Không Gia Đình - Hector Malot

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Cute pikachu, 23 Tháng mười hai 2021.

  1. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,890
    Tác phẩm: Không gia đình

    Tác giả: Hector Malot

    Thể loại: Tiểu thuyết

    Số chương: 42


    [​IMG]

    Giới thiệu sách

    Tuyệt phẩm "Không gia đình" kể về hành trình của cậu bé Remi mồ côi cha mẹ rong ruổi khắp các ngã đường nước Pháp làm nghề hát rong, bên cạnh việc lao động để đảm bảo miếng ăn hằng ngày, em còn học được nhiều bài học về tình bạn, tình yêu thương gia đình, lòng trung hậu. Cuối cùng điều tuyệt vời cũng đến với Remi khi em tìm thấy gia đình sau nhiều năm lưu lạc.

    Những bài học trải dài trong những sự kiện trong đời cậu bé đã để lại cho chúng ta nhiều bài học nhân văn sâu sắc: Bài học về
    cội nguồn, về tình yêu gia đình, tính hăng say lao động, sự trung thực.. Vì đó mà cho tới nay, tác phẩm văn học này luôn nằm trong danh sách những tác phẩm đáng xem nhất mọi thời đại.

    Tiểu thuyết "Không gia đình" đã được dựng thành phim - một trong những bộ phim vô cùng ăn khách của thời đại.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng mười hai 2021
  2. Đăng ký Binance
  3. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,890
    Chương 1: Ở làng

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi là một đứa trẻ người ta nhặt được.

    Nhưng cho tới lúc tám tuổi tôi vẫn tưởng rằng tôi có một người mẹ bởi vì mỗi lúc tôi khóc lại có một người đàn bà nhẹ nhàng ôm siết tôi trong hai cánh tay và ru tôi khiến nước mắt tôi ngừng chảy.

    Khi tôi đi ngủ không bao giờ bà không đến ôm hôn tôi và khi gió tháng mười hai làm tuyết dán chặt vào các tấm kính cửa sổ trắng xóa bà nắm lấy hai bàn chân tôi và cứ ngồi sưởi ấm chân tôi trong hai bàn tay bà, vừa hát cho tôi nghe một bài hát mà đến nay tôi còn nhớ lõm bõm vài câu. Khi tôi cãi nhau với một đứa bạn bà lại bảo tôi kể cho bà nghe những nỗi buồn của tôi để tìm lời an ủi hoặc thừa nhận tôi có lý.

    Bằng vào những cái đó và nhiều cái khác nữa như cách bà nói với tôi, nhìn tôi, vuốt ve tôi, mắng tôi một cách trìu mến, tôi tin rằng bà là mẹ tôi.

    Và đây là vì sao tôi biết bà không phải mẹ tôi.

    Làng tôi, nói cho đúng hơn, làng nơi tôi được nuôi dạy, gọi là Chavanon, một trong những làng nghèo nhất ở miền Trung nước Pháp.

    Đất rất bạc màu, muốn gặt hái tốt phải bón phân hoặc cho thêm chất cải tạo đất mà ở trong nước không có. Vì thế người ta chỉ gặp (hoặc ít ra là ở thời kỳ tôi nói đến) rất ít cánh đồng cày cấy trong khi trông thấy nhiều vùng mênh mông mọc toàn cỏ thạch thảo và cây đậu kim. Hết vùng đất toàn bụi cây lại đến vùng đất truông.

    Ở đúng vào một nếp gấp của vùng đất đó, trên bờ một dòng suối là nhà tôi, nơi tôi sống những năm đầu tiên của cuộc đời. Cho đến lúc tám tuổi tôi không bao giờ trông thấy đàn ông ở trong nhà này, tuy thế mẹ tôi không góa chồng, chồng bà là thợ đẽo đá chưa trở lại quê hương lần nào kể từ khi tôi đến tuổi hiểu biết được những gì xảy ra quanh mình. Chỉ thỉnh thoảng ông mới gửi bạn bè về làng vài mẩu tin.

    - Má Barberin này, ông nhà bà khỏe, ông ấy nhờ tôi bảo bà là công việc vẫn chạy tốt và chuyển tiền cho bà đây này.. Chỉ có thế.

    Ông Barberin ở Paris lâu thế ta đừng tưởng vì ông không thân tình với vợ ông mà ông ở Paris do công việc đòi hỏi. Khi nào già ông sẽ về ở với bà vợ già của ông, và với số tiền ky cóp được họ sẽ tránh được nghèo khổ.

    Một buổi chiều tháng mười một, một người đàn ông dừng lại trước hàng rào nhà chúng tôi và hỏi tôi có phải đây là nhà má Barberin không.

    Tôi mời ông ta vào.

    Ông đẩy rào và chậm bước về phía nhà tôi.

    Tôi chưa nhìn thấy ai lấm bùn bê bết đến thế. Hàng mảng bùn phủ từ chân lên đến đầu ông khiến người ta hiểu ngay ông đã đi trên những con đường rất xấu trong thời gian khá dài.

    Nghe tiếng chúng tôi má Barberin chạy ra.

    - Tôi mang tin từ Paris về đây.

    - A! Trời ơi! - Má Barberin kêu lên. - Tai vạ đến với Jérôme rồi!

    - Phải đấy, sự thực là ông nhà ta bị thương, chắc sẽ què mất thôi. Hiện giờ ông ấy đang nằm bệnh viện. Tôi nằm cạnh giường ông ấy nên khi ra viện ông ấy nhờ tôi qua nhà nhắn giùm. Tôi không ở lại được đâu vì còn ba dặm nữa phải đi.

    Má Barberin muốn biết kỹ hơn bèn mời ông ta ở lại ăn tối. Má bảo đường xấu và nghe nói trong rừng có chó sói, sáng mai hãy đi.

    Ông ngồi xuống trong góc lò sưởi vừa ăn vừa kể cho chúng tôi nghe tai nạn đã xảy ra thế nào: Ông Barberin bị giàn giáo đổ đè bẹp nửa người và vì không chứng minh được tại sao ông cần phải đứng ở nơi xảy ra tai nạn nên nhà thầu không chịu bồi thường một đồng nào.

    - Con người tội nghiệp ấy không gặp may rồi, ông ta nói, bọn láu cá thì tìm ngay được cách kiếm lời nhưng ông nhà bà thì không được cái gì hết. Tuy nhiên tôi khuyên ông ấy kiện tay thầu khoán.

    Má Barberin định đi Paris.

    Sáng hôm sau chúng tôi xuống làng hỏi ý kiến mục sư. Ông mục sư viết thư cho cha tuyên úy ở bệnh viện ông Barberin nằm và vài hôm sau nhận được trả lời nói rằng má Barberin không cần lên Paris chỉ cần gửi một món tiền lên cho chồng thôi để ông đi kiện nhà thầu.

    Ngày lại ngày, tuần lại tuần cứ thế trôi qua, nhiều thư gửi về, thư nào cũng yêu cầu gửi tiền thêm, lá thư cuối cùng nói rằng nếu không có tiền thì bán con bò Roussette đi.. Chỉ những người đã sống ở thôn quê mới hiểu được cảnh khốn quẫn đau thương trong ba chữ "Bán con bò". Thực tế dù nghèo túng đến mấy, gia đình đông đến mấy người nông dân vẫn vững tâm không lo đói nếu nhà có một con bò cái.

    Má Barberin và tôi đã nhờ con bò cái của chúng tôi mà sống no đủ, cho tới tận lúc ấy tôi hầu như có bao giờ ăn thịt đâu.

    Với lại chúng tôi yêu con bò lắm.

    Ấy thế mà nay phải xa nó rồi.

    Một ông lái đến nhà chúng tôi, sau khi xem đi xem lại Roussette và nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần là con bò này không thích hợp với ông, không bán lại được cho ai, không có sữa, cuối cùng mới nói là bằng lòng mua nhưng chỉ là vì lòng tốt muốn giúp má Barberin mà thôi.

    Roussette hình như am hiểu nhất định không chịu ra khỏi chuồng.

    - Ra phía sau nó đuổi nó ra. - Người lái nói và đưa tôi cái roi.

    - Làm thế không được. - Má Barberin bảo.

    Má cầm lấy sợi dây dắt, nhẹ nhàng bảo con bò:

    - Ra nào, ra nào, cô gái đẹp.

    Và Roussette không chống lại nữa, ra tới đường cái người lái buộc nó đằng sau chiếc xe.

    Thế là hết sữa, hết bơ. Buổi sáng một mẩu bánh, buổi chiều khoai tây ăn với muối.

    Sau đó không bao lâu đến ngày thứ ba béo; năm ngoái vào ngày này má Barberin đã làm cho tôi một bữa tiệc có bánh xèo, bánh tẩm bột rán, tôi ăn nhiều đến nỗi má rất sung sướng.

    Nhưng lúc ấy chúng tôi còn Roussette nên có sữa để tẩm bột và có bơ cho vào chảo.

    Tuy nhiên má Barberin đã làm tôi ngạc nhiên; má xin hàng xóm nhà này một chén sữa, nhà kia một miếng bơ, thế là đến trưa về tôi thấy má đang đổ bột vào một chiếc chảo bằng đất.

    - Ạ này có cả bột cơ ạ. - Tôi vừa nói vừa bước lại gần.

    - Đúng đấy bé Rémi của má ạ. Thế người ta làm gì với bột nào? - Má Barberin nhìn tôi hỏi.

    - Làm bánh.

    - Gì nữa?

    - Quấy bột.

    - Gì nữa nào?

    - Ôi trời.. con cũng không biết nữa.. - Con biết hôm nay là ngày thứ ba béo chứ, ngày của bánh xèo và bánh rán mà..

    - Ôi, má Barberin!

    - Má đã thu xếp sao cho ngày thứ ba béo đối với con không đến nỗi tệ quá. Nhìn vào thùng xem nào?

    Tôi hăng hái nhấc nắp thùng lên, thấy ở trong có sữa, bơ và ba quả táo.

    - Đưa trứng cho má. - Má nói. - Trong khi má đập trứng con gọt táo nhé.

    Khi bột đã nhào xong má Barberin đặt chiếc liễn trên tro nóng, thế là chỉ còn đợi đến chiều nữa thôi vì vào bữa tối chúng tôi mới ăn bánh xèo và bánh rán.

    Cuối cùng nến được thắp lên.

    - Nhóm lửa đi con. - Má Barberin bảo tôi.

    Không cần phải nhắc tôi đến lần thứ hai.

    Chẳng mấy chốc ngọn lửa đùng đùng bốc lên ống khói, ánh sáng chập chờn của nó tỏa khắp gian phòng.

    Má Barberin nhấc chiếc chảo rán treo trên tường xuống để nó lên trên ngọn lửa.

    - Đưa má bơ nào.

    Má cắt ít bơ bằng đầu con dao bỏ vào chảo.

    Ái chà! Thơm thật là thơm!

    Tuy nhiên dù tập trung chú ý đến mấy đi nữa tôi vẫn nghe như có bước chân ngoài sân.

    Ai có thể đến vào giờ này nhỉ?

    - Một chiếc gậy chạm vào ngưỡng cửa, cửa mở tung ra.

    Một người đàn ông bước vào, nhờ ánh sáng ngọn lửa tôi thấy ông ta mặc một chiếc áo bờ-lu trắng tay chống một chiếc gậy to.

    - Ở đây đang làm tiệc đấy à? Cứ yên! - ông ta nói bằng một giọng thô lỗ.

    - A! Trời ơi! - Má Barberin kêu lên, đặt mạnh chiếc chảo xuống đất.

    Rồi cầm lấy cánh tay tôi bà đẩy tôi về phía người đàn ông đang dừng lại trên ngưỡng cửa:

    - Đây là cha con.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng mười hai 2021
  4. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,890
    Chương 2: Người bố nuôi

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi lại gần định ôm hôn ông, nhưng ông lấy đầu gậy ngăn tôi lại và hỏi:

    - Đứa này là đứa nào?

    - Cu Rêmi đấy.

    - Bà có bảo tôi là..

    - Có. Nhưng không phải, vì..

    - A! Không phải, không phải.

    Ông giơ cao gậy, tiến lại phia tôi, tự nhiên tôi lùi lại.

    Tôi đã làm gì? Tôi có lỗi gì? Tại sao lại có sự nhạt nhẽo khi tôi định đến hôn ông? Tôi không kịp suy nghĩ về việc đó, nó rối bời trong óc tôi, thì đã nghe ông nói:

    - Nhà này cũng ăn lễ "Tuần chay". Tốt lắm. Tôi đang đói bụng đây. Có gì ăn bữa tối không?

    - Tôi đang làm bánh tráng.

    - Bánh tráng, biết rồi. Nhưng không phải thứ đồ ăn dành cho một người đã đi bộ hơn mười dặm đường.

    - Vì nhà chẳng có gì. Mà tôi không biết ông về.

    - Thế nào? Không còn gì? Không có gì ăn tối à? Ông nhìn xung quanh, rồi nói:

    - Bơ kia thôi!

    Rồi ông ngước mắt lên trần nhìn chỗ treo mỡ xưa nay, nhưng đã lâu cái móc vẫn để trơ và dưới xà ngang có treo lơ thơ mấy nhánh tỏi và hành. Ông lấy gậy chọc mấy nhánh hành xuống và nói:

    - Hành đây thôi. Độ năm, sáu củ và một chút bơ là đủ làm súp rồi. Bà hãy bỏ bánh ra, cho hành vào chảo phi thơm.

    Lấy bánh ở chảo ra! Mẹ tôi không cưỡng lại. Trái lại, mẹ tôi răm rắp làm theo ý ông. Còn ông ngồi tót tren ghế dài cạnh lò sưởi. Tôi không dám ra khỏi chỗ mà cái đầu gậy của ông đã đẩy tôi đến. Tựa vào cạnh bàn, tôi đứng nhìn ông. Ông trạc năm mươi tuổi, mặt phù, tướng người nghiệt ngã, đầu hơi vẹo do thương tích gây nên. Hình thù đó làm tôi khiếp sợ.

    Mệ tôi lại đặt chảo lên bếp. Ông nói:

    - Làm súp bằng tí bơ thế thôi à?

    Nói xong, ông tự cầm đĩa đổ cả cục bơ vào chảo. Thế là hết bơ và cũng hết theo cả bánh rán. Vào lúc khác thì chắc chắn tôi rất xúc động về tai họa đó, nhưng lúc ấy tôi không tưởng gì đến bánh rán, bánh sữa, mà chỉ nghĩ một điều là cái người có vẻ phũ phàng kia lại là cha tôi.

    Cha ta, cha ta! Tôi lẩm bẩm tiếng đó trong mồm, như một cái máy. Ngày thường tôi không bao giờ tự hỏi để định rõ thế nào là một người cha. Tôi chỉ mường tượng cha là một người mẹ có tiếng nói ồm ồm mà thôi. Đến bây giờ, nhìn người cha tự trên trời rơi xuống kia, tôi đâm ra đau đớn, sợ hãi.

    Tôi muốn đến hôn ông; ông đã cầm gậy ngăn tôi lại. Tại sao thế? Mẹ tôi không bao giờ gạt tôi ra khi tôi đến hôn người, mà còn bế tôi lên và ôm chặt vào lòng nữa. Chợt ông bảo tôi:

    - Sao mày cứ đứng như tượng thế, rét lắm à? Ra dọn đĩa lên bàn đi.

    Tôi vội vang tuân lệnh. Súp đã nấu xong. Mẹ tôi múc ra các đĩa.

    Ông liền rời góc lò sưởi đến bàn, ngồi vào bàn ăn, thỉnh thoảng dừng lại để nhìn tôi. Tôi bối rối và lo quá đến nỗi không nuốt được. Tôi cũng nhìn ông, nhưng nhìn trộm thôi, mỗi lần gặp mắt ông, tôi lại cúi mặt xuống.

    Chợt ông giơ thìa về phía tôi và hỏi:

    - Thằng này ngày thường vẫn ăn hơn hôm nay chứ?

    - Nó vẫn ăn được.

    - Mặc xác nó. Nếu nó ăn ít đi thì càng tốt.

    Tôi chẳng buồn nói gì. Mẹ tôi cũng chẳng hơn gì tôi. Bà lẳng lặng đi quanh bàn, chăm chú hầu chồng. Ông lại hỏi tôi:

    - Thế mày không đói à?

    - Không.

    - Vậy đi ngủ đi. Cố ngủ ngay đi, nếu không, tao cáu tiêt.

    Mẹ tôi đưa mắt cho tôi, ngụ ý bảo phải nghe lời, không được phụng phịu. Nhưng sự dặn dò đó vô ích, vì tôi không nghĩ đến việc chống đối.

    Cũng như nhiều nhà khác của người dân quê, căn bếp nhà tôi vừa là chỗ đun nấu, vừa là chỗ để ngủ. Gần lò bếp để những thứ dùng vào việc ăn: Bàn, chạn, thùng đựng bánh. Đầu kia là tấm ghế nhựa. Một góc là chỗ mẹ tôi nằm. Góc đối diện là giường tôi ngủ có che tấm rèm đỏ. Tôi vội cởi áo ngoài và đi nằm. Còn ngủ, lại là một chuyện khác. Mệnh lệnh không thể bắt người ta ngủ được, người ta chỉ có thể ngủ được khi nào buồn ngủ và trong lòng yên tĩnh.

    Thế mà, tôi không buồn ngủ, lòng tôi không yên, thì bảo rằng chợp mắt làm sao được? Hơn thế nữa tôi còn bứt rứt, buồn khổ. Người ấy là cha tôi à? Tại sao lại hắt hủi tôi như thế. Quay mặt vào tường, tôi cố xua đuổi những ý nghĩ đó trong đầu để ngủ đi theo lệnh của ông ta. Nhưng vô hiệu. Không những không ngủ được mà tôi lại càng thấy tỉnh táo hơn.

    Một lúc khá lâu, tôi cũng không ước đoán được là bao nhiêu, tôi thấy có người đến gần giường tôi. Chân kéo lê, bước chậm chạp và nặng nề. Tôi biết ngay không phải là mẹ tôi. Một luồng hơi nóng thoáng qua tóc tôi. Rồi có tiếng hỏi:

    - Mày ngủ chưa?

    Tôi không trả lời, vì những tiếng "tao cáu tiết" còn văng vẳng bên tai tôi.

    Mẹ tôi nói:

    - Nó ngủ rồi. Tính nó thế, hễ nằm xuống là ngủ ngay. Ông cứ nói đi không sợ nó nghe thấy đâu.

    Đáng lẽ tôi phải nói là tôi còn thức, nhưng tôi không dám, vì người ta đã ra lệnh cho tôi ngủ, mà tôi không ngủ là tôi có lỗi.

    Mẹ tôi bắt đầu hỏi:

    - Việc kiện của ông đã đi đến đâu rồi?

    - Thua rồi! Các quan tòa quả quyết rằng tôi có lỗi đứng dưới giàn giáo và người chủ thầu không phải đền gì.

    Nói xong, ông đấm mạnh xuống bàn và văng những lời thô tục. Ông nói:

    - Kiện thua, tiền mất, chân què, cùng khốn. Đã thế, về đây lại còn trông thây thằng bé con. Tại sao bà lại không làm theo lời tôi bảo?

    - Vì tôi không thể làm được.

    - Bà không thể đưa nó đến trại trẻ rơi?

    - Tôi không nỡ đem cho một đứa trẻ tôi đã nuôi bằng sữa của tôi và tôi yêu.

    - Nhưng không phải con đẻ của bà.

    - Mãi sau, tôi cũng định làm theo ông, nhưng lúc đó nó lại ốm.

    - Ốm?

    - Phải, nó ốm. Không phải là lúc đem nó đến trại trẻ rơi để giết nó. Phải không?

