Hãy Sống Ở Thể Chủ Động - Nguyễn Tuấn Quỳnh

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Chiracat, 24 Tháng sáu 2018.

  1. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    Nhật ký xuân
    Ngày 28 tháng Chạp…


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hôm nay, mới thật sự là nghỉ Tết. Thôi thì bao lo toan, bộn bề, dang dở của năm cũ tạm gác lại để chuẩn bị đón Xuân về. Sáng nay, hai cô công chúa nhỏ đã bắt đầu dọn dẹp phòng, quét sân và chuẩn bị nấu bánh tét. Mặc dù, bạn bè đã cho khá nhiều bánh chưng, bánh tét, đủ dùng trong những ngày Tết nhưng mẹ vẫn nấu bánh trong sự háo hức của hai bạn nhỏ. Mỗi bạn sẽ gói riêng cho mình một cái bánh cũng như sẽ tích cực tham gia việc thêm củi vào bếp và canh nồi bánh.

    Ngày 29 tháng Chạp…

    Trước giao thừa 5 phút, mình rời nhà để đi chùa và hái lộc. Trời đêm lạnh. Phố vắng. Tất cả những nhà ở mặt tiền đường đều mở cửa và có một mâm cúng ông bà để phía trước. Nhà khá giả thì mâm cúng sung túc, nhà nghèo thì giản đơn. Có một cặp vợ chồng nghèo, ăn mặc xuềnh xoàng, ngồi bên cạnh nhau, tay trong tay và nhìn nhau âu yếm. Hạnh phúc! Có nhà để một chùm bong bóng màu đỏ và đúng giao thừa thì chích nổ đì đùng thay pháo! Vui! Đình Phong Phú vẫn đông người đến viếng. Khói nhang nghi ngút. Lời nguyện cầu lâm râm!

    Điện thoại báo tin nhắn liên tục. Những lời chúc tốt lành cho một năm mới hanh thông, may mắn. Xúc động khi đọc từng dòng tin nhắn vì biết rằng, ở đâu đó còn có người nhớ đến mình, yêu thương mình!

    Quay về nhà và xông đất. Ba lom khom thắp nhang cho mâm cúng thiên địa để giữa sân. Mùi nhang trầm thoang thoảng. Mình cảm nhận được sự linh thiêng của trời đất lúc giao mùa!

    Mùng 1 Tết…

    Nhớ lời của ông Chu Dung Cơ: Tiền bạc là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình! Vì chỉ có sức khỏe là của mình nên sáng sớm ngày đầu năm, mình mặc áo đỏ ra sân quần vợt với ước mong vạn sự may mắn, hanh thông! Dù sao, sức khỏe và may mắn là hai yếu tố cần thiết cho một cuộc sống hạnh phúc và thành công.

    Về nhà, mình chuẩn bị các bao lì xì để mừng tuổi cha mẹ cũng như các em Tý, Nương, Tiến, Thanh. Mình luôn lì xì nhiều hơn sự mong đợi của mọi người vì muốn mang lại niềm vui nho nhỏ cho cả nhà trong ngày đầu năm.

    Mùng 2 Tết…

    Hôm nay, mình về quê Bình Dương để làm đám giỗ cho chú Bảy và thắp nhang cho ông bà nội. Quê nội là tất cả những ký ức tốt đẹp của tuổi thơ. Cây khế ngọt trước nhà, cây chôm chôm mảnh khảnh ngoài vườn mà lũ cháu về vặt sạch từ trái chín đến trái non cũng có dáng nội lòm khòm chăm sóc! Vậy mà đây đã là cái Tết thứ hai, mình không còn có nội!

    Hạnh phúc cho những ai có mảnh vườn xưa thấm đượm ký ức tuổi thơ và bây giờ vẫn còn nội, ngoại đứng dựa cửa trông con cháu về mỗi khi Tết đến, Xuân về!

    Mùng 3 Tết…

    Tối mùng 3, bạn bè cấp Ba tụ họp. 22 năm đã trôi qua kể từ ngày rời mái trường Nguyễn Hữu Huân. Một lớp chuyên A1 “khét tiếng“ về học giỏi, đá banh hay với hơn 30 học sinh xuất sắc. Bây giờ, ngồi lại chỉ còn bảy đứa.

    Tóc trên đầu của đứa nào cũng đã chớm bạc nhưng tình bạn vẫn vậy. Họ đã ở bên cạnh, ủng hộ mình không phải vì mình nổi tiếng mà chỉ đơn giản: chúng ta là bạn của nhau!

    Rượu nồng, tình ấm, tiếng cười vang. Ngồi lại với nhau đây và hy vọng Tết năm sau gặp lại. Vài ngày nữa, Thế Anh, Đức Vinh sẽ quay về Mỹ, Đài Loan và tiếp tục cuộc đời xa xứ. Sáng mai, Đình Thông sẽ nhảy xe ra Quy Nhơn để thực hiện hành trình kiếm tìm hạnh phúc. Không sao cả vì cuộc đời là vậy! Miễn là trong cái sôi động, hối hả, tất bật và quay quắt của cuộc đời, chúng mình vẫn cảm nhận được tình bạn ấm nồng trong tim.

    Vậy là, mình bước qua tuổi 40! Thời gian còn lại là không dài. Mình đang ở độ tuổi cảm nhận được cuộc sống rõ rệt nhất. Và hơn bao giờ hết, mình yêu lắm cuộc đời này!

    Mùa Xuân ơi…!

    Còn nữa...
     
