôi, còn con Capi thì chạy theo bên chân cụ. Chốc chốc nó tụt lại sau, bởi một đống rác để tìm xem có cái xương hay mẩu bánh nào không, vì nó cũng đói cồn gan cồn ruột. Nhưng rác rưới bị mắc cứng trong băng, có lục lọi cũng hoài công thôi! Thế là nó cụp tai xuống đi theo chúng tôi.

    Phố lớn rồi đến phố nhỏ, phố nhỏ chán rồi đến phố lớn, cứ như thể chúng tôi đi mải miết. Những người khách qua đường thưa thớt nhìn chúng tôi có vẻ ngạc nhiên. Tại áo quần chúng tôi hay tại dáng đi mệt mỏi mà họ chú ý nhỉ? Chúng tôi gặp cảnh sát thì cảnh sát quay quanh chúng tôi rồi dừng lại đưa mắt theo dõi.

    Không nói không rằng, người cúi gập xuống cụ Vitali cứ việc đi. Rét thế mà tay cụ nóng bỏng trong tay tôi. Hình như cụ run. Một đôi khi cụ dừng lại tựa vào vai tôi một chút và lúc đó tôi thấy toàn thân cụ rung bần bật.

    Thường ngày, tôi ít dám hỏi han cụ, nhưng lần này tôi phá cái lệ ấy, vả lại tôi thấy hình như cần phải nói với cụ là tôi yêu mến cụ, hay ít nhất là tôi muốn giúp cụ được tí gì. Thừa dịp cụ dừng lại, tôi nói:

    Thưa ông, ông ốm thì phải?

    Ông cũng e như thế. Dù không ốm thì cũng là quá mệt. Những ngày đường vừa qua thật là quá dài đối với tuổi tác của ông, và cái rét đêm nay thì sức già khó lòng chịu đựng. Ông cần có một cái giường êm ấm, một bữa ăn tối trong phòng kín gió, bên cạnh lò sưởi tốt. Thế nhưng các cái ấy đều là chuyện mộng mị cả. Ta đi lên thôi, các con!

    Đi lên! Chúng tôi đã ra khỏi thành phố hay nói cho đúng là ra khỏi khu vực nhà cửa. Chúng tôi đi, khi thì lọt thỏm giữa hai dãy tường dài, khi thì chơi vơi trong khoảng đồng trống. Chúng tôi đi mãi. Không còn khách đi đường, không còn cảnh sát, không còn đèn lồng, đèn khí nữa. Chỉ thỉnh thoảng, đây đó một khung cửa sổ le lói ánh đèn và luôn luôn trên đầu một khoảng trời xanh thẫm điểm vài vì sao thưa. Gió càng thổi mạnh, thổi rát từ phía sau lưng. Tuy vậy, vì tay áo của tôi đứt đường chỉ, nó luồn vào chỗ hở và chạy dọc theo cánh tay, làm cho tôi rét quá.

    Mặc dù trời tối và đường xá dọc ngang chằng chịt, cụ Vitali vẫn đi theo hướng của mình, như một người thông thuộc đường sá. Tôi cứ bước theo cụ, không lo gì lạc đường, chỉ lo không biết bao giờ mình mới tới được chỗ cái mỏ đá kia. Thình lình cụ Vitali dừng lại.

    Cháu có thấy một lùm cây không? - Cụ hỏi.

    Cháu chả thấy gì.

    Cháu không thấy một đống đen sì à?

    Tôi nhìn ra tứ phía trước khi trả lời. Chắc chúng tôi ở giữa đồng bằng, vì tầm mắt tôi mất hút trong bóng đêm mờ mịt, không gặp cây cối, nhà cửa gì chắn lối cả. Quanh chúng tôi là khoảng trống. Không một tiếng động, ngoài tiếng gió rít là là mặt đất trong những bụi cây cối không nom thấy. Cụ Vitali nói:

    Chao ôi! Ước gì ông có cặp mắt của cháu! Ông trông nhòa ra cả. Cháu nhìn thử đằng kia xem nào. Cụ đưa tay chỉ thẳng ra trước mặt, rồi không nghe thấy tôi nói gì cả, - tôi không dám nói là không trông thấy gì, - cụ lại đi lên.

    Chúng tôi lặng im thêm mấy phút, rồi cụ dừng lại lần nữa và hỏi tôi xem có thấy lùm cây không. Tôi bắt đầu thấy không yên lòng và thoáng thấy lo sợ. Giọng tôi run run khi tôi trả lời cụ chủ rằng tôi không trông thấy cái gì cả. Cụ chủ hỏi:

    Cháu sợ nên quáng mắt đó!

    Cháu cam đoan với ông là cháu không thấy cây cối gì cả.

    Không có vết bánh xe lớn?

    Không thấy.

    Ta lạc đường hay sao nhỉ?

    Ta hãy đi dăm phút nữa. Chừng đó nếu vẫn không thấy cây cối gì thì ta quay lại vì hẳn lầm đường.

    Khi biết có thể chúng tôi lạc đường thì tôi cảm thấy không còn hơi sức đâu mà đi được nữa. Cụ Vitali kéo tay tôi:

    Thế nào?

    Cháu đi không nổi nữa.

    Chứ còn ông, dễ cháu tưởng ông cõng cháu được? Sở dĩ ông không khuỵu hai chân này là vì ông biết rằng nếu ông cháu ta ngồi xuống thì sẽ không đứng lên được nữa và chết rét tại đây. Thôi, gắng lên đi nào!

    Tôi bước theo cụ.

    Đường có vết bánh xe sâu không?

    Tuyệt nhiên không có.

    Thế thì phải quay lại.

    Ngọn gió trước đây thổi sau lưng, bây giờ đập vào mặt mạnh quá làm tôi ngạt thở. Tôi thấy buốt như bị bỏng. Lượt đi, chúng tôi đi có chậm, lượt về, lại càng chậm hơn. Cụ Vitali bảo:

    Khi cháu thấy có những dấu bánh xe thì bảo cho ông biết. Con đường đúng nó ở bên trái, có cột chỉ đường ở chỗ ngã ba.

    Chúng tôi chống chọi với gió, đi như thế trong mười lăm phút. Trong cảnh đêm tĩnh mịch, tiếng chân chúng tôi dội vang trên đất rắn. Dù mỗi bước nhích chân mỗi thấy trong người rời rã, thế mà bây giờ chính tôi lại lôi cụ Vitali đi tới. Tôi gương mắt cố tìm về phía trái, lòng phập phồng lo lắng xiết bao! Bỗng một chấm đỏ lóe lên trong bóng tối. Tôi chỉ tay, nói:

    Có ánh đèn kia.