    - Thế khi nó đã khỏi?

    - Nó không khỏi ngay. Hết bệnh ấy lại đến bệnh khác. Nó ho, ho như xé ruột gan! Ấy, chính vì bệnh đó mà thằng Nicolai nhà ta mất đấy. Nếu tôi đem thằng Rêmi ra tỉnh, tất nó cũng chết nốt.

    - Nhưng về sau?

    - Năm tháng qua. Tôi đã có công đợi đến ngày đó, thì tôi tưởng đợi ít nữa cũng chẳng sao.

    - Hiện giờ nó bao nhiêu tuổi?

    - Tám tuổi.

    - Vậy thì năm nay lên tám, nó sẽ phải đi đến chỗ mà ngày trước người ta định cho nó.

    - Ông ơi! Ông đừng làm thế.

    - Đừng làm thế? Ai cấm tôi được? Bà tưởng nhà ta có thể giữ nó suốt đời?

    Một lúc yên lặng. Tôi có thể thở được. Vì lúc này, nỗi cảm xúc đưa lên đến tận cổ, làm tôi nghẹt thở. Giây lát sau, mẹ tôi lại cất tiếng:

    - Pari đã làm thay đổi tính nết ông nhiều quá! Trước khi đi Pari, ông có nói với tôi như thế đâu?

    - Có lẽ. Nhưng điều đích xác nhất là nếu Pari đã cải hóa tôi thì nó cũng đã bẻ què chân tôi. Bây giờ kiếm ăn thế nào được để nuôi tôi và nuôi bà? Nhà ta hết tiền rồi. Bò cũng bán rồi. Khi ta không còn gì để ăn, ta có còn nên nuôi một đứa trẻ không phải là con ta nữa hay không?

    - Nó là con tôi.

    - Không phải con bà, mà cũng chẳng phải con tôi. Không phải con trẻ nhà quê. Tôi đã ngắm kỹ lúc nó ăn cơm: Nó gầy gò, lẻo khẻo, không có bắp tay, không có bắp chân.

    - Đó là đứa trẻ đẹp nhất vùng này.

    - Đẹp. Tôi không cãi. Nhưng phải mạnh mẽ. Nó có thể mài cái đẹp ra ăn được không? Nó là đứa trẻ tỉnh thành. Những trẻ tỉnh thành ở đây ta không cần đến.

    - Tôi nói rằng nó là một đứa trẻ ngoan. Nó thông minh và có ý nghĩa. Nó sẽ làm việc cho ta.

    - Trong khi chờ đợi, ta phải làm việc cho nó. Bà trông thân hình tôi, tôi không thể làm gì được nữa.

    - Nếu cha mẹ nó đến đòi, ông sẽ ăn nói làm sao?

    - Cha mẹ nó à? Không biết nó có cha mẹ không? Nếu có, người ta đã đi tìm rồi, đi tìm từ tám năm nay rồi còn gì. A! Tôi đã dại dột tưởng rằng một ngày kia, cha mẹ nó sẽ tìm, đến chuộc nó và trả công nuôi nó. Tôi chỉ là một thằng khờ, thằng xuẩn. Chỉ vì nó được bọc trong những cái tã viền ren, những cái tã đẹp đó không có nghĩa là cha mẹ nó sẽ đến tìm nó. Có lẽ họ đã chết rồi.

    - Nếu họ còn sống, một ngày nào họ sẽ đến hỏi ta. Tôi yên trí rằng thế nào họ cũng đến.

    - Ồ! Đàn bà hay nói bướng! Muốn cái gì cứ muốn giữ khư khư.

    - Nếu họ đến thực?

    - Tôi cho nó vào trại trẻ rơi. Vắn tắt có thế thôi. Việc đó cũng làm cho tôi buồn, nhưng bắt buộc phải làm. Sáng mai tôi dẫn nó đến nhà xã trưởng. Bây giờ tôi đến thăm bác Phrăngxoa. Khoảng một tiếng tôi sẽ về.

    Cánh cửa mở ra rồi đóng lại. Ông Bacbơranh đã đi chơi. Bây giờ, tôi ngồi nhổm dậy, gọi luôn:

    - Mẹ ơi!

    Bà chạy đến bên giường tôi:

    - Mẹ có để cho con vào trại trẻ rơi không?

    - Không, Rêmi của mẹ ạ. Không đâu!

    Rồi bà hôn tôi và ôm chặt tôi vào lòng. Sự âu yếm đó làm cho tôi vững dạ thêm. Tôi không khóc nũa. Bà dịu dàng hỏi tôi:

    - Thế con không ngủ à?

    - Không phải lỗi tại con.

    - Mẹ có mắng con đâu. Vậy con đã nghe được tất cả những lời của ông Giêrôm.

    - Vâng, mẹ không đẻ ra con, mà ông ấy cũng không phải cha con.

    Tôi nói những câu đó không cùng một giọng, vì tôi thất vọng biết bà không phải là mẹ tôi, nhưng tôi rất sung sướng có phần hãnh diện, thây ông ấy không phải là cha tôi, vì có sự tương phản trong tình cảm của tôi, nó lộ ra trong tiếng nói. Nhưng mẹ tôi không tỏ vẻ gì là đã biết tâm trạng của tôi. Mẹ tôi nói:

    - Lắm lúc mẹ cũng muốn nói cho con biết sự thật, nhưng con chẳng khác gì con mẹ, nên chẳng lẽ bỗng dưng nói ra. Con ơi! Người mẹ sinh con ra, như con đã nghe thấy, không biết ở đâu. Hiện nay còn sống hay đã chết? Cũng chẳng ai biết. Một buổi sáng kia, ở Pari, khi ông Giêrôm đi làm qua đại lộ Brơtơi, một con đường rộng, hai bên trồng cây, bỗng ông nghe thấy tiếng con trẻ khóc. Những tiếng đó hình như từ một khuôn cửa vòm nọ vọng ra. Lúc đó là tháng Hai. Trời mờ sáng. Ông nhìn chung quanh xem có ai để hỏi, thì ông thấy một người đàn ông ở sau một gốc cây to chạy ra, rồi trốn mất. Chắc hẳn, người đó đợi xem hễ có ai đi qua nhìn thấy đứa trẻ mà hắn đã bỏ ở cửa vườn là hắn trút được gánh nặng. Ông Giêrôm cuống quýt, vì đứa trẻ càng khóc già, hình như nó thấy dịp may đã đến, phải bám lấy, không bỏ lỡ dịp. Trong khi ông Giêrôm đang suy nghĩ không biết làm thế nào thì đám thợ khác cũng đến nơi. Người ta bàn tán, rồi đưa đứa trẻ về sở cảnh binh. Đứa trẻ vẫn cứ khóc hoài. Nó rét chăng? Nhưng ở văn phòng cảnh sát trưởng ấm lắm. Có lẽ nó đói thì đúng hơn. Người ta tìm một bà hàng xóm gần đấy đến cho nó bú. Nó vồ lấy vú. Nó đói thật. Lúc bấy giờ, người ta mới cởi áo nó ra bên lò sưởi. Thì ra là một đứa con trai độ năm, sáu tháng, hồng hào, to mập, trông rất kháu khỉnh. Những tã và khăn bọc đứa bé chứng minh rõ ràng đó là con nhà giàu. Đó là lời giải thích của ông cảnh sát trưởng. Phải làm gì bây giờ? Sau khi đã ghi tất cả những lời khai của ông Giêrôm, tả hình dạng đứa bé cùng những khăn, tã không mang dấu hiệu, ông cảnh sát trưởng bảo: Trong những người hiện diện, nếu không ai muốn nhận nó về nuôi, thì ông đưa nó vào trại trẻ rơi. Cha mẹ nó tất nhiên sẽ phải tìm ra nó và sẽ trọng thưởng người đã có công nuôi nấng nó. Ông cảnh sát trưởng nói xong, ông Giêrôm tiến ra xin nó mang về nuôi. Người ta giao nó cho ông ẵm về. Ngày ấy, mẹ cũng có một đứa con trai bằng tuổi con. Nhưng mẹ cũng chẳng ngại nuôi cả hai đứa. Do đó, ta thành mẹ con.

    - Ôi! Mẹ ơi!

    - Không may đứa con của mẹ nuôi được ba tháng thì mất. Bấy giờ mẹ lại thương con nhiều hơn. Mẹ quên hẳn rằng con không phải là con đẻ. Nhưng khốn nỗi, ông Giêrôm lại không quên như thế. Thấy được ba năm rồi không ai đến tìm con, ông muốn đưa con vào trại trẻ rơi. Con đã nghe tại sao mẹ không nghe lời ông bảo. Tôi vừa nắm chặt lấy mẹ vừa kêu:

    - Mẹ ơi! Con không đi trại đâu! Đừng đưa con đi trại trẻ rơi! Con lạy mẹ!

    - Không, con ơi! Con không phải đi đâu. Mẹ sẽ thu xếp. Ông Giêrôm không phải là người ác. Coi đó: Chỉ vì lo lâm vào cảnh cùng quẫn, vì buồn mà ông sinh ra nóng nảy đó thôi. Mẹ sẽ đi làm. Con cũng sẽ đi làm.

    - Vâng, mọi việc đều được, chỉ trừ việc đi trại trẻ rơi.

    - Con sẽ không phải đi, nhưng với một điều kiện là con phải đi ngủ ngay. Đừng để ông ấy về trông thấy con còn thức.

    Sau khi đã hôn tôi, mẹ nâng đầu tôi lên cho quay mặt vào tường. Tôi không muốn ngủ ngay, nhưng lòng tôi bị xáo động, óc tôi bộn bề quá, nên khó mà thư tâm được, khó mà ngủ được. Như vậy, người rất tốt, rất thương tôi như thế lại không phải là mẹ tôi. Thế thì một người mẹ thật sẽ thế nào? Tốt hơn bà mẹ tôi bây giờ và thương tôi hơn hay sao? Ồ! Không, không thể có được. Nhưng cứ theo óc suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ thì một người cha thế nào cũng không tàn nhẫn như ông Giêrôm và quyết không bao giờ giơ gậy lên và nhìn tôi bằng con mắt lạnh lùng như thế. Ông muốn đem tôi cho trại trẻ rơi. Liệu mẹ tôi có thể giữ được không? Mà trại trẻ rơi là cái gì?

    Trong làng có hai đứa trẻ mà người ta thường gọi là "trẻ trại". Mỗi đứa đeo một chiếc lắc bằng chì có khắc chữ số ở cổ. Chúng ăn mặc rách rưới và bẩn thỉu. Trẻ con trong làng thường chế giễu, đánh đập chúng. Có đứa độc ác hơn, xua đuổi chúng như những con chó lạc để nô đùa, cũng bởi những con chó lạc không có người che chở. Chao ôi! Tôi không muốn như những đứa trẻ đó. Tôi không muốn có số đeo ở cổ, tôi không muốn có những đứa trẻ chạy theo tôi và kêu: "Vào trại đi! Vào trại đi!".

    Nghĩ tới đó, tôi phát rét lên, hai hàm răng run cầm cập. Tôi không ngủ được. Mà ông Giêrôm cũng sắp về. May sao, ông không về đúng giờ hẹn. Và cái ngủ đã đến với tôi trước khi ông về.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng mười hai 2021
  5. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,890
    Chương 3: Gánh xiếc rong của ông Vitali

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đêm trước tôi đã mê man trong một cơn ác mộng đầy sợ hãi lo âu, nên sáng dậy, cử chỉ thứ nhất của tôi là sờ lại giường, nhìn những vật xung quanh nhà để yên trí là trong đêm, người ta không bế tôi đi nơi khác.

    Suốt buổi sáng hôm đó, ông Giêrôm không nói gì. Tôi tưởng rằng dự định đem tôi đi trại trẻ rơi đã bỏ rồi. Có lẽ, mẹ tôi đã nói được cho tôi ở lại. Nhưng đến trưa, ông Giêrôm bảo tôi đội mũ và theo ông. Sợ quá, tôi đưa mắt nhìn mẹ để cầu cứu. Nhưng bà ra hiệu cho tôi phải tuân lời, đồng thời, bàn tay bà đưa đi đưa lại, ngụ ý bảo không việc gì mà sợ. Không nói năng gì, tôi bước ra theo ông.

    Con đường từ nhà tôi vào trong làng khá xa, phải đi đến một giờ. Trong lúc đi đường, ông không hề nói với tôi một câu nào. Ông bước khập khiễng, cổ cứng đờ, thỉnh thoảng quay cả hai vai lại nhìn xem tôi có còn theo nữa không.

    Ông định đưa tôi đi đâu?

    Câu hỏi này làm tôi buồn, mặc dầu bàn tay của mẹ tôi đã ra hiệu cho tôi cứ vững lòng, và muốn thoát cái tai họa tuy không trông thấy, nhưng đã cảm thấy, tôi định chạy trốn. Vì thế, tôi có ý chùn lại đằng sau. Khi nào cách xa ông, tôi sẽ nhảy xuống cái hào bên đường rồi trốn đi, ông không thể nào đuổi kịp tôi được.

    Ban đầu, ông bảo tôi bước theo gót chân ông. Nhưng sau, có lẽ đoán được ý định của tôi, ông liền cầm cánh tay dắt đi. Tôi chỉ còn cách theo ông thôi. Hết nhóc nhách. Chúng tôi cứ đi như thế vào tới trong làng. Trên đường, mọi người đều quay lại nhìn chúng tôi, vì lúc đó tôi lếch thếch như con chó hay cắn càn bị xích cổ lôi đi.

    Khi chúng tôi đi qua một hàng cà phê, một người đàn ông đứng ở cửa gọi và mời ông Giêrôm vào. Ông liền cầm tay tôi kéo lên và đẩy vào trước. Ông vào sau, rồi đóng cửa lại. Tôi thấy dễ thở. Hiệu cà phê có vẻ không phải là một nơi nguy hiểm, vả lại đã từ lâu, khi qua hiệu này, tôi rất muốn vào xem.

    Quán cà phê Đức Bà! Không biết đó là gì? Đã bao nhiêu lần tôi tự hỏi thế. Tôi thường trông thấy những người ở quán ra, mặt đỏ gay, chân lảo đảo. Khi đi qua cửa, tôi thường nghe thấy tiếng kêu, tiếng hát làm rung cả cửa kính. Người ta làm gì trong đó? Sau bức màn đỏ có những trò gì? Bây giờ tôi sắp được trông thấy.

    Trong góc đối diện với góc tôi ngồi, có một ông già, cao lớn, râu bạc, mặc một bộ quần áo kỳ dị chưa từng trông thấy bao giờ. Đầu đội một cái mũ phớt cao màu xám có cắm những chiếc lông xanh đỏ; mấy chùm tóc dài thõng xuống tới vai. Một thứ áo trấn thủ bằng da cừu lông quay vào trong, bó chặt lấy người. Chiếc áo đó không có tay, ở hai lỗ hổng trên vai thò ra hai ống tay bằng nhung lam đã bạc màu. Đôi ủng lớn bằng len cao lên đến tận đầu gối, buộc những dây vải đỏ quấn chéo nhiều lần chằng chịt.

    Ông già ngồi trên ghế tựa, khuỷu tay chống lên đầu gối co lại, bàn tay đỡ lấy cằm. Chưa bao giờ tôi trông thấy một người sống lại có bộ dạng ngay đờ như thế, chẳng khác chi một pho tượng trong nhà thờ.

    Ở gần ghế ông già ngồi, có ba con chó đang nằm nép vào nhau cho ấm, không động đậy: Một con chó trắng, một con chó xù đen và một con chó cái nhỏ lông xám, vẻ tinh khôn và dịu dàng. Con chó trắng đội một cái mũ cảnh sát có dây da buộc xuống cằm.

    Khi tôi tò mò nhìn ông già, thì ông Giêrôm và chủ quán nói nhỏ với nhau. Tôi nghe thấy họ đang nói về chuyện tôi. Ông Giêrôm kể lại rằng ông ấy đang định đưa tôi đến nhà xã trưởng nhờ ông này nói với trại trẻ rơi xin một món trợ cấp để nuôi tôi. Điều này chắc mẹ tôi đã được biết rồi, và tôi hiểu ngay rằng nếu Giêrôm nuôi tôi có lợi, thì tôi không lo sợ gì nữa.

    Ông già như không để ý đến chuyện của hai ông kia, nhưng đã nghe được tất cả. Chợt ông giơ tay về phía tôi và hỏi ông Giêrôm:

    - Có phải thằng bé này nó làm ông lúng túng?

    - Chính nó!

    - Phải, vì nó không có cha và tôi nuôi nó. Phải có người trả tiền cho nó thì mới công bằng chứ?

    - Ông tưởng rằng ban quản trị trại trẻ rơi quận sẽ trả tiền tháng cho ông chăng?

    - Hẳn chứ. Tôi tưởng cái đó là công bằng.

    - Tôi không nói là không. Nhưng ông tưởng rằng bất cứ cái gì gọi là công bằng đều được thực hiện cả, phải không?

    - Điều đó tất nhiên là không rồi.

    - Theo ý tôi, không đời nào ông lại xin được tiền trợ cấp.

    - Thế thì cho nó vào trại trẻ rơi. Chẳng có luật nào lại bắt tôi nuôi nó suốt đời, nếu tôi không muốn chứa nó nữa.

    - Ngày xưa, ông đã bằng lòng nhận nó về, thế là ông đã cam kết giữ nó.

    - Tôi sẽ không giữ nó nữa. Khi nào tôi cần cho nó ra đường mà còn kiếm được chút ít nữa kia!

    - Nếu ông mách tôi cách đó, tôi xin đãi ông một chai rượu và thết một cách vui lòng.

    - Gọi rượu đi! Việc của ông tất xong.

    - Chắc không?

    - Chắc chắn.

    Ông già bỏ ghế tựa, lại ngồi đối diện với ông Giêrôm. Lạ lùng quá, khi ông đứng dậy, có vật gì lùng bùng trong áo da cừu của ông: Tôi đoán trong đó có con chó con. Ông sắp nói gì? Có chuyện gì sắp diễn ra? Tôi nhìn theo ông, lòng xúc động nặng nề.

    - Ý ông muốn rằng thằng bé này không được ăn ở nhà ông nữa, hoặc nếu nó cứ tiếp tục ăn thì người ta phải trả tiền ông, có phải thế không?

    - Đúng thế, vì rằng..

    - Khỏi "vì rằng". Ông phải biết nguyên nhân đó vô ích đối với tôi, tôi không cần biết tới nguyên nhân. Chỉ cần biết ông không muốn nuôi nó nữa là đủ rồi. Nếu vậy, ông cho tôi, tôi nuôi.

    - Cho ông?

    - Thì ông muốn trút gánh nặng mà!

    - Cho ông một đứa trẻ như thế này, một đứa bé đẹp. Quả nó là một đứa bé đẹp, ông hãy nhìn xem.

    - Tôi đã nhìn rồi.

    - Rêmi, con lại đây.

    Tôi bước run run đến cạnh bàn, ông già nói:

    - Lại đây, con đừng sợ.

    Ông Giêrôm nói tiếp:

    - Ông nhìn lại xem.

    - Tôi không bảo nó xấu. Nếu nó xấu, tôi không cần đến. Nuôi những quái thai không phải việc của tôi.

    - Nhưng nếu là những quái thai hai đầu, hay là một thằng lùn.

    - Thì ông đã không đuổi nó vào trại trẻ rơi. Ông phải biêt một quái thai có thể có giá trị, nếu người ta biết lợi dụng, hoặc cho gánh hát thuê, hoặc tự mình khai thác lấy. Nhưng mà thằng bé này không phải quái thai, mà cũng không lùn, nó được cấu tạo như tất cả mọi người, thành ra nó không được tích sự gì.

