Ở ĐÂU ĐÓ NGƯỜI CÓ ĐỢI TA [1] Tiến sĩ Stephan Bertman (Windsor, Ontario. Sinh ngày 20 tháng 7, 1937, tốt nghiệp tại Đại học Columbia) là giáo sư danh dự tại Đại học Windsor, là tác giả và dịch giả của bảy cuốn sách kinh điển, trong số đó phải kể đến bộ 4 công trình làm nên tên tuổi ông :(1) Doorways through Time (featured by the Natural Science Book Club), (2) Eight Pillars of Greek Wisdom, (3) Handbook to Life in Ancient Mesopotamia, và (4) Erotic Love Poems of Greece and Rome . * * * Con người ngây thơ trong thế giới cổ xưa hay con người đầy phức cảm trong thời đại kỹ nghệ đối mặt với bao phi lý, với nỗi sợ hãi và sự bất an luôn bám lấy những nỗ lực hiểu rõ cảm xúc của chính mình thì trong tâm hồn, vẫn một nỗi khát khao truy cầu một tình yêu hoan lạc, mơ những giấc mơ riêng, và săn tìm mộng. Tình và mộng Huyền thoại xưa kể bằng giọng tụng ca. Đó là giọng của Homer mở đầu các sử thi của mình. Đó là giọng ngợi ca thần thánh trước đền thờ. Đó là khung cảnh tình yêu (a love scene) được nữ thần ái tình Aphrodite (the Greek goddess of sex) vẽ nên trong Iliad [The Iliad, 3: 380-447] . Đó là lời xưng ca cho tình yêu nhục cảm chứ không phải khúc hoan ca chiến lạc [ "make love not war", The Iliad, 6: 392-496] và đó là bức tranh tuyệt diệu – bức tranh một người tình dương gian bóc trần nữ thần ái tình ( "a human lover undresses the Goddess of Love") được thi nhân vẽ nên bằng ca từ thần thánh xưng tụng tình yêu nhục cảm: "Hát lên đi, ôi nữ thần Muse – Thác lời tôi kể lại câu chuyện xưa xa". Tình yêu ấy – một thứ tình yêu ủ mộng, đầy mộng ảo mà rất thực. Nó khơi gợi nhục cảm trần tục mà linh thánh. Sắc màu ảo huyền phủ lên tình yêu với vẻ đẹp thuần khiết – ái ân – dâng hiến. Trên tinh thần ấy, mở đầu tập sách "Erotic Love Poems of Greece and Rome", a collection of New Translations by Stephen Bertman (Thơ tình nhục cảm Hy―La, bản tổng hợp những dịch phẩm mới của Stephen Bertman ), Stephen Bertman chọn dịch Iliad và Odyssey củaHomer từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Anh. Đây là bản in những dịch phẩm công phu của Stephen Bertman cho các tác phẩm kinh điển của 19 thi nhân người Hy Lạp và La Mã, như Homer, Sappho, Mimnermus, Theognis, Vergil, Catullus.. Toàn bộ tập sách là tuyển tập những bài thơ, những ca thi tuyệt đẹp hướng về chủ đề văn học sinh thái: Human Nature Poems . Mộng và nỗi cô đơn Từ nhiều trăm năm trước công nguyên, các nhà thơ Hy Lạp và La Mã đã đề cao mối quan hệ con người với thiên nhiên, hướng về thiên nhiên, ca ngợi thế giới tự nhiên, gọi nó bằng danh xưng Gaia: "To Gaia–fertile mother, wise sister, I love her daily grace, her silent daring, and how loved I am" (Hướng về Gaia – người mẹ màu mỡ, người chị hiền minh, ta yêu vẻ duyên dáng của người, sự dũng cảm lặng im của người, và ta yêu biết bao). Trong tập sách này, dịch giả Stephen Bertman không chỉ tập trung chuyển dịch thi phẩm của các thi nhân sang tiếng Anh, mà đây đó sau mỗi bài, dịch giả khơi gợi bình chú dẫn dắt độc giả bước vào thế giới cô độc của các tình nhân – cái tôi của nhà thơ trong đêm mộng, nơi giao hòa giữa thật và ảo, giữa tâm và tình, giữa cá nhân và vũ trụ. Mối giao