    Đâu?

    Cụ Vitali nhìn theo hướng tay tôi. Mặc dù ánh đèn không cách xa lắm, cụ vẫn không trông thấy. Nhờ đó, tôi biết rằng mắt cụ đã mờ đi, vì thường ngày cụ nhìn rất xa và rất tinh trong đêm tối.

    Ánh đèn mà làm gì! - Cụ nói. - Đó là đèn chong trên bàn một người làm việc khuya hay trên giường một kẻ hấp hối, chúng ta không thể đến gõ cửa nhà họ. Ở nông thôn, banđêm ta có thể xin ngủ nhờ được, chứ quanh vùng Pari thì đừng hòng người ta mở cửa cho chúng ta. Cứ đi thôi!

    Chúng tôi đi mấy phút nữa. Rồi tôi thấy lờ mờ hình như có một con đường đâm ngang qua đường chúng tôi đi, và ở góc đường có một vật gì đen đen có lẽ là cái cột chỉ đường. Tôi buông tay cụ Vitali để đi nhanh hơn. Con đường đó đầy những vết bánh xe sâu lõm.

    Cái cột chỉ đường ở đây rồi. Và có nhiều vết bánh xe.

    Cháu đưa tay đây. Thoát nạn rồi. Ta đi năm phút nữa là tới mỏ đá. Nhìn kỹ thử, chắc cháu trông thấy lùm cây rồi.

    Thấy có một đám đen, tôi nói là tôi nhận ra bóng cây. Hy vọng đem lại sức lực cho người ta, chân bớt nặng, đất dưới chân cũng bớt rắn đi.

    Tuy cụ Vitali nói năm phút nhưng sao mà tôi thấy dài dằng dặc như bất tận. Cụ dừng lại, nói:

    Chúng ta đi con đường đúng này đã hơn năm phút rồi đấy.

    Cháu cũng nghĩ thế.

    Những vết bánh xe về đâu?

    Đi thẳng.

    Lối vào mỏ ở bên trái, chúng ta đã đi qua mà không nhìn thấy. Đêm dày thế này, cái

    Đó cũng là thường thôi. Tuy vậy, giá nhận thấy dấu bánh xe thì ta đã sớm biết ngay là ta vượt qua nơi ta tìm rồi.

    Cháu nói chắc chắn là dấu bánh xe không hề rẽ về bên tay trái.

    Thôi được, cứ phải quay trở lại.

    Cháu có thấy lùm cây không?

    Có ở bên trái đấy.

    Còn dấu bánh xe?

    Không có.

    Ta mù rồi chăng? - Cụ Vitali vừa nói, vừa đưa tay dụi mắt. - Giờ chúng ta cứ nhằm thẳng lùm cây mà đi tới. Cháu đưa tay ông nắm.

    Có một bức tường cao.

    Đó là một đống đá.

    Không. Đúng là một bức tường, ông ạ.

    Điều tôi nói rất dễ thẩm tra, bởi vì chúng tôi đứng cách bức tường có mấy bước. Cụ Vitali bước tới, và như không tin ở đôi mắt, cụ áp hai bàn tay lên cái vật trở ngại mà tôi gọi là bức tường còn cụ gọi là đống đá ấy. Cụ nói:

    Bức tường thật. Đá xếp đều đặn và sờ thấy có vôi hồ. Thế cổng đi vào ở đâu. Cháu cố tìm cho ra dấu bánh xe.

    Tôi cúi sát đất, men theo tường đi cho đến cuối mà chẳng thấy vết xe nhỏ nào cả. Tôi trở về chỗ cụ Vitali đứng rồi đi ngược đầu kia. Kết quả cũng thế: Đâu cũng là tường, trên tường không có một khoảng trống, dưới đất không một con đường, một rãnh đất hay một dấu vết gì chứng tỏ là có lối đi vào.

    Cháu chỉ thấy những tuyết là tuyết!

    Tình cảnh của chúng tôi bây giờ thật là khủng khiếp. Chắc là cụ chủ tôi đã lầm đường và cái mỏ đá cụ tìm không phải ở chỗ này.

    Khi tôi nói tôi không tìm ra vết bánh xe thì cụ Vitali lặng người đi, không nói gì cả. Rồi đặt tay lên tường một lần nữa, cụ sờ suốt từ đầu này đến đâu kia. Con Capi không hiểu gì, sủa lên một cách nôn nóng. Tôi lần bước theo sau cụ Vitali. Tôi nói:

    Có phải tìm xa hơn nữa không?

    Không. Mỏ đã bít rồi.

    Bít rồi?

    Người ta đã bít lối, không thể đi vào được nữa.

    Thế thì làm thế nào bây giờ?

    Làm thế nào? Ừ, làm thế nào? Ông cũng chẳng biết nữa. Đành chết ở đây.

    Chao ôi! Ông ơi!

    Ừ, cháu không đành chết! Cháu còn bé quá, cháu ham sống. Thế thì chúng ta hãy đi lên. Cháu đi được không?

    Còn ông?

    Khi ông không đi được nữa, ông sẽ quỵ như một con ngựa già.

    Đi đâu?

    Trở về Pari. Gặp cảnh sát, chúng ta sẽ nói họ dắt chúng ta đến sở cẩm. Ông muốn tránh cái việc ấy, nhưng đâu nỡ để cháu chết rét. Đi lên đi, bé Rêmi, đi lên đi con, hãy can đảm lên!

    Thế là chúng tôi ngược trở lại những đoạn đường chúng tôi vừa đi qua. Mấy giờ đêm rồi? Tôi chả đoán được. Chúng tôi đi đã lâu, lâu lắm, mà lại đi chậm. Nửa đêm rồi chăng? Hay là một giờ sáng? Trời vẫn một màu xanh sẫm, không trăng, chỉ vài ông sao lưa thưa và có vẻ như bé hơn ngày thường. Gió đã không lặng, còn thổi mạnh gấp bội. Gió cuốn bụi tuyết lên hai bên mép đường và quất vào mắt chúng tôi. Qua nhà nào cũng thấy tối mò và kín mít. Tôi nghĩ lan man rằng những người nằm ngủ ấm áp giữa chăn nệm ở trong kia nếu biết chúng tôi rét lạnh đến như thế này họ sẽ đứng dậy mở cửa cho vào.