    - Được việc làm lụng chứ!

    - Nó yếu quá.

    - Nó yếu à? Nhìn lại xem. Nó khỏe như những đứa lành mạnh. Ông trông đôi chân nó kia, không có đôi chân nào thẳng thắn hơn.

    Ông Giêrôm vừa nói vừa vén quần tôi lên. Ông già chê:

    - Mảnh dẻ quá!

    Ông Giêrôm nói:

    - Còn hai cánh tay nữa.

    - Tay cũng như chân, tạm được, nhưng không chịu đựng được nhọc nhằn gian khổ.

    - Nó không chịu đựng được à? Ông nắn những bắp thịt nó xem.

    Ông già đưa bàn tay xương xẩu ra sờ nắn những bắp chân tôi, rồi lắc đầu bĩu môi. Tôi đã từng chứng kiến một tấn kịch tượng tự. Khi người lái đến mua bò nhà tôi. Người lái đó cũng sờ, cũng nắn. Người lái đó cũng lắc đầu, bĩu môi nói: Không phải giống bò tốt và không thể bán lại được. Rồi rút cục lại, cũng mua, cũng dắt đi. Ông già này không biết rồi có mua tôi và dắt tôi đi không? Mẹ ơi! Khổ thân con quá! Mẹ ơi!

    Mẹ tôi nào có ở đó để bênh tôi.

    Nếu tôi dám thì tôi đã kêu lên rằng: Đúng đấy, mới ngày hôm qua đây ông Giêrôm vẫn chê tôi là yếu ớt không có bắp tay, không có bắp chân, nhưng tôi hiểu rằng câu nói leo đó chỉ chuốc cho tôi những cái tát, nên tôi đành câm miệng. Ông già nói:

    - Nó là một đứa trẻ như tất cả những đứa trẻ khác, không có gì lạ. Nhưng nó là trẻ thành phố. Trẻ thành phố không bao giờ thích hợp với việc nhà nông. Ông thử cho nó theo cày để thúc bò xem nó chịu đựng việc đó được bao lâu?

    - Mười năm.

    - Không chắc được lấy một tháng.

    - Ông nhìn lại xem!

    - Ông cứ nhìn lấy!

    Tôi đứng ở bên bàn, giữa ông Giêrôm và ông già, bị xô đi đẩy lại, ngắm nghía nhiều lần. Sau cùng ông già nói:

    - Dù thế, tôi cũng thuận. Nhưng tôi chỉ bằng lòng thuê, chứ không mua nó. Mỗi năm tôi trả ông hai mươi phơ răng.

    - Hai mươi phơ răng!

    - Đó là giá hời và tôi trả tiền trước. Ông nhận bốn đồng bạc năm đồng này, ông sẽ trút được một cái nợ.

    - Nhưng nếu tôi giữ nó lại, trại trẻ rơi sẽ trả cho tôi một tháng hơn mười phơ răng cơ.

    - Bảy, cùng lắm là tám thôi, tôi đã biết giá, mà ông còn phải nuôi nó nữa.

    - Nó sẽ làm được việc.

    - Nếu ông biết nó làm được việc, thì ông đã không ruồng bỏ nó. Không phải vì tiền trợ cấp của trại trẻ rơi mà người ta thường xin những trẻ mồ côi ra, cái chính là vì công việc chúng làm. Người ta dùng chúng làm đầy tớ, những đứa đầy tớ trả tiền ăn cho chủ và không được lĩnh công. Nếu thằng bé này có thể làm được việc thì ông cứ giữ nó lại.

    - Dù sao, tôi vẫn sẽ được mười phơ răng.

    - Nếu trại trẻ rơi đáng lẽ để nó cho ông, lại lấy về giao cho người khác, có phải ông không được gì không? Có phải là ông vẫn bấp bênh không? Nếu giao dịch với tôi, ông không e ngại gì, ông chỉ có việc chìa tay ra lấy tiền.

    Nói xong, ông móc ở túi ra một cái ví da, và lấy bốn đồng bạc trắng xỉa lên mặt bàn kêu loong coong.

    Ông Giêrôm nói:

    - Ông nên biết rằng, ngày một ngày hai, thằng bé này sẽ có cha mẹ.

    - Ích gì cho tôi?

    - Có lợi cho người nuôi chứ! Nếu tôi không tính đến cái lợi đó thì không bao giờ tôi lại rước nó về.

    Câu nói của ông Giêrôm: "Nếu tôi không tính đến cái lợi đó thì không bao giờ tôi lại rước nó về" làm cho tôi khinh ghét ông ta vô cùng. Thực là con người tham ác.

    Ông già nói:

    - Chính ông đợi mãi, món lời ấy không đến, nên ông mới định đuổi nó ra đường. Sau này, nếu cha mẹ nó đến thật thì họ hỏi ai? Chắc là hỏi ông chứ hỏi gì tôi, người ngoài cuộc.

    - Nếu chính ông gặp cha mẹ nó trước?

    - Thế thì chúng ta giao ước rằng một ngày kia cha mẹ nó tìm đến thì món lợi phải chia đôi. Đồng ý thế tôi trả ông lên ba mươi phơ răng.

    - Đúng bốn mươi phơ răng.

    - Không. Công việc mà nó sẽ giúp tôi không đáng món tiền đó.

    - Nào, những việc gì nó sẽ giúp ông? Muốn chân tốt thì chân nó tốt, muốn tay tốt thì tay nó tốt. Tôi nhất định giữu giá đó. Thế ông bảo nó thích hợp việc gì cho ông?

    Ông già nhìn ông Giêrôm vẻ giễu cợt, nhấp nhấp cốc rượu rồi nói:

    - Để cùng đi với tôi cho có bạn. Tôi có tuổi rồi, đôi khi sau một ngày đi rong nhọc mệt, chiều xuống, gió lạnh, mưa sa, tôi thường cảm thấy cô đơn, có nó tôi sẽ khuây lòng.

    - Chắc hẳn vì thế mà chân phải cứng?

    - Nó sẽ phải nhảy, phải múa, phải đi. Đi rồi lại nhảy, tóm lại là nó sẽ nhập vào đoàn xiếc của ông bầu Vitali.

    - Thế đoàn ấy ở đâu?

    - Ông bầu Vitali là tôi. Còn đoàn của tôi, nếu ông nghi ngờ thì tôi xin giới thiệu ngay, chắc là ông cũng muốn biết.

    Nói xong, ông mở cái áo da cừu, lấy ra một con vật lạ, ôm vào ngực. Chính con vật đó, nhiều lần tôi thấy nó lùng bùng trong áo ông mà tôi tưởng lầm là con chó con. Con vật đó là con vật gì? Có phải là con vật không? Tôi không tìm được tên để gọi con vật kỳ lạ đó, vì tôi mới trông thấy lần đầu tiên, hai tay và hai chân nó để trần, vì chính nó có hai tay và hai chân, chứ không phải những cẳng như những con vật khác, nhưng da tay và da chân nó đều đen, chứ không trắng hoặc hồng. Đầu nó cũng đen và to hơn nắm tay tôi. Mặt thì rộng và ngắn, mũi hếch có hai lỗ cách nhau, môi vàng. Nhưng điều làm tôi chú ý nhất là hai con mắt nó gần nhau, mở trừng trừng và sáng như gương. Ông Giêrôm kêu:

    - A! Con khỉ!

    Tiếng đó làm cho tôi bớt sợ, vì tôi chưa bao giờ trông thấy khỉ, nhưng đã nghe nói đến nó một đôi lần. Vậy không phải là thằng bé tí hon đen sì đứng trước mặt tôi, mà là con khỉ. Ông Vitali nói:

    - Con này là đầu trò của đoàn tôi. Giôlicơ ơi! Con ra chào công chúng đi!

    Giôlicơ đưa tay lên môi và gửi cho chúng tôi một cái hôn. Ông Vitali lại lấy tay vẫy con chó xù trắng. Nói:

    - Bây giờ, chú Capi rất hân hạnh được giới thiệu các bạn của chú trước quý khán giả có mặt tại đây.

    Con chó xù trắng, từ nãy vẫn nằm im, vùng dậy, đứng bằng hai chân sau, hai chân trước khoanh vào ngực, cúi chào chủ nó, cúi thấp quá đến nỗi cái mũ cảnh binh chấm đất. Thi lễ xong, Capi quay vào phía các bạn, một tay vẫn để ngang ngực, một tay ra hiệu. Hai con chó khác, đã túc trực, liền đứng dậy, cầm tay nhau như kiểu người ta dắt nhau - tiến lên sáu bước, rồi lại lùi xuống ba bước cúi chào mọi người. Ông Vitali nói:

    - Con mà tôi gọi là capi, có nghĩa là chỉ huy, nó là sếp của những con chó kia. Nó thuộc giống chó Ý, rât thông minh, có nhiệm vụ truyền lệnh của tôi cho các bạn nó. Con lông đen kia, tráng kiện và phong nhã, nên gọi là Decbinô. Còn con thứ ba, một con chó cái giống Anh, vẻ nhũn nhặn và dịu dàng rất xứng đáng với cái tên Đônxơ. Với những tên đồ đệ lỗi lạc hiếm có này, tôi ngao du ngày tháng để sinh nhai, khi dồi dào, khi eo hẹp, tùy theo cái may rủi của số phận. Capi! Capi đứng khoanh hai chân trước lại. Chú lại gần đây. Tôi yêu cầu chú phải ngoan vì đây toàn là những nhân vật có giáo dục mà tôi phải giữ lễ, phải ngoan để bảo cho cậu bé đang đứng nhìn chú bằng đôi mắt tròn như hai hòn bi kia biết bây giờ là mấy giờ.

    Capi bỏ hai chân xuống, tiến đến gần chủ, mở cái áo da cừu, lấy cái đồng hồ quả quýt, to tướng bằng bạc ra, nhìn vào mặt đồng hồ, rồi ăng ẳng hai tiếng thật to và ba tiếng nhỏ hơn. Lúc đó, đúng hai giờ ba khắc. Ông Vitali nói:

    - Tốt lắm! Cảm ơn chú Capi. Bây giờ yêu cầu chú mời cô Đônxơ ra trình bày tài nhảy dây của cô một chút.

    Capi liền bới túi áo ông già lấy ra một cuộn dây. Nó ra hiệu cho Decbinô. Con này chạy ra đứng một bên. Capi ném cho nó một đầu dây. Rồi cả hai con cầm dây quay lên thả xuống. Khi dây quay đều tay, Đônxơ nhảy vào trong vòng và nhảy lên, hạ xuống dịu dàng, mắt nhìn chủ. Ông già nói:

    - Đấy ông xem. Đám học trò tôi rất thông minh. Nhưng khiếu thông minh đó cần được so sánh thì mới có giá trị rõ rệt. Vì thế, tôi muốn lấy thằng bé vào đoàn của tôi. Nó sẽ đóng vai đần độn. Óc thông minh của đám học trò tôi sẽ được nổi bật lên.

    Ông Giêrôm hỏi: - Ô! Để đóng vai ngu đần?

    Ông Vitali nói tiếp:

    - Phải có trí khôn. Tôi chắc rằng thằng bé này không chịu kém, nếu nó được huấn luyện. Ta có thể tìm ngay bằng chứng được. Nếu nó thông minh, nó hiểu ở với ông bầu Vitali, nó sẽ được diễm phúc đi ngao du khắp nước Pháp và các nước khác nữa, được sống một đời tự do, không phải theo sau con bò, quanh năm suốt tháng không phải dầm dãi ở cánh đồng. Còn như nó kém thông minh, thì nó phải khóc, nó kêu. Mà ông bầu Vitali rất ghét những đứa trẻ hư, ông không cần cho nó theo. Lúc đó, đứa hư sẽ phải vào trại trẻ rơi để ăn ít và lam nhiều.

    Tôi cũng đủ thông minh để hiểu những câu nói ấy, nhưng từ chỗ hiểu đến chỗ làm được có một quãng ghê gớm khó qua. Hiển nhiên là đám học trò của ông Vitali ngộ thật, vui thật và được đi ngao du luôn luôn cũng là cái thú. Nhưng đi theo họ thì phải lìa mẹ tôi. Nếu tôi không chịu đi, có lẽ tôi cũng không còn được ở với mẹ tôi nữa. Người ta sẽ đưa tôi vào trại trẻ rơi.

    Óc tôi rối bời, nước mắt tôi giàn giụa. Chợt ông Vitali lấy đầu ngón tay khẽ đập vào má tôi và nói:

    - Thế là thằng bé này đã hiểu, vì nó không kêu. Nó đã biết lẽ phải, và ngày mai..

    Tôi kêu lên:

    - Ông ơi! Để con ở nhà với mẹ con. Con xin ông tha cho con.

    Tôi đang nói, con Capi kêu ầm lên át cả tiếng tôi. Nó vừa cắn vừa nhảy lên bàn chỗ con Giôlicơ ngồi. Con này thừa dịp mọi người quay lại nhìn tôi, bưng cốc rượu còn đầy của chủ lên uống. Nhưng Capi là một trật tự viên tinh mắt, đã nhìn thấy con khỉ uống vụng và là một đầy tớ trung thành, nó đã chạy đến ngăn kịp thời.

    Ông Vitali bảo con khỉ:

    - Giôlicơ, mi đã tham lam và ăn cắp. Lại ngay góc kia đứng quay mặt vào tường. Còn Decbinô, hãy lại canh nó cho ta. Nếu nó động đậy sẽ cho nó cái tát. Còn Capi, tốt lắm. Đưa chân cho ta bắt nào.

    Con khỉ chạy ngay vào góc tường, tiếng kêu chin chít. Còn con chó vẫy đuôi sung sướng, giơ chân cho chủ bắt.

    Ông Vitali nói tiếp với ông Giêrôm.

    - Ta hãy trở lại câu chuyện ban nãy. Tôi xin đưa ông ba mươi phơ răng.

    - Không được. Đúng bốn mươi phơ răng.

    Cuộc bàn cãi bắt đầu. Ông Vitali ngừng lại nói:

    - Thằng bé này đứng đây mãi, có vẻ buồn. Nên cho ra ngoài sân chơi một lát.

    Đồng thời ông đưa mắt cho ông Giêrôm. Ông Giêrôm bảo:

    - Phải đấy. Cho mày ra sân. Khi nào gọi mới được vào. Nếu không nghe, tao cáu tiết đấy.

    Ra sân, tôi không còn bụng dạ nào mà chơi được. Tôi ngồi trên một hòn đá, tư lự. Cái số phận của tôi đang được định đoạt trong giờ phút này. Nó sẽ ra sao? Cái rét và cái lo âu làm cho tôi gai người.

    Ông Vitali và ông Giêrôm bàn cãi lâu lắm, vì hơn một giờ sau, ông Giêrôm mới ra sân. Ông lững thững ra sân một mình. Ông định dắt tôi giao cho ông Vitali chăng?

    Ông bảo tôi: Thôi, đi về nhà.

    Về nhà! Có lẽ tôi không phải xa mẹ tôi nữa. Tôi định hỏi ông Giêrôm, nhưng không dám vì ông có vẻ buồn thiu. Đường về lẳng lặng. Nhưng khi còn mươi phút nữa trước khi tới nhà, ông Giêrôm dừng bước, quay lại kéo tai tôi thật đau và dặn rằng:

    - Về nhà, nếu mày bép xép, nhắc lại những điều mà mày đã nghe thấy ở quán cà phê thì mày chết với tao. Nghe chưa?
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng mười hai 2021
  6. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,890
    Chương 4: Nhà mẹ tôi

    Bấm để xem
    Đóng lại
    KHi chúng tôi vừa bước chân về đến nhà, thì mẹ tôi hỏi ngay.

    - Thế nào? Ông xã trưởng bảo sao?

    - Tôi không đến trụ sở xã.

    - Sao không đến?

    - Không đến, vì tôi gặp mấy ông bạn ở quán cà phê Đức Bà giữ lại ngồi chơi. Khi ở đấy ra thì muộn quá. Để mai đi vậy.

    Như vậy, ông Giêrôm đã thôi việc giao dịch với ông già có đàn chó rồi.

    Trên đường về, nhiều lần tôi tự hỏi, chắc là lại có mưu mẹo gì đây. Nhưng nghe câu cuối cùng ông vừa nói, thì tôi yên tâm và không ngờ vực gì nữa. Vì ngày hôm sau, chúng tôi lại phải đến trụ sở xã, thì chắc chắn rằng ông Giêrôm đã bỏ việc bán tôi cho ông Vitali.

    Mặc dầu ông Giêrôm đã đe dọa tôi, nếu được lúc thuận tiện thế nào tôi cũng kể lại chuyện cho mẹ tôi nghe. Nhưng suốt cả buổi chiều, ông Giêrôm không đi đâu cả. Tối đến, tôi phải đi ngủ, tiếc không sao có dịp nói với mẹ tôi được.

    Tôi lên giường ngủ, định tâm đến hôm sau thế nào cũng nói cho mẹ tôi hay.

    Nhưng sáng hôm sau, khi tôi dậy thì không thấy mẹ tôi đâu cả.

    - Mẹ ơi!

    - Bà ấy vào làng đến chiều mới về.

    Tôi không hiểu sao sự vắng mặt của bà làm cho tôi lo âu ghê gớm. Hôm qua, bà không nói là hôm nay có việc phải vào làng. Sao bà không đợi chúng tôi cùng đi, vì trưa nay ông Giêrôm sẽ đưa tôi đến chỗ xã trưởng? Trước khi chúng tôi đi không biết bà có kịp về không?

    Một sự sợ hãi mơ hồ làm hồi hộp trái tim tôi. Không biết rõ cái nguy hiểm đang đe dọa tôi là gì, nhưng tôi cảm thấy có một tai nạn sắp xảy đến cho tôi. Ông Giêrôm cứ chòng chọc nhìn tôi.

    Tôi phải ra vườn lánh mặt ông ta.

    Cái vườn đó, không to lắm nhưng đối với nhà tôi, rất có giá trị vì chính nó nuôi chúng tôi, trừ lúa mì ra, hầu hết các thức ăn hàng ngày, nào khoai, đậu, nào bắp cải, củ cải trắng, đỏ.. Vì thế, không một tấc đất nào bỏ không. Thế mà mẹ tôi cũng dành cho tôi một góc nho nhỏ để trồng những cỏ, những cây, những rêu mà tôi nhặt ở rìa rừng hay ở bờ giậu khi đi chăn bò, tất cả những thứ đó được cắm dày đặc trong góc vườn của tôi.

    Vườn của tôi không phải là một hoa viên với những lối đi rải sỏi, với những luống hoa xinh đẹp mà những khách qua đường phải dừng chân bên hàng giậu xén đều để ghé trông. Nhưng tôi thấy nó đẹp và quý nó vì nó là của tôi, của riêng tôi.

    Mùa hè trước, tôi kiếm được ít hạt giống về trồng. Tính đến mùa xuân tới thì mới nở hoa. Nhưng đó là những giống hoa sớm, nên không đợi hết mùa đông, nó đã lần lượt khai hoa. Tính tò mò của tôi lúc này càng được kích thích. Cây trường thọ đã có nụ vàng. Cây tử đinh hương đã đâm mấy cành chi chít những điểm tim tím. Và trong đám lá của cây ngọc trâm nụ trổ lên mấy búp như sắp nở tung ra. Tôi thích thú vô cùng.