    Bé Mon thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng sáu 2018
  2. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    Ngày đầu năm

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Gia đình tôi là “tam đại đồng đường”. Tôi sống cùng cha mẹ và vợ con. Cha mẹ và bản thân tôi rất tin tưởng vào những tập tục của ngày đầu năm mới. Đầu tiên, đó là việc xông đất. Ngày xưa, khi tôi còn ở khu tập thể, rất nhiều gia đình hàng xóm nhờ tôi “xông đất“ dùm. Có lẽ họ thấy tôi dễ thương, học hành giỏi giang nên muốn nhờ tôi xông đất để mang lại sự hanh thông trong năm mới. Còn với gia đình tôi, cha mẹ thường dặn trước một người bạn mà gia đình tôi yêu mến cũng như tên của họ là những chữ: tài, lộc, phúc, đức... đến xông nhà. Nhưng mươi năm gần đây, tôi là người chịu trách nhiệm xông đất. Khi vừa cúng giao thừa xong, tôi sẽ đi cúng đình. Gần nhà tôi, có đình Phong Phú, nổi tiếng là linh thiêng trong vùng. Tôi hòa vào dòng người xe đông đúc vô cúng đình. Khói nhang nghi ngút, lòng người thì nghiêm trang, kính cẩn, lấm rấm cầu mong cho một năm mới tốt lành. Sau khi cúng đình, chui qua lưng ”ông ngựa trắng“ trước cổng để cầu sức khỏe, tôi sẽ hái một cành cây nhỏ, coi như lộc của đất trời và trở về nhà xông đất. Tôi không biết là mình có mang đến may mắn cho gia đình hay không nhưng cho đến năm nay, tôi vẫn được chọn để làm công việc này.

    Sau đó, là một lễ nghi không thể thiếu của bản thân tôi: khai bút đầu xuân! Tôi giữ thói quen này đã nhiều năm nay, từ khi còn là một cậu bé học cấp 2. Ngày xưa, khi khai bút, tôi viết về những ước mơ, dự định của mình trong năm mới, đặc biệt là liên quan đến kết quả học tập. Còn sau này, khi đã đi làm, khai bút đầu xuân lại là những cảm nhận, cảm xúc trong thời khắc giao mùa. Nó là những ghi nhận khi tôi lặng yên, nhìn sâu vào lòng mình, trong khung cảnh trời đất giao mùa và mình đã già thêm một tuổi. Tôi thường viết thành bài tùy bút và gửi cho vài người bạn thân thiết đọc hoặc post lên blog của mình. Cá biệt năm vừa rồi, tôi gửi bài tùy bút này dự thi Tùy bút Xuân của Báo Tuổi Trẻ và đạt giải Nhất. Tôi vui không phải vì giải thưởng mà vì có người đồng cảm với mình.

    Sáng mùng Một, tôi sẽ lì xì cho cha mẹ và những người giúp việc cho mình. Tôi thường lì xì một số tiền khá lớn. Tôi mong muốn mang lại niềm vui cho cha mẹ không phải vì số tiền mà vì niềm hãnh diện: con trai họ làm việc tốt và có thu nhập xứng đáng. Với những người giúp việc, đã vất vả cả năm, qua việc lì xì, tôi muốn cám ơn họ. Tôi hiểu sâu sắc về việc phân công lao động xã hội. Không có họ, tôi tin chắc là mình không thể đạt được những thành công nhất định như hôm nay. Thật tâm, tôi yêu mến và tôn trọng tất cả những người giúp việc cho gia đình mình! Họ đã không về nhà mà vẫn ở lại ăn Tết và phụ giúp cho gia đình tôi!

    Ngày mùng Một, xuất hành đầu năm, tôi luôn mặc áo đỏ. Tôi tin rằng việc mặc áo đỏ không chỉ mang lại may mắn cho bản thân mà còn cho những người mà tôi gặp gỡ. Ngày cuối năm cũ, tôi đã kiểm tra xe, chùi rửa và đổ đầy xăng để cho chuyến xuất hành đầu năm không bị trục trặc. Tôi chở vợ con sang chúc Tết gia đình vợ và sau đó thì đi chùa. Tôi thường đến Chùa Một Cột ở Thủ Đức. Có đôi lần tôi cũng mua chim và thả phóng sinh ở đây. Những năm trước, khách vãn cảnh chùa vào mùng Một không đông như những năm gần đây. Chùa đã mở rộng ra nhưng dường như quá tải với lượng khách nườm nượp từ khắp nơi kéo đến. Có lẽ khi cuộc sống quá ồn ào, con người vất vả với cuộc mưu sinh thì thắp nhang, lạy Phật trong ngày Tết sẽ làm lòng người ta bình an lại để rồi sau đó, yên tâm tiếp tục cuộc sống thường nhật của mình!

    Sau đó, tôi sẽ đưa gia đình mình về nhà và đi lên nghĩa trang một mình. Tôi thắp nhang cho mộ chú Bảy ở nghĩa trang liệt sĩ thành phố. Tôi làm điều này với tất cả sự thành kính. Các năm trước, tôi luôn cầu nguyện chú Bảy phù hộ độ trì cho sức khỏe của bà nội. Năm nay, bà nội của tôi đã không còn nữa. Tôi nhớ bà nội lắm mỗi khi Xuân về. Cả tuổi thơ của tôi, Tết đến là về ở với nội! Sau đó, tôi ghé qua nghĩa trang thành phố để thắp nhang cho hai người dì đang yên nghỉ tại đây. Nghĩa trang ngày đầu năm vắng lặng. Tôi nhìn hai lọ hoa trên mộ và biết rằng các em tôi đi tảo mộ lúc nào!

    Ngày đầu năm, tôi mua cho mình một tờ tử vi của chùa Khánh Anh. Tôi rất tin vào tử vi và tin vào sự may mắn của mình. Tôi đọc và ghi nhớ những điều thuận lợi, may mắn. Còn những gì chưa tốt hoặc khó khăn thì tôi quên ngay. Tôi tâm đắc với ý tưởng là: ngày đầu năm, người ta thường xem tử vi, coi bói để dự báo về tương lai. Nhưng cách dự báo chính xác nhất là hãy tự tay mình vẽ lên tương lai đó!

    Còn nữa...
     
    Bé Mon thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng sáu 2018
  3. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    Khai bút đầu xuân
    Bấm để xem
    Đóng lại

    Ngày xưa, tôi vẫn có thói quen khai bút sau thời khắc giao thừa. Thói quen này bắt đầu kể từ khi tôi mới lớn. Ngày ấy, tôi thường khai bút bằng cách viết một bài tùy bút hoặc một bài thơ trên trang đầu tiên của cuốn sổ tay.

    Trong năm, cuốn sổ tay sẽ lưu giữ những sáng tác của tôi hoặc những áng văn thơ hay. Cuốn sổ là một tài sản riêng tư mà tôi không chia sẻ cùng ai. Chính những dòng khai bút đã khuyến khích tôi sáng tác và nhờ vậy, tôi có những tác phẩm của riêng mình. Những sáng tác nho nhỏ cũng đã giúp tôi kiếm được một ít tiền nhuận bút và nhờ vậy, vượt qua được thời sinh viên khốn khó.

