Hãy Sống Ở Thể Chủ Động - Nguyễn Tuấn Quỳnh

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Chiracat, 24 Tháng sáu 2018.

  1. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    Những ngày ở Mỹ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chuyến đi này là khi tôi tham gia một chương trình huấn luyện về quản trị hiệu quả kéo dài trong ba tuần tại Mỹ do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ thông qua Hội đồng Thương mại Việt Mỹ.

    New York

    Chương trình đào tạo chiều thứ Sáu kết thúc khá muộn, tôi và hai người bạn vội về khách sạn để đón xe buýt lên New York. Có câu nói rằng chưa đến New York là chưa đến Mỹ. Chuyến xe bus Grey Hound lăn bánh khỏi thủ đô Washington DC lúc 6 giờ 45 với giá vé khứ hồi là 69 đô la, cao hơn xe bus ở China Town. Hành trình đến New York kéo 4 tiếng 20 phút, vừa đủ cho để đánh một giấc ngắn và tôi tranh thủ kiểm tra email ngay trên xe. Khách sạn tôi đã đặt trước là Edison Hotel, đường số 45, với giá cho twin room là 230 đô la/đêm. Tuy nhiên, không may là khách sạn hết phòng và họ đã hủy booking của tôi. Chúa ơi! Hai người bạn đồng hành vẫn ngủ ngon trên xe vì yên chí phòng đã được đặt sẵn. Tôi đành phải tìm thêm vài khách sạn nữa ở New York và cẩn thận chép vào điện thoại để khi đến đó còn biết chỗ mà tìm, đặc biệt là khách sạn Carter của một Việt kiều.

    Chúng tôi xuống nhà ga ở Quảng trường Thời đại và choáng ngợp trước khung cảnh náo nhiệt của New York. Những tòa nhà cao tầng, đèn sáng lung linh, dòng người đông như hội, mặc dù lúc này đã là 12 giờ đêm. New York không hổ danh là “Thành phố không bao giờ ngủ”! Đủ màu da, đủ lứa tuổi đang chen lấn nhau trên đường. Tình hình vệ sinh ở New York kém hơn hẳn so với thủ đô Washington DC. Chúng tôi đến khách sạn Carter trên Phố 42. Anh chàng tiếp tân da đen lắc đầu nguầy nguậy: “Anh không đặt phòng trước, chúng tôi hết phòng rồi!” 12 giờ 30 đêm, nghe lời từ chối mà tôi bối rối quá! Tuy nhiên, tôi vẫn cố vớt vát: “Chúng tôi là người Việt Nam, chúng tôi được giới thiệu đến đây vì khách sạn này có chủ là người Việt Nam, tôi có thể gặp quản lý được không?” Rất may, quản lý là người Việt và chúng tôi nhanh chóng có được một phòng với giá khá rẻ 116 đô la/đêm. Thật quá may mắn!

    Chúng tôi đi bộ ra Quảng trường và các bảng quảng cáo bằng đèn rất lớn, chạy dọc theo các tòa nhà cao tầng. Đi lòng vòng để kiếm một nhà hàng Tàu nhưng không thấy nên đành phải ghé vào một nhà hàng Hàn Quốc có bán cơm. Đồ ăn ở đây cũng hợp khẩu vị và giá khá rẻ.

    Sáng hôm sau, chúng tôi đi tàu điện ngầm đến bến phà để ra thăm Tượng Nữ thần Tự do; sau đó, ghé thăm Wall Street, Ground Zero, China Town. Đặc biệt, chúng tôi ăn trưa tại nhà hàng Việt Nam có tên Nha Trang ở phố Centre. Ở đây, một tô phở giá 5 đô la, dĩa cơm bò lúc lắc, cơm chiên Dương Châu là 6 đô la. Phố Tàu thì đông nghịt người mua bán. Ở cái xứ thực thi nghiêm túc nhất về quyền sở hữu trí tuệ thì tại China Town này, đồ nhái, đồ giả vẫn được bày bán tràn lan. Người Trung Quốc giỏi thật! Họ lập ra những khu mua bán sầm uất ở các thành phố lớn trên thế giới và biến nó thành một địa điểm để du khách đến chơi và mua sắm. Lang thang ở New York đến 7 giờ tối, chúng tôi lại lên xe bus của Grey Hound và quay về lại Washington DC. 11 giờ 30 đêm, chúng tôi về đến khách sạn và kết thúc một ngày ngao du ở New York.

    Một ngày làm tình nguyện viên cho Foodbank

    Sáng thứ 7, cả đoàn đi làm tình nguyện cho Foodbank tại thành phố Tulsa, bang Oklahoma. Công việc cụ thể là gì thì chúng tôi vẫn chưa biết!

    Rời khách sạn, xe chạy khoảng 30 phút thì đến một khu vực khá đẹp. Chúng tôi bất ngờ khi biết đây là nơi ở của người có thu nhập thấp, đa số là người da màu. Foodbank Tulsa là tòa nhà đẹp và khá lớn. Số tiền đầu tư để xây tòa nhà này là do một cá nhân tài trợ. Foodbank Tulsa, là một tổ chức NGO (Non Government Organization), có nhiệm vụ nhận sự tài trợ, ủng hộ thức ăn của các tổ chức (chủ yếu là các siêu thị, cửa hàng thực phẩm), các công ty và cá nhân; sau đó, phân phối lại cho khoảng 440 điểm, là các nơi có nhu cầu tại 24 quận của bang Oklahoma. Hiện nay, hàng tuần, Foodbank đang cung cấp bữa ăn cho 50.000 người, tương đương với 539.000 bữa ăn trong một tháng. Foodbank được trang bị hệ thống kho chứa khá hiện đại và khá lớn. Họ có kho đông lạnh để giữ thức ăn, hệ thống kho kệ chứa hàng khô. Với nhu cầu như hiện nay, Foodbank có thể dự trữ được được thức ăn dùng trong hai tháng rưỡi.

    Mặc dù hôm nay là sáng thứ Bảy nhưng ở đây rất nhộn nhịp. Chúng tôi gặp một nhóm thanh niên trẻ khoảng 14-15 tuổi, mặc áo thun đỏ, tóc cắt ngắn đang xếp hàng trước nhà vệ sinh…nữ! Hỏi ra mới biết, đây là các thiếu sinh quân đến đây để làm tình nguyện. Vì để đảm bảo năng suất làm việc nên viên chỉ huy đã yêu cầu tất cả các tình nguyện viên phải đi vệ sinh trước khi vào việc. Vì vậy, họ đã độc chiếm luôn cả nhà vệ sinh nữ để “giải quyết” nhanh.

    Chúng tôi đi tham quan một vòng tòa nhà Foodbank, hệ thống nhà kho, nhà bếp và khu vực làm việc của tình nguyện viên. Các thành viên trong đoàn rất ngạc nhiên khi biết đây là một tổ chức tình nguyện, không có mối quan hệ gì với nhà nước. Trong tổng số thực phẩm mà họ nhận tài trợ thì chỉ có 5% là từ các cơ quan chính phủ.

    Rồi cũng đến lúc chúng tôi bắt tay vào việc. Công việc cụ thể là chúng tôi sẽ chuẩn bị bữa ăn cuối tuần cho các em thiếu nhi. Đó là một túi thực phẩm gồm 12 món như: sữa, bánh kẹo, snack, bánh mì, nước cam… đảm bảo cho một đứa trẻ có thể ăn uống trong hai ngày cuối tuần mà không cần phải mua gì thêm. Phần thực phẩm này chủ yếu dành cho các em nghèo hoặc mồ côi. Chúng tôi có tất cả 15 người và chia ra thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm phụ trách bỏ vào túi hai món thực phẩm. Mọi người tạo thành một dây chuyền làm việc. Chúng tôi nhìn số lượng thùng carton thực phẩm chờ được phân phối mà phát ngợp. Nhưng phải bắt tay vào làm thôi!

    Chúng tôi muốn làm nhanh hơn thời gian quy định nên mọi người đều hăng say, háo hức. Nhiệt tình nhất là Madeline, cô bé 8 tuổi dễ thương, con gái của Mr. Berry, người hướng dẫn chương trình của chúng tôi ở Oklahoma. Madeline nhanh nhẹn chạy qua chạy lại giữa các nhóm để hỗ trợ và phân phối hàng. Lâu lâu, cô bé lại nhảy vào thùng rác to để giẫm các vỏ hộp xuống cho gọn gàng. Mọi người vừa làm vừa đùa với nhau, ai cũng cố gắng làm thật nhanh để người ở chuyền sau “vất vả”. Tuy nhiên, vì mọi người đều cảm thấy vui vẻ, thoải mái nên công việc khá suôn sẻ. Tổng kết sau 1 tiếng 15 phút làm việc, chúng tôi đã đóng gói được 77 thùng carton, tương đương khoảng 5.000 phần thức ăn trẻ em. Wow! Vậy là chúng tôi vượt định mức đề ra được khoảng 15 phút.

    Rời Foodbank, chúng tôi trở về lại khách sạn. Với tôi, công việc tình nguyện hôm nay đã để lại một kỷ niệm đẹp trong cả chuyến đi này.

    San Jose

    Tôi rời Dallas và bay đến San Francisco. Đón chúng tôi tại phi trường là ba người bạn. Chúng tôi chạy về San Jose, ra khỏi San Francisco vài dặm thì tôi thấy hai bên đường là hàng loạt công ty công nghệ. Tôi dễ dàng nhận ra Google, Yahoo, Sun… đây chính là Thung lũng Silicon, niềm tự hào một thời của nước Mỹ. Tuy nhiên, sau khi bùng nổ hàng loạt công ty dotcom vào những năm đầu thế kỷ 21 thì hiện nay đã có rất nhiều công ty đã phá sản, làm cho bộ mặt của Thung lũng Sillicon không còn tươi tắn và sung sức như xưa. Có khá nhiều tòa nhà, từng là văn phòng, trụ sở của các công ty dotcom nay bị bỏ trống, việc kinh doanh vì thế mà cũng chậm lại. Một anh bạn của tôi chuyên đi đấu thầu mua thanh lý trang thiết bị, máy tính của các công ty lớn và bán lại cho các công ty nhỏ hơn có nhu cầu hoặc bán lẻ cho biết đang tạm thời nghỉ hưu, không làm gì cả vì nhu cầu thị trường giảm mạnh quá. Thời hoàng kim, anh có thể tham gia hai cuộc đấu thầu mỗi ngày. Anh đi khắp các tiểu bang ở Mỹ để mua bán. Còn bây giờ, giỏi lắm trong một tháng chỉ còn vài cuộc đấu thầu nên anh dành nhiều thời gian để đánh tennis hơn là kinh doanh.

    Thung lũng Sillicon còn nổi tiếng vì có các trường đại học hàng đầu nước Mỹ như Standford, USCA, Bakerley… Khung cảnh của Standford khá thơ mộng nên nhiều đôi uyên ương đã đến đây để chụp hình đám cưới. Chúng tôi đến ăn tối tại nhà hàng Vũng Tàu, khu downtown của San Jose. Ở đây có đầy đủ các món ăn Việt Nam, kể cả bánh khọt, rau muống luộc, thịt kho dưa giá… Cộng đồng người Việt ở San Jose và vùng phụ cận có thể lên đến 250.000 người. Người Việt ở đây không sống tập trung như Orange County mà lại trải đều ra khắp nơi. Vì vậy, đi đến đâu cũng thấy các bảng hiệu Việt Nam xung quanh các ngôn ngữ khác như Mỹ, Mexico và Hàn Quốc. Quán cà phê Việt Nam ở San Jose có một nét tương tự như các quán Hooters, đó là các cô gái phục vụ đều khá xinh và ăn mặc rất “hấp dẫn”. Tuy nhiên, sẽ sai lầm nếu cho rằng các cô phục vụ này vì nghèo mới đi làm như vậy. Anh bạn tôi cho biết, các em này đều đi xe Lexus hoặc Mercedes, giá không dưới 100.000 đô la! Tiền lương của nhân viên phục vụ ở đây khoảng 3.000 đô la/tháng cộng với tiền tip cũng khoảng như vậy nên các em sống khá ung dung.

    Cuộc sống ở San Jose khá bình lặng và êm đềm. Sau 9 giờ tối, hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa. Ở đây, cộng đồng Việt Nam tự hào là những người đã làm thành phố San Jose thức dậy. Những năm sau 1975, San Jose là một thành phố buồn tẻ, kinh tế chậm phát triển. Chỉ từ khi có người Việt đến định cư, tổ chức các họat động kinh doanh, ăn uống, dịch vụ thương mại sau đó là người Mễ, Thái Lan, Hàn Quốc kéo đến thì bộ mặt thành phố San Jose mới thay đổi nhanh chóng.