    Nhưng còn một khoảng vườn mà tôi lưu tâm nhất là chỗ tôi đã trồng một thứ cây lạ, không có ở vùng này, mà người ta đã cho tôi, đó là cây cúc-vu. Người ta đã bảo giống cây này có những củ như khoai tây, nhưng thơm ngon hơn. Những hứa hẹn tốt đẹp đó đã khiến tôi nảy ra một ý là sẽ làm cho mẹ tôi một bữa phải ngạc nhiên. Vì thế tôi không nói gì cho mẹ tôi biết. Nó có nảy mầm, mọc lá, mẹ tôi sẽ tưởng là một giống hoa. Rồi đến ngày nào đó có củ, nhằm lúc mẹ tôi vắng nhà, tôi bới lên, làm món súp tân kỳ - tôi chưa nấu súp bao giờ, nhưng chắc cũng dễ - và múc ra đĩa.

    Ai sẽ phải ngạc nhiên? Mẹ tôi.

    Ai sẽ được vui sướng? Mẹ tôi.

    Thế là chúng tôi có một món ăn mới thay cho món khoai thường xuyên và mẹ tôi cũng bớt đau khổ về việc bán con Russet tội nghiệp. Người sáng chế ra món ăn đó là tôi, là Rêmi. Như vậy tôi cũng có ích cho gia đình tôi đấy chứ.

    Với dự định lớn lao ấy, ai cũng hiểu rằng tôi chăm chú đến cây cúc-vu biết là dường nào. Ngày nào tôi cũng ra xem nó đã mọc đến đâu. Vì tôi nóng lòng chờ đợi, nên thấy nó chẳng lớn được tý nào. Tôi quỳ xuống đất, chống hai tay cúi đầu nhìn đám cây cúc-vu.

    Bỗng có tiếng gọi tôi rất gấp. Tiếng ông Giêrôm. Ông ấy muốn gì tôi?

    Tôi vội vàng chạy về nhà. Tôi tái mặt lại, khi thấy ông Vitali với đàn chó đứng trước lò sưởi. Tôi hiểu ngay ông Giêrôm muốn gì. Biết là không hy vọng gì ông Giêrôm thường tôi, cứu tôi, tôi liền chạy đến ông già.

    - Ông ơi! Ông thương con. Ông đừng bắt con đi.

    Rồi tôi òa khóc lên. Ông già nhẹ nhàng bảo tôi:

    - Nín đi. Con ơi! Đi với ta, con sẽ không khổ đâu, ta không hay đánh trẻ con. Rồi con có những học trò ta làm bạn, chúng rất vui. Con còn luyến tiếc gì nữa?

    - Mẹ tôi! Mẹ tôi!

    Ông Giêrôm kéo tay tôi và nói: Dù sao, mày cũng không được ở cái nhà này nữa. Đi với ông già hay đi trại trẻ rơi. Mày chọn đằng nào thì chọn!

    - Không! Tôi ở với mẹ tôi.

    Ông Giêrôm nổi giận đùng đùng gầm thét:

    - À! Mày nhiễu tao có phải không? Nếu mày muốn đánh, để tao đánh cho mày ngay bây giờ đây.

    Ông Vitali can:

    - Thằng bé này nó nhớ mẹ nó. Không nên vì thế mà đánh nó. Nó có tình có nghĩa đấy.

    - Nếu ông thương hại nó, nó lại gào lên!

    - Bây giờ ta thanh toán cho xong đi.

    Nói xong, Vitali xỉa lê bàn tám đồng năm phơ răng. Ông Giêrôm vơ luôn bỏ túi.

    Ông Vitali hỏi:

    - Gói đồ đâu?

    Ông Giêrôm đưa một bọc, gói bằng chiếc khăn xanh thắt bốn góc, nói:

    - Đây!

    Ông Vitali cởi nút mùi khăn xem: Trong có hai áo sơ mi và một cái quần vải của tôi. Ông Vitali nói:

    - Không đúng như giao ước. Quần áo lành đâu? Đây ông đưa toàn đồ rách.

    - Không có đồ nào khác.

    - Nếu tôi hỏi thằng này, tất nó sẽ nói là không đúng. Nhưng thôi, tôi không muốn cãi với ông vì tôi không có thì giờ. Tôi phải đi bây giờ. Đi, bé con! À, tên nó là gì?

    - Rêmi.

    - Vậy Rêmi, hãy cầm lấy gói đồ, đi trước con Capi. Tiến lên trước, tiến!

    Tôi khóc và giơ hai tay về phía ông già, rồi về phía ông Giêrôm, nhưng cả hai người đều ngoảnh mặt đi. Tôi thấy bàn tay ông già cầm cổ tay tôi kéo đi. Đành phải đi thôi.

    Chao ôi! Ngôi nhà yêu dấu, khi bước chân khỏi cửa, tưởng chừng như tôi đã để lại cả miếng da, miếng thịt của tôi.

    Tôi vội nhìn chung quanh, nhưng mắt tôi mờ đi vì giàn giụa nước mắt, tôi chẳng nhìn thấy ai để kêu cứu cả. Không có một ai trên đường và cũng không có người nào ở cánh đồng cỏ gần đó. Tôi cất tiếng gọi:

    - Mẹ ơi! Mẹ Bacbơranh ơi!

    Nhưng không ai trả lời. Tiếng kêu của tôi nghẹn dần. Tôi phải theo, ông Vitali không buông cổ tay tôi. Ông Giêrôm nói theo:

    - Lên đường mạnh giỏi!

    Rồi ông ta vào nhà.

    Ôi thôi! Thế là hết!

    - Rêmi! Con đi đi chứ!

    Và bàn tay ông kéo tôi đi.

    Lúc đó, tôi đi cạnh ông. May sao ông không bắt tôi đi nhanh và hình như ông theo bước tôi, đi chậm lại.

    Con đường chúng tôi đi dần dần lên dốc và theo hình chữ chi. Mỗi một chỗ ngoẹo, tôi lại nhìn thấy chà mẹ tôi nhỏ dần, nhỏ dần đi. Nhiều lần tôi đã đi qua con đường này, nên tôi biết rằng chỉ còn một chỗ ngoẹo nữa là còn trông thấy nhà tôi thôi. Qua chỗ này vài bước, lên tới cao nguyên thì hết, hết cả, không còn nhìn thấy gì. Trước mặt tôi, phong cảnh xa lạ, sau lưng tôi là căn nhà, ở đấy, cho tới ngày nay, tôi đã sống sung sướng, mà rồi đây có lẽ không bao giờ tôi lại được nhìn thấy nữa.

    May sao cái dốc đó khá dài. Nhưng đi mãi rồi chúng tôi cũng lên đến đầu dốc. Ông Vitali vẫn nắm cổ tay tôi. Tôi nói:

    - Ông cho con nghỉ một chút.

    - Được. Con cứ nghỉ đi.

    Thế là lẫn đầu tiên ông già buông cổ tay tôi ra. Nhưng đồng thời, ông đưa mắt nhìn Capi và ra hiệu. Con này hiểu ngay. Lập tức, nó bỏ đàn chó và đến ngồi chồm hỗm bên tôi. Tôi hiểu là ông già đã ra lệnh cho con chó gác tôi. Nếu tôi làm một cử động gì để trốn, nó sẽ nhảy vào cắn chân tôi.

    Tôi tìm chỗ ngồi trên một thảm cỏ êm. Capi theo sát tôi.

    Ngồi trên thảm cỏ tôi đưa mắt tìm nhà mẹ tôi, nước mắt cứ trào ra.

    Dưới chân tôi là một thung lũng mà ở đó, chúng tôi vừa đi qua, cánh rừng và cánh đồng cỏ, rồi đến chỗ thấp hơn hiện ra ngôi nhà lẻ loi, cô quạnh của tuổi thơ tôi, ngôi nhà mẹ tôi.

    Ngôi nhà đó dễ nhận vì ở giữa đám cây cao, có một làn khói xanh xanh từ mái bếp tỏa lên trên trời và bay về phía tôi ngồi. Không rõ vì quá tưởng tượng hay vì thực sự mà làn khói đó đưa đến bên tôi một mùi quen thuộc của cành sồi. Thứ củi duy nhất mà chúng tôi đã dùng trong suốt mùa đông. Tôi mường tượng như là đang ngồi cạnh bếp nhà tôi, trên chiếc ghế dài, hai chân vùi vào đống tro, gió luồn vào nóc bếp hắt khói vào mặt chúng tôi. Mặc dầu, tôi ở xa và ngồi cao, trông về nhà tôi, mọi vật đều giữ nguyên hình rất rõ, duy có phần bị thu nhỏ đi thôi.

    Trên đống phân khô, con gà mái nhà tôi, con gà cuối cùng còn lại, đang đi kiếm ăn, nhưng nó trông nhỏ đi nhiều. Nếu người không biết nó thì cho đó là con chim câu. Đầu nhà, tôi nhìn thấy cây táo thân cong mà tôi vẫn giả làm ngựa để cưỡi. Rồi, bên cạnh dòng suối như một dải bạc trên đám cỏ xanh, tôi nghĩ đến cái rãnh sâu mà tôi đã hì hục, xẻ để chạy cánh cối xay, một thứ chong chóng tôi chế mất bao nhiêu công sức mà nó không sao quay được.

    Tất cả mọi vật đều ở chỗ cũ, từ cái xe một bánh của tôi, cái cây làm bằng cành cây của tôi, cái chuồng thỏ khi chúng tôi còn nuôi thỏ, cho đến cái vườn, góc vườn thân yêu của tôi, nhìn rõ mồn một.

    Ai sẽ ngắm nó nở những bông hoa xấu số của tôi? Ai sẽ sờ đến khóm cúc-vu của tôi? Chắc hẳn là ông Giêrôm, con người độc ác.

    Chỉ bước thêm một bước nữa là tôi mất tất cả những thứ thân yêu đó.

    Chợt trên con đường về nhà, tôi nhìn xa xa thấy bóng cái mũ vải trắng. Nó biến vào trong đám cây, rồi lại hiện ra.

    Từ chỗ tôi đến đó xa quá, nên tôi chỉ nhìn thấy màu trắng của cái mũ lượn trong đám cành cây như một cánh bướm mùa xuân. Cũng có những lúc lòng người nhìn rõ hơn mắt, dù là những con mắt tinh nhất. Vì thế, tuy đứng xa, tôi biết ngay là mẹ tôi. Phải, chính mẹ tôi đấy. Không còn nghi ngờ gì nữa.

    Ông Vitali chợt gọi tôi:

    - Rêmi ơi! Ta tiếp tục đi đi!

    - Ôi! Thưa ông, con xin ông cho con..

    - Ông Giêrôm nói đúng. Con không có chân. Mới đi có thế đã nhọc. Như thế thì còn làm ăn gì được. Tôi không trả lời. Tôi cứ nhìn về phía nhà tôi.

    Chính mẹ tôi. Chính cái mũ vải của bà, chính chiếc áo xanh của bà. Chính bà đó. Bà rảo bước, hình như mong cho chóng về tới nhà. Về đến cổng, bà đẩy cửa vào, đi qua sân rất nhanh.

    Tôi liền đứng choàng dậy trên bờ cỏ, không để ý đến con Capi nhảy đến bên tôi. Mẹ tôi không ở trong nhà lâu mà ra ngay và hớt hải chạy ngang chạy ngửa trong sân, hai cánh tay giơ lên thất vọng. Mẹ tôi đang tìm tôi đấy.

    Tụ nhiên tôi chồm mình về đằng trước và gào to:

    - Mẹ ơi! Mẹ ơi!

    Nhưng tiếng gọi của tôi không xuống tới chân núi, không át nổi tiếng suối rid rào. Nó tắt hẳn trong khoảng không. Ông Vitali hỏi tôi:

    - Gì thế? Con điên à?

    Không trả lời, tôi đứng trơ, hai mắt dõi sâu về phía mẹ tôi, nhưng mẹ tôi nào có biết tôi còn đang đứng gần mẹ, nên mẹ không ngẩng đầu lên.

    Mẹ tôi lại đi qua sân, ra hẳn ngoài đường nhìn tứ phía. Tôi lại gào to hơn, nhưng cũng như lần trước, vô ích thôi. Bấy giờ, ông Vitali nghi hoặc, cũng leo lên trên bờ cỏ chỗ tôi. Ông nhận ngay thấy cái mũ trăng trắng đang cử động. Ông nói một mình:

    - Tội nghiệp cho thằng bé!

    Nghe câu nói của ông, tôi liền kêu lên:

    - Ông ơi! Ông thương con! Ông cho con về với mẹ con.

    Nhưng ông cầm cổ tay tôi, dắt xuống và nói:

    - Con ơi! Chúng ta nghỉ đã lâu rồi. Bây giờ đi đi.

    Tôi định giật tay ông ra, nhưng ông già giữ chặt quá. Ông gọi:

    - Capi đâu! Decbinô đâu!

    Tức thì, hai con chó đến vây tôi. Decbinô đi trước, Capi đi sau. Đi được vài bước, tôi quay đầu lại. Chúng tôi đã qua đỉnh núi. Tôi không nhìn thấy thung lũng và nhà tôi nữa. Xa xa, chỉ thấy những ngọn đồi xanh lô nhô trên nền trời cao rộng. Mắt tôi nhòa đi trong khoảng không gian vô tận.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng mười hai 2021
  7. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,890
    Chương 5: Lên đường

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Người kia không phải là một con yêu tinh cần dự trữ thịt tươi để ăn, mà phải mua trẻ con đến bốn mươi phơ răng!

    Ông Vitali không ăn thịt tôi, và cũng là sự hiếm có trong bọn người chuyên mua con nít - ông không phải là người ác.

    Đây là một bằng chứng.

    Chúng tôi ở trên ngọn núi phân cách giữa triền sông Loa và sông Đoocđônhơ mà ông Vitali không cho tôi nhìn nhà cũ và lại nắm tay tôi lôi đi. Một lát sau thì chúng tôi xuống sườn núi về phía Nam. Ông buông tay tôi ra và nói:

    - Từ bây giờ, con đi thong thả bên cạnh ta. Nhưng con đừng quên rằng nếu con chạy trốn thì Capi và Decbinô sẽ đuổi theo ngay. Răng chúng nó dài lắm đấy.

    Chạy trốn ư? Tôi nhận thấy bây giờ không thể làm được. Vì thế, tôi không nghĩ đến chạy trốn. Tôi thở dài.

    Ông Vitali bảo tôi:

    - Con buồn? Ta hiểu lắm và không ghét con đâu. Con cứ khóc đi, tha hồ khóc, nếu con không cầm được nước mắt. Có điều con nên nhớ rằng không phải ta đưa đi để đầy ải con đâu. Nếu ở lại, con sẽ trở nên thế nào. Chắc chắn là phải vào trại trẻ rơi. Những người đã nuôi con không phải là cha và mẹ con. Mẹ con, mà con vẫn gọi, thương yêu con lắm, nay xa bà thì con nhớ. Điều đó tốt lắm. Nhưng con thử nghĩ xem, bà ta có thể trái ý chồng mà giữ con được không? Còn người chồng không đến nỗi tàn nhẫn như con tưởng. Ông ta nghĩ, bị què quặt không làm được việc gì không thể chịu nhịn đói để nuôi con. Con ơi! Con nên hiểu rằng đời người ta là một cuộc chiến đấu, trong đó người ta thường không thể làm được những điều người ta muốn.

    Đó là những điều dạy dỗ của người từng trải, nhưng bấy giờ có một tiếng kêu to hơn làm át cả những lời khuyên ấy đi, đó là những tiếng lòng của buổi chia ly.

    Tôi sẽ không bao giờ được nhìn người đã nuôi nấng tôi, vuốt ve tôi, người mà tôi thương yêu nhất trên đời: Mẹ tôi.

    Mỗi khi nghĩ đến thì tôi lại nghẹn ngào. Tuy nhiên, đi luôn bên cạnh ông Vitali, tôi cố ghi nhớ trong óc những điều ông vừa bảo tôi.

    Ông nói rất phải. Ông Giêrôm không phải là cha tôi. Lý nào bắt ông ấy phải nhịn đói nuôi tôi. Ngày trước, ông ấy đã sẵn lòng rước tôi về nuôi, bây giờ ông ấy đuổi tôi chỉ vì không thể cưu mang tôi được nữa. Thế thì không phải một hôm nay mà tôi phải nhớ đến ông ấy, mà tôi còn phải nhớ tất cả những năm tôi đã lớn lên trong nhà ông.

    Ông Vitali thỉnh thoảng lại nói bên tai tôi:

    - Con ơi! Hãy nghĩ kỹ những điều ta nói! Đi với ta, con không đến nỗi khổ đâu!

    Sau khi đã xuống một sườn núi dốc, chúng tôi tới một vùng đất hoang, phẳng lì, mênh mông đến tận chân trời. Không cây lớn, không nhà cửa. Đó là một cao nguyên mọc đầy thạch thảo đỏ hoe, đây đó có những đám cây kim tước cằn cỗi rập rờn theo làn gió.

    Ông Vitali giơ tay chỉ vào bãi hoang bảo tôi:

    - Con xem, bây giờ thì khó trốn lắm. Capi và Decbinô sẽ bắt được ngay!

    Lúc đó, tôi không nghĩ đến việc trốn. Tôi chỉ nghĩ không biết bây giờ đi đâu? Đi đến nhà ai?

    Dù sao, ông già cao lớn, đẹp lão, râu bạc này có lẽ không ghê gớm như tôi nghĩ lúc ban đầu. Nếu ông là thầy tôi, thì may ra cũng không đến là ông thầy ác nghiệt.

    Chúng tôi đi mãi trong một miền cô quạnh hết bãi hoang lại đến cách rừng cây cây lúp xúp, xa xa nổi mấy ngọn đồi trơ trụi. Với óc non dại của tôi, tôi cứ tưởng tượng du lịch là ra khỏi lũy tre làng, được quan sát những phong cảnh đẹp nhưng thực tế, trái hẳn với những điều mắt thấy lúc bấy giờ. Lân đầu tiên trong đời, tôi phải đi một mạch dài không nghỉ. Thầy tôi bước đều chân, cõng con Giôlicơ trên vai, hoặc đeo trong đẫy. Mấy con chó chạy lon ton cạnh chủ.

    Thỉnh thoảng ông lại nói với con chó một câu thân ái, khi bằng tiếng Pháp, khi bằng thứ tiếng mà tôi không hiểu.

    Xem ra chủ và những con chó cũng không biết nhọc. Riêng tôi, không thế, tôi thấy lả người. Vì sức đã kiệt, lòng lại đau, tôi thấy kiệt sức, phải lê từng bước, cố theo kịp thầy tôi. Tôi không dám xin nghỉ chân. Thầy tôi nói:

    - Những chiếc guốc nó làm cho con khó đi. Đến Utxen, ta sẽ mua giày cho con.

    Câu nói đó làm cho tôi phấn chấn.

    Thực vậy, xưa nay tôi vẫn mơ ước có một đôi giầy. Con ông xã trưởng và con người chủ tiệm ăn đều đi giầy cả. Mỗi sáng chủ nhật, khi đi lễ nhà thờ, chúng đi êm ả trên nền gạch, còn tôi và những người nhà quê khác, lê những đôi guốc to kêu chít chát điếc tai.

    - Utxen còn xa lắm không, ông?

    Ông Vitali cười to và nói:

    - Đó là tiếng nói của lòng! Con ơi! Con muốn có giày lắm phải không? Ta hứa cho con những đôi giày đế đinh. Ta cũng hứa sẽ mua cho con một cái quần nhung, một cái áo vét và một cái mũ. Ta mong những cái đó sẽ an ủi con để con cố sức mà đi chừng sáu dặm đường nữa.

    Đôi giày đế đinh! Tôi thích quá và nguôi dần nỗi buồn. Không, chắc chắn thầy tôi không phải là một người độc ác. Người độc ác thì có bao giờ nhận thấy đôi guốc của tôi nó làm tôi đau chân?

    Đôi giầy, một đôi giầy đế đinh! Một cái quần bằng nhung! Một áo vét! Một cái mũ! A! Nếu mẹ tôi được trông thấy tôi ăn mặc tươm như thế, tất lấy làm hãnh diện lắm.