    Đi nhanh thì cũng đỡ rét, nhưng cụ Vitali vừa đi vừa thở dốc, chân bước rất khó khăn. Cụ thở phì phò như vừa mới chạy xong. Tôi hỏi cụ thì cụ không đáp, cụ lấy tay chậm chạp ra hiệu cho tôi biết là cụ không nói được. Từ thôn quê chúng tôi đã trở vào thành phố, nghĩa là chúng tôi đi giữa những bức tường trên đấy thỉnh thoảng có một ngọn đèn lồng đu đưa, tiếng dây sắt kêu loảng xoảng.

    Cụ Vitali dừng lại. Tôi biết là cụ đã đuối sức. Tôi nói:

    Để cháu gõ của một nhà nào đấy thử xem ông nhé!

    Không nên. Người ta không mở cửa đâu. Những người trồng hoa, trồng rau củ ở đây ban đêm người ta không thức dậy đâu!

    Cứ đi nữa thôi.

    Nhưng cụ có nghị lực hơn có sức lực. Đi được mấy bước, cụ dừng lại nữa. Cụ nói:

    - Ông phải nghỉ một tí. Ông kiệt sức rồi.

    Quãng ấy có một hàng giậu, có cổng mở. Một đống phân bón to vun thẳng lên, cao hơn hàng giậu. Người ta thường thấy những đống phân như thế trong mấy vườn trồng rau. Gió thổi qua đống phân làm khô lớp rơm phủ mặt và vung vãi xuống đường khá nhiều, thành một lớp dày ở ngay dưới chân giậu. Cụ Vitali nói:

    Để ông ngồi xuống chỗ này.

    Ông có nói hễ ta ngồi xuống thì ta sẽ rét cóng đi và không bao giờ đứng dậy được nữa cơ mà?

    Không trả lời, cụ ra hiệu bảo tôi dồn đống rơm vào sát cửa và cụ để rơi người xuống cái ổ rơm ấy chứ không phải là ngồi xuống. Răng cụ đánh vào nhau cầm cập, toàn thân cụ run lẩy bẩy. Cụ nói:

    Mang thêm rơm lại đây. Đống phân sẽ che gió cho chúng ta.

    Che gió thì đúng, nhưng đống phân không che được rét. Tôi cố hết sức thu nhặt rơm, dồn lại cho cụ Vitali. Xong tôi đến ngồi bên cạnh cụ. Cụ bảo:

    Cháu dịch sát vào người ông đi, và ôm lấy con Capi vào lòng. Nó sẽ san cho cháu một ít hơi ấm!

    Cụ Vitali là người từng trải, cụ biết rằng trong hoàn cảnh chúng tôi lúc bấy giò, cái rét có thể làm chết người như chơi. Cái việc cụ làm như vậy chứng tỏ là cụ đã hoàn toàn kiệt sức.

    Đúng là cụ đã kiệt sức. Mười lăm hôm nay, ngày nào cụ cũng gắng gổ quá sức mình. Cho nên khi cái mệt nhọc hôm nay chồng lên bao nhiêu sự nhọc nhằn mấy hôm trước thì sức cụ đã quỵ, không gượng được nữa. Đã già yếu, lại gắng sức quá còn thêm đói khát thiếu thốn đủ điều, cụ đã kiệt quệ.

    Cụ tự lượng biết sức mình chăng? Điều đó không bao giờ tôi biết được. Chỉ thấy khi tôi cuốn rơm vào người và dịch sát bên cụ, thì cụ cúi xuống mặt tôi và hôn tôi. Đó là lần thứ hai cụ hôn tôi và cũng là lần cuối cùng.

    Rét ít thì thường làm cho người bị rét khi vào giường cứ run và không ngủ được. Rét nhiều và kéo dài thì lại làm cho người bị rét ở giữa trời mê man tê liệt.

    Đó là trường hợp của chúng tôi. Tôi vừa nép vào người cụ Vitali thì mắt ríu lại, cơ thể rã rời. Cố mở mắt không được, tôi tự cấu vào tay tôi rất mạnh. Nhưng da thịt tôi cũng tê dại cả rồi, cho nên cấu hết sức mới thấy hơi đau một tí. Tuy vậy tôi cũng hơi tỉnh lại một chút và nhìn nhận tình hình được phần nào. Cụ Vitali tựa lưng vào cổng ngồi thở hổn hến, thở rất mệt nhọc, hơi thở ngắn và dồn dập. Con Capi thì ngồi lên đùi tôi, vùi đầu trong ngực tôi mà ngủ. Trên đầu chúng tôi, gió vẫn thổi làm rơi rơm lên người thầy trò chúng tôi, như những chiếc lá khô lìa cành. Ngoài đường không có một bóng người. Gần, xa, chung quanh chúng tôi cảnh vật trầm mặc và vắng lặng như ở cõi chết.

    Cảnh vắng lặng ấy khiến cho tôi đâm sợ. Sợ gì? Tôi không biết. Một nỗi sợ hãi mơ hồ lẫn với một nỗi buồn vô hạn làm cho nước mắt tôi chảy giàn giụa. Tôi cảm thấy hình như tôi sắp chết tại chỗ này.

    Nghĩ đến sự chết chóc, tôi lại nhớ làng Savanông. Má Bácbơranh tội nghiệp, má ơi!

    Con chết mà không thấy mặt má, không được nhìn lại ngôi nhà mẹ con mình, mảnh vườn nhỏ của con! Trí tưởng tượng của tôi mới ngông cuồng làm sao! Mới nghĩ như thế, tôi đã thấy mình trở về đứng trong khoảng vườn: Mặt trời sáng rực, tươi vui, ấm áp; cây trường thọ nở những nụ hoa vàng; chim sáo hót trong bụi; trên hàng rào gai, má Bácbơranh đang phơi những quần áo vừa giặt ở con suối róc rách trên sỏi.

    Bỗng nhiên, trí của tôi lại rời bỏ Savanông để đến thuyền Thiên Nga. Áctơ ngủ trên giường. Bà Miligơn còn đang thao thức, nghe tiếng gió gào, bà tự hỏi không biết trong cơn rét mướt thế này, thằng Rêmi phiêu dạt nơi đâu.

    Rồi mắt tôi lại ríu lại, tim tôi liệt dần, tôi cảm thấy mình đương ngất đi.
     
    Ưu Đàm Thanh Ti thích bài này.
  10. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,903
    Chương 19: Lidơ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Khi tôi thức dậy thì thấy mình nằm trên giường và một ngọn lửa lớn làm sáng cả gian phòng.

    Tôi nhìn quanh bốn phía.