    Khí hậu San Jose hơi nóng và không có mùa rõ rệt vì nằm giữa thung lũng, ba bề là núi. Buổi sáng, chúng tôi đến ăn phở ở quán 54. Tô phở ở đây cũng khá to. Tôi chợt nhận ra rằng, lý do tô phở ở Mỹ to hơn tô phở ở Việt Nam rất nhiều là do chi phí trong một tô phở thì phần đắt nhất là tiền chỗ ngồi và tiền công phục vụ, trong khi tiền nguyên liệu cho tô phở như bánh phở, thịt… thì không đáng là bao. Vì vậy, để có thể làm hài lòng khách hàng, chủ tiệm phải làm tô phở lớn, đáng đồng tiền bát gạo. Ngoài ra, đó cũng còn là bài toán so sánh giữa tô phở Việt Nam với bữa ăn của các dân tộc khác như đồ ăn nhanh của Mỹ, đồ ăn của Mễ, Hàn Quốc, Hawaii… Tức là, phải làm sao cho tô phở Việt Nam cung cấp đầy đủ calories cho người dùng, đặc biệt là người Mỹ với cái giá chấp nhận được. Ở Mỹ, nếu có 10 đô la thì có thể vào ăn phở vô tư nhưng không thể vào bất kỳ tiệm ăn nào khác!

    Chuyến đi này đã giúp tôi hiểu hơn về cụm từ “xã hội dân sự”, tức là vai trò trung tâm của người dân. Chính phủ thu thuế và có trách nhiệm rõ ràng đến việc đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Bất kỳ người dân nào cũng có quyền góp ý, đề đạt ý kiến của mình và yêu cầu chính phủ phải giải quyết. Ngược lại, chính phủ Mỹ hoặc chính quyền tiểu bang, thành phố, quận, hạt… chỉ có trách nhiệm về đường xá, cung cấp nước, cứu hỏa, cảnh sát, giáo dục (tùy tiểu bang); còn lại tất cả các hoạt động khác là do người dân tự tổ chức và thực hiện. Vai trò của các tổ chức xã hội là hết sức quan trọng trong xã hội Mỹ hiện nay. Thứ hai tôi nhận thấy là một trong những quan tâm hàng đầu của chính phủ Mỹ là vấn đề tạo công ăn việc làm. Khi đi tham quan các nhà máy, cơ sở sản xuất thì điều đầu tiên người ta giới thiệu với tôi không phải là công nghệ tiên tiến hay hiệu quả kinh doanh mà là công ty này sử dụng bao nhiêu lao động. Thứ ba, người dân Mỹ rất tôn trọng pháp luật và điều này thể hiện rất rõ trong việc giao thông trên đường hoặc trong họat động của các tổ chức xã hội. Cuối cùng, thứ tự ưu tiên trong xã hội là phụ nữ, trẻ em, vật nuôi và đàn ông… tưởng nói đùa cho vui nhưng thực tế là hoàn toàn chính xác!

    Còn nữa...
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng sáu 2018
  2. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    Sa mạc Gobi

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi tham gia đoàn Hội Hữu nghị Việt Nam Mông Cổ đến thăm đất nước Mông Cổ vào dịp Quốc khánh ngày 11 tháng Bảy năm 2012. Khao khát một lần được đến với thảo nguyên bao la, cưỡi ngựa, bắn cung trên quê hương Thành Cát Tư Hãn đã được thỏa mãn. Con người Mông Cổ chân thật, hiếu khách, thảo nguyên xanh tươi với những đàn gia súc đủng đỉnh gặm cỏ và những chiếc “ger” - tên gọi của chiếc lều độc đáo, ngôi nhà di động của các cư dân thảo nguyên đã cuốn hút tôi. Lễ hội mừng Quốc khánh được tổ chức với các hội thi đua ngựa và vật cổ truyền. Đặc biệt, toàn bộ hơn một triệu dân ở thủ đô Ulambator đã đổ về vùng quê, ở lều và tham gia các lễ hội truyền thống trong suốt ba ngày.

    Trong chương trình của đoàn không đến thăm sa mạc Gobi. Nhưng tôi đọc rất nhiều tài liệu về Gobi và có người đã nói rằng: chưa đến Gobi là coi như chưa đến Mông Cổ. Vậy thì, tôi cùng một anh bạn quyết định sẽ ở lại thêm một ngày nữa để đến được Gobi cho thỏa chí. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản...

    Mùa này, đến Gobi chỉ có con đường duy nhất là đi máy bay. Và cũng chỉ có hãng hàng không duy nhất có chuyến bay từ Ulambator đến Dalanzadgad (sân bay tại sa mạc Gobi) là Eznis Airway. Tuy nhiên, các chuyến bay đều chật kín vì khách nước ngoài đến du lịch dịp quốc khánh rất đông và họ cũng thích đến Gobi. Các máy bay của Eznis lại nhỏ, loại cánh quạt SAAB 340 chỉ chở tối đa 70 người. Quốc khánh, các hãng du lịch đóng cửa nên việc book vé mua tour gần như không thể. Tôi và chị bạn người Mông Cổ đã chạy đến hai công ty tour lớn nhất ở Ulambator nhưng cũng đều đóng cửa. Sau khi gọi điện thoại, hỏi thăm khắp nơi thì chúng tôi biết được còn một văn phòng của Eznis mở cửa từ 12 giờ đến 17 giờ chiều. Đến nơi thì rất may còn được vài chỗ trống nhưng khi trả tiền (khoảng một triệu tiền Mông Cổ, tức khoảng 7 triệu VNĐ cho một vé khứ hồi) thì hỡi ôi, họ chỉ nhận tiền Mông Cổ, không nhận đô la và cũng không thể thanh toán bằng thẻ tín dụng. Đành phải giữ chỗ trước và ngày mai quay lại trả tiền và nhận vé.

    Tôi về khách sạn và mơ màng cho chuyến đi. Ung dung lên Agoda để đặt khách sạn thì phát hiện là không có khách sạn để đăng ký. Cuống cuồng tìm kiếm trên Internet để có thông tin về khách sạn ở sa mạc Gobi và nhận ra mình sai lầm vì hoàn toàn không có khách sạn và rất ít thông tin về dịch vụ lưu trú ở đây. Cuối cùng, tôi cũng tìm được thông tin về khu nhà lều - khách sạn “năm sao sa mạc” tên là Three Camel Lodge với những nhận xét tích cực về nơi này. Khi gọi điện thoại để tìm hiểu về khu nhà lều này thì được biết nó cách sân bay 70km và ở giữa sa mạc. Tôi vớt vát hỏi thêm là họ có biết khách sạn hay nhà lều nào gần sân bay không thì cô nhân viên trả lời một cách dứt khoát: giờ này mà tôi mới book khách sạn cho ngày mai là đã quá trễ và văn phòng ở Ulambator của cô chỉ làm việc đến 6 giờ chiều và tôi có thể thanh toán tiền bằng đô la. Tôi đâm lo và vội vàng gọi taxi để đến văn phòng của Three Camel Lodge. Và sau một hồi trao đổi, tôi phải trả 870 đô la cho 30 tiếng đồng hồ ở sa mạc với lều hạng sang có nhà vệ sinh bên trong, xe đưa đón từ sân bay và đi đến các điểm cần tham quan. Đặc biệt, ngoài tiền trả cho tài xế, thuê xe, tôi còn phải trả tiền bữa ăn cho tài xế. Đúng 6 giờ chiều, tôi rời khỏi văn phòng với lời chúc mừng: “Anh sẽ là người khách Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Three Camel Lodge, sa mạc Gobi.”

    Mất khoảng hơn một tiếng bay từ Ulambator, sa mạc Gobi đã hiện ngoài khung cửa sổ. Sa mạc Gobi là sa mạc lớn nhất châu Á, lớn thứ tư trên thế giới và là vùng giáp ranh giữa Trung Quốc và Mông Cổ. Khác với suy nghĩ của nhiều người, Gobi không chỉ có những bãi cát mà phổ biến nhất vẫn là sa mạc sỏi đá, cồn cát và núi đá.

    Nhiệt độ ở Gobi khoảng 40oC nhưng tôi vẫn cảm thấy mát. Đón chúng tôi tại sân bay là một anh chàng tài xế khá cao lớn và hiền lành. Anh không nói được tiếng Anh và điều khiển chiếc Land Cruiser hầm hố. Chuyến đi tại Gobi của tôi chính thức bắt đầu. Mùa này, sa mạc có mưa lác đác nên cỏ vẫn mọc xanh và trong sa mạckhông có đường đi, xe chạy trên những lối mòn và thường xuyên chạy lên cỏ. Trên đường về khách sạn, tôi yêu cầu tài xế dừng xe mỗi khi có đàn gia súc gặm cỏ. Đón chúng tôi tại khách sạn, cô quản lý Khaliun đã thống nhất với chúng tôi chương trình tour một ngày ở đây. Khaliun nói tiếng Anh khá tốt và thân thiện. Tôi nhận nhà lều của mình và hài lòng với tiện nghi của nó. Như vậy, đúng là tôi đang ở khách sạn năm sao giữa lòng sa mạc. Tôi đi vòng quanh khu nhà lều, khoảng 20 lều được dựng lên ở đây cùng với một cănlàm nhà ăn và câu lạc bộ. Nhà lều chúng tôi chỉ có nhà vệ sinh bên trong nhưng vẫn phải tắm ở khu tâp thể bên ngoài. Ở đây sử dụng toàn bộ năng lượng mặt trời và trong phòng có sẵn đèn cầy phòng khi hết điện. Nhà lều có trồng rau, bầu bí trong nhà kính nên các bữa ăn đều có đầy đủ rau xanh. Tại phòng câu lạc bộ có tivi và đầu máy với các bộ phim về du lịch Mông Cổ và Gobi. Cô nhân viên phục vụ vừa làm vừa tự học tiếng Anh với cuốn sách mở sẵn trên quầy bar.

    Trải nghiệm đầu tiên của chúng tôi khi khám phá sa mạc Gobi là đi cưỡi lạc đà hai bướu Bactria, loại lạc đà chỉ có ở đây. Theo dân địa phương thì lạc đà là động vật rất có ích với cuộc sống của du mục. Lông lạc đà được dùng để dệt vải, sữa là đồ uống bổ dưỡng và đặc biệt, phân khô có thể dùng làm nhiên liệu. Da lạc đà dùng làm giày và yên. Tôi phải trả khoảng 10 đô la cho một lần cưỡi lạc đà đi lòng vòng và chụp hình. Tuy nhiên, các chú lạc đà nhìn thì rất oai vệ nhưng mùi lại rất hôi. Anh bạn đi cùng đã ho sặc sụa khi leo lên lưng lạc đà. Sau khi đi một vòng, chúng tôi được mời vào ger uống sữa ngựa và mua đồ lưu niệm. Tôi từ chối vì không chịu được mùi chua của món sữa ngựa lên men.

    Rời các chú lạc đà Bactria, chúng tôi đến thăm các cồn cát. Cát trắng trải dài và chất cao thành đụn, nổi bật giữa sa mạc đá. Tuy nhiên, so với bãi cát ở Phan Thiết thì các đụn cát ở đây không lớn bằng. Và ấn tượng nhất với tôi là bầu trời xanh, mây trắng ở sa mạc buổi chiều. Đẹp đến nao lòng. Anh bạn đi cùng lẩm bẩm: đây là bầu trời đẹp nhất mà anh từng thấy và đủ cảm hứng để anh ta làm thơ!

    Chúng tôi đón hoàng hôn xuống dần trên sa mạc tại khu vực bãi đá đỏ. Trước khi đi, chúng tôi được biết khoảng 8 giờ tối thì mặt trời sẽ lặn. Ở Mông Cổ, mùa này, ngày rất dài. 4 giờ thì trời đã sáng và 21 giờ mới bắt đầu tối. Ánh hoàng hôn nhuộm vàng không gian. Đêm ở sa mạc đầy sao. Khi chúng tôi quay trở về ger thì đã “hết” điện. Ngọn đèn cầy lung linh và mùi nhang thơm thoang thoảng dỗ tôi vào giấc ngủ say.