    Khốn nỗi! Utxen còn xa lắm. Mặc dầu giày đinh và quần nhung ở cách đây sáu dặm đường mà chúng tôi còn phải đi, tôi thấy không còn đủ sức đi nổi quãng đường xa đó.

    May sao, thời tiết đến giúp tôi. Trời vẫn xanh từ lúc khởi hành, dần dần kéo mây đen rồi đổ mưa, một trận mưa nhỏ hạt và không ngớt.

    Ông Vitali có áo da cừu đủ che mưa. Con Giôlicơ gặp giọt mưa thứ nhất đã chui vào chỗ trú của nó. Còn những con chó với tôi, chúng không có gì che thân, đành chịu để nước mưa thấm đến da. Tuy vậy, những con chó có cách giũ lông, vảy cho bớt nước, còn tôi không được phú cái phương tiện tự nhiên vậy, đành phải bước chân dưới những hạt mưa dày, giá lạnh. Chợt thầy tôi hỏi tôi:

    - Con có dễ bị cảm không?

    - Con không biết. Con không nhớ có bị cảm bao giờ không?

    - Như vậy thì tốt. Trong người con khỏe đấy. Nhưng ta không muốn dãi dầu một cách vô ích. Hôm nay chúng ta đi đến đây thôi. Phía trước có một làng, chúng ta sẽ vào tìm nhà ngủ trọ.

    Làng đó không có quán trọ và chả nhà nào muốn chứa một hạng hành khất có đứa trẻ và đàn chó theo sau, người cũng như vật đều lấm như chôn như vùi. Họ trả lời:

    - Đây không phải chỗ trọ - Rồi họ đóng sầm cửa lại. Chúng tôi đi.

    Hết nhà nọ đến nhà kia, không một nhà nào cho chúng tôi vào cả. Có lẽ phải đi luôn bốn dặm nữa cho tới Utxen? Không được nghỉ chăng? Đêm tối dần, mưa càng lạnh. Tôi thấy chân tôi cứng đờ như hai khúc gỗ.

    Tôi nhớ đến nhà mẹ tôi và nghĩ:

    - Ở nhà sung sướng quá!

    Cuối cùng, một người ở làng có lòng từ thiện cho chúng tôi vào tạm trú ở buồng chứa cỏ, và giao hẹn không được đốt lửa. Chủ nhà bảo ông Vitali:

    - Ông đưa diêm cho tôi giữ, mai ông đi tôi sẽ trả.

    Thế là ít ra chúng tôi cũng có một mái nhà để trú ẩn trong đêm mưa lạnh. Vitali là một người cẩn thận đã mang sẵn lương thực. Trong cái túi nhà binh ông vẫn đeo trên vai, có chứa một ổ bánh mì. Ông liền lấy ra chia làm bốn miếng.

    Lúc bấy giờ tôi mới biết ông già đã giữ kỷ luật trong đoàn một cách nghiêm ngặt như thế nào.

    Lúc chúng tôi tìm nhà để ngủ nhờ, con Decbinô chạy xộc vào nhà nọ, rôi ra luôn với miếng vỏ bánh mì ngậm ở miệng. Ông Vitali trông thấy chỉ nói:

    - Decbinô! Giỏi thật! Tối sẽ biết!

    Khi ông già lấy bánh ra, tôi quên hẳn việc con Decbinô ăn cắp, và thấy nó cúi đầu buồn bã. Chúng tôi ngồi trên hai bó cỏ, hai người hai bên, con Giôlicơ ở giữa. Ba con chó xếp hàng trước mặt chúng tôi. Capi và Đônxơ nghếch mõm nhìn chủ, còn Decbinô thì cúi đầu và cụp tai xuống. Ông Vitali lệnh:

    - Quân ăn cắp không được đứng trong hàng, phải ra một góc và nghỉ ăn bữa tối.

    Decbinô rời khỏi chỗ, đến một góc nhà Vitali vừa chỉ tay. Nó chui vào đám cỏ khô. Chúng tôi không trông thấy nó nữa, nhưng nghe tiếng u ú như than khóc. Xử xong, ông già đưa bánh cho tôi. Rồi ông vừa ăn vừa ném dần những miếng bánh nhỏ cho con Giôlicơ và hai con chó.

    Mấy tháng gần đây, nhà tôi tuy bán bò rồi nhưng tôi cũng không đến nỗi kham khổ. Ôi! Món súp nóng mẹ tôi vẫn làm ngon biết bao, mặc dầu không có bơ! Không chiều nào là không có. Bên cạnh đống lửa. Êm ấm biết bao! Tôi sung sướng chui vào trong chăn, che kín cả đầu.

    Nhưng than ôi! Còn đâu nữa nào đệm, nào chăn? Có được cái ổ bằng cỏ khô cũng đã quý lắm rồi! Mình đau như dần. Chân trầy da vì guốc, tôi gấy rét trong bộ quần áo đẫm nước.

    Trời tối đã lâu rồi, tôi không sao ngủ được. Vitali hỏi:

    - Rêmi ơi! Răng con lập cập, con rét à?

    - Vâng, hơi rét.

    Tôi nghe thấy ông già mở đẫy. Ông nói:

    - Ta cũng không có nhiều quần áo. Đây có cái áo sơ-mi khô và cái gi-lê cũ. Con cởi quần áo ướt ra mặc tạm vậy. Rồi con chui sâu vào đám cỏ khô, con sẽ đỡ rét và ngủ được.

    Có phải ngày nào rồi cũng như hôm nay không? Đi bộ dưới trời mưa không nghỉ, nhủ trong vựa cỏ, rét run người, bánh khô thay súp, không người thương hại, không người yêu dấu, không có mẹ ở bên mình nữa!

    Khi tôi đang trằn trọc, trái tim nao nao, nước mắt giàn giụa, tôi thấy một hơi nóng rọi vào mắt tôi. Tôi giơ tay ra thì thấy lớp lông mềm của con Capi. Nó lại gần tôi rất nhẹ nhàng không làm xạo cỏ. Nó hít đầu tôi, hơi thở của nó phả vào mặt, vào tóc tôi. Nó muốn gì? Nó nằm xuống ổ cỏ bên cạnh tôi, rồi êm ái, liếm bàn tay tôi, rồi nằm yên không cử động.

    Cảm động về sự vuốt ve đó, tôi ôm đầu nó và ép vào tay tôi, rồi nằm yên không cử động.

    Thế là, tôi quên hết nỗi mệt nhọc, buồn phiền. Cổ tôi như được nới ra, tôi thở nhẹ nhàng. Tôi không cô đơn nữa, tôi đã có một người bạn.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng mười hai 2021
  8. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,890
    Chương 6: Bước đầu nhập nghề

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hôm sau, chúng tôi lên đường sớm. Mưa tạnh. Trời xanh. Nhờ gió thổi ban đêm nên bùn đã ráo. Trong các bụi rậm bên đường, chim chóc ca hát vui tai. Mấy con chó nhảy nhót chung quanh chúng tôi. Thỉnh thoảng, Capi lại đứng hai chân quay về phía tôi kêu ăng ẳng hai ba tiếng, nó muốn bảo tôi:

    - Can đảm lên! Can đảm lên!

    Đó là con chó rất khôn. Nó hiểu hết và làm cho người ta hiểu nó. Nó không nói được, nhưng tôi không nghĩ thế. Chỉ một cái đuôi, nó có thể biểu lộ ra bao nhiêu điều hùng hồn hơn con mắt, cái lưỡi của người nhiều. Vì thế, lời nói trở nên vô ích giữa Capi và tôi; ngay buổi đầu tiên, chúng tôi đã hiểu nhau rồi.

    Từ bé đến giờ không bao giờ tôi ra khỏi làng, nên nói đến tỉnh tôi rất thích được đi xem. Nhưng tôi phải thú thực rằng thị trấn Utxen đã làm cho tôi mất hứng. Những ngôi nhà cổ kính có tháp, có lẽ chỉ bổ ích cho những người thích khảo cổ, không làm cho tôi vui mắt chút nào.

    Tuy nhiên, tôi vẫn nhìn kỹ những ngôi nhà đó, không phải để xem xét kiến trúc, vẻ mỹ lệ, mà chỉ để xem trong đó có một hiệu giày nào không?

    Đôi giày của tôi, đôi giày mà ông già đã hứa, bây giờ sắp đến lúc tôi được xỏ chân!

    Cái cửa hàng đáng quý ấy, cửa hàng sắp bán cho tôi đôi giày mới không biết ở chỗ nào? Tôi chỉ để mắt nhìn cửa hàng đó, còn ngoài ra, nào tháp, nào lầu, nào cột trụ mỹ thuật, tôi chẳng thiết gì.

    Vì thế mỗi ký ức độc nhất mà thị trấn Utxen còn để lại cho tôi là cái cửa hàng tường ám khói, trông tối om, ở cạnh chợ. Mặt trước cửa hàng có bày bán nhiều đồ cũ: Súng gỉ, áo nhà binh thêu những lon vàng và những ngù vai tua bạc, rất nhiều đèn và một thúng đồ sắt cũ trong đó có vô số khóa hỏng. Phải bước xuống ba bậc, mới vào được trong cửa hàng. Đó là một phòng lớn và thấp, có lẽ từ ngày cất nóc đến nay, mặt trời chưa chiếu vào đây bao giờ.

    Sao một vật quý giá như đôi giày lại có thể bán trong cái hiệu ghê tởm này được?

    Tuy nhiên, khi bước vào hiệu này. Ông Vitali đã biết rõ là phải được việc, nên một lúc sau tôi được cái diễm phúc là xỏ chân vào đôi giày đế đinh nặng gấp mười lần đôi guốc của tôi.

    Tính rộng rãi của thầy tôi đến đó chưa hết. Mua xong giày, thầy tôi còn sắm cho tôi một cái áo vét nhung xanh, một cái quần len và một cái mũ phớt, tóm lại là đủ các thứ mà thầy tôi đã hứa. Một kẻ xưa nay mặc toàn đồ vải, nay có áo nhung, xưa nay chỉ dùng guốc gỗ, nay có giày đế đinh, xưa nay chỉ lấy tóc để đỡ nắng mưa, nay có mũ phớt, thực không ngờ đến. Thầy tôi thực sự là một người tử tế nhất trên đời, một người quảng đại nhất và giàu nhất.

    Sự thực thì nhung đã nhàu, len đã sờn, cũng sự thực là khó mà phân biệt được màu sắc của một cái mũ phớt đã trải qua bao phong trần, nhưng lúc đó tôi thích quá thành ra lóa mắt không nhận thấy những khuyết điểm ở bộ đồ mới của tôi.

    Tôi mong chóng được mặc quần áo mới. Nhưng trước khi trao quần áo cho tôi, thầy tôi đã sửa nó đi làm cho tôi vừa kinh ngạc vừa đau lòng. Chả là khi về đến nhà trọ, thầy tôi đã lấy kéo trong đẫy cắt cụt hai ống quần đến đầu gối. Thấy tôi nhìn bằng đôi mắt kinh hãi, thầy tôi bảo:

    - Việc này cốt làm sao cho con khác hẳn những đứa trẻ khác. Chúng ta đang ở Pháp, ta cho con mặc kiểu Ý. Rồi nếu chúng ta sang Ý, ta sẽ cho con mặc kiểu Pháp, không khó khăn gì.

    Tôi chưa hết kinh ngạc, thầy tôi nói tiếp:

    - Chúng ta là ai? Là những tài tử phải không? Là những kịch sĩ thì phải gợi tính hiếu kỳ của công chúng, tức là phải làm thế nào cho công chúng chú ý mới được. Con có tin rằng với những bộ quần áo nhà giàu hay dân quê, chúng ta diễn trò, người ta phải đứng lại nhìn chúng ta không? Chắc chắn không? Phải thế không con? Con phải biết ở đời, sự quảng cáo đôi khi cũng cần thiết, điều đó đáng buồn, nhưng ta không thể nào làm khác được.

    Vì lẽ đó, có khi mỗi buổi sáng tôi là người Pháp, chưa đến buổi chiều tôi đã là người Ý rồi.

    Quần áo cắt cụt đến đầu gối. Bít tất dài của tôi được thầy tôi dùng dây quấn chéo ở ngoài như chiếc xà cạp. Còn mũ của tôi cũng được quấn thêm nhiều dải lụa sặc sỡ và đính thêm một túm hoa bằng len.

    Tôi không rõ người ngoài coi bộ dáng đó sẽ nghĩ gì về tôi. Nhưng để tỏ ra là thành thực, tôi xin nói là tôi tự thấy mình oai quá. Mà có lẽ đẹp thật, vì con Capi, bạn tôi, đã ngắm nghía tôi rất lâu và giơ chân bắt tay tôi, lấy làm thích thú lắm. Sự thay đổi hình dạng của tôi không những được Capi khen ngợi mà còn được Giôlicơ vui vẻ tán thành, vì trông khi tôi mặc quần áo, vừa nhăn mặt nó vừa bắt chước bộ diện tôi và cường điệu lên. Khi tôi mặc xong, nó để hai tay lên cạnh sườn, đứng ngả đầu về phía đằng sau gật gù và "cười" lên những tiếng chế nhạo.

    Tôi thường nghe người ta nói rằng: Thực là một vấn đề khoa học lý thú nếu tìm hiểu xem giống khỉ có biết cười hay không. Tôi tưởng rằng những người nêu ra vấn đề đó là những nhà bác học chỉ biết ngồi trong văn phòng không bao giờ trông thấy con khỉ và để công nghiên cứu giống khỉ. Còn tôi, được sống trong tình thân mật với khỉ, với Giôlicơ, trong một thời gian khá lâu, tôi có thể nói quả quyết rằng giống khỉ biết cười và lắm khi còn chế nhạo tôi nữa. Cái cười của giống khỉ nhất định không giống cái cười của người. Nhưng khi có điều gì làm cho nó hoan hỉ, người ta trông thấy hai bên mí mắt nó híp lại, hai hàm răng nó rung lên, nhất là hai con mắt tỏa ra một tia lửa như hai hòn than hồng được thổi rực lên.

    Những dấu hiệu đặc biệt của cái cười đó đã có lần làm cho tôi rất khó chịu. Khi tôi đội mũ xong, ông Vitali bảo tôi:

    - Ngày mai là phiên chợ, ta sẽ mở cuộc biểu diễn. Con đã ăn mặc xong rồi, bây giờ chúng ta bắt tay vào việc để đến mai con có thể "nhập nghề".

    Tôi tự hỏi, không biết "nhập nghề" là cái gì, thì ông Vitali bảo tôi:

    - Nghĩa là con sẽ ra sân khấu lần thứ nhất diễn trò trước công chúng.

    Ông nói tiếp:

    - Ngày mai là buổi biểu diễn đầu tiên, con sẽ có mặt ở đó. Nay ta dạy con đóng vai trò mà con phải đảm trách.

    Tôi ngơ ngác chẳng hiểu gì cả.

    - Con ơi, vai trò tức là những việc con phải làm trong buổi diễn. Ta đưa con đi, không phải là cốt cho con cái thú đi chơi, vì ta chẳng giàu có gì. Đưa con đi là để cho con làm việc. Mà việc của con chính là việc đóng trò với đồ đệ của ta. Tôi lo sợ kêu lên:

    - Con không biết diễn trò.

    - Chính vì thế mà ta phải dạy con. Chắc con cũng biết rằng không phải tự nhiên mà con Capi biết đi bằng hai chân sau, không phải vì khoái chí mà con Đônxơ thích nhảy dây. Chúng phải tập tành khá nhiều và khá công phu mới có được những biệt tài đó và mới trở thành những diễn viên kỳ diệu. Thế thì con, con cũng phải luyện tập những vai trò mà con phải đóng với chúng. Vậy ta phải bắt đầu tập luôn.

    Hồi ấy, tôi có một ý nghĩ rất ngây thơ về làm việc. Tôi tưởng tượng đi làm tức là phải cuốc đất, chặt cây, đẽo đá và không biết gì khác nữa. Ông Vitali nói:

    - Vở kịch mà chúng ta sắp diễn nhan đề là "Người đầy tớ của ngài Giôlicơ" hay là "Kẻ đần độn nhất không phải là kẻ người ta tưởng". Đây là cốt truyện: Ngài Giôlicơ từ trước vẫn có một người đầy tớ rất vừa ý là Capi. Nhưng Capi ngày một già yếu, nên ngài Giôlicơ muốn nuôi một người đầy tớ khác. Capi được cử đi tìm người đầy tớ đó, nhưng nó không tìm được một con chó khác để kế chân nó, mà nó tìm một đứa con trai ở nhà quê tên là Rêmi.

    - Như con.

    - Không như con, mà chính là con. Con ở làng lên tỉnh để giúp việc cho ngài Giôlicơ.

    - Nhưng con khỉ làm gì có đầy tớ?

    - Trong hài kịch thì có. Con đến nơi, ngài Giôlicơ nhận thấy con có vẻ khờ dại.

    - Thế thì chẳng thú vị chút nào.

    - Không sao, vì để làm trò cười thôi. Con hãy tưởng tượng con đến một nhà giàu để hầu hạ thực, và họ sai con dọn bàn ăn chẳng hạn. Kia là cái bàn sẽ dùng khi diễn trò. Con lại xem và thử đặt bát đĩa. Trên bàn đó, có mấy cái đĩa, một cái cốc, một con dao, một cái dĩa và một cái khăn ăn trắng. Sẽ phải sếp đặt thế nào nhỉ? Đứng bên cạnh bàn, tôi tự hỏi thế, mặt thuỗn ra, mồm há hốc, đầu cúi về đằng trước, hai tay giơ ra, luống cuống không biết phải làm gì trước. Thầy tôi vỗ tay, cười ngặt nghẽo.

    - Hay! Hay tuyệt! Cách vận dụng dung mạo của con khéo lắm. Thằng bé ta nuôi trước con làm hỏng vì coi bộ láu lỉnh quá. Con không khờ khạo, vẻ ngây thơ của con trông rất thích hợp.

    - Con chẳng hiểu con làm gì.

    - Chính điều đó lại là điều cốt yếu. Đến mai, hay trong vài ngày nữa, con sẽ hiểu rõ những điều mà con sẽ phải làm. Lúc đó, con phải nhớ lại cái điệu bộ bối rối của con bây giờ và làm như con không biết gì. Nếu con diễn lại được cái điệu bộ ngây ngô và cái dáng điệu lúng túng đó, con sẽ được hoan hô nhiệt liệt. Vai của con là phải diễn tả một người quê mùa, chưa trông thấy gì và không biết gì. Anh ta đến nhà một con khỉ, anh ta tự thấy mình ngu xuẩn và vụng về hơn con khỉ. Kẻ ngu hơn con khỉ, đó là vai của con. Muốn đóng cho tốt, con chỉ việc giữ dáng điệu của con như ngày hôm nay là được.

    "Người đầy tớ của ngài Giôlicơ" không phải là kịch dài, diễn độ hai mươi phút là xong. Nhưng chúng tôi phải luyện tập và diễn thử đến ba tiếng đồng hồ. Ông Vitali bắt tôi và nhất là những con chó làm đi làm lại mỗi việc đến ba lần, bốn lần, có khi đến mười lần.

    Thực vậy, những con chó hay quên một vài phân trong vai của chúng, nên ông Vitali phải bắt đầu dạy lại. Lúc đó, tôi nhận thấy chúng tôi là một người rất nhẫn nại và ôn hòa. Tôi còn nhớ ở làng tôi, người ta đối đãi với con vật một cách khác hẳn. Chửi và đánh là hai phương pháp duy nhất để huấn luyện gia súc.