    Những năm vươn vai thành người lớn, có nhiều cái Tết, tôi ngồi chết lặng trước trang giấy trắng mà không thể viết được một dòng khai bút. Đó là những khi tôi cảm thấy trống rỗng hoặc trong lòng ngổn ngang. Những cuốn sổ tay đó sẽ trống trang đầu tiên. Mỗi khi nhìn thấy trang giấy trắng đầu sổ tay, tôi lại cảm thấy mình đã đánh mất một điều gì.

    Bẵng đi hơn nhiều năm gần đây, kể từ khi trở thành một nhà quản lý, tôi bỏ quên thói quen khai bút. Một phần có lẽ vì tôi không cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng của nó, một phần khác là vì tôi quen sử dụng máy tính, cây bút thường dùng để ký tên là chính. Khai bút trở thành chữ ký đầu tiên trong năm. Vì vậy, tôi rất cân nhắc để chữ ký đầu tiên phải may mắn, có “tài lộc“. Chuyện viết văn, làm thơ khai bút trở thành điều bất khả thi.

    Vậy mà...

    Trước thềm xuân, ngay thời khắc giao thừa thiêng liêng, tôi chợt nhớ lại thói quen khai bút đầu Xuân của mình và thầm nhủ: mình lại sẽ trải lòng mình ra với giấy bút.

    Có lẽ đó là giờ phút tôi chợt bắt gặp lại hình ảnh của mình hơn 20 năm về trước: tần ngần, mở lòng và lãng mạn. Tôi nhìn lại nét chữ của mình. Nó không còn nghiêng nghiêng, bay bướm như ngày nào. Ngày xưa, những bài thơ tôi chép tặng ai đó, luôn được xem như một tác phẩm nghệ thuật nho nhỏ vì nét bút phóng túng, tài hoa. Còn bây giờ... Chợt nhận ra, hình như, câu chữ mà mình viết đẹp nhất có lẽ là tên mình vì trong nhiều năm qua, chỉ có cái tên là được viết nhiều nhất.

    Tôi mở máy tính lên. Đã hơn hai giờ sáng của ngày đầu năm mới nhưng vẫn còn vài bạn bè đang online. Chúng tôi trao cho nhau những lời chúc mừng năm mới. Khi biết tôi đang viết khai bút, một người bạn thân đã nài nỉ: Anh gửi cho em xem nhé! Vậy là, sau những dòng khai bút trong cuốn sổ tay, tôi lại lọc cọc gõ lên máy tính.

    Tôi rất muốn chia sẻ những cảm xúc của mình lúc này với bạn bè. Những dòng khai bút như lời ước nguyện tốt lành của tôi trong 365 ngày sắp tới.

    Tôi yêu những dòng khai bút đầu Xuân của mình!

    3 giờ sáng, ngày Mùng 1, 7/2/2008

    Còn nữa...
     
    Bé MonCGD goldie thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng sáu 2018
  4. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    Những người thầy trong đời

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trong cuộc đời mỗi người, chắc chắn ai cũng có những người thầy đã ảnh hưởng sâu sắc đến mình và nhiều khi làm thay đổi cuộc đời. Càng về sau, tôi càng hiểu ra người thầy không chỉ hạn hẹp là những người truyền đạt kiến thức trong nhà trường mà còn là những người tin tưởng, chia sẻ, hướng dẫn, chỉ bảo ta trong cuộc sống, giúp ta hoàn thiện hơn, sống có ích và ý nghĩa hơn!

    Tôi may mắn có những người thầy như vậy. Người thầy đầu tiên làm thay đổi cuộc đời tôi là cô Tánh, giáo viên chủ nhiệm lớp Ba. Cô đã tin tưởng và giao phó cho một học sinh bình thường nếu không nói là nhút nhát, học lực trung bình như tôi làm lớp trưởng. Và đây chính là cú hích thật sự để tôi cố gắng học tập vì lớp trưởng mà học dốt thì nói không ai nghe. Những kết quả học tập tốt sau này của tôi bắt nguồn từ sự tin tưởng của cô. Mãi về sau, tôi gặp lại cô khi cô không còn làm giáo viên nữa và cuộc sống rất cơ cực. Cô vẫn nhận ra tôi, cậu học trò lớp Ba của 20 năm trước! Bây giờ thì cô đã không còn nữa! Tôi có một bài học sâu sắc từ cô mà tôi áp dụng thành công sau này trong điều hành kinh doanh đó là: muốn thay đổi một người và giúp họ phát huy hết năng lực mà họ có: hãy mạnh dạn bổ nhiệm họ vào vị trí cao hơn!

    Người thầy thứ hai để lại dấu ấn trong tôi là thầy Thiện, dạy văn, chủ nhiệm tôi năm lớp Chín. Thầy đã đánh giá tôi đạo đức trung bình trong học kỳ I, cách chức lớp trưởng của tôi để rồi sau đó, cho dù tôi thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở với điểm số 39/40, thủ khoa của quận Thủ Đức nhưng tôi đã không được tuyển thẳng vào lớp 10 vì đạo đức cả năm lớp 9 là khá, không đủ điều kiện để trở thành học sinh giỏi! Mâu thuẩn giữa thầy và tôi chỉ vì tôi bị bệnh ngôi sao khi tôi hiểu rất rõ mình là thủ lĩnh của lớp và ỷ vào sức học của mình. Ngày 20/11, tôi dẫn cả lớp đi picnic mà không vào trường dự lễ. Thầy gọi tôi lên trả bài và bực bội cho tôi một lúc 2 con zero. Các bài văn tôi viết hay đến thế nào đi nữa cũng chỉ được 4 - 5 điểm. Thầy “đì“ tôi ra mặt. Các bạn bè trong lớp, đặc biệt là nhóm học giỏi ngấm ngầm ủng hộ tôi trong cuộc đối đầu với thầy chủ nhiệm. Kết quả học kỳ I, lớp tôi có kết quả học tập rất kém, thầy bị nhắc nhở và tôi thì chỉ là học sinh trung bình với điểm số môn Văn chỉ ở mức 6,0. Đầu học kỳ II, thầy đã chủ động gặp tôi tại sân trường khi tôi đang đá bóng. Thầy đề nghị một sự hợp tác giữa tôi và thầy vì tập thể lớp và vì bản thân tôi. Tôi đã đồng ý và trở lại cương vị lớp trưởng. Kết quả là kết thúc năm học, lớp tôi là lớp duy nhất của khối 9, đậu tốt nghiệp 100%, tôi đậu thủ khoa và thầy được tuyên dương. Thầy đã đánh giá đạo đức của tôi trong học kỳ II là tốt và cả năm tốt, cũng như làm hồ sơ để tôi tuyển thẳng nhưng Phòng Giáo dục đã không đồng ý. Với đạo đức khá cả năm, tôi phải đi thi lớp Mười. Thầy đã khóc và xin lỗi tôi. Đó cũng là lúc tôi hiểu thêm một điều, thầy cũng là con người và cũng có những sai lầm. Quan trọng là cho dù mình có ở vị trí nào đi nữa, khi sai lầm thì phải dám can đảm nhìn nhận và chịu trách nhiệm. Cũng như, luôn luôn có một điểm chung giữa những người tốt: đó là trách nhiệm với tập thể. Khi các tính cách va chạm nhau, hãy lấy trách nhiệm với tập thể là điểm chung để các cá nhân có thể bắt tay, nhìn về một hướng và nỗ lực để tập thể đạt kết như mong đợi!