    Sáng hôm sau, vượt hơn 40km, chúng tôi đến thăm Bảo tàng thiên nhiên tại Gobi. Đây là một khu núi đá có trứng khủng long hóa thạch. Tôi thuê ngựa để đi sâu vào trong, với giá 10 đô la. Núi đá hùng vĩ sừng sững giữa sa mạc mênh mông, ở giữa là dòng suối và có những tảng băng chưa tan hết. Cha con người Mông Cổ cho thuê ngựa cùng với chúng tôi đi sâu vào trong núi rất có ý thức bảo vệ môi trường, trong khi chúng tôi mê mải chụp hình thì họ lặng lẽ thu gom các vỏ chai mà du khách vứt lại trong núi!

    Rời sa mạc Gobi, tôi có hàng trăm tấm ảnh về các đàn gia súc như ngựa, lạc đà, dê, cừu vì với tôi, đây là minh chứng sinh động cho sức sống mãnh liệt của người dân Mông Cổ. Băng qua sa mạc, tôi không thể tưởng tượng được rằng, hàng ngàn năm qua, người Trung Quốc, người Mông Cổ đã phi ngựa qua lại trên mảnh đất này. Ấn tượng mạnh nhất là hình ảnh những đứa trẻ rất dễ thương, sống tách biệt trên sa mạc. Các bé đều rất khỏe mạnh, xinh xắn và hiếu khách.

    Trên chuyến bay từ Gobi về lại Ulambator, tôi cảm thấy hạnh phúc với 30 tiếng mình được sống ở sa mạc đặc biệt này và biết rằng, sẽ khó có dịp được quay trở lại! Tạm biệt Gobi

    Còn nữa...
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng sáu 2018
  3. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    Theo dấu chân của Hemingway ở La Havana, Cuba.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi quyết định tự mình khám phá những nơi mà nhà văn Mỹ, đoạt giải Nobel năm 1954, Enerst Hemingway đã từng sống và sinh hoạt tại thủ đô La Havana, Cuba. Cô bán tour của Havanatour đã tận tình hướng dẫn cho tôi những địa điểm cần đến. Chỉ trừ ngôi biệt thự Finca Vigia, nơi ông sống những năm 1939-1961, nằm về phía Đông và cách trung tâm La Havana 15km, các điểm còn lại đều nằm trong khu phố cổ nên việc tham quan khá dễ dàng.

    Điểm đầu tiên tôi đến là quán bar Bodeguitar trên đường Empedrado. Quán bar nằm trong một con phố nhỏ, cách nhà thờ lớn chừng 50m. Như nhiều quán bar khác ở La Havana, Bodeguitar chỉ mở cửa sau 11 giờ sáng. Bên trong có khá nhiều hình ảnh về Hemingway, đặc biệt là bút tích của ông được treo trang trọng trên quầy bar “My favourite mojitos in Bodeguitar. My daiquiry in Flodirita.” Mojotos là một loại cocktail rất nổi tiếng ở Cuba, được pha chế bằng rượu rum, đường, nước chanh và lá bạc hà tươi. Nó có mùi thơm và vị cay cay. Trên quầy bar của Bodeguitar luôn để mười ly mojotos pha sẵn để phục vụ khách hàng mà đa số là khách du lịch. Khi tôi đến Bodeguitar, phía trước có một bà lão ăn mặc sặc sỡ, ngậm một điếu xì gà to. Với khách du lịch Cuba, bà lão này rất nổi tiếng vì hình của bà được in trên cuốn guide book của Lonely Planet. Khi khách du lịch đến thăm Bodeguitar, bà lão đều cười rất tươi và mời gọi chụp hình lưu niệm chung, giá cho một tấm ảnh chụp chung là 1 CUC. Tôi chụp hình chung với bà lão một tấm ảnh và đưa 3 CUC. Bà lão cười rất tươi, không trả lại tôi tiền thừa và yêu cầu chụp thêm hai tấm nữa!

    Rời Bodeguitar, tôi đi dọc theo một con phố cổ là đến khách sạn Mundos Hotel. Đây là khách sạn mà Hemingway đã từng ở giai đoạn 1932-1939. Hồi ấy, ông ở phòng 511 và bây giờ nơi này trở thành phòng trưng bày một số hiện vật của ông. Khách sạn Mundos nằm ngay góc đường với màu sơn đỏ nhạt. So với những khách sạn 4-5 sao khác nằm ở dọc bờ biển ở La Havana thì Mundos không tiện nghi và hiện đại bằng nhưng giá thuê phòng lại rất đắt. Giá một phòng bình thường là 185 CUC/đêm! Trong khi đó, tôi ở tại khách sạn bốn sao Riviera ngay bên bờ biển mà chỉ phải trả 50 CUC/đêm. Lý do của sự đắt đỏ này là vì nhà văn Hemingway đã từng ở tại đây! Tại sảnh của khách sạn Mundos, hình ảnh Hemingway hiện diện khắp nơi. Người bảo vệ khách sạn đã vui vẻ chụp hình giúp tôi. Anh ta cũng cho biết mùa này khách đến ở tại khách sạn không nhiều, đa số là khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh.

    Tôi đi dọc con phố cổ Opispo hướng về khu quảng trường Capitolio với vô số các cửa hàng, nhà hàng ở hai bên đường. Đây là khu phố mua bán chính của La Havana nên mặc dù đã 11 giờ 30 sáng thứ Tư nhưng đường phố đông nghịt người. Trước các cửa hàng, người ta rồng rắn xếp hàng để đợi được vào cửa hàng mua sắm. Hàng hóa ở La Havana không nhiều và không phong phú vì đa số là hàng nhập khẩu do các công ty quốc doanh độc quyền nhập khẩu và phân phối. Đi bộ khoảng 500m từ khách sạn Mundos, tôi đến quán bar Flodirita, nơi đã phục vụ cho Hemingway những ly Daiquiry thơm lừng. Ở đây, có một bức tượng Hemingway bằng đồng đang đứng cạnh quầy bar và đặt tại góc quán, kích cỡ gần bằng người thật. Tất cả khách du lịch đến đây đều chụp hình chung với bức tượng này. Cũng như ở Bodeguitar hay khách sạn Mundos, Flodirita cũng có rất nhiều hình ảnh về Hemingway, đặc biệt là những tấm ảnh chụp chung giữa Hemingway và lãnh tụ Fidel Castro.

    Tôi gọi đồ ăn trưa ở Flodirita, giá đồ ăn ở đây đắt gần gấp đôi so với quán khác. Đến sau tôi là một đoàn du khách Canada. Hướng dẫn viên luôn miệng giới thiệu về món ăn ở đây và cũng không ngần ngại nói thẳng: đề nghị du khách lưu ý vì giá ở đây không rẻ chút nào!

    Rời Flodirita, tôi thuê xe taxi đến Finca Vigia là nhà ở của Hemingway từ năm 1939-1961. Ngôi nhà này được chính phủ Mỹ công nhận là địa điểm nằm trong Sách đỏ và là một trong hai địa điểm thuộc danh sách Sách đỏ bên ngoài nước Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng đã tài trợ cho Cuba để tôn tạo và gìn giữ ngôi nhà này.

    Ngôi nhà nằm trên một ngọn đồi với diện tích 36.000m2. Vườn rộng và trồng rất nhiều loại cây ăn trái. Phong cảnh thanh bình và yên ả. Vé vào tham quan là 6 CUC/người và lệ phí mang máy chụp hình là 5 CUC. Theo quy định thì khách phải tắt đèn flash khi chụp hình.

    Ngôi nhà đã được gìn giữ rất tốt. Tôi đi vòng quanh ngôi nhà và hình dung được phần nào cuộc sống của nhà văn trước đây. Có hai thứ nhiều nhất trong ngôi nhà này là sách và đầu thú rừng. Nó thể hiện được hai niềm đam mê lúc sinh thời của Hemingway: đọc sách và săn bắn. Theo thống kê, có 9.000 quyển sách được lưu giữ ở đây và trên các cuốn sách này đều có bút tích của Hemingway. Tôi đếm được có khoảng mười đầu thú được treo trên tường ở các phòng trong nhà. Chiếc máy đánh chữ cũ mà Hemingway đã dùng để ghi lại những sáng tác bất hủ của mình vẫn nằm ngay ngắn trong phòng ngủ. Toàn bộ phòng khách, phòng làm việc, phòng ngủ và cả phòng vệ sinh đều mở cửa để cho du khách chiêm ngưỡng. Các nữ quản lý tòa nhà khá thân thiện và giúp tôi chụp hình phía trong các gian phòng vì du khách chỉ được đứng bên ngoài. Hemingway có đặt kính viễn vọng đặt ở lầu vọng cảnh, phía sau ngôi nhà lớn. Từ đây, ông có thể ngắm nhìn thành phố La Havana xa xa với tòa nhà tháp Capitolio và Quảng trường Cách Mạng. Điều đặc biệt là chuyếc thuyền Pilar mà Hemingway thường đi câu cũng như là bối cảnh cho tiểu thuyết nổi tiếng “Ông già và biển cả” vẫn được gìn giữ khá tốt và đặt trang trọng ở một góc vườn. Tôi ghé lại cửa hàng lưu niệm ở gần cửa ra vào. Ở đây, có rất nhiều bưu thiếp, đồ lưu niệm có hình ảnh của nhà văn. Đặc biệt, có cả hình ảnh nguyên mẫu ngoài đời thật của ông lão đánh cá trong tác phẩm “Ông già và biển cả”.

    Trong cuộc hành trình theo dấu chân của nhà văn Hemingway ở La Havana, đặc biệt là khi đến thăm nhà của ông, tôi có cảm tưởng là ông vẫn còn đang sống và vẫn ở đâu đây!

    Tôi nhận ra một điều là Cuba rất giỏi trong việc khai thác các điểm du lịch. Không phải tự nhiên mà Cuba đã thu hút được hơn 2,5 triệu du khách đến thăm mỗi năm, trong bối cảnh bị Mỹ cấm vận như hiện nay. Cuba không chỉ có những bờ biển đẹp, thủ đô La Havana cổ kính mà còn có những di tích văn hóa thu hút được sự quan tâm và chiêm ngưỡng của du khách.

    Tôi nhủ thầm, có lẽ đất nước Cuba xinh đẹp, người dân hiền hòa, thân thiện, hương vị Mojotos và Daiquiry nồng cay đã góp phần giúp nhà văn Mỹ Enerst Hemingway cho ra đời những tác phẩm bất hủ mà hơn thế kỷ nay vẫn làm nhiều thế hệ bạn đọc trên thế giới say mê!

    Còn nữa...
     
    CGD goldie thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng sáu 2018
  4. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    Thị trường Myanmar: tiềm năng và cơ hội

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Từ ngày 26 đến 30 tháng Mười năm 2012, cùng với 20 doanh nghiệp YBA, tôi đã đến thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Myanmar. Chuyến đi tuy ngắn nhưng để lại trong lòng tôi ấn tượng sâu đậm về một dân tộc sùng đạo Phật và đang thay đổi từng ngày.

    Chúng tôi ở tại một khách sạn bốn sao nằm ở trung tâm thủ đô Yangoon. Bữa ăn sáng ở khách sạn không có nhiều món nhưng cũng tạm ổn với cháo trắng, cơm chiên, trứng ốp la... Từ tầng 15 của khách sạn, phóng tầm mắt ra xa có thể thấy thành phố Yangon rộng lớn và rất đẹp.

    Đến thăm Hội chợ hàng Việt Nam vào sáng sớm nên khách chưa đông lắm. Đa số các gian hàng của Việt Nam là hàng tiêu dùng nên người dân Myanmar rất thích. Nhiều khách hàng đã kỳ kèo để được mua hàng trưng bày. Đa số các công ty Việt Nam tham gia hội chợ đều bán hàng trừ vài công ty chỉ trưng bày nhưng không bán lẻ. Có bốn gian hàng của Myanmar tham gia hội chợ, trong đó một công ty bán đồ mỹ nghệ làm từ vỏ sò, một công ty đá quý, một công ty may mặc và một công ty bán sách tiếng Anh nói về môi trường đầu tư tại Myanmar.

    Chúng tôi có cơ hội làm việc với các doanh nhân trẻ ở Mynamar. Ấn tượng lớn nhất là các bạn doanh nhân Myanmar nói tiếng Anh rất tốt và đầy tự tin. Qua trao đổi, tôi được chia sẻ: Có ba nhận định sai lầm của nhà đầu tư nước ngoài khi đến Myanmar:

    1. Bất động sản Myanmar rất rẻ.

    2. Giá nhân công của Myanmar thấp.

    3. Doanh nhân Myanmar ít kinh nghiệm và thiếu linh hoạt.

    Thứ nhất, bất động sản ở Myanmar không hề rẻ. Trong hai năm qua, giá bất động sản tại đây đã tăng gấp ba lần vài giá thuê thấp nhất hiện nay là 10 đô la/m2/năm. So với Việt Nam, một số khu công nghiệp ngoại thành TP. HCM, giá cho thuê là 30-40 đô la/m2/50 năm.