    Tôi chưa hề đến cái phòng này. Tôi cũng không quen ai trong đám người vây quanhtôi: Một người đàn ông mặc áo xám đi guốc màu vàng và ba bốn trẻ em, trong đó có một emgái năm, sáu tuổi. Em bé trố mắt nhìn tôi. Mắt nó lạ lắm, mắt nó biết nói. Tôi nhỏm dậy. Mọi người vồn vã xúm quanh tôi.

    Tôi hỏi:

    - Cụ Vitali?

    Một thiếu nữ, chừng như là chị cả của mấy đứa em bé ấy nói:

    Nó hỏi bố nó.

    Không phải bố, đó là chủ tôi. Cụ ấy đâu rồi? Capi đâu?

    Giá như cụ Vitali là cha tôi thì chắc họ sẽ dè dặt hơn khi báo tin về cụ. Nhưng cụ chỉ là ông chủ, cho nên người ta cho rằng có thế nào cứ nói thế ấy cho tôi nghe. Và họ cho tôi biết sự thể như sau:

    Cái cổng mà chúng tôi nấp là nhà một người trồng hoa. Vào khoảng hai giờ đêm, người trồng hoa mở cửa để đi chợ thì thấy chúng tôi nằm dưới rơm. Ban đầu người ta bảo chúng tôi đứng dậy để lấy lối cho xe ra. Khi thấy cả hai chúng tôi đều không nhúc nhích mà chỉ có con Capi sủa vang để bảo vệ chúng tôi thì người ta nắm cánh tay chúng tôi mà lắc. Chúng tôi cũng không động đậy tí nào. Thế là người ta mang đèn đến. Xem xét xong người ta biết rằng cụ Vitali đã chết, chết rét còn tôi thì không hơn gì cụ mấy tí. Tuy nhiên nhờ có con Capi nằm trên ngực cho nên tim tôi còn nóng và tim tôi còn thở thoi thóp. Tức khắc họ mang tôi vào nhà, đánh thức chú bé ngủ trên giường này dậy và đặt tôi nằm vào đó. Tôi nằm sáu tiếng đồng hồ liền, y như người chết. Rồi huyết mạch lại tuần hoàn, sự hô hấp dần dần bình phục và vừa rồi tôi đã hồi tỉnh.

    Mặc dù thể xác và tinh thần rã rời, tê liệt, tôi cũng còn đủ tỉnh táo dễ hiểu biết tầm quan trọng của câu chuyện người ta kể. Cụ Vitali chết rồi!

    Người kể câu chuyện ấy là người đàn ông mặc áo xám, tức là người chủ vườn. Khi ông kể thì cái em bé gái có đôi mắt như ngạc nhiên ấy không ngớt nhìn tôi. Khi nghe bố nói cụ Vitali chết thì nhờ khiếu trực cảm nhạy bén nên có lẽ em hiểu, em cảm thấy cái tin ấy sẽ làm cho tôi xúc động. Em vội vã bước lại gần bố, để một tay lên bố, một tay chỉ tôi. Em phát ra một thứ tiếng lạ lùng, không phải là lời nói mà một cái gì giống như một tiếng thở dài âu yếm và xót thương.

    Cử chỉ của em bé ý nghĩa của nó rất rõ ràng, không cần phải có lời nói kèm theo mới hiểu. Tôi cảm thấy trong cử chỉ ấy và trong cái nhìn của em có một sự thông cảm tự nhiên. Từ khi chia tay với Áctơ, lần này là lần đầu lòng tôi tràn ngập trìu mến và tin yêu. Ngày trước mỗi khi má Bácbơranh nhìn tôi trước khi ôm tôi vào lòng, tôi cũng có cảm giác y như thế. Cụ Vitali chết rồi, cụ bỏ mặc tôi lạc loài, nhưng nhờ có cảm tình của em bé, tôi cảm thấy tôi không đến nỗi cô đơn, dường như cụ vẫn ở bên cạnh tôi vậy.

    Ông bố cúi xuống mặt con, nói:

    Phải đấy, bé Lidơ của bố ạ! Nói ra thì em ấy buồn, nhưng cũng phải nói thật cho nó biết chứ! Chúng ta không nói thì ở sở cảnh sát họ cũng nói.

    Ông nói thế rồi tiếp tục kể cho tôi nghe người ta đi báo với cảnh sát thế nào, cảnh sát mang cụ Vitali đi thế nào, trong khi gia đình ông đem đặt tôi vào giường của anh Alơxi là con trai lớn nhất của ông. Khi ông dứt lời thì tôi hỏi:

    Còn Capi?

    Capi?

    Vâng, con chó Capi?

    Bác không biết. Nó biến đâu mất.

    Nó chạy theo cái cáng mang cụ già đi. - Một đứa trẻ nói.

    Con trông thấy nó, hả Bănggiamanh?

    Đúng thế. Nó cúi gằm đầu, đi theo sát gót những người khênh, chốc chốc lại nhảy lên cáng. Mỗi khi người ta đuổi nó xuống thì nó kêu những tiếng thảm thiết nghe như những tiếng gào nghẹn trong cổ.

    Thương hại thay con Capi! Nó đã bao lần đưa đám con Décbinô, đưa đám để mà cười thôi. Và như một diễn viên lành nghề, nó lấy điệu bộ của một người khóc lóc, chốc chốc lại buông một tiếng thở dài não nuột, làm cho những đứa trẻ rầu rĩ nhất cũng phải ôm bụng mà cười. Thế mà lần này..

    Bấy giờ ông chủ vườn và mấy người con ông đã đi ra hết. Tôi đứng lên, cũng không biết để làm gì nữa. Cây đàn của tôi đặt tựa chân giường. Tôi lấy đàn, quàng dây lên vai rồi bước sang phía buồng mà ông chủ vườn và mấy người con ông vừa rút sang. Tất nhiên tôi phải đi thôi, nhưng đi đâu? Tôi không biết đi đâu, chỉ cảm thấy rằng phải đi.. Vả lại cụ Vitali dù chết, dù sống, tôi cũng phải gặp lại cụ. Cho nên tôi ra đi.

    Ở trên giường, lúc thức dậy, tôi không thấy khó chịu cho lắm. Tôi chỉ mệt mỏi thôi và thấy đầu nóng dữ lắm. Nhưng đến lúc đứng lên, tôi lảo đảo suýt ngã, phải vịn vào một chiếc ghế mới gượng được. Tuy vậy nghỉ một lát lại thấy đỡ, tôi xô cửa và thế là đã đứng trước mặt bố con ông chủ vườn. Họ ngồi quanh bàn, cạnh một lò sưởi cao đượm lửa và họ ăn xúp, một thứ xúp bắp cải trông ngon quá.