    Người thầy thứ ba có ảnh hưởng lớn đến tôi là những người sếp trực tiếp của tôi trong suốt 20 năm đi làm. Có những người rất tốt, nâng đỡ, yêu thương, chỉ bảo tôi như những người cha, người chị trong gia đình. Và cũng có những người mà tôi biết rõ, họ rất ghét tôi và muốn loại tôi khỏi tập thể mà họ đang quản lý. Chính nhờ họ, mà tôi đã phải nỗ lực rất nhiều, luôn chứng minh mình là người làm được việc, xuất sắc trong các công việc được giao. Họ cũng đã giúp tôi phải khéo léo trong cánh đối nhân xử thế. Nhờ họ, tôi cũng hiểu rằng, không có sự công bằng tuyệt đối và phải chấp nhận xã hội có nhiều loại người!

    Và cuối cùng, khi tôi đứng trên bục giảng, giữ vị trí quản lý và đang coaching cho một số bạn trẻ, tôi ý thức rất rõ vai trò người thầy của mình. Tôi biết mình còn nhiều điều chưa tốt, chưa hoàn thiện nhưng những gì tôi chia sẻ, là tâm huyết của mình. Tôi luôn mong thế hệ đàn em, nhân viên của mình có thể xem tôi như một người bạn, có thể chia sẻ với tôi tất cả những điều vướng mắc trong cuộc sống. Qua đó, tôi cũng học được từ họ và giúp tôi làm công việc của mình tốt hơn!

    Còn nữa...
     
    Bé MonCGD goldie thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng sáu 2018
  5. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    Viết ngắn

    Bấm để xem
    Đóng lại
    1. Tích phúc

    Càng già, tôi càng tin vào chuyện tích phúc. Khi lý giải tại sao người này lại thuận lợi, may mắn hơn người kia, một trong những nguyên nhân, theo tôi là do phúc đức mà ông bà cha mẹ họ để lại nhiều hơn. Bản thân tôi, khi gặp điều gì đó thuận lợi, tôi lại tin rằng, bên cạnh những cố gắng, nỗ lực của bản thân, tôi còn may mắn được phúc đức của tiền nhân phò trợ. Tôi buồn vì mình nhận ra điều này hơi muộn. Trong quá khứ, tôi không quan tâm đến điều này và đã làm nhiều điều không tốt cũng như có lẽ đã xài hoang phí phúc đức của ông bà! Buồn!

    Trong chuyến đi đến quốc gia sùng bái đạo Phật Myanmar, tôi được nghe kể lại: vào những năm 1930, khi phong trào cộng sản nổi lên ở các nước trong khu vực, Đảng Cộng sản Myanmar cũng kêu gọi nhân dân vùng lên cướp tài sản, đất đai của địa chủ, nhà giàu nhưng không ai hưởng ứng cả. Vì theo quan điểm của người Myanmar, người giàu ở kiếp này là nhờ phúc đức ông bà ở kiếp trước nên người giàu không có tội!

    Muộn còn hơn không, tôi cố gắng tích đức từ bây giờ vậy để không có lỗi với tiền nhân và hậu thế.

    Suy cho cùng, cũng vì mục tiêu tối thượng của cuộc đời mình: thanh thản và bình an!

    2. Những kỳ trại tuổi thơ

    nhìn những mái lều đủ màu trong buổi chiều hè lộng gió tại công viện đẹp đẽ này, lòng tôi chợt se lại. Vậy là đã tám năm trôi qua kể từ ngày tôi chia tay với công việc của người chuyên trách hè cùng bao kỳ trại khó quên.

    … Những kỳ trại với nồi cơm Thánh Gióng mà cho dù cố gắng lắm thì các anh chị phụ trách cũng không tránh khỏi “ba tầng”. Vậy mà các trại sinh vẫn xúm xít bên nhau dưới mái lều ăn uống, vui đùa vô tư. Chuyện phân công nhau rửa chén, kiếm củi, đi chợ… luôn là một công việc không dễ dàng. Những trò chơi vận động là những chất kết dính các thành viên lại với nhau. Tất cả vì màu cờ sắc áo của tiểu trại. Những đêm lửa trại hóa trang với đủ màu da, sắc phục và những tràng cười…

    Kỳ trại nào rồi cũng đến lúc kết thúc. Những cuốn sổ lưu bút chuyền tay nhau, những chiếc khăn quàng với hàng trăm chữ ký ngoằn ngoèo cộng với cơn mưa và nước mắt, tất cả tạo nên một nỗi buồn chia tay rất riêng và rất thật…

    Tôi, bạn bè và những đứa em thân yêu đã lớn lên rất nhiều qua từng kỳ trại. Có những cô bé chưa từng rời xa sự bảo bọc của mẹ cha, đi cắm trại mà có người nhà theo nhưng vẫn can đảm tham gia trò chơi đêm, vẫn tấm tắc khen ngon những món ăn nửa sống nửa chín. Những cậu bé mà tuổi thơ là chuỗi ngày dài cơ cực, đã cười tít mắt hăng hái tham gia trò chơi “đánh trận giả”. Để rồi khi bế mạc, cu cậu vừa nhổ trại, dọn lều vừa khóc, tiếc cho ngày vui sớm qua mau.