    Thứ hai, giá nhân công của Myanmar chỉ thấp đối với lao động phổ thông. Mức lương phổ biến cho những người lao động giản đơn là 70 đô la/tháng. Nhưng với lao động có trình độ, nói được tiếng Anh thì mức lương bình quân phải từ 500 đô la/tháng trở lên. Tuy nhiên, do năng suất lao động ở đây thấp, không có sự hỗ trợ nhiều của máy móc nên tính ra giá nhân công không rẻ chút nào.

    Thứ ba, thật ra dưới thời thuộc địa của Anh, Myanmar đã là một cường quốc về xuất khẩu dầu và khoáng sản. Mặc dù 80% dân số theo đạo Phật nhưng Myanmar không bị ảnh hưởng gì bởi nền văn hóa Trung Quốc. Ở đây, ít ai biết đến Khổng Tử, Lão Tử... Myanmar chịu ảnh hưởng bởi nền văn hóa phương Tây. Bởi vậy, doanh nhân ở đây rất hiểu biết và đặc biệt thận trọng trong các thỏa thuận, ký kết hợp đồng.

    Do thể chế chính trị hiện nay ở Myanmar là dân chủ, đa đảng, có đảng đối lập nên các quan chức đều làm việc trên tinh thần phục vụ và cẩn trọng. Chuyện tham nhũng trước đây là phổ biến nhưng hiện nay đã giảm nhiều. Myanmar hiện có 40.000 doanh nghiệp và tập trung tại các đô thị lớn như Yangon, Mandalay... Cơ sở hạ tầng về giao thông thì tạm ổn. Họ có tuyến đường sắt chạy xuyên quốc gia, nhiều đường bay nội địa giữa các vùng và phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân là xe ô tô. Về viễn thông thì yếu kém vì chưa có sự tham gia của các công ty nước ngoài. Myanmar vẫn còn thiếu điện. Tại Yangon vẫn còn bị cúp điện. Tuy nhiên, kế hoạch đến năm 2017 thì Myanmar sẽ đủ điện và có thể xuất khẩu từ các dự án thủy điện đang triển khai.

    Về hệ thống phân phối thì chủ yếu là siêu thị và chợ. Thương nhân nước ngoài chưa được phép tổ chức bán lẻ tại Myanmar. Vì vậy, doanh nghiệp muốn bán hàng vào Myanmar, phải chọn được nhà nhập khẩu. Thuế nhập khẩu hàng hóa vào Myanmar bao gồm thuế thương mại 10% và thuế nhập khẩu. Đến 2015, Myanmar sẽ áp dụng biểu thuế theo AFTA thì mức thuế nhập khẩu hàng hóa tối đa là 5%.

    Buổi làm việc với Đại sứ Việt Nam tại Myanmar đã cho chúng tôi thêm những thông tin hết sức thú vị. Người dân Myanmar thật tâm không thích Trung Quốc và Thái Lan. Với Trung Quốc, người dân Myanmar gần đây đã biểu tình chống đối vì cho rằng Trung Quốc chỉ quan tâm đến vơ vét tài nguyên và sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Còn với Thái Lan, trong lịch sử Myanmar đã có 32 cuộc chiến với Thái Lan, trong đó Myanmar thắng 31 trận và đã hai lần chiếm được Bangkok.

    Triết lý đạo Phật đã thấm nhuần vào tư tưởng của người dân Myanmar. Trong đó, triết lý quan trọng nhất là: “Không tham lam những thứ không phải của mình.” Năm 1939, Đảng Cộng sản Miến Điện ra đời và kêu gọi người dân cướp tài sản của địa chủ. Tuy nhiên, người dân đã không nghe theo vì họ cho rằng, địa chủ giàu vì kiếp trước họ tu tốt, còn người dân nghèo vì kiếp trước họ không tu. Cùng tinh thần này nên tại Myanmar, gần như không xảy ra tệ nạn trộm cướp. Tỷ lệ ngoại tình, ly dị ở Myanmar cũng rất thấp.

    Xét về tài nguyên thì Myanmar giàu có hơn nhiều so với Việt Nam. Họ chỉ thua Việt Nam về than đá. Tuy nhiên, họ rất khâm phục khi với tài nguyên không nhiều như vậy nhưng Việt Nam vẫn đang dẫn đầu về xuất khẩu nông sản, cà phê, tiêu, đồ gỗ...

    Năm 1959, Bác Hồ có đến thăm Myanmar. Lúc đó, Đại học Yangon được xếp thứ 19 trên thế giới về chất lượng đào tạo. Tỷ lệ biết đọc, viết của người Myanmar khá cao. Hiện nay, khi thực hiện chính sách mở cửa, Myanmar chỉ cho phép các trường đến từ Mỹ và Anh tổ chức đào tạo ở Myanmar.

    Tổng thống Myanmar vẫn chưa thông qua luật đầu tư mới do Quốc Hội đệ trình vì ông cho rằng, luật còn quá bảo thủ và bảo hộ doanh nghiệp trong nước quá đáng.

    Nhìn chung, Myanmar vẫn là một thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, lúc này, có vẻ chúng ta đang chậm chân hơn Trung Quốc, Singapore và Thái Lan.

    Rời Myanmar, mỗi doanh nhân đều có những nhận định của riêng mình. Đa số đều đánh giá đây là thị trường tiềm năng và họ sẽ sớm quay trở lại để có thể thâm nhập một cách hiệu quả.

    Còn nữa...
     
    CGD goldie thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng sáu 2018
  5. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    Tôi là cổ động viên bóng đá Việt Nam!

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Là một “tín đồ” cuồng nhiệt của túc cầu giáo, nhiều năm qua, tôi đã theo chân đội tuyển Việt Nam trong các chuyến du đấu nước ngoài lẫn trong nước. Tôi đã có rất nhiều kỷ niệm vui buồn trong những lần mặc chiếc áo đỏ với sao vàng giữa ngực, hò hét trên các sân vận động Bacolod (Philippines), Korat (Thái Lan), Nation Stadium (Thái Lan) và Mỹ Đình (Việt Nam)...

    12/2005 - Seagames 23: Bacolod (Philippines) – Kỷ niệm buồn

    Đoàn cổ động viên có khoảng 100 người, trong đó có vợ chồng nghệ sĩ Bảo Quốc. Chúng tôi đến Bacolod và khuấy động sự yên tĩnh của thành phố đảo ở phía Nam Philippines này. Ở trận đấu bán kết, Việt Nam đã xuất sắc vượt qua Malaysia. Cổ động viên chiếm toàn bộ khán đài B, đại quốc kỳ 600m2 nằm kiêu hãnh trên sân vận động. Khi đội tuyển Việt Nam ghi bàn, một cổ động viên vui quá đã ôm ảnh Bác Hồ chạy xuống sân và bị cảnh sát Philippines dùng dùi cui đuổi chạy ngược lên khán đài. Việt Nam lọt vào trận chung kết. Niềm vui to lớn này bị giảm đôi chút khi kết thúc trận đấu, các cầu thủ Việt Nam đã không chào khán giả. Nhưng không sao, với cổ động viên, quan trọng nhất là đội nhà đã chiến thắng. Đêm hôm đấy, cổ động viên đã đến thăm đội tuyển, ủng hộ tiền và động viên tinh thần...

    Trước trận chung kết, từ rất sớm, cổ động viên đã kéo đến khách sạn nơi đội tuyển đóng quân, trải rộng lá cờ tổ quốc và hát vang, chào đón các cầu thủ ra xe bus đến sân vận động thi đấu. Thế nhưng, các cầu thủ U23 Việt Nam đã lặng lẽ bước lên xe, không nhìn và không chào cổ động viên. Một sự thất vọng và lo lắng hiện lên trên từng khuôn mặt cổ động viên. Để rồi sau đó hai tiếng chúng tôi chứng kiến một trận thua bạc nhược và khó hiểu của Việt Nam trước Thái Lan. Tôi nhớ hoài những hình ảnh không đẹp của trận đấu đáng quên đó như cảnh Quốc Vượng bay song phi đạp vào chân cầu thủ Thái Lan ở giữa sân trong một tình huống rất bình thường như muốn nhận thêm một thẻ vàng để ra sân, là hành lang cánh trái luôn bị bỏ trống để Thái Lan dễ dàng khai thác và ghi bàn... Râm ran trên khán đài là thông tin về đội tuyển Việt Nam bán độ. Xót xa lắm! Kết thúc trận đấu, khi nhận giải nhì, các cầu thủ Việt Nam cúi gằm mặt và thiểu não, cổ động viên thì tê tái. Đêm đó, ở Bacolod, một số cổ động viên đã uống say và mất ngủ. Rõ ràng, Việt Nam vẫn còn kém hơn Thái Lan rất nhiều nhưng người hâm mộ không chấp nhận một trận thua bạc nhược như vậy. Tôi về cùng chuyến bay với đội tuyển. Một không khí nặng nề bao trùm trong suốt chuyến bay.

    12/2007 - Seagames 25: Korat (Thái Lan) – Thất vọng

    Lại một lần nữa tôi đeo ba lô theo đội tuyển. Trước khi đi, tôi viết cho Tuổi Trẻ Online một bài báo ngắn về tâm sự của một cổ động viên yêu bóng đá Việt Nam. Đại ý là, cho dù đã có những lần thất vọng, những kỷ niệm buồn, nhưng cổ động viên vẫn đồng hành cùng đội tuyển Việt Nam, vẫn chờ mong những chiến thắng, vẫn khát khao cảm giác ngọt ngào của chức vô địch!

    Lần này, tôi không đi theo tour của Viettravel mà tự thu xếp chuyến đi. Đến sân thi đấu tại một trường đại học, chúng tôi bắt gặp rất nhiều bạn bè – những cổ động viên trung thành, rực rỡ trong màu áo đỏ. Bên cạnh cổ động viên còn có một đoàn cán bộ của VFF sang ủng hộ đội tuyển. Không khí trên khán đài cũng nóng không kém những lần thi đấu trước. Tôi biết có nhiều bà con Việt kiều ở cách Korat 500 – 700 km cũng đến đây để ủng hộ đội tuyển. Người bạn Thái đi cùng tôi cũng ngạc nhiên về tinh thần ủng hộ cuồng nhiệt của cổ động viên Việt Nam. Tại Korat, tôi đã trao đổi và chụp hình lưu niệm với anh chàng cổ động viên số 1 Thái Lan. Xét về trình độ tổ chức và ủng hộ đội tuyển thì Thái Lan vẫn chuyên nghiệp hơn Việt Nam. Dẫu vậy, sự có mặt của cổ động viên vẫn là một sự khích lệ lớn cho đội tuyển.

    Bóng ma bán độ vẫn treo lơ lửng trong tâm trí cổ động viên. Và, một lần nữa, đội tuyển U23 Việt Nam đã làm buồn lòng người hâm mộ khi thua 0-4 trước Singapore. Vị ngọt chiến thắng dường như quá xa vời với đội tuyển Việt Nam.

    Khi tôi trở về nhà, ba tôi cũng rất đau buồn với kết quả đáng thất vọng của đội tuyển. Ông khuyên tôi, thôi đừng đi theo đội tuyển nữa vì dường như, trình độ bóng đá Việt Nam vẫn còn khoảng cách với các đội khác trong khu vực và quan trọng hơn, cầu thủ Việt Nam đã không “đủ lửa” khi ra sân, chưa cảm nhận được niềm vinh dự khi khoác trên mình màu áo-màu cờ Tổ quốc! Ba tôi, một cựu cầu thủ của đội tuyển sinh viên Sài Gòn những năm 60 thế kỷ trước, yêu bóng đá cuồng nhiệt mà đã phải nói những lời chua xót như vậy!

    21/12/2008 - AFF Cup 2008: National Stadium (Singapore) - Tuyệt vời

    Khi biết tôi sẽ đi Singapore để xem trận bán kết lượt về với Singapore, ba đã khuyên tôi nên ở nhà vì chắc chắn tôi sẽ ê chề chứng kiến cảnh Việt Nam bại trận như những lần trước. Tôi cũng hiểu khả năng thắng trận này của Việt Nam là rất nhỏ. Nhưng có điều gì đó thôi thúc tôi, cứ lên đường đi!