    Mùi xúp xông thẳng vào gan ruột một cách đột ngột nhắc tôi rằng cả ngày hôm qua tôi không ăn gì ráo. Tôi lả người đi, đứng không vững nữa. Sự đau đớn ấy chắc cũng hiện lên nét mặt. Người chủ vườn lấy làm thương hại hỏi:

    Cháu khó ở hay sao thế?

    Tôi đáp rằng quả tôi thấy trong người khó chịu và nếu ông chủ vui lòng, thì tôi xin phép ngồi lán lại một lát bên cạnh lò sưởi.

    Nói vậy chứ tôi có cần lửa ấm nữa đâu, tôi cần cái ăn kia! Lửa ấm không làm cho tôi lại sức mà mùi xúp, tiếng thìa chạm trên đĩa, tiếng lưỡi khua khiến tôi yếu lả thêm. Tôi không đủ can đảm để hỏi xin một thìa xúp. Cụ Vitali không tập cho tôi ngửa tay xin bao giờ, và trời cũng không sinh tôi ra kiếp ăn mày. Thà tôi chết vì đói còn hơn là mở miệng nói: "Tôi đói". Tại sao vậy? Tôi không biết. Có lẽ tại tôi chỉ muốn hỏi cái gì tôi có thể trả lại được mà thôi.

    Cái em bé có đôi mắt lạ lùng, em bé không nói được mà người bố gọi là Lidơ ấy, em bé ấy ngồi đối diện với tôi. Em không ăn. Em nhìn tôi thao láo, không cúi đầu, quay mặt lúc nào. Bỗng dưng em đứng lên, bưng đĩa xúp đầy của em đặt lên đùi tôi. Không nói được vì lả, tôi đưa tay một cách yếu ớt ra hiệu từ chối với em, nhưng ông bố em không để cho tôi kịp từ chối. Ông nói:

    Cứ nhận đi, cháu ạ! Con Lidơ nó biếu ai cái gì thì cũng thực lòng thực dạ cả. Và nếu cháu không chê thì hết đĩa ấy ta múc đĩa nữa.

    Lại có chê! Tôi ngốn đĩa xúp trong nháy mắt. Lidơ vẫn đứng trước mặt tôi, nhìn tôi chòng chọc. Khi tôi để thìa xuống thì em kêu lên một tiếng nhỏ, tiếng kêu lần này không phải là tiếng thở dài nữa, mà là tiếng reo vui. Rồi em cầm đĩa đưa cho bố để bố em múc xúp.

    Khi đầy đĩa thì Lidơ bưng lại cho tôi với một nụ cười. Nụ cười của em dịu dàng quá, ngụ ýkhuyến khích quá đến nỗi đương đói như thế mà tôi cảm động lặng người đi một lát quên đỡ lấy đĩa xúp.

    Cũng như lần trước, đĩa xúp cạn nhanh như chớp. Mấy đứa bé vẫn theo dõi tôi bây giờ không mỉm cười nữa. Chúng cười thực sự, cười toét miệng. Người làm vườn buột miệng:

    - Ái chà! Cháu ạ, cháu là một cây xúp.

    Tôi xấu hổ quá, nóng bừng cả mặt lên. Nhưng rồi tôi nghĩ thà rằng nói hết sự thực còn hơn là để cho người ta cho mình là đứa phàm ăn.

    Tôi bèn nói hôm qua không ăn tối.

    Còn trưa?

    Cũng không ăn trưa.

    Thế ông chủ cháu thế nào.

    Cũng nhịn như cháu.

    Thế thì cụ ấy vừa chết rét vừa chết đói.

    Mấy đĩa xúp làm cho tôi hồi sức. Tôi vùng đứng dậy để cáo từ. Ông chủ vườn hỏi:

    - Cháu định đi đâu?

    - Tìm cụ Vitali để nhìn mặt cụ lần nữa.

    - Nhưng cháu không biết hiện giờ cụ ấy ở đâu kia mà?

    - Vâng, đúng thế!

    - Cháu có bạn bè gì ở Pari không?

    - Không!

    - Người đồng hương đồng quận?

    - Cũng không!

    - Cháu trọ ở đâu?

    - Không có chỗ trọ. Thầy trò cháu mới đến Pari hôm qua.

    - Cháu định làm gì?

    - Đánh đàn, ca hát để sinh sống.

    - Ở đâu?

    - Ở Pari.

    - Tốt hơn hết là cháu trở về xứ sở với cha mẹ cháu. Cha mẹ cháu ở đâu?

    - Cháu không có cha mẹ.

    - Cháu có nói ông cụ râu bạc ấy không phải là cha cháu?

    - Vâng, cháu không có cha. Nhưng cụ Vitali không khác gì là cha cháu.

    - Thế còn mẹ cháu?

    - Cháu không có mẹ.

    - Cháu phải có một ông chú, ông cậu, bà cô, bà dì, một người anh em, chị em, họ hàng thân thích gì chứ?

    - Không, không ai cả.

    - Thế cháu từ đâu đến?

    - Ông chồng bà mẹ nuôi cháu đã bán cháu cho cụ chủ cháu. Bác tốt với cháu quá. Cháu hết sức cảm ơn bác. Nếu bác cho phép thì chủ nhật tới cháu sẽ trở lại đây đánh đàn cho bác và mấy anh mấy chị nhảy, nếu bác cũng thích giải trí.

    Tôi vừa nói vừa đi lại phía cửa. Nhưng vừa đi được mấy bước thì Lidơ đi theo, nắm tay tôi lại, chỉ cây đàn và cười nụ. Rõ ràng lắm rồi, không thể nhầm được!

    - Cô muốn tôi đánh đàn cho nghe?

    Lidơ gật đầu và vỗ tay vui vẻ. Ông bố nói:

    - Ừ, ừ được đấy. Cháu đánh một bài cho em nó nghe đi!

    Tôi đặt cây đàn xuống và dù không còn bụng dạ nào để đàn định nhảy múa, tôi cũng đánh một điệu van, điệu sở trường, điệu mà mấy ngón tay tôi đánh thành thạo nhất. Chao ôi! Tôi muốn đánh làm sao thật hay, hay như cụ Vitali để làm đẹp lòng cô bé mà đôi mắt đã khiến cho tôi cảm kích một cách êm đềm.

    Lúc đầu Lidơ vừa nghe vừa nhìn tôi chằm chằm. Rồi em lấy chân đánh nhịp. Lát sau, bị âm nhạc lôi cuốn, em xoay tròn trong nhà bếp, trong khi cô chị cả và hai anh ngồi xem. Em không khiêu vũ, đành thế, em không bước được những bước đúng đầu của điệu nhảy, nhưng em quay vòng rất uyển chuyển, gương mặt hớn hở tươi cười.