    Việc diễn tập dù phải kéo dài đến bao nhiêu, thầy chúng tôi không hề bực tức một lần nào, không hề chửi rủa một câu nào. Khi không vừa ý, thầy tôi chỉ nghiêm nét mặt mà nói:

    - Capi! Hỏng, không được! Còn Giôlicơ! Con không bao giờ để ý cả. Phải mắng bây giờ!

    Có thế thôi. Chỉ thế là cùng. Buổi diễn tập xong, thầy bảo tôi:

    - Này con! Con xem con có thể theo nghề diễn trò được không?

    - Con không biết.

    - Con có thấy chán không?

    - Không. Con có phần thích.

    - Như thế thì tốt lắm. Con có tư chất thông minh và có nết, quý hơn nữa là sự chú ý. Chú ý và dễ bảo thì làm gì cũng được. Con hãy trông những con chó của ta và so sánh nó với con Giôlicơ. Có lẽ con khỉ lanh lợi hơn, nhưng nó rất khó bảo. Nó dễ thuộc, nhưng dễ quên. Nó không bao giờ vui lòng làm những điều ta sai bảo nó, lại hay hục hặc, bướng bỉnh. Đó là bản tính của nó, nên ta không bực tức. Giống khỉ không như giống chó, nó không có ý thức về bổn phận và do đó kém xa giống chó. Con có hiểu không?

    - Dạ!

    - Vậy con ơi! Con phải chú ý, phải dễ bảo. Phải hết lòng, hết sức vào công việc con làm. Trong đời phải như thế.

    - Thầy thực là hiện thấn của sự nhẫn nại. Suốt buổi diễn tập, lúc nào cũng bình tĩnh không hề gắt gỏng với con hay các con vật bao giờ.

    Ông Vitali mỉm cười:

    - Từ trước đến giờ con chỉ ở cạnh những người dân quê quen tàn nhẫn với loài vật. Họ tưởng muốn sai khiến loài vật lúc nào cũng phải có cái gậy trong tay.

    - Mẹ con rất tốt với con Russet.

    - Thế là bà ấy biết lẽ phải. Bà ấy sáng suốt hơn mọi người khác, bà hiểu rằng ngọt ngào hơn là hung hãn. Ta không bao giờ đánh những con vật ta nuôi. Chúng sẽ khiếp sợ, sự khiếp sợ làm nhụt trí khôn. Hơn nữa, ta cũng không bao giờ nổi giận lên với chúng, vì nếu ta phải khùng thì ta không phải là ta nữa, ta sẽ không giữ được cái tính kiên trì mà con đã nhận thấy. Chính những kẻ dạy người ta học lại học được nhiều điều. Ta đã cho những con chó của ta bao nhiêu bài học, thì ngược lại, ta đã nhận của chúng bấy nhiêu bài. Ta mở mang trí khôn cho chúng, chúng tu dưỡng tính tình cho ta.

    Nghe câu nói lạ, tôi cười.

    - Con cho thế là lạ lùng phải không? Một con chó có thể dạy được người? Thế mà thực đấy. Con thử nghĩ xem. Con có nhận thấy rằng một con chó bao giờ cũng chịu ảnh hưởng của chủ không?

    - Điều đó đúng lắm.

    - Vì thế, khi đã bắt tay vào việc giao hóa một con vật, người chỉ phải giữ gìn tư cách. Trong khi dạy Capi, giả sử ta phát khùng, phát cáu, Capi sẽ làm gì? Nó cũng sẽ theo gương ta phát khùng, phát cáu rồi thành ra hư hỏng. Con chó thường là tấm gương phản chiếu của người nuôi. Cho ta xem con chó của con, ta có thể bảo con là người thế nào. Quân cướp có con chó ăn cướp, kẻ trộm có con chó ăn trộm. Người quê mùa có con chó thô tục. Người phong nhã có con chó đáng yêu.

    Các bạn tôi, ba con chó và con khỉ, được tôi cùng đóng trong trò nên vui thích lắm, chúng chờ ngày mai đến không e sợ gì. Về phần chúng, chúng đã được làm đi làm lại đến trăm, nghìn lần rồi. Còn tôi, tôi không được yên tâm như chúng. Tôi nghĩ ngợi, nếu tôi diễn hỏng, thầy tôi sẽ bảo sao? Khách xem sẽ nói gì? Ý nghĩ đó làm tôi rối óc. Khi tôi ngủ, tôi mơ thấy những người đến xem ôm bụng cười, chế nhạo tôi.

    Vì thế, sáng hôm sau, lúc rời nhà trọ ra chỗ diễn, lòng tôi xao xuyến vô cùng. Ông Vitali đi trước, đầu ngẩng cao, ngực ưỡn, tay ve vẩy, chân bước theo nhịp tiêu ông thổi bài khiêu vũ. Sau ông là Giôlicơ, với bộ nhung phục đại tướng Anh, áo quần đỏ, lon vàng, mũ cao đỉnh cắm một chiếc lông dài, Giôlicơ bệ vệ cưỡi trên lưng Capi. Rồi cách xa một chút để tỏ ý kính trọng, Decbinô và Đônxơ xếp hàng đôi đi sau. Cuối cùng là tôi.

    Vẻ rầm rộ của đoàn chúng tôi làm mọi người chú ý. Hơn nữa tiếng tiêu lanh lảnh của thầy tôi lại lọt vào tới tận cùng mọi nhà, gợi óc tò mò của dân phố Utxen. Họ đổ xô ra cửa. Họ vén màn cửa sổ để xem chúng tôi đi qua. Một lũ trẻ con theo sau chúng tôi, cả mấy người nhà quê cũng nhập bọn thành một đoàn dài.

    Sân khấu của chúng tôi được dựng một cách nhanh chóng: Một cuộn dây chăng xung quanh bốn gốc cây thành một hình vuông dài, chúng tôi ở giữa.

    Phần thứ nhất của cuộc diễn gồm có những trò múa của những con chó. Chúng diễn thế nào tôi cũng không biết, vì óc tôi còn mải ôn lại vai trò sắp diễn ra và rất lo lắng. Tôi chỉ nhớ rằng ông Vitali cất ống tiêu vào túi, lấy vĩ cầm ra kéo những khúc khiêu vũ rất nhịp nhàng hoặc những bài êm ái du dương.

    Công chúng đến mỗi lúc một đông, chen chúc chung quanh hàng dây chắn. Tôi ngẩng mặt lên, mắt tôi vấp phải trăm nghìn con mắt tò mò nhìn chòng chọc dường như ra những tia sáng chói.

    Phần thứ nhất chấm dứt. Capi mồm ngậm cái bát gỗ con, đi bằng hai chân sau, lần lượt tới các quý khán giả đứng chung quanh hàng dây. Khi không có ai ném tiền cho nữa, nó đặt bát xuống sân, lấy hai chân trước kề vào áo khán giả nào dửng dưng, ăng ẳng hai ba tiếng và lấy chân vỗ vào túi quý vị đó như muốn mở ra. Lúc đó, công chúng như cười phá lên, kẻ nói đùa, người chế nhạo:

    - Con chó tinh thế! Nó biết người nào túi nặng!

    - Thôi, cho ra đi!

    - Anh ta sắp cho.

    - Anh ta chẳng cho!

    - Cho đi! Gia tài chú anh sẽ đền bù cho anh!

    Thế là cuối cùng những đồng bạc dù nằm sâu ở đáy túi cũng phải thòi ra.

    Trong khi đó, ông Vitali không nói một câu gì, mắt không quên nhìn bát tiền, tay luôn luôn kéo những bài khi nhặt, khi khoan. Lát sau, Capi ngậm bát tiền đầy đem lại cho chủ, có vẻ hãnh diện lắm.

    Bây giờ đến lượt Giôlicơ và tôi diễn trò.

    Vitali ra hiệu cả bằng tay kéo và tay đàn cho chúng tôi và nói:

    - Thưa quý bà, thưa quý ngài, chúng tôi xin tiếp tục buổi diễn bằng một vở kịch vui "Người đầy tớ của ngài Giôlicơ". Một người như tôi không bao giờ tự hạ để khoe hay và khen trước những tài tử của mình. Tôi trân trọng đề nghị một điều là xin quý vị hãy để mắt, để tai vào tấn kịch và sửa soạn tay để hoan hô.

    Cái mà ông Vitali gọi là kịch vui đó là một tấn tuồng câm, nghĩa là một bản diễn toàn bằng điệu bộ, chứ không dùng lời. Mà bắt buộc phải như thế, vì một lẽ rất dễ hiểu là hai vai chính trong kịch không biết nói. Và vai thứ ba là tôi, tôi không thể mở miệng nói được hai câu. Tuy nhiên, muốn cho công chúng dễ hiểu ông Vitali giới thiệu và giải thích trước khi mỗi trò sắp ra.

    Vừa kéo khúc quân hành, ông vừa giới thiệu lúc Giôlicơ ra sân khấu:

    - Đây là ngài Giôlicơ, đại tướng Anh quốc đã thăng quan tiến chức và làm giàu trong thời chiến tranh ở Ấn Độ. Từ trước đến giờ ngài có một kẻ hầu là con Capi. Nhưng ngày nay ngài muốn dùng người để thay thế. Ngài có thừa đủ phương tiện để làm việc xa xỉ đó: Những giống vật đã làm nô lệ cho loài người lâu lắm rồi, bây giờ là lúc đổi lại. Trong khi đợi người đầy tớ mới, đại tướng Giôlicơ đi lại chững chạc, miệng ngậm điếu xì-gà lớn. Ngài lại tinh quái nhằm thở khói vào mặt khán giả.

    Đợi lâu, đại tướng nóng ruột, ngài bắt đầu trợn mắt lên như sắp nổi trận lôi đình, rồi ngài cắn môi, rồi ngài giậm chân xuống đất. Đến cái giậm chân thứ ba, tôi phải ra trò do Capi dắt. Nếu tôi quên thì có Capi nhớ. Tôi đang bàng hoàng. Capi bỗng giơ chân ra dắt tôi vào cạnh đại tướng.

    Vừa nhìn thấy tôi, đại tướng giơ hai tay lên trời, thất vọng. Tìm cho ngài người đầy tớ thế này ư? Rồi, ngài ngửa đầu nhìn kỹ mặt tôi, ngắm chung quanh tôi và so vai lên tỏ ý không bằng lòng. Điệu bộ ngài trông rất ngộ, mọi người đều cười ầm. Công chúng hiểu rằng đại tướng nhận thấy tôi là một kẻ đại ngu ngốc. Mà chính ngay khán giả cũng cho tôi là thằng ngu ngốc.

    Vở kịch đã chú ý xây dựng để phô diễn được hết cái ngu ngốc của một người ngu xuẩn. Mỗi một lớp, tôi lại phải tỏ một vài cử chỉ khờ dại, trái lại con Giôlicơ lại có dịp để biểu lộ trí thông minh và tài lanh lợi của nó.

    Sau khi đã ngắm nghía tôi từ chân lên đến đầu, đại tướng tỏ ý thương tình và cho tôi ăn. Ông Vitali nói:

    - Đại tướng nghĩ rằng khi thằng bé này được ăn no thì nó không ngốc nữa. Chúng ta hãy xem nào.

    Tôi vào ngồi cạnh một cái bàn con, trên có đặt đủ bộ đồ dùng để ăn. Trước mặt tôi có một cái khăn đặt trong cái đĩa.

    Cái khăn này dùng để làm gì? Capi ra hiệu cho tôi bảo dùng đi. Nhưng dùng thế nào bây giờ? Tôi nghĩ ngợi mãi, rồi cầm khăn lên toan xì mũi vào.

    Thấy vậy, đại tướng cười ngạt nghẽo. Capi thất vọng ngã lăn ra, bốn chân chổng lên trời.

    Nhận thấy mình nhầm, tôi ngắm nghía cái khăn lần nữa, nghĩ mãi, nghĩ mãi mới ra. Tôi liền cầm khăn cuộn lại thành cái cà-vạt quàng vào cổ. Capi lại lăn đùng ra. Đại tướng lại ôm bụng cười.

    Rồi tôi cứ dùng nhầm mãi, đại tướng bực mình lôi tôi ra khỏi ghế. Ngài ngồi vào chỗ tôi, dùng suất ăn đã dành cho tôi.

    A! Đại tướng dùng khăn ăn rất thạo! Một cách rất duyên dáng, ngài cài một đầu khăn vào khuyết áo, còn đầu kia trải lên đầu gối. Rồi ngài bẻ bánh và uống rượu một cách rất tự nhiên. Ăn xong, ngài lại không quên dùng tăm xỉa bộ răng trắng ởn.

    Tiếng vỗ tay nổi dậy từ bốn phía. Và cuộc diễn kết thúc một cách rất hoàn hảo.

    Con khỉ đã thông minh biết bao! Người đầy tớ thực đã khờ khạo biết bao! Khi trở về nhà trọ, thầy tôi không dứt lời khen ngợi tôi. Tôi rất sung sướng đã làm thầy tôi vui lòng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng mười hai 2021
  9. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,890
    Chương 7: Học vỡ lòng

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Những nghệ sĩ đại tài của ông Vitali - tôi muốn nói những con chó và khỉ - nhưng những tài hoa đó không được thay đổi và biến hóa. Khi chúng diễn xong ba hay bốn trò, thì người ta biết hết chương trình. Mà chúng chỉ có thể diễn đi diễn lại những trò đó thôi. Vì thế, không thể lưu lại lâu ở một tỉnh nào. Ở Utxen được ba ngày, chúng tôi lại phải tìm đi nơi khác.

    - Thưa thầy, bây giờ đi đâu?

    Tôi đánh bạo hỏi thầy tôi như thế. Thầy tôi nhìn tôi và trả lời:

    - Con không biết vùng này à?

    - Không.

    - Thế sao con lại hỏi bây giờ đi đâu?

    - Để biết.

    - Biết cái gì?

    Tôi bí quá, nhìn con đường trắng xóa trước mặt dài dằng dặc vào tận một thung lũng sâu và rậm rạp, không tìm được câu trả lời.

    Thầy tôi nói tiếp:

    - Nếu ta bảo con là chúng ta đến Oriăc, để đi Boocđô, rồi từ Boocđô lại Pyrênê, thì con có hiểu gì không?

    - Thế thầy biết rõ miền này à?

    - Ta chưa đi qua bao giờ.

    - Thế sao thầy cũng biết những nơi chúng ta phải đi?

    Thầy tôi nhìn tôi một lúc lâu như muốn tìm hiểu điều gì trong lòng tôi. Đoạn thầy tôi hỏi tôi:

    - Con không biết đọc phải không?

    - Không ạ.

    - Con có biết thế nào là quyển sách không?

    - Có. Người ta thường mang sách đến nhà thờ để đọc kinh, khi người ta không niệm bằng tràng hạt nữa, con đã được nhìn thấy nhiều sách, những sách đẹp, trong có ảnh, ngoài bọc da.

    - Tốt. Vậy con có hiểu người ta đã in vào trong sách những câu kinh không?

    - Có ạ.

    - Người ta có thể viết những điều khác nữa vào trong sách. Khi con niệm tràng hạt thì con đọc lại những tiếng mà mẹ con đã rót vào tai con. Những tiếng đó từ tai con xếp vào óc con, để rồi khi con niệm, thì những tiếng đó xuống đầu lưỡi con và ra trên môi con. Còn như những người đọc kinh bằng sách thì họ không rút những tiếng ở trong óc họ ra. Họ dùng mắt để lấy những tiếng đó đã in sẵn trong sách. Thế nghĩa là họ đọc đấy.

    Tôi mừng quá, như một người không ngu ngốc nữa, đã hiểu thấu những điều người ta nói cho mình hay, liền nói: Con đã trông thấy người ta đọc sách.

    Thầy tôi nói tiếp:

    - Người ta đã làm sách chép kinh, thì người ta cũng có thể làm sách chép những điều khác được. Ta cũng có một quyển sách, khi nào rỗi sẽ đưa con xem. Ta sẽ tìm thấy trong sách đó những chuyện của những tỉnh mà ta đi qua. Những người đã ở đây hay đã đi qua những tỉnh đó đã "để" vào trong cuốn sách của ta những điều họ đã trông thấy hay đã nghe thấy. Ta chỉ việc mở cuốn sách của ta ra đọc và biết được những tỉnh đó. Ta biết chuyện các nơi đó chẳng khác chi có người kể lại bên tai cho ta nghe vậy.

    Tôi vốn sống ở nơi quê mùa, nên không có ý niệm gì về đời sống văn minh. Những lời nói đó của thầy tôi đã chiếu rọi vào óc tôi trước còn lờ mờ, sau sáng sủa dần. Thực ra mẹ tôi cũng đã cho tôi đi học nhưng chỉ học được một tháng thôi. Trong tháng đó, người ta không hề đặt quyển sách vào tay tôi, cũng không hề dạy tôi tập đọc hay tập viết. Tóm lại người ta không hề dạy tôi một bài học nào bất cứ dưới hình thức nào.

    Không nên đem những tình hình hiện hữu ở các trường học ngày nay mà cho lời tôi nói là vô lý. Vì hồi đó có rất nhiều làng ở nước Pháp không có trường học. Ở những làng có trường học thì các thầy, vì lẽ này hay lẽ khác, nghĩa là các thày không biết gì, hay có biết nhưng còn công việc khác phải làm, các thày chẳng dạy gì cả. Các thày chỉ việc giữ trẻ con khỏi chạy rông, tưởng rằng thế là đủ nhiệm vụ rồi.

    Đó là trường hợp thầy giáo ở làng tôi. Không biết thầy có đôi chút học thức không? Có thể có, tôi không dám buộc thày vào tội dốt. Nhưng sự thực là trong suốt thời gian tôi đến nhà ông, ông không hề cho bạn tôi cũng như cho tôi một bài học ngắn nào. Ông vốn chuyên nghề đẽo guốc, nên ông chỉ đẽo guốc. Từ sáng đến tối, người ta thấy thày lúi húi làm bắn chung quanh thày những vỏ bào gỗ dẻ hay gỗ hồ đào. Chẳng bao giờ thày nói với chúng tôi một lời, trừ khi thày hỏi thăm cha mẹ chúng tôi, hay nói về trời rét, trời mưa. Đến việc tập đọc, làm tính, tuyệt nhiên thày không nói một tiếng nào. Về việc này, thày giáo cho cô con gái thay thày để dạy chúng tôi. Nhưng cô này chuyên nghề may thuê, cũng chăm làm như cha. Trong khi thày bào, đẽo, thì cô múa cây kim thoăn thoắt.

    Phải làm để sống. Vì chúng tôi cả thảy là mười hai học sinh, mỗi tháng mỗi người phải đóng năm mươi xu. Tổng cộng là sáu phơ răng không đủ nuôi sống hai người trong ba mươi ngày. Những cái guốc và đồ khâu phải bổ sung cho số thu nhập của nhà trường. Vì thế, có đến trường, có đi học, mà tôi không được một chữ nào.

    Tôi vừa đi vừa nghĩ. Một lúc lâu, tôi hỏi ông Vitali:

    - Học đọc có khó khăn lắm không?

    - Khó cho những kẻ tối dạ. Khó hơn nữa cho những kẻ không có chí. Con có tối dạ không?

    - Con không biết. Nhưng nếu thày dạy con tập đọc, con chắc rằng con không đến nỗi không có chí.

    - Tốt lắm. Chúng ta sẽ học, khi nào có thì giờ.

    Khi nào có thì giờ! Sao không bắt đầu ngay từ bây giờ. Tôi không hiểu rằng học đọc cũng khó, có dễ đâu. Tôi cứ tưởng tượng mở quyển sách ra là lập tức đọc được ngay.

