Review Sách Gulliver Du Ký - Jonathan Swift - Không Đơn Thuần Là Một Cuốn Sách Phiêu Lưu Dành Cho Trẻ Em

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi MTrang1102, 9 Tháng tám 2023.

  1. MTrang1102 Ờm …

    Bài viết:
    394
    Sách: Gulliver du ký (Những cuộc phiêu lưu của Gulliver)

    Tác giả: Jonathan Swift.

    Thể loại: Hư cấu, kỳ ảo, châm biếm.

    Năm phát hành: 1726.

    Reviewer: MTRang.

    "Gulliver du ký" của nhà văn Jonathan Swift được biết đến là tiểu thuyết phiêu lưu hư cấu với những tình tiết giàu tính tưởng tượng sáng tạo. Là cuốn sách phổ biến nhất cho mọi lứa tuổi trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng bạn có biết, đằng sau cốt truyện phiêu lưu kì thú trên những vùng đất lạ, là những lời mỉa mai miêu tả chính đất nước Anh thế kỷ XVIII đầy biến động, Jonathan Swift đã mượn sự hư cấu đầy ngô nghê và nực cười để thẳng thắng nói lên quan điểm của mình về nước Anh trong giai đoạn đó.

    [​IMG]

    Tóm tắt sơ lược:

    Truyện gồm có 4 phần, mỗi phần sẽ kể về những vùng đất kỳ ảo - nơi mà nhân vật chính tên là Gulliver lưu lạc đến. Gulliver được giới thiệu là một bác sĩ giải phẫu, nhưng lại có sở thích phiêu lưu, để vừa làm công việc của mình vừa thực hiện sở thích, ông đã xin làm việc trên một tàu buôn. Không may thì con tàu ấy bị đắm, Gulliver thoát chết nhưng bị lưu lạc đến những vùng đất kì lạ. Đầu tiên là vùng đất Lilliput - vùng đất chỉ toàn là người tí hon, trải qua những câu chuyện tranh chấp kì lạ ở nơi đây, như tranh chấp nên đi "giày gót cao" hay đi "giày gót thấp", rồi lại tranh chấp nên đập trứng đầu to hay nhỏ để ăn. Dẫn đến hai phe chiến tranh từ trong nội bộ cho đến với các nước khác, Gulliver đã ra tay giúp nhà vua của Lilliput rất nhiều nên được coi trọng nhưng lại khiến nhiều người ghen ghét. Sau do có một đám cháy lớn bao trùm cung điện linh thiêng, để giải nguy thì Gulliver dùng thân thể to lớn của mình tiểu lên để dập lửa. Anh bị kết án là phỉ báng thế là phải chạy trốn sang vùng đất khác là Blefuscu, từ nơi đây anh tìm cách trốn và quay về nhà.

    Tưởng chừng cuộc phiêu lưu đã chấm dứt, Gulliver tiếp tục đi theo tàu buôn để làm việc và tiếp tục bị lạc lên những vùng đất kì lạ khác như Brobdingnagians - xứ sở của người khổng lồ, tiếp tục trải qua những câu chuyện cai trị kì lạ của vương quốc này, lần này anh còn trở thành món đồ chơi bé nhỏ yêu thích của hoàng hậu. Nhưng Gulliver lại trốn thoát được nhờ con chim ưng và lưu lạc đến vùng đất khác là Laputa.

    Laputa là vùng đất không có khác biệt gì về kích thước nhưng lại có những con người với tâm trí kì lạ, nơi có những nhà bác học, sử học hay triết học với những phát minh ngô nghê kì cục, ví dụ như trích xuất tia nắng từ dưa chuột chẳng hạn. Ngoài ra, khi ở đây anh còn được đi thăm các vùng đất lân cận như Glubbdubdrib - nơi của những phù thủy, rồi lại đến Luggnagg - nơi có những con người bất tử gọi là struldbrugs, tưởng chừng sự bất tử là một món quà lớn nhưng với họ tuổi càng cao họ lại càng bị đối xử như tội phạm. Cuối cùng, Gulliver cũng thoát khỏi đó để đến thăm một vùng đất khác.

    Ở phần cuối, Gulliver đã đi đến vùng đất của chủng tộc ngựa gọi là Houyhnhnms - được đánh giá là chủng tộc ngựa cao quý, thông minh và lý trí. Phục tùng cho chủng tộc ấy là nhóm tộc ngựa Yahoo - được đánh giá là bẩn thỉu. Sau khi trải qua những câu chuyện ở đây, anh bị Houyhnhnms buộc rời khỏi nơi này. Trở về, Gulliver tránh xa khỏi con người kể cả vợ con mình chỉ để trò chuyện cùng với ngựa trong trang trại.