    Ngồi bên lò sưởi, ông bố cứ nhìn theo con. Ông có vẻ cảm động và ông vỗ tay không ngớt. Khúc nhạc chấm dứt, tôi vừa ngừng tay đàn thì Lidơ đến đứng trước mặt tôi một cách rất đáng yêu và nghiêng đầu chào tôi bằng một kiểu chào rất đẹp. Rồi tức thời em gõ gõ vào cây đàn, ra hiệu cho tôi đàn nữa.

    Tôi có thể đánh đàn suốt ngày vì em mà vẫn thích. Nhưng ông bố bảo bấy nhiêu là vừa, bởi vì ông không muốn cho cô bé quay nhiều quá, mệt người. Bởi thế, tôi không đánh vũ khúc nữa, tôi hát bài hát vùng Naplơ mà cụ Vitali đã bày cho tôi.

    Cửa sổ thấp mà chủ lầu khắc nghiệt.

    Khiến bao phen tôi héo hắt thẫn thờ.

    Trái tim tôi nóng bừng trăm nến thắp

    Mà lạnh lùng, người đẹp vẫn thờ ơ..

    Bài hát ấy đối với tôi cũng như bài "Mấy tráng sĩ quê tôi" trong vở ca kịch "Rôbe thằng quỉ" đối với danh ca Nuarít hay bài "Theo ta" trong vở ca kịch "Guyôm Ten" đối với danh ca Đuypơrê. Nghĩa là bài tủ, bài mà khi hát lên, tôi được hoan nghênh hơn hết. Điệu nhạc nó êm ái và u hoài, phảng phất một cái gì âu yếm làm xao xuyến lòng người.

    Tôi vừa dạo vài tiếng đã thấy Lidơ đến đứng trước mặt, mắt dán vào mắt tôi, môi mấp máy như muốn thầm lặp lại những câu tôi hát. Khi điệu hát trở nên buồn, em lùi mấy bước, đến đoạn cuối cùng thì em úp mặt vào đầu gối bố, khóc tấm tức. Ông bố bảo:

    - Thôi, thôi!

    Một người anh của em, anh Bănggiamanh, nói:

    Con bé ngốc lạ! Nó vừa nhảy múa xong lại khóc ngay.

    Chưa ngốc bằng mày! Con Lidơ nó hiểu đấy. - Cô chị nói thế và cúi xuống hôn Lidơ. Trong khi Lidơ ôm gối bố khóc thì tôi mang cây đàn lên vai và tiến lại phía cửa.

    Cháu đi đâu bây giờ? - Ông bố hỏi?

    Cháu đã thưa với bác rồi, cháu sẽ cố tìm cách nhìn mặt cụ Vitali lần chót, rồi sau đó, làm những cái cụ đã dạy cho cháu là đánh đàn và hát.

    Cháu quý cái nghề đàn hát rong của cháu lắm nhỉ?

    Cháu không có nghề khác.

    Cháu không ngại kiếp sống đường sống chợ à?

    Cháu không có nhà cửa.

    Cái đêm vừa qua không làm cho cháu suy nghĩ hay sao?

    Có chứ! Tất nhiên là cháu thích một chiếc giường êm, một bếp lửa ấm hơn.

    Cháu muốn có những thứ ấy không? Giường êm, lửa ấm và dĩ nhiên là lao động nữa. Nếu cháu bằng lòng ở lại thì cháu cùng làm việc và cháu cùng ăn ở với bố con bác. Cháu hiểu không? Cháu có hiểu là điều bác hứa với cháu thì không phải là cảnh giàu sang, cũng khôngphải là chuyện ăn không ngồi rồi. Cháu mà nhận lời thì cháu cũng phải chia phần lao lực, phải chịu thương chịu khó, phải dậy sớm, cuốc đất cả ngày, lấy mồ hôi đổi lấy miếng bánh. Nhưng mà cuộc sống của cháu thì đảm bảo cháu khỏi phải chịu cảnh màn trời chiếu đất như đêm hôm qua, cũng không lo cái nạn chết đường chết sá. Tối đến đã có sẵn giường sẵn nệm chờ cháu trong phòng và khi ngồi ăn đĩa xúp, cháu sẽ có cái thú hưởng cái của tự mình làm ra. Điều đó sẽ làm cho cháu thấy đĩa xúp ngon hơn, bác cam đoan là thế. Sau hết, nếu cháu là một chú bé ngoan và bác đã bắt đầu cảm thấy như thế thì gia đình này sẽ là gia đình của cháu.

    Lidơ quay lại và mỉm cười với tôi qua làn nước mắt.

    Cái việc ông chủ vườn đề nghị thật là bất ngờ quá! Tôi không hiểu hết những lời nói của ông nên đứng tần ngần một lúc.

    Bấy giờ Lidơ rời bố, đi lại gần tôi, nắm tay tôi dắt ra trước một bức tranh treo trên tường. Tranh vẽ hình ông thánh Giăng mang tấm da cừu.

    Em ra hiệu cho bố và các anh nhìn lên tranh, đồng thời em đặt bàn tay lên người tôi, vuốt vuốt tấm da cừu. Rồi em chỉ tay lên tóc tôi, mái tóc tôi, như tóc thánh Giăng, cũng rẽ làm hai từ trán. Tôi biết em thấy tôi giống thánh Giăng. Không hiểu sao điều ấy khiến tôi lâng lâng cảm động.

    Đúng rồi! - Ông bố nói. - Đúng là chú ấy giống thánh Giăng. Lidơ vỗ tay cười.

    Ông chủ vườn trở lại với đề nghị của ông:

    - Này cháu, thế cái chuyện ấy cháu xem có được không nào?

    - Có gia đình!

    - Ta cũng sẽ có gia đình ư! Ôi! Đã bao nhiêu lần cái mơ ước ta thường ấp ủ ấy tan vỡ!

    - Ta đã lần lượt mất má Bácbơranh, rồi bà Miligơn, rồi cụ Vitali.

    - Thế này thì ta sẽ khỏi hưu quạnh cô đơn!

    Tình cảnh của tôi lúc bấy giờ thật là bi đát. Cái người mấy năm nay ở luôn bên cạnh tôi, người ấy vừa qua đời. Cùng lúc ấy tôi lại mất một người bạn đồng hành, người bạn đồng phòng, người bạn thân, người bạn tốt Capi mà tôi yêu mến và nó cũng yêu mến tôi không kể xiết.