    Tôi vốn được gia đình nuông chiều, chưa từng phải chịu trách nhiệm về chuyện gì nhưng khi dẫn vài chục đứa em đi cắm trại, nhìn những đôi mắt thơ ngây trong sáng, đặt hết niềm tin vào mình, tôi đã phải cố gắng rất nhiều. Chính nhờ những kỳ trại, nhờ những đứa em thân yêu mà tôi tạo được cho mình lối sống tự lập và có trách nhiệm với người khác.

    Xin cảm ơn tuổi thơ và những kỳ trại thân thiết đã xa

    3. Ngày khai trường

    “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hồi hộp của buổi tựu trường.” (Thanh Tịnh, Tôi đi học)

    Lái xe ngang qua trường cũ, thấy các em học sinh líu ríu trong ngày khai trường, tiếng trống đội rền vang... nhớ quay quắt những ngày thơ bé. Đi bộ hơn hai cây số để đến trường, đi thành từng nhóm với đủ trò nghịch ngợm, vào lớp mà chỉ mong ra chơi để đá banh hoặc xà vào dãy hàng quán. Ngày xưa phải lâu lắm mới để dành được một đồng bạc để húp xì xụp tô cháo huyết của một bà già bán trước cổng trong những sáng sớm lạnh. Rồi những trận đá banh, mổ ngáo, tạt lon, đánh tán, thảy lỗ... mê mệt không nhớ giờ về. Và cả những tình cảm học trò ngây thơ của ngày mới lớn!

    Tất cả đã lùi xa. Sáng nay, nhìn hai cô công chúa bình thản đến trường trong ngày khai giảng, lòng thoáng buồn. Cũng dễ hiểu vì thật ra, các bạn nhỏ đã đi học từ đầu tháng Tám. Khai giảng hôm nay chỉ là thủ tục chứ không phải thật sự bắt đầu năm học mới như ngày xưa của mình.

    Thôi thì, chúc các bạn nhỏ có một năm học mới thật sáng tạo, ý nghĩa và đạt kết quả tốt!

    4. Chào cờ

    Sáng đầu tuần, chở hai cô công chúa đến trường rồi đi họp, có chạy ngang một trường tiểu học thì ngay đúng giờ chào cờ. Các bạn học sinh hát vang bài quốc ca trong khi lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên cao. Chợt giật mình. Hình như, hai ngôi trường quốc tế của hai cô công chúa không có chào cờ vào sáng thứ Hai thì phải? Mặc dù, an ủi là hai nàng đều thuộc quốc ca, kể cả lời hai nhưng vẫn thấy không vui. Dù sao, khi đứng nghiêm, hát vang quốc ca, nhìn lá cờ đỏ thiêng liêng vẫn mang lại cảm xúc tự hào dân tộc và nhận thức rất rõ: mình thuộc về đất nước này!

    Nhớ lại những lần chào cờ gần đây mà mình đã vừa hát quốc ca vừa khóc: Chào cờ lúc 1 giờ trưa nắng tại đảo Trường Sa lớn, cảm nhận được hồn thiêng sông núi; Chào cờ lúc 6 giờ 30 phút sáng tại lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh tại nhà giàn DK trên tàu HQ571 trong mùi nhang trầm; Chào cờ lúc 9 giờ sáng khi mưa sụt sùi tại Ngã Ba Đồng Lộc như thấy hương hồn các chị vẫn ở đâu đây; chào cờ lúc 19 giờ tại sân vận động quốc gia Singapore trong trận đấu lượt về AFF Cup 2008 giữa đội tuyển Việt Nam và Singapore khi mà cổ động viên Việt Nam ngồi lọt thõm giữa biển người Singapore nhưng tinh thần và khí thế rất mạnh mẽ. Có lẽ nhờ vậy mà trận này, Việt Nam thắng 1-0 và vào chung kết, sau đó vô địch!

    Tôi hiểu, đất nước này còn nghèo, tốc độ phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, kẹt xe, ô nhiễm, ngập lụt rồi tham nhũng, tiêu cực... làm rất nhiều người thở dài, ngao ngán và không ít người quyết định chọn quốc gia khác để sống và mưu sinh. Tuy nhiên, tôi vẫn yêu tha thiết mảnh đất này và vẫn xúc động mỗi khi chào cờ hay nhìn thấy quốc kỳ Việt Nam tung bay. Trong khả năng bé nhỏ của mình, tôi vẫn sống, làm việc, cống hiến để thể hiện trách nhiệm công dân của mình.

    Tôi nhớ dịp ra đảo Trường Sa lớn, gặp họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội, tác gỉa của quốc kỳ Việt Nam làm bằng gốm kích thước 12,4mx25m, trên mái tòa nhà hội trường của đảo. Chị cười hiền lành và cho biết, động lực thúc đẩy chị làm nên tác phẩm này là từ lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Khi tôi xin chữ ký của “chúa đảo” là Thượng tá Đinh Văn Hải, Đảo trưởng đảo Trường Sa, anh cho biết lá cờ này cùng với cột mốc, giúp đồng bào, đồng chí trong đất liền, kiều bào ở nước ngoài, xa hơn nữa giúp các nước trên thế giới hiểu đầy đủ hơn về nét văn hóa của người Việt Nam cùng chủ quyền biển đảo của Việt Nam là bất khả xâm phạm. Và khi chụp ảnh từ vệ tinh hay tìm kiếm trên trang Google Earth, lá cờ sẽ xuất hiện ở vị trí trung tâm đảo.

    Một ngày cuối năm, viết lan man về những điều có vẻ chính trị, to tát nhưng thật ra, cũng chỉ muốn cổ súy một điều: nếu được, tất cả các công sở, trường học, đặc biệt là các doanh nghiệp... hãy tổ chức chào cờ mỗi tuần một lần, để mỗi người có dịp tĩnh tâm, có niềm tự hào dân tộc và nhận thức được trách nhiệm công dân của mình. Mong lắm thay!

