Trong kho tàng truyền thuyết của nhân dân ta, có vô số những truyền thuyết mang ý nghĩa sâu sắc, giáo dục các thế hệ mai sau, thể hiện tinh thần, cốt cách, cách đối nhân xử thế của con người Việt Nam, trong đó có truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh. Vào đời Vua Hùng thứ mười tám có một người con gái tên là Mị Nương. Người đẹp như hoa, nhan sắc tuyệt trần, tính tình đằm thắm, nết na, hiền dịu. Vua cha yêu thương con gái hết mực, khi Mị Nương tới tuổi lấy chồng, Vua Hùng mong muốn có thể kén cho nàng được một người chồng thật xứng đáng nên đã tổ chức kén rể. Có rất nhiều chàng trai đến tham gia kén rể nhưng không ai lọt vào mắt xanh của Mị Nương. Sau đó, có hai vị thần đến cầu hôn Mị Nương, cả hai đều cao to vạm vỡ, có sức mạnh vô song và nhiều tài phép. Một người là Sơn Tinh – chúa vùng non cao, có thể dời non lấp bể, dựng núi xây đồi, đang cai quản vùng núi Tản Viên. Một người là Thuỷ Tinh – chúa vùng nước thẳm, có khả năng hô mưa gọi gió, dâng nước, tạo giông, cai quản cả một đại dương mênh mông. Hai người xin phép được tranh tài cao thấp trước mặt Vua Hùng. Quả nhiên, Sơn Tinh vô cùng tài phép, chỉ cần vẫy tay về phía đông, phía đông nổi lên cồn bãi, vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi. Thủy Tinh cũng không chịu thua kém, chàng hô một tiếng, muốn mưa có mưa, muốn gió có gió, chàng vung tay một cái, dù đang có bão cũng phải mưa tạnh mây tan. Ai cũng giỏi giang, cân tài cân sức nên Vua Hùng rất đau đầu để có thể lựa chọn được một chàng rể xứng đáng, Vua Hùng rồi bèn đặt ra điều kiện: "Ngày mai ai mang lễ vật gồm một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi đến trước thì ta sẽ gả con gái cho". Nghe xong, cả Sơn Tinh và Thủy Tinh đều nhanh chóng đi tìm những sính lễ đúng như Vua Hùng đưa ra để có thể lấy được Mị Nương. Tờ mờ sáng hôm sau, Sơn Tinh mang lễ vật đến trước nên đã cưới được Mị Nương, còn Thuỷ Tinh đến sau, không lấy được vợ, liền đùng đùng nổi giận rồi đem quân đuổi theo Sơn Tinh đòi cướp Mị Nương. Đuổi kịp Sơn Tinh, Thủy Tinh đã hô mưa gọi gió, dâng nước sông lên cuồn cuộn làm cho cả thành Phong Châu ngập chìm trong biển nước. Dưới nước, bao nhiêu là loài thủy quái đáng sợ đang nối đuôi nhau kéo đến. Tuy vậy, Sơn Tinh không hề nao núng. Sơn Tinh đã dùng phép, bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi rồi đắp thành dựng luỹ, hễ nước dâng tới đâu thì núi cũng cao tới đó. Các loài động vật hung dữ như gấu, hổ, báo, beo.. từ trong rừng nhảy ra, vồ lấy bọn thủy quái hung hăng. Hai bên đánh nhau kịch liệt, vùng núi Tản Viên như trở thành một chiến trường khốc liệt. Nhà cửa, ruộng vườn, khung cảnh xung quanh đều trở nên tan hoang. Trận chiến cứ kéo dài mãi. Cuối cùng Thuỷ Tinh cũng đã dần dần đuối sức nên đành phải chịu thua và rút quân về. Từ đó, oán nặng thù sâu, không thể quên được trận thua đau ấy nên cứ hàng năm Thủy Tinh vẫn làm dâng nước đánh Sơn Tinh nhưng năm nào cũng phải ngậm ngùi mang thất bại trở về. Truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh là một câu chuyện được nhân dân truyền tai nhau, từ đời này đến đời khác nhằm giải thích một cách dân gian về hiện tượng lũ lụt hằng năm và mong muốn, ước vọng có thể chế ngự sức mạnh của thiên tai, đồng thời ca ngợi công lao xây dựng đất nước của Vua Hùng.