hòa ấy người Hy Lạp xưa gọi là cosmos . Quan niệm về cosmos của người Hy Lạp cũng giống với quan điểm vạn vật hòa hợp – tương tức (interbeing) của Phật giáo. Mỗi con người chúng ta tồn tại trong mối tương hòa giữa vũ trụ bên ngoài và thế giới tâm cảm bên trong, nhưng càng tiến về thời hiện đại, con người càng đối xử với vũ trụ, với thế giới bên ngoài theo kiểu chaos, dần dần mất đi cảm thức "interbeing", muốn rời xa cosmos, để trở về với chaos (hỗn mang). Cái đẹp của tập thơ thể hiện ở chỗ dịch giả Stephan Bertman đã dụng công tuyển và dịch các bài thơ cùng hướng về tình yêu, tình yêu giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, trong tâm thức tương giao giữa thế giới nội tâm và ngoại cảm của thi nhân Hy Lạp – La Mã thời xưa. Lấy xưa để nói nay. Nói tương giao để đối lập cái khu biệt, cái hỗn mang. Nói cosmos để bài chaos. Trong tâm thế ấy, hãy đọc thơ Sappho nhé. [Trang 28] Night (169A) Down has gone the moon And stars, half-gone is Night, time passes And I lie alone. Dịch thơ: Đêm Sao khuya đã lặn Nửa đêm trăng tàn Trôi bước thời gian Tôi nằm hiu quạnh. (Dị Khách dịch) Sappho (630 – 580, TCN) – nữ sĩ đầu tiên trên thế giới làm thơ ca ngợi tình yêu giữa phụ nữ và phụ nữ – thông qua giấc mộng đêm thu gọi về cảm thức tương giao COSMOS, trả mộng về với cái đẹp, gói nỗi cô đơn lòng mình trong cảm thức luyến lưu - tương tức, thể hiện tinh thần đối lập lại sự không hòa điệu, chống lại sự hỗn mang. Hình ảnh trăng tàn sao lặn phản ánh bức tranh nằm lẻ loi một mình của nhà thơ. Mặt trăng (the moon), bản thân nó, trong văn hóa Hy Lạp được ví với người nữ. Ánh sáng mát dịu của trăng như sự dịu dàng đầy nữ tính. Đó là cõi huyền mộng băng lạnh của nữ thần Artemis[2] – nữ thần trinh tiết không bao giờ yêu. Chòm sao (stars) ở đầu dòng thứ 2 của bài thơ chính là biểu trưng của mùa Thu, là Pleiades/ˏpli: əʹdi: Z/ – chòm sao Kim Ngưu là dấu hiệu báo cho biết thời điểm những người nông dân Hy Lạp bắt đầu gieo trồng mùa vụ của họ. Gieo trồng là ý niệm về việc thành gia lập thất, sinh con đẻ cái. Hình ảnh mặt trăng và chòm sao ấy là phép ẩn dụ đầy tính dục (sexual metaphor) để soi chiếu hoàn cảnh lẻ loi của nữ sĩ trong đêm, như cách mà thơ ca phương Đông chúng ta gọi "tả cảnh ngụ tình". Đọc Night của Sappho, mà nhớ hai câu trong bài Tương biệt dạ của Huyền Kiêu (1915 – 1995) : "người xưa lưu luyến ra sao nhỉ? Có giống như mình lưu luyến chăng?" * * * Chú thích: [1] Nhân đọc cuốn sách Erotic Love Poems of Greece and Rome"(a collection of New Translations by Stephen Bertman ), New American Library, 2005. [2] Trong thần thoại Hy Lạp, nữ thần Artemis (tiếng Hy Lạp: Ἄρτεμις) là một trong mười hai vị thần trên đỉnh Olympus. Artemis là con của vị thần tối cao Zeus và nữ thần Leto thuộc dòng dõi Titan, là người em sinh đôi với thần Apollo. Trong thần thoại La mã, Artemis được đồng nhất với nữ thần Diana Nữ thần Artemis có biểu tượng là vầng trăng khuyết và cây nguyệt quế, xuất hiện dưới hình ảnh một trinh nữ xinh đẹp mặc áo đi săn, mang cung bạc và đeo ống tên vàng. Nàng có một tấm thân thuần khiết, trong trắng vì nàng không bao giờ yêu.. Sự lạnh lùng của nàng lại là mối nguy hiểm.