    Ra sân bay, tôi rất vui vì gặp rất nhiều đàn anh là những doanh nghiệp nổi tiếng, thành đạt cũng bay đi Singapore với mục tiêu duy nhất: ủng hộ đội tuyển Việt Nam. Sân National Stadium của Singapore hôm đó đã đón 55.000 khán giả, trong đó có khoảng 5.000 khán giả Việt Nam. Có thể nói, gần như toàn bộ người Việt Nam ở Sing đã đến sân vận động để ủng hộ đội nhà. Tôi bắt gặp nhóm khoảng 50 công nhân Việt Nam, còn mặc đồ bảo hộ lao động, rồng rắn nối đuôi nhau lên khán đài; một cặp vợ Việt, chồng Sing vì không quyết định được là sẽ ngồi ở khu vực của cổ động viên nước nào nên đành ngồi ngay dải phân cách. Và tất nhiên, tôi gặp lại rất nhiều bạn bè cũ, những cổ động viên trung thành đã theo đội tuyển nhiều mùa giải qua. Chúng tôi, chỉ có một nhóm, ngồi lọt thỏm trong sân nhưng về mức độ cuồng nhiệt và ủng hộ, cổ động đội tuyển lại tỏ ra lấn lướt hơn 50.000 người Sing. Chính báo chí của Sing sau đó cũng phàn nàn là cổ động viên Singapore đã thờ ơ với đội tuyển và thiếu lửa, thua xa cổ động viên Việt Nam.

    Khi Quang Hải ghi bàn, tôi cảm thấy mình bay bổng. Mọi người xung quanh đều nhảy cẫng lên. Bị ép sân liên tục, tình cảm của cổ động viên Việt Nam bị dồn nén cực độ. Bàn thắng quý giá này đã làm mọi người thăng hoa. Tuyệt vời quá!

    Dẫu rằng, sau trận đấu, đã có những va chạm nhỏ giữa cổ động viên hai đội, trong đó, cũng có phần lỗi của cổ động viên Việt Nam. Nhóm cổ động viên cuối cùng rời sân đã là 1 giờ 30 sáng, tức là sau ba tiếng rưỡi kể từ khi kết thúc trận đấu. Nhưng không hề gì, tất cả đều hể hả với chiến thắng của đội tuyển. Đêm đó,ở Sing, có nhiều cổ động viên đã ăn mừng đến 4 giờ 30 sáng! Trong cuộc đời làm cổ động viên của mình, đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được trọn vẹn niềm vui chiến thắng. Về khách sạn, vào Việt Namexpress.net để xem lại bàn thắng lịch sử này, tôi đã khóc vì sung sướng!

    Trên chuyến bay về lại Việt Nam, tại phòng chờ, chúng tôi lại nói chuyện rôm rả về trận chung kết sắp tới, lại hẹn hò với nhau, hẹn gặp nhau ở Bangkok, Mỹ Đình.

    28/12/2008 - AFF Cup 2008: Mỹ Đình (Việt Nam) - Nước mắt sung sướng!

    Tôi đã không thể đi Bangkok ngày 24/12 được vì đó là đêm Noel. Tôi đã đi quá nhiều nên muốn dành đêm Giáng sinh với gia đình. Chứng kiến trận thắng lịch sử của Việt Nam trên đất Thái, tôi hiểu rằng, mình sẽ phải có mặt ở Mỹ Đình 28/12!

    Trong một buổi liên hoan sau cuộc họp doanh nhân trẻ ở TP. Hồ Chí Minh, anh Võ Quốc Thắng đã khởi xướng việc ủng hộ cho đội tuyển. Tất cả mọi người tham dự đều rất đồng tình. Đây cũng là tấm lòng của Hội Doanh Nhân Trẻ TP. Hồ Chí Minh - YBA dành cho đội tuyển. Bóng đá đã không đơn thuần là một môn thể thao mà nó còn là niềm tự hào dân tộc.

    Trên chuyến bay ra HN, trưa ngày 28/12, tôi cũng gặp rất nhiều doanh nhân. Câu chuyện rôm rả ở phòng chờ sân bay cũng chỉ xoay quanh trận đấu chiều nay. Chuyến bay bị delay hai lần và cuối cùng cũng cất cánh được.

    Tôi bị cuốn theo dòng người đông nghịt vào sân Mỹ Đình nên tìm được chỗ ngồi thì trận đấu đã bắt đầu được 5 phút. Đã nhiều lần xem bóng đá trên sân Mỹ Đình nhưng chưa bao giờ tôi sống trong không khí cuồng nhiệt đến như vậy. Ngay cả khi bị Thái Lan dẫn 1-0, cổ động viên Việt Nam cũng không quá lo lắng. Một sự tự tin chưa từng có của đội tuyển trên sân và của cổ động viên trên khán đài.

    Khi Công Vinh đánh đầu ghi bàn vào phút bù giờ cuối cùng, cả sân vận động Mỹ Đình bùng nổ. Tôi đứng lên trên ghế, hò reo và khóc. Những giọt nước mắt sung sướng lăn dài trên má. 5 năm theo đội tuyển, lần đầu tiên tôi mới cảm nhận được hương vị ngọt ngào của chức vô địch. Ở dưới sân, anh Võ Quốc Thắng, tung bay cùng lá quốc kỳ, đang cùng các cầu thủ chạy vòng quanh sân, để chia vui và cám ơn cổ động viên. Tôi khóc một lần nữa! Tuyệt vời quá, đội tuyển Việt Nam ơi!

    1 giờ sáng, tôi về đến khách sạn. Việc đầu tiên là vào Internet để xem lại bàn thắng. Rất may, trên website của Tuổi Trẻ Online có clip khá đầy đủ. Tôi xem đi xem lại pha ghi bàn của Công Vinh và lặng lẽ khóc! Sáng hôm sau, gặp huấn luyện viên Calisto ở khách sạn La Thành, tôi đã cám ơn ông và hy vọng ông sẽ tiếp tục công việc HLV trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam trong thời gian sắp tới.

    Là doanh nhân lại ôm đồm nhiều việc, chuyện theo chân đội tuyển là không dễ dàng. Nhưng với tôi, ủng hộ đội tuyển không chỉ vì mê bóng đá cũng không phải vì không khí sôi động của những khán đài mà còn là niềm tự hào dân tộc. Tôi luôn tự hứa với lòng, sẽ cố gắng thu xếp để có thể tiếp tục đồng hành cùng đội tuyển bóng đá Việt Nam dẫu biết rằng, không phải bao giờ Việt Nam cũng chiến thắng!

    Còn nữa...
     
    CGD goldie thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng sáu 2018
  6. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    Triều Tiên Ký sự

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Từ ngày 8 đến ngày 17 tháng Tư năm 2012, tôi tham gia đoàn Việt Nam sang thăm Triều Tiên tham dự các hoạt động chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Kim Nhật Thành.

    Tôi đã rất háo hức khi có cơ hội đến thăm quốc gia được cho là còn nhiều bí ẩn này. Đoàn chúng tôi ra sân bay Bắc Kinh sớm ba tiếng. Quầy của hãng hàng không Triều Tiên Koryo Air không một bóng người vậy mà chỉ trong vòng 30 phút thì xuất hiện cả một đám đông chờ đợi. Tất cả đều là khách quốc tế đến với Triều Tiên. Trong ngày 11 tháng Tư năm 2012, có bốn chuyến bay từ Bắc Kinh đến Bình Nhưỡng. Hiện tại, về đường hàng không, chỉ có thể bay đến Bình Nhưỡng từ Trung Quốc hoặc Nga. Tôi gặp lại anh bạn người Úc, họa sĩ George Burchett cũng đáp chuyến bay đi Triều Tiên. George sinh ra tại Hà Nội và là con của phóng viên chiến trường nổi tiếng, Wilfred Graham Burchett, người đã sát cánh với bộ đội Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến và đã nhiều lần gặp Bác Hồ. Họa sĩ George hiện sống tại Hà Nội và đang cùng với con trai của mình thực hiện một bộ phim tư liệu về Việt Nam. Anh đã đến Triều Tiên một lần cách đây mười năm. Chúng tôi lục tục làm thủ tục check-in chuyến bay. Tôi hốt hoảng vì cả đoàn không có tên trong danh sách hành khách chuyến bay JS222. Rồi sau đó được biết là đoàn Việt Nam được đưa vào chuyến bay JS322 sau đó một tiếng. Người có kinh nghiệm nhất trong đoàn về Triều Tiên cười cười và thông báo: “Mọi người yên tâm, sẽ còn những trục trặc nho nhỏ nữa nhưng rồi đâu sẽ vào đấy thôi!” Sau đó, đúng là có những trục trặc nữa như sai họ của một chị trong đoàn và thiếu tên một người nhưng cuối cùng, tất cả đều có boarding pass. Vì đoàn chúng tôi mang khá nhiều quà cho trường Mẫu giáo Kim Sang, đơn vị kết nghĩa với trường Mẫu giáo Việt Triều – Hà Nội cùng hai món quà cho lãnh đạo Triều Tiên nên hành lý bị quá cước 40kg. Cô nhân viên đại diện của Koryo Air xinh đẹp đã vui vẻ đóng dấu “Chấp nhận” cho số lượng quá cước trên khi nghe tôi trình bày về những món quà thắm đượm tình hữu nghị Việt Triều của chúng tôi!

    Khi bước lên chiếc máy bay TU-154 khá cũ và nhỏ thì tôi thật sự lo lắng. Tìm đến chỗ ghi trênboarding pass thì đã có hành khách ngồi. Cô tiếp viên Triều Tiên xinh đẹp nhẹ nhàng chuyển chúng tôi sang vị trí khác. Trên máy bay vẫn còn những chiếc gạt tàn thuốc, các hộc đựng đồ phía trên thì khá nhỏ, các nút vặn đều đã cũ. Máy bay nổ máy khoảng 50 phút mới cất cánh. Bù lại, đồ ăn trên máy bay lại nhiều và ngon. Nước uống phục vụ gồm rượu, nước ngọt, bia, nước suối đều là sản phẩm của Triều Tiên. Sau gần hai giờ bay, chiếc TU-154 đã hạ cánh nhẹ nhàng trên đường băng sân bay Bình Nhưỡng. Tôi vỗ tay chúc mừng cho một chuyến bay bình an. Bình Nhưỡng đón chúng tôi trong cơn mưa lất phất. Tôi điền vào hai mẫu đơn nhập cảnh. Khi làm thủ tục, cô nhân viên an ninh hỏi tôi có phải đang làm việc tại công ty PNJ không? Tôi tròn xoe mắt và gật đầu. Sau này, tôi mới biết là danh sách đoàn Việt Nam gửi cho bạn cụ thể đến từng chi tiết nhỏ! Một yêu cầu bắt buộc của an ninh Triều Tiên là phải gửi lại điện thoại di động ở sân bay. Mặc dù, bạn có mang điện thoại vào thì cũng không thể sử dụng được vì không có dịch vụ chuyển vùng quốc tế. Tại Triều Tiên, một hãng viễn thông Ai Cập đang cung cấp dịch vụ di động và hiện có khoảng một triệu thuê bao. Tuy nhiên, người Triều Tiên chỉ có thể gọi cho người Triều Tiên và người nước ngoài sử dụng mạng riêng và cũng chỉ gọi được cho người nước ngoài! Tôi bắt đầu những ngày không điện thoại, không tin nhắn, không Internet và không Facebook từ lúc này. Tôi gặp rắc rối với hai món quà mang theo vì nhân viên hải quan bắt buộc tôi phải mở ra để kiểm tra. Tôi giải thích bằng tiếng Anh đó là mặt trống đồng và là quà tặng dành cho Đại tướng Kim Jong Un nhưng anh chàng vẫn không hiểu. Tôi phải vòng hai tay lại thành hình tròn và sau đó làm dấu hiệu đánh trống thì anh chàng mới xiêu lòng và cho qua.