    5. Rượu ơi và mình ơi?

    Rời đại học, tôi về làm việc cho một công ty dầu khí. 20 năm đã trôi qua, dẫu làm lung tung nhiều việc, nhiều ngành nhưng tôi chưa bao giờ rời xa xăng dầu, gas. Đặc điểm của dân xăng dầu là... nhậu nhiều! Tính tôi dĩ hòa vi quý sợ mất lòng, lại ham vui nên anh em thương, cuộc vui nào cũng gọi. Tôi trưởng thành, có nhiều đàn anh, đàn em và... lên đô từ những bàn nhậu khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh lẫn miền Đông, miền Bắc, miền Trung và cả ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc! Tôi nổi tiếng với chiêu uống rượu đế bằng ly uống bia! Giang hồ ngành gas và bạn bè thân thiết đồn thổi: chưa thấy tôi say bao giờ! Ngay cả khi phỏng vấn nhân viên kinh doanh cho công ty xăng dầu, tôi cũng hỏi thăm về tửu lượng của ứng viên.

    Sinh nhật lần thứ 40, theo thông lệ và tình cảm, tôi có vài tiệc mừng và tất nhiên là không tránh khỏi những lần cạn ly. Trong tiệc sinh nhật do chính mình tổ chức, tôi uống rượu như uống nước, say sưa cười nói, bá vai bá cổ mọi người. Để rồi hôm sau, bị đứt phim toàn tập và gần như không nhớ gì về đêm hôm trước. Nhìn các món quà mà không biết là của ai tặng, phải hỏi lại; nghe kể lại những điều thất thố đã làm, tôi chỉ muốn độn thổ. Vài người bạn thì nằm bẹp gí suốt ngày hôm sau.

    Huhu, tôi đau buồn nhận ra mình không còn trẻ, không còn khỏe và không thể uống nhiều như trước đây được nữa. Đành mở cốp xe, bỏ xuống các chai rượu yêu thích và tự hứa với mình: từ nay, nên uống vừa phải, chừng mực thôi!

    Rượu ơi và mình ơi!

    6. Trường Sa

    Tôi rất ấn tượng và thấm thía với câu nói của sư thầy trụ trì chùa Trường Sa Lớn: “Trường Sa còn là Việt Nam còn!” Ngẫm nghĩ thì thấy rất có lý. Vì vậy, càng trân trọng hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ ở Trường Sa. Ở đất liền, việc thể hiện lòng yêu nước có thể là góp tiền, viết bài trên các trang mạng, trên blog, facebook hoặc thậm chí là đi biểu tình. Nhưng nếu so sánh với những khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, mất mát và có thể là hy sinh của các chiến sĩ ở Trường Sa thì lòng yêu nước đó chưa là gì cả! Với tôi, lòng yêu nước thật sự là ở đây, trên quần đảo Trường Sa thân yêu này! Tôi biết có những chiến sĩ khi con đã tròn tuổi mà vẫn chưa thấy mặt. Với các đảo chìm, doanh trại nhỏ bé, tù túng nhưng mười mấy chiến sĩ vẫn phải chắc tay súng, ăn đồ khô là chính, thiếu nước ngọt trầm trọng và luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Trên một số đảo của ta, chỉ cần thấy có dấu hiệu đang xây dựng là tàu chiến Trung Quốc sẽ xuất hiện để do thám và gây hấn!

    Trong chuyến đi, một sĩ quan Hải quân đã ước ao sẽ được một lần dẫn đoàn đi thăm Hoàng Sa. Anh bạn ngồi cạnh tôi hỏi: Anh có muốn đi không? Tôi trả lời: Tại sao không? Trường Sa, Hoàng Sa là một phần máu thịt, không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam cơ mà! Tuy nhiên, vẫn có chút xót xa khi thông tin về Hoàng Sa hiện nay là quá ít. Cho nên, gần đây, báo Thanh niên có bài viết về chuyện hai học sinh Việt Nam và Trung Quốc đi du học ở Mỹ thì bạn học sinh Trung Quốc có hiểu biết rất rõ ràng, rành mạch về Hoàng Sa trong khi bạn Việt Nam thì gần như không biết gì hết. Cũng không trách em học sinh Việt Nam này được vì rõ ràng, thông tin về Hoàng Sa hiện nay là rất ít ỏi. Tôi cho rằng đây là vấn đề lớn cần phải suy xét một cách thấu đáo!

    Tàu đang lắc lư và tiếp tục cuộc hành trình đến với những chiến sĩ ở những đảo còn lại trong quần đảo Trường Sa. Biển động nên khẩu hiệu mới là: Toàn tàu say sóng. Say sóng toàn tàu!

    Ở biển, trời sáng rất sớm. Một ngày mới đã bắt đầu. Tôi đang ngồi trên mũi tàu, gió phần phật, muốn thổi bay laptop. Xa xa là những chiếc thuyền câu mực và một đảo chìm đứng sừng sững giữa biển khơi. Hôm nay, tôi sẽ hoàn tất một nữa chuyến hành trình. Chuyến đi đã trôi qua rất nhanh dẫu khá dài!

    Chúc cả nhà một ngày bình yên như mong ước của tôi bây giờ là trời yên bể lặng!

    7. Nhân vô thập toàn

    Cuộc sống có nhiều quy luật được đúc kết. Đa số chúng ta đều thích đọc nó. Đọc, suy ngẫm để xác tín, để vỡ lẽ, để thực hiện hoặc chỉ để vui.

    Sáng chủ nhật trời trong xanh, tôi dành thời gian để đọc những quy luật này và sau khi suy xét, tôi biết rằng mình đã làm nhiều điều không đúng. Có những câu nói hay, chí lý và ý nghĩa mà tôi sẽ không bao giờ dám post lên đây vì tôi xấu hổ khi đọc nó!

    Dù sao, cũng tốt khi biết mình khiếm khuyết, méo mó và không hoàn thiện. Như vậy, mình nhìn cuộc đời, phán xét con người với sự bao dung, bình dị và chân thành. Nhân vô thập toàn!

    Cuối cùng là, tôi không quan tâm tôi là ai trong mắt bạn. Tôi chỉ chú trọng xem tôi là ai trong mắt mình!

    Chúc cả nhà có ngày Chúa Nhật bình an!