    Cảm nhận cá nhân:

    Mình hoàn toàn có thể thưởng thức bộ truyện với trí tưởng tượng bay cao và giải trí, khi không cần đánh giá sâu xa, bởi cốt truyện hết sức sáng tạo của Jonathan Swift, cũng đủ hấp dẫn đối với mọi đứa trẻ rồi.

    Nhưng thực chất, đây là cuốn sách chiến đấu của tác giả với nền chính trị và xã hội nước Anh thế kỷ XVIII, nó thể hiện rõ rệt ở thái độ của tác giả được lồng ghép tinh tế qua cốt chuyện phiêu lưu đầy cuốn hút, và qua nhân vật trung tâm Gulliver. Jonathan đã dùng giọng văn tuy chậm rãi, hóm hỉnh nhưng lại vô cùng đanh thép để chống lại giai cấp thống trị tồi tàn và một xã hội đang dần bị mục rửa. Đặc biệt để tập trung phê phán và mỉa mai chính trị và con người, ông chia ra theo từng phần rất rõ rệt, ở hai phần đầu nhà văn đã miêu tả và lên án những chính sách cai trị nực cười của đế quốc Anh giai đoạn đó, và hai phần sau ông dành để mỉa mai những mặt tối trong xã hội con người.

    1. Thái độ phê phán nền chính trị nước Anh thế kỷ XVIII thông qua vùng đất người tí hon và vùng đất người khổng lồ (Phần I và phần II).


    Thái độ mỉa mai của tác giả làm người đọc lầm tưởng như ông đang ca ngợi và tự hào về đất nước Anh "Tổ quốc vinh quang", "niềm tự hào của vũ trụ".. nhưng ẩn sau lời nói đó là vẻ mỉa mai, chỉ trích thâm sâu. Chỉ sau khi đọc sâu vào tác phẩm, những nét xấu xa và bản chất hiện thực của triều đình Lilliput mới hiện ra. Ông coi việc tranh chấp đảng phái của nền chính trị nước Anh thế kỷ XVIII như một điều ngớ ngẩn khi lồng ghép vào câu chuyện các con người ở đây tranh cãi giữa mang giày gót cao hay giày gót thấp, như mỉa mai sự tranh chấp của hai đảng phái ở nước Anh là vô nghĩa. Từ đó, cho ta thấy thái độ mỉa mai, lên án và chống đối mạnh mẽ của một Jonathan Swift với một chính quyền yếu kém Lilliput giả tưởng hay hiện thực chính là nước Anh thế kỷ XVIII của ông. Các cuộc xung đột ngớ ngẩn khác lại xảy ra ở xã hội giả tưởng này, kết quả dẫn đến những cuộc chiến tranh phi nghĩa, nhưng những hậu quả để lại là tổn thất nặng nề.

    "Chúng tôi mất bốn mươi tàu chiến lớn và một số lượng tàu chiến nhỏ nhiều hơn thế, cùng ba vạn thủy thủ và lính tinh nhuệ. Người ta ước tính quân địch còn tổn thất nhiều hơn thế.."

    Lời miêu tả về chiến tranh xung đột ở thế giới giả tưởng ấy tượng trưng cho chính lời tâm sự của tác giả kể về hậu chiến tranh mà các đảng phái trong nền chính trị nước Anh để lại cho người dân, người đọc có thể cảm nhận được thái độ ông vô cùng phẫn uất trước một nền chính trị rối ren, và sự bất tài của nhà cầm quyền.

    Jonathan Swift lại thể hiện thái độ phản kháng cương trực của mình thông qua thái độ của nhân vật chính Gulliver, khi chỉ nhân vật Gulliver chống đối mạnh mẽ lại với lối cai quản cường quyền, cho thấy tác giả không hề muốn khuất phục trước giới quý tộc cầm quyền của nước mình mà phản ứng lại mạnh mẽ


    "Lời tuyên bố thẳng thắn và cương quyết của tôi đi ngược lại đường lối và mưu toan của nhà vua, cho nên không bao giờ vua có thể tha thứ cho tôi được [..] Từ ngày ấy, giữa nhà vua, một số tổng trưởng có âm mưu chống lại tôi một cách độc ác đã âm ỉ trong ngót hai tháng, suýt nữa thì tôi toi mạng. Thế mới hay rằng, những việc phục vụ nhà vua dù là to lớn nhất cũng chẳng có giá trị gì lắm, nếu người ta không chịu mù quáng chiều theo dục vọng của ngài."