    Tuy nhiên khi ông chủ vườn ngỏ ý muốn tôi ở lại thì tôi cũng thấy tin tưởng.

    Như thế này thì đi đâu phải đã lâm vào cảnh trời cùng đất tận! Tôi còn có thể sống lại với đời. Điều làm cho tôi cảm động hơn cả việc được đảm bảo cái ăn hàng ngày, là cái không khí hòa thuận êm đềm trước mắt và cái cảnh gia đình ấm cúng mà người ta hứa hẹn với tôi.

    Những anh con trai này sẽ là anh em tôi. Cái cô bé Lidơ xinh xắn này sẽ là em gái tôi. Trong những giấc mộng vàng của tuổi thơ, tôi thường mường tượng gặp mẹ, gặp

    Cha, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến anh trai, em gái.

    Thế mà nay lại có.

    Không phải là ruột rà máu mủ, nhưng gần gũi thân thích với nhau lâu ngày rồi cũng trở thành anh em.

    Muốn thế chỉ cần thương yêu họ, điều đó tôi rất sẵn sàng; và làm cho họ thương yêu mình, cái đó chắc cũng không khó vì trông họ đều tốt bụng cả.

    Tôi nhanh nhẹn cởi dây đàn treo trên vai xuống. Ông bố cười, bảo:

    Đó là một cách trả lời và trả lời tốt. Người ta hiểu rằng cách giải quyết như thế là vừa ý cháu. Cháu hãy mắc dây đàn trên cái đanh kia. Chừng nào cháu thấy không thích ởđây nữa thì cháu sẽ lấy nó xuống mà bay nhảy. Có điều là cháu sẽ bắt chước con chim oanh, con chim én, chọn thời tiết mà lên đường.

    Cháu chỉ đi một lần thôi, - tôi nói, - đi viếng cụ Vitali.

    Cái đó đúng quá. - Ông chủ vườn nhân hậu đáp.

    Cái nhà này thuộc khu Gơlaxie, và ông chủ nhà tên là Acanh. Gia đình gồm có năm người, người bố mà người ta gọi là bác Pie, hai trai là Alơxi, Bănggiamanh, hai gái là Êchiênnét, chị cả, và Lidơ, em út.

    Lidơ câm, nhưng không phải câm từ lúc sơ sinh, nghĩa là bệnh câm của em không phải là hậu quả của bệnh điếc. Em đã biết nói trong hai năm, cho đến khi sắp được ba tuổi tròn mới hóa câm do hậu quả của mấy cơn kinh giật. Cái tai nạn ấy may sao không ảnh hưởng tới trí thông minh của em; trái lại trí thông minh ở em đã phát triển nhanh sớm một cách phi thường. Không những em hiểu hết mà em còn thổ lộ, còn diễn đạt được hết.

    Trong những gia đình nghèo và ở cả những gia đình không nghèo, lắm khi những đứa con có tật nguyền lại bị bỏ bê, hoặc bị hắt hủi.

    Nhưng tình trạng ấy không xảy ra đối với Lidơ. Vì ngộ nghĩnh, linh hoạt, vì tính tình đằm thắm dịu dàng, vì tấm lòng tốt của em luôn luôn bộc lộ, em đã thoát khỏi số phận hẩm hiu ấy. Hai anh trai của em thì rất độ lượng đối với em chứ không làm tình làm tội em về cái khoản tật nguyền đó; bố em chỉ nhìn thấy có em; chị cả Êchiênnét thì quý chuộng em.

    Ngày xưa, người con đầu lòng có quyền lợi lớn trong gia đình quý tộc. Ngày nay, trong gia đình thợ thuyền, làm con gái đầu lòng là thừa kế một trách nhiệm nặng nề. Sau khi sinh Lidơ được một năm, bà Acanh chết, và từ ngày ấy, Êchiênnét đã đóng vai bà mẹ trong gia đình, mặc dù chị chỉ hơn các em kế có hai tuổi. Đáng lẽ là đi học thì chị phải ở nhà nấu ăn, khâu vá quần áo cho cha, cho em và bồng bế bé Lidơ. Mãi thế rồi mọi người cũng quên phắt chị là con gái, là chị mà quen coi chị là một người giúp việc. Mà đối với người giúp việc thì người ta chẳng cần câu nệ. Người ta biết rằng chị có bỏ mà đi đâu, mà cũng chẳng giận hờn gì.

    Êchiênnét bế bé Lidơ, dắt Bănggiamanh, làm việc quần quật suốt ngày, dậy lúc trời chưa sáng để nấu xúp cho bố ăn đi chợ kịp buổi, thức đến đêm khuya để dọn dẹp cắt đặt mọi thứ sau bữa tối, đem quần áo các em giặt ở máng nước. Mùa hè, được phút nào hở tay thì chị lo tưới rau; mùa đông đương đêm chị thường thức dậy mang tranh rạ ra che đậy cho cây khi đột nhiên có băng giá. Mải làm những công việc ấy, Êchiênnét không có thì giờ vui đùa nô giỡn, sống tuổi trẻ thơ. Mới mười bốn tuổi, mặt mày chị đã mang vẻ đăm chiêu như người ba mươi nhăm, chỉ có khác là có ánh một vẻ dịu hiền nhẫn nại.

    Tôi treo cây đàn lên chiếc đanh rồi kể cho cả nhà nghe chúng tôi đi Giăngtili như thế nào. Chưa được dăm phút thì tôi nghe ở phía ngoài cửa mở ra vườn có tiếng cào cào và tiếp sau có một tiếng sủa rên rỉ. Tôi đứng phắt dậy nói:

    Con Capi rồi! Nhưng em Lidơ đã nhanh chân hơn tôi, chạy ra mở cửa. Con chó đáng thương nhảy vào người tôi. Tôi bế nó lên tay thì nó liếm mặt mày tôi và reo mừng ăng ẳng. Toàn thân nó run lên. Tôi hỏi ông Acanh:

    Còn Capi thì thế nào?

    Ông hiểu ý tôi, đáp:

    Con Capi ư? Thì nó cứ ở lại đây với cháu!

    Hình như con chó cũng hiểu. Nó nhảy xuống đất, đưa chân phải lên ngực chào mọi người. Bọn trẻ thích chí cười vang nhất là Lidơ. Để mua vui cho các anh các chị ấy, tôi địnhbắt Capi diễn một tiết mục. Nhưng nó không chịu. Nó nhảy trở lên gối tôi và lại mơn trớn tôi. Rồi thì nó nhảy xuống cắn tay áo tôi mà lôi. Tôi nói:

    Nó làm thế là đúng đấy, nó muốn cháu đi.