    8. Bình an

    Ngồi một mình trong văn phòng, lặng im và vắng vẻ. Lướt Facebook, cảm nhận những trăn trở, nỗi niềm cùng những hân hoan, hạnh phúc của một thế giới sôi động bên ngoài và hít thở thật sâu để lắng nghe lòng mình. Những tình khúc bất hủ của Vũ Thành An da diết và văng vẳng bên tai. Chiều đang tàn dần trên phố. Tôi dọn dẹp bàn làm việc cũng như đang sắp xếp lại những ước mơ, dự định của mình trong những ngày sắp tới.

    Vào những giờ phút cuối cùng của năm cũ, khi đối diện với chính mình, lại suy nghĩ miên man về những triết lý nhà Phật như tham ái, chấp trước, vô thường, duyên sinh vô ngã hay ngũ dục, lạc thú... càng hiểu hơn:

    Con đường hướng nội tiến cho sâu,

    Càng sâu, càng thấy lắm nhiệm mầu.

    Tâm khảm bao la không bờ bến,

    Vũ trụ mênh mông đã thấm đâu.

    Muốn kiếm tìm hạnh phúc, phải tìm ngay chính bên trong lòng mình! Trong tất cả mỗi người, ai cũng có một nguồn hạnh phúc chân thật, nhưng ít có ai nhìn nhận được nguồn hạnh phúc này!

    Không triết lý sâu xa, tôi nghĩ, hãy lấy sự bình an trong tâm hồn làm tiêu chí. Nếu tôi làm điều gì mà tôi cảm thấy bình an thì tôi sẽ tự tin thực hiện!

    Cầu chúc trong năm mới, tất cả mọi người luôn hạnh phúc, hạnh phúc từ trong tâm với sự thanh thản và bình an!

    9. Bệnh

    Đôi khi bạn cần phải bị bệnh, nhưng đừng để nặng quá. Khi nằm yên một chỗ, cảm thấy mình yếu đuối, mệt mỏi, bạn mới biết trân quý sức khỏe và chiêm nghiệm được nhiều điều mà khi bạn khỏe mạnh, lăn xả trong vòng xoáy cuộc đời, bạn không nhận ra. Câu hỏi lớn nhất với tôi khi bị bệnh đó là mình có đang sống hạnh phúc không? Con đường mà mình đang đi có đúng với mong muốn của mình không? Sẽ ra sao nếu mình thay đổi chuyện này, chuyện kia... Mọi thứ chạy loạn xạ trong tâm trí kể cả giấc mơ về một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc! Khi bệnh, một giọng nói nhỏ vang lên trong lòng: sống chậm lại, sống chậm lại Quỳnh ơi! Khi bệnh, ở tuổi này, lại ý thức rất rõ về tính hữu hạn của đời người và sự phù du của cuộc đời. Vì vậy, cho dù là chọn cuộc sống như thế nào đi nữa, thì hãy sống thật với lòng mình; hãy làm những công việc mà mình yêu thích và cảm thấy có ý nghĩa; hãy mở lòng ra chia sẻ và yêu thương... Tôi đang bệnh..!

    Còn nữa...
     
    Bé MonCGD goldie thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng sáu 2018
  6. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    Chủ nhật

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Lâu lắm rồi mới có một ngày Chủ nhật ở nhà, không phải dự hội nghị, thi đấu thể thao hoặc gặp gỡ ai đó. Đã từ lâu, tôi đưa ra một nguyên tắc là Chủ nhật phải ở nhà với vợ con mà gần đây, vi phạm liên tục. May mà, Chủ nhật hôm nay được ở nhà!

    Chủ nhật, là sẽ để điện thoại sang chế độ silent, là sẽ không gọi lại cho các cuộc điện thoại nhỡ mà mình đánh giá là chưa cấp thiết, là sẽ dành nhiều thời gian cho việc đọc sách và... ngủ. Tôi đang ở trong một giai đoạn mà giấc ngủ ngon, sâu và đủ giấc trở nên khó kiếm. Những giấc ngủ chập chờn và khi thức dậy thì mắt cay xè, đỏ quạch đã trở nên thường xuyên. Nhìn lại một tấm hình vừa chụp mới buồn bã thừa nhận: Mình già!

    Chủ nhật, nghỉ ngơi và có chút thời gian cho riêng mình. Nhớ lại câu hỏi của một phóng viên: Mỗi ngày anh dành cho bản thân được bao nhiêu thời gian? Trả lời với báo chí thì buổi sáng sớm đánh tennis và buổi tối đọc sách. Nhưng trả lời chân thật với chính mình thì chỉ có buổi sáng đánh banh thôi. Buổi tối về nhà, trước khi đi ngủ, cầm cuốn sách lên thì mắt đã díp lại. Trước đây, các bộ truyện chưởng của Kim Dung chỉ cần “luyện công” liên tục ba đêm là xong. Nay thì cả tháng vẫn chưa đọc hết được cuốn thứ hai. Vấn nạn là buồn ngủ nhưng giấc ngủ lại không sâu và hay mộng mị.

    Chủ nhật trời không nắng. Lòng người lại miên man. Nhìn lại cuộc sống của mình, tôi càng hiểu thêm về hạnh phúc. Hạnh phúc là cảm nhận được sự bình yên và thanh thản trong tâm hồn. Hạnh phúc không phải là chủ tịch công ty này, Tổng Giám đốc công ty kia, đi xe đắt tiền và càng không phải là sử dụng những tiện nghi sang trọng. Vì để làm Chủ tịch hay Tổng Giám đốc, vật chất xa hoa thì không phải là quá khó. Nhưng con đường để đạt được sự bình an trong tâm hồn mới thực sự chông gai. Biết vậy, hiểu vậy để không hùng hục trên con đường mưu cầu danh lợi.

    Chủ nhật, được ở nhà với mẹ cha. Ăn chung với gia đình buổi cơm trưa, cơm tối, nghe kể lại những chuyện xóm giềng, bà con mới nhận ra mình đã tự cô lập với cộng đồng xung quanh. Lịch trình một ngày là sáng xách cặp đi, tối mịt mới về nhà. Có ngày, còn không kịp thấy mặt mẹ cha, dẫu ở chung nhà. Đúng là cuộc sống của mình bận rộn nhưng cũng không đến mức trở thành xa lạ với mọi người xung quanh như vậy. Một chút xót xa!