    Hôm sau, trong khi đi đường, tôi thấy thày tôi cúi xuống đất nhặt một mảnh gỗ mỏng, cát bụi bám gần khắp. Thầy tôi bảo tôi:

    - Sách tập đọc của con đây.

    Quyển sách sao lại là một mảnh gỗ? Tôi nhìn thầy tôi xem ông có ý chế giễu tôi chăng. Tôi thấy vẻ mặt thầy tôi nghiêm trang, nên tôi nhìn lại kỹ mảnh gỗ thầy tôi vừa nhặt được. Đó là một mảnh gỗ dẻ thôi, dài bằng cánh tay, rộng bằng hai bàn tay, hai mặt nhẵn nhụi. Ở trên không thấy một chữ hay một nét vẽ nào cả. Đọc thế nào trên mảnh gỗ đó? Mà đọc cái gì?

    Thầy tôi cười và hỏi:

    - Con nghĩ gì thế?

    - Thầy định giễu con?

    - Con ơi! Không. Sự chế giễu đôi khi cũng tốt là để cải hóa một thói xấu. Nhưng nếu dùng để đùa cợt một người dốt thì lại là vô ý thức. Con hãy đợi khi đến lùm cây ở đằng kia, chúng ta sẽ nghỉ và con sẽ được xem ta dạy con học bằng mảnh gỗ đó.

    Chúng tôi rảo bước đến chòm cây. Túi bỏ ra, chúng tôi ngồi trên đám cỏ xanh non, đó đây điểm vài bông cúc trắng. Giôlicơ được tháo xích, trèo tót lên cây, rung hết cành nọ đến cành kia như để làm rụng hạt dẻ. Còn những con chó trầm tĩnh hơn, nhất là nhọc mệt hơn, nằm tròn chung quanh chúng tôi.

    Ông Vitali móc dao trong túi ra, cầm mảnh gỗ, cố tách ra một miếng rất mỏng. Khi tách xong, thầy tôi lấy lưỡi dao cạo nhẵn cả hai mặt. Xong thầy tôi cắt thành từng miếng vuông nhỏ đều nhau, tôi đếm được mười hai miếng.

    Tôi chăm chú nhìn thầy tôi làm. Mặc dầu tôi nghĩ nát óc, tôi cũng không thể hiểu với những mẩu gỗ đó, thầy tôi làm sách bằng cách nào. Tôi tuy dốt nát thực, nhưng cũng biết, một quyển phải có những tờ bằng giấy trắng, bên trên có ghi những dấu đen. Bảo là sách thì những tờ giấy đâu? Những dấu đen đen đâu? Thầy tôi nói:

    - Đến mai ta sẽ lấy mũi dao khắc trên mỗi miếng gỗ đó một chữ cái. Con sẽ học và nhận mặt từng chữ. Khi con đã thuộc tất cả các chữ không nhầm, con sẽ ghép những chữ ấy lại thành tiếng. Khi con ghép được những tiếng ta đọc cho con theo, thế là con có thể tự mình nhìn trong sách mà đọc được.

    Từ hôm đó, trong túi tôi lúc nào cũng chứa đầy những miếng gỗ đẹp. Rồi không bao lâu tôi đã thuộc tất cả các chữ cái. Nhưng biết đọc lại là một chuyện khác. Không phải ngày một ngày hai mà đọc được. Đã có lúc tôi nghĩ mình rất dại, tự nhiên lại xin học chữ.

    Muốn cho công minh, tôi phải nói ra rằng không phải vì tôi lười mà tôi nghĩ thế, mà chính là vì lòng tự ái của tôi bị xúc phạm. Vì khi dạy tôi học. Ông Vitali nghĩ rằng cùng một lúc có thể dạy Capi được, vì con chó có thể xem giờ đồng hồ được, thì sao lại không nhận được mặt chữ.

    Thế là chúng tôi cùng học chung một bài. Tôi là bạn học của Capi, hay Capi là bạn học của tôi, nói thế nào cũng được. Lẽ dĩ nhiên, Capi không đọc lên được những chữ nó trông thấy, vì nó không biết nói, nhưng khi miếng gỗ bày ra trên cỏ, nó biết lấy chân kéo ra những chữ mà thầy tôi đọc lên.

    Buổi đầu, tôi học tấn tới hơn Capi nhiều. Nhưng nếu tôi thông minh hơn nó, thì nó cũng có trí nhớ hơn tôi. Cái gì nó đã thuộc rồi, thì nó nhớ mãi, không bao giờ quên. Vì nó không đãng trí, nên không bao giờ nó ngập ngừng hoặc nhầm lẫn cả. Một hôm tôi đọc sai, thầy tôi nói luôn:

    - Capi sẽ biết đọc trước Rêmi.

    Con chó nghe thấy, có lẽ nó hiểu nên nó đắc chí vẫy vẫy cái đuôi.

    Ông Vitali lại nói:

    - Ngu hơn loài vật, trong khi diễn trò thì hay, chứ lúc học mà thế thì xấu hổ lắm.

    Tôi bực quá, hết sức chăm chú, không dám sao nhãng phút nào. Ít lâu sau tôi đọc được, khi đó con Capi đáng thương chỉ biết "viết" tên nó bằng cách rút những chữ gỗ trong bảng chữ cái. Ông Vitali hỏi tôi:

    - Bây giờ con đọc chữ thông rồi, con có muốn học đọc "nốt nhạc" không?

    Đôi khi, ông Vitali có hát. Nghe ông hát lòng tôi rất thích thú, nhưng tôi không biết hát.

    - Vậy con muốn hát như ta?

    - Ô! Hát như thầy! Hát làm sao được. Con chỉ muốn hát được thôi.

    - Con thích nghe ta hát?

    - Thích nhất đời! Con họa mi hót đã hay, mà tiếng thầy còn hay hơn, mà giọng hát lại thay đổi luôn. Khi thầy hát lên, thầy có thể sai khiến được lòng con, lúc con muốn khóc, lúc con muốn cười. Và câu này con nói ra thì có lẽ thầy cho con là ngu xuẩn: Khi thầy hát giọng êm ái và buồn rầu, nghe những tiếng hát đó tự nhiên con nhớ đến mẹ con, và tưởng chừng như đang ở gần mẹ con, trông thấy mẹ con ở nhà. Tuy nhiên, con vẫn không hiểu những lời trong bài hát đó, vì nó bằng tiếng Ý.

    Tôi vừa nói vừa nhìn thầy. Tôi thấy thầy hơi rơm rớm nước mắt. Tôi thôi không nói nữa và hỏi thầy rằng:

    - Con nói thế làm cho thầy buồn?

    Bằng giọng cảm động, thầy tôi đáp:

    - Không, con ạ. Con không làm ta buồn đâu, trái lại, con làm ta nhớ lại thời trai trẻ, những ngày tươi đẹp của ta thôi. Con cứ yên tâm. Ta sẽ dạy cho con biết hát. Vì con là một đứa trẻ có tình cảm, con cũng sẽ làm cho người ta khóc được và con sẽ được hoan hô. Rồi con xem..

    Nói đến đây, thầy tôi bỗng ngừng lại. Tôi cho rằng về chuyện này thầy không muốn đi xa hơn nữa. Còn cái lý do làm cho thầy ngừng lời thì tôi không sao đoán được. Mãi về sau này tôi mới được rõ nguyên nhân trong những trường hợp thật đau khổ đối với tôi. Sau này, tôi sẽ xin kể đến việc đó.

    Sáng hôm sau, thầy tôi bắt đầu gọt những miếng gỗ vuông và dùng mũi dao khắc những dấu vào các miếng gôc ấy, chẳng khác gì lần trước, để làm sách dạy âm nhạc cho tôi.

    Tuy nhiên, công việc lần này của thầy tôi có phần khó khăn hơn, vì những dấu cần thiết để ghi nốt nhạc rất tỉ mỉ, đòi hỏi nhiều công phu hơn là bảng chữ cái.

    Mỗi miếng gỗ gọt nhẵn hai mặt, mặt nào cũng kẻ năm vạch ngang: Một mặt ghi khóa sol, một mặt ghi khóa fa. Khi đã làm xong đâu đấy, bài học bắt đầu. Tôi xin thú thực rằng những bài học đó cũng khó vào óc không kém những bài tập đọc. Nhiều lần, ông Vitali vốn là người rất kiên nhẫn với các con vật, đã phải gắt với tôi. Thầy tôi kêu to:

    - Với một con vật, người ta có thể chịu đựng được vì người ta biết đó là loài vật; còn con, con làm ta đến chết mất thôi!

    Thầy tôi vừa nói vừa giơ hai tay lên trời như khi diễn trò, rồi vỗ đét xuống đùi. Giôlicơ hay có tính bắt chước những cái lạ, liền "rập" đúng cái cử chỉ đó. Nó thường ngồi cạnh nhìn tôi tập hát. Khi tôi ấp úng, nó liền chạy ra, giơ thẳng hai tay lên trời, rồi vỗ đét vào đùi. Tôi bực mình quá nhưng không làm sao được. Đã thế, thầy tôi lại nói thêm:

    - Giôlicơ nó cũng giễu con đấy!

    Nếu tôi dám, thì tôi đã cãi rằng nó giễu cả thầy lẫn trò đấy. Nhưng phần vì kính trọng, phần vì nể sợ thầy, nên tôi không dám ứng đối thế. Tôi chỉ lẩm bẩm câu đó một mình, mỗi khi con khỉ vừa nhăm nhăn nhó vừa đập tay đánh đét lên đùi.

    Không bao lâu, bước đầu đã vượt qua với bao khó nhọc, tôi cầm giấy và đã đọc được những nốt nhạc mà thầy tôi ghi cho tôi.

    Hôm đó, thầy tôi không vỗ đùi nữa, mà lấy tay sẽ đập đập vào hai bên má tôi với vẻ trìu mến và tuyên bố rằng nếu tôi tiếp tục học như thế, tôi sẽ trở thành một đại danh ca.

    Quý độc giả đã biết, việc học của tôi không phải thực hành trong một ngày mà hàng tuần, hàng tháng với những mảnh gỗ lúc nào cũng chèn đầy trong túi. Hơn nữa, việc học của tôi lại không được đều đặn như việc học của học trò đến trường vào những giờ nhất định. Chỉ có lúc nào thầy tôi rảnh việc thì tôi mới được học.

    Mỗi ngày, chúng tôi phải đi cho hết đoạn đường hoặc dài, hoặc ngắn tùy theo những làng ở cách xa hay gần. Chúng tôi phải diễn trò mỗi khi gặp chỗ đông đúc có thể thu được tiền. Chúng tôi phải luyện lại những vai trò cho các con chó và con Giôlicơ. Chúng tôi còn phải nấu cơm bữa sáng, bữa chiều. Xong những việc đó, mới là thì giờ để học chữ hay học nhạc. Nơi dừng chân để học phần nhiều là trong quán chợ, dưới gốc cây hay trên đống đá, lấy bãi cỏ hay vệ đường làm bàn để bày những miếng gỗ. Cách học tập này khác hẳn cách học tập đối với phần đông những trẻ bằng tuổi tôi được đến nhà trường. Chúng tôi không phải làm lụng gì, chỉ có việc học. Thế mà nhiều khi chúng còn phàn nàn là không đủ thì giờ để làm bài. Nhưng có một điều quan trọng gấp mấy thì giờ để học tập, đó là sự chuyên cần. Không phải dành nhiều thời gian để học bài là có thể ghi được bài đó vào ký ức của ta đâu, mà cái chính là tập trung tư tưởng kia.

    May cho tôi, tôi đã tập trung hết tấm trí vào việc học không bị thú chơi đùa cám dỗ. Nếu tôi chỉ có việc ngồi trong phòng với hai tay bịt tai, hai mắt dán vào quyển sách như vài đứa trẻ ù lì khác, thì liệu tôi sẽ học được gì? Chẳng được gì cả, vì chúng tôi không có buồng để mà giam mình, và trong khi đi dường, tôi phải luôn nhìn xuống chân cho khỏi vấp ngã.

    Thế mà, tôi cũng đã học được đôi điều, đồng thời cũng tập quen đi đường trường, một môn học không kém bổ ích bằng những bài của thầy tôi. Tôi là đứa trẻ yếu ớt khi còn ở với mẹ tôi. Ông Bacbơranh đã kêu tôi là "đứa trẻ tỉnh thành". Ông Vitali đã chê tôi "chân tay mảnh dẻ quá", như vậy đủ hiểu tình cảnh của tôi hồi đó đến thế nào.

    Ở cạnh thầy tôi, được sống những nơi thoáng đãng, lại được đi nhiều, chân tay trở nên cứng cáp, lồng ngực nở nang ra, da dày dạn nắng gió, vì thế tôi có thể chịu được rét cũng như bức, mưa cũng như nắng, chịu được đau buồn, thiếu thốn, mệt nhọc.

    Thời kỳ tập nghề này thực là một may mắn lớn cho tôi, vì nó đã rèn luyện tôi để sau này đủ sức chiến thắng những tai biến hiểm nghèo, ghê gớm dồn dập giáng xuống đầu tôi trong những ngày niên thiếu bơ vơ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng mười hai 2021
  10. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,890
    Chương 8: Núi quạnh đồi hoang

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chúng tôi chu du một phần miền Nam nước Pháp qua các tỉnh Ôvecnhơ, Vơlê, Lănggơđôc. Hành trình của chúng tôi rất đơn giản: Chúng tôi cứ tiến thẳng phía trước mặt, không cần suy tính. Khi nhìn xa thấy làng nào không đến nỗi xơ xác lắm, chúng tôi chuẩn bị rất chu đáo rồi mới tiến vào. Tôi trang sức cho chó, đội mũ cho Đônxơ, vận áo cho Decbinô, dán lông mày giả cho Capi để đóng vai ông già càu nhàu. Cuối cùng, tôi ép Giôlicơ phải mặc áo đại tướng. Việc này rất khó nhọc vì con khỉ biết rằng vận áo nghĩa là sắp phải lam việc, nên nó chống lại, nhảy nhót và giở nhiều trò kỳ quặc để trốn việc. Tôi phải gọi đến Capi giúp sức nó mới chịu quy hàng.

    Sửa soạn xong, ông Vitali thổi tiêu đi trước, chúng tôi thứ tự theo sau.

    Vào làng, nếu số người xem đông thì chúng tôi diễn, trái lại nếu người ít quá, xem chừng không thu được mấy, chúng tôi lại tiếp tục đi. Chỉ đến những thị xã lớn, chúng tôi mới ở nhiều ngày. Những hôm đó, buổi sáng rỗi, tôi được phép đi chơi rong phố với Capi, dĩ nhiên nó không khoác trang phục biểu diễn.

    Ông Vitali xưa nay vẫn giữ tôi luôn bên cạnh, bây giờ mới thả cho tôi tự do. Ông bảo tôi:

    - Ngẫu nhiên đã đưa con đi khắp nước Pháp trong khi những đứa trẻ bằng tuổi con đang cắp sách đi học, vậy con phải mở rộng mắt ra, nhìn lấy và học lây. Có điều gì con không hiểu, có điều gì con không hiểu, có điều gì làm con bối rối, con cứ hỏi ta, đừng ngại. Có lẽ ta không thể trả lời được tất cả những câu hỏi của con vì ta không dám tự phụ là biết hết, nhưng có lẽ nhiều câu ta cũng có thể giải thích làm thỏa được ý con. Vốn dĩ, ta có chuyên là ông bầu của những con vật làm trò rong đâu, vì ta đã học những điều khác, không phải những điều để "giới thiệu Capi hay Giôlicơ trước quý khán giả" như bây giờ đâu.

    - Thầy đã học nghề gì ạ?

    - Để một ngày nào ta sẽ cho con biết. Bây giờ con hãy biết rằng một người làm nghề "trình diễn chó" cũng có thể có địa vị trong xã hội. Và con cũng nên hiểu rằng nếu bây giờ con đang ở bậc thang dưới cùng trong xã hội, nếu con quyết chí, con có thể dần dần đạt một bậc cao hơn. Điều đó tùy thuộc hoàn cảnh một tý, còn tùy thuộc ở con rất nhiều. Con ơi! Con hãy nghe những bài học của ta, những lời khuyên của ta. Sàu này khôn lớn, con sẽ nhớ đến - ta mong thế - nhớ đến người nghệ sĩ giang hồ già nua đã rứt con từ trong tay người mẹ nuôi, chắc con phải ngậm ngùi và biết ơn, vì ta yên trí rằng cái duyên gặp gỡ giữa ta và con sẽ đem lại hạnh phúc cho con.

    Tôi không hiểu thầy tôi trước kia đã ở vào bậc nào trong bậc thang xã hội mà mỗi khi hơi nói chạm tới thì thầy tôi lại thôi. Điều đó nhiều lần gợi trí tò mò và làm cho óc tôi phải suy nghĩ. Nếu ông Vitali đã ở trên một bậc cao trong bậc thang xã hội như có lần ông đã nói thì sao bây giờ ông phải tụt xuống bậc thấp? Ông lại cho rằng tôi có thể lên cao nếu tôi muốn, tôi chẳng là cái gì, không biết gì, không gia đình và không một ai giúp đỡ. Thế sao chính ông lại bị xuống thấp?

    Sau khi đã vượt qua núi Ôvecnhơ, chúng tôi đến cùng đá vôi Xecxi. Ở đây mặt đồng mấp mô như sóng gợn, không trồng trọt gì, chỉ có những khoảng rừng thưa thớt, còm cõi. Đó là một miền bần bạc nhất và quạnh hiu nhất. Trong vùng, tuyệt nhiên không có một vũng nước nào, không có suối, không có sông, không có ao. Đây đó, người ta nhìn thấy những lòng khe cạn khô, đầy đá lởm chởm. Nước đã chảy hết vào vực thẳm và ngấm xuống đất để rồi rỉ ra những chỗ xa và chảy vào suối hoặc những sông con.

    Ở giữa cánh đồng cháy nắng đó, là làng Bastiđơ Muyra. Chúng tôi vào tìm chỗ trọ và ngủ đêm trong vựa cỏ của một hàng cơm. Tối hôm đó, trước khi đi ngủ, ông Vitali nói chuyện với tôi:

    - Ở trong vùng này, và có lẽ ngay trong quán trọ này đã sinh ra một người từng làm chết bao nhiêu quân lính. Người đó xuất thân chỉ là một trẻ chăn ngựa, rồi trở thành vương hầu, rồi lên đến ngôi vua, người đó tên là Muyra. Người ta coi là một vị anh hùng và lấy tên đặt cho làng này. Ta có quen ông ấy và đã nhiều lần nói chuyện với ông ấy.

    Tôi buột miệng hỏi: Khi ông ấy còn chăn ngựa?

    - Không. Khi ông ấy đã làm vua rồi. Tuy ta mới đến làng Bastiđơ này lần thứ nhất, nhưng ta đã gặp ông ấy tại thành Naplơ, ở giữa triều đình của ông ấy.

    - A! Thầy quen vua!

    Tôi thích chí kêu to quá làm thầy tôi phải bật cười và cười khá lâu.

    Chúng tôi ngồi trên cái ghế dài trước chuồng ngựa, lưng tựa vào bức tường còn nóng, vì phơi nắng ban ngày. Trên đầu chúng tôi lá sung rườm mượt, những con ve sầu kêu ri rỉ điếc tai. Trước mặt chúng tôi, trăng tròn lơ lửng quá nóc nhà đang dần dần lên cao. Ban ngày nóng nực bao nhiêu, thì đêm đó êm ả, mát dịu bấy nhiêu.

    Ông Vitali hỏi tôi:

    - Con có buồn ngủ không? Nếu không, ta kể chuyện vua Muyra cho con nghe.

    - Ồ! Xin thầy kể cho con nghe.