    Từ sân bay về khách sạn, trời sụp tối và mưa lất phất vậy mà ngoài đường vẫn còn nhiều người dân đang cần mẫn chăm sóc các bồn hoa. Có lẽ, họ đang khẩn trương để kịp cho đại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch, lãnh tụ vĩ đại Kim Nhật Thành! Chúng tôi ở tại khách sạn bốn sao Yanggakdo, nằm trên một bán đảo ở thủ đô Bình Nhưỡng, bên cạnh sông Đại Đồng. Khách sạn có 47 tầng và đầy đủ tiện nghi bao gồm nhiều nhà hàng, cửa hàng, massage, sàn disco, karaoke và cả một casino nhỏ ở tầng hầm. Ấn tượng đầu tiên của tôi về nơi này là những con đường rộng thênh thang, xe cộ vừa phải, không có xe gắn máy và những cô cảnh sát xinh đẹp đứng ở các giao lộ để điều khiển giao thông. Tuy nhiên, do tiết kiệm điện nên buổi tối không có đèn đường. Hai bên đường là những chung cư thấp dưới tám tầng để không cần lắp thang máy. Màu sắc chủ đạo là trắng và xám. Người dân Bình Nhưỡng rất yêu hoa, gần như tất cả các ban công của các chung cư đều được trồng hoa. Bên cạnh khách sạn tôi ở cũng có một khu đất rộng được phủ ni lông để trồng hoa. Các đoàn quốc tế tay bắt mặt mừng với nhau tại sảnh của khách sạn. Rất nhiều người quen biết nhau từ trước và họ đã đến Triều Tiên nhiều lần. Ai cũng cảm thấy hạnh phúc và may mắn vì có mặt tại Bình Nhưỡng vào thời điểm đặc biệt này. Có tất cả là 64 đoàn quốc tế với gần 300 người. Đoàn Việt Nam chụp hình lưu niệm với đoàn Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ và Indonesia. Sáng hôm sau, tấm hình đó được đăng trang trọng trên báo Triều Tiên.

    Buổi ăn tối đầu tiên của chúng tôi là tại nhà hàng Triều Tiên trong khách sạn. Có kim chi muối, kim chi nước, cá chiên, thịt bằm, cơm trắng nấu bằng gạo Triều Tiên, hạt dài và dẻo, như vậy cũng đã vượt sự tưởng tượng và mong đợi của tôi. Tôi nhâm nhi thưởng thức bia Taedong-gang (Đại Đồng Giang) nổi tiếng, hương vị rất đậm đà và thơm ngon. Đây cũng là niềm tự hào của Triều Tiên khi bia Đại Đồng Giang là mặt hàng được xuất khẩu sang Mỹ. Công ty sản xuất bia Taedong-gang là đơn vị quốc doanh có trụ sở tại Bình Nhưỡng. Dây chuyền sản xuất bia được nhập từ Anh với giá 1,5 triệu đô la từ năm 2002. Tháng Sáu năm 2011, Mỹ đã nhập khẩu 400.000 chai bia Taedong-gang. Tôi ra quầy điện thoại tại khách sạn để gọi điện về nhà. Chi phí cho bốn phút gọi điện thoại về Việt Nam là 5 đô la. Ở đây, cũng có dịch vụ email nhưng bạn chỉ có thể gửi đi từ địa chỉ email của khách sạn. Cửa hàng trong khách sạn bán nhiều mặt hàng là đặc sản của Triều Tiên như mật gấu, sâm núi, sâm tự nhiên, nấm linh chi, thuốc An Cung, mỹ phẩm làm từ sâm, gạo Triều Tiên, váy Triều Tiên, đồ lưu niệm… cùng với thuốc lá 555 nhập tiểu ngạch từ Việt Nam, bia Heineken, bánh ngọt… Nói chung hàng hóa khá đầy đủ và phong phú. Tất cả đều được niêm yết bằng đồng won của Triều Tiên nhưng khách chỉ có thể thanh toán bằng đô la, Euro hoặc Nhân dân tệ. Tỷ giá vào khoảng 1 Euro bằng 130 Won, 1 đô la bằng 99 Won và 1 Nhân dân tệ ăn 16 won. Suốt cuộc hành trình chín ngày ở Triều Tiên, tôi không được nhìn thấy đồng tiền won. Bạn cũng không thể sử dụng thẻ tín dụng Visa hay Master ở đây. Tại khách sạn tôi ở thì ngoài những kênh truyền hình của Triều Tiên, Trung Quốc thì có 2 kênh nước ngoài là NHK tiếng Anh và BBC News. Tuy nhiên, người dân không xem được hai kênh này.

    Sáng sớm, kéo rèm cửa, tôi nhìn từ lầu 26 xuống dòng sông Đại Đồng hiền hòa và quang cảnh thành phố xa xa. Trời mờ sương và phong cảnh thanh bình. Chúng tôi đến thăm Vạn Cảnh Đài là quê hương của Chủ tịch Kim Nhật Thành và tham gia lễ trồng cây tại đây. Trên đường đi, tôi mở máy quay phim để ghi lại hình ảnh phố phường Bình Nhưỡng trong buổi sớm mai. Có nhiều xe điện trên đường gợi nhớ hình ảnh của Hà Nội ngày trước. Khá nhiều xe đắt tiền với các thương hiệu Lexus, Mercedes, BMW… bên cạnh những chiếc xe công nông, xe buýt, xe tải chật kín người. Bình Nhưỡng cũng có taxi với giá mà nhân viên sứ quán Việt Nam cho biết là khá rẻ. Điều đặc biệt là taxi ở đây là những chiếc Volkswagen Passat thanh lịch. Xe đạp thì chỉ lưu thông trên lề đường. Các ga tàu điện ngầm thì người lên xuống tấp nập. Theo lời giới thiệu của anh Kim, người Triều Tiên làm phiên dịch cho chúng tôi, là một cựu sinh viên khoa tiếng Việt, ĐH Tổng Hợp Hà Nội năm 1984-1988, thì hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Bình Nhưỡng được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Có tất cả 17 trạm với 24 km tàu điện ngầm với độ sâu từ 100-200m. Đây là hệ thống tàu điện ngầm sâu nhất thế giới và ngoài chức năng vận chuyển hành khách thì nơi này có thể là hầm trú ẩn khi chiến tranh xảy ra. Tôi để ý thấy là các con đường thênh thang ở Bình Nhưỡng đều không có tên và các chung cư không được đánh số. Ngay cả các tòa nhà mà tôi biết chắc là cơ quan chính phủ cũng không có bảng tên. Tôi thắc mắc điều này thì được trả lời là vì lý do an ninh. Tôi có kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến đi đến núi Bạch Đầu, vùng căn cứ địa trong cuộc kháng chiến chống phát xít Nhật của chủ tịch Kim Nhật Thành. Sau hơn một giờ bay từ Bình Nhưỡng bằng máy bay IL62 của Liên Xô cũ, chúng tôi đến được khu vực núi Bạch Đầu. Trời đổ tuyết trắng xóa và thời tiết là -5 độ. Chúng tôi tới thăm khu vực có bức tượng đồng Kim Nhật Thành cao sừng sững trên 5m, ngọn lửa tượng trưng cho thuyết Chủ thể (Juche) và nói lên tinh thần bất khuất của quân và dân Triều Tiên giữa bạt ngàn tuyết trắng. Sau đó, xe đưa chúng tôi đi xuyên qua rừng đến căn nhà gỗ là nơi đã sinh ra ông Kim Jong Il vào năm 1942. Một buổi lễ tưởng niệm đã được tổ chức tại đây, giữa trời tuyết trắng, trong hơn một giờ. Tôi rét run và chân tay tê cứng. Trở lại xe để di chuyển về sân bay thì xe của tôi gặp sự cố vì tuyết rơi quá dày nên xe không thể vượt dốc. Cả đoàn xuống xe và bắt đầu đẩy. Chiếc xe bus cũ kỹ nhích lên được một chút rồi trôi tự do thì mọi người hốt hoảng chạy dạt sang hai bên. Có một cô gái Triều Tiên luống cuống đứng phía sau khi xe đang tuột nhanh. Rất may, anh bạn Việt Nam trong đoàn đã kịp kéo cô bé này ra. Một tình bạn đẹp đẽ Việt Nam – Triều Tiên đã nảy nở từ đó. Sau ba giờ vật lộn với bão tuyết, ý chí và sức lực của khoảng 40 con người với nhiều màu da đã chiến thắng tuyết trắng. Chúng tôi đã dùng bữa trưa vào lúc 6 giờ chiều và bay về Bình Nhưỡng an toàn. Những ngày ở Triều Tiên, chúng tôi đã tham dự Hội nghị đoàn kết thống nhất Triều Tiên, lễ khánh thành tượng đồng Kim Nhật Thành, Kim Jong Il, lễ duyệt binh, lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Kim Nhật Thành, xem biểu diễn văn nghệ, bắn pháo hoa và đến thăm và giao lưu với thầy trò trường Đại học Kim Nhật Thành… Chúng tôi cảm nhận được tình cảm yêu thương, quý mến và đoàn kết của nhân dân thế giới dành cho Triều Tiên. Sau khi nghe tin vụ phóng vệ tinh thất bại, tôi có hỏi anh bạn Kim phiên dịch về suy nghĩ của anh. Anh ta cho biết là cảm thấy buồn nhưng đây là vấn đề khoa học kỹ thuật nên chuyện chưa thành công cũng là bình thường. Tuy nhiên, việc thất bại này không ảnh hưởng đến sự hân hoan, vui mừng của người Triều Tiên trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Kim Nhật Thành.

    Những ngày ở Triều Tiên, tôi đã chứng kiến sự kính trọng của người dân dành cho lãnh tụ, đặc biệt là Kim Jong Un. Người Triều Tiên nhận thấy Kim Jong Un có gương mặt và dáng đi rất giống ông nội Kim Nhật Thành khi còn trẻ, đặc biệt là giọng nói cũng rất giống. Vì vậy, tại lễ duyệt binh, khi Đại tướng Kim Jong Un bước ra lễ đài để vẫy chào, cô bạn Ri Mi Hwang đứng bên cạnh tôi đã khóc nức nở. Sau đó, tôi hỏi lý do của những giọt nước mắt thì Hwang trả lời là chưa bao giờ cô được nhìn thấy lãnh tụ Kim Jong Un gần đến vậy và tự nhiên nước mắt cứ trào ra. Hay tại lễ khánh thành tượng đồng Kim Nhật Thành và Kim Jong Il, hàng triệu người Triều Tiên tham dự lễ đã vừa vẫy hoa vừa khóc. Khi phóng viên VTV hỏi một người dân về chiều cao của bức tượng, câu trả lời là chiều cao bằng sự kính trọng mà người dân Triều Tiên dành cho lãnh tụ của họ.

    Vì lý do an ninh nên trong các sự kiện quan trọng nên chúng tôi không được mang theo máy chụp hình. Đêm cuối cùng, đoàn Việt Nam muốn được ăn tối ở một nhà hàng bên ngoài khách sạn. Dưới sự dẫn đường và đi cùng của anh bạn Triều Tiên phụ trách đoàn thì sau đó, tại bữa ăn, vẫn có sự tham gia của một nhân viên an ninh. Khi chúng tôi tính tiền, bước ra bên ngoài thì thấy có một nhóm nhân viên an ninh đang ở đó, có lẽ, họ làm nhiệm vụ bảo vệ cho đoàn. Tôi rất muốn đến thăm Bàn Môn Điếm, nơi giáp biên giới Hàn Quốc nhưng không thể thực hiện được vì cần phải làm thủ tục trước từ 7-10 ngày.

    Ở Bình Nhưỡng, tiền lương bình quân của người lao động là 20 đô la/tháng và nhà nước cấp nhà, nhu yếu phẩm, quần áo… Học sinh được miễn học phí và người dân được chăm sóc sức khỏe miễn phí. Cuộc sống ở đây nếu so sánh theo tiêu chuẩn vật chất của các nước xung quanh thì có thể còn nghèo nhưng những người dân mà tôi gặp vẫn lạc quan và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Lao động Triều Tiên. Tôi rất bất ngờ khi đến thăm các nhà hát với sức chứa 3.000 – 4.000 chỗ ngồi hiện đại và tuyệt đẹp, tháp Juche sừng sững, Khải Hoàn Môn vững chãi và các cụm tượng đài, nghĩa trang liệt sĩ oai nghiêm… Tôi cũng may mắn được chứng kiến màn trình diễn pháo hoa tuyệt vời trong đêm 15 tháng Tư năm 2012 bên sông Đại Đồng. Tôi tham dự cuộc họp với Bộ Giáo dục Triều Tiên thì được biết âm nhạc là môn học bắt buộc và chú trọng khi còn ở bậc mẫu giáo. Chính vì thế, trong chuyến thăm Hà Nội của 14 bé thuộc trường mẫu giáo Kim Sang vào tháng Hai năm 2012, cô giáo trường mẫu giáo Việt Triều kết nghĩa đã nhận xét các bé Triều Tiên đã hát rất hay, múa đẹp và tính kỷ luật hơn hẳn các bé Việt Nam đồng trang lứa.