    [​IMG]

    Bên cạnh đó, ông vẫn tiếp tục tỏ vẻ thất vọng về đất nước của mình, khi Hoàng Cung xảy ra hỏa hoạn, nơi ăn chốn ở của đức vua và hoàng hậu cùng các quan thần khác, Jonathan Swift không ngần ngại, can đảm dùng ngòi bút châm biếm ấy mà vẽ ra hành động Gulliver phóng uế lên nơi thiêng liêng và tối thượng ấy. Sự khinh miệt gay gắt ấy đã tô đậm thêm sự bất bình và phẫn uất trong lòng ông đối với nền chính trị và giới quý tộc cầm quyền của nước Anh thời bấy giờ, chỉ ra sự phi lý của giới cầm quyền và trút lên đó sự phẫn nộ của ông một cách gay gắt.

    Sự phản kháng của tác giả với nền chính trị nước Anh vẫn kéo dài đến phần II, thông qua cuộc đối thoại của Gulliver với vua của xứ Brobdingnagians. Đó là sự đối lập trong cách quản lý, cách suy nghĩ, hành động của hai quốc gia khác nhau giữa Gulliver và nhà vua xứ này. Những lời nói của đức vua chính là những gì mà tác giả muốn nói, muốn phê phán hiện thực và những mặt hạn chế đang diễn ra ở nước Anh. Hàng loạt câu hỏi liên tiếp mà vua xứ Brobdingnag dành cho Gulliver như là những gì mà tác giả muốn chất vấn những người cầm quyền, những người ban hành luật pháp của nước Anh, nhưng đáp lại lời ông là những câu trả lời lấp liếm, bối rối.

    "Ngài khinh bỉ và coi rẻ tất cả mọi thứ bí mật, khôn khéo, mưu mô xảo quyệt của bất cứ ông vua hay vị tổng trưởng nào. Ngài không sao hiểu nổi thế nào là" bí mật quốc gia "nếu không phải là ám chỉ một kẻ thù hoặc một nước thù địch nào."

    2. Thái độ phê phán xã hội con người trong xã hội nước Anh thế kỷ XVIII thông qua hai vùng đất hư cấu là Laputa và chủng tộc ngựa Houyhnhnms (Phần III và phần IV)


    Sau khi đã phê phán nền chính trị chán chê của mình, ông lại tiếp tục phê phán về con người và xã hội nước Anh của mình lúc bấy giờ. Tác giả cho nhân vật đối diện với những nhà bác học và nhà nghiên cứu ngớ ngẩn đến mức lố bịch, thể hiện một thái độ ngán ngẩm, chán nản và tức giận về những con người này, ông tạo ra một bầu không khí vui nhộn nhưng đằng sau sự vui nhộn đó là một thực trạng nhức nhói trong giới nghiên cứu. Ông phỉ báng họ qua những lời miêu tả lố lăng và cợt nhả nhưng đầy thâm sâu.

    "Những con người này đã mất hết trí tưởng tượng, ước mơ và tính sáng tạo. Trong ngôn ngữ của họ thậm chí không có những từ ngữ để thể hiện các khái niệm này. Ngoài toán học và âm nhạc họ chẳng biết gì hết và thậm chí không muốn biết."

    Bên cạnh đó, ông tiếp tục dùng yếu tố hư ảo và hoang đường đó là thuật gọi hồn để nói lên sự thật về lịch sử của nước Anh. Gulliver nhờ thuật gọi hồn nên đã trực tiếp nhìn thấy những vĩ nhân của nước Anh bằng tận mắt mình. Và thông qua nhân vật, tác giả đã trực tiếp chê bai các nhà sử học và các nhà văn đã viết sai sách sử tệ hại như thế nào về các vĩ nhân lịch sử của đất nước mình.

    "Tất cả những người được gọi lên từ thế giới này vẫn còn giữ được những dáng vẻ bên ngoài đến từng chi tiết nhỏ nhất. Khi so sánh dáng vẻ bên ngoài của họ với bề ngoài của những người đương thời, tôi đã đi đến kết luận hết sức đen tối về sự đồi bại của nhân loại trong thế kỷ gần đây"

    "Tôi đặc biệt cảm thấy ghê tởm đối với lịch sử cận đại"

    Ông thẳng thừng chê trách họ bằng giọng điệu đanh thép, gọn gàng nhưng chỉ cần đọc một dòng ngắn như thế, cũng đủ hiểu sự bất bình của ông là lớn như thế nào.

    Tiếp đến, tác giả lại mượn một vùng đất giả tưởng ngựa người khác để nói lên một xã hội thối nát và vô đạo đức, ông phơi bày những con người trong xã hội nước Anh một cách trần trụi nhất.

    "Một số bị phá sản vì các vụ kiện tụng liên miên, số khác đã phung phí hết tài sản của mình vào việc nghiện ngập, chơi bời phóng đãng và trò cờ bạc".