    Để theo nó đến với cụ chủ cháu, phải rồi!

    Những người cảnh sát mang cụ Vitali đi có nói rằng họ cần hỏi cung tôi, một khi tôi đã được sưởi ấm và hồi tỉnh lại. Họ bảo nội nhật hôm đó, họ sẽ trở lại. Nhưng ngồi mà chờ họ thì sốt ruột quá, và đã chắc gì. Tôi thấp thỏm mong tin cụ Vitali. Biết đâu cụ không chết như người ta đoán! Tôi chả sống đây là gì? Cụ cũng có thể hồi tỉnh lại như tôi ấy chứ?

    Thấy tôi băn khoăn và đoán biết lý do vì sao tôi bàn khoăn, ông chủ vườn đưa tôi đến sở cẩm. Ở đây người ta hỏi tôi dồn dập nhiều câu hỏi. Khi người ta cam đoan với tôi rằng cụ Vitali chết rồi, tôi mới chịu trả lời. Những điều tôi biết về cụ Vitali đơn sơ lắm, và cứ biết sao tôi nói vậy. Nhưng ông cẩm thì muốn biết nhiều hơn, cho nên ông gạn hỏi tôi rất lâu về cụ Vitali và về tôi.

    Về tôi thì tôi trả lời rằng tôi không còn cha mẹ họ hàng gì cả mà cụ Vitali đã mướn hỏi tôi với người chồng của bà mẹ nuôi tôi; số tiền mướn cụ đã trả trước. Ông cẩm hỏi:

    - Thế từ nay thì sao?

    Nghe câu ấy, ông chủ vườn đỡ lời tôi:

    Từ nay thì chúng tôi xin nhận đảm đương lấy nó, nếu ông sẵn lòng giao nó cho chúng tôi.

    Không những ông cẩm sẵn lòng giao tôi cho ông chủ vườn, ông còn khen ngợi ông chủ vườn về cử chỉ nhân đạo của ông ấy là khác.

    Xong phần tôi thì phải trả lời đến những câu hỏi về cụ Vitali. Việc này không dễ vì tôi có biết gì cho lắm về cụ Vitali đâu! Tuy vậy cũng có một điều bí ẩn có thể phát giác: Đó là cái việc cụ Vitali đã hát thế nào mà bà thượng lưu phải kinh ngạc và khâm phục trong đêm biểu diễn cuối cùng của chúng tôi. Còn những lời dọa dẫm của Garôphôli nữa, nhưng tôi tự hỏi có nên giấu bặt chuyện ấy không. Cái điều bình sinh cụ chủ tôi hết sức giữ bí mật thì sau khi cụ chết rồi có nên tiết lộ ra không?

    Nhưng đứng trước một viên cẩm lành nghề, thì một thằng nhóc con như tôi có dễ gì giấu giếm! Họ có một cách gạn hỏi làm sao cho mình hễ muốn tránh trớ thì y như rằng càng chóng mắc vào tròng. Đó là trường hợp của tôi. Chưa đầy năm phút, ông đã bắt tôi khai trọn cái điều tôi muốn giấu mà ông thì ưng biết.

    Ông bảo một nhân viên của ông:

    Bây giờ thì chỉ cần đưa em này đến nhà gã Garôphôli. Đến phố Luốcxin, nó khắc nhận ra nhà thằng cha ấy. Chừng ấy, anh lên gác với nó và anh hỏi gã Garôphôli.

    Viên cảnh sát, ông chủ vườn và tôi, cả ba cùng ra đi. Cũng như ông cẩm đã nói, tôi tìm ra nhà Garôphôli khá dễ dàng. Chúng tôi lên tầng gác thứ tư. Tôi không gặp Mátchia, có lẽ nó đi bệnh viện thật. Trông thấy một viên cảnh sát, lại nhận ra tôi, thằng Garôphôli tái mặt. Hẳn là nó lo sợ lắm. Nhưng khi nó nghe chính miệng người cảnh sát nói lý do vì sao chúng tôi đến thì nó bình tĩnh ngay. Nó nói:

    Ồ! Thế ra cái ông lão tội nghiệp ấy đã chết rồi!

    Anh biết ông cụ ấy?

    Biết lắm.

    Thế thì anh hãy nói những điều anh biết.

    Có khó khăn gì! Ông cụ không phải tên là Vitali. Ông cụ tên là Cáclô Banđani. Nếu trước đây ba mươi nhăm bốn mươi năm, ông ở Italia, thì chỉ nghe cái tên ấy, ông đủ biếtngay cái người mà ông lo tìm tung tích thế nào. Thuở ấy, Cáclô Banđani là danh ca nổi tiếng nhất trong toàn cõi Italia, và thành tích của ông trên các sân khấu ở nước chúng tôi thật là lừng lẫy. Ông đã đi hát khắp nơi, Naplơ, Rôma, Milăng, Vơniđơ, Phơrơrăngxơ, Lôngđơrơ, Pari. Nhưng đến một lúc nào đó thì ông mất giọng. Không thể là ngôi sao sáng giá nhất giữa các nghệ sĩ được nữa thì ông cũng không muốn vào hát trong những rạp không xứng đáng với mình, để cho danh vọng của mình bị tổn thương. Bởi thế ông từ bỏ cái tên Cáclô Banđani và lấy tên Vitali. Ông lẩn tránh tất cả những người xưa kia đã từng biết ông trong thời oanh liệt. Tuy thế, cũng cần phải sinh sống, cho nên ông đã làm thử nhiều nghề, nhưng không thành công và cứ xuống dốc dần dần cho đến bước phải đi làm một anh xiếc chó. Nhưng trong cảnh cùng khổ, ông vẫn kiêu hãnh. Nếu công chúng mà biết cái người nghệ sĩ Cáclô Banđani lừng lẫy xưa kia bây giờ hóa nên ông cụ Vitali xơ xác, thì ông ta có thể chết đi được vì xấu hổ. Nhờ một sự tình cờ mà tôi biết được điều bí mật này.

    Cái bí mật lâu nay làm cho tôi hết sức băn khoăn, ngày nay đã được giải đáp như thếđấy.

    Nghệ sĩ Cáclô Banđani đáng thương ơi! Cụ Vitali thân yêu và kính mến ơi! Giá người ta có bảo xưa kia cụ đã từng làm vua một nước, thì cháu cũng chẳng lấy làm lạ chút nào!
     
    Ưu Đàm Thanh Ti thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...