    Hiện nay, Triều Tiên đang gặp nhiều khó khăn về lương thực. Theo thông tin từ sứ quán Việt Nam thì hàng năm, Triều Tiên chỉ có thể sản xuất tổng cộng 4,6 triệu tấn lương thực phục vụ cho 25 triệu dân, trong khi Việt Nam là 50 triệu tấn lương thực cho 90 triệu dân. Vì vậy, hàng năm Triều Tiên phải nhập khẩu hoặc nhận viện trợ từ 10 đến 15 triệu tấn lương thực. Nhiều tổng công ty Việt Nam muốn bán gạo qua Triều Tiên nhưng gặp khó khăn về thời hạn và phương thức thanh toán. Ngay cả tại sứ quán Việt Nam, mỗi khi nhận lương là phải bay về Bắc Kinh chứ không thể nhận tiền chuyển khoản trực tiếp tại Bình Nhưỡng. Một điều cũng khá hy hữu là ngoài 11 nhân viên sứ quán và 17 người thân ở cùng thì tại Triều Tiên không có bất kỳ một kiều bào nào. Trong chuyến đi này, tôi có gặp gỡ và trao đổi với ba công ty của Triều Tiên muốn hợp tác, kinh doanh với Việt Nam, bao gồm một công ty khai thác vàng; một công ty kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ và nhà hàng; một công ty khai thác đá quý và sản xuất nữ trang. Họ đều là các công ty quốc doanh và mong muốn giới thiệu cho thế giới biết về nền văn hóa Triều Tiên, sự khéo léo và cần cù của người Triều Tiên cũng như muốn tạo thêm việc làm cho người dân. Tại thời điểm này, hợp tác kinh doanh với nhau gặp nhiều trở ngại do Triều Tiên đang bị Mỹ cấm vận và việc thanh toán rất khó khăn. Chúng tôi cũng đã bàn bạc chi tiết hai dự án tương đối khả thi liên quan đến việc mở nhà hàng Triều Tiên ở TP. Hồ Chí Minh và tổ chức tour du lịch cho khách Việt Nam đến Bình Nhưỡng trong thời gian tới.

    Tôi rời Bình Nhưỡng trong sự luyến tiếc. Ri Mi Hwang, cô nhân viên làm việc Ủy ban người nước ngoài nhỏ nhắn; Ri Ung Chon, cô phục vụ nhà hàng dễ thương hay anh chàng Kim “phiên dịch”… đều để lại cho tôi những kỷ niệm sâu sắc về người Triều Tiên hiền hòa, tình cảm và chịu khó. Thủ đô Bình Nhưỡng vẫn đang tiếp tục phát triển và thay đổi mỗi ngày. Khách sạn Koryo 105 tầng, xây dựng từ năm 1978 đến nay đã gần như hoàn thiện và chuẩn bị mở cửa đón khách. Tôi tin rằng, Triều Tiên sẽ cởi mở trong chính sách của mình nhằm phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch và trở thành một điểm đến thú vị và hấp dẫn. Tôi mơ ước sẽ trở lại nơi này để được ngắm nhìn bình minh trên sông Đại Đồng, nhâm nhi bia Taedong-gang và thưởng thức màn đồng diễn Ariang nổi tiếng! Hẹn gặp lại, Triều Tiên!

    Còn nữa...
     
    CGD goldie thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng sáu 2018
  7. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    Những kỳ quan của tôi
    Bấm để xem
    Đóng lại
    “Mùa thu vàng” của Levitan

    Tôi không phải là người có nhiều kiến thức về hội họa. Tuy nhiên, ngay từ nhỏ, tôi đã rất ấn tượng và yêu thích các bức tranh về phong cảnh của Nga qua nét cọ của Isaac Levitan. Sinh ra trong một gia đình trí thức nghèo gốc Do Thái ở Nga, Levitan sớm bộc lộ tài năng từ khi chưa tới đôi mươi. Ở tuổi mười tám, Levitan đã đạt được những giải thưởng quốc gia về mỹ thuật. Levitan đã để lại gần 100 bức tranh vẽ mùa thu, chưa kể đến những bản phác họa. Chúng được tạo nên từ những hình ảnh quen thuộc như dòng sông nhỏ uốn quanh, những dòng xoáy lá của những cây bạch dương vàng lẻ loi, chậm chạp lặng lẽ trên bầu trời còn chưa trở gió. Tôi may mắn được đến nước Nga năm 2008, chứng kiến mùa thu tuyệt đẹp ở nước Nga nên càng yêu thêm tranh Levitan. Trong số 100 bức tranh về mùa thu của ông, tôi thích nhất là Mùa thu vàng. Tác phẩm này được vẽ vào năm 1895 nhưng màu vàng của rừng bạch dương nước Nga vào thu thật quyến rũ.

    Bờ biển Cayo Largo – Cuba

    Sau một giờ bay từ thủ đô La Havana, tôi đến đảo Cayo Largo, nơi được mệnh danh là một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới. Cuba có gần 6.000 km bờ biển với 289 bãi biển tự nhiên trong đó Cayo Largo và Cayo Coco, Varadero... là những bãi biển thu hút nhiều du khách nhất. Bên cạnh cát trắng, biển xanh, Cayo Largo còn có những dải đá ngầm thích hợp để lặn biển. Bờ biển thoai thoải nên du khách có thể tắm thỏa thích, dễ dàng và an toàn. Bầu trời trong xanh, cát trắng cùng nét hoang sơ của Cayo Largo đã trở thành thế mạnh lôi cuốn du khách, đó là chưa kể đến các món hải sản được phục vụ tại đây. Tôi vẫn nhớ mãi hương vị của tôm hùm nướng và các loại cocktail được thưởng thức ở bờ biển này.

    Thành phố Cape Town - Nam Phi

    Tôi đến Cape Town vào cuối tháng Mười năm 2009 cùng với đoàn doanh nghiệp trẻ Việt Nam. Thật không ngoa khi ví Cape Town như thiên đường du lịch, viên ngọc xanh của Lục địa đen. Nhiều du khách bình chọn Cape Town là điểm du lịch lý tưởng vì ba yếu tố: hoang dã, hiện đại và vẻ đẹp độc đáo của miền đất trù phú nhất châu Phi. Cape Town quyến rũ với bờ biển “đi bộ mỏi chân, ngắm nhìn mỏi mắt”. Cape Town nổi tiếng nhờ bến cảng và vương quốc thực vật Cape, bao gồm núi Bàn (Table Mountain) và mũi Điểm (Cape Point). Thật tuyệt vì chúng tôi đã có một ngày để dạo quanh bán đảo Cape, chiêm ngưỡng cảnh quan thoáng đãng, lộng gió của Sea Point và vịnh Hout; sải bước trên bãi biển Boulders để tìm hiểu về cuộc sống của các chú chim cánh cụt, tham quan ngọn hải đăng trên mũi Điểm hay chụp một tấm hình lưu niệm với mũi Hảo Vọng, điểm cực Nam châu Phi mà Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương gặp nhau.

    Đền Taj Mahal - Ấn Độ

    Năm 2001, tôi tham gia cuộc thi Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong thế kỷ XXI do Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức và đạt giải nhất, phần thưởng là chuyến du lịch bảy ngày tại Ấn Độ. Và công trình kiến trúc ấn tượng nhất đối với tôi tại Ấn Độ là đền Taj Mahal. Ngôi đền là một kỳ quan mà vua Shah Jahan đã xây bằng cả trái tim mình, minh chứng cho tình yêu vĩnh hằng giữa ông và hoàng hậu Mumtaz. Shah Jahan lên ngôi năm 37 tuổi và là một trong những hoàng đế giàu nhất hành tinh thời bấy giờ, hoàng hậu Mumtaz, mẹ của 13 đứa con, đã kiệt sức trong lần sinh nở cuối cùng và qua đời ở tuổi 35. Người ta kể rằng, chỉ hai tuần sau khi hoàng hậu Mumtaz mất, râu tóc nhà vua đã bạc trắng. Ông quyết tâm cho xây một ngôi đền tưởng niệm vĩ đại nhất từ xưa đến nay cho người vợ yêu quý của mình. Các nhà kiến trúc giỏi nhất thời đó, từ Trung Hoa, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và cả Hy Lạp đều được triệu đến để thực hiện giấc mơ đế vương. Năm 1652, ngôi đền được hoàn thành, phải mất 22 năm để xây dựng ngôi đền với hơn 20.000 thợ nề, thợ mộc, nghệ nhân về đá hoa, thợ làm đồ gốm và thợ kim hoàn.

    Phố cổ Hội An

    Tôi yêu Hội An và có nhiều kỷ niệm đẹp với phố Hoài cổ kính, bình dị nhưng không kém phần nên thơ, đẹp đẽ này. Tôi yêu Hội An vì những dãy phố cổ gần như nguyên vẹn, kiểu nhà hình ống xuyên suốt từ phố nọ sang phố kia, đặc biệt là dãy phố nằm sát bờ sông Hoài. Tôi yêu những đêm rằm, mùng Một, Hội An lung linh trong những chiếc đèn lồng đủ màu và sự bình yên sâu lắng của Hội An. Theo thống kê của Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An, đến nay, Hội An có 1.360 di tích, danh lam thắng cảnh. Các danh thắng được phân thành 11 loại, gồm 1.068 nhà cổ, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần linh, 28 ngôi đình, 38 nhà thờ tộc, 5 hội quán, 11 giếng nước cổ, 1 cầu, 44 ngôi mộ cổ. Riêng trong khu vực đô thị cổ đã có hơn 1.100 di tích. Hội An cũng lưu giữ nền tảng văn hóa phi vật thể khá đồ sộ. Cuộc sống của cư dân với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa đang được bảo tồn và phát huy cùng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, các làng nghề truyền thống, các món ăn đặc sản... làm cho Hội An ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn.

    Khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội

    Tôi thường xuyên đi công tác tại Hà Nội. Tôi ở khách sạn Sofitel Metropole vài lần và rất nhiều lần gặp gỡ bạn bè, đối tác ở quán cà phê trong khách sạn. Tôi thích Sofitel Metropole vì phong cách kiến trúc cổ kính của thời Pháp thuộc, do hai nhà đầu tư người Pháp xây dựng từ năm 1901, nằm ngay trung tâm Hà Nội, gần hồ Hoàn Kiếm và Nhà hát Lớn tráng lệ. Sofitel Metropole đã kỷ niệm hơn một thế kỷ hoạt động và là khách sạn năm sao đầu tiên ở Hà Nội. Nơi đây từng là nơi từng đón tiếp danh hài Charlie Chaplin, minh tinh màn bạc Paulette Goddard, diễn viên điện ảnh Jane Fonda và cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac.

    Còn nữa...
     
    CGD goldie thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng sáu 2018
  8. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    Phần 4

    Tản văn, tạp bút


    Còn bao điều chờ đợi trước thềm xuân

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Là một doanh nhân, “Tết” với tôi luôn là một từ mang lại nhiều cảm xúc trái ngược nhau. Tết đến tức là đã hết một năm kinh doanh đầy sóng gió, rất cần thời gian để ngồi nghiền ngẫm, đánh giá những được mất hơn thua, để hiểu mình và trưởng thành hơn.

    Tôi tham gia điều hành nhiều công ty, nên chuyện đánh giá kết quả đã đạt được trong năm mất rất nhiều thời gian. Các con số phản ánh kết quả thì có thể dễ dàng đánh giá được, nhưng những sai lầm của mình trong điều hành, trong xử thế thì khó nhìn nhận hơn rất nhiều.

    Tổng kết năm cũ là một việc phải làm nhưng cũng không quan trọng bằng việc xây dựng kế hoạch cho năm mới. Tốc độ phát triển phải cao, tất cả các chỉ tiêu đều phải xây dựng một cách tiên tiến trong bối cảnh khó khăn, khủng hoảng vẫn còn hiển hiện. Lại thêm một thách thức rất dễ gây bạc đầu, nhăn trán mặc dù tuổi đời chưa đến 40!

    Tết đến cũng mang theo sự lo toan về tiền thưởng cho nhân viên. Chứng kiến sự vất vả, quần quật làm việc của nhân viên, đặc biệt là công nhân trực tiếp sản xuất, càng làm lòng mình day dứt vì sự chăm lo vẫn còn khiêm tốn. Công nhân đến từ mọi miền của đất nước, chung lưng đấu cật để mong có thu nhập, cuộc sống tốt hơn. Nhìn những nụ cười, lời chia tay, chúc Tết nồng ấm tình người của công nhân trong tiệc tất niên hay buổi gặp mặt đầu xuân, rất nhiều lần tôi đã cay cay sống mũi. Tôi đã phát biểu rất thẳng thắn trước đội ngũ cán bộ chủ chốt rằng, nếu như để công nhân bị nhận lương thấp, điều kiện làm việc không đảm bảo thì đó là lỗi, là trách nhiệm của chúng ta, trong đó có bản thân tôi!