    Ông bày tỏ một lối suy nghĩ khinh rẻ và tức giận với các loại người xấu xa đang tồn tại trong xã hội Anh. Kèm theo đó ông kể về những cuộc nội chiến giữa những con người tàn độc nơi đây bằng lời miêu tả mỉa mai, những vấn đề tranh cãi ấy tuy vô bổ nhưng họ vẫn ra tay tàn ác với đồng loại mình, cho thấy ông coi họ như những kẻ ngu dốt hung bạo, bất hạnh và vô nhân đạo.

    "Các cuộc tranh cãi đôi khi chỉ ở chỗ thân thể là bánh hay bánh là thân thể; cái gì tốt hơn; hôn một mẩu gỗ hay là ném nó vào lửa; màu sắc quần áo ngoài cần phải là màu gì; đen, trắng, đỏ hay là xám và v. V, - đáng giá bằng nhiều triệu sinh mạng"

    Ông phê phán gay gắt sự phi nhân tính của con người, đến nỗi ở thực tại nhà văn vẫn cảm thấy mất niềm tin vào những con người tàn ác xung quanh mình. Nó được thể hiện thông tình tiết nhân vật Gulliver dù đã trở về nhà nhưng sau đó lại xa lánh con người và chỉ muốn nói chuyện với con ngựa của mình.

    Kết:

    Xuyên suốt tác phẩm là một giọng điệu hóm hỉnh cùng với tình tiết kỳ thú phiêu lưu tươi sáng, nhưng đằng sau sự vui tươi ấy là sự thẳng thắng, khi ông dám kể lên một nền chính trị và xã hội mục nát với giọng điệu cợt nhã. Dù cho ông tạo ra những điều giả tưởng, con người giả tưởng trong cuộc phiêu lưu hoang đường, nhưng chúng đều gắn với thực tế, và trong mắt ông những nhà cầm quyền ở Anh thế kỷ XVIII chẳng khác nào một câu chuyện hề hước và nực cười như những gì ông đã miêu tả trong truyện. Ông còn khẳng định những gì ông kể điều có thật, ông chỉ mượn sự hư cấu để vạch trần một cách mỉa mai đến xã hội tăm tối thời bấy giờ. Điều đó thuyết phục chúng ta tin vào thế giới hoang đường này, và cảm thấy cợt nhả với những thứ mà ông phê phán xuyên suốt tác phẩm, thay vì chỉ dừng lại là một tác phẩm giải trí đơn thuần.


    "Trong miêu tả này tôi không chỉ thêu dệt mà còn nói phần nào sự thật. Cũng có thể giống như các nhà du lịch khác, tôi có lẽ làm bạn kinh ngạc và khó tin những chuyện tôi kể, nhưng tôi có ý đồ trình bày chỉ những sự kiện bằng cách hành văn đơn giản nhất."

    [​IMG]

    Ông thể hiện sự bất mãn của mình hầu như đều qua nhân vật Gulliver và lời miêu tả của mình đối với những con người ngờ nghệch lố bịch, cách dùng từ châm chọc, coi thường những thứ giả tạo và sự ngớ ngẩn. Nhưng bên cạnh những thái độ căm phẫn đó, tác giả không chỉ châm biếm để tạo nên tiếng cười chua chát mà còn là một cách để khiến mọi người ngẫm nghĩ lại một nền chính trị và xã hội nước Anh lúc bấy giờ, cho những con người ngu muội nhận ra thực tế của mình, mơ ước về một xã hội sẽ thay đổi một cách tốt đẹp hơn, bằng cách vẽ ra những điều tốt đẹp, cao cả khác bên cạnh cái sự thật phũ phàng tồi tàn của nước nhà, như ông đang mở ra một con đường cụ thể mong muốn mọi người có thể thay đổi theo hướng ấy để tạo dựng lại một nước Anh vĩ đại và nhân văn hơn.

    Truyện đã được chuyển thể từ phim ảnh cho đến hoạt hình, tuy nhiên với mình bản tiểu thuyết gốc vẫn là đỉnh nhất, bởi ngôn từ quá đỗi sắc sảo của Jonathan Swift và những tình tiết phiêu lưu kỳ thú được miêu tả vô cùng sống động. Chẳng cần đến phim ảnh, khi mình đọc cuốn sách này, cả một vùng đất hoang tưởng lập tức hiện ra trong đầu mình rất phong phú, kích thích tư duy tưởng tượng và sáng tạo của độc giả rất cao. Bên cạnh đó, là tầng lớp ý nghĩa và sự châm biếm thâm sâu của tác giả ẩn chứa trong tác phẩm, luôn khiến mình ngẫm nghĩ và chiêm nghiệm rất lâu về mặt tối của xã hội con người ở thế kỷ trước, cho đến nay vẫn còn tồn đọng.


    -HẾT-
     
    Chỉnh sửa cuối: 9 Tháng tám 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...