    Chủ nhật, tôi trở thành một đứa trẻ để chơi với hai đứa trẻ còn lại trong nhà. Nhìn các con lớn nhanh, thông minh, lanh lẹ, trong tôi không giấu nổi sự tự hào. Tần ngần nhìn con, nghe con kể chuyện mới hiểu ông bà nội là bạn thân của con hơn mình. Nên câu hỏi, con thương ai nhất nhà, ba bao giờ cũng đứng ở hàng sau cuối. Hợp lý thôi!

    Chủ nhật, nhìn chiều xuống từ từ. Không gian tĩnh lặng nhưng lòng người dậy sóng. Hiểu rõ được một sự thật là cuộc đời này cũng còn nhiều điều trăn trở, khổ đau. Nhắm mắt lại và tự nhủ với lòng: đã làm người thì phải chấp nhận dấn thân và trải nghiệm. Cũng như không thể đòi hỏi sự hoàn mỹ, vẹn toàn. Mình đã may mắn và đã nhận được quá nhiều từ cuộc đời, phải biết bằng lòng với cái mình có và học cách sẻ chia.

    Chủ nhật ơi!

    Khi anh hai có bồ

    Khi anh Hai có bồ, Út nghĩ chẳng thèm chơi

    Áo anh đó, hãy cố mà giặt lấy,

    Lỡ có rách thì ráng ngồi vá vậy

    Hay là mang nhờ chị ấy khâu cùng?

    Anh Hai có bồ, đầu óc cứ rối tung

    Ngồi học bài mà hồn ngoài cửa sổ

    Những điểm yếu cứ ùa nhau cả lố

    Bài kiểm nào chúng cũng nhảy sì lô.

    Anh Hai có bồ, cái mặt cứ ngây ngô

    Sáng đi học chở ai quên đợi Út

    Ba cho tiền nên bao ai liên tục

    Có ai rồi, quên dẫn Út đi chơi.

    Anh Hai có bồ, mỗi tối tập làm thơ

    Dáng trầm ngâm trước trang giấy hàng giờ

    Út mách mẹ : Ai phải đòn anh hở ?

    Mẹ bảo là : Anh Hai lớn … giống ba !

    Tết xa quê

    Ký túc xá chiều xuân yên lặng quá

    Khóc cô đơn giữa phố xá đông người

    Dăm con trẻ quê xa chừ ở lại

    Tết Sài Gòn pháo nổ chập chùng hoa

    Ai bần thần cảm nhận thoáng hương qua,

    Nhang dìu dịu như mẹ ta vừa thắp

    Một dấu lặng giữa cuộc đời tất bật

    Ta xa quê mẹ mãi ngóng ai về

    Cạn ly thôi chống chọi với cơn mê

    Rượu cay đấy chưa đủ làm ai khóc

    Nhớ mẹ cha và quê nhà khó nhọc

    Rượu chưa vào nước mắt đã trào ra

    Phố dập dìu chợt áo trắng em qua

    Em vồi vội ta mơ về quê mẹ

    Có cô bé bây chừ ngồi đan nón

    Nhớ một người, Xuân đến chẳng áo hoa!

    Đừng

    Em đừng khóc để đời còn chút nắng

    Đừng mím môi để chim hót mùa sang

    Đừng nuối tiếc để lòng mình thanh thản

    Đừng bước đi bỏ anh với chiều tàn

    Hãy là em của những ngày tháng cũ

    Mắt xoe tròn vô tư hát bên anh

    Hãy là em của những đêm huyền hoặc

    Chật vòng tay đôi môi ngọt thơm lành

    Anh vẫn biết không có tình vĩnh cửu

    Ta yêu nhau khắc khoải với ngày mai

    Em đừng khóc, mắt huyền đừng khép lại

    Tận muộn phiền xin một giọt sương mai!

    Biết bao giờ?

    Biết bao giờ ta lại nắm tay nhau

    Đi lang thang giữa đất trời lạnh giá

    Trời vào đông em mơ mùa nắng hạ

    Trải lòng ra theo con chữ nhạt nhòa

    Biết bao giờ ta trở lại biển xưa

    Nép vào nhau nghe tiếng sóng xô bờ

    Con phố khuya tiếng cười rơi vụn vỡ

    Môi trinh nguyên khao khát những mong chờ

    Biết bao giờ ta trở về phố núi

    Em co ro trong chiếc áo nâu sồng

    Ta ngồi hát gió đại ngàn lồng lộng

    Thác nguyên sơ héo hắt một nụ hồng

    Biết bao giờ ta lặng lẽ bên nhau

    Tay trong tay bên tách cà phê đắng

    Những ký ức của tháng ngày lãng mạn

    Hờ hững trôi trong nước mắt muộn màng.

    Có thể

    Có thể em đi qua tôi

    Lẻ loi khoảng trời xanh thẳm

    Tiếng chim hót vang phố chợ

    Một người sao mãi lặng câm

    Có thể em đi thật xa

    Vườn xưa thu về vàng lá

    Lao xao chiếc xích đu già

    Chờ ai những chiều buồn bã

    Có thể em sẽ quên tôi

    Lãng quên một thời nông nỗi

    Hoa hồng vườn xưa nở vội

    Sáng thu chợt úa tàn rồi.

    Biển xưa

    Biết nói gì trước biển chiều nay

    Hàng dương ngày ấy tóc em dài

    Mắt em xanh biếc lời biển hát

    Xao xuyến hồn anh chút nắng phai.

    Một chiếc thuyền xa trôi với mây

    Lao xao én lượn gió đong đầy

    Dã tràng côi cút buồn xe cát

    Ngơ ngẩn chiều tàn rơi trên tay

    Biển trẻ như tình ta thuở ấy

    Em xa sóng nhớ dáng ai gầy

    Em đi còng biển quên hò hẹn

    Nuối tiếc tình đầu trôi qua tay!

    Tạo ebook: Tô Hải Triều

    Ebook thực hiện dành cho những bạn chưa có điều kiện mua sách.

    Nếu bạn có khả năng hãy mua sách gốc để ủng hộ tác giả, người dịch và Nhà Xuất Bản

    Hết.
     
    Bé MonCGD goldie thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng sáu 2018
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...