    Tết đến cũng đồng nghĩa với tiệc tùng liên miên. Rượu bia lênh láng, thức ăn ê hề, những lời chúc tụng, những cái cụng ly, những gương mặt đỏ gay và những lời hát nghêu ngao cuối tiệc. Cũng không thể chê bai gì các tiệc tất niên này. Vì đó cũng là dịp để mọi người xích lại gần nhau hơn và cảm nhận được cái tình đồng nghiệp, nhận thức rõ ràng hơn chúng ta là một tập thể! Chỉ ước ao là mình đừng uống nhiều và đừng ép bạn mình uống như vậy. Vì ai cũng biết là xung quanh mình vẫn còn nhiều mảnh đời bất hạnh cần bàn tay sẻ chia, đặc biệt là mỗi dịp Xuân về!

    Công ty tôi có một truyền thống rất tốt đẹp đó là trực tiếp tổ chức các hoạt động hỗ trợ đồng bào nghèo ăn Tết. Chúng tôi đã mang những phần quà đến với các đồng bào nghèo ở các địa phương xa xôi trên cao nguyên hoặc đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi tặng quà cho các anh chị ở Hội người mù của quận, cho các em bé khuyết tật... Nhìn món quà Tết của mình trong tay những người bác, người chị có hoàn cảnh khó khăn, thật lòng tôi không cảm thấy hãnh diện; mà len lỏi cả xót xa khi nhận ra những gì mà tôi và các đồng nghiệp của mình mang lại cho họ còn nhỏ bé quá!

    Tết đến, tức là có một vài ngày nghỉ, như một khoảng tĩnh lặng trong cuộc đời bận rộn, để dừng lại và nhìn nhận lại bản thân. Khi Xuân về, trong khói nhang trầm mẹ thắp, trong cái nắng hanh hanh vàng và tiết trời dịu mát giao mùa, sự chiêm nghiệm về bản thân, cảm nhận hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống lại trỗi dậy trong tôi. Không còn tự hỏi ta là ai giữa hỗn mang này nữa, nhưng vẫn phải trả lời cho câu hỏi ta phải làm gì để là chính mình, để có thể cống hiến và chia sẻ nhiều hơn? Cảm nhận cuộc đời đang ngắn dần không phải là một cảm nhận dễ chịu và hiểu rằng mình còn nợ cuộc đời này quá nhiều luôn là một điều day dứt!

    Mỗi khi Xuân về, tôi thấy lòng mình bồi hồi. Niềm vui sướng khi Tết đến của những ngày thơ bé không còn nữa. Vẫn nghèn nghẹn, nằng nặng đâu đó những điều mình chưa làm được, những day dứt, trăn trở cho những ngày sắp đến! Nhưng tôi vẫn yêu lắm cuộc đời này! Mùa xuân ơi!

    Nguyễn Tuấn Quỳnh (giải Nhất)

    Giải Tùy bút “Xuân hạnh phúc”

    năm 2010 của Báo Tuổi Trẻ

    Còn nữa...
     
    CGD goldie thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng sáu 2018
  9. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    Cuối năm

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cuối năm! Mắt nhìn vào màn hình mà đầu óc cứ lơ mơ. Giá chứng khoán nhảy chập chờn nhưng cũng không lôi kéo được sự quan tâm. Hình như, được mất lúc này không phải là điều quan trọng nữa!

    Cuối năm! Trên bàn đầy thiệp chúc Tết và lịch năm mới. Nhưng vẫn chưa có thời gian để đi lang thang tìm cho mình cái lịch bàn phù hợp. Còn lịch “kính biếu” này sẽ được tặng lại cho người khác. Một số cuốn sẽ theo ba mẹ về quê!

    Cuối năm! Bên ngoài, các bạn nhân viên đang tất bật, điện thọai đổ chuông liên tục. Công việc nhiều hơn và ai cũng muốn làm cho xong. Vất vả cả năm rồi nhưng cuối năm còn mệt hơn nữa. Làm để sống hay sống để làm đây?

    Cuối năm! Kế hoạch năm sau khá nặng. Phải bắt tay thực hiện từ bây giờ. Nên cũng chẳng có nhiều thời gian rảnh để nghĩ vu vơ. Vòng quay cuộc đời cứ như vậy. Lập kế họach - cắm đầu thực hiện - tổng kết đánh giá - lập kế hoạch cho năm sau! Đó là các kế hoạch đo được bằng con số. Còn kế hoạch về lòng yêu thương và tình cảm thì sao?

    Cuối năm! Tự nhiên muốn gác hết mọi thứ lại, quẩy balô đi đâu đó một mình, ngồi lặng lẽ nhìn mặt trời lên trên biển, nhâm nhi ly cà phê nơi phố núi mờ sương hay độc ẩm trong quán vắng ven đường. Ta ham hố và bon chen quá nên ít có thời gian sống cho riêng mình! Buồn!

    Cuối năm! Nhớ lại những gương mặt vừa quen vừa lạ. Có những người chỉ gặp một lần trong đời, những vùng đất đã đến và sẽ không bao giờ quay lại. Chợt cảm nhận tình người, tình đất nồng ấm, thiết tha.

    Cuối năm! Không khí chùn lại hẳn. Cũng đúng thôi vì ai cũng muốn có chút tĩnh lặng cho riêng mình. Ngày xưa, mình sống vô tư và ít nghĩ ngợi nên không cảm nhận gì về những lần giao chuyển thời gian. Còn bây giờ, càng lớn tuổi càng trầm tư hơn, càng cảm nhận được ý nghĩa sâu sa của cuộc đời, kiếp người.

    Cuối năm! Chẳng bao lâu nữa sẽ sang một năm mới với nhiều dự định cho riêng mình! Buồn hay vui, sung sướng hay đau khổ thì vẫn phải sống, phải tự tin và tiến về phía trước. Dù sao thì cũng phải cảm ơn sự tươi đẹp của cuộc đời và tính bản thiện của con người.

    Cuối năm! Tức là sắp thêm một tuổi. Tức là không còn trẻ và không còn khỏe. Tức là mơ ước đôi khi chỉ là ước mơ. Nhắm mắt và cảm nhận cõi đời mênh mông quá! Trong đầu vang lên khe khẽ câu hát “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng... để gió cuốn đi!”

    Cuối năm!!!


    Còn nữa...
     
    CGD goldie thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng sáu 2018
  10. Chiracat Nhân Ngư Ham Việc

    Bài viết:
    589
    Xuân về trong nỗi nhớ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Gia đình tôi có truyền thống là hằng năm, vào mùng 2 Tết, cả nhà sẽ tụ họp về quê ở xã Tương Bình Hiệp, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Đây vừa là dịp để cả nhà sum họp ngày đầu năm, đồng thời cũng là đám giỗ của chú Bảy, một liệt sĩ đã được phong anh hùng. 34 năm qua kể từ năm 1976 là như vậy!

    Chỉ một năm trước đây thôi, bà nội tôi, trung tâm của gia đình, ở độ tuổi trên 90, vẫn lụm cụm thu xếp cho ngày mùng 2 Tết này. Bà đi chợ trước cả tháng, mua đồ làm mắm sắt, món ăn yêu thích của các con cháu. Bà tự lên thực đơn và chuẩn bị một mình. Con cháu nhiều lần đề nghị bà nội nghỉ đi, đừng vất vả như vậy nữa, chúng tôi có thể thuê người đến nấu đám giỗ nhưng nội không đồng ý. Nhìn cảnh bà cụ già trên 90 tuổi, lưng còng, đi bộ lên chợ Cũ cách nhà một cây số, mua từng con cá sặt, trái đu đủ… để về làm đám giỗ cho con, mới cảm nhận hết tấm lòng lớn lao của người mẹ Việt Nam.

    Chú Bảy hy sinh trong đợt tấn công vào Sài Gòn,Tết Mậu Thân năm 1968. Khi ấy, chú Bảy thuộc lực lượng an ninh vũ trang T4, đã cảm tử chiến đấu ở khu vực chợ Thiếc, Quận 11 bây giờ, để chống trả cuộc truy quét của Mỹ ngụy và giúp cho Bộ chỉ huy tiền phương rút về căn cứ an toàn. 11 chiến sĩ an ninh T4 đều đã dũng cảm hy sinh trong trận đó. Sau đó vài tháng, tại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam, cha tôi đã nhận được giấy báo tử của chú Bảy. Sợ bà nội buồn, cha tôi đã giấu kín tin này.

    Tháng Năm năm 1975, khi nước nhà thống nhất, bà nội hỏi cha: Sao thằng Bảy chưa về? Cha sợ nội buồn nên trả lời: Nó còn bận một số công việc, chắc là sẽ về sau. Bà nội không nói gì. Bữa cơm sum họp đầu tiên, cha thấy trên bàn, nội dọn dư một bộ chén, đũa. Nội khóc và nói: “Cái này là dành cho thằng Bảy. Má biết là nó đã hy sinh rồi!” Linh tính người mẹ đã mách bảo cho nội biết khi đứa con yêu dấu của mình nằm xuống!

    Chú Bảy mất năm 1968 nhưng phải đến hơn 20 năm sau, gia đình mới tìm được mộ. Tại lễ cải táng để đưa hài cốt chú Bảy về nghĩa trang liệt sĩ thành phố, bà nội đã khấn rõ ràng: Chiến tranh loạn lạc nên có thể người nằm dưới mộ này không phải là thằng Bảy, con tôi. Nhưng dù là ai thì đây cũng là liệt sĩ Cách mạng và gia đình xin phép được hương khói!

    Tuổi thơ của tôi, hễ Tết đến là cha mẹ cho về nội. Cho nên, ký ức về Tết của tôi luôn có hình bóng của bà nội, về những bữa ăn ngày Tết đạm bạc nhưng rất ngon, là những câu chuyện nội kể khi tôi khóc rấm rứt nhớ nhà, là món mứt dừa nội làm vừa dẻo vừa ngọt lịm…

    Tôi lớn lên, không về quê ăn Tết như thời thơ bé. Gia đình tôi chỉ tụ họp lại vào ngày mùng 2. Tết năm Canh Dần vừa rồi, như linh tính báo trước, tôi về dự đám giỗ và đồng thời chụp rất nhiều hình ảnh với nội. Các con tôi và những người thân cũng quây quần bên nội và tôi bấm máy liên tục. Nội cười móm mém, tóc bạc trắng như cước, còn rất khỏe mạnh, minh mẫn và sắp đặt đám giỗ đâu ra đó. Nội hạnh phúc khi thấy con cháu về đông đủ và sum vầy trong ngày đầu Xuân.

    Vậy mà, chưa đầy năm tháng sau thì nội mất. Nội ra đi nhẹ nhàng như chìm vào một giấc ngủ sâu. Cả nhà cuống cuồng tìm một bức ảnh của nội để thờ. Cha tôi nhớ đến chuyện tôi chụp rất nhiều hình của nội dịp Tết và nhờ tôi lựa một tấm đẹp nhất để rửa ra làm ảnh thờ. Tuy nhiên, khi dọn dẹp lại đồ đạc của nội, cha tôi mới phát hiện ra, nội đã đóng khung sẵn 1 tấm ảnh của mình và đó chính xác là khung ảnh dùng để thờ khi nội mất. Tất cả những cô chú sống bên cạnh bà nội mà hoàn toàn không biết đến tấm ảnh này. Nội đã chuẩn bị cho sự ra đi của mình một cách chu đáo đến như vậy.

    Quê hương với tôi là gắn liền với hình ảnh của nội. Mỗi khi ai nhắc đến quê hương, trong lòng tôi lại nhớ da diết đến nội với nụ cười móm mém, với những món ăn quê nội nấu. Mùa xuân trong tôi cũng ngập tràn hình bóng của nội. Xuân này, gia đình cũng sum họp ngày mùng 2 Tết nhưng không có nội. Có lẽ vì vậy mà với tôi, Xuân này, niềm vui không trọn vẹn. Con nhớ nội, nội ơi!

    (Vượt qua gần 400 bài dự thi, tác phẩm Xuân về trong nỗi nhớ của Nguyễn Tuấn Quỳnh và Forsythia, loài mai vàng đất lạ của NTTK đã giành được giải nhất đồng hạng của cuộc thi Tùy bút Xuân hoài hương năm 2011 của Báo Tuổi Trẻ!)

    Còn nữa...
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng sáu 2018
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...