    Rồi thầy tôi kể từ đầu chí cuối chuyện đó cho tôi nghe. Chúng tôi ngồi trên ghế hàng mấy giờ đồng hồ, thầy tôi thì nói, tôi thì dán mắt vào mặt thầy tôi, lấp loáng trong ánh trăng xanh. Phải, chuyện đó có thể có được, không những có thể có mà còn thực nữa. Từ trước tới giờ, tôi không có một ý niệm gì về lịch sử cả. Ai kể cho mà nghe? Mẹ tôi chắc chắn là không kể, vì bà cũng chẳng biết lịch sử là gì. Bà sinh trưởng ở làng Savanông, rồi bà cũng sẽ từ trần ở đó. Óc bà không hề đi xa hơn con mắt bà. Và đối với con mắt của bà thì vũ trụ chỉ là vòm trời từ trên đỉnh núi Ôđudơ đến tận chân trời bao quanh mà thôi.

    Thầy tôi đã trông thấy bao nhiêu điều lạ, điều hay.

    Không biết trong thời niên thiếu, thầy tôi đã làm gì? Và tại sao đến lúc tuổi già, thầy tôi lại ở trong hiện trạng này?

    Đó là một câu hỏi làm cho bộ óc non nớt hiếu kỳ của tôi phải suy nghĩ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng mười hai 2021
  11. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,890
    Chương 9: Người khổng lồ với đôi hài bảy dặm

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đi hết vùng đá vôi hoang dã, chúng tôi tới một thung lũng mát mẻ, xanh tươi, đó là thung lũng sông Đoocđônnhơ. Chúng tôi ghé lại đây nhiều ngày liền. Vì đất phì nhiêu và dân phong phú. Chúng tôi diễn trò liên tiếp và với cái bát con, Capi cũng thu được nhiều tiền.

    Một cái cầu lửng lơ trên không như treo bởi những sợi dây của Thánh Mẫu, nằm ngang trên con sông, nước chảy lửng lơ, đó là cầu Cupdăc và sông Đoocđônnhơ.

    Một thành phố hoang tàn với những hầm, những hố, những tháp và những bức tường đổ nát của một tu viện ở giữa, có cây cối mọc um tùm và tiếng ve kêu ra rả. Đó là thành phố Thánh Emiliông.

    Tất cả những cảnh tượng hỗn độn đó lu mờ trong óc tôi, duy có cảnh trí sau này hiện rõ rệt trong trí nhớ đến ngày nay.

    Chúng tôi lưu lại một đêm trong làng nhỏ. Sáng hôm sau chúng tôi đến một khoảng mênh mông, phong cảnh hiện ra trước mắt như một bức tranh.

    Một con sông lượn quanh trái đồi mà chúng tôi vừa đến. Bên bờ sông, nổi lên san sát những mái nhà; những tháp chuông của một thành phố vươn mãi tận chân trời. Biết cơ man nào là nhà! Cơ man nào là ống khói! Một vài ống khói ngất nghểu như những cái cột cao vượt hẳn lên, nhả ra những cuộn khói đen, tỏa theo chiều gió, rồi tan ra thành một đám sương mù mờ trên thành phố. Dưới sông, thuyền đậu chen chúc bên nhau. Những cột buồm, dây buồm, cánh buồm đâm lên chi chít như đám cây rừng, trong đó những sắc cờ phần phật bay ngang. Người ta nghe thấy những tiếng ù ù, tiếng sắt, tiếng nồi súp-de, tiếng búa, thêm vào đó có cả tiếng xe cộ chạy ầm ầm trên bến nữa. Ông Vitali bảo tôi:

    - Thành phố Boocđô đấy!

    Đối với những đứa trẻ như tôi, từ bé đến giờ chỉ được trông thấy những xóm làng nghèo khổ ở vùng Crơdơ, hơn chút nữa là những tỉnh nhỏ tình cờ được trông thấy khi đi đường, thì thành phố này là một cảnh tiên.

    Không nghĩ ngợi gì, tôi đứng ngay lại, yên lặng nhìn đằng trước tôi, chỗ gần, chỗ xa và khắp cả xung quanh tôi. Song, mắt tôi chăm chú vào một điểm: Khúc sông có tàu thuyền đậu. Thực vậy, chỗ đó có một hoạt động tưng bừng mà tôi chưa nhìn thấy bao giờ.

    Có những chiếc tàu, căng cánh buồm, nghiêng mình chạy xuôi, những chiếc khác, chạy ngược dòng, chậm hơn. Cũng có chiếc đứng như những hòn đảo. Cũng có chiếc quay tròn như cánh chong chóng. Sau cùng, cũng có những chiếc không cột, không buồm, nhưng có một cái ống nhả từng cuộn khói đen lên trời, chạy ngang, chạy dọc rất nhanh, rẽ làn nước vàng và để lại ở đằng sau luồng bọt trắng xóa.

    Thấy tôi ngơ ngác, thầy Vitali giảng nghĩa cho tôi:

    - Đến giờ nước triều lên, những tàu này mới ở biển vào. Chúng đã đi xa và đi lâu nên nước sơn đã bạc, và vỏ ngoài đã gỉ. Những chiếc kia vừa rời bến. Còn những chiếc đang quay ở giữa sông là chúng xoay quanh neo để hướng mũi tàu về phía ngọn nước đang lên. Còn những chiếc đang chạy hiên ngang trong đám khói đen kia là những chiếc tàu kéo.

    Tôi được nghe bao nhiêu tên lạ và trông thấy bao nhiêu điều mới! Khi chúng tôi đi đến chiếc cầu nối liền Baxti với Boocđô thì thầy Vitali không có đủ thì giờ để trả lời lấy một phần trăm câu hỏi tôi muốn hỏi. Từ trước đến giờ, không bao giờ chúng tôi nghỉ lâu ở những tỉnh đã đi qua vì chúng tôi ít trò quá, phải đi mỗi ngày một nơi để diễn thì mới có khách xem. Với những kịch sĩ như trong gánh xiếc trứ danh của đoàn Vitali, chương trình khó lòng mà biến hóa cho nhiều. Vì thế khi chúng tôi đã diễn xong "Người đầy tớ của ngài Giôlicơ", "Cái chết của đại tướng", "Sự đắc thắng của người chính trực", "Liều thuốc tẩy", và ba bốn vở nữa coi như là hết. Khán giả xem đủ và cho là đủ rồi. Phải đem "Người đầy tớ của ngài Giôlicơ" hay "Liều thuốc tẩy" đến một nơi khác mà công chúng chưa được xem.

    Nhưng thành Boocđô là một đô thị lớn, khán giả thay đổi luôn luôn. Chúng tôi chỉ luân chuyển đi các phố là có thể diễn ba suất mỗi ngày. Công chúng không đến nỗi kêu như ở Caho: Cứ mãi một trò!

    Ở Boocđô được ít lâu, chúng tôi lại phải đi tỉnh Pô. Từ ngoại thành Boocđô đến dãy núi Pyrênê, chúng tôi phải qua một bãi sa mạc người ta thường gọi là Lăngđơ.

    Tôi tuy không phải là con chuột nhắt nói trong ngụ ngôn, trông thấy cái gì cũng lạ, cũng hay và cũng sợ, nhưng trong đoạn đầu cuộc hành trình trên sa mạc, tôi bị mỗi cái nhầm to khiến thầy tôi cười mãi và chế nhạo mãi đến tỉnh Pô mới thôi.

    Rời Boocđô được bảy tám ngày, sau khi theo bờ sông Garon đến Lănggôn thì chúng tôi sẽ sang đường đi Môngmacsăng. Không còn vườn nho, không còn đồng cỏ, không còn vườn quả nữa. Chỉ toàn rừng thông và bụi rậm. Những nhà dân mỗi ngày một tồi tàn hơn. Rồi chúng tôi đi qua một vùng đồng không mông quạnh, mặt đất mấp mô và bát ngát đến chân trời. Không có chỗ nào cày cấy, không có rừng, xa xa toàn đất xám. Gần chúng tôi, hai bên đường rêu phủ, lác đác có những bụi gai khô và những cây kim tước cằn cỗi. Thầy Vitali bảo tôi:

    - Chúng ta đang ở bãi Lăngđơ đấy. Còn phải đi trong sa mạc này từ hai mươi đến hai lăm dặm nữa. Con phải dồn hết can đảm vào hai chân con đấy.

    Tôi nghĩ không những phải dồn hết can đảm vào hai chân, mà còn phải để vào óc và tim nữa, vì đi trên con đường hình như vô tận này, tôi cảm thấy một nỗi buồn khó có thể xua tan được.

    Sau này, tôi đã nhiều lần đi biển. Mỗi khi tôi ở giữa biển khơi mà không trông thấy bóng một cánh buồm nào là lòng tôi lại thấy phảng phất một nỗi buồn khôn tả như nỗi buồn mà tôi cảm thấy trong bãi sa mạc này. Khác nào như ở trên biển cả, chúng tôi đưa mắt nhìn khắp bốn phương, cho tới chân trời chìm đắm trong màn sương mù chẳng thấy gì cả, chỉ thấy màu đất xám mênh mông, hiu quạnh ở trước mặt chúng tôi.

    Chúng tôi cứ tiến. Lắm lúc, ngước mắt nhìn chung quanh, tôi tưởng chừng như vẫn giậm chân nguyên một chỗ, không tiến được bước nào, vì cảnh tượng cứ y nguyên: Vẫn bụi gai, vẫn khóm kim tước, vẫn đám rêu và vẫn những cỏ dương, lá rậm và mềm, nhấp nhô theo làn gió như những lớp sóng gợn.

    Từng quãng rất xa mới lại thấy những khu rừng nhỏ. Nhưng những khu rừng này cũng chẳng làm phong cảnh thêm vui mắt như ở các chỗ khác. Rừng toàn là những cây thông chặt hết cành. Khắp thân đều mang vết chém sâu. Ở những vết thương đó chảy ra những giọt nhựa bám vào cỏ cây như những giọt lệ trắng kết tinh. Khi những cơn gió to thổi qua rừng, một âm thanh rên rỉ phát ra khiến ta tưởng tượng như nghe thấy tiếng của những thân cây khốn nạn kia đang than khóc phận mình.

    Thầy Vitali bảo tôi đến chiều hôm đó thì tới một làng mà chúng tôi có thể nghỉ chân được. Nhưng chiều đến, chúng tôi chẳng nhìn thấy dấu hiệu gì tỏ ra là đã đến gần làng đó. Không có đồng ruộng hoa màu, không có trâu bò ăn cỏ, mà ở xa cũng chẳng thấy một đám khói xanh nào chứng tỏ nơi đó có dân cư.

    Từ sáng sớm, tôi đã thấy mệt rồi. Đến bây giờ thì thân thể đau như dần. Thế mà đi mãi vẫn không thấy cái làng hạnh phúc đó nổi lên ở đầu con đường bất tận này.

    Tôi cố giương mắt nhìn xa, vẫn chỉ trông thấy toàn bãi hoang là bãi hoang. Những bụi cây hỗn loạn chìm dần vào trong bóng tối mỗi lúc một dày thêm.

    Tưởng rằng sắp tới nơi nên ai nấy đều rảo bước. Thầy tôi vốn quen đi đường trường, cũng thấy mệt rồi. Thầy tôi bảo dừng lại và nghỉ một lúc ở bên vệ đường.

    Đáng lẽ phải ngồi bên thầy tôi, tôi lại muốn leo lên trái đồi kim tước gần đó, xem quanh đấy có ánh đèn, lửa của một làng mạc nào không.

    Tôi gọi Capi cùng đi với tôi. Nhưng nó cũng nhọc và giả điếc. Đó là cái mánh lới vẫn quen áp dụng với tôi mỗi khi nó không thích nghe lời tôi. Thầy Vitali hỏi:

    - Con sợ à?

    Câu đó làm tôi không rủ Capi nữa, mà nhất quyết đi khám phá một mình. Nghĩ đến câu nói của thầy tôi, tôi trở nên mạnh dạn. Tuy nhiên, đêm tối, không trăng, chỉ có những ngôi sao lấp lánh trên trời tỏa sáng yếu ớt xuống vùng không khí ít nhiều hơi mù mỏng nhẹ.

    Tôi vừa đi vừa nhìn hai bên. Tôi nhận thấy lúc chạng vạng này làm cho mọi vật có một hình dáng kỳ lạ. Phải nhìn mãi mới đoán ra được đây là bụi rậm, là khóm kim tước và đằng xa kia là mấy cây nhỏ, thân cong queo, cành vặn vẹo. Xa hơn nữa, những bụi cỏ, những khóm cây trông giống những loài vật thuộc một thế giới huyền ảo.

    Thật kỳ lạ. Trong bóng tối lờ mờ, cánh đồng biến dạng hẳn, hình như chứa đầy những quái vật hiện hình.

    Tôi nghĩ một người khác vào địa vị tôi có lẽ phải khiếp sợ trước những hình thù kỳ quái đó. Điều đó có thể xảy ra được, vì thầy Vitali chẳng đã hỏi tôi rằng "con sợ" à? Tuy nhiên, tôi tự hỏi mình và tôi không hề sợ sệt chút nào.

    Tôi càng leo lên đồi thì những cây kim tước càng to dần ra, những bụi rậm cao hơn lên. Những ngọn cây nhiều chỗ vượt khỏi đầu tôi và lắm lúc tôi phải chui dưới cành lá.

    Chẳng mấy lúc tôi đã lên tới ngọn đồi. Tôi nhìn chung quanh, chả thấy tí ánh lửa nào. Tôi nhìn sâu vào trong bóng tối, chỉ thấy những hình mập mờ, những bóng đen kỳ dị, những cây lim tước giơ cành ra như những cánh tay vớ lấy tôi, những bụi rậm nhảy nhót chung quanh tôi. Không nhìn thấy gì tỏ ra là có nhà nào ở gần đó, tôi cố lắng tai nghe xem có tiếng động gì không: Tiếng bò kêu, tiếng chó sủa chẳng hạn.

    Tôi đứng im một lúc, nín thở để nghe cho rõ hơn, chợt tôi sởn người, cảnh vắng lặng của cánh đồng làm cho tôi hoảng hốt: Tôi sợ. Sợ gì? Tôi cũng không hiểu. Có lẽ sợ sự yên lặng, sợ sự vắng vẻ và sợ đêm tối chăng? Dù sao, tôi cảm thấy hình như có một sự nguy hiểm gì sắp đến nơi.

    Giữa lúc tôi hoang mang nhìn xung quanh, thì thấy một bóng đen cao lớn đang cử động trên ngọn những cây kim tước, đồng thời tôi nghe thấy tiếng sột soạt trong đám lá cây.

    Tôi cố trấn tĩnh cho rằng vì tôi sợ quá thành ra hoảng hốt, cái bóng đen kia có lẽ là một cây to mà lúc trước tôi chưa nhìn thấy.

    Nhưng tiếng sột soạt kia ở đâu ra? Lúc đó không có một tý gió nào. Những cành cây dù nhẹ đến đâu cũng không thể tự cử động được, phải có gió thổi hoặc có ai lay thì chúng mới lay động.

    Có người chăng? Nhưng không, không thể là người được, cái thân hình to đen đang tiến đến phía tôi. Có lẽ là một con vật mà tôi chưa trông thấy bao giờ, hay một con chim khổng lồ đi ăn đêm, hay một con nhẹn rừng có bốn chân, lêu đêu đó đang lều khều bước trên các bụi rậm dưới ánh xanh lợt của trời sao. Có điều chắc chắn là con vật đó chân rất dài và đang bước gấp rút đến chỗ tôi.

    Đích thị là nó trông thấy tôi và đang đuổi tôi. Nghĩ thế, tôi liền quay lại, cắm cổ chạy xuống sườn đồi về chỗ thầy Vitali.

    Nhưng lạ quá! Tôi thấy tôi xuống chậm quá không bằng lúc leo lên. Tôi vướng chân ngã dúi dụi vào các bụi cây. Gỡ được ra, tôi nhìn lại đằng sau, con vật đã đến gần, nó sắp theo kịp tôi.

    May sao, tôi đã xuống chân đồi, hết bụi rậm, đường lại phẳng, nên tôi chạy băng băng trên ngọn cỏ.

    Tôi chạy đã nhanh, con vật còn bước nhanh hơn. Tôi không cần ngoảnh lại cũng biết con vật đã đến sau lưng tôi. Tôi không thở được nữa và tối cả mặt mũi lại. Tôi chạy đến chân thầy tôi và ngã lăn ra. Ba con chó giật mình tỉnh dậy sủa rầm lên. Tôi chỉ nói được hai tiếng:

    - Con vật! Con vật!

    Tôi nghe thấy tiếng cười lớn phát ra trong những tiếng chó sủa. Đồng thời, thầy vỗ vai tôi, bắt tôi quay mặt lại và bảo:

    - Con vật vẫn là con đấy. Con hãy nhìn lại một tý. Có dám nhìn không?

    Tiếng cười, nhất là lời nói của thầy đã làm tôi vững dạ. Tôi dám mở to mắt và nhìn phía tay ông chỉ.

    Con quái vật đuổi tôi bây giờ cũng dừng lại. Nó đứng im trên đường cái. Tôi xin thú thực, vẫn còn run và kinh. Nhưng có thầy tôi đây, lại có đàn chó nữa, nên tôi trấn tĩnh lại, tôi nhìn kỹ hình thù đó.

    - Có phải con vật không? Có phải con người không?

    Giống người vì nó có mình, có đầu và hai cánh tay. Giống con vật vì da nó có lông lá và nó có hai cái cẳng chân dài khẳng kheo, đến hai, ba mét.

    Mặc dầu trời tối đen, tôi cũng nhận rõ những chi tiết đó vì cái bóng đen của con quái vật "hằn" rõ trên nền trời lờ mờ ánh sao.

    Tôi đang nghĩ phân vân không biết đó là vật hay người, thì thầy tôi cất tiếng hỏi bóng đen đó:

    - Có làng xóm nào gần đây không? Chỉ giúp chúng tôi!

    Đó là người à? Vì thầy tôi đang nói với nó.

    Một tiếng cười the thé như tiếng chim đáp lại.

    Đó là giống vật à?

    Thế mà thầy tôi cứ cố hỏi, tôi thấy là cả một sự vô lý, vì ai chẳng biết rằng dù giống vật đôi khi có thể hiểu ta nói gì, nhưng nó có nói được bao giờ mà ta hỏi. Tôi rất đỗi ngạc nhiên, khi thấy con vật đó trả lời rằng chung quanh đây không có nhà cửa gì, chỉ có cái trại chăn cừu, nếu muốn đi thì nó đưa đến.

    Nó nói được, sao nó lại có cái cẳng dài?

    Nếu tôi bạo gan, thì tồi đã đến gần sờ xem hai cái chân nó thế nào. Nhưng dù nó không có vẻ gì là dữ tợn, tôi cũng không có can đảm làm thế. Tôi đành nhặt túi xách và yên lặng đi theo thầy tôi, không nói gì. Thầy tôi hỏi tôi:

    - Con đã nhìn rõ con quái vật nó làm con sợ hết hồn chưa?

    - Con nhìn rõ rôi. Nhưng con không hiểu. Thế ra ở vùng này có những người khổng lồ à?

    - Phải khi họ đo cà kheo.

    Rồi thầy tôi cắt nghĩa cho tôi nghe. Những dân miền Lăngđơ muốn qua được bãi cát hay bãi lầy thường dùng cà kheo để đi cho khỏi tụt chân xuống cát, xuống bùn, những đôi cà kheo là những cái gậy dài bên trên có bàn guốc để xỏ và buộc chân vào.

    Vì thế, họ thành những người khổng lồ với những đôi hài bảy dặm trước con mắt những trẻ em hay sợ hão huyền.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng mười hai 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...